Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

DUYÊN THƠ - Chuyện ghi từ bài thơ HAI CHỊ EM của Vương Trọng


DUYÊN THƠ
                                    Hoàng Dân

           (Chuyện ghi từ bài thơ HAI CHỊ EM của Vương Trọng)
                                                                           
Nín đi em!-Bố mẹ bận ra toà
Con chị lớn dỗ đứa em ba tuổi
Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay níu áo chị đòi cơm

Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện
Hai bóng nhỏ ở hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?

Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra toà vừa nghe nói
Chắc nó nghĩ như ra đồng ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về

Mẹ bế em và âu yếm vuốt ve
Bố xách nước khi mẹ vừa nhóm bếp
Nó sung sướng vào ra tíu tít
Rồi quây quần nồi cơm mở vung ra

Nó biết đâu bố mẹ ra toà
Đối mặt nhau, đối mặt cùng pháp lí
Chẳng phải chỗ năm xưa đi đăng kí
Chẳng phải lời dịu ngọt tháng ngày xa

Nó biết đâu bố mẹ ra toà
Là cầm cưa xẻ ngang tình đoàn tụ
Đứa còn mẹ thì thôi không còn bố
Hai chị em rồi sẽ mất nhau

Nín đi em!-Em khản giọng khóc gào
Chị mếu máo đầm đìa nước mắt
Những bố mẹ bên bờ chia cắt
Phút giây thôi, hãy nghe tiếng con mình
                                                   Nhà thơ Vương Trọng

                               (Chép lại qua giọng đọc của một cô gái ở
                               Tạp chí VNQĐ, lúc 16h ngày 12.9.2003)

Tại sao tôi không ghi xuất xứ bài thơ từ một cuốn sách nào đó với những yêu cầu khoa học tối thiểu như: Nhà xuất bản, năm xuất bản? Bởi đây là câu chuyện khá thú vị, nó giống như một kỉ niệm nho nhỏ trong cuộc đời dạy học của tôi.
Hồi 15h30 ngày 12.9.2003, một cô học trò cũ tìm đến tận văn phòng của tôi ở trường và vừa nhìn thấy tôi, thay cho lời chào là một câu hỏi:
- Thầy có còn nhớ tên em không ạ?
Thú thực là tôi hơi tự ái vì cô học trò cũ này có vẻ kiêu quá! Cô ta coi việc tôi phải nhớ tên cô ta là đương nhiên? Là một nghĩa vụ? Thậm chí là một niềm tự hào cũng nên?!

Thứ Bảy, 28 tháng 11, 2015

Chùm thơ Duy Khoát






CHÙM THƠ DUY KHOÁT

ƯỚC GÌ

Quen nhau từ ấy đến giờ
Sóng lòng ta vỗ hôn bờ sông mê
Ước gì thêm một miền quê
Để anh có chốn  đi về cùng em


NỖI NHỚ

Thăm em một sáng mùa đông
Anh qua bờ bãi sông Hồng cạn trơ
Gần em chỉ được vài giờ
Anh về nỗi nhớ ngập bờ sông yêu


THUỐC LÀO

Vân nhìn anh “bắn” điếu cày
Hỏi anh hút thuốc có say bao giờ?
Thuốc lào say đến quay lơ
Chưa bằng cặp mắt ngây thơ em cười


Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

NHỮNG CÂY BÚT NỮ CỦA VĂN CHƯƠNG HẢI DƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI





TUYỂN TẬP VĂN XUÔI, THƠ HẢI DƯƠNG 1945-2005
VÀ NHỮNG CÂY BÚT NỮ CỦA VĂN HỌC
 HẢI DƯƠNG ĐƯƠNG ĐẠI

Nguyễn Thị Lan

Lần đầu tiên, những người yêu văn chương của Hải Dương và cả nước được tiếp xúc với văn thơ xứ Đông qua hai tuyển tập lớn: “Tuyển tập văn xuôi Hải Dương 1945-2005” và “Tuyển tập thơ Hải Dương 1945-2005”.
Sang trọng và trĩu nặng trên tay, đó là cảm giác đầu tiên của những ai khi cầm cuốn sách. Hai tuyển tập gồm ngót một nghìn trang khổ lớn (16x24cm), giấy đẹp, in ấn trang nhã, trình bày thoáng đẹp tương xứng với nội dung được tuyển chọn công phu. Nếu so sánh với tuyển tập của các tỉnh đã xuất bản trên cả nước thì tuyển tập văn xuôi và thơ Hải Dương không kém bề thế và có một nét riêng không pha lẫn với những vùng miền khác.
Với một lượng tác phẩm khá lớn bao gồm 313 bài thơ, 54 truyện ký, lý luận phê bình của gần một trăm tác giả, tuyển tập đã kết tinh những thành tựu tiêu biểu của một giai đoạn lịch sử và của từng tác giả, những người đã gắn bó với quê hương Hải Dương - một vùng đất văn hiến, hội tụ nền văn minh lúa nước của vùng châu thổ sông Hồng.
Người đọc có thế thấy ở tuyển tập những tên tuổi quen thuộc với độc giả cả nước hơn nửa thế kỷ qua. Hầu hết trong số họ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Anh Thơ, Thâm Tâm, Hoàng Lộc, Phù Thăng, Hoàng Quốc Hải, Mai Vui, Tô Đức Chiêu, Trần Nhuận Minh, Trần Hoài Dương, Phạm Đức, Triệu Nguyễn, Đặng Văn Sinh, Đỗ Thị Hiền Hòa, Hà Cừ, Trần Đăng Khoa, Thùy Dương…
Trên cái “nền” vững chắc đó, đội ngũ những nhà văn nữ Hải Dương đã gây được ấn tượng khá tốt đẹp trong lòng độc giả.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các cây bút nữ đã và đang có vị trí quan trọng trong đội ngũ những người viết văn, làm thơ của văn học Hải Dương thời kỳ đương đại.

Thứ Năm, 26 tháng 11, 2015

Giọt mặn, Kẻ lữ hành của Nguyễn Xuân Lai




Thơ  Nguyễn Xuân Lai    (2 bài )

Nguyễn Xuân Lai

Hội viên Hội nhà văn Hà Nội.
Quê quán: Huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Hiện đang sống và viết tại: La Khê, Hà Đông, Hà Nội.

Tác phẩm đã xuất bản:
+ Gió Giêng Hai  (thơ)
+ Mùa rau khúc đi qua  (thơ)
Tác phẩm sắp xuất bản: Thơ, truyện ngắn, truyện dài…

DĐ: 0983.448.901
Email: quyxuanlai@gmail.com 



Giọt mặn
                                                  
Thao thức giữa miền sâu thẳm
Nỗi niềm ký thác văn chương
Chẳng dám ước điều gì sóng sánh
Chỉ mong làm giọt mặn đời thường.

Đâu phải dễ trời xanh mây trắng
Thấm đẫm hương ngan ngát trong đầm
Giọt thơ chảy giữa dòng đời bụi bặm
Kiếm tìm gì muôn nẻo một thanh âm.

Giữa ồn ã thương cay nồng khói bếp
Thương màu xanh ngăn ngắt cánh rừng mưa
Ngày đông lạnh đâu có gì đáng nói
Sao vẫn thầm đau đáu một chiều xưa.

Sao vẫn thấy như có gì chưa tới
Chưa chạm vào bao cung bậc trắng đen
Ở nơi ấy...nơi cuộc đời gửi gắm
Những buồn vui, thật giả, sang hèn.

Nếu phải cháy cả tình yêu thành lửa
Biết lấy gì gán nợ trăm năm
Câu thơ khóc chào đời như đứa trẻ
Sợi tâm can rút cạn kiệt thân tằm.

Nuôi mỏi mệt giấc mơ về gõ cửa
Những vần thơ hoang dại cỏ trên đồng
Những vần thơ chìm nổi với dòng sông
Khao khát giữa đời thường : Giọt mặn.



