ĐI CHƠI VÂN ĐỒN, CÔ TÔ
Các bạn văn Quảng Ninh hò hẹn mãi, cuối cùng thì cũng biến lời hẹn thành...hiện thực. Sáng 21 tháng Sáu hẹn Trần Quang Quý lên Nhà hát lớn. Đi xe chất lượng cao qua Hải Phòng xuống Uông Bí. Tại Uông Bí, các anh Đinh Đức Cường, Nguyễn Nghiêm, Vũ Hào cho xe đón. Buổi chiều xuống Vân Đồn. Mình cứ tưởng Vân Đồn xa lắm lắm. Hóa ra, ngày xưa, đây là Cẩm Phả đảo để phân biệt với Cẩm Phả thị. Chính ở Cẩm Phả thị, lần đầu tiên Vũ Nho sử dụng cái gọi là " ĐIỆN THOẠI" để liên lạc ra Cẩm Phả đảo ( nơi 1 đoàn sinh viên khác của trường ĐHSP Việt Bắc đang đi kiến tập). Khi đó gọi nhờ điện thoại ở Ủy ban, dùng tay quay một hồi chứ không phải là bấm số.
Vân Đồn quả là đẹp. Đặc biệt ấn tượng là Trúc Lâm Thiền viện Giác Tâm, ngay sát bên bờ biển. Các anh chị văn nghệ Vân Đồn gồm anh Khánh Hội, anh Huyên, chị Thy Nga đón đoàn rất nhiệt tình. Mọi người đọc thơ giao lưu vui vẻ. Hôm sau anh Huyên đưa nhóm chúng tôi ra cảng Cái Rồng để đi Cô Tô. Dự kiến tàu chạy lúc 8 h, nhưng gió to, đổi từ tàu nhỏ sang tàu lớn. Lúc 8 h 32 phút mới rời bến. Sau một tiếng 13 phút thì đến Cô Tô. Anh Cường thuê xe ô tô điện tự lái đưa anh em chạy lòng vòng trên đảo và ra khu Vàn Chảy. Trong tập truyện ngắn " Gã thợ săn" có truyện " Người đàn bà của biển" anh Cường viết ở Cô Tô. VN trêu đùa rằng khám phá lớn nhất của mình là đã biết mỏm đá nơi nhân vật bỏ quần đùi đi tắm tiên, và biết được "nguyên mẫu" cô gái ngày ấy! Buổi trưa nhóm ăn cơm với Trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Đặng Quang Ngạn và ủy viên thường trực Hội đồng nhân dân Bùi Đức Mân. Bữa cơm thân mật và vui vì cả hai anh Ngạn và Mân đều gốc nghệ sĩ. Ba giờ chiều nhóm lên tàu về lại Vân Đồn. Anh Khánh Hội mời nhóm "ăn dặm" trước khi về Hạ Long. Chia tay Vân Đồn, dọc đường, bỗng chiếc xe BMV của anh Cường giở chứng sau cú phanh đột ngột. Hình như có vật gì làm bó phanh nên xe chạy phát ra tiếng "lịch kịch". Dừng lại xem xét thì không phát hiện điều gì. Anh Cường bảo cố chạy lên mấy cây số để vào ga ra xin sửa. Kì lạ là khi vòng vào trạm rửa xe hỏi thăm thì tiếng "lịch kịch" bỗng nhiên biến mất. Thế là chẳng phải sửa chữa gì, xe thẳng tiến về Hạ Long.
Tối đó sau khi ăn nhẹ, chúng tôi tạm biệt anh Nghiêm, nghỉ đêm ở Sao Mai.
Sớm sau ăn sáng rồi đến thăm trụ sở Hội, gặp anh Dương Hướng, Lê Cương. Cả nhóm lại đến thăm nhà mới của anh Cương, nhâm nhi bia, mực.
Tạm biệt mọi người, anh Đinh Đức Cường đưa Vũ Nho và Trần Quang Quý về Mạo Khê. Rồi hai nhà văn Hà Nội lên xe về Mỹ Đình.
VN về nhà bị cảm sốt mấy ngày liền, từ 23 tháng sáu cho đến tận 28 tháng sáu. Mới biết khi đã 70 tuổi thì sức khỏe là cả một vấn đề!
Trái qua: Nguyễn Nghiêm, Đinh Đức Cường, Vũ Hào, Trần Quang Quý ( tại nhà riêng anh Hào)
Thiền Viện Giác Tâm, Vân Đồn
Với các bạn văn Vân Đồn
Cảng cá Cái Rồng
Trước giờ đi Cô Tô
Cầu tàu Cô Tô