Thứ Hai, 31 tháng 3, 2014

KHÓC

           
      

 KHÓC
                            Trần Năng Tĩnh

“Em có yêu anh không?”-Chàng hỏi trong hơi thở gấp. Nồng nàn.Thành thật.Và nàng gật đầu. Chàng lại gặng “Em nói đi” ! “Vâng, em yêu anh”. Trong khoảnh khắc giản dị mà thần diệu ấy, chàng như đang chơi vơi...ngờm ngợp và cũng rất đỗi ngọt ngào.Thật lạ.
     Cảm giác của sự tương giao ấy, chàng chưa từng được gặp. Dẫu cho, chàng đã có người đàn bà gọi là vợ, đã ngót ba chục năm rồi.Chàng mơ màng-có phải đây mới là tình yêu !? Hai tâm hồn gặp gỡ và hòa quyện.Cứ thế, chàng ru mình trong cảm giác thật ấm nồng.
     Chàng đã có vợ.Nàng cũng từng có chồng.Cũng bởi thế chàng càng thấm thía mà như thấy “vận” vào mình từ thiên truyện ngắn trữ tình của văn hào Sê-Khốp “Người đàn bà có con chó nhỏ”.Chao! Chả lẽ chàng và nàng cũng giống hay hao hao tương tự hai nhân vật trong truyện đó sao?
     Vợ chàng không phải là người non yếu về hình thức.Còn về phẩm hạnh-đó là người đàn bà tận tụy,thương yêu chồng con.Vợ chàng còn là người đàn bà thông minh,tháo vát nữa.Một tay cô ấy chăm lo, quán xuyến việc nhà và cả việc ở công sở.Trong khi đó, chàng chỉ như là chú bé hồn nhiên-hồn nhiên từ thưở ấu thơ...cho tới tận bây giờ, khi đã vào tuổi “ngũ thập tri thiên mệnh”. Chàng,từ nhỏ đã yêu thích văn chương,thơ phú.Ham đọc.Ham nghe.Ham cả ti toe viết lách.Mà, một khi đã có máu đam mê văn chương, thơ phú thì cũng dễ bị thiên hạ “giáng chỉ” là : Cái đồ hâm. Thời buổi này, người ta lăn ra kiếm tiền,kiếm lợi trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn mà cũng đầy cạm bẫy. Mấy ai sống nổi bằng thơ thẩn không?

Chủ Nhật, 30 tháng 3, 2014

VIDEO NHẠC “NGÀY TẢO MỘ TRÊN QUÊ HƯƠNG”




VIDEO NHẠC “NGÀY TẢO MỘ TRÊN QUÊ HƯƠNG”

LỜI TÂM SỰ CỦA TÁC GIẢ TRIỆU LAM CHÂU:
Đối với các dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam,
đặc biệt là hai dân tộc Tày, Nùng – thì NGÀY MÙNG BA THÁNG BA ÂM LỊCH
hàng năm, là một ngày lễ hết sức trọng đại và thiêng liêng. Đó là ngàyTảo mộ tổ tông, ông bà, cha mẹ… của cả dòng họ và của mỗi gia đình.
Vào ngày ấy trên các ngả đường núi, dân chúng các dòng họ rủ nhau nao nức cùng đi tảo mộ, làm xao động cả núi ngàn. Hồi trước còn được phép đốt pháo, thì trong ngày tảo mộ ấy, tiếng pháo cứ nổ giòn râm ran, quyện với khói hương nghi ngút… Và mỗi người như thể được gặp lại hồn t
ổ tiên từ Mường Trời bay về gặp cháu, con, chút, chít…Thật là cảm động vô vàn…

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

Huyệt A



                                                        

                                                                        Nhà văn Vũ Công Hoan
 HUYỆT A



                                                                                                            Tần Đức Long

                                                                                                        Vũ Công Hoan dịch

          Bác sĩ bấm vào cổ tôi nói:

          - Huyệt a là chỗ bấm đau rõ rệt nhất khi chữa bệnh, hay nói cách khác là chỗ nào đau bấm chỗ đó.

          Lâu nay, tôi gục trên bàn viết, cổ vừa mỏi vừa đau, cứng đơ.

          Bác sĩ bấm vào gân cứng trên cổ tôi, khiến tôi nghiến răng nghiến lợi. Qua bác sĩ bấm trị, chưa đầy mười lăm phút, cổ tôi vốn cứng đơ đã mềm đi khá nhiều.

          Bác sĩ vừa bấm cổ tôi, vừa nói chuyện với tôi. Rất tự nhiên nói đến cuộc tranh luận giữa Đông y và Tây y.

          Đông y trị người có bệnh. Tây y trị bệnh trong người. Đông y trước tiên nhìn nghe hỏi bắt mạch, quan sát trạng thái bệnh của người từ tổng thể, còn Tây y thì sao? Hễ có bệnh là đưa bạn lên tuyến dây chuyền tra thải từng linh kiện, linh kiện nào hư trị linh kiện ấy, tim tạng hư hỏng, moi lồng ngực lắp giá đỡ vào.

          Tôi cười, theo bác sĩ nói thế, nếu Tây y khám cổ tôi, thì phải tháo bỏ cổ tôi.

          - Anh cười gì vậy? Không phải tôi đề cao bốc khoác Đông y, đánh giá thấp Tây y. Trị bệnh phải có Đông y, cũng phải có Tây y. Một xã hội, phân công khác nhau, có ngựa có lừa, mỗi anh làm một việc. Kết hợp Đông y Tây y để chữa trị, nhưng tuyệt đối không phải la không phải lừa không phải ngựa.

          Nghe bác sĩ nói lừa nói ngựa nói la,tôi lại không kìm nổi cười ha ha. Có lẽ tôi cười quá sức nên lưng đau không thẳng lên được.

          - Nằm sấp xuống chữa lưng! Bác sĩ ra lệnh cho tôi nằm sấp trên giường gỗ cứng.

Thứ Sáu, 28 tháng 3, 2014

Những bài học đắt giá



Những bài học  đắt giá cần suy ngẫm

          Đọc “MỘT NỀN VĂN HÓA BIẾT XẤU HỔ”, Lê Sơn tuyển dịch, nhà xuất bản Văn Học, 2013

                                                         Vũ Nho

Tập sách gồm 25 bài trên các báo Nga (trong đó có 10 bài phỏng vấn) do các nhà văn, nhà nghiên cứu, đạo diễn điện ảnh và sân khấu viết và nói về văn hóa của nước Nga thời kì hậu xô viết.  Người Việt  chúng ta đã từng qúa quen thuộc với những cái tên như  Chingiz Aimatov, Valentin Raxputin, Raxun Gamzatov, Juri Bondarev, Sergei Bondatruc… và bây giờ đây tiếp xúc với không ít các giáo sư, tiến sĩ, nhà viết kịch, nhà đạo diễn lừng danh ở Nga nhưng còn ít được biết tới ở Việt Nam. Cần lưu ý một điều là trong số 25 bài được tuyển dịch, 1 bài không rõ năm, có 6 bài trước năm 2000, có 11 bài từ năm 2001 đến năm 2010 và 7 bài từ năm 2011 đến tháng 7 năm 2012. Như vậy sau sự kiện Liên xô tan rã năm 1990, các bài viết cho chúng ta biết suy nghĩ và đánh giá của những người làm văn hóa có tên tuổi về hiện trạng hậu xô viết kéo dài hơn 20 năm.
Trước hết, có thể thấy được một nhận định, đánh giá khá thống nhất của nhiều người trên nhiều cương vị khác nhau về hiện trạng “hậu xô viết”. Đó là sự khủng hoảng toàn diện của văn hóa Nga, trong đó có văn học, sân khấu, điện ảnh, truyền hình.
 Nhà văn Valentin Raxputin nhận định rằng hậu xô viết là “thời đại của những bi kịch” :  “ Hai mươi năm đã trôi qua từ cái thời điểm “định mệnh” khi tất cả mọi thứ đều bị đảo ngược : phong tục, tập quán, và truyền thống lâu đời, những phương thức sống và quản lí, những chiến thắng trong chiến tranh và trong lao động, lịch sử ngàn đời…Hết thảy đều bị sàm báng và bị phủ nhận sạch trơn” ( tr.57). Nhà văn cũng cho rằng “những kẻ xâm phạm” nắm vững tình hình “ nước Nga hiện nay càng ngày càng đánh mất đi niềm vinh quang của một xứ sở có nền nghệ thuật vĩ đại và nền đạo đức cao cả” ( tr. 64). Nhà văn Juri Bonđarev đánh giá “ Tôi có cảm giác là thời kì tổng suy nhược trí tuệ đã tới” ( tr. 54).

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

GIÒ LỤA & CHÁO SE QUÊ TRÈM




TẢN MẠN VỀ

GIÒ LỤA & CHÁO SE  QUÊ TRÈM

(Tản văn)
ĐƯỜNG VĂN

          Ca dao, ngạn ngữ vùng Từ Liêm, Hà Nội từng lưu truyền trong dân gian những câu:
-         Giò Trèm, nem Vẽ;
-         Khỏa chèo, mình ngược bến Trèm,
Viếng Lý  Ông Trọng, hoa chen mái đình.
Giò Trèm, ai gói xinh xinh,
Nắm nem làng Vẽ, đậm tình quê hương.

                                                              ***
          Nói đến đặc sản ẩm thực truyền thống nổi tiếng của làng Trèm, trước hết phải kể tới món giò (gồm giò nạc (lụa), giò mỡ, giò pha, giò thủ, giò tai…), nhưng  nổi bật nhất vẫn là giò lụa.
          Tôi là 1 người dân làng Trèm chính hiệu của một dòng họ lớn (Nguyễn tộc đại tôn 5 chi) đã cư ngụ ở đất Trèm (Thụy Phương) tính đến nay, kể từ cụ khởi tổ, đã là 19 đời (khoảng gần 500 năm), được ông bà, cha mẹ cho ăn những miếng giò nạc  thái dầy, cắn ngập chân răng từ hồi còn để chỏm; nhưng quả thật  cũng là một  trong những người rất kém hiểu biết về nghệ thuật ẩm thực. Tôi chỉ nhớ mãi cái cảm giác giòn, bùi, đậm đà hương vị đặc biệt của miếng giò cắn nhỏ, ăn dè cho hết một bát cơm, tan trên mặt lưỡi, từ từ nuốt qua cuống họng, trôi êm vào dạ dày một cách vô cùng ngon lành, khoan khoái. Lại nhớ đôi ba lần ăn việc họ ở chính nhà tôi (trưởng họ). Sau cuộc tế lễ trang nghiêm, đến phần thụ lộc Tổ. Các mâm các cụ, các ông người lớn xếp ngồi trong nhà. Lũ tráng đinh và nhóc đinh chúng tôi trải chiếu hoa cạp điều ngồi xúm xít 9, 10 người 1 mâm cỗ bầy trực tiếp trên lá chuối, không cần đĩa bát gì cả! Những đống thịt lợn luộc thái rối, thịt mỡ, thịt ba chỉ, lòng, gan, dồi… xếp bên cạnh nhau, đầy tú ụ. Một bát nước mắm chấm đặt ở trung tâm. Những miếng giò nạc, giò pha thái khoanh lát mỏng dính, xếp gối lên nhau cong cong như cặp sừng trâu, sừng bò. Đang sức ăn, chúng tôi múa đũa lia lịa, gắp, rào rào như tằm ăn rỗi. Tất nhiên món ngon nhất, thú vị nhất, khoái khẩu nhất vẫn là món giò bao giờ cũng là món hết nhẵn đầu tiên… 

Thứ Tư, 26 tháng 3, 2014

30 NĂM TRƯỚC CÓ MỘT TẬP THƠ


                                                                         Nhà thơ Bùi Đức Khiêm  (cầm hoa)

30 NĂM TRƯỚC CÓ MỘT TẬP THƠ

                             BÙI ĐỨC KHIÊM

 Đó là tập thơ Điểm tựa do Nhà xuất bản Tác phẩm mới – nay là Nhà xuất bản Hội Nhà văn – xuất bản và phát hành tháng 9 năm 1984, kỷ niệm 5 năm cuộc chiến tranh biên giới xảy ra. Tên tập thơ cũng là tên bài thơ để lại dấu ấn một thời của nhà thơ, nhà hoạt động cách mạng lão thành Lê Đức Thọ. Tác giả viết Điểm tựa vào tháng 1/1983, ngay sau chuyến thị sát về đời sống, tinh thần và vật chất của bộ đội biên giới ở tỉnh Cao Bằng. Bài thơ mở đầu:
Hàn thử biểu chỉ độ không
Đêm nay trời rét lắm
Cái rét biên thùy lạnh buốt sương khuya,
Gió vi vút rít qua khe cửa nhỏ
Trằn trọc mãi thâu đêm chẳng ngủ,
Thương anh nhiều, anh chiến sĩ của tôi ơi!
Còn đây là đoạn kết của bài thơ:
Làm thế nào để anh được ấm hơn đôi chút,
Bát cơm đầy thêm thịt cá, rau tươi,
Cứ mỗi đợt gió mùa đông bắc thổi về xuôi,
Chắc điểm tựa lại rét nhiều anh nhỉ?
Gió ơi gió nhắn đôi lời thủ thỉ,
Gửi tới anh bao nỗi nhớ tình thương.

Thứ Ba, 25 tháng 3, 2014

CHÙM NƯỚC-MẮT-YÊU



CHÙM NƯỚC-MẮT-YÊU (THƠ TRẦN TRUNG)

1/LẶNG CÂM
Xin Em hãy cứ xa xôi
Để cho nước mắt nói lời Tình-Yêu.
Xòe diêm Ta thắp ráng chiều
Lặng câm đêm-nói bao điều...Lặng câm.

2/NIỀM TIN
Niềm tin đặt ở nơi nào?
Biết tìm đâu-biết ra sao bây giờ?
Thì về với Cỏ cùng Hoa
Nghiêng về Nhân-Ái...mới là Tự-Tin.

3/HÌNH NHƯ
Hình như trong mưa có khói ?
Đât-Trời mòng mọng...Đa-Mang
Mưa chiều-một màu hư ảo
Về đâu như cũng lỡ làng !?

            HÀ NỘI 20/3/2014.

              (một chiều mưa).

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2014

Giới thiệu tác phẩm MẪU Ỷ LAN của GS TS y khoa Ngô Ngọc Liễn


Giới thiệu tác phẩm MẪU Ỷ LAN của GS TS y khoa Ngô Ngọc Liễn

Theo lịch hoạt động hằng tháng của Câu lạc bộ Văn Chương trực thuộc Hội nhà văn Việt Nam, chiều thứ thứ Năm, 20 tháng Ba  có buổi giới thiệu tiểu thuyết lịch sử Mẫu Ỷ Lan của GS.TS y khoa Ngô Ngọc Liễn, một bác sĩ hàng đầu của ngành Tai –Mũi –Họng Việt Nam. Đông đảo thành viên Câu lạc bộ Văn Chương, các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và bạn bè, học trò, người thân của tác giả, các nhà báo đến dự và đưa tin.
Mở đầu buổi giới thiệu, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các hội nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam phát biểu, tặng hoa tác giả, và trân trọng mời tác giả tham gia cuộc thi tiểu thuyết của Hội nhà Văn Việt Nam. Các phát biểu và tham luận xung quanh tiểu thuyết gồm có : PGS TS, nhà phê bình văn học Nho, nhà văn hóa Hữu Ngọc, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Hà, nhà thơ Trần Ninh Hồ, BS Thẩm Trọng Tảo, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, nhà thơ Vũ Quần Phương, Đại tá Đào Trọng Phụ đọc hai tham luận của TS Vũ Văn Quân và Đại tá Nguyễn Huy Toàn, PGS Lê Trung Vũ, BS Nghiêm Xuân Đức, đại diện Câu lạc bộ thơ Hải Thượng, nơi GS TS Liễn sinh hoạt.

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

MỘT ÁNH NHÌN TRẺ THƠ THĂM THẲM CÕI NGƯỜI

Triệu Lam Châu

MỘT ÁNH NHÌN TRẺ THƠ
THĂM THẲM CÕI NGƯỜI


Mấy hôm nay, kể từ khi được xem bức ảnh Trung Nguyên chụp một đứa trẻ thơ lấm lem bụi đất ở Bảo Lâm, Cao Bằng – Triệu Lam Châu tôi cứ bị ám ảnh mãi, nhất là ánh sáng phát từ đôi mắt của em.
Giây phút đầu tiên, khi hồn mình chạm vào từ trường của bức ảnh này, tôi cũng đã rùng mình theo tác giả  Trung Nguyên rồi đó.
Và tôi đã có một kinh nghiệm nhỏ bé của mình, trong quá trình thưởng thức tác phẩm nghệ thuật là: Sau phút choáng ngợp ban đầu khi tiếp xúc với cái mới lạ hay xúc cảm lạ lẫm do tác phẩm đưa lại – ta cũng cần phải bình tâm lắng lại mà suy ngẫm theo cảm quan riêng của mình. Rồi sau đấy nữa tâm hồn ta sẽ mách bảo điều gì đó cần phải giãi bày thổ lộ, thì mới cầm bút viết (Thời bây giờ là viết bằng cách gõ phím máy vi tính). Và như thế, những điều ta viết ra sẽ có cơ hội đúng với cái chất của lòng mình vậy?

Trong tiềm thức và cảm quan của người lớn chúng ta khi nghĩ về trẻ thơ, thường thấy nổi bật lên là: Hình tượng đứa bé NON NỚT – NGÂY THƠ VỚI ĐÔI MẮT TRÒN NGƠ NGÁC…
Chẳng thế mà Bác Hồ đã từng viết “Trẻ em như búp trên cành – Biết ăn, ngủ, biết học hành là ngoan…”
Câu thơ của Bác Hồ áp dụng đúng cho tất cả mọi trẻ em trên thế gian này.
Trẻ thơ cần phải được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo cả về vật chất lẫn tinh thần. Và tôi xin mạo muội đưa ra khẩu hiệu về việc tiếp nhận giá trị vật chất lẫn tinh thần của trẻ thơ như sau:  “Tiếp nhận, tiếp nhận và tiếp nhận…” để rồi lớn lên thành những công dân ưu tú của đất nước và chúng sẽ lại thực hiện khẩu hiệu  “Cống hiến, cống hiến và cống hiến…”

Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Đại vàng XUÂN ĐỈNH...



XUÂN ĐỈNH,

ĐẠI VÀNG GÂY NHỚ ƠI!...

(Tản văn – hồi ức)

Tặng trường THPT Xuân Đỉnh thương yêu!

ĐƯỜNG VĂN

Chớm sớm thu hanh,
Đại vàng gây nhớ,
Lại nắm tay em
về thăm trường cũ,
Xuân Đỉnh thương yêu,
mấy chục năm rồi?!

          Ấy là những câu thơ hoài niệm mở đầu bài thơ tùy bút – hồi ức dài HƯƠNG GÂY NHỚ MỘT MÁI TRƯỜNG mà tôi đã viết nhân buổi cùng cô bạn gái đồng môn trở lại thăm ngôi trường cấp III phổ thông (THPT) Xuân Đỉnh (huyện Từ Liêm, Hà Nội) để mừng ngày Hội trường trọng thể kỷ niệm 40 năm thành lập, vào đầu xuân năm 2000. Từ ấy, thấm thoắt cũng đã hơn chục năm trôi qua rồi!...    
          Nếu ngôi trường THCS Đông Ngạc (Vẽ) gắn liền 7 năm đầu tiên tuổi ấu nhi của tôi dưới bóng cây hoàng lan và những ngọn sấu già phơ phất; (cho đến giờ, mùi hương hoàng lan vẫn thoang thoảng, phảng phất đâu đây…) thì ngôi trường cấp III Xuân Đỉnh cũng gắn bó tuổi thiếu – thanh niên của chúng tôi với 3 mùa phượng nở, giưã thập kỷ 60 thế kỷ 20, với gốc cây đại hoa vàng cổ thụ bên thành giếng cổ, cạnh lối vào trường. Có kỳ lạ và tình cờ chăng, mỗi ngôi trường tuổi thơ của chúng tôi, ai xui kéo kẹo với một loài hương hoa đầy tình tứ và nhung nhớ vậy?! Và cả hai đều từ gốc ngoại?*

Thứ Ba, 18 tháng 3, 2014

Thơ ĐÒ NGANG của Nguyễn Bảo Sinh với lời bình



Đò ngang
                                                                Nguyễn Bảo Sinh

Cùng chung một chuyến đò ngang,
Kẻ thì sang bến, người đang trở về.
Lái đò lái mãi thành mê,
Sang, về không biết mình về hay sang?!

Lời bình của HOÀNG DÂN

Tính đến năm 2014, Nguyễn Bảo Sinh đã vào tuổi 74 (sinh năm 1940), nhưng nụ cười thì vẫn tươi trẻ và thơ thì rất hóm. Ông nói chuyện rất có duyên, còn khi đọc thơ mình cho những đám đông nghe thì người khó tính nhất cũng phải bật cười sảng khoái.
Tỉ như:
- Muốn cho trộm chẳng đến nhà
Đề vào trước cửa đây là nhà thơ
Muốn đuổi khách ra khỏi nhà
Đọc thơ được giải họ ra tức thì
- Làm thơ chẳng dám nổi danh
Sợ trùm khủng bố bắt thành con tin
Ngu si được hưởng thái bình
Làm thơ con cóc mong mình yên thân
- Nghe bồ đọc thuộc thơ ta
Khoái hơn được giải gọi là Nobel
- Ễnh ương phễnh bụng kêu to
Cũng không ngăn được đàn bò đi qua
Thơ ca văn nghệ nước ta
Phùng mang trợn mắt chỉ là ễnh ương
- Ái tình nếu uống đủ liều
Loài người sẽ thoát được điều tà dâm
Ai ai cũng sống khoả thân
Mặc quần sẽ lại khiêu dâm mọi người
- Hiện đại mà không thiên nhiên
Loài người sẽ tới chỗ điên chỗ khùng
Thiên nhiên hoang dã tận cùng
Loài người cũng đến chỗ khùng chỗ điên
- Tôi tu với vợ tại gia
Vợ dài dằng dặc đâu là bến mơ
Khi tình khi ý cùng thơ
Đường trơn gánh thực, gánh hư trĩu đầy
Nằm mơ trên tấm thân gầy
Gánh vàng đi đổ lấp đầy sông mê
- Người ghi bia đá để đời
Còn tôi tìm chỗ tôi ngồi để quên
Nhìn trời nước dưới, mây trên
Cúi xem lại thấy nước trên mây trời
Ngồi quên, quên hết mây trời
Hỏi thăm chẳng biết tên tôi là gì!
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (sinh năm 1950), bạn vong niên thân thiết của ông, từng nói một câu nổi tiếng: “Nguyễn Bảo Sinh đến đây làm gì? Ông ấy đến để biến chúng ta thành trẻ con”. Tức là hễ Bảo Sinh xuất hiện, nói chuyện và đọc thơ thì tất thảy đều ôm bụng cười chảy nước mắt, cười ngả nghiêng như chưa bao giờ được cười thoả thuê và “hồn nhiên” như thế!

Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

Ý tưởng mới... - Có hàng trăm tên gọi...- Tôi được mời...




Thơ Raxun Gamzatov trong bản dịch Việt, Tày của Triệu Lam Châu

61. Родятся мысли новые во мне,
Но чувства новые где взять под старость мне?
Мечети, храмы можно возродить,
С разрушенной любовью как мне быть?

61. Ý tưởng mới nảy sinh trong tôi
Nhưng già rồi, lấy đâu ra cảm hứng
Đền thờ đ, thì ta lại dựng
Tình yêu qua rồi, tôi biết tính sao đây ?

61. Slưởng nẳm mấư phựt sleng chang slăm hây
Pi pặt ké, nhằng lăng slim hứn
Dủa slớ tốm, lẻ hây có tẳng
T’ọ mằn ki thân quây, hây chắc sloán rừ nò?

62. Сто ласковых названий для верблюда
В арабском языке, подобно чуду.
А мы друг друга бранью осыпаем,
По тысяче ругательств изрыгаем.

62. Có hàng trăm tên gọi lạc đà âu yếm
Thật diệu huyền tiếng A rập trong ngần
Thế mà ta lại chửi nhau như tát nước
Nôn mửa ra ngàn lời rủa tục tằn.

62. Mì pác mình roọng mạ rài slương điếp
Chăn mjảc pjòi tiểng A rập slâư slang
T hây tjẻo đá căn bjắng bjắng
Rảc oóc mà xjên gằm vjến chăn tăn.

63. Орать с трибуны предлагают мне,
Не лучше ли шептаться в тишине
С красавицей застенчивой и юной,
Чем глотки драть на митинге с трибуны?                 

63. Tôi được mời lên lễ đài nói lớn
Như vỡ cổ họng mình trong buổi mít tinh
Nhưng tôi mơ bên cô gái trẻ và xinh
Được nói giọng thì thầm, êm ái.

Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

RA MẮT TUYỂN TẬP CỦA NHÀ VĂN THANH CHÂU



RA MẮT TUYỂN TẬP CỦA NHÀ VĂN THANH CHÂU

Chiều thứ Sáu, 14 tháng Ba, tại nhà xuất bản Hội nhà văn có buổi giới thiệu tuyển tập của nhà văn Thanh Châu. Đông đảo nhà văn, bạn hữu, người yêu mến văn chương của tác giả “Hoa Ti-gôn” cùng các nhà báo tham dự. Nhà văn Văn Giá, người cùng làm tuyển tập  với con rể và con gái của nhà văn, dẫn chương trình.
          Văn Giá nói qua về sự nghiệp sáng tác của Thanh Châu, ba điều chúng ta còn “nợ” nhà văn.
          Sau đó là phát biểu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thay mặt Hội nhà văn, PGS TS nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp. Hai ông đều vui mừng trước sự kiện tuyển tập của  nhà văn Thanh Châu ra mắt bạn đọc.
          PGS TS Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu. Ông nhắc lại lời của Hoài Thanh là chỉ nên nói những điều người khác chưa nói. Nhà văn tập trung vào tác phẩm Cún số5 của Thanh Châu. Ông cho rằng đây là tác phẩm xuất sắc viết về loài vật. Ông đề nghị nên in tập 5 truyện : Dế Mèn phiêu lưu kí của Tô Hoài, Cún số 5 của Thanh Châu, Cái tết của mèo con của Nguyễn Đình Thi, n Ngan tướng công của Vũ Tú Nam và Chó Bi của Ma Văn Kháng.
          Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh nhấn mạnh là ông học tập lối viết của Thanh Châu. Tính lãng mạn rất cần thiết trong văn chương và đời sống. Văn chương Thanh Châu đẹp ở lời văn, tư tưởng lãng mạn hướng tới cái cao cả, tốt đẹp.
          Nho tán thành ý kiến của Nguyễn Xuân Khánh và nhấn mạnh : Văn chương cần hiện thực, nhưng cũng rất cần lãng mạn. Nếu thiếu đi tinh thần lãng mạn thì đời sống chỉ toàn những hiện thực trần trụi, khô khan. Trong thời  Thanh Châu sống và viết, tiệm hút, nhà thổ, tiệm nhảy nhan nhản, nhưng con người vẫn hướng về vẻ đẹp thánh thiện, trong trẻo. Đó là đặc sắc ngòi bút Thanh Châu. Người đọc nhiều thế hệ vẫn sẽ tìm đến tác phẩm của ông vì nó nuôi dưỡng ước mơ và khát vọng hoàn thiện.
          Nho cũng góp ý là nên “tinh tuyển” hơn nữa. Cần có một trang thống kê tên tác phẩm Thanh Châu, đăng ở nguồn nào để phục vụ các nhà nghiên cứu. Còn với bạn đọc đại trà, “tinh tuyển” sẽ làm cho tác giả hấp dẫn hơn.
          Nhà văn Thiên Sơn nói về quê nội Thanh Châu ở Diễn Châu, Nghệ An. Chính ông nội nhà văn là người thiết kế đình làng Diễn Kim , và làng đó có người con gái sau này là vợ của bác Đỗ Mười. Anh cung cấp những chi tiết thú vị về quê hương Diễn Kim của các nhà văn như Sơn Tùng, Thanh Châu,…
          Nhà văn Bùi Việt Thắng cho rằng không nên băn khoăn nhiều vì sao sau 1945, nhà văn Thanh Châu ít viết. Ông cũng cho rằng khó mà có sự công bằng tuyệt đối trong văn chương. Thanh Châu vẫn có mặt trong các tuyển tập, tuy vị trí không như các nhà văn khác nhưng cũng không “vắng bóng”. Ông cũng đánh giá cao công việc của Văn Giá và các nhà văn khác làm việc “khảo cổ văn chương”.
          Nhà thơ Vân Long nói về tình bạn của câu lạc bộ bia KAMA. Ông cho rằng có một lớp người Hà Nội không nghèo khổ, không dưới đáy, mà là tầng lớp trung lưu, hướng tới cuộc sống nề nếp, thanh lịch. Nhà văn Thanh Châu viết về tầng lớp đó, và cũng đóng góp độc đáo ở đó.
          Nhà thơ Ngô Thảo đại diện họ Ngô phát biểu. Ông nói đến sự “không công bằng” của Lịch sử, và nói về những người họ Ngô nổi tiếng như Ngô Quyền, …và Ngô Bảo Châu,…Nhà văn vui mừng vì tuyển tập giới thiệu về một nhà văn họ Ngô ( Ngô Hoan tức Thanh Châu).
          Nhà văn Lại Nguyên Ân nhắc nhở về báo Thực nghiệp ( Thực nghiệp dân báo) là viết nhầm thành  Thực nghiệm ( trang 549). Ông cũng than phiền là báo Ích Hữu thì bị hiểu, nhớ sai thành Hữu Ích. Ông cung cấp thêm là Thanh Châu có bài viết trên báo Trăm Hoa, ủng hộ chủ trương của Báo này.
          Cuối cùng, nhà văn Văn Giá mời anh Ngô Lê Văn, con trai trưởng của nhà văn thay mặt gia đình phát biểu. Đồng thời mời Ngô Quỳnh Châu, con gái trưởng của nhà văn phát biểu cảm ơn mọi người. Chị cũng nhắc đến người bạn của nhà văn Thanh Châu là nhà thơ Phạm Tiến Duật.

          Mọi người chụp ảnh với gia đình, nhận quà tặng của gia đình và kí tên lưu niệm.

                                                    Những người dự

                                                            Nhà văn Thanh Châu

                                                  PGS TS nhà văn Văn Giá dẫn chương trình

                                                          Chụp ảnh lưu niệm

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

XINH XỈNH XÌNH XINH



                                      

                                                                                                      Nhà văn Vũ Công Hoan

   XINH XỈNH XÌNH XINH



                                                                                                      Viên Bỉnh Phát



                                                                                                   Vũ Công Hoan dịch



          Phan Hiểu đúng là cô gái rất xinh đẹp, Điều này bạn có thể tìm được bằng chứng qua ánh mắt chú ý của khách trên đường phố lớn giành cho cô.



          Trong thời gian Phan Hiểu là sinh viên, những chàng trai theo đuổi cô  có thể hình dung bằng số lượng không đếm xuể. Thậm chí đạt tới mức bọn con trai chen vai hích cánh bày tỏ tình yêu với cô trong vườn trường. Nhưng tất cả đều bị cặp mắt giận dữ của Phan Hiểu làm cho chết khiếp mà rút lui. Có khi Phan Hiểu cũng nở nụ cười với những đàn ông đeo đuổi cô. Cô hỏi, anh thích em không?

          Đám con trai cười trả lời thống nhất đến kinh khủng:

          - Em đẹp cực! Xinh xỉnh xình xinh!

          Nghe rồi, Phan Hiểu cười bỏ đi.

          Phan Hiểu quái lạ là điều, bọn con trai cả lớp hầu như cậu nào cũng theo đuổi cô. Duy chỉ có nam sinh Từ Đại Quân cứ im de không nói, mồm vàng khó mở.



          Một cậu bé nghèo từ nhà quê học đại học, có gì là ghê gớm giỏi giang đâu. Phan Hiểu hiếu kỳ đã chủ động hẹn Từ Đại Quân. Gặp mặt cô liền hỏi:

          - Từ Đại Quân, sinh viên nam anh nào cũng theo đuổi mình, sao bạn lại không? Lẽ nào mình không xinh đẹp? Không xinh xỉnh xình xinh như họ khen,

          Từ Đại Quân nghĩ rồi đáp:

          - Phan Hiểu, bạn muốn mình noí thật hay nói dối hả?

          Phan Hiểu nói:

-         Vớ vẩn!Đương nhiên là nói thật!

Từ Đại Quân liền bảo:

          - Bạn xinh lắm, nhưng bạn biết trưng diện hơn các nữ sinh khác. Chỉ thế mà thôi.

          Lời nói của Từ Đai Quân khiến Phan Hiểu bỗng chốc nghẹn ứ cổ, lâu lắm không nói được một lời.

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

MÊ LINH, TRỞ LẠI



MÊ LINH, TRỞ LẠI

ĐƯỜNG VĂN

Linh -  cổ điểu thiêng huyền thoại,
Vút chín tầng xanh, cánh rợp trời.
Mê Linh hoe vắng, ngày không hội,
Huỳnh ngư* ba động: " Cố nhân lai!"

Trưa lướt đường xuân thênh gió thênh,
Nắng đỏ đồng hoa, sóng dập dềnh.
Chả nhẽ trời cho từ vạn thuở.
Ngàn năm lượn múa, vạn đời yêu?!

Nhị nữ* hùng anh đất Mê Linh,
Tâm cháy nguyền sâu, nặng nghĩa tình,
Thù nhà, nợ nước cao tầy núi,
"Phất cờ nương tử" cứu sinh linh.

Ngùn ngụt quân reo, chiến tượng lồng.
Đoạt lại Long Biên, rạng nghiệp Hùng,
Chém đầu Tô Định quăng về Hán,
Thỏa hồn Phu Tướng*, mát lòng trung.

Đá khắc thề xưa, "Phả lục " nao?
Đôi hàng voi phục dáng âu sầu.
Kinh trận thư hùng đêm Lãng Bạc,
Hát Giang, tư ấy hóa mồ sâu!...*

Cổ điểu trống đồng sải cánh bay*
 Phơi phới làn xuân tiễn khách ngây!
Hồn thiêng quá khứ Mê Linh gọi,
Bãi bờ ràn rạt lá ngô lay,…
CHÚ GIẢI:

* Mê Linh: từ Việt cổ nghĩa là tên chim Mê linh (hình dáng từa tựa đại bàng, phượng hoàng, 1 loài chim huyền thoại (theo Quỳnh Cư: Những vì sao đất nước, tập 1, 1967). *Huỳnh ngư: Cá vàng, *Nhị vương: Trưng Trắc  & Trưng Nhị, * Phu tướng: Thi Sách – chồng Trưng Trắc, Lạc tướng, hào trường Mê Linh, bị Thái thú Tô Định giết. * Theo truyền thuyết, Hai Bà Trưng thua trận, nhảy xuống cửa sông Hát (Hát môn) tự tận, năm 43. * Phả lục: Trước cửa đền Hai Bà Trưng có dựng 1 phiến đá khắc trích Phả lục dòng dõi và sự tích của Nhị Bà Vương. * Hình chim Lạc chạm đúc trên trống đồng cổ Việt Nam (Ngọc Lũ).
Mê Linh, Vĩnh Phúc, 5 – 4 – 2012
–        Từ Liêm, Hà Nội, 14 – 2 - 2014.

–        ĐV

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

GIAO LƯU, ĐỐI THOẠI VỚI HỌC SINH


Giao lưu - đối thoại với học sinh:
Nét đẹp học đường
Từ thực tế, nhu cầu và nguyện vọng của học sinh, Đoàn trường THPT Trần Quốc Tuấn tổ chức chương trình “Giao lưu - Đối thoại giữa lãnh đạo nhà trường với học sinh”. Phía lãnh đạo nhà trường gồm: Hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn Lý, Hóa, Sinh tham gia đối thoại cùng học sinh trong trường.
Hình ảnh nội tuyến 1

Giao lưu – đối thoại giữa thầy và trò Trường THPT Trần Quốc Tuấn – Ảnh: HOÀNG HOA

Về nội dung đối thoại, lãnh đạo nhà trường và các tổ trưởng chuyên môn trả lời bất kỳ câu hỏi nào của học sinh về mọi hoạt động diễn ra trong nhà trường như  công tác quản lý việc dạy và học, cơ sở vật chất, tình hình giáo viên dạy trên lớp, việc dạy thêm học thêm, kiến thức nội dung sách giáo khoa liên quan, kinh nghiệm học tốt, các kiến nghị, đề xuất…

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Tự hát của XUÂN QUỲNH với lời bình



HOÀNG DÂN  bình
bài thơ Tự hát của Xuân Quỳnh

Chẳng dại gì em ước nó bằng vàng
Trái tim em anh đã từng biết đấy
Anh là người coi thường của cải
Nên nếu cần anh bán nó đi ngay

Em cũng không mong nó giống mặt trời
Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống
Lại mình anh với đêm dài câm lặng
Mà lòng anh xa cách với lòng em

Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khát khao những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu

Mùa thu nay sao bão mưa nhiều
Những cửa sổ con tàu chẳng đóng
Dải đồng hoang và đại ngàn tối sẫm
Em lạc loài giữa sâu thẳm rừng anh

Em lo âu trước xa tắp đường mình
Trái tim đập những điều không thể nói
Trái tim đập cồn cào cơn đói
Ngọn lửa nào le lói giữa cô đơn

Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Là máu thịt, đời thường ai chẳng có
Vẫn ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa
Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi

Lời bình: của Hoàng Dân

Xưa nay, đông tây kim cổ, trong tình yêu người ta thường thích đại ngôn. Kẻ đang cưa cẩm thì “nịnh đầm” bằng những ngôn từ réo rắt du dương như chuông vàng khánh bạc. Mà thực ra, đó chỉ là thứ ngôn từ rẻ tiền, chỉ cần cóp nhặt trong sách vở hoặc nghe lỏm ở đâu đó là có thể đủ vốn liếng để dùng, miễn phí! Còn kẻ đang được cưa cẩm thì thoạt đầu cũng thấy hay hay, rồi dần dần say, thích và nghiện cái thứ ngôn từ hàng mã ấy! Thế cho nên, người ta chẳng tiếc gì mà không vinh thăng cho trái tim “Là máu thịt, đời thường ai chẳng có” ấy là vàng ròng, là kim cương (vì Kim cương bất hoại mà!).

Thứ Ba, 11 tháng 3, 2014

Sức cuốn hút của một cuốn sách viết về người thực việc thực



Sức cuốn hút của một cuốn sách viết về người thực việc thực
                          Vũ Nho
Tôi còn nhớ khi còn là học sinh cấp hai, tình cờ có được cuốn sách “ Truyện các anh hùng chiến sĩ thi đua” do một số nhà văn viết về những người thực như Giáp Văn Khương, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh,…Trí óc non trẻ của cậu bé nhà quê đã vô cùng khâm phục những con người tài giỏi. Và không biết từ đâu, cái tên Tạ Đình Đề đã ăn sâu trong kí ức tôi như là một chiến sĩ tình báo có tài xuất quỷ nhập thần và rất được cụ Hồ tin cậy. Khi nhân vật lâm vòng lao lí, do hoàn cảnh thông tin lúc bấy giờ tôi cũng không theo dõi và biết gì hơn. Vì vậy khi nhà văn Tạ Duy Anh điện thoại muốn tôi tham gia đọc và trao đổi về cuốn sách, tôi sốt sắng nhận lời. Và quả thực tôi càng đọc càng thấy cuốn sách khá lí thú và bổ ích.
Trước hết, cuốn sách hấp dẫn vì viết về một người thật, không những thế, con người ấy đã được huyền thoại hóa trong dân gian. Dù tác giả chỉ tập trung viết về “ nhưng góc khuất cuộc đời”, nhưng người đọc có thể thấy được  phần nào quá khứ của người chiến sĩ biệt động Hà Nội. Quá khứ vinh quang của nhân vật cắt nghĩa và soi sáng những việc ông làm hết mình vì tập thể, vì ngành Đường Sắt một cách sáng tạo, mới mẻ và rất hiệu quả. Người viết đã mạnh dạn khẳng định việc làm của Tạ Đình Đề  trong công nghiệp cũng tương tự như chủ trương của Bí thư Kim Ngọc trong nông nghiệp. Đó là những đột phá chính xác, đúng đắn, trở thành chủ trương chính sách của chúng ta sau này.

Thứ Hai, 10 tháng 3, 2014

Kẻ quan liêu và thần chết





 CHÙM THƠ X. MIKHANKOV trong bản dịch Việt, Tày của Triệu Lam Châu

 Kẻ quan liêu và thần chết

Thần chết ngồi trong phòng đợi
Để được gặp kẻ quan liêu
Một ngày, hai ngày… đợi mãi
Bao giờ đến lượt mình…

Đây thần chết trẻ trung
Kiên lòng chờ gặp mặt
Và cuối cùng, không chờ được nữa
Thần chết đành phải chết.

Kẻ quan liêu mạnh hơn thần chết?
Không phải thế đâu!
Chém cha thói quan liêu.
                                        1954



  Lạo quan quây oạ phi thai

Phi thai nẳng chang hoỏng rườn thả
Slẻ đảy rẩp lạo quan quây
Uằn đeo, sloong uằn… thả mại
P’ửa t’ầư lẻ thâng hây…

Nẩy tua phi thua mả
Tảy nải thả, gò rì…
Lăng mà nắm tảy đảy
Tua phi lèo mẻn thai.

Quan quây rèng hơn phi dử bấu?
Nắm dử p’ận nao!
Thai pây nớ ăn chửng quan quây.
                                              1954

    Một ý tưởng táo bạo

Gà trống tây thổ lộ nỗi lòng:
“Không sống nổi với loài cáo nữa
Giờ đây  chúng ta vui hát múa
Mai này… nộp mình vào hang cáo thôi”.