Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

VỀ LỜI BÌNH CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN VỚI BÀI THƠ QUÊ TRONG PHỐ




VỀ LỜI BÌNH CỦA ĐẶNG XUÂN XUYẾN
VỚI BÀI THƠ QUÊ TRONG PHỐ
*
Thân gửi Đặng Xuân Xuyến. 
1.
 Mình đã đọc bài bình của Xuyến về bài thơ “Quê Trong Phố” và thấy bài bình này đã đăng tải không chỉ trên trang nhà Đặng Xuân Xuyến hay trang bạn Văn nghệ Quảng Tr mà còn thấy trên nhiều trang mạng khác. Một bài bình rất gọn nhưng đầy đủ những điều cần nói về bài thơ “Quê Trong Phố” (xem: l tại đây l) của Nguyễn Xuân Môn.
Nhà thơ kiêm luật sư Nguyễn Xuân Môn là một người làm thơ khá đều tay và đã đăng tải bài viết trên nhiều trang mạng, thật đáng nể.
Tuy nhiên, không chỉ vì bài thơ đưa lên Face book, “chỉ sau vài ngày “xuất xưởng” đã nhận được lời tán thưởng và chia sẻ của nhiều bạn đọc trên facebook: 892 lượt thích, 166 bình luận (hầu hết là lời ngợi khen) và 8 lượt chia sẻ” mà khẳng định đó là một bài thơ hay thì e sẽ có sự nhầm lẫn. Bởi cái sự "like" trên face book được mặc định coi là những cái like vô hại. Có một faceboooker đã viết về những cái like đó như sau:
Like giao lưu, like trả nợ, like lấy lòng, like nhạt nhẽo thờ ơ không thèm đọc nội dung cốt chỉ để phủ sóng, like vì rách việc tay buồn không biết làm gì, like cân đo đong đếm nhẩm tính đối tượng thế nào với mình, like chần chừ ngạị ngần để ý trước sau, like lưỡng lự lo sợ vừa bấm vừa run, vừa like vừa ướt quần, like khôn ngoan tính toán, like nhắc nhở có nhau, hy vọng ấm chút lòng người viết,…”
Trong số like ấy:  “có những cái like dũng cảm biết sau cái like có thể là phiền phức…những người đằng sau những cái like ấy là hay nhất, người nhất, biết rung động và có trách nhiệm với xã hội nhất.”
Riêng mình, đọc bài Quê trong phố không có mấy cảm hứng, trước hết đó là bài thơ lục bát mà lục bát là điệu hồn dân tộc Việt nhưng lục bát ở Quê trong phố không có câu nào có được cái tinh tế, cái thần của thơ lục bát. Điều đó cũng đúng thôi, vì Tuyển tập thơ lục bát từ Nguyễn Du đến các tác giả vào cuối năm 1993 cũng chỉ được 145 tác giả với 166 bài lục bát hay. Xem ra những nhà tuyển tập đã đã phải trải qua một sự lựa chọn khó khăn và dũng cảm.
Đọc bài bình của Đặng Xuân Xuyến mình cũng có cảm giác Xuyến đã phải suy nghĩ khó khăn và dũng cảm để nói thật cảm nhận của mình về bài thơ của Nguyễn Xuân Môn làm cho bài viết được cân đối giữa lời khen và lời phê.
Tuy nhiên, vẫn thấy lời khen của Đặng Xuân Xuyến nhiều chỗ tựa như những cái like để giao lưu, like để hy vọng ấm chút lòng người viết.

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2018

CHỦ ĐỀ “ NỤ HÔN “ TRONG THI CA ĐỨC



CHỦ ĐỀ “ NỤ HÔN “ TRONG THI CA ĐỨC
Chuyển ngữ tiến sỹ Nguyễn Văn Hoa ( Tháp Dương- Bắc Ninh )

Bài 1
*
Những nụ hôn
  Của Friedrich von Logau

Thời gian ngắn ngủi vội vàng
Giống như cắn gió, chàng nàng hôn nhau

Küsse
 von Friedrich von Logau
Wie wenig saat macht küssen!
Es heist in Wind gebissen.

Bài 2
**
1001 nụ hôn

Bởi Anna Haneken,
Nếu em  chỉ muốn một điều gì đó,
Em chỉ muốn anh,
Em chỉ muốn ở bên anh,
Đó sẽ là điều mơ ước lớn nhất của em.

Nếu em chỉ muốn điều gì đó,
Em ước một nghìn nụ hôn của  anh,
Người yêu của em,
Kho báu của em , có lẽ không ở đó,
Thì em trao 1001 nụ hôn cho anh


                                        TS Nguyễn Văn Hoa

Thứ Tư, 28 tháng 11, 2018

NHÂN DÂN là gì?



                          
 NHÂN DÂN
                                                  Tản văn của Dư Hoa
                                                           Vũ Công Hoan dịch
Khi viết từ vựng này, tôi cứ cảm thấy mình viết sai, hay nói một cách khác viết không được giống “nhân dân”cho lắm. Tôi nhắm mắt nghỉ một lát. Sau khi mở mắt ra, tôi cảm thấy nó đã có một chút giống.Tôi lại nhắm mắt, khi tôi mở mắt ra lần nữa, cuối cùng xác định mình không viết sai.Từ vựng này là thế đấy, nó khiến tôi lúc thì xa lạ, lúc thì thân quen.
Tôi không biết trong hán ngữ ngày nay còn có từ vựng nào kỳ lạ như số phận  của “nhân dân”. Nó không ở đâu là không có, đồng thời lại bị con người nhìn mà không thấy.Trung Quốc ngày nay, hình như chỉ có các quan chức là mở mồm ngậm mồm nói “nhân dân”, còn nhân dân rất hiếm  đề cập đến từ vựng này, hay nói cách khác đang quên  nó. May nhờ  có nước bọt của các quan chức, từ vựng này mới tỏ ra mình vẫn tồn tại.
Trước kia từ vựng này đã từng hiển hách biết chừng nào. Nhà nước  chúng ta gọi: “Nước cộng hoà nhân dân Trung Hoa”. Mao chủ tịch nói :Vì “nhân dân phục vụ”. Lúc bấy giờ tờ báo quan trọng nhất gọi là “Nhân dân nhật báo”. Những cá nhân chúng ta, ngày ngày nói: Từ sau năm 1949 nhân dân đã trở thành người làm chủ.
          Trong những năm tháng thơ ấu của mình,”Nhân dân” là từ vựng  thiêng liêng giống như “Mao Chủ tịch”.Lúc tôi vừa học chữ, trước hết là học hai từ vựng này, sau đó mới học viết tên mình và tên bố mẹTuổi thơ ấu  tôi đã từng cho rằng:” Nhân dân chính là Mao Chủ tịch, Mao Chủ tịch chính là nhân dân”.
          Thời đó đang diễn ra cuộc đại cách mạng văn hoá, tôi dương dương đắc ý tuyên bố phát minh của mình khắp nơi, tôi nhìn thấy rất nhiều nét mặt nghi hoặc, hình như họ cảm thấy phát minh của tôi còn phải bàn thêm, nhưng không ai tỏ vẻ phản đối rõ ràng.Lúc bấy giờ ai cũng  hết sức cẩn thận giữ mồm giữ miệng, chỉ cần nói sai một câu,là sẽ có thể trở thành phần tử phản cách mạng, từ đó mà tan cửa nát nhà. Khi bố mẹ tôi nghe thấy phát minh của tôi, cũng tỏ vẻ như vậy, bố mẹ hết sức thận trọng nhìn tôi nói vòng vo: câu này hình như nói không sai, nhưng tốt nhất không nói.


                                                        Nhà văn Vũ Công Hoan thời trong quân ngũ

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2018

Chùm thơ Nguyễn Hoàng Sơn : Dắt, Một mình, Hổ và Mèo




Dắt



Bố con tay trong tay

Thẩn thơ trên đường cát

Bé dỗ dành đến hay:

- Bố cứ đi, con dắt!



Ô, lời con hay thật!

Đâu phải bố dắt con?

Chính con đang dắt bố

Những bước hồng lon ton…



Một mình



Cả nhà ngủ im

Một mình bé thức

Một mình bé hát

Cánh quạt quay êm…



Bố nằm lim dim

Vờ như say ngủ

Hé nhìn bé múa

Lắng lời bé ca…



Nếu mở mắt ra

Bài ca biến mất!

Biết là bố thức

Tay múa khác liền?

Cái tai cũng khác

Đón lời bố khen?



Nên bố lim dim

Ngủ im như thóc!

Bé múa bé hát

Hồn nhiên hết mình…

3/9/1986




                                                     Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Bạn tôi viết về bạn tôi



                                       
  
 NHỚ LÃO BÀN

                         

                             Bạn cũ thời sinh viên Lộc Phương Thủy





         Phải đến mấy chục năm sau khi tốt nghiệp đại học (1970) tôi mới biết thực ra Bàn Tiến Tân hơn tôi đến bốn tuổi! Bình thường cách nhau từng ấy tuổi phải gọi là anh xưng em thì mới đúng, nhưng thời cùng học ấy, bọn sinh viên chẳng để ý đến tuổi tác bao giờ! Tôi với Bàn Tiến Tân không chỉ cùng lớp B của khóa sinh viên đầu tiên trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (1966-1970), mà còn cùng tổ và cùng thuộc loại "quan chức" cấp tổ. Cả hai từ hồi sinh viên đều có vẻ hiền lành (không biết có phải đều là dân miền núi không?), cho nên trong việc học hành và "quản lý”  tổ hình như chúng tôi không cãi nhau bao giờ. Nhưng không hiểu sao từ cái hồi trẻ trung ấy mà chúng tôi xưng hô với nhau khá kỳ cục, Bàn Tiến Tân gọi tôi là "mụ" (nghe vừa già cả vừa xấu xí, may mà không ác), còn tôi gọi Bàn Tiến Tân là "lão" ( "lão Bàn" hoặc "Bàn cổ", nghe thế cũng không thể tưởng tượng ra một chàng trai "to cao, béo mượt " được!). Rồi chúng tôi cũng như bè bạn khóa sinh viên đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Việt Bắc đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn của một trường đại học ra đời trong chiến tranh ác liệt để trở thành các thầy cô cấp 3 cho các tỉnh miền núi Tây Bắc và Việt Bắc. Tốt nghiệp Đại học, tôi cùng lão Bàn và 2 bạn nữa (Vũ Nho và Bùi Phú Hảo) được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Văn Đại học Sư phạm Việt Bắc - những cán bộ giảng dạy khóa đầu tiên được đào tạo tại trường.

                                                                    Bàn Tiến Tân ( trái) và Vũ Nho ở MGU

          Những năm đầu lập nghiệp tôi và lão Bàn mỗi đứa một chuyên ngành, tôi được phân công dạy văn học nước ngoài, còn lão Bàn dạy văn học Việt Nam phần văn học dân gian, đứa nào đứa ấy ngơ ngác trước một trọng trách to tướng là cán bộ giảng dạy đại học. Đứa ít tuổi hơn là tôi mới 21, đứa lớn hơn là lão Bàn 25 tuổi, nhưng có vẻ độ “nhiệt tình cách mạng” đối với nghề chẳng ai thua ai, đều dũng cảm lao đầu vào những kiến thức mới và cuộc sống mới của những người trẻ bước vào đời đang trong cảnh “nước sôi lửa bỏng”, chiến tranh đang khốc liệt ở cả hai miền Nam Bắc. 

             Vũ Nho và Lộc Phương Thủy

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2018

HƯƠNG QUÊ với lời bình




HƯƠNG QUÊ” -
THƠ ĐẶNG XUÂN XUYẾN
*
HƯƠNG QUÊ
.
Hương cốm nhà bên duyềnh sang nhà hàng xóm
Cô bé thậm thò vắt ngang dải yếm
Níu bờ sông
Ơi ời “ra ngõ mà trông”
Vi vút gió đồng...
.
Ngẩn ngơ
giấc mơ
Níu đôi bờ bằng dải yếm
Chuốt tóc mềm làm gối chăn êm
Áo tứ thân trải lá lót nằm
Gom gió lại để chiều bớt rộng...
.
Thẩn thơ
Tiếng mơ thầm thĩ
“Người ơi...
Người ơi...”
Dan díu lời thề
Ngõ quê líu quíu.
*
Hà Nội, chiều 31.08.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
LỜI BÌNH:
Bài thơ viết về cái ngõ quê với rất nhiều bảng lảng khói sương. Thật khó để bình luận vì tất cả thi ảnh ở đây đều ẩn chứa cái phi lí tận cùng của phi lí. Cái hư ảo tận cùng của hư ảo. Câu đầu tiên hiểu thế nào là nhà bên và hiểu thế nào là nhà hàng xóm mà hương cốm đầu mùa đã duyềnh sang nhau. Sao cứ phải ợm ờ? Cái ợm ờ như các cụ vẫn bảo trăm nhát cuốc bổ vào lòng cả trăm. Một câu thơ đã cho ta cảm nhận được mùi hương cốm ở đây vừa quấn quýt, lan tỏa và quyện hòa, vừa thân thương ràng buộc hai ngôi nhà và trong hai ngôi nhà đó có một chàng trai si tình và cô gái vắt ngang dải yếm. Dải yếm là thứ để buộc chặt và che đậy sao ở đây nó lại vắt ngang và vì sao nó lại vắt ngang thì may ra ông trời và Đặng Xuân Xuyến hiểu được mà thôi. Còn chúng ta những kẻ trần tục làm sao có thể hiểu được? Phải chăng cái dải yếm ấy vắt ngang để níu dòng sông để bắc cái cầu đón nhà thơ sang chơi. Tất nhiên khi cái dải yếm được cởi ra để vắt ngang thì chắc chắn nhà thơ đã nhìn thấy một bầu ngực căng đầy khát vọng. Vui quá nhà thơ cứ ời ợi gọi cả làng ra mà trông chúng tôi đang làm cái việc mà chỉ có sức mạnh tình yêu mới có thể làm được. Thật kì diệu cái dải yếm chỉ tày gang thôi mà sao ở đây cứ dài mãi ra đến vô cùng có thể níu đôi bờ sông xích lại gần nhau cho những lứa đôi xum họp thay cho con đò nhỏ mong manh. Để không còn tiếng gọi đó thảm khắc trong đêm.


Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2018

Gặp gỡ các bạn Văn khóa 2 ĐHSP Việt Bắc

Nhận được điện thoại của bạn Nguyệt Thanh, đại diện cho các cựu sinh viên khóa 2, ĐHSP Việt Bắc mời, tôi thật sự xúc động. Cuộc gặp ở nhà hàng Bánh tôm hồ Tây. Các cựu sinh viên khóa 2 có người về từ Bắc Cạn, Thái Nguyên; có người về từ Hòa Bình, Phú Thọ. Lại có anh Trung Tuyến, về từ Nghĩa Lộ, Yên Bái. Tôi đến  địa điểm khi mọi người cũng vừa xuống xe. Khóa 2, tôi biết một số anh chị như Lục Văn Vận, Cù Liên Minh, Nguyệt Thanh, Đoàn Thị Kí, Nông Anh Nga, Ma Thị Tiến, Nguyễn Anh Từ, Nguyễn Huy Quát, Tạ Hùng Tiến, anh Mạc ( không nhớ họ),..
Cuộc gặp gỡ thật vui vẻ và chan hòa tình cảm " Việt Bắc boong hây" ( Việt Bắc chúng ta). Các bạn thông báo kế hoạch đi Yên Bái, trong đó có chương trình thăm các thầy giáo cũ của khoa Văn, thăm các bạn Yên Bái và hồ Thác Bà. Sau khi chụp ảnh, mọi người nâng cốc chúc sức khỏe. Một số anh không uống được bia, một số chị chỉ dùng nước ngọt. Nhưng không sao. Chạm cốc là vui. Mừng cho nhau là vui! Tôi đếm được 21 người. Có 3 người đến muộn không chụp ảnh phóng to và ép dẻo. Nhưng không sao. Sau khi kết thúc cỗ bàn, cả nhóm lại chụp ảnh vào máy ảnh, vào iphone, ipad.
Tôi mới đi Yên Bái về, nên chúc các bạn  khóa 2 lên Yên Bái vui vẻ!
Mấy tấm hình kỉ niệm với các bạn khóa 2.

                                             Sáu người cho có LỘC!

                                            Đông vui

                                              Thêm người

Ngôi nhà ấy



                 

 NGÔI NHÀ ẤY
                           Quang Khải

Ngôi nhà ấy khuất vào nẻo gió
đầu này cha khục khặc ho
giường bên mẹ già rên rẩm
từng đêm hôm khuya khoắt
trái gió trở trời
chỉ gió thở dài mái rạ
chíp chíu đầu hồi côi cút
con ở xa, chưa về chăm chút
Đất nước thêm dằng dặc
vòng vo bao nẻo đường...

Góc vườn nhà quả chát rồi chín nẫu
Cây cao vói mà lưng mẹ còng
Cây cao vói mà tay cha mỏi
Trái rụng thầm lòng già héo hon

Gió trở muà thảng thốt lòng con
Vơ vẩn nghĩ...ngón tay lần sợi bạc
Thời trẻ đi qua vui buồn đã khác
Duy miền quê xa ngái chẳng nguôi
Nơi đó ngôi nhà bình lặng nhỏ nhoi
Người nuôi tôi sắp trọn đời lam lũ

...Cứ nghĩ thế, thốt giật mình giấc ngủ
Cha lại ho sặc sụa khói thuốc lào
Vị nồng cay ấm nơi mẹ miếng trầu
Se sẻ ơi, góc đầu hồi thiếp giấc
Se sẻ ơi, chút an ủi đời tôi.
                         
                      Trình Phố,1988.

Ngôi nhà ấy-Trong Thơ chọn của Quang Khải-Nxb Hội nhà văn 2004.

   NGÔI NHÀ ẤY-HOÀI NIỆM VUI BUỒN
                                               Trần Trung
Tôi thích và quí cái chất riêng, tạo nên giọng điệu thơ Quang Khải, chính là Cái tình, Cái nghĩa với quê hương xứ sở, nơi in dấu ai hoài về những người thân yêu ruột thịt, quá đỗi gần gũi với nhà thơ.
  Đặt tên cho thi phẩm- “Ngôi nhà ấy”, nhà thơ đã chiu chắt và gửi thầm vào đó một không gian riêng của lòng mình, lại chất chứa bao kỉ niệm của một thời xa ngái, mà ám ảnh. Bởi, “Ngôi nhà ấy” đầy ắp những dấu ấn hoài cảm về mẹ cha xưa; Dấu ấn lo buồn, từ không gian “khuất vào nẻo gió” của ngôi nhà; Rồi, từ chính nơi ấy, chợt vọng lên trong tâm tưởng những thanh âm-những tiếng buồn từ cha, từ mẹ...một thuở nào:
                  “đầu này cha khục khặc ho
                    giường bên mẹ già rên rẩm”

                                        Tác giả Trần Trung

Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

VŨ NHO NÓI TRÊN VOV tivi ...





VŨ NHO NÓI TRÊN VOV tivi  NGÀY 17 THÁNG 5 NĂM 2015
Phát hình trên VOV tivi  trong chương trình NGƯỜI YÊU NGHỆ THUẬT lúc 20h ngày 19/5/2015.

Đây là kịch bản, vì thời lượng, nhà Đài cắt bớt cho tròn 45 phút, một số điều khác với chuẩn bị và thu hình.

MC: -  Xin được hỏi PGS.TS Vũ Nho, theo nhận định của ông thì thơ ca hôm nay có còn viết về tình yêu đất nước, ca ngợi Bác Hồ, khi mà đã có những ý kiến cho rằng trong thời bình rất khó để thể hiện lòng yêu nước qua thơ, cũng như không dễ để viết về Bác Hồ vì đã có cả một thế hệ đi trước viết rồi?

Theo ý riêng tôi thì không có cái gọi là DỄ hoặc KHÓ đối với mọi đề tài của thơ ca. Lúc nào cũng có chuyện DỄ làm và bao giờ cũng có chuyện KHÓ hay. Với đề tài thơ ca ngợi đất nước và bác Hồ cũng không là ngoại lệ. Nếu nói chiến tranh, lòng yêu nước dễ thể hiện trong thơ thì về một phương diện là đúng. Vì khi đó cả đất nước, cả dân tộc đều tập trung cho việc đánh giặc, cứu nước, THƠ được mọi người hưởng ứng. Người viết có được thuận lợi ở sự quan tâm, ủng hộ của công chúng. Nhưng đó không phải là tất cả. Tôi lấy ví dụ về nhà thơ lớn của dân tộc là Nguyễn Trãi. Ông trực tiếp cùng tham gia chống giặc Minh. Nhưng những bài thơ làm trong thời chiến, làm trong quân doanh không nhiều bằng các bài thơ khác ca ngợi đất nước, quê hương khi hòa bình xây dựng. Kể từ khi có văn học viết, chúng ta đã không ngừng viết về tình yêu nước. Con cháu chúng ta cũng sẽ tiếp tục viết về đề tài vô tận này.
Với đề tài ca ngợi Bác Hồ cũng thế. Sau khi Bác làm Chủ tịch nước và lãnh đạo nhân dân kháng chiến, có bao nhiêu bài thơ viết về Bác. Tuy vậy  mỗi nhà thơ lại có một tìm tòi và thể hiện riêng, Tố Hữu có các bài Hồ Chí Minh, Sáng tháng Năm, Cánh chim không mỏi. Khi Bác mất có Bác ơi, rồi sau có trường ca Theo chân Bác. Chế Lan Viên có hai bài nổi tiếng Người đi tìm hình của nước Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi. Xuân Diệu có câu thơ  hay được nhắc :
          Trên đầu Bác tóc sương ghi
          Chắc đôi sợi cũng bạc vì chúng con
Nhà thơ Bảo Định Giang viết :
          Tháp Mười đẹp nhứt bông sen
          Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ

            Vũ Nho chủ trang

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

Trò chuyện về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng





Trò chuyện về bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng



PV - Thưa ông, xin được bắt đầu khám phá tác phẩm bằng nhan đề thơ. Tôi được biết là ban đầu tên của tác phẩm là “Nhớ Tây Tiến”, sau đó tác giả đã bỏ chữ “nhớ” và tên bài thơ chỉ còn lại là “Tây Tiến”. Ông có thể chia sẻ một chút về sự thay đổi này?



Vũ Nho ( V.N.) -Việc đặt tên cho tác phẩm nhiều khi cũng như đặt tên  cho con. Có cái tên đặt rồi, sau người đặt không ưng lại đặt lại. Đặt tên  lại cho con thì phải có đơn từ, trình báo với công an hộ khẩu. Đặt tên lại cho tác phẩm thì chỉ cần tác giả tự sửa rồi đưa vào tập thơ. Với trường hợp của Quang Dũng, theo tôi biết thì không phải là duy nhất. Hàn Mặc Tử đặt tên đầu tiên cho bài thơ Đây thôn Vĩ GiạỞ đây thôn Vĩ Giạ; Nguyễn Đình Thi viết bài thơ Đất nước lúc đầu  đặt tên là bài Sáng mát trong như sáng năm xưa, sau đó viết thêm bài Đêm mít tinh và gộp hai bài thơ lại và viết thêm  rồi đổi tên thành bài Đất nước. Quang Dũng viết Nhớ Tây Tiến rồi bỏ chữ “Nhớ” đi chỉ còn lại Tây Tiến. Đành rằng cả bài thơ là một nỗi nhớ lớn về Tây Tiến. Nhưng theo tôi, bỏ chữ “Nhớ” đi , nhan đề gọn hơn. Mặt khác, không chỉ có nỗi nhớ, mà ở đấy còn có sự ngợi ca, sự tôn vinh những chiến sĩ Tây Tiến. Có thêm “Nhớ” hóa ra lại thu hẹp mạch cảm xúc của bài thơ.



PV- Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!/ Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi. Nhớ về đồng đội là nổi nhớ khá thường trực ở nhiều người chiến sĩ và nhiều nhà thơ đã viết về nó. Như “Nhớ” của Hồng Nguyên, “Đồng chí” của Chính Hữu. Nhưng, tôi hiếm thấy ai gọi tên đoàn quân của mình tha thiết đến thế, gọi tên được nỗi nhớ của mình thành hình như Quang Dũng: “Nhớ chơi vơi”. Tôi nghĩ điều này hẳn phải xuất phát từ một tình cảm hết sức mãnh liệt của nhà thơ?



V.N. - Chắc chắn là như vậy. Nhưng  chúng ta cũng cần biết thêm rằng Đơn vị Tây Tiến mà Quang Dũng gắn bó không phải trong thời gian dài. Khoảng hơn một năm từ 1947 đến 1948. Thời gian  tuy ngắn, nhưng có lẽ cuộc chiến đấu gian khổ và hi sinh anh dũng của đồng đội đã gây ấn tượng mạnh cho người đại đội trưởng kiêm phó đoàn võ trang tuyên truyền Lào Việt. Chính vì thế mà khi xa, nỗi nhớ trào lên. Nỗi nhớ đơn vị đã thôi thúc Quang Dũng và người đại đội trưởng ấy đã viết “rất nhanh” bài thơ trong khi tham dự Đại hội toàn quân ở Phù Lưu Chanh và đọc trước Đại hội, được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt. Nhớ chơi vơi là một đóng góp mới của Quang Dũng bên cạnh những nhớ bổi hổi bồi hồi, nhớ ngẩn ngơ của ca dao ( Nhớ ai bổi hổi bồi hồi/ Như đứng đống lửa như ngồi đống than. Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ/ Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai); nhớ “day dưa”  của thơ hiện đại ( Hoa cúc vàng như nỗi nhớ day dưa- Tế Hanh).


PV- Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi/ Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/ Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống/ Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi. Tôi thấy hiếm có đoạn thơ nào mà nối kết nhau bằng nhiều hình ảnh, điệp trùng hình ảnh và nhạc điệu như đoạn thơ trên.
 Ông có cùng ý kiến với tôi không và ông có thể chia sẻ vẻ đẹp núi rừng Tây Bắc được tái hiện qua nỗi nhớ của người chiến sĩ Tây Tiến?


                Nhà thơ Quang Dũng

KÍ ỨC LỜI RU





KÝ ỨC LỜI RU

                  Tản văn của Tâm Dung
            

             Ngày còn bé, tôi cứ quẩn quanh với một suy nghĩ rất buồn cười.Tôi rất hay tự hỏi:
- Có phải là các bà mẹ sinh ra em bé chỉ mục đích là được ru nó ngủ không nhỉ?
Vì thấy rằng bà tôi, bác tôi, mẹ tôi, chị tôi và cả cô Bình, thím Thư hàng xóm đều thích bế em nằm võng mà hát ru. Đó là lúc họ thư thái nhất, sau giờ lao động, sau khi cơm nước, giặt dũ xong xuôi. Nghe lời hát khoan nhặt, dịu dàng, tha thiết, hình như không phải chỉ hát cho em bé nghe, dỗ em nín và dìu em vào giấc ngủ mà còn là tâm sự, nỗi niềm, khát vọng gửi gắm từ lòng mẹ vào đó. Hình ảnh những con người, những con vật bình dị gần gũi, những cỏ cây hoa trái xứ sở...mà suốt cả cuộc đời họ gắn bó máu thịt thân thương đã tự nhiên gom lại để làm thành lời ca.
            Hát ru em ở đâu cũng có, mỗi vùng miền có một cách thể hiện nội dung và hình thức khác nhau. Không phải ai cũng hát giống ai. Có khi cùng một không gian, một bài hát, nhưng sự thể hiện phụ thuộc vào gia phong, vốn sống cũng như trình độ và khả năng thiên bẩm...của từng người.
Nhưng cái chung nhất của hát ru vẫn là trải lòng mình bằng câu hát yêu thương để đưa đứa trẻ vào giấc ngủ...


                                                        Tác giả Tâm Dung

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2018

Vụ Giáo dục Trung học kỉ niệm 20-11

Thành truyền thống, mỗi năm Vụ Giáo dục Trung học mời các lãnh đạo, chuyên viên từng công tác ở cơ quan  và lãnh đạo, chuyên viên đương nhiệm về kỉ niệm 20 tháng 11. Năm nay, địa điểm tổ chức là nhà hàng Hải Cảng ở 13 Hai Bà Trưng. Thấy thiếu vắng  hai bác cựu vụ trưởng Đinh Gia Phong, Nguyễn Văn Trang. Hai cựu vụ phó là Lã Quý Đôn và Nguyễn Sỹ Đức cũng không dự. Chuyên viên thấy vắng anh Đặng Nhữ. Có thêm anh Nguyễn Văn Sâm từ Hà Tĩnh ra. Một số bác sức khỏe yếu nên không tới dự.
Năm nay Chủ tịch công đoàn Lê Trần Tuấn đã  thôi đảm nhiệm chức vụ.
Mỗi cụ được tặng lịch và phong bì đủ tiền đi taxi.
Sau khi gặp gỡ, ăn cỗ, VN tháp tùng chị Từ Như Châu hơn 80 tuổi và chị Lê Kim San 77 tuổi đi chụp ảnh ở hồ Hoàn Kiếm.
VN ghi lại một số hình ảnh.

                                    Vụ trưởng Vũ Đình Chuẩn ( thứ hai từ phải qua) chúc sức khỏe các cụ.

                                           Các cụ gặp nhau ở sảnh tầng 1

                                        Hai cựu chuyên viên môn Địa Trần Trọng Hà và Phạm Thị Sen

                                          Bốn người đẹp ngày xưa (nay vẫn đẹp) của Vụ.