Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

THUỞ ẤY

           


                             THUỞ ẤY



                                                                      Vũ Công Hoan



                                   Thuở ấy làng còn cầu đá

                                  Cong cong soi bóng dòng sông

                                  Con đường đi lên chợ Nội

                                  Quanh co xuyên chéo cánh đồng.



                                  Thuở ấy chúng mình mười bảy

                                  Gặp nhau hồi hộp thẹn thùng

                                   Xa trông giơ tay vẫy vẫy

                              Áng chừng mượn gió đưa hương,



                                  Thuở ấy chúng mình yêu nhau

                                  Thư tình gửi qua tay bạn

                                  Gốc gạo là nơi hò hẹn

                                  Giờ gặp kẻng họp xã viên.



                                   Những đêm lặng im tiếng kẻng

                                   Chúng mình chẳng kịp hẹn nhau

                                   Anh vòng ra lối vườn sau

                                   Nhìn vào qua song cửa sổ.



                                   Trong nhà bé học bi bô

                                   Dưới đèn em đang cộng sổ

                                   Anh ném hạt xoan lên vở

                                   Ngỡ ngàng em cứ lặng thinh.

                                 Tác giả Vũ Công Hoan

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

LỜI CHÀO ĐI TRƯỚC





LỜI CHÀO ĐI TRƯỚC
     Nguyễn Hoàng Sơn

Đi đến nơi nào
Lời chào đi trước
Lời chào dẫn bước
Chẳng sợ lạc nhà
Lời chào kết bạn
Con đường bớt xa
Lời chào là hoa
Nở từ lòng tốt
Là cơn gió mát
Buổi sáng đầu ngày
Như một bàn tay
Chân tình cởi mở

Ai ai cũng có
Chẳng nặng là bao
Bạn ơi đi đâu
Nhớ mang đi nhé
               11/1978

Lời bình của Vũ Nho
Chào hỏi là một nghi thức quan trọng trong cuộc sống. Các cụ xưa dạy: “Lời chào cao hơn mâm cỗ” chính là muốn đánh giá cao việc chào hỏi. Với các em nhỏ thì chào hỏi lại càng cần thiết, vì trong giao tiếp, người nhỏ tuổi bao giờ cũng chào hỏi trước để tỏ sự lễ phép và kính trọng người lớn. Nhà thơ không bàn về điều đó, mà nói lợi ích của việc có lời chào - có lời chào đi trước. Hãy xem:
          Chẳng sợ lạc nhà
          Con đường bớt xa
          Lời chào là hoa
Là cơn gió mát
Như một bàn tay
Chân tình cởi mở
                                                  Nhà thơ Nguyễn Hòng Sơn

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2018

Triệu năm non nước





ĐINH Y VĂN

TRIỆU NĂM  NON NƯỚC

Biển lùi về phía chân trời
Mấy mươi  hồ biếc không rời non xanh
Mấy mươi  hang động long lanh
Triệu năm non nước đã thành kỳ quan!


KỲ THƯ TRÀNG AN

Kỳ thư địa chất địa hình
Diệu huyền sơn thủy, lung linh sử vàng
Động còn ghi thuở hồng hoang
Ngàn năm đền phủ lửa nhang còn nồng…

Đ.Y.V



Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Nhắm rượu với “CƯỠNG XUÂN”




Nhắm rượu với “CƯỠNG XUÂN”
- thơ Đặng Xuân Xuyến
Nguyễn Thanh Lâm
*
Tôi có thói quen mỗi lần đọc thơ, khi gặp một câu hay, ý lạ thường tự thưởng cho mình một ly rượu - thắp lửa ở lòng mình, thả hồn lang thang trên ngọn nguồn, bến bờ say của câu chữ. Và hôm nay đọc tập: Cưỡng Xuân của Đặng Xuân Xuyến, không cưỡng nổi lòng mình, không thể hoãn cái sự sướng, tôi nhắm rượu với thơ.
Sao lại Cưỡng Xuân? Người ta thường nói đón xuân, khao khát mùa xuân về, có người rẽ lá vàng chặn lối xuân đi và chặn nẻo xuân về; có thể yêu xuân và thù hận mùa xuân, nhưng Cưỡng Xuân thì chưa có ai dám “liều” như nhà thơ Đặng Xuân Xuyến.
Mùa xuân như thiếu nữ huyền bí trong vẻ non tơ mà nhà thơ dám cưỡng xuân sao? Không thể! Nhưng nhan đề tập thơ là “Cưỡng Xuân” rất lạ, gợi trí tưởng tượng, hoang mang, mời gọi tìm hiểu. Ôi “Cưỡng Xuân”! Mới nghĩ đến thôi đã thấy lạ và không khỏi giật mình.
Và tôi như kẻ vụng trộm lắng nghe tiếng nói thì thầm của đôi trai gái: “Em gạ một đêm chồng vợ/ Cho mùi da thịt thơm hương”, và tiếng chàng trai” “Ừ thì, một đêm thôi nhé/ Mai đừng nữa gạ một đêm.”
Gạ thôi, rủ yêu thôi, có cưỡng gì đâu! Nhưng tình yêu đến với tình yêu, thực sự như lửa gặp lửa sẽ hòa đồng cùng cháy sáng. Không mặc cả, không gạ gẫm, chàng trai bằng lòng một đêm mà vẫn lo xa: “Kẻo trời cao mà ngẫu hứng/ Trói đời anh vào với em”.
Thì ra là vậy. Sự lo lắng của chàng trai đã vén màn bí mật của “Cưỡng Xuân”. Là sự lạ trong tình yêu mà cũng rất đời thường.

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2018





           Đặng Xuân Xuyến
.
Trăng vàng lả lướt bến sông
Đắm hồn tôi với mênh mông gió trời...
.
Tôi mơ một tiếng gọi mời
Cạn chung ly để đến hồi yến oanh
Chẳng cần e lệ ngó quanh
Chẳng cần vội vội nhanh nhanh làm gì
Cứ từ từ thả xiêm y
Cứ từ từ với thầm thì những yêu...
.
Một liều.
Ba bảy cũng liều
Ngán chi thiên hạ nói điều khó nghe...
*.
Làng Đá, đêm 24 tháng 09.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN 



Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

Nhà văn Cầm Sơn với “Bùa ngải”





Nhà văn Cầm Sơn với “Bùa ngải”

Đọc “Bùa ngải”, tập truyện ngắn, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018
                            Vũ Nho
Xuất hiện ban đầu với tư cách là người làm thơ, sau khi có ba tập “Tình núi”, “Tình rừng”, “Miền xanh”, Cầm Sơn trình làng tập truyện ngắn “Đỗ quyên đỏ”, rồi tiểu thuyết “ Xuyên qua cánh rừng”. Và bây giờ là  tập  truyện  ngắn “Bùa ngải”. Điểm qua như thế để thấy rằng nhà văn này gắn bó với rừng, với miền núi thể hiện đậm nét ở ngay những cái tên tác phẩm. Họ Cầm cũng là một họ  lớn của người Thái vùng Tây Bắc mà nhà văn gắn bó, lấy làm bút danh.
          Tập truyện ngắn gồm 17 truyện này tác giả cũng chủ yếu chỉ viết xoay quanh những con người miền rừng, phong cảnh núi rừng. Đó là các truyện Thác Ấu Hùng, Giàng Sín Lủ, Bùa ngải, Bạn học, Bố ơi, Mùa hoa Tam giác mạch. Một mảng đề tài quan trọng khác gồm các truyện Bạn tôi, Phía không rìu, Đào ngũ, Đường rừng muôn nẻo, Ác điểu là chuyện của cơ quan. Tác giả từng là một Giám đốc Lâm trường nên không lạ mối quan hệ giữa lãnh đạo với kế toán trưởng, với những người trong cuộc. Ngay cả một chuyện có nhan đề rất “hình sự” là “Chuyên án CH-14” thì tác giả cũng kể về chuyện một giám đốc làm ăn giỏi nhưng đã từng là phạm nhân, là đối tượng  điều tra, truy nã của công an.
          Viết về mảng đời sống người dân tộc thiểu số mà bản thân là người miền xuôi luôn là một thách thức lớn. Tác giả Cầm Sơn gắn bó với nghề rừng, với vùng cao nhiều năm,  hơn thế,  anh còn xây dựng gia đình với một cô gái Mường nữa, nhưng chừng đó chưa đủ.  Để có thể thuyết phục được bạn đọc, tác giả đã phải đọc, phải tìm hiểu kĩ những tập tục của các dân tộc ít người. Từ chuyện “ngủ thăm” đến chuyện “coóng trình” ( tình tự), từ chuyện làm lễ “cấp sắc” tới chuyện hát đối đáp “ Páo dung” trong  dịp lễ cấp sắc hay tết nhất, hội hè. Rồi các lễ “ Shing hung” ( Dâng hương), “Pủng miên” ( Treo tranh) khi làm lễ cấp sắc của người Dao,…Rồi chuyện làm bùa ngải của thầy mo Hoàng Văn Nhéo,… Những phong tục tập quán của người miền núi được tác giả miêu tả trong các truyện ngắn gây tò mò, hứng thú cho bạn đọc. Và thật bất ngờ, cái chuyện “Bùa ngải” tưởng chẳng mấy liên quan đến thời cuộc hiện nay, tác giả cũng có thể gắn vào với chuyện  người công nhân trồng rừng và chuyện thời sự biển đảo khi để cho thầy mo Nhéo quyết “ké nèm” ( giải bùa ngải). Trong các truyện ngắn viết về đề tài phong tục miền núi, tác giả cũng đã vận dụng thủ pháp huyền ảo pha lẫn huyền thoại làm cho câu chuyện nhuốm màu “liêu trai”… Ví như giấc mơ của Ấu Liên khi xem lễ cấp sắc ở nhà Bàn Minh Hùng, ( Thác Ấu Hùng) việc tìm  cô Thào Nhếnh lại thấy quan tài Giàng Sín Lủ ( Giàng Sín Lủ), chuyện thầy mo Nhéo lên mường Trời ( Bùa ngải).

Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

TRỞ LẠI TÊN LÀNG





TRỞ LẠI TÊN LÀNG



                     Vũ Công Hoan



Lại về tên cũ Bồ Xuyên

Một vùng màu mỡ gối lên sông Trà

Đình Bồ nay hoá nền nhà

Ổi Bo cũng bớt đậm đà hơn xưa

Bên này một mố chơ vơ

Cây cầu cũ chẳng bao giờ bắc sang

Bên kia vướng một bảo tàng

Đường Lê Lợi hết thông sang bên này

Dẫu rằng trời đất đổi thay

Cũng  không quên nổi hình hài ngày xưa

Ngấm vào từ thuở còn thơ

Đình Bồ với chiếc cầu Bo quê mình

Người đâu đến nỗi vô tình

Lại về với họ tên mình ngày xưa

Ngày xưa ngày xưa ngày xưa

Ngày xưa thế đấy bây giờ thế đây.



                                   Năm 2004

                                                                       Nhà văn Vũ Công Hoan