Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

“CHƯA ĐẾN MỨC KHÔNG THỂ KHÔNG GIẢI QUYẾT”






                                                                  Nhà văn dịch giả Vũ Công Hoan

“CHƯA ĐẾN MỨC KHÔNG THỂ KHÔNG GIẢI QUYẾT”



                                                                                                    Hầu Đức Vân



                                                                                               Vũ Công Hoan dịch



          Nhận điện thoại của anh họ, tôi biết ở nhà quê đã có chuyện. Người thân ở nhà quê có một ưu điểm chung, không có chuyện gì thì không gọi điện thoại, một khi đã gọi điện thoại, chắc hẳn đã có chuyện xảy ra.Tôi đã từng hỏi anh họ, không xảy ra chuyện gì thì không thể gọi điện thoại cho em được sao? Tán vui vài câu cũng được mà!



          Anh họ rất ngạc nhiên. Anh bảo không có việc gì gọi điện thoại chẳng phải phí tiền? Anh còn bảo, anh có phải ngố đâu, bắt anh tiêu tiền oan anh không làm!

         

          Lần này, trong điện thoại anh họ nói với tôi như đang xụt xịt khóc, bố anh đã qua đời.



         Bố anh họ chính là bác cả tôi. Bác tôi thọ 90, tuy đã cao tuổi, nhưng thể lực còn rất khỏe, còn ra đồng làm việc được cơ mà, tại sao nói chết là chết liền?



          Tôi hỏi anh họ:

-         Bác chết như thế nào?

Anh họ đáp:

-         Treo cổ tự vẫn.

Tôi giật nảy người.

-         Sao vậy, rút cuộc đã xảy ra chuyện gì?

Anh họ nói:

          - Bây giờ kể ra không tiện,tốn tiền,em hãy khẩn trương về nhá!Về nhà anh sẽ nói cho em nghe.

          Nói xong anh liền bỏ điện thoại.



          Với tốc độ nhanh nhất tôi đã hỏa tốc về quê.



          Anh họ vẫn xụt xịt khóc. Anh kể:

          - Chuyện là thế này, xã nhà mở con đường ô tô, chiếm mất của nhà mình một vườn cây ăn quả và một thửa ruộng rau, đền bù lại quá ít. Anh lên gặp xã trưởng phản ánh tình hình. Đầu tiên xã trưởng không gặp anh, sau đó anh bắt đầu réo tổ tông mình mà chửi, xã trưởng đã gặp anh...

         

          Tôi ngắt lời anh họ:

-         Xã đền bù người khác như thế nào?

Anh họ đáp:

-         Không có nhà nào khác, chỉ có mỗi nhà mình.

-         Ồ, xã trường bảo thế nào?

          -   Xã trưởng bảo: Việc của anh ấy mà, việc này, cứ chờ đấy bàn sau, vẫn còn chưa tới mức không giải quyết không được.

          Tôi hỏi:

-         Thế nào là “tới mức không giải quyết không được?”

Anh họ đáp:

          - Anh cũng hỏi xã trưởng như thế, hỏi hết lần này đến lần khác, hiển nhiên xã trưởng không chịu nổi, đã đập bàn hỏi rõ to anh họ tôi:Trong gia đình có người treo cổ tự tử, là sự thể đã đến mức không giải quyết không được!

TẾU LÂM GABROVO 2 ( tiếp theo)






TẾU LÂM GABROVO 2 ( tiếp theo)


