Thứ Năm, 3 tháng 7, 2025

VỀ THƠ NGUYỄN VIỆT ANH

 



NGUYỄN VIỆT ANH: THƠ TỪ THẾ GIỚI CẢM QUAN KHÁC BIỆT


            CHỬ THU HẰNG

Trong khu vườn đa sắc của thơ ca Việt Nam đương đại, có những bông hoa nở lặng lẽ nhưng tỏa hương thơm ngát từ một nghị lực phi thường. Câu lạc bộ Sáng tác Văn học Hồ Gươm tự hào vì có một hội viên đặc biệt, đó là nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh, sinh năm 1982 tại Hà Nội. Nhân dịp Nguyễn Việt Anh ra mắt tập thơ “Chấm phá”, tôi đọc lại vài tập thơ anh tặng, để thêm một lần cảm phục trước nghị lực sống của anh.
Tôi đã đến thăm Nguyễn Việt Anh cùng bạn bè. Ngôi nhà số 39 phố Hàng Bồ nằm lọt trong khu phố buôn bán sầm uất của Hà Nội, là nơi “tấc đất tấc vàng”, lại “tứ đại đồng đường” chung sống nên khá chật chội, chẳng thấy mảnh sân phơi, nơi từ đó bay lên câu thơ ảo diệu của Nguyễn Việt Anh: "Dây phơi không chiếc áo nào/ Mỗi khi gió động vẫn chao đôi tà". Không có mảnh sân, không có cỏ cây hoa lá, không gió hát chim ca… những thứ thật sự hiếm hoi với người Hà Nội sống trong khu phố cổ. Nhưng Nguyễn Việt Anh dường như đã vượt thoát khỏi những bức bí đời thường ấy bằng đôi cánh của thơ. Chỉ cần một chiếc lá khô đi lạc cũng đủ cho anh phiêu du trong cõi vô cùng: "Nhặt lên chiếc lá héo khô/ Thấy ta trong cõi hư vô thay hình/ Gió đưa chiếc lá tái sinh/ Về đây rơi lại chỗ mình đã rơi" (Tái sinh)
Với tâm hồn nhạy cảm và tinh tế của người Hà Nội, một tách cà phê sáng cũng đánh thức trong anh nỗi buồn muôn thuở của thi nhân: "Cà phê đắng ngắt bờ môi/ Căn phòng trống trếnh ngoài trời bão giông/ Sao mưa cứ lọt qua song/ Theo nhau len lỏi vào trong nỗi buồn" (Cà phê đắng)
Tuy vậy, Nguyễn Việt Anh không để nỗi buồn lấn át. Ngược lại, anh không coi khiếm thị là một trở ngại mà là động lực để khám phá thế giới nội tâm và chia sẻ cảm xúc của mình. 17 năm nhìn ngắm cuộc sống khi chưa mất đi đôi mắt đã được anh lưu giữ trong ký ức và tận dụng những giác quan thay thế như khứu giác, xúc giác, thính giác để có những tưởng tượng, suy ngẫm độc đáo về thế giới quanh mình hôm nay.
"Mấy khi có dịp về quê/ Ra sông hóng gió thỏa thuê cả ngày/ Ta ngồi như một gốc cây/ Nghe trên da thịt trổ đầy tuổi thơ" (Linh cảm). Hình tượng trong câu thơ rất lạ, gợi bố cục của bức tranh siêu thực. Ở đây, xúc giác đã thay thế đôi mắt, cho tác giả “nhìn” thấy không gian rộng mở, làn gió mơn man trên da thịt đã đánh thức kí ức của tuổi thơ. Ký ức được cảm nhận như một sự đâm chồi, nảy lộc (trổ đầy) ngay trên thân thể.
Người khiếm thị có thính giác đặc biệt tinh nhạy, nhà thơ lại càng sâu sắc hơn, chẳng những nghe được tiếng lửa, anh còn biết được lửa khóc bởi nỗi đau đời: "Rượu chưa ngấm đã men say/ Hỏi em đêm cạn tình này có đôi/ Than chưa cháy hết nụ cời/ Đã nghe tiếng lửa khóc đời tàn tro" (Tiếng lửa)
Và khứu giác đã đưa đường, dẫn lối cho nhà thơ khi chợt nhận ra một mùi hương lan tỏa trong không gian, nhà thơ đã ngỡ ngàng nhận biết: "Sớm ra mở cửa ngây ngây/ Hương nhà ai tỏa trên cây nhà mình" (Mở cửa)
Từ những cảm nhận tinh tế qua các giác quan thay thế, Nguyễn Việt Anh đã mang đến những góc nhìn độc đáo về thế giới và sự tồn tại, bật ra triết lý bất ngờ: "Chong đèn người thấy rõ đêm/ Chong đêm tôi thấy ánh đèn rạng soi/ Người bảo đèn sáng còn tôi/ Tin rằng đêm sáng đâu lời đúng sai" (Chong đèn)
Đọc thơ Nguyễn Việt Anh, thấy anh “đi” rất nhiều, thể hiện ở các địa danh: Đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, Yên Tử, Chùa Hương… Anh “đi” bằng tâm tưởng qua các địa chỉ tâm linh, “nhìn” thấy những điều mà không phải người bình thường nào cũng nhìn thấy được: "Hoa mơ hoa mận nở tràn/ Trắng từ cõi tạm trắng sang cõi thiền" (Chùa Hương trẩy hội); "Báo Thiên hồn phách ở đâu/ Có nghe trang giấy đau câu sơn hà"; "Điện hoang khói lạnh hư không/ Tôi như dấu hỏi cúi cong mái đền". Cái “nhìn” của anh có chiều sâu lịch sử, xuyên suốt không gian và thời gian dẫu anh khiêm tốn nhận rằng đó chỉ là những nét “chấm phá”.
Người làm thơ vốn hay buồn. Nguyễn Việt Anh dù mơ mộng, để trí tưởng tượng bay xa đến đâu, vẫn chua xót nhận ra hiện thực cô đơn, tù túng: "Trăng lên biển đã vào khuya/ Cánh buồm khuất nẻo bên kia chân trời/ Sáng giờ cũng ngược ra khơi/ Bơ vơ hạt cát lặng ngồi hóa anh" (Hạt cát)
Anh cũng hiểu rằng không phải mọi ước muốn đều có kết quả tốt đẹp: "Ngồi nhà gấp máy bay chơi/ Giấc mơ hết lượn lại rơi xuống sàn" (Gấp máy bay)
Và đôi khi, anh cũng mệt mỏi, cạn kiệt cảm hứng, niềm tin. Rồi một hôm thi tứ lại tràn về, vẫn vẹn nguyên những gì trong trẻo, tốt đẹp: "Xa nhau đằng đẵng bao ngày/ Dòng sông xưa bỗng hôm nay tràn bờ/ Sà vào lòng nước ngẩn ngơ/ Chỗ ta chết đuối không ngờ còn trong" (Sông xưa)
Thơ là sợi dây liên kết sang trọng kết nối Nguyễn Việt Anh với thế giới. Thơ giúp Nguyễn Việt Anh tương tác với bạn thơ, đồng hành với bạn thơ, đau cùng nỗi đau của họ, chia sẻ ý nghĩa của kiếp nhân sinh: "Càng đi càng thấy rối bời/ Cõi tu chưa tới, nẻo đời còn xa/ Chân mình mỏi bước người ta/ Tóc người ta bạc, trắng qua phận mình" (Phận thơ)
Có được câu thơ đọng trong lòng bạn đọc là điều mà người viết nào cũng mơ ước. Tuy nhiên, sáng tạo nghệ thuật chẳng dễ dàng. Trăn trở, tìm tòi, vật vã… nhưng Nàng Thơ lại đỏng đảnh, trêu ngươi: "Giật lên, lại nữa, trời ơi/ Toàn là ảo tưởng xa vời, viển vông/ Con cá sáng tạo vẫy vùng/ Cái đuôi thất bại quẫy tung tìm tòi" (Đi câu)
Nhưng Nguyễn Việt Anh không nản, bởi có một ước mơ cháy bỏng, một ước mơ chính đáng làm kim chỉ nam cho những khao khát dâng hiến của anh: "Ai bảo rằng đá vô tri/ Đặt tay lên thấy xù xì nếp nhăn/ Điều gì khiến đá trở trăn/ Giấc mơ hóa ngọc còn lằn trong tim".
Nhiều câu thơ tài hoa của Nguyễn Việt Anh đã có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Anh vẫn luôn tin rằng cứ sống và viết với lòng biết ơn, anh và thơ của anh sẽ hiện diện mãi mãi như một điểm sáng giữa sân thơ: "Giờ em nhổ tóc giùm anh/ Ai người nhổ cỏ giúp mình ngày sau/ Yêu đi cho tóc bền màu/ Lo gì cỏ mọc trên đầu một mai" (Tóc và cỏ)
Cháy hết mình cùng thơ, Nguyễn Việt Anh vẫn khiêm nhường, tự nguyện làm một chiếc bình để những đóa thơ của anh nở hoa lộng lẫy mỗi ngày, dâng hương say đắm bao người: "Nguyện xin làm chiếc lộc bình/ Cho hoa cứ nở hết mình đắm say/ Dẫu rằng biết đến một ngày/ Chiếc bình kia sẽ cắm đầy trống không" (Chiếc bình)
Có lần khá muộn, tôi gọi điện cho Nguyễn Việt Anh hỏi em đã ngủ chưa? Nguyễn Việt Anh cho biết em thường thức rất khuya. Không nén được tò mò, tôi hỏi:
- Em thức khuya vậy làm gì? Mỗi ngày em thường làm gì?
- Lúc nào em cũng tập trung suy nghĩ để sáng tác.
Vậy đó. Thơ là lẽ sống của Nguyễn Việt Anh. Mỗi ngày, mỗi đêm anh đều miệt mài tìm tòi thi tứ, chắt chiu từng giọt cảm xúc để cho ra đời những tác phẩm thơ lấp lánh. Sau mười một năm lao động nghệ thuật nghiêm túc, say mê, Nguyễn Việt Anh đã cho ra đời 16 tập thơ, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là niềm vinh dự và sự công nhận của cộng đồng mà không phải người viết nào cũng đạt được.
Nguyễn Việt Anh là tấm gương sáng về nghị lực sống và đam mê sáng tạo. Thơ của anh đã góp phần làm phong phú thêm nền thơ ca Việt Nam đương đại, gửi đi những thông điệp về tình yêu cuộc sống, về khả năng vượt lên số phận của con người.
Hà Nội, ngày 1 tháng 7 năm 2025
Chử Thu Hằng
unnamedmn
 In bài viết
Phản hồi

Người gửi / điện thoại

Nội dung

 
 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Nguyễn Thị Mai
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
 
ĐIỆN THOẠI & EMAIL LIÊN HỆ
Tel:  1- 0328 455 896. 2- 0855 890 003.
Nhà văn, Phó Gs, Tiến sỹ VŨ NHO:  vunho121@gmail.com
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét