Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

NHỚ LẠI “LỚP VỠ LÒNG VĂN HỌC” VỚI THÀY TRƯƠNG TỬU





NHỚ LẠI “LỚP VỠ LÒNG VĂN HỌC”
VỚI THÀY TRƯƠNG TỬU



       LÊ GIA LINH – LOÃN

                      Khoá I, Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội  1954 - 1957



Đầu năm 1952

Một lực lượng cơ động lơn của quân đội Pháp bị giam chân ở thị xã Hoà Bình trong vòng vây ngày càng xiết chặt của các đại đoàn chủ lực của ta.

Lợi dụng thời cơ lịch sử đó, bộ đội đã luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm ở Liên khu 3, đánh vào sau lưng địch, san phẳng hàng trăm đồn bốt, giải phóng một vùng rộng lớn từ Hưng Yên, Hà Nam sang miền ven biển Thái Bình, Nam Định.

Nhân dân vô cùng phấn khởi vì thoát được vòng kìm kẹp khủng bố của quân Pháp và nguỵ quyền, còn chúng tôi, lớp học sinh trung học, lại thêm một niềm phấn khởi là từ đây sẽ thoát khỏi nền giáo dục nô dịch, khong còn phải ngồi để nghe những lời xuyên tạc, nói xấu, bôi nhọ nhân dân ta và cách mạng – vì đường ra vùng tự do đã khai thông và các trường cấp 2 + 3 ở vùng kháng chiến đang mở rọng cửa đón học sinh trong vùng bị địch tạm chiếm ra học.

Tuy đường đi còn xa xôi cách trở nhưng chúng tôi rất quyết tâm nên sau Tết Nhâm Thìn (1952) đã lặng lẽ bỏ các trường trung học của địch lên đường vào Thanh Hoá.

Ở đây, ven hai bờ sông Chu có rất nhiều trường của Thanh Hoá và của Liên khu 3 tản cư vào như Lam Sơn, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thượng Hiền, Ba Đình, Hồ Tùng Mậu, Phan Thanh, Nguyễn Trãi, Nguyễn Biểu, Hoa Lư… đặc biệt, còn có trường Dự bị Đại học ở gần chợ Đu: đó là một điểm sáng, một đỉnh cao của nền giáo dục tiến bộ mà chúng tôi hằng mơ ước vươn tới.

Vì năm học ở ngoài vùng kháng chiến và ở trong vùng địch tạm chiếm chênh nhau một học kỳ, bọn học sinh Đệ tứ chúng tôi chỉ được nhận vào học lớp 7 (lơp cuối cấp II) dù rằng chúng tôi đã học được hơn một học kỳ. Tìm hiểu kỹ hơn, thấy thực tế về tự nhiên và ngoại ngữ chúng tôi học vững vàng hơn và chỉ kém về các môn Khoa học Xã hội với các khái niệm phản đế, phản phong, đấu tranh giai cấp, lập trường vô sản, cách mạng quốc tế…


Sau nhiều buổi ngồi ngoài sân nghe lỏm các lớp dự bị đại học khoá I học trong đình, về Toán, Lý, Hoá thì mù tịt chả hiểu gì, nhưng qua các giờ Văn, được nghe các giáo sư Đặng Thai Mai, Trương Tửu giảng dậy, đã có một sự cuốn hút bất ngờ. Biết bao vấn đề mới lạ, khác hẳn những gì chúng tôi đã học ở trong Thành cứ quanh quẩn theo các sách của Dương Quảng Hàm, Nghiêm Toản, Nguyễn Tường Phượng, Lê Văn Hoè… Đặc biệt, qua các buổi nghe giáo sư Trương Tửu giảng – tuy chỉ hiểu lõm bõm – chúng tôi thực sự đã bị hút hết cả hồn và sau đó liền nảy sinh một suy nghĩ: “chúng mình mà được thày Tửu dậy cho một thời gian 3 tháng thì chắc hẳn sẽ đuổi kịp các anh em học ngoài vùng kháng chiến về trình độ Văn học”.

Lúc đó chúng tôi đang chờ đợi, thăm dò nên có thời gian rảnh rỗi và khả năng tài chính cũng khá hơn học sinh kháng chiến nên việc tổ chức một lớp học cùng dễ thôi ! Thế là chúng tôi cùng kéo đến nhà giáo sư ở gần chợ Đu và bày tỏ nguyện vọng.

Nghe chúng tôi nói xong, giáo sư nở nụ cười thoải mái, vui vẻ, nhưng sau khi biết được chúng tôi mới học dở lớp đệ tứ, thày liền bảo:

- Các cậu chưa học lên cấp 3 thì giảng dậy làm sao đây ! Khó quá ! Thôi để chờ đến sang năm vậy !

Nhưng sau nhiều lần chúng tôi tha thiết đề nghị thầy liền bảo:

- Thế thì mình nhận sẽ cung cấp các cậu một số kiến thức cơ bản để tìm hiểu văn học. Ác cái là hiện mình không có tài liệu để phân tích. À ! Hè này các cậu co về ngoài Khu 3 để thăm gia đình không ?

Chúng tôi đồng thanh: - Có ạ !

- Nếu có về thì nhớ tìm mua các truyện Nôm khuyết danh mà mấy hiệu sách ở Hàng Gai in, chỉ cho lời thơ chứ không có chú thích ấy !

Sau đó chúng tôi ra về có phần thất vọng và ngỏ tâm sự với các anh sinh viên Dự bị Văn khoa Khoá I: “Những chuyện Nôm này thì có gì là giá trị văn chương mà tìm hiểu với phân tích”  liền bị các anh chấn chỉnh thái độ ngay: “Thầy đã dặn thì các cậu cứ theo thế mà làm rồi các cậu sẽ thấy mê ngay khi được nghe thấy phân tích”.

Hè 1952

Sau khi đã về vùng du kích Khu 3 thăm nhà và tiếp tục vào Thanh Hoá để ăn học, trong hành trang của chúng tôi đều có một bó các tập truyện “Trê cóc, Thách Sanh, Tống Trân Cúc Hoa, Phương Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Nữ tú tài…” được gói ghém cẩn thận.

Rất may cho chúng tôi, lúc này các lớp Dự bị đại học đã tốt nghiệp. Các thầy còn được nghỉ chờ sang đầu năm 1953 mới chiêu sinh khoá II. Thực là thời cơ thuận lợi đã đến. Chúng tôi liền chọn lấy một bộ gồm đủ các truyện Nôm khuyết danh gói bọc cẩn thận mang sang nhà thầy và đề nghị thầy định cho ngày mở lớp.

… Một buổi sáng tháng Tám trời thu mát mẻ, năm chúng tôi sách vở đầy đủ đến nhà thầy như đã được hẹn trước. Thầy vui vẻ dẫn chúng tôi sang lớp học. Đó là một ngôi nhà lợp  tranh, núp dưới luỹ tre um tùm, vừa có bóng mát vừa che khuất được tầm nhìn của máy bay Pháp thường lồng lộn xoi mói trên trời. Nhà không có bàn ghế mà chỉ có một bộ ván ngựa kê làm bục ở gian giữa với mấy chiếc chõng tre, mỗi chiếc cũng ngồi được vài ba người. Hoá ra đây chính là địa điểm thầy thường phụ đạo cho sinh viên.

Vào trong nhà, thầy liền bỏ dép cao su và ngồi lên bục, rồi vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi ở các chõng tre xung quanh. Tôi chợt nghĩ ngay tới câu phú của cụ Tú Xương “Thầy ngồi chễm chệ, trò đứng xung quanh” nhưng lại không có vẻ oai nghiêm cách biệt, và ngay từ buổi ban đầu lớp học đã có một không khí chan hoà đầm ấm khó quên.

Thầy chọn trong tập truyện Nôm một quyển giơ lên cho chúng tôi xem. À ra “Truyện Trê cóc”, và thầy bắt đầu đọc.

Tiếng thầy vừa ấm áp vừa sang sảng vang lên lúc trầm lúc bổng đã cuốn hút chúng tôi theo dòng âm thanh truyền cảm khác thường. Thời gian như ngưng đọng lại và không gian như chỉ còn thu lại một hình ảnh trước mắt chúng tôi.

… Bộ quần áo ta may bằng toan màu gụ mềm như lụa càng làm nổi bật nước da trắng hồng. Mái tóc húi cua để lộ hoàn toàn vừng trán rộng và ở nơi đây đôi mắt sáng ngời luôn luôn chuyển động làm cho khuôn mặt vừa hiện lên vẻ quắc thước tự nhiên vừa ẩn chứa ở bên trong một vẻ tự tin của trí tuệ. Thỉnh thoảng thầy cũng có dừng lại nhấp vài ngum nước chè xanh và nhìn chúng tôi vừa quan sát vừa mìm cười độ lượng.

Đọc xong truyện, thầy bảo chúng tôi: “thôi nghỉ giải lao mấy phút” và thầy ra ngoài.

Tranh thủ, chúng tôi nháy nhau làm thủ tục… một cậu lấy trong cặp sách ra những thứ đã chuẩn bị mang để lên bục. Khi vào, thầy nhìn thấy và hỏi ngay

- Các cậu làm cái trò gì đấy ! … À ! Tôi hiểu rồi !

Rồi thầy cúi nhìn cái gói hình chữ nhật, trán hơi cau một chút.

- Tiền chứ gì ! Các cậu làm thế này là không hiểu tôi. Thấy các cậu từ trong vùng tạm chiếm ra, lâu rồi không được tiếp cận với tư tưởng tiến bộ và lại đã có chút hứng thú về văn học nên tôi thực lòng giúp đỡ hướng dẫn cho các cậu đi những bước mở đầu để tìm hiểu văn học cho đúng hướng. Nói thật, bước đầu tôi cũng mến các cậu nên cầm ngay lại khoản tiền này để mua thêm gạo ăn cho no, cho khoẻ người. Cầm ngay ! và nếu còn nghĩ đến tiền nong tôi sẽ giải tán lớp !

Chúng tôi im lặng như bị ngậm miệng và đứng như chôn chặt chân xuống đất.

 Thấy cảnh tượng như vậy thầy cũng ái ngại và cười một nụ cười hoá giải cùng những lời lẽ ôn tồn. Thầy lại cúi xuống bục nhìn cái hộp

- Cái gì đây ? À “Saint Louis” … đường trắng đóng thành miếng đấy. Thôi thế này nhé. Lần đầu chiếu cố tình cảm chân thành của các cậu, tôi nhận cái này và để thầy trò ta pha nước cùng uống cho êm giọng. Này ! Một cậu chạy xuống nhà mượn ông chủ dăm ba cái bát lên đây.

Được cơ hội giải toả căng thẳng, chúng tôi vội làm ngay. Một cậu vừa nói với chủ nhà mượn bát vừa sà vào rổ bát ngoài sân chọn ra được một chồng bát gọi là sạch sẽ. Nhưng tìm đau ra khay… bèn nảy sáng kiến lấy ngay chiếc mâm gỗ mộc gia đình người ta dùng để bày thức ăn trong bữa cơm… và xếp cả hai chồng bát bê vào nhà đặt lên bục. Một cậu vội vàng cầm chiếc ấm đất có quai để ở phía trong rót vào cac bát một thứ nước chè xanh sánh đặc đến lưng lưng bát rồi mở gói đường bỏ vò mỗi bát dăm sáu miếng.

Thầy đứng lặng yên quan sát chúng tôi ! Mọi việc tưởng chừng như đã xong chợt một cậu nghĩ ra: chết rồi, lấy đau ra cúi-dìa đây. Mười con mắt nhìn nhau, bế tắc, chả lẽ lấy ngón tay nguấy à !

Thầy như biết chúng tôi đương bí, mỉm cười lên tiếng:

- Cậu này ra xin ông chủ nhà đang vót nan tre ngoài sân kia, một thanh tre nhỏ, chặt lấy độ 20 phân rồi vót qua thành một thanh để nguấy thì đường mới tan được chứ.

Thế là thầy lại gỡ cho chúng tôi một nước bí. Đến khi thầy trò cất bát mời nhau, thầy lại không quên bắt bưng một bát ra mời ông chủ nhà cùng vui với thầy trò.

Trong bụng chúng tôi lại thầm nghĩ: sao thầy xử trí mọi việc nhanh và ổn thoả thế!

Sau tuần nước chè xanh vui vẻ, buổi học tiếp tục. Thầy lên tiếng:

- Các cậu thấy thế nào ? hay hay dở ?

Chúng tôi, cậu thì chưa, cậu thì có đọc cũng chỉ qua loa, đã thấy được gì đâu ngoài những định kiến cũ về loại truyện Nôm này và đành vâng dạ cho qua. Bỗng thầy lại lên tiếng:

- Hôm nay tôi sẽ phát hiện cho các cậu một số nét chủ yếu của truyện Trê cóc, về nhà các cậu sẽ suy nghĩ thêm để tìm ra giá trị của nó.

Rồi với giọng nói trong sáng rõ ràng, cứ thế từ hình tượng này nối tiếp hình tượng khác của Truyện, thầy vẽ lại cho chúng tôi thấy bộ mặt của xã hội phong kiến ở nông thôn Việt Nam trong một thời kỳ lịch sử đã qua. Qua hình tượng con Cóc, ta thấy người nông dân phải chịu một kiếp sống nhọc nhằn, thấp cổ bé họng, là nạn nhân của biết bao âm mưu xảo trá… nhưng lại ẩn chứa những đức tính, những tình cảm cao quý, đặc biệt là tình mẫu tử thiêng liêng, sâu sắc… Thế mà qua bao đời, họ vẫn bị khinh miệt, bị chà đạp, áp bức bóc lột dã man bởi lũ cường hào.

Còn với hình tượng Trê đã bộc lộ đầy đủ bộ mặt bọn ác bá ở mọi miền quê. Với điệu bộ “vểnh râu trê” được thầy láy đi láy lại nhiều lần đã cho ta thấy cái vẻ ung dung tự thị của những tên cường hào tin vào quyền uy của chúng ở thôn quê – phép vua thua lệ làng – không ai có thể xâm phạm tới được, nên từ hàng nghìn năm chúng ra tay thực thi mọi thủ đoạn tàn ác, xảo trá, trắng trợn để hành hạ và cướp đoạt mọi thứ của nông dân, và điển hình là việc Trê mưu mô cưỡng chiếm cả đàn con của Cóc.

Công lý bị vùi dập, người nông dân bị ức hiếp tưởng như không có lối thoát. Nhưng rồi chân lý cuối cùng vẫn thuộc về người lao động bị áp bức. Đó là khi nòng nọc rụng đuôi, cũng chính là lúc âm mưu xảo trá của bọn ác bá bị vạch trần và sau bao chia ly sầu tủi, con người chân chính hiền lương lại được sống đoàn viên hạnh phúc.

Thầy nhấn mạnh: “Tác giả đã gửi vào truyện tinh thần lạc quan của người nông dân trong cuộc đấu tranh trường kỳ dù không cân sức”.

Chúng tôi chả còn kịp ghi nữa, chỉ làm một việc há miệng ngồi nghe và đi từ sự ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, như đương sa vào một hang động thiên nhiên đầy kỳ thú.

Thầy như cũng đoán được tâm trạng chúng tôi đương lộn xộn với biết bao cái mới lạ và hỏi ngay:

- Các cậu có thấy hay không ?

Không ai bảo ai, chúng tôi đồng thanh: :”Hay ạ !”

Thầy lại cười và bảo:

- Thôi ! Hôm nay ta dừng lại ở đây ! Các cậu về nhà đọc kỹ lại toàn truyện và ghi ra những ý mình đã tiếp thu được một cách có hệ thống nhé !

Những ngày sau đó, chúng tôi hăng say thực hiện lời dặn của thầy, viết đi viết lại những thu hoạch của mình, và đã được thầy sửa cho từ những nét cơ bản trong nhận thức.

Rồi tiếp theo thầy phân tích cho chúng tôi truyện Thạch Sanh trong hai buổi. Vẫn giọng nói trong sáng và lập luận chặt chẽ, thầy đã nâng những cảm nhận ban đầu còn bỡ ngỡ của chúng tôi lên thành nhận thức. Bộ mặt xã hội phong kiến Việt Nam và cuộc đấu tranh giai cấp không còn ẩn dụ qua các hình tượng tượng trưng như trong truyện Trê cóc nữa. Ở tác phẩm này, hiện thực xã hội đã được thể hiện qua các hoạt động của con người thực, đại diện cho các giai cấp trong xã hội. Cuộc đấu tranh giai cấp đã đến mức độ gay go và quyết liệt, toàn diện hơn nhưng cuối cùng vẫn là sự thắng lợi của nhân dân lao động.

Chúng tôi nhớ mãi câu thầy nói:

- Qua truyện Thạch Sanh, coi như lần đầu tiên trong văn học Việt Nam người lao động từng bị khinh miệt bao đời đã được đề cao không những với phẩm chất đạo đức cao cả mà còn với trí tuệ tuyệt vời. Đồng thời, sức mạnh của bạo lực phi nghĩa từng tàn phá công lý, hạnh phúc, hoà bình cũng bị lên án mạnh mẽ. Do đó, truyện Thạch Sanh là tiếng nói nhân văn chủ nghĩa của người lao động Việt Nam dưới chế độ phong kiến.

Các bạn cần nhớ khi thầy phân tích cho chúng tôi là năm 1952, lúc đó đất nước ta đang bị quân đội xâm lược Pháp tàn phá khốc liệt, cũng chưa phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất nhưng thầy đã hướng sự phân tích văn học vào việc xây dựng cho chúng tôi những khái niệm đầu tiên về lập trường chống phong kiến và vun đắp cho thanh niên tinh thần lạc quan tin tưởng ở tương lai: “Đạo đức sẽ thắng phi nghĩa; Lao động sẽ thắng bóc lột”.

Sau truyện Thạch Sanh, thầy thay đổi phương pháp giảng dậy và học tập vì đây chỉ là một lớp bồi dưỡng năng khiếu. Thầy bắt chúng tôi đọc truyện Phạm Tải Ngọc Hoa và mỗi người tự viết một bài phân tích.

Thầy nói đùa:

-                     Hôm nay cho các cậu hạ sơn để thử xem những pháp thuật đã học được sẽ vận dụng ra sao !

Tuy rằng nhận thức về văn học của chúng tôi chưa ra sao thật nhưng cũng đã được thầy dạy cho một số nét cơ bản, và với sự bồng bột của tuổi trẻ, chúng tôi thực sự thích thú và hăng say làm bài thực hành. Với tôi cũng đã nhận ra qua Truyện cuộc đấu tranh giai cấp đã ở vào một tình thế vô cùng quyết liệt. Dù con người có bị thất bại thê thảm ở trên trần thế thì vẫn tiếp tục đấu tranh không lùi bước ở một nơi nổi tiếng kinh hoàng là triều đình của Diêm vương với đủ loại quỷ sứ. Nhưng nhờ sự đấu tranh bền bỉ nên cuối cùng người lương thiện đã chiến thắng và đặc biệt là được tái sinh trở về cõi trần để sống cuộc đời hạnh phúc.

Tôi mạnh dạn đề xuất: đây là một niềm tin mãnh liệt ở sự chiến thắng của chính nghĩa và lại cũng rất thiết thực của người lao động, họ không mơ cuộc sống trên tiên giới mà đòi hỏi phải được sống hạnh phúc ngay trong cuộc sống thực ở trần thế.

Đi xa hơn, tuy chỉ mới biết sơ sơ về duy tâm, duy vật qua mấy anh tuyên huấn nói, tôi lại bốc đồng phê phán là truyện còn vướng vào sai lầm truyền bá tư tưởng duy tâm lạc hậu.

Chấm bài của tôi thầy phê: “Bước đầu có hứng thú phân tích văn học, nhưng còn vội vàng chủ quan”



***


Tiếc rằng chúng tôi chỉ được học thầy đến đây thôi. Sau đó thầy bận vào các cuộc chỉnh huấn, Đại hội văn hoá kháng chiến… hoặc giảng dậy cho khoá Sư phạm cao cấp đầu tiên… và chúng tôi cũng vào các trường cấp 3 nên đã phải chia tay với thầy trong lưu luyến và nuối tiếc.

Tuy chỉ được học thầy trong mươi buổi nhưng những gì thầy đã dậy thực sự đã giúp cho chúng tôi tiếp thu các tác phẩm và tác giả học ở chương trình cấp 3 một cách dễ dàng và kết quả rất cao của chúng tôi ở các bài văn bình luận dã khiến cho các bạn học sinh hoàn toàn học chương trình giáo dục ngoài vùng tự do đã không còn nhìn bọn học sinh trong thành ra bằng con mắt chủ quan nữa.

Cuối năm 1954 - Tiếp quản Thủ đô – Chúng tôi về Hà Nội giải phóng để thi vào đại học. Tuy kết quả thi tốt nghiệp cấp 3 của tôi khá hơn về các môn khoa học tự nhiên nhưng tôi vẫn thi vào cả hai trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Sư phạm Khoa học.

Đến đây tôi cảm thấy vẫn có duyên với văn học nên khi còn ngồi trên ghế cả hai trường để có một lựa chọn, tôi lại bị cuốn hút thực sự vào những bài giảng của giáo sư Đặng Thái Mai, giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, và nhất là những giờ được chính giáo sư Trương Tửu đứng trên bục Đại giảng đường ở phố Lê Thánh Tông say sưa phân tích với nội dung súc tích và lý luận gang thép không còn như những gì chúng tôi dược truyền thụ 3 năm về trước dưới mái nhà tranh gần phố Đu (Thanh Hoá).

Một lần sau buổi học, giáo sư Trương Tửu nói:

- Sau mỗi buổi học tập, tình cảm của chúng ta phải được nâng lên một mức rõ rệt. Giả dụ như trước đây nó chỉ là 5 lít thì sau một buổi học văn ít nhất nó cũng phải được là 5+1 = 6 lít… Và thực sự các giờ giảng dậy của thầy đã đem lại cho chúng tôi, lớp sinh viên khóa I Đại học Sư phạm Văn khoa như vậy và tôi cũng đã dứt khoát bỏ khoa Toán sang học hẳn ở khoa Văn. Sau này, cuộc đời dù đã gặp nhiều tai nạn nghề nghiệp nhưng tôi không bao giờ hối tiếc.

Dù cho giờ đây những phút ban đầu được học thầy Trương Tửu đã trôi qua được 56 năm… nhưng hình ảnh buổi học đầu tiên “thầy ngồi trên bục, trò ghé xung quanh” ấm áp thân thương không thể phai mờ trước nhưng cơn giông tố vô tình hay hữu ý của cuộc đời.

Vì thầy là người đã vỡ lòng cho tôi một cách tài tình về những bước ban đầu phải làm khi muốn đi vào con đường văn học. Thầy không mang những tác phẩm cổ điển đồ sộ với những chú thích tràng giang đại hải ra phân tích để hấp dẫn chúng tôi mà thầy lại cho nhập môn với những truyện Nôm bình thường giản dị. Nhưng dường như thầy có phép lạ nên khi đứng trước một tảng đá sần sùi thô kệch đã tài tình bóc tách lớp vỏ bên ngoài để chúng tôi thấy được ánh hào quang lung linh của viên ngọc ẩn ở bên trong và làm cho nó có điều kiện toả sáng rực rỡ.

Thầy là nguời đã dẫn dắt tôi vào con đường Văn học một cách thật giản dị và sáng tạo, nhưng cũng rất bền lâu nên dù sau này cuộc đời đã đưa tôi sang một lĩnh vực hoạt động khác nhưng chưa bao giờ tôi quên việc nghiên cứu văn học với cách khai thác của riêng mình.





Nơi nhận:

Hội thảo về Trương Tửu,

Hội nhà văn Hà Nội



 Bài này VN được ban tổ chức Hội thảo gửi. Trân trọng cám ơn và giới thiệu cùng mọi người!




2 nhận xét:

  1. Hôm nay em mới được đọc một câu chuyện kể về thầy Trương Tửu. Một người thầy uyên bác, đáng kính. Cảm ơn bác Vũ Nho đã giới thiệu bài viết.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hội thảo về GS Trương Tửu, tôi có được Ban tổ chức gửi cho các tham luận để đọc và để công bố. Cám ơn bạn đã ghé và đọc một kỉ niệm khá xa với chúng ta!

      Xóa