Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Bốn bài tứ tuyệt của Trần Đăng Thao với lời bình Vũ Nho

                                                      Trần Đăng Thao bìa trái với Vũ Nho ( Vũ Bình Lục chụp)


Bốn bài tứ tuyệt của Trần Đăng Thao với lời bình Vũ Nho


Hoàng Lan
          Giữa hạ, ngày cao, nắng chói chang
          Hoàng lan nở đẫm một sân vàng
          Trời như mát lại trong màu mắt
          Đã thấy màu thu thấp thoáng sang

Lời bình
Câu thơ đầu tiên đọc thật sướng. Nó  có dáng dấp của Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên. Giữa hạ thì rõ về thời gian rồi, nhưng ngày cao là một  từ ngữ độc đáo. Ngày  đã lên cao rồi chăng? Lên đến khoảng nào thì gọi là cao? Ngày lên hay mặt trời lên? Chỉ biết rằng nắng đang chói chang. Đang bừng bừng nắng. Vậy mà, đáng lẽ cỏ hoa phải tránh cái nắng gắt, thì hoàng lan lại nở đẫm một sân vàng. Cái từ đẫm mới thần tình làm sao. Đúng là nhãn tự theo cách bình thơ cổ. Màu hoàng lan đẫm sân lập tức làm cho cái nắng chói chang trở nên dịu lại.
          Và như thế, trời mát lại trong màu mắt. Và lạ thay, giữa hạ mà thấy màu thu thấp thoáng sang.  Thấp thoáng thôi, như có mà lại như không. Vô lí nhưng có lí vì hoàng lan đã làm thay đổi tất cả.

Chiều vườn Bùi
          Loáng nắng cò sang, phía chợ Đồng
          Nửa chiều như có, nửa như không
          Góc vườn lặng lẽ chùm lan nở
          Hương có rơi vào trong giếng trong

Lời bình
 Buổi chiều vườn Bùi được nhìn từ một không gian rộng thênh, từ vườn nhìn ra đồng. Cánh cò muôn thuở bỗng lọt vào tầm mắt thi nhân. Thần tình ở chỗ cò bay thành ra loáng nắng. Cái nắng nhờ cánh cò chuyển động mà cũng thành chuyển động.
Không thể không nhớ đến câu thơ tài tình của Trần Đăng Khoa : Cánh cò chớp  trắng trên sông Kinh Thầy. Nhưng cái loáng nắng cánh cò ấy cũng nhanh chóng biến mất để lại một không gian buổi chiều từng nổi tiếng trong thơ Trần Nhân Tông : bán vô bán hữu tịch dương biên - bóng chiều man mác có dường không (Thiên Trường vãn vọng). Mà từ cái không gian hư ảo ấy, điểm nhìn của nhà thơ rút lại, tập trung vào góc vườn, tập trung vào chùm lan nở, tập trung vào hương thơm của nó với băn khoăn : hương có rơi vào trong giếng trong. Nếu làn hương không rơi vào trong giếng thì sao? Điều gì sẽ xảy ra? Hoa đã lặng lẽ nở, hương đã lặng lẽ bay. Vậy cái gương trong lòng giếng có được soi hương hoa, phản chiếu cái đẹp mỏng manh ấy không? Một băn khoăn thật là thi sĩ.

Dáng thu
          Thu dậy thì, những nét dáng quen
          Hương thu ngan ngát, trắng bên thềm
          Chiều nay thu chín. Vàng trên lá
          Thấy cả Thiên Hà trong mắt em

Lời bình
Thật ra bài thơ này gợi nhớ  mùa thu, nhưng lại cũng gợi nhớ về một mĩ nhân đang độ vào thu đẹp hết mình ( Phan Thị Thanh Nhàn). Vì thế mới có thu dậy thì. Cái tuổi dậy thì là tuổi phát triển mạnh bộc lộ những vẻ đẹp giới tính quyến rũ nhất. Dậy thì , mới mẻ nhưng không phải là mới lạ vì bao đời nay thu vẫn thế. Mới mẻ nhưng vẫn là những nét dáng quen. Mùa thu toả hương, hương đất, hương trời, hương người, hương cây, hương hoa, hương quả. Cái mùi hương ấy chẳng những thơm ngan ngát mà hình như  kết đọng lại thành vật hữu hình nên mới có màu sắc trắng. Hay là do thu chín chiều nay mà có màu trắng ảo ảnh ấy?
          Còn chưa kịp băn khoăn thì người thơ đã soi  vào mắt người  để thấy thiên hà trong đó. Cái màu trắng ảo trên với màu vàng trên lá đã tan vào nhau tự lúc nào để thành thiên hà trong mắt ai.

Vô đề
          Lắc thắc lúa đương vào cữ mẩy
          Trời vừa se lạnh chớm đông về
          Em đi tóc ủ đầm hương lúa
          Thơm cả đôi bờ ngực áo quê

Lời bình
Nhà thơ Vân Long đã viết lời bình thoả đáng cho bài tứ tuyệt  trên và anh cho rằng đây là “ Bài thơ hoàn chỉnh nhất, gợi cảm nhất về chủ đề này” ( chủ đề quê hương – VN).
          Quả thực một đời thơ mà viết được một bài tứ tuyệt như trên kể cũng coi là thoả mãn.
          Điều thú vị nhất là nhà thơ đã nghe  được tiếng lắc thắc của lúa đang vào cữ mẩy. Cái âm thanh lắc lắc ấy thì chỉ nghe bằng tưởng tượng mà thôi, chứ tai làm sao mà lắng được? Nhưng chắc chắn là có âm thanh, bởi vì ở đây  có sự sống đang sinh sôi, đang kết tụ kì diệu từ không đến có.  Trong một không gian mà thời tiết  mới vừa se lạnh, mới chớm đông về, con người mới thanh thản làm sao. Cô gái đi trên đồng gợi nhớ cô gái trong  bài ca dao Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng. Nhưng cô gái của ca dao ấy như chẽn lúa đòng đòng, một vẻ đẹp khoẻ khoắn, dân dã, thì người con gái  trong thơ đây được phác hoạ bằng  tóc ủ đầm hương lúa. Không phải hương bồ kết gội từ nhà, mà chính hương lúa ủ tóc. Cái không khí se lạnh ấy rất hợp cho từ , vì ủ là trùm kín, là giữ nhiệt độ thích hợp, như ủ mầm cho hạt, như ủ ấm cho người. Cái  mái tóc ủ đầm hương lúa ấy sẽ toả thơm người thôn nữ. Và một nét phác nữa :
          Thơm cả đôi bờ ngực áo quê
Nhà thơ Vân Long hình dung cô gái vắt mái tóc dài đầm hương lúa ra trước ngực như con sông chẩy giữa đôi bờ ngực áo. Một cách hình dung đẹp. Nhưng  khi thơ ca đã chấp nhận bờ vai, bờ môi, bờ mi, sao lại không chấp nhận đôi bờ ngực? Có nhất thiết phải là hương lúa thơm, hay người con gái là bông hoa ( người ta là hoa của đất) cũng tự toả thơm?
                                                          Hà Nội, 14-15/7/2008




         

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn bác Vũ Nho. Từ lâu em đã đọc và thích thơ của bác Trần Đăng Thao.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Thao biết nhiều thơ Đường, giỏi chữ Hán. Thư tứ tuyệt của Trần Đăng Thao độc đáo. Một số bài tác giả làm bằng chữ Hán rồi tự dịch. Những người như thế ở ta không nhiều. Cám ơn bạn đã ghé và chia sẻ!

      Xóa