Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Lặng thầm Nguyễn Việt Bắc

   Nhà thơ Nguyễn Việt Bắc (trái) và Vũ Nho

LẶNG THẦM NGUYỄN VIỆT BẮC
Qua hai tập thơ Người ta & tôi
Một mình trăng lên, nhà xuất bản Hội nhà văn 2007 và 2012

                            Vũ Nho

Trước khi viết về hai tập này, tôi muốn dẫn lại đây lời đánh giá của cố nhà thơ kiêm nhà phê bình Trịnh Thanh Sơn về thơ Nguyễn Việt Bắc:
“…thơ Nguyễn Việt Bắc ở tập thứ ba này ( tập Dội hoa lên trăng – VN) đã thăng hoa lên rất nhiều, lại trầm tĩnh và dung dị hơn rất nhiều. Anh đã tìm thấy giọng điệu cho riêng mình, lặng lẽ đi trên con đường thơ dài thăm thẳm” ( Văn Nghệ trẻ số 20, ngày 15/5/2005).


Cũng năm ấy, trên báo thơ , nhà thơ Trúc Thông với bút danh Ninh Vân đã biểu dương những câu thơ yêu của Nguyễn Việt Bắc:
    “Em đi
    Hồn anh đi!
    Đường xuân hun hút gió
    Có ngôi mộ mặc áo
    Đi 
    Lang thang
Thế mới là yêu, vấp, buồn đến đáo để. Anh càng làm mới nỗi thất tình thiên cổ của con người, tôi càng thích. Làm mới được những cái cũ  mèn chính là thử thách ngưỡng tài năng của anh” ( báo Thơ, số 19+20,  năm 2005).
    Tuy khen ngợi, nhưng nhà thơ cũng cảnh báo rằng không “ngon ăn” đâu. Cần phải có “ một tìm tòi chiến lược chứ không “ăn” quân mảnh lẻ dù có những nước đi cũng hay hay”.
    Từ ngày đó, Nguyễn Việt Bắc đã cho in hai tập thơ mới. Anh đã có giọng điệu riêng, có gương mặt riêng. Nhưng anh vẫn rất dễ bị khuất lấp, dễ bị bỏ qua với những bạn đọc hờ hững, vô tình. Có  hạt cát khổng lồ bảo anh “Thực thà quá”, môi đỏ bảo anh “Hiền lành quá”, bạn thì bảo “ Viết những câu thơ lạ quá”. Còn anh thì sao? Anh nhìn lại mình rồi :  “Lại đi từ số không/Lại bước vào/Đám đông” ( Nhìn). Không ít người làm thơ viết truyện, thậm chí viết tiểu thuyết, viết bình thơ, viết tiểu phẩm. Họ khao khát muốn giao lưu với bạn đọc trên nhiều kênh. Nguyễn Việt Bắc thì không. Anh chỉ chuyên về thơ. Anh có vật vã không, có khao khát  làm mới không, có muốn bung phá không? Chắc là có. Chứng cớ còn đây trong bài “Mất ngủ” : “ Ta một đời mất ngủ/ Tìm thơ như khí trời”. Và nhiều lắm, đây: “ Một bài lục bát chưa in/ Trắng mây tóc, trắng chữ tin/dại khờ” ( Lục bát chưa in); đây nữa : “ Chín tháng mười ngày không sinh một chữ” ( Thơ và Tiền).  Cái đáng quý ở anh là không sốt ruột, không hoắng, không tự đánh bóng tuổi tên. Cứ lặng thầm mà viết, mà đi đến trái tim người đọc.
    Không ít những câu thơ của anh đã bén rễ trong tình cảm  của tôi, một người  ham đọc. Những câu thơ “lạ quá”:
    Vẻ đẹp ngang tàng của các cô gái 8x:
    Con gái
    Môi mọng chín
    Mắt xanh đánh võng
    Áo ba lỗ
    Soóc bò
    Phóng Dream cong kim cây số
            Ngỡ ngàng
Sự kì diệu của  người yêu đến với người yêu :
    Em đến
    Mắt vật vã cháy
    Và
    Môi thăng hoa
        Nói dối
Một cuộc họp trong vô vàn những cuộc họp thời họp phát phong bì, khi thủ trưởng (và không ít người nhuộm tóc) độc diễn:
    Tóc anh cỏ mướt
    Sổ giấy trắng tinh
    Chỉ một người nói
    Còn toàn
            Lặng thinh
            Họp
Và những người nông dân đang mất ruộng :
    Ruộng vườn cứ tuột khỏi tay
    Bữa ăn không ớt mà cay đắng lòng
            Chợ làng

Có thể nói Nguyễn Việt Bắc đã chầm chậm đằm sâu trong cảm xúc, cô đúc chữ nghĩa, lặng thầm sẻ chia với bạn đọc những suy ngẫm về cuộc đời, về phận người qua chính mình và những người thân. 
Không ít lần ta bắt gặp anh phân thân, trong một bài thơ, trong một tập và cả 5 tập thơ đã in.
    Mình bỗng
    Thành hai con người
    Một người
        Theo gió rong chơi
    Một người
        Ngồi
            Với bời bời
                    Cỏ xanh
                Thiên thai
Vui và buồn thường xen nhau, trong buồn có vui, trong vui có buồn. Nó là tâm trạng phổ biến của con người. Nhưng  nó thể hiện đậm nét trong  thơ Nguyễn Việt Bắc, một người mộng mơ nhưng cả nghĩ, một người rời làng ra phố nhưng hồn vía vẫn đau đáu với những buồn vui của làng.
Anh buồn, nhưng là cái buồn khoẻ khoắn của người không thể vui. Anh lo lắng, nhưng là cái lo của người nhân hậu, muốn mọi người sống tin hơn, yêu hơn và hạnh phúc hơn. Anh phê phán, nhưng bằng tấm lòng của người trong cuộc chân thành, dù đôi khi gay gắt. Trên tất cả, vẫn là sự nhân hậu, bao dung và hết mình. Mặc dù thực tại:
    …biết bao điều dối
    Diễn  từng giờ loanh quanh, loanh quanh
            Chấp nhận
    Chữ, số như đạn xuyên vào ngực
    Miệng gai gai lật đọc báo ngày
    Tỷ tỉ đồng lọt qua kẽ tay
            Nỗi buồn
    Trời vẫn chang chang nắng
    Ngày lại ngày thiếu vắng
    Ánh mắt trong thật thà
            Tặng hoa
Nhưng anh vẫn tin. Anh tin vì con người không thể sống thiếu niềm tin, cũng như trái tim không thể một ngày không yêu (A. Puskin). Ngay cả khi biết rằng tin là phải trả giá: Cứ mải mê tin. Có thật. Ở hiền gặp lành. Ta thành vỏ chanh. Rồi Lại mải mê không một chút phân vân. Kiếp sau. Vẫn vỏ chanh. Tin (Tin). Tin như thế, nên Nguyễn Việt Bắc có những câu thơ như là phương châm sống nhân hậu, sống đẹp trong cuộc sống còn lắm ngổn ngang, lộn xộn, còn nhiều điều trái khoáy, bất cập này:
Mai sau là hạt cát
Giờ hãy là bông hoa
        Hoa
Gió thổi cát vào trong ngọn lửa
Sáng mai ta thành thuỷ tinh
               Ta dẫm vào ta
Yêu, tin, nên lạc quan vui sống, trân trọng nâng niu những gì nhỏ bé, ân tình xung quanh.
        Chiều về
        Nắng tựa lan can
        Gặp lời chào hỏi vỡ tan ưu phiền
                Ngõ nhỏ
Cái niềm vui ấy gợi nhớ bài thơ Xoá của anh ( tập Dội hoa lên trăng). Đây cũng là một cách thức hay để con người giải tỏa ẩn ức, bức xúc:
Sáng họp
Người nói như những con thú trúng đạn
Trưa đi nhậu với bạn
Uống nỗi buồn vào lòng
Chiều về gặp em
Nụ cười như bút xoá

Tôi không rõ Nguyễn Việt Bắc có cố gắng theo bước Chế Lan Viên  ”nở chùm hoa trên đá” sau 5 tập thơ đã in hay không. Dẫu sao, anh có thể yên tâm vì những mùa ”gặt chữ” của anh đã góp một phần nhỏ bé vào kho tàng thơ ca lớn lao mà các nhà thơ đang ngày ngày lặng thầm sáng tạo để làm đầy lên mãi.
                                    Hà Nội, 6/10/2012

2 nhận xét: