Chủ Nhật, 28 tháng 2, 2021

CHÙM THƠ VỀ MÙA XUÂN

 


THƠ VỀ MÙA XUÂN
- chùm thơ của Đặng Xuân Xuyến 



CHÀO XUÂN TÂN SỬU

Chuột lủi Trâu vào rước Tân Xuân
Gió Đông náo nức hội nhân quần
Tiếng Gà báo sáng bung sắc nhuận
Mai vàng đằm thắm đắm tiết Xuân.
*.
Hà Nội, 23 tháng 01.2021
ĐẶNG XUÂN XUYẾN 
.
XUÂN

Áo trắng em cười với gió đông
Run rẩy đào phai đón xuân nồng
La đà trong gió đôi vạt nắng
Ngơ ngẩn trai làng, ngơ ngẩn xuân
*.
Làng Đá, Rằm tháng Giêng.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN 
.

SẮC XUÂN 
- Cảm tác khi thăm vườn hoa nhà thơ Chử Văn Long -

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Sắc màu em yêu

 


Sắc màu em yêu

             Phạm Đình Ân

Em yêu màu đỏ:

Như máu con tim,

Lá cờ Tổ quốc,

Khăn quàng đội viên.

Em yêu màu xanh:

Đồng bằng rừng núi,

Biển đầy cá tôm,

Bầu trời cao vợi.

Em yêu màu vàng :

Lúa đồng chín rộ,

Hoa cúc mùa thu,

Nắng trời rực rỡ.

Em yêu màu nâu:

Áo mẹ sờn bạc,

Đất đai cần cù,

Gỗ rừng bát ngát.

Em yêu màu trắng:

Trang giấy tuổi thơ,

Đoá hoa hồng bạch,

Mái tóc của bà.

Em yêu màu đen:

Hòn than óng ánh,

Đôi mắt bé ngoan,

Màn đêm yên tĩnh.

Em yêu màu tím:

Hoa cà, hoa sim,

Chiếc khăn của chị,

Nét mực chữ em.

Trăm nghìn cảnh đẹp

Dành cho em ngoan,

Em yêu tất cả

Sắc màu Việt Nam.

Lời bình của Vũ Nho

Thứ Sáu, 26 tháng 2, 2021

Những cái giật mình của Phạm Đình Ân

 

Những cái giật mình của Phạm Đình Ân

 

                            Vũ Nho

Trên Blog này  (vunhonb.blogspot.com) đang có trao đổi về NHỮNG CÁI GIẬT MÌNH trong thơ Việt. Đường Văn bình về 6 cái giật mình, Đỗ Trung Côn nói về 5 cái giật mình ( nhưng không hoàn toàn trùng với Đường Văn). Lê Thị Hương cảm nhận 3 cái giật mình.

Chủ quán ngày trước  sau khi đọc 4 tập thơ  Nắng xối đỉnh đầu, Những hoàng hôn ngẫu nhiên, Hương rễ, Phấn hoa bay của  Phạm Đình Ân đã viết tiểu luận : Một chặng thơ Phạm Đình Ân . Và viết lời bình cho bài thơ Đầu năm mua muối. Dưới đây là một đoạn trong bài  bình Đầu năm mua muối    nhân tiện , thống kê những cái giật mình của Phạm Đình Ân. Gọi là bàn góp về chủ đề mà khách đang bàn thảo.

 

Nếu đọc kĩ Phạm Đình Ân, ta có thể nhận xét anh là người hay giật mình. Trong các bài thơ  Tiếng em, Áo nâu, Tóc mẹ, Ngắm trời cao, Khi mùa xuân sắp qua, Những cái giật mình,  Với quê Thanh, anh đã có những câu thơ giật mình đầy ý nghĩa. Nhưng cái giật mình khi mua muối đầu năm của anh tôi tin là sẽ thành phản ứng dây chuyền làm giật mình những ai yêu thơ, những ai muốn bảo tồn những nét văn hoá nhân văn trong hồn dântộc.
 

1. Từng trải qua nhiều cái giật mình

tim anh chẳng đập nhịp bình thường vẫn đập

chính là lúc tiếng em về bất chợt

anh nhận ra ngay từ một thoáng âm đầu

Cái giật mình nào cũng là lần thứ nhất

                             Tiếng em - Những hoàng hôn ngấu nhiên

 

 2. Năm năm… tháng tháng…ngày ngày

 Tóc con xanh tóc mẹ phai nhạt dần

 Mỗi lần trông mẹ vấn khăn

 Giật mình sợi bạc còn ngần ấy sao

                             Tóc mẹ- Nắng xối đỉnh đầu

 

3. Ta cúi gằm xuống đất

thấy toàn khó khăn

Trời quang mây tạnh vô tình không hưởng

mây tối sầm lại ngóng mà lo

Để chiều nay ta bất chợt nhìn lên

bỗng giật thót : trời xanh dồn sắc lại

dành cho ta vẻ đẹp tự bao ngày

                             Ngắm trời cao – Nắng xối đỉnh đầu

 

4. Cuối tháng ba gà gô gáy đồi quang

Cây gạo trụi hoa ngẩn ngơ bến nước

Hoa bưởi trắng đât vườn thơm bâng khuâng

Cơn gió lạ vỗ lật tàu lá chuối

Ta giật mình trước đất trời thay đổi

Khi mùa xuân sắp qua

                   Khi mùa xuân sắp qua – Nắng xối đỉnh đầu

 

5. Nhiều khi đang đi trên đường phố đông người

Tôi giật mình sững lại:

Đột nhiên hiện về gương mặt thân quen ấy

rồi lướt nhanh, thoắt lạ giữa dòng đời

 

Em rõ ràng không có ở đây

Ai đó giống , mà lại không thể giống

Nhưng tôi vẫn muốn mãi mãi được giật mình xúc động

được thấy em ở chốn không em.

 

Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

TÓC ƠI!

 


TÓC ƠI!
 
        Phạm Tâm Dung

 

Tóc có buồn không khi đã đổi màu
Nào đâu bời bời mênh mang một thuở
Một chút hương tan vào nỗi nhớ
Làm nên "một góc con người"...
Ta lấy khăn lau bụi mặt gương soi
Cay đắng biết rằng: gương...không nói dối
Cay đắng nhớ lời người xưa từng nói:
" ...Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu"!
24_2_2021
TD

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Khẩu khí trào lộng của "ĐỒ NGHỆ" VƯƠNG TRỌNG

 

Khẩu khí trào lộng của
"ĐỒ NGHỆ" VƯƠNG TRỌNG
                 Nguyễn Hòa
 

 
Trước hết xin nói rằng lời tự bạch của Vương Trọng:" Tôi yêu Đỗ Phủ hơn Lý Bạch, yêu Nguyễn Du hơn Hồ Xuân Hương, bởi Đỗ Phủ, Nguyễn Du ngoài tài thơ ra còn có trái tim lớn đau nỗi đau những cuộc đời bất hạnh. Thơ không phải là thứ sinh ra cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu, mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận" có thể coi là "hồn cốt" những bài thơ nổi tiếng của anh. Và cũng là sự lạ, bởi sau khi Vương Trọng viết Bên mộ cụ Nguyễn Du thì mộ Nguyễn Du nhanh chóng được trùng tu và trở thành một địa chỉ văn hoá, rồi chỉ ít lâu sau khi bài thơ Lời thỉnh cầu ở ngã ba Đồng Lộc của Vương Trọng được công bố thì hai cây bồ kết được trồng ngay ngắn cạnh tấm bia đá có khắc bài thơ ấy bên nơi an nghỉ vĩnh hằng của mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc… Vậy nhưng anh nhà thơ cử nhân toán học luôn luôn dùng thơ để "chuyển tải nỗi lòng " này lại thường hay phân thân và lộ diện qua một hình hài khác mà bè bạn thân thiết vẫn gọi anh là "Đồ Nghệ".
Một lần rỗi việc tụ bạ cùng mấy ông bạn nối khố, tào lao chuyện trên trời dưới biển chán chê, loanh quanh thế nào mấy thằng tôi chuyển sang đề tài nịnh vợ. Một tay trong bọn cao hứng ngâm nga:" Trong nhà gì đẹp bằng em/ Mắt xanh mỏ đỏ lại chen nanh vàng/ Nanh vàng mỏ đỏ mắt xanh/ Gần chồng mà chẳng hôi tanh mùi chồng". Rồi hắn tỏ ra rất đắc ý cứ như mình là tác giả bài thơ này vậy. Tôi cũng nể hắn nhưng mãi về sau mới phát hiện ra đây là bài "Nịnh vợ" của "Đồ Nghệ" Vương Trọng! Chẳng là trong một buổi giao lưu với văn nghệ sĩ tỉnh nọ, gặp mấy cây bút trẻ xinh tươi, "Đồ Nghệ" liền trổ tài "nịnh đầm" bằng hai câu lục bát: Từ Cà Mau đến Lạng Sơn/ Gặp ai cũng thấy xinh hơn vợ mình. Ai dè hai câu này lọt tới tai "bà Đồ". Để nhanh chóng ngăn chặn một hậu quả xấu có thể xẩy ra, "Đồ Nghệ" lanh trí "mông má" mấy câu ca dao vốn đã quen thuộc với mọi người thành một bài thơ vừa "có nanh" vừa "có mỏ"lại vừa như một bản tự kiểm điểm bản thân khá nghiêm khắc."Bà Đồ" chỉ còn biết cười và hẳn lại nghĩ đến chuyện hôm trước cơm đã bày ra mà thằng cu bé vẫn còn ư ử mè nheo đòi ăn mì tôm,"Đồ Nghệ" cáu sườn quát luôn một bài thơ mỗi câu một kiểu:"Có cơm, có cá, có canh cua/Mày muốn moi mỳ mẹ mới mua/Bố buồn bực bảo: bây bài bướng/ Đáng đánh đòn đau, đếch đánh đùa!". Nghe bố quát bằng thơ,anh cu vội im thin thít. Ấy cũng là cái thời còn khó khăn, tủ lạnh,TV(ti vi) còn là của hiếm ,nhà không có TV nên "Đồ Nghệ" buồn tình đặt luôn tên con chó mới nuôi trong nhà là Ti vi, và còn bảo nhà có ti vi màu hẳn hoi! Thi thoảng mấy bố con hắng giọng réo "Ti vi! Ti vi" là lập tức Ti vi tí tởn chạy ra, đuôi ngoáy tít."Đồ Nghệ" bèn chế tác bốn câu:"Nhà em nghèo chẳng có gì/ Đặt tên con chó Ti vi đỡ buồn/ Mai ngày em biết đi buôn/ Ti vi bán dẫn ở luôn trong nhà!"