Kẻ lữ hành

Đêm
Gối đầu lên Facebook
Mơ  nàng thơ trằn trọc phía chân trời
Truyện Ả Rập có nghìn lẻ một
Và đêm này
Thêm nữa
Lẻ đôi !

Đêm
Con chữ nổ tan xác pháo
Gió mưa mộng mị xa xăm
Thơ mỏi mệt…
Và đêm này
Ai biết
Kẻ lữ hành
Độc thân !



                                                  - NXL -

Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

MỘT THỜI ĐỒNG ĐỘI


MỘT THỜI ĐỒNG ĐỘI

(Mấy cảm nhận nhân đọc tập
Thơ Cựu chiến binh phường Thụy Phương (2015)

(THAY  LỜI BẠT)

NGUYỄN MẠNH THÌN

            Đọc tập thơ 108 bài của 18 cây viết thành viên Hội Cựu chiến binh phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội (2015), trong tôi bỗng rưng rưng nỗi bồi hồi, thương nhớ khôn nguôi!... Nhớ về những tháng năm trận mạc bom cày đạn xới đau thương, quyết liệt, hào hùng; xót thương những đồng chí, đồng đội thân yêu đã mãi mãi nằm lại nơi rừng xanh núi đỏ. Cả một quá khứ ngỡ đã xa mờ, với biết bao sự việc, con người, đồng chí, anh em, bè bạn, kỷ niệm sẻ chia… lại rùng rùng đồng hiện, chứa chan buồn vui, tiếc nuối, tự hào, và … xiết bao nghĩa tình ám ảnh!
            Ấy là sắc đỏ diệu kỳ khắc sâu mãi trong trái tim người chiến sỹ rađa, không chỉ hình ảnh Tổ quốc, quê hương, tình đồng đội, nghĩa đồng bào đặng băng qua những thử thách, cam go của cuộc chiến tranh phá hoại tàn khốc bằng không quân USA mà còn tế vi, mềm mại, dịu dàng, sắt son chung thủy mối tình lứa đôi vượt thời gian và hoàn cảnh:
… Một chữ thương/Khắc vào chung thủy trên đường đôi ta (Trần Thu - Sắc đỏ)
            Ấy là những đêm mở màn chiến dịch Tổng tấn công mùa xuân năm Mậu Thân (1968) trên đồi Chư Pa lộng gió, nơi Bản Có (Pleicu) phủ trăng ngàn. Khi:
            Ngoài cửa hang, bom cày, đạn réo, /dây trời đứt tung, sóng yếu/, thì anh chiến sỹ thông tin hữu tuyến: Xông ra nối thông tín hiệu/ Quên mình, hứng nặng mưa bom (Nguyễn Viết Tạo – Đêm Chiến dịch)

Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Tình Yêu và Cuộc Đời Kim Dung, Người Viết Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp




Tình Yêu và Cuộc Đời Kim Dung, Người Viết Tiểu Thuyết Kiếm Hiệp

LỮ KHÁCH


Khi du lịch Hong Kong, hướng dẫn viên bản địa sẽ giới thiệu với du khách một ngôi biệt thự đồ sộ trên sườn núi Thái Bình, khu nhà ở của bậc tỷ phú Hong Kong, với giọng nói đầy ngưỡng mộ:
 “Đây là ngôi nhà của nhà văn Kim Dung”. Rất nhiều người đã nghiên cứu “phong thủy” của ngôi nhà trên, nhằm giải thích nguyên nhân phát tích của “đại hiệp” Kim Dung. 
Kim Dung cùng với Cổ Long và Lương Vũ Sinh, được gọi là “Võ hiệp tam đại gia”. Ông đã góp công lớn đưa thể loại văn chương võ hiệp từ tiểu thuyết dân dã bước lên lâu đài của nền văn học Trung Hoa hiện đại, trở thành nhà văn lớn ngang danh Ba Kim, Băng Tâm. Ngoài sự nghiệp văn chương, ít ai biết ông còn có một cuộc tình lãng mạn…

Người đưa tiểu thuyết võ hiệp vào sách giáo khoa

Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung. Bút danh đó là do tên ông chiết từ thành 2 chữ mà ra. Ông sinh năm 1924, trong danh môn vọng tộc ở huyện Hải Ninh, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc). Từ năm 1948, ông định cư và xây dựng sự nghiệp ở Hong Kong.
Ông không viết nhiều như các đồng nghiệp khác. Năm 1955, ông viết cuốn tiểu thuyết đầu tiên Thư kiếm ân cừu lục, đến năm 1972 viết cuốn Lộc đỉnh ký, rồi gác bút ở tuổi 48. Ông đã lấy 14 chữ đầu tên các cuốn sách của mình đặt thành câu đối như sau: 

Phi tuyết liên thiên xạ bạch lộc;
Tiếu thư thần hiệp ỷ bích uyên. 
Câu đối trên được khắc sau tượng Kim Dung, dựng trên đảo Đào Hoa, tỉnh Chiết Giang (quê hương “Đông tà” Hoàng Dược Sư trong pho truyện Anh hùng xạ điêu). 14 tác phẩm trên cộng thêm cuốn Việt nữ kiếm, như vậy tổng số tác phẩm Kim Dung là 15 cuốn.
Trích đoạn Tuyết sơn Phi Hồ đã được chọn trong sách giáo khoa ngữ văn trung học phổ thông ở Trung Quốc.

Biệt thự của Kim Dung. 

Ngoài tiểu thuyết võ hiệp, Kim Dung còn viết nhiều bài thể loại phóng sự, bình luận, khảo cứu. Ông còn là một học giả uyên thâm, được phong nhiều học vị danh dự. Mặc dù đã được cấp bằng tiến sĩ văn học danh dự nhờ cuốn Lộc đỉnh ký, nhưng ông không thỏa mãn. 

Năm 2005, ông lập kỷ lục Guinness đậu bằng tiến sĩ lịch sử thực thụ Trường Đại học Cambridge (Anh) ở tuổi 81 với luận văn “Bàn về chế độ kế thừa ngai vàng thời thịnh Đường”. Năm 1959, ông sáng lập và làm chủ bút tờ Minh Báo, về sau phát triển thành Tập đoàn Minh Báo lên sàn chứng khoán, do ông làm chủ tịch HĐQT. Trong làng văn chương Hoa ngữ, viết văn mà trở thành tỷ phú, có lẽ chỉ có Kim Dung! 

“Giấc mộng đêm hè” của đại hiệp Kim Dung 
Người đời thường nói: “Đắc ý trên thương trường, thất bại trên tình trường”. Kim đại hiệp ngang dọc giang hồ, nhưng tình yêu vẫn khó trọn vẹn. 

Năm 1957, Kim Dung xin vào làm biên kịch cho hãng phim Trường Thành. Lúc đó ông mới 33 tuổi nhưng đã có tên trong danh sách “bốn tài tử Hương Cảng”, danh tiếng nổi như cồn, sao lại chịu khuất mình làm một nhân viên biên kịch? Lý do rất đơn giản: Trường Thành có ngôi sao sáng rực bầu trời – Hạ Mộng. 

Hạ Mộng (nghĩa đen: “Giấc mộng đêm hè” , tên một vở hài kịch nổi tiếng của đại văn hào Shakespeare) tên thật là Dương Mông, sinh năm 1934, người Tô Châu, tỉnh Giang Tô, từ nhỏ sống ở Thượng Hải, năm 1947 định cư ở Hong Kong. Năm 15 tuổi, cô đóng vai chính trong vở kịch tiếng Anh Joan of Arc, được đánh giá “không những người đẹp, còn diễn xuất có hồn” và nổi danh từ đó. Cô cao 1,7m, rất hiếm vào thời điểm giữa thế kỷ trước, cộng thêm tố chất văn hóa, nên năm 1953, sau khi tham gia đội ngũ của hãng phim Trường Thành, cô nhanh chóng trở thành diễn viên hàng đầu với biệt danh “công chúa Trường Thành”.

Tả về vẻ đẹp của Hạ Mộng, Kim Dung từng viết: “Sắc đẹp Hạ Mộng trong đời thường đã làm tôi lóa mắt; Hạ Mộng trên màn ảnh còn đẹp hơn, nhìn thấy cô tim tôi đã loạn nhịp, hồn phách cũng bị cô hớp mất”. 

Hạ Mộng tuổi học sinh. 

Ông cũng từng viết: “Tây Thi đẹp như thế nào, chưa ai thấy, chắc chỉ cỡ Hạ Mộng là cùng!”. Để có cơ hội tiếp cận người tình trong mơ, Kim Dung đã chọn con đường gia nhập Trường Thành. 
Về già, ông hồi tưởng lại, đúng như trong truyện dân gian Đường Bá Hổ điểm Thu Hương. Đường Bá Hổ là danh sĩ đời Minh, để tiếp cận người đẹp Thu Hương, ông đã đóng vai người hầu, nhưng khác với Kim Dung, Đường Bá Hổ được toại nguyện. 

Để mắt xanh người đẹp để ý tới, ông đã làm việc không mệt mỏi. Chỉ trong vòng 3 năm, ông đã lấy bút danh Lâm Hoan dựng 6 kịch bản: Giai nhân tuyệt thế, Đừng rời xa em, Tiếng đờn lúc nửa đêm… Ông còn học làm đạo diễn, từng hợp tác với bạn, đạo diễn thành công hai bộ phim Ấp ủ tình xuân, Cướp dâu. 

Các phim trên đều do Hạ Mộng đóng vai chính, hai người cộng tác rất thành công, nên ông có nhiều cơ hội tiếp cận người đẹp. Ông bày tỏ tình cảm bằng lời nói bóng gió và liếc mắt đưa tình. Cô cũng cảm mến tài đức của ông, nên đã đáp trả bằng “trên mức tình bạn, dưới mức tình yêu”, càng khiến ông thần hồn điên đảo, nhưng không thể vượt qua giới hạn cho phép. 

Hạ Mộng (bìa trái) và Kim Dung (bìa phải). 

Cuộc hò hẹn lãng mạn 
Tất cả đều bắt nguồn từ việc “danh hoa đã có chủ”. Năm 1954, Hạ Mộng đã kết hôn với Lâm Bảo Thành, một thương nhân mê điện ảnh. Ngôi sao màn bạc Á Đông không sống phóng túng như ngôi sao Hollywood, Hạ Mộng không thể phản bội chồng. Đối với vô số người đeo đuổi, cô đều mặt lạnh như tiền, từ chối không thương tiếc, nhưng đối với Kim Dung, cô dành cho sự tôn trọng và thân thiện đặc biệt. 

VĨNH BIỆT THƯỢNG TÁ NGUYỄN NGỌC THẠCH!

Gia đình vô cùng thương tiếc báo tin : Thượng tá Nguyễn Ngọc Thạch đã từ trần ngày 22 tháng 11 năm 2015, hưởng thọ 66 tuổi. Cám ơn các cấp chính quyền, bà con họ hàng, láng giềng đã phúng viếng, chia buồn và tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng!






Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

MỘT NGƯỜI HÀ NỘI THƠ LẶNG LẼ




MỘT NGƯỜI  HÀ NỘI THƠ LẶNG LẼ
Đọc Hoa trạng nguyên của Nguyễn Trác, nxb Hội Nhà Văn,2015

                                      Vũ Nho

Người ta thường lấy một tên gọi vừa gợi cảm, vừa có ý nghĩa, hoặc  khá phổ biến là lấy tên một bài thơ tâm đắc để làm tên cho cả tập thơ. Nhưng tập Hoa trạng nguyên thì không có một bài thơ nào như vậy. Đó chỉ là mấy từ trong một câu thơ của bài thơ Sa Pa ở khổ cuối cùng:
          Sa Pa
          Bất chợt tiếng khèn
          Thảng thốt hồn chiều
          Hoa trạng nguyên đỏ thắm.
Nhưng ngẫm kĩ thì đặt tên như vậy cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Cái loại hoa đỏ thắm có tên là trạng nguyên ấy khá phổ biến trên hàng rào nhà người vùng cao. Nó là loài hoa bình dân, giản dị. Màu sắc đỏ thắm của nó đỏ đến nao lòng và gợi cảm, đặc biệt là gợi nhớ về lịch sử thi cử ngày xưa. Mà điệu tâm hồn của nhà thơ Nguyễn Trác là một điệu thường hướng về quá khứ, hướng về lịch sử, suy ngẫm từ lịch sử. Chúng ta sẽ gặp những suy tư thơ trên  Phổ cổ; Vết đạn trên thành cổ; Màu cô ban cổ; dõi dấu tiền nhân; Lịch sử Người lửa đỏ từng trang; Mùa thu Đại Việt/ Mây trắng bay như những chiến thuyền/ Hào khí Đông A;  Tiếng ngựa hí nước dâng từ tiền sử mơ hồ…( Tên những bài thơ, ý thơ, câu thơ trong tập).
          Khi đọc những câu thơ có tính tự thuật này:
                       Cậu bé sinh thành phố
                      Thêm người mẹ áo nâu
                      Giấc ngủ thêm hương lúa
                     Đêm thêm câu hát gọi trầu
                      Cậu bé hồn lãng tử
                                        Gió sương sen hồ
Tôi nghĩ rằng  thành phố Hà Nội và vùng quê kinh Bắc đã nuôi dưỡng hồn thơ, đã làm giàu tâm hồn nhạy cảm,  đã chuẩn bị cho cậu bé thành nhà thơ. Và cậu bé đó  viết nhiều về Hà Nội, về những miền quê của đất nước là một chuyện tưởng không có gì ngạc nhiên hay cần  phải lí giải.
          Trong tập thơ Hoa trạng nguyên, những bài viết về Hà Nội, về kỉ niệm  của tác giả khá nhiều, khá sâu. Phải nhạy cảm, và đặc biệt là có một tình yêu Hà Nội rất nồng nàn, máu thịt mới có thể viết những dòng như vậy.Về cây cầu Long Biên chứng nhân lịch sử hàng trăm năm tuổi, nhà thơ nhìn thấy như dáng rồng bay trong huyền thoại:
          Người bay cao hơn những gì mỏi mệt
của thế hệ húng tôi
tới đỉnh những giấc mơ
trong cuộc sống ngàn đời
                   Cầu Long Biên

Thứ Năm, 19 tháng 11, 2015

Vũ Nho trả lời phỏng vấn trên báo Điện tử TỔ QUỐC

Sai lầm nghiêm trọng khi coi văn mẫu là “mẫu mực”
 
(Toquoc)- Văn mẫu, áp lực điểm số… là những vấn đề được quan tâm và nhắc đến nhiều trong những năm gần đây. Phải chăng những bất cập trong việc dạy và học văn hiện nay không đáng lo ngại như chúng ta vẫn tưởng? Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam, nhà văn, PGS.TS Vũ Nho đã dành cho Báo điện tử Tổ Quốc cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Nhà văn, PGS.TS Vũ Nho
PV: Thưa ông, là một người làm văn chương lại có thời gian gắn bó với công việc chỉ đạo chuyên môn của Bộ Giáo dục, xin hỏi ông quan niệm và nhìn nhận như thế nào về văn mẫu?
PGS.TS Vũ Nho: Trong giáo dục việc hình thành các kĩ năng cho người học thường có việc trực quan, làm theo mẫu rồi sau đó sáng tạo. Các ví dụ làm mẫu không phải chỉ có ở môn Ngữ văn. Bài văn mẫu là một trong các “ví dụ” để học sinh quan sát, phân tích, bắt chước. Song không thể có bài văn mẫu mực. Càng không thể coi một bài văn là chuẩn, để rồi khi học sinh viết không giống thì đánh giá là kém hoặc coi là sai. Tôi thấy có một số sách đề là Văn mẫu. Sách do các thầy cô giáo viết để học sinh tham khảo. Đứng về góc độ sư phạm, nếu thầy giỏi, bài viết hay học sinh đọc cũng sẽ có ích. Cũng có các bài viết hay của các em học sinh khá, giỏi được chọn vào sách. Vì là cùng trình độ, cùng lứa tuổi, nên học sinh dễ dàng học tập. Mẫu là cần cho dạy học. Song không nên dùng bài viết dù hay đến mấy để làm mẫu, để yêu cầu học sinh viết theo. Như thế là phản khoa học, không có tính giáo dục. Bởi vì tập làm văn là sự tập sáng tạo của học sinh. Nếu các em “rập khuôn” theo văn mẫu thì chỉ có những sản phẩm giả, giống nhau y chang.
PV: Vậy tại sao cách đây mấy chục năm tình trạng “văn mẫu” không trở thành “công thức văn học” như hiện nay ạ?
PGS.TS Vũ Nho: Trước đây, vẫn có các bài thi học sinh giỏi văn quốc gia Trung học phổ thông và Trung học cơ sở được in thành sách cho các thầy cô giáo và các em học sinh tham khảo. Nhưng mọi người không quan niệm đó là văn mẫu. Tôi biết trong vòng hơn chục năm lại đây, các sách văn mẫu xuất hiện nhiều. Học sinh cần sách để tham khảo. Vì thế có cầu thì sẽ có cung. Vấn đề là người thầy sử dụng và hướng dẫn học sinh sử dụng sách như thế nào cho hiệu quả. Nếu coi “văn mẫu” là mẫu mực, là thước đo việc tập làm văn của học sinh thì thật là một sai lầm nghiêm trọng. Tôi tin tưởng rằng đa số các thầy cô giáo không làm như vậy. Lấy “văn mẫu” là “công thức văn học” chỉ xảy ra với những giáo viên yếu kém và không đủ bản lĩnh sư phạm mà thôi.
PV: Hiện nay ở các cấp học khá coi trọng kết quả của từng năm học với mục đích là để học sinh học đều. Nhưng như vậy thì lại gây ra áp lực điểm số, nhất là với môn văn. Vì rằng có một thực tế là làm theo mẫu mới được điểm cao, còn tự sáng tạo thì điểm khó cao. Vậy thì theo ông làm thế nào để điểm số không còn là mối bận tâm với học sinh học văn?

Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

MỘT BẢN NHẠC TÌNH CỜ HÁI ĐƯỢC TỪ SỰ NGƯỠNG MỘ TÌNH THẦY TRÒ ĐẶC BIỆT




CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20 – 11 - 2015
Kính thưa Quý thầy cô giáo, Quý thính giả và bạn bè gần xa!
Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), Triệu Lam Châu xin trân trọng gửi tới Quý thầy cô giáo, Quý thính giả và bạn bè bài hát Người học trò cũ (Ơi người con gái Tứ Yên) – với lời chúc sức khoẻ, hạnh phúc, an lành và  mọi thành công!
Triệu Lam Châu

