Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Trăng sáng sân nhà em của Trần Đăng Khoa với lời bình Vũ Nho





Trần Đăng Khoa

Ông trăng tròn sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em
Trăng khuya sáng hơn đèn
Ơi ông trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em...
                *
Hàng cây cau lặng đứng
Hàng cây chuối đứng im
Con chim quên không kêu
Con sâu quên không kêu
Chỉ có trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em
Trăng khuya sáng hơn đèn
Ơi ông trăng sáng tỏ
Soi rõ sân nhà em...
                        1966

Lời bình của Vũ Nho
Với bất cứ em bé nhà quê nào, trăng bao giờ cũng vừa gần gũi, vừa xa xôi, vừa đơn giản vừa đầy bí ẩn, vì vậy mà gợi bao điều thân thiết, thích thú và mộng mơ. Trăng sáng sân chơi, trăng soi tết Trung thu rằm tháng Tám. Trăng có chú Cuội cây đa trong cổ tích. Điều lạ lùng nhất là trăng toả ánh sáng mát xanh soi tỏ con đường làng thơm hương bưởi, hương cau. Em đi đến đâu, trăng theo đến đó...
Ánh trăng đã dát vàng lên không ít những trang thơ của Trần Đăng Khoa. Biết bao nhiêu hình ảnh, bao nhiêu sắc độ trăng trong các bài thơ khác nhau: "Trông trăng", "Cái sân", "Trăng sáng sân nhà em", "Vườn em", "Con trâu đen lông mượt", "Nghe thầy đọc thơ", "Nửa đêm tỉnh giấc", "Chớm thu", "Thôn xóm vào mùa", "Cây dừa", "Trăng ơi từ đâu đến", "Đêm Côn Sơn", "Thả diều", "Em dâng cô một vòng hoa", "Hương nhãn", "Hà Nội", "Bà và cháu", "Tiếng nói", "Nhớ và nghĩ", "Hương đồng", "Đêm thu", "Tiếng đàn bầu và đêm trăng", "Nhớ bạn", "Đập cửa Diêm vương", "Trong sương sớm". Nghĩa là gần một phần tư số bài thơ của Trần Đăng Khoa có ánh trăng soi.

Ám ảnh và giản dị nhất, xúc động nhất có lẽ vẫn là bài "Trăng sáng sân nhà em". Trong một lần trò chuyện khi bàn đến bài thơ "Mưa", Trần Đăng Khoa tâm sự: "Bây giờ em vẫn có thể viết được bài thơ "Mưa" nhưng không thể nào viết nổi bài thơ như "Trăng sáng sân nhà em" được nữa. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn, người được giải thưởng của Hội nhà văn về thơ viết cho thiếu nhi cũng rất phục tài thơ trong bài thơ giàu chất thơ nhất đó.
Bài thơ được viết vào năm 1966, khi Khoa mới lên tám tuổi. Có lẽ càng ở tuổi ấu thơ, người ta càng dễ tin là có một ông trăng kì lạ. Chú bé Khoa lần đầu tiên trong đời làm công việc ngắm trăng. Vọng nguyệt, đối nguyệt là việc các thi gia thường làm. Họ thường kèm với uống rượu, thưởng hoa, nhiều khi cao hứng lên uống cả trăng (Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén - Nguyễn Trãi) hay cất chén mời trăng sáng (Lí Bạch). Còn Trần Đăng Khoa chỉ là thấy đầy một sân trăng mà nhìn lên ông trăng tròn sáng tỏ. Trăng sáng tỏ. Sân nhà được trăng soi rõ như ban ngày. Chú bé "thi nhân" như bàng hoàng ngẩn ngơ trước một cảnh tượng đơn sơ mà lộng lẫy:
Trăng khuya sáng hơn đèn
Thứ ánh sáng lạ mà dù có thức khuya (Những đêm có trăng mọc. Em chơi cho đến khuya - Cái sân) trẻ con chẳng mấy khi để ý vì còn mải chơi. Trước cảnh mảnh sân nhà - thế giới riêng của mình - lồng lộng ánh trăng, chú bé sửng sốt muốn gọi, muốn cất một tiếng reo, một tiếng kêu cảm thán - như một nỗi niềm rưng rưng bày tỏ trong phăng phắc lặng im của vũ trụ thiêng liêng.
Ơi ông trăng sáng tỏ
Có lẽ đó là ánh sáng loé lên trong vùng âm thanh tạo ra tiếng gọi không thốt nên lời.
Ánh trăng rười rượi đổ xuống tắm vàng, làm say cảnh vật. Nhà thơ như ngẩn ngơ nhìn thấy.
Hàng cây cau lặng đứng
Hàng cây chuối đứng im
Con chim quên không kêu
Con sâu quên không kêu
Không một chuyển động từ cao xuống thấp. Không một âm thanh từ trên xuống dưới. Tưởng như mọi hoạt động đều ngưng lại. Cây cau hay phành phạch quạt (Cây cau nó bức quá. Phành phạch quạt liên hồi). Hàng chuối hay trăn trở (Nghe hàng chuối vườn em. Gió giở mình trăn trở). Giờ đây chúng "lặng đứng", "đứng im" tưởng như lặng đi mê đi trong trăng sáng. Chim quên tiếng kêu. Sâu cũng quên không kêu nữa (Hàng tối ta vẫn có thể nghe sâu kêu "nghe ri rỉ tiếng sâu" - Nửa đêm tỉnh giấc). Phải chăng con chim, con sâu cũng giống như chú bé cũng nín thở sững sờ mê mải uống trăng tan.
Khổ kết bài thơ lập lại gần như toàn bộ khổ thơ đầu, khác đi ba chữ "Chỉ có trăng". Một sự lặp lại nhẹ nhàng có nhấn: Chỉ có trăng. Nhân vật chính của bài thơ lồng lộng bao trùm, thôi miên cảnh vật. Và dưới trăng là nhà thơ lần thứ nhất ngắm trăng khuya, lần thứ nhất phát hiện ra vẻ đẹp diệu kì đến nỗi ngẩn ngơ không thốt nên lời.

Nha Trang,  Chủ nhật, 27/12/1998
Hà Nội,  Thứ hai  15/3/1999

Trong tập BÌNH THƠ, nxb Hội Nhà văn, 2015





6 nhận xét:

  1. Lời bình hay, sâu sắc quá ạ !

    Trả lờiXóa
  2. hahaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaaa hay đó các bạn

    Trả lờiXóa
  3. Bài bình có rộng hay nhưng không sâu vì điệp khúc "sáng tỏ .. soi rõ " Chưa khai thác . nó có tính nhạc và quyết định moi suy thưởng của người đọc .

    Trả lờiXóa