Thứ Năm, 30 tháng 4, 2015

TA XA HÀ NỘI

 

TA XA HÀ NỘI
(Tặng : Nguyễn Như Phong- Petrotimes)

Nguyễn Khôi
                  
Ngày nghỉ lễ
Thôi, ta xa Hà Nội
về Nhà Quê nghỉ dưỡng thỏa tâm hồn
Xa để "thoát" lấn chen, xô đẩy
tìm nơi "buồn" yên tĩnh, dịụ dàng hơn...
ÔI Hà Nội,
Đi xa cho bớt "sợ" :
-Đường cây xanh bị "đốn" nắng vỡ đầu
-Xe ùn tắc, kinh bọn len cướp giật
"Người Tràng An thanh lịch" ở đâu đâu ?
Ôi Hà Nội,
Phố phường xây chắp vá ,
cầu Long Biên để "rỉ" đến bao giờ ?
Đường gốm sứ bụi bám hoen mưa nắng
Gái quần đùi đến bẹn phóng xe đua...
Ôi Hà Nội,
Còn mấy Nàng thỏ thẻ ?
- mở miệng  ra là "đ. mẹ" chửi thề
Dân tứ xứ vào Kiếm Tiền, chụp giựt...

Còn góc nào thanh thản
uống Cafe' ? !
Ôi Hà Nội,
có điều gì không ổn ?
như trên mây
trên gió "cấp điều hành " ?
Mong, sớm có một Tràng An thanh lịch
để ta về
soi bóng xuống Hồ Gươm.
            -----
Viết tại Gia Lộc- Hải Dương 28-4-2015

Thứ Tư, 29 tháng 4, 2015

“BỜ BÊN KIA VẪN LỞ” MỘT TRUYỆN NGẮN GIÀU CHẤT THƠ


“BỜ BÊN KIA VẪN LỞ”
MỘT TRUYỆN NGẮN GIÀU CHẤT THƠ

Nguyễn Thị Lan
Hội VHNT Hải Dương

Có ai đó đã nói đến sự gần gũi của truyện ngắn và thơ. Do đặc trưng cơ bản của truyện ngắn là ngắn nên giống thơ. Một truyện ngắn là một "tứ thơ" được kể ra. Nó đáp ứng tức thời một cảm hứng quý hiếm của nhà thơ (cái mà nhà thơ Tạ Duy Anh gọi là "sự lóe sáng của ý tưởng") và ngược lại, thể loại gần nhất với thơ trữ tình là truyện ngắn.
"Bờ bên kia vẫn lở" trong tập truyện ngắn "Ma làng" (NXB Thanh Niên 1996) của nhà văn Nguyễn Thanh Cải là một truyện ngắn như vậy. Truyện dài khoảng 6 trang khổ nhỏ (13 x 19cm).
1. Chất thơ trước hết được cất lên từ nhan đề của truyện."Bờ bên kia vẫn lở" một cái tên rất gợi. Nó gợi ra một không gian mênh mông, bát ngát của một vùng sông nước; một thời gian dài của sự ngóng trông, chờ đợi ("vẫn"). Nó còn gợi ra tâm trạng của người ở "bờ bên này" ngóng sang "bờ bên kia", đó là tâm trạng bâng khuâng, nuối tiếc.
2. Chất thơ còn được cất lên từ cái cốt truyện. "Bờ bên kia vẫn lở" có cái "cốt" đơn giản, hầu như chẳng có gì để mà kể.

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

CẶP TÀI LIỆU



                                                       

  CẶP TÀI LIỆU

                                                                                                     Nhất Băng

                                                                                               Vũ Công Hoan dịch

          Sau khi tốt nghiệp đại học,tôi vào công ty này làm công việc vạch sách lược.Ba năm qua  không thay đổi.Gần đây có tin đồn ông Tổng giám đốc sắp chuyển sang một thành phố khác lập công ty nhánh,đang tìm một người có năng lực thay chân ông. Anh chị em đồng sự xì xào bàn tán tôi sẽ là người được tuyển chọn. Tôi chỉ cười khẩy.Thật ra anh chị em nào cũng nhòm ngó cái ghế ấy. Song ai cũng biết mình không thể, bởi vì vị trí ấy gần như đã có người thay thế. Đó là thiên tài vạch sách lược Cao Tuyết Phong. Vừa mới vào công ty chúng tôi, anh Phong đã có sáng kiến phi phàm bằng tài năng trời cho hơn người, làm mấy phi vụ khiến ai nấy ngạc nhiên há mồm trợn mắt.Trình độ nghiệp vụ vượt trội bỏ xa mọi người như anh Phong, chắc chắn sẽ tiếp quản chỗ trống của ông Tổng giám đốc.
         
          Sáng nay tôi đi làm rất sớm, bởi vì có cuộc đàm phán ký kết hợp đồng với đối tác kinh doanh. Phi vụ này tôi là người lập phương án thực hiện, hôm nay sẽ chính thức ký hợp đồng với khách hàng. Tôi dự đoán ông Tổng giám đốc sẽ thu xếp ổn thỏa, sẵn sàng xuất phát. Nhưng lúc này tôi tiện tay sờ lên bàn thì không thấy gì. Quay lại nhìn chợt đầu choáng váng. Cái cặp tài liệu của mình đã không cánh mà bay. Trong cặp đựng nhiều tài liệu rất quan trọng. Một quyển sổ ghi chép và các loại văn bản. Quan trong nhất là phương án vạch sách lược hôm nay và bản hợp đồng.

          Như một thằng điên tôi lật tìm trong phòng làm việc, nhưng không thấy đâu. Tôi đoán có lẽ mình bỏ quên trong xe ta xi. Giữa lúc này ông Tổng giám đốc ở ngoài đang gọi tôi lên xe. Tôi xem đồng hồ đeo tay, chỉ còn nửa tiếng đồng hồ là đến giờ hẹn, mà chặng đường cũng vừa vặn đi trong ba mươi phút, thời gian còn lại thậm chí ngay đến mở máy vi tính cũng không kịp. Hơn thế lại nhất thiết không được để ông Tổng giám đốc biết chuyện này. Trong giờ phút then chốt, nếu ông Tổng giám đốc biết tôi đánh mất cặp tài liệu, thì chỉ có con đường chết.

          Tôi cứ liều đi theo Tổng giám đốc. Vừà đi tôi vừa cố kìm giữ bình tĩnh nghĩ đối sách: Đề nghị anh lái xe ta xi đem trả cặp tài liệu? Hoàn toàn không thể được, huống hồ liệu có phải bỏ quên cặp tài liệu trên xe ta xi? Những thứ khác mất thì thôi, nhưng trước mắt phải bổ cứu ngay phương án vạch sách lược và hợp đồng. Ngồi trên xe. Tôi đã nghĩ ra biện pháp. Khi chúng tôi đàm phán hợp đồng với bạn hàng, tôi còn bốn mươi phút giảng giải phương án rồi mới ký hợp đồng. Tôi quyết định không đối chiếu phương án vạch sách lược để đọc, mà nói mồm, không cầm bản thảo chuẩn bị trước.Trong thời gian này tôi tìm một đồng sự nhờ in giúp bản phương án vạch sách lược và bản hợp đồng lưu trong máy vi tính đem đến cho mình. Đây là biện pháp duy nhất.
          Thế là tôi lập tức nhắn tin cho đồng sự. Khi tôi làm những chuyện này,còn phải ứng phó với những câu hỏi của ông Tổng giám đốc. Ông hỏi tôi chuẩn bị đâu vào đấy cả rồi chứ, tôi trả lời đã sẵn sàng.

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Viên xá lỵ


Viên xá lỵ
                                               Nguyễn Xuân Lai


Có lẽ nào em từ chối lời ông
Bây giờ già rồi, cái gì cũng quý
Mãi đến hôm nay nỗi lòng thầm kín
Ông mới trao, run rẩy trái tim mình.

Cả hai chúng ta đều có gia đình
Các con cháu như chồi xanh lộc biếc
Nghe ông nói: Trong mơ còn nuối tiếc
Em ngỡ bao năm tháng lại quay về.

Trách ông nhiều. Nhưng thôi…chẳng nói ra
Bây giờ già rồi, nói làm chi nữa
Cứ im lặng nghe tỏ tình một phía
Để trong lòng báu vật giữ làm tin.

Cả hai chúng ta rồi sẽ trăm năm
Viên xá lỵ ôm mối tình dưới cỏ
Đêm đom đóm thay lời em muốn ngỏ
Rằng dưới bầu trời ta mãi nhớ về nhau./.




Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015

VĂN XƯA TRONG ĐỜI MỚI - (Bình bài Văn tế các cụ Cây của Trần Chung)


VĂN XƯA  TRONG  ĐỜI MỚI

(Bình bài Văn tế các cụ Cây của Trần Chung)

ĐƯỜNG VĂN

          1. Văn tế (điếu văn – văn khóc) là một thể loại thuộc văn học nghi lễ - trữ tình. Văn tế được viết ra, đọc trong buổi truy điệu người mới từ trần để tỏ lòng xót thương, tưởng nhớ của người sống đối với vong hồn người vừa sang thế giới bên kia. Văn tế Việt Nam trung đại có nguồn gốc từ văn tế trung đại Trung Hoa. Nổi tiếng còn lưu truyền như các bài: Văn tế chị (Nguyễn Hữu Chỉnh), Văn tế sống Trường Lưu nhị nữ, Văn chiêu hồn (Nguyễn Du), Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Văn tế Hăngri Rivie (Nguyễn Khuyến), Văn tế Phan Châu Trinh (Phan Bội Châu)…Thời hiện đại, có giá trị hơn cả là bài Điếu văn Hồ Chủ tịch của BCHTW Đảng CS Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCHTWĐ đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, mùa thu năm 1969, (văn xuôi). Văn tế trung đại thường được viết theo thể phú hoặc phú Đường luật gieo 1 vận (Văn tế nghĩa sỹ Cần Giuộc) hoặc đa vận (vần) hoặc thơ song thất lục bát (Văn chiêu hồn) hoặc lục bát, 4 tiếng, 6, 8 tiếng xen kẽ (Văn tế Rivie).
          Cấu trúc chung của bài văn tế - phú cổ - trung đại thường gồm 4 phần:
          1. Lung khởi (mở đầu; thường băt đầu bằng ngữ: Hỡi ôi! Từng nghe).
          2. Thích thực: Tưởng nhớ sự nghiệp, công lao của người đã khuất (thường bắt đầu bằng cụm từ: Nhớ linh xưa…(trọng tâm).
          3. Ai vãn: bày tỏ lòng thương xót, nhớ tiếc, ngợi ca của người đang sống với hồn linh người mới qua đời (Thường bắt đầu bằng cụm từ: Than ôi! Hoặc: ôi thôi thôi! (trọng điểm).
          4. Kết: Lời từ biệt, tiễn biệt (thường bắt đầu bằng cụm từ ô hô! Và kết bằng cụm từ: Phục duy thượng hưởng!).
          Tình cảm, cảm xúc, giọng điệu trong văn tế thường là đau đớn, xót xa, thương tiếc khôn nguôi; nhưng cũng có khi trở nên khúc bi hùng ca của một giai đoạn lịch sử (Văn tế Nghĩa sỹ Cần Giuộc) của một dân tộc, đất nước và thời đại  (Điếu văn Hồ Chủ tịch) hoặc là tiếng khóc chung đậm tính nhân văn - nhân ái hướng tới mọi kiếp người bất hạnh (Văn chiêu hồn)… Nhưng cũng có khi bài văn tế trở thành khúc bi ca trào phúng tiễn đưa vong hồn kẻ thù xâm lược xuống địa ngục (Văn tế Rivive…). Đó là những áng văn tế bất hủ, có giá trị lịch sử, văn hóa văn chương sâu sắc.

Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

LỐI XƯA TÂY TIẾN


 LỐI XƯA TÂY TIẾN
       Tặng mọi người
      (riêng tặng : Lê Vy)
                  Nguyễn Khôi

  Khởi đầu từ dốc Xuân Mai
"Một mình một ngựa" chẳng ai đi cùng
  Trông lên Tây Bắc trập trùng
Nhấn ga xe vượt mấy tầng núi mây
  Hòa Bình - bến Ngọc là đây
Dốc Cun cao vút, nào hay Thác Bờ ?
  Xuống đèo lại nhớ năm xưa
Thả phanh xe đạp bỏng trưa nắng hè
  Lại qua Thung Nhuối, Thung Khe
đã nghe tiếng suối, bóng tre rợp đường
  xe bon đi suốt bản mường
Mai Châu gái đẹp còn vương tơ lòng
  Nhớ chăng Sông Mã cọp gầm
Ai đi Tây Tiến trên tầm mây trôi
  Mới hay ngọn súng ngửi trời
Pha Luông chất ngất Tuyết phơi dáng Kiều.
  Trăm năm còn để ta yêu
Nhớ anh Vệ Quốc...bên đèo bâng khuâng
  Phất phơ mấy nhánh Lan rừng
Lối xưa Tây Tiến
Oai hùng
đợi ai ?
  Mai Châu- Đồng Bảng đây rồi
Ngả nào Suối Rút qua chơi Chợ Bờ ?
  Mênh mông sương trắng mặt hồ
"Bắt cô trói cột" hững hờ chim kêu.
  Sầm Nưa lên một con đèo
"Đường sang nước bạn" bao nhiêu nghĩa tình
  Nông trường bạc áo Nông Binh
Đồi chè bát ngát dáng hình tương lai...
  Đàn bò chiều nhẩn nha chơi
Ngọt thơm sữa trắng  mời người xuôi lên
  Ngả nào Pa Háng- Điện Biên ?
Chiều nay Châu Mộc chừng quên rượu Cần
  Vòng Xòe đoàn kết quân dân
Bàng hoàng Áo Cóm  phồng căng hút hồn
  Hẹn em mai tới Mường Pồn
Nhớ ơi Tây Tiến
bồn chồn
Hỡi ai  ! ?
Khởi đầu từ dốc Xuân Mai...
      Mộc Châu chiều 30-4-2014


Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2015

Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH SUÝT CHẾT Ở NHÀ NGUYỄN HUY THIỆP

Nhà văn SƯƠNG NGUYỆT MINH SUÝT CHẾT Ở NHÀ NGUYỄN HUY THIỆP

 
 
 
 
 
 
3 Votes
VĂN GIÁ
Huu-Uoc-2-24ff7
trung tướng, nhà văn Hữu ước.
Số là thế này, cái thằng Sơn (tên thật của nhà văn Sương Nguyệt Minh-SNM) chơi nhiều năm với nhau nhưng vẫn chứng nào tật ấy, chưa khôn ra được một li nào. Cái hôm mới đây đi ăn cỗ cưới con giai thứ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (NHT), tự nhiên lại đấu khẩu, suýt nữa thành đấu sức với nhà văn-Trung tướng Hữu Ước (HU). May mà đấu khẩu, chứ hú vía, hôm ấy mà đấu sức, thì ôi thôi, thằng bạn tôi chắc đã tò tí te… rồi. Cấp trung tướng là có quyền mang theo súng lục đấy các bố ạ. Đừng có mà đùa với ông tướng nhé.
Thằng tôi là người chứng kiến cái đoạn nửa trước của cuộc tỉ thí này. Còn cái nửa sau mới chỉ nghe mấy người bạn khác chứng kiến về kể lại…
Hôm ấy, nghe theo lời Nguyễn Quang Thiều (NQT, vốn là cái người lười ăn lười uống, lười nhậu nhẹt, mỗi lần y phải đi ăn uống đâu, quả là một nỗi khổ, y không rượu không chè, không thích tụ bạ vạ vật), sau khi được NH Thiệp đưa một đống Thiếp mời nhờ đưa hộ, NQT bèn nhắn tin qua điện thoại rằng ông NHT có 2 phương án mời: 1) đến từ chiều tối hôm trước cũng được; 2) đến vào 10h30 sáng hôm sau cũng hay. NQT mới bảo: anh em mình nên đi tối hôm trước cho nó ít người, còn có đôi câu chuyện mà nói với nhau, chứ hôm sau đông quá, ai biết ai, đến chủ nhà cũng chả biết chứ nữa là…Nghe cũng phải. Thế là bầu đoàn đến tối hôm ấy dễ có hai mâm: NQ Thiều, Lương Tử Đức, NĐ Điệp, Văn Chinh, SN Minh, Ng Chí Hoan, Chu Lượng, VG, em Thúy Hằng (PGĐ NXB HNV) và một vài người khác. Tròn 2 mâm.

VÀI CẢM NHẬN VỀ KỊCH BẢN VĂN HỌC "A NÀNG" CỦA LỘNG CHƯƠNG *


VÀI CẢM NHẬN VỀ KỊCH BẢN VĂN HỌC
"A NÀNG" CỦA LỘNG CHƯƠNG *

Nguyễn Thị Lan

1.Lộng Chương (1918-2003), người con của quê hương xứ Đông (Hải Dương), giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2000, là một trong những người đặt nền móng cho sân khấu Việt Nam hiện đại từ sau Cách mạng Tháng Tám, một trong những nghệ sĩ lớn trong đội ngũ văn nghệ sĩ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Pháp.
            Sáng tác của Lộng Chương rất đa dạng, nhiều thể loại gồm 9 tập thơ và ca dao, 5 tập phóng sự, 81 kịch bản dài ngắn, ký kháng chiến, nhiều tiểu luận phê bình sân khấu (theo "Từ điển văn học", Bộ mới, NXB Thế giới, trang 871). Thật là một khối lượng tác phẩm đồ sộ, một năng lực sáng tạo dồi dào.
            Đến với văn chương từ rất sớm, chàng trai Phạm Văn Hiền bắt đầu sự nghiệp văn chương bằng tiểu thuyết phóng sự "Hầu thánh" chứ không phải bằng truyện ngắn như nhiều người khác. Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn nhận xét: "Đó là một người kỳ tài".
            Viết nhiều thể loại nhưng tên tuổi Lộng Chương để lại dấu ấn sâu đậm nhất lại ở tư cách người viết kịch. Ông viết kịch nói, kịch thơ, chèo, tuồng, chính kịch, bi kịch, hài kịch. Tuy vậy, hài kịch dường như vẫn là thể loại mà ông tâm đắc nhất. Sẽ không cường điệu khi nói ông là "danh thủ hài kịch", là người có đóng góp hàng đầu cho thể loại hài kịch Việt Nam hiện đại, là "cây hài sân khấu số một Việt Nam".
2.Trong 81 kịch bản của Lộng Chương, "A Nàng" là một kịch bản khá đặc biệt. Đây là vở kịch thơ, một thể loại Lộng Chương ít viết nhưng lại để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng khán giả. Vở kịch này là một trong hai tác phẩm được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Vở "A Nàng" gồm 2 lớp, 6 cảnh ra đời năm 1961.

Thứ Năm, 23 tháng 4, 2015

Cái cây mà biết nói năng...


Hoàng Dân
                                          Cái cây mà biết nói năng...
(Nhân đọc bài “Văn tế các cụ cây” của Trần Chung)


Từng nghe:
Trời sinh muôn loài,
cây già thì đổ
chó già thì thui
trâu già thì thịt
người già thì chết…

Ấy là cái sự thường
Nào có ai cật vấn điều chi?

Thế nhưng,
Có những cây xanh rời rợi
nhựa đời phơi phới
ngày hứng nắng cho nhân gian
đêm nặng tình với con trẻ
bỗng bị chém ngang thân
giữa thanh thiên bạch nhật

Oan nghiệt thấu trời
Biết kêu ai?

Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

CÒ, TRAI & TÔM


CÒ, TRAI & TÔM

(Bình ca dao)
ĐƯỜNG VĂN

Cái cò mà mổ cái trai,
Cái trai khép vỏ, lại nhai cái cò!…
Cái cò mà mổ cái tôm,
Cái tôm quặp lại, lại ôm cái cò!


            2 bài ca dao trên hay và lý thú ở chỗ nào? Nghĩa nổi và đặc biệt nghĩa ngầm của chúng ra sao? Dưới đây, là một vài lời bình tán dông dài mang tính thể nghiệm một cách đọc - hiểu của chúng tôi, mong được sự chia sẻ hay phản bác của quý bạn đọc, ngõ hầu tiêu bớt cái nóng hầm hập của thời tiết mới cuối xuân mà đã như giữa hạ mấy hôm nay.

1.      Nghĩa thanh nổi 1.

            Hiểu theo nghĩa sinh vật học: Hai bài ca dao mô tả hiện tượng kiếm ăn của loài cò, một loài chim mỏ dài, chân dài quen sống nơi cánh đồng, đầm nước. Cò đủng đỉnh nhấc đôi cẳng lêu đêu của mình lội bì bõm trên những cánh đồng sâu, đầm bùn, dùng cái mỏ nhọn dài thượt sục sạo, tìm mổ con tép, con tôm; cần mẫn, từ tinh mơ đến tận tốt mịt mới sải cánh bay về mớm cho đàn con ríu rít trong những chiếc tổ vắt vẻo trên ngọn tre, ngọn bàng, ngọn đa, ngọn sấu… Có con cò trắng phau phau đang lò dò kiếm mồi, bỗng nhác thấy dưới chân, một con trai đang he hé vỏ, phơi cái mu nần nẫn thịt. Thế là mắt sáng lên, cò ta nhanh như cắt, chúc cái mỏ dài, bổ thượng một mỏ nặng chịch vào đúng chỗ khe vỏ cứng kitin dang mở ra phập phồng, định rứt ngay một miếng thịt trai trắng giòn, béo ngọt. Ngờ đâu, bản năng sinh tồn của loài trai cũng rất mạnh. Nó lập tức khép nhanh hai vỏ, kẹp cứng cái mỏ cò vào giữa. Đau điếng và sửng sốt, cò rút vội mỏ lên. Trai cố hết sức càng kẹp chặt khít rịt như là nhai đi, nhai lại cái mỏ cò trong miệng mình. Cò hốt hoảng và giận dữ, cố vung mạnh cái mỏ, hất cần cổ lên cao, bám theo cả con trai lủng liểng. Một hồi lâu, cứ như thế, bất phân thắng bại!...
            Kết cục, trong tưởng tượng của tôi, sẽ có ít nhất 3 khả năng sau xảy ra:
            1. Cố sức lần cuối cùng, cò đã hất tung được cái trai bám dai như đỉa đói ra khỏi mỏ mình. Xuýt nữa bị rứt đứt cả lưỡi, nó vội vã đập cánh bay vút lên cao trong sự hoảng hốt cực độ. Bụng bảo dạ: từ nay trở đi không bao giờ dại dột một lần nữa chọc mỏ vào khe trai vô tình giăng bẫy chết cò.
            2. Cò cố mãi, vẫy mãi, giập mãi, lắc mãi đầu, mỏ đến kiệt sức mà cái trai bướng bỉnh vẫn lầm lỳ nhai mỏ cò càng lúc càng mạnh. Cuối cùng, cò ngã lăn ra, hết thở vì… tham ăn! Đến lúc ấy, trai mới từ từ mở mai ra, hất mỏ cò sang một bên và mím môi lại, giầm mình xuống bùn sâu,… đắc thắng.
            3. Cò mổ càng nhanh, càng mạnh. Choách 1 tiếng, mỏ cò cứng như đinh, như búa đã chẻ đôi mai trai thành hai mảnh. Cái trai đã thành bữa điểm tâm khoái khẩu của cò ta…
            Với cái tôm thì chuyện đơn giản hơn. Thường là tôm bại, cò thắng. Dẫu trong phản xạ bản năng chống trả để bảo vệ mình, cái tôm có ra sức quặp lại, ôm khít vào quanh mỏ cái cò.
            Đó là một  trong những hiện tượng mang tính quy luật sinh học tự nhiên để sinh tồn. Loài này đi tìm thức ăn và loài kia trở thành thức ăn, (mồi) tự nhiên của loài này. Đơn giản và quyết liệt, lặp đi lặp lại suốt cuộc đời sinh vật.

2.      Nghĩa thanh chìm 2.

Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

CHÙM NAM DU HÀNH



CHÙM  NAM DU HÀNH

                          Thân quý tặng PGS.TS. Vũ Nho cùng Đặng Chưởng

   ĐƯỜNG VĂN - HOÀNG DÂN


1. NAM DU HÀNH
ĐƯỜNG VĂN

Xuyên từ tây bắc xuống đông nam,
Qua mấy triền đê, mấy phố làng,
Đặng, Văn ruổi ngựa, chùng cương, mỏi…
Hoàng chờ, chênh chút, … mắng oang oang!

- Ôi tuổi già!... Tam lão cười vang!...
Lại cắn đuôi phi, chuyện thả giàn!
Mái bạc, lòng xuân* dâng phất phất,
Một lèo, thẳng hướng Vũ gia trang.*

Năm năm*, chưa thăm thầy, bạn cũ,
Vỗ lưng… mừng, mắt cứ rưng rưng!
Tửu tiên, nghiêng chén lăm tăm sủi,
Tứ tử râm ran chuyện vẫn hùng!

Chớm ngọ, Hoàng từ, sinh nhật cháu,
Sang mùi, Văn, Đặng cũng chia tay.
Bâng lâng…, bụi cuốn sau chân nghẽo…
Ai biết… lòng già ai… có say?!...

  • Kỷ niệm chuyến nam du của ĐV, HD, ĐC thăm PGS.TS Vũ Nho, sáng thứ bảy 18 – 4 – 2015. * Mượn ý thơ NQT. * Nhà Vũ tiên sinh ở số 3, ngõ 31, phố Phan Đình Giót, đường Giải phóng (1). * Kể từ lần gặp nhau tại nhà ĐV, cuối xuân năm 2010.

Trèm, 19 – 4 – 2015. ĐV
      
      

  2. VẪN CỨ SAY!
HOÀNG DÂN 
Thuở bác và tôi làm giám khảo,*
Cùng Giáp vi vu thăm Vũ gia.
Thoắt đà hai mươi năm có lẻ,
Sáng nay, mới lại ghé chơi nhà!

Tháng tư, mây trắng lặng lờ bay…
Tóc bạc da mồi, vẫn cứ say!
Lệnh ông rôm rả, vui như Tết!
Cảm tạ cồng bà thật khéo tay!

                           Thạch Bàn, 19.4.2015. HD
·        Năm 1992, Nguyễn Đăng Giáp (Giáo vụ môn Ngữ văn) mời VN và HD làm giám khảo chấm thi giáo viên giỏi môn TLV quận Ba Đình. Sau đó, Vũ Băng Tú (giáo vụ môn Ngữ văn Sở GD&ĐT HN mời VN và HD làm giám khảo cấp thành phố). Năm 1993, HD và Đăng Giáp đến nhà VN chơi. Từ ấy đến nay (2015) đã 23 năm! * Tục ngữ Việt: Lệnh ông không bằng cồng bà!

Trái qua : Đường Văn, Vũ Nho, Hoàng Dân, Đặng Chưởng tại nhà Vũ Nho
                                -----------------------------------------------
                         

Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Vũ Nho nói về Tiểu thuyết BIÊN BẢN CHIẾN TRANH của Trần Mai Hạnh

                                                              Tác giả Trần Mai Hạnh trong buổi hội thảo

Tiểu thuyết BIÊN BẢN CHIẾN TRANH của Trần Mai Hạnh
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2014

                                                         Vũ Nho

Tiểu thuyết BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh là một cuốn sách công phu, tâm huyết. Trước hết, đây là tiểu thuyết tư liệu nên có thể nói nguồn tư liệu phong phú và sống động là một  đảm bảo cơ bản cho thành công của tác giả. Là người trực tiếp tham gia chiến dịch, lại công tác ở cơ quan thông tấn có nhiều tư liệu tham khảo về  đối phương, cùng với 6 nguồn tư liệu ( Biên bản trả lời phỏng vấn và tự thú của các nhân vật chủ chốt, Biên bản lời khai và tường trình của nhiều tướng lĩnh bị bắt hoặc ra trình diện, Những tài liệu nguyên bản của phía bên kia, Biên bản phỏng vấn  của Viện nghiên cứu chiến lược Hoa kì với 27 nhân vật từng là lãnh đạo chủ chốt,…Báo, tạp chĩ Mĩ, các nước phương Tây và Sài gòn; Những tư liệu của tác giả đã công bố), tác giả có một thuận lợi vô cùng to lớn  so với bất kì ai khi muốn dựng lại trung thành những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Mặt khác giờ đây, đã có một độ lùi lịch sử cần thiết để suy ngẫm và nhìn lại  các sự kiện. Cũng đã có nhiều hồi kí của một số nhân vật của phía bên này và bên kia được công bố; tác giả có thêm cái nhìn toàn cục về cuộc chiến.
Tuy nhiên, tư liệu càng phong phú và đa dạng  bao nhiêu thì vừa là thuận lợi,  lại cũng là một khó khăn cho người viết bấy nhiêu. Vấn đề là phải xuyên qua một núi tư liệu và sự kiện, chọn lọc những gì cơ bản nhất, căn cốt nhất và kết nối, xâu chuỗi chúng lại để phục vụ cho ý tưởng “ phác thảo toàn cục và chi tiết về toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ cùng bộ mặt của hầu hết tướng lĩnh quân đội Sài Gòn và số phận những người cầm đầu chính thể Sài Gòn trong những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh” (Lời tác giả). Vì vậy mà có thể nói tác giả đã dày công và thành công khi từ những ngồn ngộn tư liệu xây dựng 19 chương sách với thời gian các tháng 1,2,3,4 của năm 1975, phản ánh khái quát và trung thực chân dung các tướng lĩnh và chính khách của quân đội và chính thể Sài Gòn. Có thể về mức độ đậm nhạt về mỗi con người khác nhau, nhưng tổng thể bức tranh khái quát khá sống động và chính xác, phản ánh  trung thành những gì mà mọi người đã biết ít nhiều về các tướng lãnh và chính khách đó. Đặc biệt, các nhân vật quan trọng như Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên, Trần Văn Hương, Trần Văn Đôn,…các tướng lĩnh của quân đoàn, quân khu như Ngô Quang Trưởng, Phạm Văn Phú, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Khoa Nam,…

Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

KHÁCH VĂN THĂM NHÀ

KHÁCH VĂN THĂM NHÀ

Các bạn văn chương Đường Văn, Hoàng Dân, Lê Dụ và Đặng Chưởng hẹn đến chơi trước tết Âm lịch. Nhưng rồi phải chuyển qua sau Tết. Hôm nay anh Lê Dụ lại bận đột xuất. Bởi vậy đến nhà VN chỉ có ba người. Trò chuyện sôi nổi. Các bạn tặng quà cho chủ nhà. Sau khi dùng bữa cơm thường với chén rượu nhạt, Hoàng Dân về trước. Hai bạn còn nán lại rồi lên Công viên Thống Nhất tham dự Ngày Sách VN. Chủ trang đưa lên mấy hình ảnh để lưu niệm.

TS Nguyễn Văn Đường ( Đường Văn) tặng Vũ nho 2 tập sách VỊNH TAM QUỐC và HỒN TRÈM

Lại tặng thêm chai rượu và hộp kẹo để nhâm nhi khi đọc sách!

Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân ( đứng giữa) tặng tập thơ HỒN CHỮ, tập truyện TRÒ CHƠI VĂN CHƯƠNG, tiểu thuyết KHÚC TRÁNG CA , tiểu thuyết GƯƠNG, tập bản thảo KHÚC KHÍCH TRONG CHĂN, kèm hộp chè để chủ nhà  thức đọc! Bên canh Hoàng dân là Đặng Chưởng.

Chị cao tuổi ( phu nhân của anh cao tuổi) chụp cho bốn chàng

Cơm rau dưa và chén rượu nhạt chủ nhà mời khách





GIỚI THIỆU TẠP CHÍ VĂN MỚI


Tòa soạn Tạp chí Văn Mới

          Kính gửi Quý vị đồng tác giả Tạp chí Văn Mới  số 7
            Thưa quý vị 
   Hai chử " Tân Văn " là hai chữ cũ. Từ số 7 trở đi "Tân Văn " đổi thành "Văn Mới". Văn Mới số 7 tháng 5 năm 2015 có: 
   - Truyện: Chùm 3 truyện cực ngắn của Phan Thị Vàng Anh ( Ngày học cuối , Chị em họ , Hoa muộn ), Truyện : Những bông hoa quỳ dại của Nguyễn Bản, Con chim lạ của Vũ Đảm, Bóng chiều của Trần Thúc Hà, Hai mùa tuyết của Nguyễn Tiến Lộc, Bầy chim chìa vôi của Nguyễn Quang Thiều và Ngộ sị páo chù ( Tao sẽ báo thù ) của Nguyễn Trí .
   - Thơ: Chùm 3 bài của Phan Thanh An ( Mưa Tầm xuân, Giá như, Chuyển nhà lên thành phố ), của Khaly Chàm ( Bến và bờ, Nguyệt cầm riêng ta, Ẩn dụ đêm ), của Nông Thị Hưng ( Em đi về phía mặt trời, Ngôn ngữ dân tộc tôi, Ký sự em ), của Nguyễn Trọng Tạo ( Mây mặc yếm nâu, Tự dưng, Những bài thơ bị lỗi ), của Phạm Trọng Thanh ( Thấp thoáng trung du, Mời trăng, Nhà thơ và người đẹp ), của Nguyễn Hồng Thủy Tiên ( Những con cánh cam, Tảng đá và hạt bụi, Những mặt cắt ngang trời, Trong căn phòng bừa bộn của em ) và chùm: Lả ngày, Khúc mười bảy, Vì anh của Phạm Dạ Thủy...
   - Bút ký : Khúc sông một thời tuổi trẻ của Nguyễn Bá Cự, Chùm Tản văn của Nguyễn Ngọc Tư ( Mẹ, Có hẹn với Ti vi ), Tản văn : Khoái sau tứ khoái của Lê Dụ, Văn Mới số 7 có Tùy bút của Hồ Anh Thái: Cái tôi và cái ta, tùy bút: Tổ quốc trong tim người lính đảo của Nguyễn Duy Xuân,
   - Phê bình văn học: Huyền thoại hiện hữu của Đăng Bảy giới thiệu tập thơ Huyền thoại mẹ của Nguyễn Địch Long, nhà thơ Thanh Thảo bình bài thơ: Chiều xưa của Phạm Văn Đoan, Nhà thơ Nguyễn Khôi có bài: "Kim lũ y - thơ xưa mà vẫn mới" qua bản dịch của Trần Trọng Kim 1944

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

VĂN TẾ CÁC CỤ CÂY

                                                                               Tác giả Trần Hữu Chung 
                                                                                       ( Trần Chung)

VĂN TẾ CÁC CỤ CÂY

Thương ôi !

Trời đất âm u
Thủ đô giá rét

Chồi non còn chửa kịp trỗi mừng xuân
Gốc cũ đã vội chầu trời oan nghiệt

Nhớ linh xưa !

Rợp trời xanh gốc sấu, hàng me
Che nắng mưa xà cừ, tứ thiết
Đêm trăng thanh dưới gốc cây đôi lứa hẹn hò
Ngày gió mát trên cành lá bầy chim ríu rít

Đau đớn thay,

Nghe quặn thắt tiếng cưa xoèn xoẹt
Bụi mù tung  bóp nghẹt phổi xanh
Vì đâu lá phải lìa cành
Vì đâu thân gốc đoạn đành kêu rên

Những tiếng khóc gào lên thảm thiết
Cớ làm sao lại giết chúng tôi
Thê lương Phố Huế, Hàng Vôi
Chim bay dáo dác khắp nơi não lòng

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Giới thiệu tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1 -2 - 3 - 4.75”

 » Tin tức

Gửi thư    Bản in

Giới thiệu tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1 -2 - 3 - 4.75”

Tin: PV, ảnh Hữu Đố - 16-04-2015 03:14:22 PM
VanVN.Net - Sáng 16/04/2015, Câu lạc bộ văn chương Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức buổi giới thiệu cuốn sách “Biên bản chiến tranh 1 - 2 -3 -4 .75” của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội).
Biên bản chiến tranh 1 -2 -3 - 4 .75 là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử đã được Hội Nhà văn Việt Nam trao Giải thưởng văn học năm 2014. Đây là cuốn sách đã được nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh ấp ủ trong gần 40, sử dụng những tư liệu chọn lọc kỹ lưỡng về con người, sự kiện lịch sử dưới một góc nhìn khách quan nhưng cũng đầy tinh thần trách nhiệm, nói như tác giả cuốn sách: “Lịch sử là tự nó viết ra, chứ không phải do người thắng cuộc hay thua cuộc viết. Tôi chỉ là người cố gắng phục dựng lại sự thật lịch sử.”
“Thế kỷ 21 là thế kỷ của văn học tư liệu. Bởi văn học sau một thời gian dài cất cánh đến những vì sao xa xôi của sự tưởng tượng, siêu tưởng tượng, đã có xu hướng nhìn lại mảnh đất dưới chân mình, với những hiện thực cuộc sống. Văn học tư liệu ở thế kỷ 21 sẽ phát triển rực rỡ nhất, và  Biên bản chiến tranh 1 – 2 – 3 – 4. 75 là cuốn sách điển hình của thể loại văn học này.” - Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nói.
Nhà thơ Hữu Thỉnh chúc mừng nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh (bên phải) 
Buổi giới thiệu tác phẩm Biên bản chiến tranh 1 – 2 – 3 – 4. 75 thu hút nhiều tham luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học có uy tín trên văn đàn đương đại. Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng coi cuốn sách này là một hiện tượng. Sở dĩ gọi là một hiện tượng là vì: Chiến tranh trong suốt 40 năm qua chưa bao giờ kết thúc trong ký ức không chỉ của một thế hệ và cũng chưa kết thúc trong cảm hứng sáng tác của các nhà văn đương thời và cả trong tương lai. Bởi: Đó là cái nhìn ngược sáng của nhà văn. Trần Mai Hạnh như một người trung lập, từ đó nhìn ra thời cuộc.  Và vì: Quyền uy của tư liệu, và quyền uy này không hề cản trở năng lực hư cấu của nhà văn.
Nhà phê bình Vũ Nho
Nhà phê bình văn học Vũ Nho đã có những chia sẻ: Tác giả cố gắng trình bày một cách khách quan quá trình tan rã và sụp đổ của quân đội và chính thể Việt Nam Cộng hòa. Với kinh nghiệm làm báo dày dặn, tác giả sử dụng giọng văn điềm đạm, bình tĩnh, chủ yếu để cho các sự kiện, các nhân vật tự nói lên. Cách viết như vậy cũng là một thành công. Tuy nhiên, nếu có thể lược bớt những chi tiết về tình hình, về một vài sự kiện trùng lặp; lược bớt các phúc trình, tăng hơn nữa việc phân tích tâm trạng, tâm lý, miêu tả khái quát hơn, thì tiểu thuyết sẽ rút bớt được một số trang và tính hấp dẫn cũng tăng lên đáng kể.
 Có thể nói, nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh đã “được lịch sử chọn” khi ông  may mắn có mặt trong phút giây lịch sử thiêng liêng, chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của một chế độ bù nhìn, tay sai của đế quốc và giây phút hòa bình, thống nhất của cả dân tộc trưa 30/04/1975. Gần 40 năm sau, Biên bản chiến tranh 1 – 2 – 3 – 4. 75 đã ra mắt và giành Giải thưởng văn học 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam, trở thành một “điển hình của thể loại văn học tư liệu”, một thể loại mà theo dự báo sẽ chiếm lĩnh ngôi vị hoàng kim của văn học thế kỷ 21.

Tiêu đề