Thứ Tư, 30 tháng 9, 2020

KỈ NIỆM 100 năm sinh nhà thơ Tố Hữu (1920 -2020)

 


 KỈ NIỆM 100 năm sinh nhà thơ Tố Hữu (1920 -2020)

 


Một vài kỉ niệm về thơ TỐ HỮU

 

                              Vũ Nho

                  

Tố Hữu làm thơ và làm cách mạng trong một thời gian dài, khi đất nước Việt Nam có những biến động lớn về lịch sử. Thơ của ông từ thời máu lửa, xiềng xích và giải phóng, tiếp theo đến kháng chiến chống Pháp, rồi kháng chiến chống Mĩ, rồi  đến khi đất nước thống nhất, rồi Liên xô sụp đổ và nước ta đổi mới thành công.

Một thời gian dài như vậy với nhiều điều biến động xã hội, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tâm tư, tình cảm của chính nhà thơ và những người đọc thơ ông. Có một thời thơ Tố Hữu được học rất nhiều trong nhà trường, đặc biệt là trường Trung học phổ thông. Có một thời đề thi môn Văn thường là thơ Bác và thơ Tố Hữu. Có một thời thơ Tố Hữu được đánh giá rất cao, nhà thơ được coi như lá cờ đầu của thơ ca cách mạng.

Bây giờ, đánh giá về Tố Hữu không còn như trước. Nhưng có một điều tôi tin, thơ Tố Hữu vẫn là thơ được phổ biến rộng rãi nhất, được người đọc dành cho nhiều mến mộ, cảm tình.

Nhân  kỉ niệm 100 năm sinh nhà thơ Tố Hữu ( 1920 – 2020), tôi xin kể vài kỉ niệm của cá nhân với thơ  của ông.

 Tôi tiếp xúc với thơ Tố Hữu đầu tiên vào quãng 1956, 1957. Sách in đối với một làng quê vùng chiêm trũng như quê tôi hầu như rất hiếm. Không biết từ đâu mà ông anh họ tôi có cuốn thơ Việt Bắc. Tôi  khi ấy tám, chín tuổi, mới biết đọc nên rất khoái đọc chữ in. Cuốn Việt Bắc rơi vào tay tôi và tôi đã đọc thuộc lòng nhiều bài, nhất là những bài lục bát. Tất nhiên tôi đâu biết đấy là thơ hay hoặc không hay. Nhưng tôi rất nhớ tên tác giả là Tố Hữu.

Hồi tôi học lớp 9 của trường cấp ba Nho Quan đặt ở chiến khu Quỳnh Lưu, khi đi học về tôi đi qua địa phận xã Gia Phong. Thời đó, xã Gia Phong là lá cờ đầu về văn hóa quần chúng toàn miền Bắc. Tôi đi qua trụ sở của Hợp tác xã. Đang đại hội xã viên, lại đúng vào lúc biểu diễn văn nghệ, nên tôi tò mò len vào xem. Một cây văn nghệ của xã đang trình diễn tiết mục ngâm thơ bài Bà má Hậu Giang của Tố Hữu. Anh ta vừa đọc, vừa làm điệu bộ diễn tả hành động  của thằng cướp mắt xanh mũi lõ  đối mặt với bà má Hậu Giang. Anh diễn tả xúc động đến nỗi cả hội trường rưng rưng về cái chết kiên cường của bà má. Nhiều phụ nữ lấy vạt khăn chấm nước mắt… Quả thật thơ Tố Hữu có những câu vô cùng xúc động, nhất là đối với những người nông dân, những người  nghèo. Cũng trong một tiết mục khác của buổi biểu diễn văn nghệ mà tôi xem ké hôm ấy, tôi thấy nhiều người lau nước mắt khi nghe ngâm đoạn thơ :

Con đói lả ôm lưng mẹ khóc

Mẹ đợ con đấu thóc cầm hơi

Kiếp người cơm vãi cơm rơi

Biết đâu nẻo đất phương trời mà đi!

Đó là những câu thơ mà nhiều người coi là diễn ca trong bài Ba mươi năm đời ta có Đảng  của Tố Hữu.

Thứ Ba, 29 tháng 9, 2020

MƯU SINH…MƯU TỬ?

 


Đinh Y Văn

 

MƯU SINH…MƯU TỬ?

 

Chất thải

ngập tràn mặt đất

Khí độc

ngột ngạt không gian

Tiếng ồn

ngày đêm chát chúa…

 

Làng lao vào cuộc mưu sinh!

 

Người người

quên cả thân mình

quên cả tương lai con cháu

mặc đồng thua lúa

mặc vườn úa cau…

chỉ cần kiếm được tiền mau!

 

Mưu sinh … mưu tử?

Đớn đau!

 

Đ.Y.V

 

Thứ Hai, 28 tháng 9, 2020

AI CŨNG KHÔNG NGỜ

 


                                                 AI CŨNG KHÔNG NGỜ

                                            

                                                               Truyện ngắn của Kiều Thiên

                                                    

                                                                       Vũ Công Hoan dịch

 

          Ai cũng không ngờ, khi Lý Mỹ Lệ mời rượu đến lãnh đạo, thì lãnh đạo lại thò tay vỗ vào mông cô một cái. Trong giây lát bàn tay lãnh đạo vỗ vào mông Lý Mỹ Lệ, những người ngồi vây quanh bàn tiệc ai cũng ngẩn người, không khí bỗng  nhiên lắng hẳn xuống.

          Tiếp theo càng không ai ngờ đến, sau khi lãnh đạo vỗ vào mông Lý Mỹ Lệ, Lý Mỹ Lệ lại hất luôn ly rượu trong tay vào mặt lãnh đạo kêu đánh tét một tiếng, tuyệt đối hất lên mặt, chứ không phải vào mồm. Bởi vì những người ngồi chung quanh bàn tiệc nhìn thấy khi Lý Mỹ Lệ hất rượu, ngoài nghe thấy tiếng khẽ kêu trước tiên, liền trông thấy trên mặt lãnh đạo rượu chảy ròng ròng như nước mắt. Lúc này không chỉ những người ngồi vây quanh bàn tiệc sững sờ, mà ngay đến lãnh đạo cũng sửng sốt. Đi đôi với việc mọi người ngoài Lý Mỹ Lệ đều ngạc nhiên, Lý M ỹ Lệ đã giận dữ đỏ bừng mặt, giận dữ rơi nước mắt, giận dữ chạy ra ngoài. Sầm một tiếng, Lý Mỹ Lệ giận dữ đóng mạnh cửa, khiến những người ngồi bên bàn tiệc ai cũng giật nẩy người. Sau caí giật nẩy người, ánh mắt của mọi thành viên hoặc thẳng, hoặc xiên, hoặc thực, hoặc hư đều nhìn vào lãnh đạo. Lãnh đạo cũng bị  tiếng đóng cửa giận dữ của Lý Mỹ Lệ làm giật mình, bỗng chốc sắc mặt tái xanh, bực tức đứng lên  mở cửa đi ra.

          Ai cũng biết, Lý Mỹ Lệ giận dữ bỏ đi sẽ không quay trở lại, lãnh đạo bực tức ra đi cũng không quay trở về. Bữa tiệc ngon lành vừa ăn được một nửa đã buộc phải bỏ dở. Không ai nói với ai, tất cả đều lặng lẽ đứng lên nhanh chóng bỏ cuộc.

          Ai cũng tưởng hôm sau Lý Mỹ Lệ sẽ xin nghỉ với lý do người mệt, nhưng Lý Mỹ Lệ vẫn đi làm. Lý Mỹ Lệ vừa đến, đã bị phòng nhân sự thông báo cho nghỉ việc, lập tức kế toán trả lương đi luôn. Lý Mỹ Lệ sững người, anh chị em đồng sự cũng ngạc nhiên. Lãnh đạo vốn được gọi là bàn tay sắt, nhưng cũng không ai ngờ, bàn tay sắt  không chỉ chặt đinh chặt sắt, mà còn nhanh như gió. Nét mặt Lý Mỹ Lệ vốn xinh đẹp trắng trẻo lập tức như nhuốm máu, cặp mắt lá răm trợn tròn giận dữ, cô xông vào văn phòng của lãnh đạo.

          Giận dữ nhìn lãnh đạo, Lý Mỹ Lệ đốp chát luôn:

          - Tôi sẽ kiện ông!

          Lãnh đạo cười ruồi nói:

           - Được thôi, ai sẽ làm chứng cho cô? 

 

                                                                  Nhà văn Vũ Công Hoan

 

Chủ Nhật, 27 tháng 9, 2020

CHÙM THƠ ĐOÀN THỊNH

 


CHÙM THƠ ĐOÀN THỊNH

Mt ngày vui

 

Nếu không phải là mồng tám tháng ba

Anh vẫn nồng nàn với em như thế

Mỗi khắc mỗi thương đầy như sông bể

Bấm đốt lòng không sót một ngày yêu . 

 

Những bức thiệp mừng da diết bao nhiêu

Chút thời gian chỉ còn là lưu niệm

Hoa thắm mấy cũng sẽ ngày tàn đến

Chỉ anh yêu em mãi chẳng nhạt phai.

 

Hôm nay  - Một ngày và nếu nay mai

Có thể lỡ đi nữa kỳ dâng tặng

Anh đền , trao cả trời hoa mắt nắng

Rung rinh nhìn đắm đuối một ngày  - EM .

 

Chuỗi hạt lòng ta xâu mãi dài thêm

Bấy nhiêu dạt dào vô cùng vô kể

Em dịu cười vẫn bao dung đến thế …

Ngập tràn yêu tiếp mãi những ngày vui .

 

                                 23h     6-3-015

 

2. SIM TÍM

                                       

Vào rừng sim chơi

Bốn bề quạnh vắng

Trái ngọt đưa môi

Trời ghen : Giữa nắng

 Nổi giông , trút đợt mưa rào .

Chẳng còn khô chỗ nào.

Rồi ngồi hong gió …

 

Áo em phơi ngọn sim thành quầng mây nhỏ

Đủ che cả hai

Em ngượng ngùng cứ ngoảnh mặt đi

Cho lưng áp lưng rát lửa xuân thì .

 

Chỉ thế thôi

Mà nhớ nhau tím trời sim tím

Hạt mưa xưa mãi thanh khiết trong lòng .                             

 

Giờ em nơi nào

Anh vẫn như gom gió về để tóc em hong .

 

Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2020

KHÔNG THỂ NÓI NGƯỢC!

  


KHÔNG THỂ NÓI NGƯỢC!

Dân cư mạng xôn xao vì phát biểu của ông Lê Nghị.

Xin công bố một bức thư tôi trao đổi với một nhà biên khảo định cư ở Hoa Kì để thấy rằng không thể nói ngược!

vunhonb.blogspot.com

 

Hà Nội 30 tháng 3 năm 2020

Kính bác L. Q. N.

Bác viết cho tôi:

“Chắc anh còn nhớ , hai năm trước đây , tôi có nói với anh rằng,  chúng tôi sẽ mang vấn đề rằng “Có hay không có tác phẩm Kim Vân Kiều truyện do Thanh Tâm Tài Nhân viết từ đời Minh”.

Tôi vẫn nhớ. Và tuy rất tôn trọng việc làm của bác và những người bạn, song tôi thấy việc ấy quá khó, nếu không nói là VÔ VỌNG.

Trên tinh thần cầu thị, xin chuyển tới bác tài liệu đáng tin cậy của học giả Đài Loan Trần Ích Nguyên.

Ông Nguyên là người nghiên cứu tiểu thuyết Minh Thanh và rất quan tâm đến Truyện Kiều của Nguyễn Du.

Trong cuốn sách tôi nhắc với bác, ông ấy miêu tả như sau:

-         Năm thứ 19 niên hiệu Càn Long đời Thanh (1754) KVKT đã được đưa sang Nhật Bản. Mười năm sau (1763) Tây Điển Duy Tắc dịch thành Nhật văn và xuất bản, lấy tên là Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện gồm năm quyển. ( trang 26).

Lưu ý với bác là Nguyễn Du của ta ( 1765 – 1820). Như vậy KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân  đưa sang Nhật 11 năm trước khi Nguyễn Du ra đời. Vì vậy KVKT của Thanh Tâm Tài Nhân KHÔNG thể sao chép TK của Nguyễn Du.

-         Trang 101 sách của ông Trần Ích Nguyên cũng nhắc một giả định không phải năm 1813 là năm Nguyễn Du đi sứ, mang KVKT về , mà Nguyễn Du có KVKT để viết TK vào  khoảng năm 1805-1807 khi Nguyễn Du làm Đông các đại học sĩ.  Trần Ích Nguyên kết luận “ Thời gian này cách năm ra đời của KVKT ở Trung Quốc  thực ra đã hơn 150 năm”.

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

HOA ANH NÓI _ HOA ANH ƠI

 


“Tôi dùng ngôn ngữ riêng
Thứ ngôn ngữ cũng chẳng cần da thịt
Trò chuyện với cánh đồng
Cánh đồng thơm con gái“…
-
Tập thơ “NHỮNG MÙA HOA ANH NÓI“ (Thơ Trương Anh Tú - NXB Hội nhà văn - tháng 10-2018) kể từ khi ra mắt đã nhận được hơn một chục bài bình luận với những đánh giá tích cực của các cây bút phê bình văn học, của các nhà thơ, nhà văn, nhà báo: Đỗ Quyên, Bích Hạnh, Trần Việt Hà, Nguyễn Việt Chiến, Lê Minh Quốc, Lê Quốc Hán, Trúc Linh Lan, Phúc Nguyễn, Vũ Nho… Các bài phê bình này đã được giới thiệu trên tạp chí Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam), trên tạp chí Sông Hương, trên tạp chí Văn nghệ Quân đội; trên các báo Thanh Niên, Lao Động, Người Lao Động…; trên trang Web của NXB Hội nhà văn, trên báo điện tử của Hội nhà văn, trên trang Văn Chương Phương Nam - Diễn đàn văn học của Hội nhà văn TPHCM… và trên nhiều trang mạng văn học khác.


Mới nhất tôi vừa tiếp tục nhận được bài viết mang tiêu đề “Những mùa hoa anh nói” của nhà thơ - nhà báo Dương Kỳ Anh (nguyên TBT báo Tiền Phong) và bài viết “Những mùa hoa anh nói: Hãy nở cùng tôi” của cây bút nghiên cứu - PBVH Hoàng Thụy Anh viết về tập thơ.


Một tin vui tôi cũng mới được biết gần đây là tập thơ “Những mùa hoa anh nói” đang được một giáo sư - dịch giả uy tín chuyển ngữ ra tiếng nước ngoài và sẽ được một nhà xuất bản nước ngoài in ấn, phát hành, vì (theo trao đổi của dịch giả) tập thơ “Những mùa hoa anh nói” mang "những câu chuyện lớn, có ngôn ngữ thơ hiện đại và những triết lý nhân sinh... cần được phổ biến và lan tỏa”.

Hy vọng rằng, từ khoảng 100 bài thơ của tôi đã được đăng (chủ yếu) trên các báo, tạp chí ở TƯ như: Văn Nghệ, Văn Nghệ Trẻ, Người Hà Nội, Thanh Niên, Lao Động, Giáo Dục & Thời Đại, Thiếu Niên Tiền Phong; trên các Tạp chí: Văn Nghệ Quân đội, Nhà văn và Tác phẩm, Văn Việt, Phụ Nữ Mới, Sông Hương… và trên một vài tờ báo địa phương như: Văn Nghệ Thái Nguyên, Đà Nẵng cuối tuần, Nhật Lệ, Cần Thơ... cùng với những bài thơ mới tôi đang viết, tập thơ dịch của tôi sẽ có thể gửi đến bạn đọc trong các ngôn ngữ khác một “tiếng thơ” Việt Nam với một thông điệp mạnh mẽ về những giá trị của cuộc sống, về tình yêu thương, lòng vị tha, về tự do và hòa bình.
-

Mời các bạn đọc bài viết “HOA ANH NÓI - HOA ANH ƠI” của tôi dưới đây, không chỉ như một trao đổi với những ý kiến đặt ra trong bài “Trong trẻo hồn nhiên một hồn thơ Hà Nội“ của PGS-TS- nhà văn Vũ Nho viết về tập thơ “Những mùa hoa anh nói” của tôi, mà còn như một tiểu luận về thơ, để chúng ta cùng trao đổi, học hỏi, hướng tới thông hiểu, hướng tới bể học (là) vô cùng nhưng cũng đầy thú vị và bí ẩn.

Bài viết khá dài, nhưng tôi tin khi đọc bài này, bạn đọc sẽ thấy rất nhanh, có khi còn muốn đọc tiếp, và có thể sẽ “nghiện” “hoa anh nói”, nghiện “cánh đồng thơm con gái”, nghiện “đôi mắt”, nghiện một bầu trời…
-

HOA ANH NÓI – HOA ANH ƠI
(Một trao đổi - tiểu luận về thơ)


“Hoa anh nói“ là một loài hoa được sinh ra từ tập thơ “Những mùa hoa anh nói“ (Thơ Trương Anh Tú - NXB Hội nhà văn, tháng 10- 2018). Và “Hoa anh ơi“ là tên những bông hoa xuất hiện từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Xuân Diệu (viết từ năm 1962). Nhưng sao “Hoa anh nói“ và “Hoa anh ơi“ lại có “duyên“ gặp gỡ nơi đây! Để trả lời câu hỏi này, và hơn thế nữa, để hiểu những cánh đồng trời xanh trong “hoa anh nói“ và “hoa anh ơi“ nhung nhớ điều gì, mời bạn đọc cùng tôi (tác giả tập thơ “Những mùa hoa anh nói“) đọc bài viết này.

Tập thơ “Những mùa hoa anh nói“ ( NMHAN) ngay từ khi lên khuôn cho đến khi ra mắt đã và đang nhận được những ý kiến phản hồi của bạn đọc. Bên cạnh các bài đưa tin, các cuộc phỏng vấn, trò chuyện với tác giả về tập thơ được giới thiệu trên báo chí, trên Đài tiếng nói Việt Nam… nhiều bài bình luận của của các nhà báo, nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình đã dành cho tập thơ những đánh giá tích cực.

Bài “Trong trẻo hồn nhiên một hồn thơ Hà Nội“ của PGS-TS- nhà văn Vũ Nho viết về tập thơ NMHAN là một trong bài bình luận mới nhất (đăng trên trang “Tác phẩm & Bạn đọc“ - thuộc Diễn đàn CLB văn chương - Hội nhà văn Việt Nam).

Như nhan đề của bài phê bình, nhà văn Vũ Nho tập trung phân tích những bài thơ viết về Hà Nội, về tình yêu trong tập thơ; bày tỏ ấn tượng “về một Hà Nội trong thơ Trương Anh Tú“; “ấn tượng về một hồn thơ trong trẻo, hồn nhiên, tươi trẻ, giàu lạc quan“… Ông dành phần còn lại của bài viết để nêu ý kiến, trao đổi lại với những nhận định, đánh giá của các tác giả có bài bình luận viết về tập thơ NMHAN in trong tập thơ và ngỏ ý “chỗ nào chưa chuẩn thì bạn đọc, tác giả và cả anh Đỗ Quyên sẽ chỉnh sửa và trao đổi lại“.

Sự trao đổi thẳng thắn và lời đề nghị thảo luận của nhà văn Vũ Nho là rất đáng trân trọng và cần thiết. Đó là tín hiệu của những chuyển động, những xung lực nội tại, là sự tìm tòi, là giấc mơ sinh sôi của thơ ca; là yêu cầu/ đòi hỏi/ đối thoại văn chương… để mở ra những thông hiểu, đi tìm những giá trị, và tất nhiên không chỉ dừng lại ở tập thơ NMHAN. Tôi không ngần ngại viết những dòng trao đổi này, với tâm huyết có thể làm sáng tỏ hơn những điểm cần bàn, đồng thời đưa ra những trao đổi chung trong việc cảm thụ thơ, như việc đọc - hiểu - cảm nhận - giải mã một bài thơ hoặc tìm hiểu thế nào là thơ hay.


Trước hết để bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh về tập thơ NMHAN, xin được trích dẫn những đánh giá của nhiều tác giả dành cho tập thơ:

1-Trong bài “Những bài thơ Tú nói“ (in trong tập thơ NMHAN và đã được giới thiệu trên trang Web của NXB Hội nhà văn, trên báo điện tử của Hội nhà văn và trên Tạp chí Sông Hương) nhà thơ - nhà PBVH Đỗ Quyên viết: “Chúng tôi cả nghĩ, nếu các tác phẩm văn nghệ cho một nền giáo dục cần 4 tiêu chí (thứ tự tùy theo mỗi quốc gia) - đó là tính giáo dục, chất nghệ thuật, độ nhân bản, tầm dân tộc - thì một số bài hay của tập thơ đã như nhiều bài trong sách giáo khoa hiện nay ở Việt Nam. Đó là các bài Những mùa hoa anh nói, Thơ trong lễ hội hóa trang, Đôi mắt… Chúng tôi tin rằng, “Những mùa hoa anh nói” sẽ là “hộ chiếu” cho tác giả chính thức đi vào làng thơ Việt đương đại“…

NGÕ LẠ

 


NGÕ LẠ

.    Đặng Xuân Xuyến

Từ bữa em cùng người lạ

Che chung chiếc ô về nhà 

Ngõ nhà mình thành ngõ lạ

Lừng khừng mỗi bước anh qua.

.

Hôm nay ngày thứ mười ba

Em lại che chung ô lạ 

Tiếng cười nghe mà vồn vã 

Bước chân lấn chút điệu đà.

.

Ừ, ngõ nhà mình thành lạ

Sớm chiều tíu tít người ta

Anh giờ đã là kẻ lạ

Ngõ về nhà xa quá xa.

*.

Hà Nội, chiều 19-09-2020

ĐẶNG XUÂN XUYẾN


 

 

Thứ Năm, 24 tháng 9, 2020

MỘT KẺ CUỒNG NGÔN ĐANG MUỐN LÀM RỐI LOẠN TRUYỆN KIỀU

 

MỘT KẺ CUỒNG NGÔN ĐANG MUỐN LÀM RỐI LOẠN TRUYỆN KIỀU

ĐỀ NGHỊ BÁO TUỔI TRẺ THEO GƯƠNG GOOGLE GỠ BÀI "THỬ "GIẢI MÃ" LẠI TRUYỆN KIỀU" RA KHỎI TRANG ONLINE ĐỂ TRÁNH LÀM HẠI HỌC THUẬT NƯỚC NHÀ!

PGS.TS Đoàn Lê Giang

Facebooker Lê Nghị đã đưa ra một quan điểm giật gân: Không phải Truyện Kiều của Nguyễn Du sáng tạo lại từ "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân, mà ngược lại "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân được sáng tác từ Truyện Kiều. Tức Truyện Kiều có trước, Kim Vân Kiều truyện có sau.

Ý kiến này được ông Lê Nghị đã đưa lên Facebook cách đây một năm. Để khỏi làm nhiễu thông tin tôi đã viết 3 status để vạch rõ cái vô lý của lập luận đó, trong đó có việc tôi trưng ra bản chụp quyển "Thông tục Kim Kiều truyện" là bản dịch "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân ra tiếng Nhật xuất bản năm 1763 - trước khi Nguyễn Du (1765-1820) sinh 2 năm. 

Thực ra thông tin này tôi đã giới thiệu từ 25 năm trước trên "Kiến thức ngày nay" số Xuân 1996, sau đó chỉnh sửa bổ sung và công bố trên tạp chí "Nghiên cứu văn học" số 12 năm 1999 (bài "Truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản"):
http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php…).

Người đầu tiên phát hiện ra bản dịch "Kim Vân Kiều truyện" ở Nhật Bản là GS.Hatakenaka Toshirô 畠中 敏郎 (ĐH Osaka- Nhật Bản) trong bài viết "Kim Vân Kiều và văn học thời Edo" 江戸文学 と 金 雲 翹 năm 1959, sau đó được in ở phần sau bản dịch "Kim Vân Kiều" của Takeuchi Yonosuke (Kodansha, 1975).

Năm 2003 tôi đã cùng GS.Kawaguchi Kenichi (ĐH Ngoại ngữ Tokyo) đi đến Nara để nhìn tận mắt, sờ tận tay bản dịch đó và xin sao chụp về, vì biết đây là tư liệu quý về người anh em của Truyện Kiều.

Khi tôi chụp lên FB tư liệu trên thì GS.Trần Đình Sử cho biết ông cũng có và chụp đưa lên.

https://www.facebook.com/photo?fbid=1471795693005591&set=pcb.1471795846338909

Ông Lê Nghị không chấp nhận sự thật đó, vẫn tiếp tục đi trình bày quan điểm ngược đời của mình trong cuộc trưng bày các minh họa về Truyện Kiều ở Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) vào tháng 8/2020 vừa qua.