NHỮNG CUỐN TIỂU THUYẾT NGA HAY NHẤT MỌI THỜI ĐẠI



NHỮNG CUỐN TIỂU THUYẾT NGA HAY NHẤT MỌI THỜI ĐAI

(Theo đánh giá của các Tổ chức Văn học và các nhà phê bình văn học)


 

Bùi Minh Trí sưu tầm và giới thiệu

Nước Nga có nhiều cuốn tiểu thuyết là những tác phẩm văn học có giá trị mang trong mình một ý nghĩa sâu sắc được độc giả đón nhận nồng nhiệt với sức sống bền bỉ và trường tồn mãi theo thời gian. Sau đây, chúng ta điểm qua những cuốn tiểu thuyết Nga hay nhất mọi thời đại mà ai cũng nên đọc!

  1. CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH - Lev Tolstoy

Chiến tranh và hòa bình là một trong những cuốn tiểu thuyết Nga hay nhất mọi thời đại mà chúng ta không nên bỏ qua của tác giả Lev Tolstoy. Cuốn tiểu thuyết được xuất bản lần đầu tiên từ năm 1865 đến 1869 và cho đến nay những giá trị, những ý nghĩa trong tác phẩm vẫn còn vẹn nguyên trong lòng độc giả yêu sách.

Cuốn tiểu thuyết như là một thiên anh hùng ca phản ánh chân thực và sống động về tình hình của xã hội nước Nga vào đầu thế kỷ 19 với giai đoạn lịch sử của nước Nga vào thời gian trước và sau cuộc xâm lăng của Napoléon Bonaparte.

Qua tác phẩm, Lev Tolstoy đề cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đồng thời tác giả cũng đã kêu gọi sự đoàn kết dân tộc Nga để chống kẻ xâm lăng. Đây là cuốn tiểu thuyết dài nhất của nước Nga vào thế kỷ XIX và của cả thế giới sau này.

Sơ lược cốt truyện “Chiến Tranh và Hòa Bình”

Nhân một buổi dạ tiệc tại nhà của Anna Pavlovna, Hoàng Tử Andrey và Pierre thảo luận với nhau về những gì họ nên thực hiện trong tương lai, về Napoléon, “con người của định mệnh” (the man of destiny) sắp xâm lăng nước Nga, về nhiệm vụ mà Thượng Đế giao cho Sa Hoàng là phải cứu nguy châu Âu và nền văn minh… Pierre là một người độc thân giàu có, danh vọng, thừa hưởng di sản của Bá Tước Bezuhov. Thời điểm này là vào tháng 7 năm 1805.

Nikolay Rostov và Hoàng Tử Andrey đã trải qua các kinh nghiệm đầu tiên tại mặt trận Schoengraben. Mỗi người tìm thấy sự bất lực của cá nhân trong hoàn cảnh của một khối đông người. Nikolay nhận làm một cái chốt trong một bộ máy còn Andrey từ chối ở trong lực lượng điều hành mà chọn chiến đấu ngoài mặt trận.

Sau đó tới sự việc Pierre cưới Ellen. Anatole ve vãn Marya nhưng không thành công. Andrey tham dự hội đồng chiến tranh vào hôm trước trận đánh Austerlitz rồi bị thương, tuy nhiên đối với Andrey, Napoléon có vẻ như không đáng kể.

Nikolay cùng với Denisov được nghỉ phép, nhưng đã không quên người yêu là Sonya. Do Ellen bị nghi ngờ bất trung, nên Pierre đã đấu gươm với Dolohov và khiến cho anh chàng này bị thương. Lisa Bolkonsky qua đời sau khi sanh một con trai, để lại cho Andrey nỗi buồn không nguôi. Dolohov mê Sonya nhưng đã bị từ chối và về sau đã lường gạt Nikokay trong một canh bạc.

Sống xa vợ, Pierre hiến thân cho công việc canh tân miền đất đai của mình. Pierre và Andrey lúc này đã về nhà, cùng nhau thảo luận về ý nghĩa của đời người, ý nghĩa của cõi chết và Andrey hy vọng ở tương lai. Vào lúc này Nikolay lại tham gia quân đội và Denisov bị đưa ra tòa vì ăn trộm thực phẩm. Nikolay xin Sa Hoàng ân xá cho Denisov và được chứng kiến cảnh hội ngộ giữa Napoléon và Sa Hoàng, và cảnh này tượng trưng cho hai loại chính quyền mới và cũ.

Andrey tham gia vào nhóm cải cách của Speransky. Andrey trở nên mê Natasha và công chúa Marya không được hạnh phúc vì các hành động của cha. Các vấn đề tài chính của gia đình Rostov gia tăng và Andrey đi qua Thụy Sĩ. Gia đình Rostov vui hưởng mùa Giáng Sinh cuối cùng với cảnh săn chó sói, trượt tuyết bằng xe. Khi Andrey vắng mặt, Natasha bồn chồn và đã gặp Anatole trong một buổi ca nhạc. Trong lúc tinh thần bị căng thẳng, Natasha được Pierre an ủi.

Cuộc kháng chiến chống lại quân đội Pháp bắt đầu khi Napoléon là một con người ham danh vọng, ưa chinh phục các miền đất mới. Andrey phục vụ trong đoàn quân Nga và Nikolay được tặng huy chương vì lòng cam đảm. Natasha bình phục dần dần nhờ niềm tin tôn giáo. Petya tham gia quân đội. Trước sự de dọa xâm lăng của Napoléon, người dân Nga đã phản ứng mạnh. Pierre thấy được ở trong tâm hồn mình một nhiệm vụ phức tạp đối với tình yêu, sao chổi, Napoléon và chiến tranh.

Đại Quân Pháp tiến vào nước Nga. Marya rời gia đình về Moscow. Mặc dù chiến tranh tới gần, các buổi hội họp tại Petersburg vẫn còn tiếp tục. Marya và Nikolay đã gặp nhau lần đầu tiên trong mối tình lãnh mạn. Pierre thăm viếng Andrey vào buổi chiều hôm trước trận đánh Borodino. Trận chiến này được mô tả là một cuộc đấu sức sinh tử với quân đội Nga thắng thế về mặt tinh thần và đây là khúc quanh cho chiến thắng của nước Nga.

Đại Quân Pháp tiến tới. Thành phố Moscow bị bỏ trống và đốt cháy để cứu nguy cho nước Nga. Gia đình Rostov rời Moscow bằng một đoàn xe trong đó có Hoàng Tử Andrey bị thương nặng. Andrey đoàn tụ với Natasha và được chăm sóc. Khi gần với cõi chết, Andrey mới hiểu rõ tình yêu cao cả. Sự thật hiện ra khi sống và chết đối diện với nhau. Pierre dự mưu ám sát Napoléon nhưng các biến cố khác đã làm cho âm mưu này thất bại.

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2021

CHÙM NGẪU CẢM, SÁNG ĐẦU NĂM



CHÙM NGẪU CẢM, SÁNG ĐẦU NĂM

Tặng anh Chí Trung Nguyễn, Dụ Lê,
Quốc Việt Đặng cùng Chí Định Cao

                                                                  ĐƯỜNG VĂN

                        1

Lựa chỗ đâm kim mong đỡ đau
Thịt nao chọc mãi chẳng xơ, nhàu
Bởi con bệnh mãn, miu đành chịu
ước được Trời ban phép nhiệm màu

Vẫn biết nhiệm màu là ảo vọng
Chưa chìm khao khát, thích vênh râu
Sống lâu chi lắm, thêm vô vị
Sang 73 rồi! “Đi đi” mau!

Hổ cùng lão bát dáng tiêu tao
Xe máy vu vu phóng vẫn ngầu
Chuyện trò dí dỏm mà rôm rả
Ngủ, ăn, nghe, đọc... kém người đâu

Mắt tinh, tai thính, trí tường minh
Bàn luận nhẹ nhàng và sắc sảo
Tự tin, thanh thoát, mình hiểu mình
Tâm vững, hồn trong, thân không đảo

Cứ thế, tà tà... qua cửu thập,
Bách tuế, Trời cho, chưa biết chừng
Bạn Trèm vong niên thường thắc thỏm:
Liệu mình vượt mốc 75 chăng?!

                                                           Sáng đông
nắng lạnh 16/1/2021

2

Quét sân, vun lá, đợi bạn  hiền
Sáng mồng 5 tết, đón bình yên
Vung bút tập tòe khua thư pháp
Xước, mờ, thanh, đậm, đỏ nền đen

Viết rồi, tặng chơi xuân, mừng tết
Vợ chồng, con cháu, bạn bầu vui
Ngắm dòng tranh chữ  tươi roi rói
Đã thấy hương xuân nhấp nháy cười

                                                                    15/2/2021

3

Sớm xuân, nhâm nhi độc ẩm
Nhắm bài ngẫu hứng Lá rơi

Thứ Hai, 22 tháng 2, 2021

BÀI THƠ VỀ NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ



BÀI THƠ VỀ NỖI ĐAU CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ

                 phng_anh__haiku                                                        

                        NGUYỄN THỊ PHƯƠNG ANH

                       ĐI LỄ CHÙA 

                                    Dư Thị Hoàn

 

Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa           

Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ 
Người thứ nhất thở dài:
- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng!
Người thứ hai chép miệng:
- Vô phúc nhất người đàn bà không con!
Người thứ ba cười buông:
- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng.
Người thứ tư điềm đạm:
- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy con!     
Người thứ năm:
- Mô Phật
Lão xà ích giật dây cương
Roi quất
Tung bụi đường. 

 LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ PHƯƠNG ANH

Tôi biết đến Dư Thị Hoàn khi có người bạn gái cho tôi xem một thi phẩm của nữ tác giả này. Bài thơ “ Đi lễ chùa” (1987)

Đã từng đọc không ít bài thơ viết về người phụ nữ, nhưng “Đi lễ chùa” của Dư Thị Hoàn vẫn để lại trong tôi một cảm giác đặc biệt. Vừa lạ lẫm, vừa như có điều gì đó day dứt khôn nguôi.

         Trước tiên có lẽ là điều "tưởng vậy mà không phải là vậy" khi đối chiếu nhan đề với nội dung bài thơ. Đọc tên bài "Đi lễ chùa", tôi nghĩ tác giả sẽ xoay quanh cảm nhận về tấm lòng Thiền, về mối quan hệ Đạo- Đời, hay những điều khuyên răn có tính luân lý, giáo dục mang đậm tín ngưỡng đạo Phật. Nhưng không phải. "Đi lễ chùa" chỉ là nêu một "tình huống" để năm người phụ nữ cùng ngồi một chuyến xe trên con đường trần bụi. Họ nói với nhau về nỗi khổ của người đàn bà mà có lẽ vì nó mà hôm nay họ cùng nhau mang theo đồ vật tế lễ hành hương về cõi Phật.

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2021

HOA TRÊN ĐƯỜNG, BẤT CHỢT NGUYỄN BÍNH, CHIỀU

                       


 

1. HOA TRÊN ĐƯƠNG

                                                          Trần Trung

                               


                                  

 

                                                       Hoa dại-Tôi thầm gọi Hoa buồn.

 

                   Không mảnh vải che thân

                         Em múa may

                                giữa dòng qua lại.

                   Em khóc. Em cười mê dại

                         Bông hoa trắng cầm tay...

                                     &

                   Vây quanh Em

                         tiếng cười lũ trẻ

                    Người già xây lưng

                                           dụi mắt.

                                     &

                    Em rung lên chuỗi cười ngằn ngặt

                           chơi vơi

                                       riêng

                                             Một-Cõi-Của-Mình.

                                      &

                    Có một Người đứng lặng

                               nhìn theo Em mãi

                     Em vẫn trên tay bông hoa trắng dại

                     Một tiếng gọi thầm:

                                Bông-Hoa-Buồn-Ơi!..

       

 

                        2 BÂT CHỢT...NGUYỄN BÍNH

                                                           TrầnTrung

 

                     Một mình ngồi giữa chiều hoang

                     Một mình hoang dại

                                         rót tràn ly suông

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VĂN HỌC VÀ NGHỆ THUẬT


 

TÌM HIỂU VỀ VĂN HÓA VĂN HỌC VÀ 

NGHỆ THUẬT
(Bùi Minh Trí  sưu tầm  và giới thiệu)


 

          Văn hóa, văn học và nghệ thuật là các phạm trù có liên quan mật thiết với nhau trong hoạt động của xã hội và con người. Nếu coi văn hóa là sự tổng hợp những tư tưởng và giá trị vật chất và tinh thần,  thì văn học và nghệ thuật biểu hiện văn hoá, là tấm gương của văn hoá, là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người.

    *Văn hoá , theo Bách khoa toàn thư, là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra bằng lao động và hoạt động thực tiễn trong quá trình lịch sử của mình, biểu hiện trình độ phát triển xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định.

 Khi nghiên cứu quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người, C.Mác và Ph.Ăngghen đã khái quát các hoạt động của xã hội thành hai loại hình hoạt động cơ bản là "sản xuất vật chất" và "sản xuất tinh thần". Do đó, văn hóa bao gồm cả văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần.

Văn hóa vật chất là năng lực sáng tạo của con người được thể hiện và kết tinh trong sản phẩm vật chất. Văn hóa tinh thần là tổng thể các tư tưởng, lý luận và giá trị được sáng tạo ra trong đời sống tinh thần và hoạt động tinh thần của con người.

Như vậy, nói văn hóa là nói tới con người, nói tới việc phát huy những năng lực thuộc bản chất của con người nhằm hoàn thiện con người. Do đó, văn hóa có mặt trong mọi hoạt động của con người, trên mọi lĩnh vực hoạt động thực tiễn và sinh hoạt tinh thần của xã hội.

*Văn học, cũng theo Bách khoa toàn thư, là khoa học nghiên cứu văn chương.

Hiểu một cách hạn chế hơn, văn học là dạng văn bản được coi là một hình thức nghệ thuật, Trong các định nghĩa hiện đại hơn, văn học bao hàm cả các văn bản được nói ra hoặc được hát lên (văn học truyền miệng). Sự phát triển trong công nghệ in ấn đã cho phép phân phối và phát triển các tác phẩm chữ viết, và tạo ra loại văn học điện tử.

Văn học có thể phân loại thành: hư cấu hoặc phi hư cấu (theo nội dung), và thơ hoặc văn xuôi (theo hình thức). Thể loại văn xuôi có thể phân loại tiếp thành tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch bản. Các tác phẩm văn học có thể được phân loại theo từng giai đoạn lịch sử được nhắc đến, hoặc một số thể loại nội dung hoặc hành văn đặc thù (bi kịch, hài kịch, lãng mạn, gợi tình v,v…)

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2021

TÔI SẼ NÓI LỜI YÊU EM

 

