Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

50 năm ĐHSP Việt Bắc - Gửi về khoa Ngữ văn yêu quý







ĐÔI ĐIỀU  TẢN MẠN VỀ KHOA NGỮ VĂN YÊU QUÝ

                                                Nhân kỉ niệm 40 năm ngày thành lập

                                                         

PGS.TS Vũ Nho




            Nhân ngày khoa Văn  Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc ( nay là Đại học Sư phạm, Đại học Thái nguyên) đầy tuổi bốn mươi, tôi muốn bày tỏ vài điều tản mạn về khoa yêu quý.

Cái kỉ niệm sâu sắc nhất là khi chúng tôi đi thi nghiên cứu sinh. Vị giáo sư khả kính ở Hà Nội hỏi : Đồng chí công tác ở đâu? - Dạ thưa, ở Đại học Sư phạm Việt Bắc. Câu trả lời ấy làm cho người đưa ra câu hỏi ái ngại, cảm thông. Nhưng  vẫn có một câu hỏi tiếp theo: Trước đồng chí học ở đâu? - Dạ thưa, cũng ở Sư phạm Việt Bắc. Vị giáo sư  không nén nổi tiếng thở dài. Dạy ở nơi như thế. Lại học ở nơi như thế mà dám cơm nắm về Hà Nội thi nghiên cứu sinh thì...

          Nhưng chúng tôi đã không làm cho vị giáo sư đó thất vọng. Chắc là ông còn phải ngạc nhiên lắm. Vì cô Lộc Phương Thuỷ đã đỗ đầu 25 điểm cho ba môn thi của khối xã hội năm ấy. Thầy Bàn Tiến Tân cũng đỗ luôn. Rồi Vũ Nho,  Nguyễn Huy Quát, Trần Thế Phiệt, Phạm Quang Trung, Mai Thanh Thuỷ... đều đỗ và sang nước ngoài tu nghiệp. Tôi nghĩ không cần bình luận thêm về chất lượng đào tạo những mũi nhọn của khoa Văn.

          Khi đã chuyển về Bộ Giáo dục công tác, tôi nhớ  vào cuối  năm 1987 hay 1988 gì đó, cơ quan Vụ cấp một , hai khi ấy ở 194 Trần Quang Khải, tôi sang Cục đào tạo bồi dưỡng có việc. Bỗng được nhìn thấy thống kê về Tiến sĩ và Giáo sư của các trường Sư phạm trong toàn quốc. Tò mò nhìn xem. Té ra trường ĐHSP Việt Bắc vào thời điểm ấy, chỉ thua kém có trường Đại học sư phạm Hà Nội I mà thôi. Hoá ra trường mình là một trường mạnh mà mình không biết. Tất nhiên, khoa Văn theo tôi được biết cũng luôn là khoa mạnh của trường.


          Chất lượng đào tạo của khoa từ cái thời khoá một chúng tôi đến khoá bốn mươi, chắc là không đến nỗi. Có nhiều anh chị  học sinh của khoa đã trở thành Giám đốc, Phó Giám đốc sở  Giáo dục và đào tạo, nhiều người là trưởng phòng, hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên giỏi. Không phải là tôi không giữ một chức vụ to như các bạn mình, chỉ là một người thành đạt về chuyên môn mà đánh giá thiên lệch về những người giỏi chuyên môn. Tôi kính trọng những nhà quản lí bởi vì ít nhất thì chuyên môn của các anh, chị ấy cũng không kém, hoặc khá tốt thì người ta mới cử làm quản lí. Những người thành đạt về quản lí cũng là niềm tự hào của khoa chứ sao.  Đó là những anh chị Hoàng Ngọc, Lục Văn Vận, Nguyễn Ngọc Chụ, Hoàng Thị Suý, Lại Hữu Miễn, Cầm Long Thuỷ, Hoàng Mạnh Tiến, Bùi Phú Hảo, Đào Hữu Lượng, Nông Ngọc Dung, Nguyễn Hữu Hùng, Lương Minh Định...Nhưng đánh giá chất lượng của một khoa đào tạo giáo viên, thì  sự đánh giá đó  phải dựa trên việc đào tạo ra các giáo viên giỏi, các giảng viên giỏi, các cán bộ có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư và giáo sư, hoặc tương đương. Tôi chỉ thống kê một số anh chị thành đạt về chuyên môn của khoa  như Nguyễn Văn Lộc, Vũ Anh Tuấn, Hoàng Hữu Bội, Ngô Văn Đức, Ngô Văn Thư, Trần Mạnh Tiến, Nguyễn Phạm Hùng, Phạm Mạnh Hùng, Lê Thị Chính, Trần Minh Phương, Trần Việt Trung...Đấy chỉ là những người tôi sực nhớ. Còn bao nhiêu người đã thành Tiến sĩ, được công nhận là giáo viên giỏi, là chuyên viên chỉ đạo bộ môn ở các sở, các phòng mà tôi không thể kể ra? Tôi nghĩ đó là điều tự hào  lớn nhất của khoa Văn chúng ta.

          Có một đôi lần được trở về khoa với tư cách là khách mời để giao lưu với các bạn sinh viên, tôi thấy sinh viên khoa mình, trường mình thật đáng yêu. Có lẽ bởi vì tôi được sinh ra ở cái nôi khoa Văn mà cảm xúc vậy chăng? Rất có thể. Nhưng quả thật có đi ra ngoài, có thử thách mình giữa bể mặn trùng khơi ( theo cách nói của Chế Lan Viên) mới thấy hết được tầm vóc của Khoa, của Trường. Và điều quan trọng nhất là thấy được những tình cảm mến thương của những người sinh ra trên mảnh đất  gian khó nhưng rất cần cù hiếu học, cũng không thiếu thông minh, nghị lực và ý chí.

          Các thầy thành đạt của khoa như thầy Hoàng Nhân ( đã mất), Cù Đình Tú, Lương Duy Thứ, Trần Văn Bính, Nguyễn Văn Chính, Nguyễn Minh Thuyết... hay các thầy không có học hàm, học vị nhưng trong con mắt và tấm lòng các học trò, vẫn là các giáo sư khả kính như thầy Phạm Luận, Vi Hồng ( đã mất) Vũ Châu Quán, Hoàng Xuân, Nguyễn Văn Túc, Mai Xuân Hải, Cao Xuân Thử, Phan Thanh Lương, Lê Văn Trúc, Đoàn Hồng...vẫn là niềm tự hào của lớp lớp học trò khoa Văn.

          Có một lần tôi phát biểu nhân dịp kỉ niệm sinh nhật lần thứ 25 hay 30 của khoa. Đại ý rằng mỗi con người không thể chọn bố mẹ để mà đầu thai và sinh ra làm con cái họ. Lớp chúng tôi không có quyền chọn khoa Văn ĐHSP Việt Bắc để sinh thành.  Nhưng chúng tôi thương quý những ngày gian khổ của mình, thương quý và tự hào về khoa Văn yêu dấu của mình. Nói như nhà thơ Y Phương, chúng tôi Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói/ Sống như sông như suối...

Khoa Văn - Một con người ở tuổi bốn mươi, tuổi tráng niên tràn đầy sức lực, tràn trề sức sống và  phong phú giá trị tinh thần.

 Các bạn trẻ, nếu đã chọn khoa Văn làm cha mẹ về chuyên môn, làm nơi ươm trồng nghề nghiệp của mình, xin hãy ngẩng cao đầu mà tự hào rằng chúng mình có một gia đình rất giàu, rất mạnh, rất ân tình, rất nhiều truyền thống.

                                                                                         11/9/2006



Đã in báo Giáo dục & Thời đại và Kỉ yếu của khoa Ngữ văn




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét