Thứ Năm, 31 tháng 12, 2020

VƯỜN MẶT TRỜI - QUẢ MẶT TRĂNG

 


VƯỜN MẶT TRỜI - QUẢ MẶT TRĂNG

                               Phan Thị Thanh Nhàn

          Tôi đến nông trường Cù Bai

          Xe ghé nhà dân buổi tối

          Cửa mở thông thoáng gió trời

          Cây vườn lặng im nép đợi

 

          Sớm mai trong veo nắng dọi

          Nhìn cây tôi chợt bàng hoàng

          Bao nhiêu mặt trời chói lọi

          Chín mềm trong lá rất thơm

         

          Ngẩng lên vườn chôm chôm đỏ

          Trái xòe những tia mặt trời

          Cành cao trĩu lời mời mọc

          Đung đưa chùm quả tươi ngời

 

          Chợt nhớ bao mùa táo ngọt

          Quả vàng mát đất ngoại ô

          Dịu như mặt trăng mềm mại

          Ríu rít tiếng cười trẻ thơ

 

          Một mình đi trong vườn táo

          Một mình dưới tán chôm chôm

          Mặt trời mặt trăng huyền ảo

          Mặt đất dâng đầy hương thơm

 

          Mỗi bước một lời cảm tạ

          Với trời với đất với cây

          Với người ngày đêm vất vả

          Cho mình quả chín cầm tay

Lời bình của Vũ Nho

Nhan đề bài thơ hấp dẫn gợi sự tò mò. Ở đâu có vườn mặt trời? Sao vườn mặt trời lại ra quả mặt trăng? Đọc hết bài thơ mới biết. À, thì ra có hai khu vườn khác nhau. Một vườn ở Cù Bai là vườn quả mặt trời. Một vườn ngoại ô là vườn quả mặt trăng. Vườn mặt trời là vườn quả mặt trời. Quả chôm chôm như những mặt trời con chói lọi. Những quả chôm chôm xòe những tia hồng như mặt trời đang tỏa nắng. Một  sự phát hiện mới lạ, cách ví von so sánh thật đẹp, thật thơ:

          Nhìn cây tôi chợt bàng hoàng

          Bao nhiêu mặt trời chói lọi

          Chín mềm trong lá rất thơm

          Ngẩng lên vườn chôm chôm đỏ

Thứ Tư, 30 tháng 12, 2020

CHÙA LÁNG (HÀ NỘI) THỜ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH


 

CHÙA LÁNG (HÀ NỘI) 

THỜ THIỀN SƯ TỪ ĐẠO HẠNH

*

(trích từ VÀO CHÙA LỄ PHẬT NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT, 

Đặng Xuân Xuyến ; Văn Hóa Thông Tin ; 2006

 

Chùa Láng, hay còn gọi là Chiêu Thiền tự, thờ Thiền sư Từ Đạo Hạnh, tọa lạc ở cuối phố Chùa Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. 

Theo sách "Thiền Uyển tập anh", thiền sư Đạo Hạnh là con ông Từ Vinh và bà Tăng Thị ở làng Yên Lãng (tục gọi là làng Láng), là người thông minh, hiếu học, có chí lớn, tính tình phóng khoáng. Sau khi cha mất, Từ Đạo Hạnh chọn con đường đi Tây Vực để học đạo. Tuy không đến được Ấn Độ nhưng ông đã học được những phép thuật ở phái Mật Tông của Phật giáo. Khi trở về, ông đến tu tại núi Phật Tích (Hà Tây). Tại đây ông cho xây am Hương Hải, viện Phổ Đà, sau này trở thành chùa Thiên Phúc (còn gọi là chùa Thầy). Ông là người có kiến thức sâu rộng về đạo Phật, thường giảng đạo, làm thơ về cuộc sống, nay còn lại 4 bài in trong tập "Thơ văn Lý - Trần". Thiền sư còn được tôn là Tổ sư nghề hát chèo, nay còn lại bài giáo trò mà các vở chèo dân gian nào cũng hát ở phần mở đầu. Ông mất năm 1117 tại chùa Thiên Phúc, thân pháp còn được lưu giữ tại chùa và bị quân Minh đốt huỷ vào thế kỷ 15.

Theo truyền thuyết, sư Từ Đạo Hạnh đầu thai làm con trai Sùng Hiền hầu, em vua Lý Nhân Tông. Vì vua Lý Nhân Tông không có con, nên con trai của ông Sùng Hiền hầu được nối ngôi, tức vua Lý Thần Tông (trị vì từ 1128 đến 1138).


 

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Mô tip phương Đông

 


Mô tip phương Đông

          Vaxili Phedorov

            Vũ Nho dịch từ tiếng Nga

Anh sẽ nói “Em yêu…”

Anh sẽ nói “Em yêu…!”

Anh sẽ nói “Em yêu…!!”

Một lần tiếng “Em yêu” anh nói

Đôi môi hé nụ cười

Hai lần tiếng “Em yêu” anh gọi

Trái tim rạo rực niềm vui

Ba lần “Em yêu” anh lại nói

Tâm hồn phơi phới muốn bay lên

“ Em yêu” hai tiếng thiêng liêng

“Em yêu” ấy lời kì diệu

“ Anh yêu Em” còn mạnh hơn nhiều

Chỉ thầm thì nói: “Anh yêu em”

Trái tim đập vang như trống trận

Đôi môi thốt lời “ Anh yêu em”

Đầu óc quay cuồng cơn lốc mạnh

Khi hát lời ca “Anh yêu em”

Sung sướng rưng rưng trào nước mắt.

“Trái đất” lời tốt đẹp

“Mùa xuân” lời ấm ấp

“Ngôi sao” lời thiết tha

Nhưng tất cả đều là của TÌNH YÊU

Tất cả cho TÌNH YÊU

Trái đất, mùa Xuân, và những vì sao!

                       Dịch ngày 14/4/1979

 

 

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2020

CÂY BÚT VĂN XUÔI MỚI : THU LÂM

 

CÂY BÚT VĂN XUÔI MỚI :  THU LÂM

                                                                     Vũ Nho


 

 Nữ tác giả Thu Lâm mới xuất hiện trên văn đàn đã gây được sự chú ý với hai tập truyện ngắn liên tiếp được công bố là “Say nắng” và “Nước mắt đàn ông”, đều do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2018. Rồi tiếp theo là một tiểu thuyết có nhan đề “Dạ khúc”, viết về đề tài đưa trẻ tự kỉ trở lại cuộc sống bình thường hòa nhập với cộng đồng cũng do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2020.

Đáng chú ý là do nhiều lí do của cuộc mưu sinh, nên Thu Lâm, một người yêu văn chương lại học ở một trường không dính dáng gì tới văn chương – Trường Đại học Thương mại. Ra trường, công việc cuốn đi, nên tác giả chỉ đọc mà không hề cầm bút. Mãi đến năm 2008 mới bắt tay vào viết truyện ngắn đầu tiên “Tình yêu mùa thu”. Ngạc nhiên là người viết lại không viết về con người và bối cảnh Việt Nam. Nhân vật chính của tác giả lại là Elena và Alex, hai bạn học cũ, một người ở Matxcơva, một người ở Leningrat. Hoàn cảnh đặc biệt đã làm cho hai người càng ngày càng gắn bó và yêu nhau tha thiết, mặc dù mỗi người đều đã có gia đình riêng và cuộc sống riêng thành đạt. Tác giả đã theo dõi mối tình của họ và cắt nghĩa vì sao khi  quá nửa đời người họ lại đến với nhau, một mối tình say đắm, mãnh liệt mà mỗi người đã  bước vào  giai đoạn mùa Thu của cuộc đời.

Sau cuộc khai bút đó, Thu Lâm dừng hẳn không viết. Để đến 7 năm sau, vào năm 2015, chị viết liền hai truyện là “Họp lớp” và “Khi đàn ông ngoại tình”. Rồi năm  2016 tiếp theo là truyện “Lối thoát”. Như có đà, năm 2018 chị viết xong truyện “Say nắng” và “Nước mắt đàn ông”. Thế là có 6 truyện để công bố hai tập truyện “Say nắng” (truyện viết cho phụ nữ) và “Nước mắt đàn ông” (truyện viết cho đàn ông) cùng trong năm 2018.

Rồi đến năm 2020, chị lại thử sức ở lĩnh vực tiểu thuyết.

Thật ra, một vài truyện ngắn của Thu Lâm đã là những truyện vừa. Dung lượng đã vượt quá khuôn khổ truyện ngắn thông thường. Vì vậy, “ Dạ khúc” không phải là một sự mạo hiểm thử thách bút lực của cây bút nữ này, mà là sự phát triển một cách tự nhiên.

Có thể khẳng định Thu Lâm viết chậm nhưng chắc chắn. Những truyện ngắn của chị có nhiều bạn đọc vì tác giả chỉ viết xung quanh đề tài cuộc sống hôn nhân gia đình, một vấn đề không mới nhưng đầy những biến động và bất ngờ trong đời sống xã hội. Một đặc điểm nữa là chị không viết về nông dân, cũng không viết về những công nhân làm ăn sinh sống ở các khu công nghiệp. Nhân vật của chị là những thanh niên trí thức, những chàng trai, cô gái Tây học, những Tiến sĩ, bác sĩ, nhạc công. Họ hoặc  du học sống ở nước ngoài như Huy, Cường, Kim Anh ( Nước mắt đàn ông); hoặc  cùng nhau học cấp 3, có tình ý với nhau  rồi vì chiến tranh mà bặt tin, sau bao nhiêu năm gặp lại như Lan và Hưng (Họp lớp); hoặc có thời gian dài ở nước ngoài làm luận án Tiến sĩ như Quang, Bích Loan  (Say nắng), hoặc đi học nước ngoài về, làm ăn thành đạt như Trung (nhân vật xưng tôi), luôn đi nước ngoài với Viện trưởng như Phương ( Khi đàn ông ngoại tình).

                                                                                 THU LÂM

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2020

THỈNH CHÚA ĐÊM NOEN

 


.
(Người đời còn đau khổ trong thế gian, giữa chốn hỗn mang này. Iraq LiBi, Xirya vv... còn đang chìm ngập trong chiến tranh loạn lạc tranh giành nhau giữa các Tôn giáo và các thế lực chính trị.  (Xin đăng lại tìm đến sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời )...
.
          THỈNH CHÚA ĐÊM NOEL
                       Lê Đức Nghinh

Đồng ca dạo khúc mơ màng,
Vẫn nghe trong gió vô vàn trầm luân
Ai hay đêm chúa giáng trần
Người ơi!.. ngay chốn thánh thần hỗn mang.

Từng trang cựu ước úa vàng
Tín đồ lạc giữa cung đàn bể dâu
A men... lặng tiếng kinh cầu
Thánh đường chuông đổ, đêm thâu gai người.

Bao nơi bom, đạn dập vùi
Nghe đêm gió lạnh vô hồi bi ai !...
Tiếng rên xiết - tiếng thở dài...!
Tông đồ lớp lớp dõi ngài đoái thương.

Thiên di về đủ mười phương
Mong manh cứu rỗi nẻo đường trần ai
Chuông ngân nghèn nghẹn đêm dài
Nhân gian mang cả hình hài Chúa theo...

             Đêm Noel

                                                L Đ N

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2020

NGUYỄN HOÀNG ĐỨC QUA MẤY BÀI VIẾT TÔI ĐÃ ĐỌC

 


NGUYỄN HOÀNG ĐỨC

QUA MẤY BÀI VIẾT TÔI ĐÃ ĐỌC

Đặng Xuân Xuyến

1.

Trên blog Trang Đặng Xuân Xuyến giới thiệu 2 bài viết về "chân dung": nhà Thơ, nhà Văn, nhà Triết học "số 1 châu Á",... Nguyễn Hoàng Đức. Đó là bài "Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường" của nhà văn Sương Nguyệt Minh và bài "Anh hề triết học, chàng Đông Ki Sốt văn chương" của đạo diễn Đỗ Minh Tuấn. Có lẽ, trong nhìn nhận của Đỗ Minh Tuấn và Sương Nguyệt Minh thì Nguyễn Hoàng Đức chỉ là một "cậu bé" to xác nhưng rất "ngây thơ", rất "đáng yêu" và cũng rất “tội nghiệp” nên 2 nhà văn đều chọn cách viết hài hước để kẻ vẽ diện mạo, bồi đắp chân dung cho thật rõ nhân diện "nhà Triết học (tự xưng) số 1 châu Á" Nguyễn Hoàng Đức.

Đọc "Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường" thấy sự lém lỉnh pha chút khinh khỉnh của Sương Nguyệt Minh sau những nụ cười thân mến thân với "chàng" triết gia tự phong là số 1 châu Á.

Đọc "Anh hề triết học, chàng Đông Ki Sốt văn chương" thấy nụ cười mỉm của Đỗ Minh Tuấn trong những trang viết dí dỏm, hài hước nhưng vẫn đậm chất văn chương và tính triết luận của nhà đạo diễn tài hoa về những bi kịch cuộc đời của Paul Nguyễn Hoàng Đức căn nguyên từ ý thức tự tôn giáo hóa bản thân: Bi kịch về số phận, bi kịch về đam mê, bi kịch về nhận thức... thì ít hay nhiều, vẫn ấm cái tình người, cái chân, cái thiện của Đỗ Minh Tuấn trong bài viết.

Tôi có đọc Nguyễn Hoàng Đức nhưng chỉ đọc lướt ít bài vì thế không để lại chút ấn tượng nào về văn chương của ông cả. Nhưng thật oái oăm, những bài viết về Nguyễn Hoàng Đức thì tôi lại nhớ rất lâu, có lẽ vì cách viết của các tác giả, vì chân dung của ông được các tác giả tạc khéo quá, ấn tượng quá. Ví như nhà văn Sương Nguyệt Minh viết về ông cứ như vừa xoa tai búng mũi Nguyễn Hoàng Đức, vừa bông đùa trêu chọc Nguyễn Hoàng Đức nhưng nhà văn vẫn rất ngạo nghễ ý thức buông giọng ngôi trên. Đọc "Nguyễn Hoàng Đức: Kẻ mộng du giữa đời thường" tôi cứ tủm tỉm hình dung cảnh Sương Nguyệt Minh thi thoảng thơm trán Nguyễn Hoàng Đức âu yếm nhẹ một cái rồi thuận tay đét hai, ba cái rõ mạnh vào mông Nguyễn Hoàng Đức và chỉ chờ thế là cả Nguyễn Hoàng Đức, cả Sương Nguyệt Minh cùng ngửa cổ cười ngặt nghẽo.

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2020

CHỊ DÂU của VƯƠNG TRỌNG với LỜI BÌNH

CHỊ DÂU

                                                      Vương Trọng

                                                          Kính tặng chị Liên

Lớn lên cách mấy bờ rào 
Một ngày vui, Chị bước vào nhà em 
Áo cánh nâu, quần lụa đen
Cặp ba lá sáng, ngôi nghiêng mái đầu
Nhà chồng, chồng ở nhà đâu
Em chồng đông, Mẹ chồng đau ốm nhiều 
Làm dâu gặp phải cảnh nghèo 
Đôi bàn tay Chị chống chèo lo toan

Quê mình cái nắng chang chang
Trận mưa tháng tám lụt sang tháng mười 
Khi mưa dầm, lúc nắng phơi 
Âm thầm một Chị qua thời trẻ trung

Bữa cơm em út quây vòng
Đầu nồi, đơm xới tay không kịp rời
Nhớ ngày giáp hạt Chị ơi
Cả nhà trừ bữa một nồi canh rau

Nghĩ mà thương lắm Chị dâu
Chiều mưa, gạo hết, Mẹ đau cuối giường
Em ngồi đôi mắt nhoà sương
Nón tơi, cắp rá ngang vườn Chị đi
Chiều ơi mưa mãi làm gì
Hoàng hôn đừng xuống trước khi Chị về!

Em vào đại học xa quê 
Đi biền biệt những mùa hè chiến tranh 
Rồi yêu, rồi lập gia đình
Quê nhà tình Chị giữ dành không vơi

 

Không quen thương nhớ gửi lời
Em về, chị vẫn là người chị xưa
Bàn chân bẫm ngón đường mưa
Bữa ăn thêm quả trứng mua xóm giềng...

Tóc giờ sợ bạc đã chen
Con đầu sinh cháu Chị lên bậc Bà
Em về, em lại đi xa
Canh tư Chị thức bếp nhà lửa nhen 
Tiễn đưa, chân Chị không quen
Gói cơm nếp lạc theo em lên tàu

Ngoái nhìn núi dựng phía sau 
Em tìm dáng Chị cuối màu trời xanh.

(1986)

Lời bình của Nguyễn Thị Thiện

ĐÔI BÀN TAY CHỊ

CHỐNG CHÈO LO TOAN”

 

Vương Trọng là nhà thơ là chiến sỹ có 12 tập thơ đã in, nhiều sáng tác hay của anh được người đọc tâm đắc. Trong số đó có bài “Chị dâu”, viết năm 1986, rút từ tuyển thơ “Ngoảnh lại” (NXB Thanh niên – 2001). Thi phẩm là những dòng cảm xúc chân thành tái hiện chân dung, khẳng định công lao và tri ân người chị dâu đảm đang, luôn tần tảo lo toan “gánh vác giang san nhà chồng”. 


 

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2020

CHIỀU NAY SƯƠNG KHÓI LÊN KHƠI

 


CHIỀU NAY

SƯƠNG KHÓI LÊN KHƠI

Truyện ngắn của Vũ Thiện Khái

 


Chiều nay trên bến muôn phương

Có thuyền viễn xứ nhổ neo lên đường

 

Phạm Duy -  Hồ Huyền Chi

           

 

 




 

     Trưa chủ nhật tuần trước bà Bình bị một cơn đau bụng quằn quại. Từ khoa cấp cứu, bà được chuyển vào khoa nội bệnh viện Chợ Rẫy, rồi lại chuyển sang bệnh viện K. Mới nếm mùi con bệnh mấy ngày, bà đã thấy từng giây, từng phút trôi đi thật nặng nề, chậm chạp. Chiều qua nghe thông báo sáng mai được về nhà, bà mừng như nhặt được vàng, suốt đêm cứ thấp thỏm mong trời mau sáng. Đêm nằm năm ở, các cụ nói không sai. Thôi, cứ về nghỉ ngơi ở nhà mình cái đã, còn sống chết phó mặc cho số phận. Ông Giời đã bắt thì chui xuống lỗ nẻ cũng chẳng thoát. Nghĩ vậy, tự dưng lòng bà nhẹ tênh tênh. Đứa con gái lớn công tác trên thành phố, năn nỉ bà ở lại nhà nó tĩnh dưỡng ít ngày, bà không chịu. Nó đành bảo chồng lái xe đưa bà về quê. Gọi là quê, thực ra chỗ ấy chỉ là nơi mấy chục năm trước ông Bảo, chồng bà, được điều động về bộ chỉ huy quân sự một tỉnh phía Nam, mến miền đất cây cối tốt tươi, dân tình hiền hòa, ông bàn với bà chuyển hộ khẩu cả nhà vào trong đấy. Nghe ông điện về, có một trường cấp hai gần doanh trại sẵn sàng nhận bà vào dạy học. Đắn đo mãi rồi bà cũng thuận theo ý chồng. Tới lúc hai người nghỉ hưu, ông bà không quay về quê ngoài Bắc nữa. Thấm thoắt đã sắp hết đời người.

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020

SỨC SỐNG MÃNH LIỆT CỦA LỤC BÁT


 
SỨC SỐNG MÃNH LIỆT CỦA LỤC BÁT
                      Chu Văn Sơn
Nếu chọn loài cây Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn phải là cây tre.
Nếu chọn loài hoa Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là hoa sen.
Nếu chọn trang phục Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là chiếc áo dài.
Nếu chọn nhạc khí Việt tiêu biểu nhất, đó hẳn là cây đàn bầu…
Cũng như thế, nếu chọn trong nền thơ ca phong phú của ta một thể thơ làm đại diện đi dự cuộc giao lưu thơ toàn cầu, đó hẳn phải là Lục bát.
Người Âu Tây tự hào về thể Sonnê, người Trung Quốc tự hào về thơ Đường luật, người Nhật Bản tự hào về thơ Haiku…, thì người Việt Nam có quyền tự hào về thể Lục bát. Lục bát là niềm kiêu hãnh của thơ Việt. Nếu tâm hồn một dân tộc thường gửi trọn vào thi ca của dân tộc mình, thì lục bát là thể thơ mà phần hồn của dân Việt đã nương náu ở đó nhiều nhất, sâu nhất. Có thể nói, người Việt sống trong bầu thi quyển lục bát. Dân ta nói vần nói vè chủ yếu bằng lục bát. Dân ta đối đáp giao duyên, than thân trách phận, tranh đấu tuyên truyền, trào lộng giải trí chủ yếu bằng lục bát. Và dân ta hát ru các thế hệ, truyền nguồn sữa tinh thần của giống nòi cho lớp lớp cháu con cũng chủ yếu bằng lục bát… Lục bát là phương tiện phổ dụng để người Việt giải toả tâm sự, kí thác tâm trạng, thăng hoa tâm hồn. Gắn với tiếng Việt, gắn với hồn Việt, thơ lục bát đã thuộc về bản sắc dân tộc này.
Lục bát có tự bao giờ ?
Người ta đã cố gắng tìm câu trả lời. Nhưng mọi trả lời đến nay vẫn chỉ là giả thuyết. Bởi cách sinh tồn của lục bát xa xưa là sống trong trí nhớ, sống qua đường truyền miệng của bao thế hệ người Việt, ít khi nằm im lìm trên trang giấy, nên tìm kiếm văn bản lục bát đầu tiên, kể cả dạng manh nha, dạng tiền thân của thể loại, để xác định niên đại của nó là việc thiên nan vạn nan. Tuy nhiên, cội nguồn bao giờ cũng là mối băn khoăn khôn cầm của nhân gian. Cội nguồn của lục bát cũng thế. Nó vẫn luôn là một bí mật đầy hấp dẫn, luôn mời gọi những cuộc khám phá đầy phiêu lưu của các nhà thi học, đặc biệt là “lục bát học”. Chắc chắn sẽ còn nhiều cuộc lội ngược về ngọn nguồn của tiếng Việt, lội ngược về cái vùng được xem là tiền sử của văn học và thơ ca Việt để mà khảo sát, tìm kiếm, lục lọi, để truy tìm bằng được khởi thuỷ của thể loại này. Mà cuộc tìm kiếm như thế, lắm khi, cũng oái oăm như cái điều mà một câu lục bát đã nói đến: Gánh vàng đi đổ sông Ngô / Đêm nằm tơ tưởng lại mò sông Tương. Khởi thuỷ sớm hay muộn còn chưa có gì thật chắc, nhưng một điều có thể đoan chắc: lục bát là đứa con cưng của tiếng Việt, tiếng Việt đã nuôi lớn lục bát, đồng thời, chính lục bát cũng góp mình làm cho tiếng Việt hay hơn, đẹp hơn.

THƠ VIẾT VỀ MẸ CỦA ĐỒNG THỊ CHÚC

 


THƠ VIẾT VỀ MẸ

CỦA ĐỒNG THỊ CHÚC

*Đặng Xuân Xuyến

Trong những bài thơ viết về Mẹ mà tôi đã được đọc thì thơ viết về Mẹ của nhà thơ Đồng Thị Chúc để lại nhiều ấn tượng. Hình như chất nền nã của thể thơ Lục Bát đã thấm vào máu thịt của bà nên những câu Lục Bát bà viết ra rất tự nhiên, dịu dàng và đằm thắm. Nhất là khi viết về Mẹ thì những vần thơ của bà thật ấm nồng và tha thiết.

Có lẽ chưa có nhà thơ nào viết về Mẹ thời thiếu nữ lại viết được những câu thơ tươi giòn sức sống của thiếu nữ thôn quê như hình ảnh thiếu nữ (Mẹ) trong thơ bà:

"Quết trầu tô đỏ làn môi

Cau non say để hồng đôi má hồng"

(Mẹ Tôi)

Phải hiểu và tự hào về Mẹ lắm thì bà mới viết được những câu thơ đặc "hương đồng gió nội" với tượng hình Mẹ đẹp dịu dàng, thùy mị nhưng thắm đượm và tươi giòn như thế.

Chỉ với vài ba câu thơ kể về quê Mẹ nghèo, kể về người Mẹ nghèo mà nhà thơ Đồng Thị Chúc đã cho người đọc hình dung được cái nghèo cụ thể, cái nghèo không chỉ bó hẹp phạm vi ở một làng quê và cái tình của người nghèo nơi thôn quê không chỉ nằm ở tinh thần "nhường cơm sẻ áo" mà còn rất giàu lòng tự trọng.

Những câu thơ của bà mộc mạc mà tài hoa:

"Chợ phiên mủng thóc không đầy

Đường thôn mà lắm ăn mày đến xin

Kéo vành nón rách che nghiêng

Mẹ tôi giấu những ưu phiền sẻ chia."

(Mẹ tôi)

Nhà thơ Đồng Thị Chúc viết về Mẹ không nhiều, hình như chỉ có 2 bài thơ là "Mẹ Tôi" và "Cảm Xúc Thơ Về Mẹ", trong đó bài "Cảm Xúc Thơ Về Mẹ" không trực tiếp viết về Mẹ của bà nhưng cảm xúc trong bài thơ với Mẹ thì rất thật. Có lẽ Mẹ đã là tượng đài thiêng liêng trong trái tim của những người con nên Mẹ của bà có nhiều nét giống với Mẹ của mọi người nhưng vẫn có những nét rất riêng Mẹ của nữ thi sĩ Đồng Thị Chúc:

“Con cò lặn lội bờ sông”

Lời ru con hóa ru lòng mẹ tôi"

(Mẹ Tôi)

Những câu thơ viết về Mẹ mượt mà phảng phất chất liệu ca dao và gợi được nhiều cảm xúc như thế đã làm nên sự khác biệt giữa thơ của Đồng Thị Chúc với thơ mọi người.

 


Thứ Ba, 22 tháng 12, 2020

VĨNH BIỆT NHÀ THƠ QUANG KHẢI!

 


 Theo thông báo trên trang FB của nhà văn Vũ Bình Lục và nhà văn Trần Nhương, nhà thơ Quang Khải ( tên khai sinh Bùi Quang Khải) đã về miền xa thẳm ngày 20 tháng 12 năm 2020.

Xin chia buồn  sâu sắc cùng gia đình!

Đưa lại một bài viết nhỏ thay nén nhang tiễn biệt nhà thơ hiền hậu được bè bạn mến yêu về cõi Vĩnh Hằng! 

Vũ Nho

 

CÕNG

     Quang Khải

 

Con phà thì cõng ô tô

Chú bộ đội cõng ba lô lên phà

Bố cõng con …kịp tới nhà

…Nhỡ sông không cõng con phà thì sao!

 

Lời bình của Vũ Nho

 

         Trẻ con nước Việt mình chẳng lạ gì cái việc cõng. Bởi vì bế em, cõng em là việc nếu không tự làm thì cũng ngó thấy bạn mình làm hàng ngày. Cõng là mang một vật trên lưng, thường đỡ bằng tay quặt ra phía sau. Từ việc cõng em, suy ra con phà “cõng” ô tô là cách suy nghĩ, liên tưởng của bé. Khi thấy chú bộ đội đeo ba lô thì cũng với cách liên tưởng ấy, bé cho là chú “cõng” ba lô lên phà. Khác nào bố  đang ”cõng” con.

          Bài thơ thú vị ở chỗ bỗng nhiên bé lo lắng. Bởi vì nếu dòng sông không “cõng” con phà thì chuyện gì sẽ xảy ra? Ô tô có sang bờ được không? Chú bộ đội “cõng” ba lô có sang bờ được không? Và cả bố đang cõng con nữa. Có kịp tới nhà trước  bữa ăn hoặc khi trời tối hay không? Hóa ra mọi chuyện đều phụ thuộc vào điều quan trọng nhất là ”sông cõng phà”.

          Một thoáng lo lắng của bé đem đến cho mọi người thấy CÕNG quan trọng như thế nào. Và mọi con người,  sự vật  tưởng không có mối liên quan đều phụ thuộc vào nhau!