TÔI SẼ NÓI LỜI YÊU EM
 
ĐẶNG LƯU SAN
 
Không thể chờ đợi thêm nữa, ngày mai tôi nhất định phải tỏ tình với em. Ý nghĩ ấy làm con tim tôi loạn nhịp cả ngày.
Em, cô sinh viên Đại học về thực tập tại cơ quan tôi. Em, cô gái có ánh nhìn thân thiện nhưng sâu thẳm. Em, có nụ cười hồn nhiên, đôi môi nũng nịu cứ mỗi lần nhìn em là tôi lại muốn gắn môi mình vào đó.
Tôi biết em cũng để ý đến tôi nhưng hôm qua tôi nhìn thấy tay Trưởng phòng của tôi đã cố tình cầm tay em rất lâu khi em đưa tờ báo cho hắn.
Sáng, tôi dậy sớm hơn thường ngày, tôi tắm, gội đầu, xịt một tẹo gôm lên tóc cho vào nếp. Tôi là chiếc quần, chiếc áo sơ mi cho phẳng. Ngắm đi ngắm lại mình trong gương, tạm hài lòng tôi đến cơ quan. Trên đường đi tôi rẽ vào cửa hàng bán hoa. Tôi chọn hoa hồng, loại có cánh mịn và thắm như chiếc áo nhung mẹ tôi vẫn mặc vào những ngày trọng đại nhất. Hương hoa thơm dịu, e ấp như tâm hồn em vậy. Tôi nói với chị bán hoa:
- Chị bọc thật cẩn thận kẻo gió, bụi làm xấu mất hoa của em chị nhá.  
Nhìn điệu bộ của tôi chị bán hoa mỉm cười bảo:
- Chị biết rồi, thổ lộ tình yêu hả? Chúc em may mắn nhé.
Tôi nở một nụ cười tươi roi rói, nói lời cảm ơn, chào chị bán hoa. Lên xe phóng như bay, bởi tôi sợ tay Trưởng phòng thường ngày vẫn đi làm muộn biết đâu hôm nay lại đi sớm, biết đâu và biết đâu?...
Tôi mường tượng giây phút trao hoa vào tay em, nhìn sâu vào mắt em. Em ngượng ngùng đỏ bừng hai má , thẹn thùng đón nhận hoa tôi trao.
Đang mơ màng trong niềm hân hoan bỗng một chiếc tắcxi từ lối rẽ lao vút ra để kịp vượt tín hiệu đèn xanh ở giây cuối cùng đâm thẳng vào tôi.
Uỵch… hự.
Người tôi nhẹ bẫng, rồi chìm vào một giấc ngủ. Trước đó vẫn còn nghe được ai đó kêu thất thanh.
- Ối giời ơi, tai nạn kìa, cứu người… cứu người ới người ta.
***  
Hình như tôi đã ngủ một giấc rất dài. Bỗng nhiên tôi choàng thức giấc, tỉnh như sáo không hề thấy đau đớn ở đâu.
Âm thanh não nề của bản nhạc tang lễ, tiếng gào thét đau đớn của mẹ, sau chuyển thành tiếng nấc rồi im hẳn.
Tiếng mợ tôi kêu lên:
- Chị Thương ngất rồi kìa. Anh Hợi ơi ,  đưa chị ấy vào trong nhà đi.
Cậu tôi lao ra đỡ lấy thân hình mềm oặt cùng mái tóc rũ rượi của mẹ rồi bế bổng mẹ vào phòng trong. 
Tiếng khóc nức nở mãi không dứt của cô, dì, chú, bác, các em tôi vang lên rền rĩ.

Thứ Tư, 17 tháng 2, 2021

CHÙM THƠ HAIKU VIỆT Nguyễn Thị Phương Anh

 

CHÙM THƠ HAIKU VIỆT 
                           Nguyễn Thị Phương Anh

1
Xuân về
trắng hoa cau
màu tóc mẹ.

2
Chân trời
nở tím vầng mây
xuân chiều.

3
Giêng hai
xuân cài mái tóc
biếc xanh.

4
Hoa vàng
ủ ngấu
rượu hương thả bùa.

5
Váy hoa
nở xòe bên suối
tiếng đàn môi.

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

GIẢI THIÊNG

 


GIẢI THIÊNG

                                   

                                          Truyện ngắn của Vũ Thiện Khái

 

                                   

     Nửa đêm về sáng. Đầu giường nổ dòn dã một hồi chuông điện thoại. Đúng lúc tôi đang chìm vào giấc mơ cụ muỗm cổ thụ đầu xóm đổ cái rầm. Không giông, không bão, mà cây dăm trăm tuổi lăn đùng ra chết, lạ thật. Ngồi bật dậy, cầm ống nghe, tôi nhận ra tiếng thằng cháu ngoài quê gọi vào. Giọng nó hoảng hốt gấp gáp như sợ có người cướp máy: Chú ơi, làng ta xẩy ra chuyện lớn rồi. Căn nhà ông Chuột Nhắt bạn chú, bị đào sâu hoắm. Vàng bạc, châu báu chúng nó cuỗm sạch bách. Chỉ còn một cái vỏ chum không với đống nhựa thông lổn nhổn. Tôi ngắt lời cháu: Lão ấy ba đời nghèo rớt mồng tơi, lấy đâu ra vàng bạc? Nó chả thèm giải thích, lại còn lên giọng coi thường tôi đã là lão già lẩn thẩn: Giời ạ… Đến bây giờ chú còn tư duy cũ kỹ vậy. Cái gì mà chẳng thể xẩy ra. Thì chú cứ về quê sẽ thấy. Nói qua điện thoại không hết câu chuyện ly kỳ này được đâu chú ơi! Rồi nó cúp máy.

Ngồi ngẩn người lìên hệ với giấc mơ vừa rồi, bất giác tôi kinh ngạc nhận ra có một sự thông linh đến lạnh sống lưng. Cây muỗm trước cửa miếu Bà Nàng gốc to mấy người dang tay nối  nhau mới khít một vòng, tự nhiên đổ kềnh trước mắt tôi. Chóp ngọn nó cao vút tưởng chạm mây xanh, nháy mắt đã nằm rạp, cách mép hè nhà Chuột Nhắt chỉ vài gang tay. Căn nhà ngói ba gian cũ kỹ của lão rung bần bật mà không đổ sập. Đã biết chỉ là chuyện trong mơ, tỉnh rồi, ngồi tần ngần giữa gian buồng kín đáo, tôi vẫn chưa hết bàng hoàng. Bên trong hai lỗ tai còn lùng bùng tiếng dội kinh hoàng của cả cái thân cây đồ sộ nghêu ngoao những cành to bằng cột đình bổ nhào, cắm phập vào mặt ruộng nứt toác đang kỳ khô hạn.          

Hơn nửa thế kỷ trước, Tôi với Chuột Nhắt là bạn chăn trâu cắt cỏ. Nó kém tôi dăm tuổi. Vẫn bị tôi xếp vào loại chíp hôi. Bố Chuột Nhắt nuôi rẽ con bò cái, khi nào có bê con, chủ bò bán bê chia cho một nửa. Năm hai vụ, giống bò chỉ cày bừa được vài đám ruộng màu, đồng sâu lún thụt chịu chết không lội nổi, nên chả kiếm được mấy đồng. Từ cha chí con tứ thời đói rách như tổ đỉa. Tôi học lên cấp hai, Chuột Nhắt mới vào lớp một. Nhưng mà nó khôn lỏi nhí nhắt hơn chuột nhắt. Bọn chúng tôi chỉ được mẽ lêu đêu to xác, chẳng đứa nào ranh ma bằng nó. Nhớ một chiều mấy đứa nằm duỗi dài chụm đầu vào nhau trên mặt đê, úp nón che mặt thiu thiu ngủ. Bỏ mặc đàn trâu bò vẩy đuôi thung dung gặm cỏ ngoài bãi sông Nguồn. Bỗng nhiên thằng Chuột Nhắt ngồi bật dậy ré lên một tràng cười chói tai. Ngớt cơn cười, nó lật nón từng đứa thì thào hớt lẻo: Em biết chuyện này hay lắm cơ. Các anh muốn xem em chỉ chỗ cho. Tôi làu bàu: Thằng nhóc phá bĩnh, để cho chúng ông ngủ. Em nói thật đấy, trắng trắng là, ban đêm tối om mà nhìn tay chân mình mẩy cứ như củ cải ấy. Thằng lớn nhất bọn háo hức nghển cổ tò mò: Mày bảo cái gì trắng lôm lốp? Nhưng mà anh không được bảo em lẻo mép đấy nha. Em thấy họ hôn  nhau chùn chụt rồi lủi vào bên trong miếu Bà Nàng. Lát sau em nghe tiếng xột xoạt, tiếng rúc rích cười, tiếng thở phì phà đằng sau bệ thờ Bà. Em hết sợ ma, lén mò vào sát hậu cung, eo ơi, một người lưng như cánh phản đen kịt đè lên một người trắng như lợn cạo. Em vớ cục phân bò khô ném vào trong ấy rồi chạy biến. Chuyện ấy tôi chả quan tâm, lại úp nón ngủ tít. Chả biết hai thằng hẹn nhau thế nào, buổi chăn trâu hôm sau chúng nó cứ nhìn nhau cười tủm tỉm. Thằng kia dứ dứ nắm tay chỉ vào mặt Chuột nhắt: Bí mật, đừng rủ đứa nào, tối nay chờ tao nhá.

Thứ Hai, 15 tháng 2, 2021

MIÊN MAN VỀ NGÀY LỄ TÌNH NHÂN

 

MIÊN MAN VỀ NGÀY LỄ TÌNH NHÂN
 
Tản văn ngắn của Tâm Dung
 
tm_dung_1
 
Có một ngày rất đặc biệt, rất lạ bởi một cái gì đó bồng bềnh, ngất ngây nhớ thương cứ luôn hiện hữu trong ta: ngày lễ tình nhân!
Sự đặc biệt đó không phải chỉ diễn ra với những người đang yêu mà cả với những người đã từng yêu và được yêu.
Người xưa thật tài hoa!
Mỗi xứ sở, mỗi dân tộc đều nghĩ ra một cách yêu và dạy cho con cháu biết để mà yêu, để cho cuộc đời đẹp diệu kỳ và để duy trì nòi giống. Các câu chuyện thần thoại đông tây, các kho tàng truyện cổ tích, dân gian cho đến các loại hình nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, âm nhạc...cổ kim đều lấy đề tài tình yêu làm cho tác phẩm trường tồn.
Với mình, dù đã lớn tuổi, không còn "thì" để mà rạo rực nữa, nhưng ngày này, bỗng nhiên lại thả mình vào cõi bồng bềnh của:
"Cái ngày xưa ấy một thì
Cố tình quên áo là vì thương nhau
Mênh mông nước chảy đòng sâu
Tìm đâu dải yếm bắc cầu mà sang..."
( "Mùa nhớ"- thơ T.D.)
Rồi đôi phút lại ngẩn ngơ nhớ về một ánh mắt lạ kỳ, chỉ chợt lóe lên như tia chớp đã xuyên thấu trái tim ta đang run rẩy:
"Xin đừng nhìn em như thế
Kẻo mình đắm vào mắt nhau
Để rồi chảy tan thành nước..."
( "Thôi miên" - thơ T.D.)
Có lần, mình nghe ai đó nói rằng: những người hiện tại đang yêu nhau, kiếp trước họ đã là vợ chồng. Nghe ra thì tưởng huyễn hoặc nhưng mình thì mình tin ngay. Bởi họ có chung nhiều điểm thật lạ. Một lần mình được xem bộ phim "Thể chất và linh hồn" rất hay của Hung ga ri, do hội nhà văn tổ chức trình chiếu. Bộ phim tâm lý xã hội nói đến sự giống nhau đến lạ kỳ về những giấc mơ của một cặp đôi trời sinh ra họ chỉ để cho nhau và sự hồi sinh mãnh liệt của hai con người tưởng như khô cứng, tàn tật, khi có tình yêu, đã gây một xúc động mạnh mẽ cho bao người trên nhiều quốc gia.

Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

CHÙM THƠ BẢO NGỌC

 CHÙM THƠ BẢO NGỌC

 


 

ĐÔNG – TÂY – NAM – BẮC[1]

 

Nằm khểnh trong đất

Như củ lạc con

Cái đầu xoay tròn

Hỏi gì cũng gật

 

Đông – Tây – Nam – Bắc

Chẳng thấy mắt đâu

Cả mấy sợi râu

Cũng không thấy nốt

 

Thế mà thưa thốt:

“Biết chỉ bốn phương

Ai muốn hỏi đường

Đến đây mà hỏi!”

 

Một bầy tóc rối

Chụm đầu xòe tay

Hỏi: “Đâu phía Tây?”

Sâu ta chỉ đúng

 

Hỏi sang hướng Bắc

Nó liền quay ngay

Phương Nam bên này

Nó cũng gật tuốt.

 

Bỗng đâu sấm chớp

Giật phía đằng Đông

Cả lũ chạy rông

Hướng gì? Kệ tuốt!

 

 

 


CHUỒN KIM TẬP MÚA

 

Nhim nhỉm nhìm nhim

Cây lặng, gió im

Lẳng lặng mà xem

Chuồn Kim tập múa

Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

NGÀY TÊT NÓI VỀ CÁI ĂN TRONG QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI VIỆT

 

 NGÀY TÊT NÓI VỀ CÁI ĂN TRONG QUAN NIỆM CỦA NGƯỜI VIỆT

                                       Vũ Nho

                         Con người muốn sống  thì phải cần đến ăn uống. Cái ăn là tối cần thiết trong cuộc  sống hàng ngày. Quan tâm đến cái ăn là chuyện của nhân loại, của mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, mỗi gia đình và mỗi con người.

Việt Nam là một nước nông nghiệp lúa nước. Cái ăn chủ yếu là sản phẩm nông nghiệp lúa gạo, ngô khoai, các loại rau, các loại cá tôm, thịt gia cầm, gia súc. Người Việt  quan niệm, nói về cái ăn như thế nào?

          Dĩ thực vi tiên (Coi ăn làm đầu); Dĩ thực vi thiên (Coi ăn bằng trời). Có thực mới vực được đạo – Có ăn thì mới làm được chuyện đạo. Cái ăn của người Việt chủ yếu là cơm, cơm gạo tẻ.

-         Đói thì thèm thịt thèm xôi

          Đã no cơm tẻ thì thôi mọi đằng

-         Cơm tẻ mẹ ruột.

-         Cơm tẻ no xôi vò chẳng thiết

Mơ ước của con người là được ăn cơm no với cá:

-         Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy bát cơm đầy

Lấy khúc cá to

          (Đồng dao)

Để đánh lừa khói, nói cho khói về hướng khác trẻ em hát:

-         Khói về đằng kia ăn cơm với cá

Khói về đằng này liếm lá, gặm xương

                       (Đồng dao)

Thế nhưng mọi người sẵn sàng chịu đói, sẵn sàng ăn những thứ  quả khác để thực hiện lòng hiếu thảo, hay thực hiện  hình thức hôn nhân một vợ một chồng:

-         Đói lòng ăn hạt chà là

          Dành cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng

-         Đói lòng ăn trái cây sung

Chồng một thì lấy chồng chung thì đừng

Điều đáng trân trọng là con người không thể “đói ăn vụng, túng làm liều”. Người ta cố gắng là sao để “Đói cho sạch, rách cho thơm”.

Trong hoàn cảnh lương thực thiếu thốn thì  muốn no chỉ có cách ăn cơm tấm, muốn ấm, chỉ có cách nằm  ổ rơm:

-         No cơm tấm, ấm ổ rơm

Người ta cũng thấy rất rõ rằng cái ăn có thể làm mất thể diện, thành   xấu xa, chịu ràng buộc:

“Miếng ăn là miếng nhục”, “Miếng ăn quá khẩu thành tàn”, “Cơm ăn vào dạ là vạ vào thân”.