MỘT BẢN NHẠC TÌNH CỜ HÁI ĐƯỢC
TỪ SỰ NGƯỠNG MỘ TÌNH THẦY TRÒ ĐẶC BIỆT
(Tâm sự của Triệu Lam Châu)
Buổi sớm tinh mơ ngày 25 tháng 5 năm 2015, như mọi khi tôi vào Sân trời của mình xem bạn bè có gì nhắn gửi mình không? Bỗng nhiên tôi thấy rất ấn tượng khi đọc bài viết Thơ thầy giáo cũ tặng Nang Nguyen - Tuyết Mai. Đọc bài Thơ Ơi người con gái Tứ Yên (Người học trò cũ) tặng Tuyết Mai – Nang Nguyen của thầy giáo Nguyễn Đức Duyệt, Triệu Lam Châu tôi thấy rất hay. Bài thơ của thầy Nguyễn Đức Duyệt dựa trên cảm hứng tự hào của một nhà giáo lão thành, khi thấy học trò của của mình (Là Nguyễn Tuyết Mai) thành đạt trong cuộc sống và trong sáng tạo văn chương. Bốn bài thơ của trò Nguyễn Tuyết Mai (Nhớ về trường cũ Sáng Sơn, Giấc mơ thu, Ta vẫn là hạt nắng của làng và Em đi tắm tiên) đã được phổ nhạc, ghi âm và đã đến với công chúng theo con đường Internet (Mạng Youtube).
Bài thơ này của thầy Nguyễn Đức Duyệt hay đã đành, song nó lại có nét độc đáo là Thơ thầy giáo tặng học trò cũ. Xưa nay thơ học trò viết về mái trường xưa, về công ơn dạy dỗ của các thầy cô giáo – thì rất nhiều. Nhưng theo tôi thấy thơ nhà giáo viết về học trò lại rất ít, vô cùng ít. Bài thơ của thầy Nguyễn Đức Duyệt nằm trong số hiếm ấy, mà lại hay nữa, nên nó độc đáo là phải rồi.
Thế rồi có chi tiết đặc biệt chói chang cả lòng tôi, khi đọc: “… Như vậy thầy Duyệt là thầy của bố - Tuyết Mai và của cả ba chị em nhà Tuyết Mai nữa đấy….”
Một câu bình dị như vậy, mà như một tia lửa thần mầu nhiệm bùng phát trong lòng Triệu Lam Châu tôi khi ấy. Vậy là cả nhà văn, nhà giáo quá cố Nguyễn Anh Đào và các con của ông – đều là học trò của thầy Nguyễn Đức Duyệt kính yêu.
Một nét nhạc xuất hiện ngay nương theo những vần thơ của thầy… mà bay. Song khi đó bài thơ của thầy Nguyễn Đức Duyệt chỉ có hai khổ, ngắn quá – không đủ lời cho một bài nhạc. Mặc… dòng nhạc đã khởi phát thăng hoa rồi, tôi cứ phổ theo thơ, còn chỗ nào không có lời – thì cứ cho dòng nhạc tuôn ra theo dòng cảm xúc. Và trong vòng 45 phút tôi đã làm xong bản nhạc phổ thơ thầy Nguyễn Đức Duyệt tặng Tuyềt Mai.
Đêm 25/5 tôi nhắn tin cho Tuyết Mai, mong thầy làm thêm một khổ thơ nữa cho đủ lời một bản nhạc.
Chiều ngày 5/6/2015 – Bản nhạc bài hát Người học trò cũ (Ơi người con gái Tứ Yên) đã được hoàn thành.
Và đầu tháng 11 năm 2015 bài hát đã được ghi âm và làm video. Triệu Lam Châu xin trân trọng kính gửi thầy Nguyễn Đức Duyệt, bạn thơ  Nguyễn Tuyết Mai cùng các thầy cô giáo và đông đảo bạn bè quan tâm đến mảng đề tài này.
Tuy Hoà, lúc 08 giờ 06’ Sáng 16/11/2015
Triệu Lam Châu


Trân trọng mời Quý thầy cô giáo, Quý thính giả và bạn bè cùng nghe bài hát theo các đường dẫn sau đây:

https://youtu.be/0nhBaJkWRD0    (Video nhạc Ơi người con gái Tứ Yên – Người học trò cũ)

http://www.youtube.com/watch?v=AmuM75gnAFY ( Video nhạc Về thăm thầy giáo cũ)


 http://youtu.be/nIBxucheV2Q   (Video nhạc Nhớ về trường cũ Sáng Sơn)

Vào 16:45 Ngày 13 tháng 11 năm 2015, Chau Trieu <trieulamchau@gmail.com> đã viết: