Tập thơ tự tuyển của Phạm Công Trứ có cái tên nửa Nôm nửa Hán "Cỏ may thi tập", phảng phất hơi hướng chữ nghĩa thời thị trường, kiểu "Bạn tôi quán", "Cầy tơ quán",... Đọc tuyển thơ đầy tự tin này (320 trang, 183 bài thơ, NXB Văn học 2000) mới biết Phạm Công Trứ làm thơ từ hồi còn trong quân ngũ, về lí (và về tuổi) có thể xếp vào "lứa chống Mỹ", trước 1975.
Nhưng những bài thơ tân binh ấy, giá có được công bố ngay thời điểm sáng tác, cũng chẳng được ai để ý? Tác giả cũng biết vậy nên xếp nó ở cuối thi tập, dưới một cái tên chung là "Rừng", ăn theo ba phần trước là "Quê", "Em" và "Tuyết".
Bài thơ làm nên cái tên Phạm Công Trứ là "Lời thề cỏ may" (1986). Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên Phạm Công Trứ đến toà soạn Tiền Phong, mang theo bài thơ. Một gã sinh viên gốc gác nông thôn, quần áo nhàu nhĩ, răng lợi lủng củng, râu ria xúm xít, mắt cúp có đuôi, hay nhìn từ dưới lên kiểu Trùm Sò. Đấy là tướng người nhút nhát nhưng đa tình, không kém phần tinh quái. Bài thơ lục bát mang hơi hướng Nguyễn Bính không cần che giấu, được chấp nhận một cách dễ dàng, được đăng báo ít tuần sau. Trong thâm tâm, tôi không đánh giá cao bài thơ, cũng không tin tưởng lắm vào sự phát triển của cây bút này.
"Lời thề cỏ may" có "họ hàng" quá gần gũi với "Chân quê" của Nguyễn Bính viết trước đó tròn nửa thế kỉ (1936), thậm chí có thể nói Phạm Công Trứ đã "nhại" lại bài thơ nổi tiếng của người đi trước? Vẫn một tứ thơ hoài cổ, muốn níu giữ những gì đã quen thuộc từ "ngày xửa ngày xưa". Vẫn một tâm trạng ích kỉ, hoang mang của anh con trai xưng "tôi" trước sự thay đổi của "em". Thay đổi gì? Thay đổi về chuyện ăn mặc: anh trai quê của Nguyễn Bính khó chịu với "khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/ áo cài khuy bấm..."; cái người xưng "tôi" của Phạm Công Trứ cũng mặc cảm trước "Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò".
"Em" của ông Bính "đi tỉnh", "em" của Trứ "ra thành phố". Câu chuyện buồn của hai thời đại cùng diễn ra trên một con đê, bờ đê. Xét nét hơn nữa thì có thể chỉ ra sự lặp lại cả về hình thức: hai bài thơ đều được " gói lại" bằng một cặp lục bát tách rời với phần trên Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều (N B); Trăng vàng đêm ấy bờ đê/ Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may (PCT)! Đó là lí do khiến Trần Đăng Khoa hạ bút "phán" những câu xanh rờn "đọc Phạm Công Trứ vẫn nhớ đến Nguyễn Bính. Giá không có Nguyễn Bính, có lẽ Phạm Công Trứ đã có một cái chiếu trải giữa làng văn rồi". (1996).
Có một điều lạ là bài thơ ấy lại rất được bạn đọc hâm mộ, được in đi in lại nhiều lần, được dùng làm tên cho tập thơ đầu tay của Trứ và cả 2 tập tiếp theo (Lời thề cỏ may I, 1990; Lời thề cỏ may II, 1993; Lời thề cỏ may III, 1996). Cỏ may trở thành một thứ thương hiệu do Trứ sở hữu, bởi thế mới có "Cỏ may thi tập"! Giải thích chuyện này thế nào? Phải chăng có hiện tượng "lại giống", "lại gạo" trong thị hiếu của công chúng thơ?
Nhưng không phải Nguyễn Bính được hâm mộ thì đệ tử của ông cũng dễ dàng được hoan hô! Hơn nửa thế kỉ qua, người bắt chước lối thơ Nguyễn Bính nhiều không đếm xuể, nhưng thành danh được có lẽ chỉ một Phạm Công Trứ? Điều đó chứng tỏ anh có tài. Từ năm 1996, Vũ Nho đã khẳng định Phạm Công Trứ có tài. Trong khoảng hơn 10 năm mà in được 4-5 tập thơ, trên 200 bài, không phải bài nào cũng hay nhưng không có bài nào quá dở, làm thành một điệu riêng, giọng riêng, hẳn phải là người tài? Nhưng điều quan trọng hơn là anh còn gặp thời nữa.