Thứ Tư, 30 tháng 9, 2015

MIẾU THỜ MÃ PHỤC BA Ở GIÁP THÀNH của Nguyễn Du với lời bình Vũ Nho





                                                                             Vũ Nho chủ trang



                                  Nguyễn Du

Lục thập lão nhân cân lực suy
Cứ an bị giáp tật như phi
Điện đình chỉ bác quân vương tiếu
Hương lý ninh tri huynh đệ bi
Đồng trụ cận năng khi Việt nữ
Châu xa tất cánh lụy gia nhi
Tính danh hợp thướng Vân Đài họa
Do hướng Nam trung sách tuế thì

Dịch nghĩa:

Người già tuổi sáu mươi thì gân sức suy.
Ông còn mặc giáp nhảy lên ngựa nhanh như bay.
Chỉ chuốc một nụ cười của nhà vua nơi cung điện.
Đâu biết anh em nơi quê hương thương xót cho ông!
Cột đồng chỉ dối được đàn bà con gái Việt.
Chứ như xe ngọc châu chở về, thị lại để lụy cho con cháu ông.
Tên tuổi ông (đáng lẽ) được ghi nơi bức họa Vân Đài.
Sao lại đòi nước Nam hằng năm phải cúng tế?

Dịch thơ

Sáu chục người ta sức mỏi mòn

Riêng ông yên giáp nhảy bon bon

Được lời vua chúa cười là thích

Quên nỗi anh em thấy những buồn

Những tưởng cột đồng lòe gái Việt

Chẳng dè xe ngọc lụy đàn con

Đài mây tên họ sao không để

Cúng tế phương Nam chết vẫn bòn

Lời bình của Vũ Nho

Trong tập thơ “Bắc hành tạp lục” của Nguyễn Du, Mã Viện được nhà thơ bốn lần nhắc tới với các bài thơ: “Giáp thành Mã Phục Ba miếu”, “Quỷ môn quan”, “Đề Đại Than Mã Phục Ba miếu” và “Hạ than hỉ phú”. Trừ bài thơ cuối, Nguyễn Du thắp hương trước đền Mã Viện trước khi cho thuyền xuống thác theo tục lệ mê tín; còn thái độ thống nhất của Nguyễn Du đối với Mã Viện ở các bài thơ là chê nhiều hơn khen. Lần “gặp gỡ” Mã Viện ở Giáp Thành là lần đầu tiên, lại là gặp miếu thờ của ông ta ngay trên đất Việt cho nên sự chê trách và mai mỉa của Nguyễn Du nặng nề và mạnh mẽ hơn cả.

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2015

Thơ A. Akhmatova trong bản dịch Tạ Phương







 Thơ A. Akhmatova trong bản dịch Tạ Phương

*  *  *
Я и плакала и каялась,
Хоть бы с неба грянул гром!
Сердце темное измаялось
В нежилом дому твоем.
Боль я знаю нестерпимую,
Стыд обратного пути…
Страшно, страшно к нелюбимому,
Страшно к тихому войти.


*  * 

Em đã khóc và hối hận,
Mong trời chớp nổi sấm ran!

Con tim tối tăm nhói buốt
Trong căn nhà anh bỏ hoang.

Em biết nỗi đau chẳng tắt,
Trên đường trở lại bẽ bàng…

Chao ôi quả là khủng khiếp
Đến với người mình không yêu

Ôi thật kinh hoàng làm sao
Bước vào một nơi tĩnh lặng.





А склонюсь к нему нарядная,
Ожерельями звеня,
Только спросит: "Ненаглядная!
Где молилась за меня?"

1911

Đỏm đang, bên người, em cúi
Chuỗi ngọc trên cổ ngân reo,

“Em yêu - người ấy chỉ hỏi -
Cầu nguyện cho tôi nơi nào?”

1911

*  *  *

И мальчик, что играет на волынке,
И девочка, что свой плетет венок,
И две в лесу скрестившихся тропинки,
И в дальнем поле дальний огонек, -

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015

Nhà thơ Mai Linh lên đường


Nhà thơ Mai Linh lên đường


(Toquoc)- Biết Mai Linh đã lâu, thuở Anh còn làm ở Vụ Báo chí, Bộ Văn hóa-Thông tin, nhưng gần mươi năm lại đây, khi đã về hưu, tìm một vài địa chỉ đi về cho đỡ trống vắng những năm chờ chết, thì Trung tâm Công nghệ Thông tin của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nơi có tờ Báo Điện tử Tổ Quốc mà Mai Linh vừa làm Giám đốc Trung tâm vừa làm Tổng Biên tập là một nơi gặp gỡ, giao lưu thân tình và thú vị. Không chỉ đăng bài, mà Tòa soạn là một tổ ấm nho nhỏ, nơi có thể thường xuyên gặp gỡ nhiều nhân vật trong giới văn hóa, văn nghệ có tâm huyết. Nhà thơ chủ nhà lịch lãm, uyên bác, từng đi nhiều (đâu như gần 130 quốc gia), biết nhiều, lại có một bộ sậu thân tín, hết lòng chiều bạn của Sếp; bất cứ lúc nào, có tâm trạng gọi, là chủ nhà sẵn sàng mở cửa mời. Mấy chén rượu thuốc ngâm sn, vài món ăn dễ làm, là tạo được một ba vui ấm áp trên bếp ăn nhỏ tầng 6 Tòa nhà trong ngõ số 2 Hoa Lư- khu Vân Hồ. Tòa nhà khang trang làm Trụ sở Trung tâm Công nghệ thông tin và Báo Điện tử Tổ Quốc, trước hết là kết quả công sức của nhà báo, nhà thơ Mai Linh - người đứng đầu cơ quan sau nhiều năm vận động, để kết thúc thời kỳ đi ở đậu phân tán khi Quang Trung, khi Tô Hiến Thành… Nhà thơ “Hoa Thanh Quế” này hình như ít có máu địa phương, nên bạn bè xem ra có chiều rộng rãi. Khi tôi bước vào tuổi 70, Anh còn tổ chức mấy anh em trong Tòa soạn đi du xuân ở Chùa Bà Đanh, một di tích ở Hà Nam mà anh rất quen thuộc. Trở về, anh viết bài Ngô Thảo lên lão 70, mà nhiều lời anh khen tôi còn phải phấn đấu nhiều mới có. Nhìn bạn bè tốt hơn cái người ta có, hay chỉ quan tâm mặt tốt của họ là một tâm thế tạo nên hạnh phúc cho nhau mà không mất công tốn của gì. Chúng tôi còn có dịp cùng nhau đi lễ Đền Hùng, tượng Thánh Gióng và đền Gióng… ở nơi đâu cũng chỉ quan sát lịch sử đầy thăng trầm biến đổi mà chọn một tâm thế bình yên cho mình. Tuổi còn trẻ mà vóc hạc, mình mai, uống nhiều, ăn ít, khi hứng lên, thích vào tận bếp, tự tay làm món mình thích để đãi khách. Cách sống rất Tây mà toàn thích món ăn dân dã nhà quê. Trong đời sống bình thường, Mai Linh là một người đàn ông có phong thái phong lưu, cốt cách nghệ sĩ vững vàng nên những công việc đời thường khéo léo chỉ làm đậm hơn một cá tính đáng yêu. Sinh ra trong một gia đình có nề nếp, có văn hóa, lớn lên nhập ngũ, làm lính đặc công, từng đi chiến đấu, rồi đi học nhiều năm ở Nga  về làm chuyên viên ở Bộ Văn hóa, Thông tin trong nhiều năm, được đi nhiều nơi, nhiều nước, làm nhiều công việc, quen nhiều, biết rộng, tận mắt chứng kiến để hiểu ra nhiều điều tế nhị của nhân tình thế thái qua nhiều biến động của cơ chế, tổ chức, qua nhiều đời lãnh đạo, với vị thế, trình độ, cách điều hành công việc khác nhau, khi trở thành Giám đốc một Trung tâm nặng về xử lý kỹ thuật và một tờ báo điện tử hiền lành, hình như Mai Linh muốn tạo ra một môi trường làm việc ấm áp, yên ổn, mà ít tính cạnh tranh. Báo Điện tử Tổ Quốc là một tờ báo thông tin kịp thời và toàn diện các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, và đặc biệt là văn hóa với nghĩa rộng. Có những chuyên mục được nhiều người quan tâm. Văn học quê nhà là chuyên trang có bạn đọc rộng rãi. Sau nhiều từng tri, do chút thuận lợi từ hoàn cảnh gia đình, chí tiến thủ vừa phải, ít khi những lo nghĩ thăng tiến làm bận lòng nhà thơ. Nhưng Mai Linh là một nhà thơ tài tử. Anh không bị nỗi bức xúc, phải tự thể hiện mình là một nhà thơ chuyên nghiệp. Anh từng viết: Tôi chẳng làm thơ bao giờ. Thơ tự trào dâng. Thơ hay ứa lên từ nỗi nghẹn ngào. (Nhà Văn Việt Nam hiện đại). Chỉ có mấy tập thơ được in, tập Cho (2004) từng được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng chưa đánh thức hết một tiềm lực thơ hiện đại, giàu suy tư được thể hiện qua một một cảm xúc thơ, như anh nói Tự trào dâng. Một lối văn báo chí đầy nhịp điệu của thơ, nhưng cũng vì vị trí công việc, mà anh viết không nhiều. Có nhiều nhà thơ có một lối sống rất xa lạ với thơ. Với Mai Linh, hình như ngược lại, làm thơ ít, mà cách sống, cuộc sống luôn đã là một bài thơ. Đã có thời nhà thơ vung bút… vẽ một loạt tranh sơn dầu, như để giải tỏa một mạch nguồn cảm xúc trào dâng mà ngôn từ không thể là con kênh giải thoát. Nhưng cũng chỉ nhất thời vậy thôi. Mai Linh lại lo nghĩ, chống chèo cho sự tồn tại và phát triển của Trung tâm mà không phải ai cũng nhận biết tầm quan trọng của việc số hóa kho tư liệu vốn văn hóa đa sắc, đa diện, đa ngành, đa dân tộc với sự biến động không ngừng qua từng giai đoạn lịch sử của nền văn hóa nhiều nghìn năm của đất nước. Nhiều giá trị không kịp sưu tầm, khôi phục, bảo lưu sẽ vĩnh viễn bị mai một trước dòng chảy hỗn mang của văn hóa đại chúng quy mô quốc tế.
 

Tổng Biên tập, nhà thơ Mai Linh

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2015

MAI LINH - Một mình tôi yêu bạn và yêu cả sông

Nhà thơ Mai Linh  tổng biên tập báo điện tử Tổ Quốc  đột ngột ra đi ở tuổi 57. Xin chia buồn sâu sắc tới gia đình. Cầu chúc cho anh linh nhà thơ siêu thoát miền cực lạc!
Dưới đây là bài viết của nhà thơ Bùi Kim Anh trên báo điện tử Tổ Quốc

Mai Linh- "Một mình tôi yêu bạn và yêu cả sông"
 
Trên bức tường phòng khách nhà tôi treo bức tranh biển của nhà thơ Mai Linh. Trừu tượng đấy. Nhiều bạn đến chơi đứng bần thần ngắm, rồi mới vỡ ra. Tôi chẳng sành về hội họa nên cũng chẳng nói gì thêm. Tôi đọc thơ Mai Linh nhiều nên hiểu anh. Có gì đấy chất thi sĩ trong tranh anh vẽ.
Chơi với nhà thơ Mai Linh không giống như nhiều nhà văn, nhà thơ khác là chỉ gặp nhau nơi hội hè, đọc bài nhau trên mặt báo, chúng tôi là chị em - chơi thân thiết cả hai gia đình, con cháu. Khi ấy nhà chúng tôi gần nhau, Mai Linh thường sang, có khi 9 - 10 giờ tối mới đến và ngồi uống rượu với vợ chồng tôi tới khuya. Cậu sinh viên - con nhà thơ, hôm nay đang học ở Mỹ lúc đó mới khoảng 3-4 tuổi, theo bố sang còn cầm khẩu súng đồ chơi bắn bác pằng… pằng. Cái người đàn ông tí hon/ con vỡ ra một thế giới của Mai Linh đang ở cạnh tôi đây. Thời gian cứ qua đi, người đến và người đi, nhất là trong hoàn cảnh của gia đình tôi - oan trái, hoạn nạn - ngấm cái tình người. Mai Linh vẫn bên chúng tôi chia sẻ đắng cay. Cái nhà thơ đàn ông mà nhỏ nhắn, tóc buông xõa, đôi mắt hấp háy sau cặp kính nhìn thấy ngài ngại mà thật tình nghĩa.

Chân dung nhà thơ Mai Linh

Kể nhớ Mai Linh.
Khi sang nhà tôi chơi lên phòng thấy chồng tôi nằm trên sàn gỗ, Mai Linh bèn đi mua ngay cho anh cái giường nhỏ, kiểu đơn giản, lịch sự kê góc phòng cho chồng tôi nằm. Thực ra căn phòng cạp thêm ra này chỉ dùng để làm việc, nghe nhạc vì nó cũng hẹp, nên lát gỗ cho tiện. Bạn thương thì lại để giường bạn mua thôi. Cái giường Mai Linh tặng cứ theo vợ chồng tôi dọn tự nơi này sang nơi khác. Có câu - đồ vật tốt khi mới/ con người tốt khi cũ. Giường còn đấy vẫn tốt. Bạn thì cũ vẫn tốt. Cứ giữ gìn thì đều tốt.

BỒ TÁT



                                                              

                                                                         Nhà văn Vũ Công Hoan
 BỒ TÁT

                                                                                                 Tôn Truyền Hiệp

                                                                                               Vũ Công Hoan dịch

          Cứ đến mồng một ngày rằm, chị lại lên chùa đốt hương lạy Bồ Tát. Một năm đã trôi qua, cho dù trời mưa gió chị đều lên chùa không khi nào gián đoạn. Chị đã ngoài bốn mươi tuổi, dáng người xinh đẹp, da trắng mịn như trứng gà bóc. Mắt chị buồn buồn. Lần nào lên chùa đốt hương, nước mắt chị cũng rưng rưng. Đối với Bồ Tát, chị rất thành kính, thành kính đốt hương, thành kính quỳ lạy, thành kính cầu nguyện. Mỗi buổi cầu nguyện xong, khi ra khỏi chùa, chị đều móc chiếc ví nhỏ trong tay lấy ra một số tiền đã chuẩn bị sẵn, cung kính bỏ vào hòm công đức, sau đó chị nở nụ cười nhẹ nhõm trên nét mặt đau khổ, hình như Bồ Tát đã giúp chị trút bỏ một nỗi buồn.
         
          Trong chùa có một người phụ nữ quét dọn vệ sinh, trạc ngoài năm mươi tuổi,mặc bộ quần áo rất thông thường, ngày nào bà cũng quét dọn những thứ khách hành hương vứt bỏ như chai nước khoáng và giấy vụn. Đương nhiên bà còn có một công việc quan trọng nhất là trông coi cẩn thận lư hương,tránh xẩy ra cháy nổ.

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

Tiếng chim buổi sáng của Định Hải với lời bình Vũ Nho





TIẾNG CHIM BUỔI SÁNG
                    Định Hải

Sáng ra trời rộng đến đâu
Trời xanh như mới lần đầu biết xanh
Tiếng chim lay động lá cành
Tiếng chim đánh thức chồi xanh dậy cùng
Tiếng chim vỗ cánh bầy ong
Tiếng chim tha nắng rải đồng vàng thơm
Gọi bông lúa chín về thôn
Tiếng chim nhuộm óng cây rơm trước nhà
Tiếng chim cùng bé tưới hoa
Mát trong từng giọt nước hòa tiếng chim
Vòm cây xanh, đố bé tìm
Tiếng nào riêng giữa trăm nghìn tiếng chung
Mà vườn hoa cũng lạ lùng
Nghiêng tai nghe đến không cùng tiếng chim

Lời bình của Vũ Nho
Trong không gian của buổi sáng thoáng đãng, bầu trời xanh mới như thể “lần đầu biết xanh”, tiếng chim hót  cất lên. Cứ như là có phép tiên. Tiếng chim làm bao nhiêu là việc đẹp , việc có ích: lay động lá cành; đánh thức chồi xanh, gọi ong vỗ cánh, rải nắng lên đồng, gọi bông lúa chín, nhuộm óng cây rơm, cùng bé tưới hoa. Tiếng chim ấy lảnh lót trong vòm cây xanh, chỉ nghe tiếng hót mà không thấy chim.  Tiếng chim  như hòa vào giọt nước  mát trong  cùng bé tưới hoa. Điều thú vị là cả vườn hoa dường như cũng “ nghiêng tai” nghe chim hót. Tiếng chim buổi sáng còn có thể đem đến bao nhiêu điều kì lạ nữa. Nếu như bé biết lắng nghe và để ý quan sát.







Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

LỤC BÁT VÀ THƠ NGUYỄN THẾ KIÊN



                                                                                            Vũ Nho, chủ trang

 

LỤC BÁT VÀ THƠ


NGUYỄN THẾ KIÊN




PGS, TS, Nhà văn,

Nhà phê bình văn học

Vũ Nho



N

ước Việt Nam nông nghiệp quá trình đô thị hóa chậm chạp cho nên mỗi người dân đều có gốc gác một người nhà quê là điều hiển nhiên. Nhưng gần đây, các thị xã đã lần lượt lên thành phố, các huyện lị cũng thành ra phố xá, và ngay cả làng thì cũng không ít làng thành ra phố. Cho nên giữa phố và làng có  sự giao thoa, thay đổi mà càng ngày phố càng lấn làng. Chưa kể một bộ phận dân cư của làng, chuyển ra ở phố rồi “cắt hộ khẩu” vĩnh viễn. Một số khác thì nói như Lê Tiến Vượng trong Lục bát bên đời: Người quê ra phố quên dần nhà quê” (Người đi ra phố).

Nửa thế kỉ trước, ở Nam Định có một người quê “dan díu với kinh thành” nhưng luôn luôn khắc khoải về quê, luôn luôn muốn bảo tồn những nét “chân quê”, ngại ngùng những khăn nhung, quần lĩnh, áo cài khuy bấm. Tuy mong muốn không thành, nhưng ông đã để vào kho tàng lục bát và kho tàng thơ ca đất nước một giọng điệu thống thiết đến nỗi đời sau gọi ông là thi sĩ “chân quê”, thi sĩ “ bướm trắng tơ vàng”. Đồng hương  trẻ Nam Định của ông, cũng là một cây lục bát, nhà thơ kiêm PGS.TS luật học Phạm Công Trứ tiếp tục làm giàu gia tài lục bát, nhưng anh không ngồi trong bóng râm, bị cớm nắng bởi cái bóng lừng lững Nguyễn Bính. Họ Phạm đã đưa vào lục bát giọng giễu nhại, giễu mình, giễu người và giễu đời. Cái mà bậc đàn anh không có. Bởi thế mà Phạm Công Trứ có những gặt hái thành công. Bây giờ lại có một chàng lãng tử của đất Nam Định dấn thân vào lục bát. Giữa những lúc thị trường tràn ngập thơ cách tân, thời thượng  theo mốt, thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại với những tuyên ngôn kêu hơn chuông đồng, vang hơn mõ gỗ thì Nguyễn Thế Kiên “ mang theo một thúng ngôn từ chắt ra từ gốc rạ đồng chiêm”, tự tin đến mức liều lĩnh, xây ngôi đền văn chương của riêng mình bằng lục bát, một thứ nguyên liệu sẵn có, dễ kiếm, dễ tìm nhưng phải là thợ xây có hạng mới dám sử dụng. Và dẫu sao thì  ông thợ xây lục bát ấy đã thành công bước đầu. Hai cái giải thưởng văn chương, một của  UBND  tỉnh Nam Định ( 5 năm trao một lần), một của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cho hai tập thơ đã làm cho người thơ vững tin mà lấy một bút danh kienlucbat, ghi lên hòm thư điện tử để có thể giao dịch với toàn cầu.

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2015

GHI CHÉP CỦA MỘT KẺ NGOẠI ĐẠO VỀ MỘT HỘI THẢO VĂN CHƯƠNG

 

GHI CHÉP CỦA MỘT KẺ NGOẠI ĐẠO VỀ MỘT HỘI THẢO VĂN CHƯƠNG
Sáng 16/9/2015 tôi được mời dự Hội thảo “Nguyễn Nhật Ánh – Hành trình chinh phục tuổi thơ”. Chả là bạn tôi, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ và Văn học - Nghệ thuật trẻ em (ĐH Sư phạm Hà Nội), cơ quan tổ chức Hội thảo, có nhã ý mời. Có bạn bè làm to, mình cũng oách lây.
Tôi đến hội thảo trước hết vì tò mò. Cả đời, đây là lần đầu tiên tôi được dự một hội thảo văn chương. Cố tình đến muộn một chút, vì tính tôi vốn ngại những màn giao đãi trịnh trọng, tôi chọn một chỗ khuất, phía sau, bên “cánh gà”, mà lại tiện quan sát cả phòng hội thảo. Tôi tự nhủ: Ngồi đây yên trí rồi.
Phần đầu của hội thảo rất giàu âm hưởng ngợi ca. Các bản tham luận nối nhau khẳng định Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng của văn học cho thiếu nhi Việt Nam những năm gần đây. Ông viết rất khoẻ, rất đều, số đầu sách nhiều, số bản in lớn, sách bán rất chạy. Thời buổi kinh tế thị trường này, còn mong gì hơn?
Đại diện một nhà sách phía Nam nhận định: “Truyện của Nguyễn Nhật Ánh không thể nói là rất hấp dẫn, mà phải nói là vô cùng hấp dẫn”. Một nhóm sinh viên văn khoa ĐHSP thành phố HCM, dưới sự chỉ đạo của một ông thầy, lại tiến hành một nghiên cứu xã hội học về hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh: Các bạn này chiếu lên màn hình cảnh độc giả xếp hàng rồng rắn chờ xin chữ ký của nhà văn. Các bạn trình ra một số bức ảnh ở các hiệu sách lớn của thành phố, nơi các ngăn sách của Tô Hoài và Trần Đăng Khoa nhỏ tẹo, còn ngăn sách Nguyễn Nhật Ánh thật hoành tráng. Dường như các bạn sinh viên này muốn khẳng định bất đẳng thức sau đây: Tô Hoài cộng với Trần Đăng Khoa nhỏ hơn Nguyễn Nhật Ánh. Tôi thấy bất đẳng thức ấy có nhiều nét giống với bất đẳng thức sau đây: Một tấn cộng với một mét vuông nhỏ hơn 10 mét. Lúng túng không biết chứng minh bất đẳng thức này như thế nào, tôi bèn tự nhủ, nếu bỏ đi các đơn vị thì đó là một bất đẳng thức hiển nhiên. Có lý quá đi thôi.

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015

Phát biểu tại Ngày Hội Khuyến học Phường Dịch Vọng hậu, Q. Cầu Giấy, Hà Nội ngày 20.IX.2015



        PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện, bìa trái

Phát biểu tại Ngày Hội Khuyến học

Phường Dịch Vọng hậu, Q. Cầu Giấy, Hà Nội

ngày 20.IX.2015



                                                                                          PGS.TS. NGUYỄN NGỌC THIỆN

Nhân dịp khai giảng năm học mới, trước hết tôi xin bày tỏ sự hoan nghênh Ban Chấp hành Hội Khuyến học Phường đã tổ chức Ngày hội Khuyến học này và cảm ơn Hội đã tạo điều kiện cho tôi được phát biểu đôi lời.
Gia đình nhỏ của tôi gồm 5 người (3 thế hệ) về trú ngụ tại Phường Dịch Vọng hậu từ năm 2000, tại nhà số 22 ngõ 31, phố Trần Quốc Hoàn. Trước đó, từ những năm 80, chị gái tôi là TS. Nguyễn Thị Kim Thành đã cùng gia đình chị cũng ở Phường này tại Khu tập thể ĐHSP Hà Nội, phố Phan Văn Trường. Chị em chúng tôi đều tham gia công tác của Hội Khuyến học phường giao cho một cách hào hứng, rất vui mừng về sự lớn mạnh của Phường và những hoạt động có hiệu quả của Hội từ khi thành lập tới nay, mà vừa qua, thành tích của Hội đã được khẳng định trong Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội, đồng thời được ghi nhận trong sách Tình người Khuyến học xuất bản 5/2015, dày 110 trang.
Trong phong trào Khuyến học toàn dân, Phường ta đã xuất hiện những tấm gương tiêu biểu về cá nhân và gia đình khuyến học, thuộc nhiều đối tượng khác nhau (học sinh giỏi, nhà tài trợ hảo tâm, cán bộ Hội tận tụy…) có những đóng góp đáng quý vào việc xây dựng và phát triển phong trào trong toàn Phường.
Riêng gia đình tôi vô cùng phấn khởi vì được Báo cáo của Hội biểu dương, được nhận Giấy khen năm 2015. Nhân dịp này tôi xin trao đổi mấy kinh nghiệm từ góc nhìn của gia đình, để Hội nghị tham khảo và trao đổi ý kiến như sau:
1. Cần chú trọng phát huy truyền thống của mỗi đại gia đình khuyến học làm nền tảng của phong trào
Đại gia đình 5 thế hệ của chúng tôi (Ông Bà/ Cha Mẹ/ Con/ Cháu/ Chắt) đều chú trọng đề cao việc học hành trong nuôi dạy con cháu, phấn đấu học tập chăm chỉ, thành đạt, “học học nữa học mãi” như V. Lênin đã dạy, để là người có chữ (tức là có tri thức cần thiết) mà làm việc với tay nghề và chuyên môn thành thạo trong những nghề nghiệp có ích cho xã hội, phù hợp với năng lực, sở trường và cái “tạng” của từng người, như: giáo dục, y tế, văn hóa - văn nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn v.v…

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

LỤC BÁT YÊU



 


Nguyễn Thế Kiên



Trộn hờn dỗi với nghi ngờ

Vài hôm tưởng bở thẫn thờ gọi: yêu



Lời thì thật, ý thì điêu

Mang đêm khoán trắng cho điều thị phi



Từ em cong lại làn mi

Trăng sao mọc ngược những khi một mình



Duỗi ra một dải thơ tình

Ta thành câu chữ đi rình gió yêu.



Phím đêm tanh tách gõ liều

Văn chương rổn rảng quanh điều viển vông










Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Kẻ lại ở Thạch Hào của Đỗ Phủ với lời bình Vũ Nho





                                                            Đỗ Phủ
Phiên âm chữ Hán
Mộ đầu Thạch Hào thôn,
Hữu lại dạ tróc nhân.
Lão ông du tường tẩu,
Lão phụ xuất khan môn.
Lại hô nhất hà nộ,
Phụ đề nhất hà khổ!
Thính phụ tiền trí từ:
"Tam nam Nghiệp Thành thú
Nhất nam phụ thư chí
Nhị nam tân chiến tử.
Tồn giả thả thâu sinh,
Tử giả trường dĩ hỹ!
Thất trung cánh vô nhân,
Duy hữu nhũ hạ tôn.
Hữu tôn mẫu vị khứ,
Xuất nhập vô hoàn quần.
Lão ẩu lực tuy suy,
Thỉnh tòng lại dạ quy.
Cấp ứng Hà Dương dịch,
Do đắc bị thần xuy".
Dạ cửu ngữ thanh tuyệt,
Như văn khốc u yết.
Thiên minh đăng tiền đồ,
Độc dữ lão ông biệt.


Dịch thơ
Chiều trú xóm Thạch Hào
Đêm, nha lại bắt người
Ông già vượt tường trốn
Bà già ra cửa dòm
Viên lại quát dữ quá
Bà van thật đến khổ!
Van rằng: “ Có ba trai
Nghiệp Thành đều đi thú
Một đứa gửi thư nhắn
Hai đứa vừa chết trận
Đứa chết đành thiệt phận
Đứa sống đâu chắc chắn!
Trong nhà không còn ai
Có cháu đang bú thôi
Mẹ cháu chưa rời cháu,
Ra vào quần tả tơi.
Tuy sức yếu già đây,
Xin theo về đêm nay
Đến Hà  dương kịp việc
Còn thổi bữa sớm mai”
Đêm khuya lời đã tắt
Dường nghe khóc ấm ức
Sáng ra chào lên đường
Mình ông già với khách
                           Khương Hữu Dụng dịch
Lời bình của Vũ Nho
Đỗ Phủ có ba bài thơ về ba viên lại ở Tân An, Đồng Quan và Thạch Hào đều nổi tiếng, nhưng phải nói rằng bài thơ “Kẻ lại ở Thạch Hào” (Thạch Hào lại), nhà thơ đã thể hiện thái độ, cách nhìn chiến tranh một cách hiện thực và sâu sắc nhất.
Bài thơ trữ tình giàu yếu tố tự sự như một phóng sự đặc biệt về cuộc  bắt lính ban đêm tại một làng quê nhỏ bé. Có khá nhiều nhân vật tham gia, chứng kiến sự kiện này, nhưng quan trọng hơn cả là viên lại, bà lão và tác giả.
Chiều trú xóm Thạch Hào
Đêm, nha lại bắt người
Ông già vượt tường trốn
Bà già ra cửa dòm
Trong khổ thơ đầu tiên, các nhân vật đã vào cuộc ngay. Và tác giả cũng nhập cuộc ngay từ cách chọn cảnh và chọn chữ để miêu tả. Việc quan lại làm ban đêm, đã thấy có gì đó không bình thường. Thêm nữa, tác giả không coi là cuộc tuyển binh, mộ binh hay trưng binh. Tác giả đã gọi sự vật bằng cái tên thật của nó: “tróc nhân” - bắt người. Đó là một vụ bắt người ban đêm.