Thiên hạ kể về người Gabrovo rằng

Họ lắp một cái vòi vào quả trứng để vặn ra số lòng trắng đủ dùng, thay vì phải dùng cả  lòng trắng của một quả trứng.
*
Vào các ngày chủ nhật, họ múa tập thể, đi bằng giày vải trong nhà để có thể nghe thấy tiếng nhạc từ thành phố Xeplievo bên cạnh vọng sang.
*
Ban đêm, họ để đồng hồ ngừng làm việc để khỏi hao mòn máy móc vô ích.
*
Khi họ nấu món ốc thì không bao giờ vứt vỏ ốc đi, mà tích lại, xâu vào một sợi dây để nấu món xúp. Sang trọng thì nấu với nhân bằng gạo, khiêm tốn hơn thì với nhân lòng…Sau đó, chuyển xâu vỏ ốc tặng nhà hàng xóm bất ngờ có khách tới thăm.
*
Khi bào gỗ, phoi bào  không đem vứt đi mà đem cho ngựa ăn. Lúc cho ăn, người ta đeo kính màu xanh cho ngựa để nó ngỡ phoi bào là cỏ.
*
Họ đặt trứng vịt vào tổ cò để ấp nở ra vịt con. Bởi vậy mà Gabrovo tiệt giống cò.
*
Khi ở sân nhà trọ, họ nấu xúp trong chiếc chảo chung, nhưng mỗi người buộc một miếng dăm bào vào miếng thịt của mình để khỏi bị nhầm.
*
 Họ đậy lọ muối bằng nắp trong suốt để nêm muối vào bánh mì mà không tốn hạt nào.
*
Họ ướp cá voola mặn đến mức mỗi con cá ăn với ba cái bánh mì tròn, to. Và như vậy là đủ thức ăn cho cả tuần lễ.
*
Để tiết kiệm tiền mua đất xây dựng, họ làm nhà trên mảnh đất bé tí nhưng bên trên vươn rộng ra bốn phía như là tán cây.
*
Lấy vợ thì họ chọn cô dâu vừa bé nhỏ, vừa gầy gò. Cô gái như thế sẽ tốn ít chỗ trong nhà và vải hoa may áo cô dâu cũng ít hơn.
*
Ban đêm, họ bật sáng đèn trong chuồng gà để gà mái nghĩ rằng đã sáng và đẻ trứng thêm một lần nữa.
*
Họ vã mồ hôi khi làm việc và khi mặc cả bán, mua.
*
Khi hút thuốc, người ta tách đôi que diêm ra để bật  lửa được hai lần.
*
Người ta đem những cái xiên dính mỡ cừu đi nấu xúp để không phí mỡ dính trên đó.
*
Người ta chỉ uống rượu vang đỏ: vì rằng uống hết rượu, còn lại cái màu, vang trắng uống hết thì chẳng còn gì nữa.
*
Sauk hi mua đồ, người ta yêu cầu dùng báo mới để gói lại. Về nhà họ sẽ lấy báo ra đọc.

Nho dịch
( còn tiếp)



Thứ Năm, 30 tháng 5, 2013

Lão Khoa ở Pháp



LÃO KHOA Ở PHÁP


Link cố định25/05/2013@14h00, 3114 lượt xem, viết bởi: LÃO KHOA
Chuyên mục: Nhật ký

Lão Khoa đang tham dự cuộc gặp gỡ các nhà thơ thế giới tổ chức tại Pháp từ ngày 22-5 đến 02-6. Đoàn Việt Nam có Lão Khoa và nhà thơ Nguyễn Bảo Chân. Nhân dịp này, mời bà con theo dõi lời bài phát biểu của lão trong cuộc gặp mặt này. Đây cũng có thể xem như một quan điểm của lão về một mảng của loại hình văn học nghệ thuật phức tạp nhất và cũng sinh động nhất


VÀI NÉT VỀ THƠ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI


TRẦN ĐĂNG KHOA

Trước hết, tôi xin cám ơn các quý ông, quý bà và các bạn đã dành cho tôi ít phút nói về thơ Việt Nam tại diễn đàn này. Tôi cũng xin chân thành cám ơn ông Francis Combes và Hiệp hội thơ vùng Val de Marne đã tạo điều kiện cho tôi có dịp được đến thăm nước Pháp, một đất nước tuơi đẹp và văn minh, mà ở thời đại nào cũng có những con người khổng lồ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong văn chương và nghệ thuật.
Ở đất nước chúng tôi, những ai từng ham mê văn chương, nghệ thuật, từ trẻ đến già, không ai không biết tên tuổi và tác phẩm của các nhà văn Vichto Huygô, Ônôrê đơ Bandắc, Guyđơ Môpatsăng, Anphôngxơ Đôđê, Stangđan, Guytxta Flôbe. Alechxangdr Đuyma... các nhà thơ Rimbo, Verlen, Apoline, Lui Aragông... và còn rất nhiều, rất nhiều các nhà văn nhà thơ khác từ lâu đã trở nên thân thiết với mọi tầng lớp độc giả nước tôi.

Tôi đến với thơ ca từ những năm 60, 70 của thế kỉ trước, khi còn là một cậu bé 8 tuổi đang học lớp 2 trường làng. Lúc bấy giờ bom đạn mù mịt, đất nước tôi đang ở trong giai đoạn căng thẳng nhất của lịch sử hiện đại, bọn trẻ chúng tôi ăn đói, mặc rét, sống ngày nào biết ngày ấy, vì cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Bởi thế, không phải chỉ người già, mà ngay cả trẻ con cũng chẳng đứa nào dám nghĩ mình có thể sống được đến ngày không còn bom đạn, được chạy nhảy vui chơi trên mặt đất, được đi thung thăng dưới ánh nắng mặt trời. Và cũng từ những năm gian nan vất vả ấy, tôi bắt đầu làm thơ. Và tôi cũng không ngờ những bài thơ thuở thơ ấu của mình từ một làng quê bé nhỏ hẻo lánh lại được bạn đọc của nước tôi đón nhận nồng nhiệt và được dịch ra trên 40 thứ tiếng trên thế giới. Và nước đầu tiên dịch thơ tôi, may mắn thay lại là nước Pháp, đất nước mà tôi coi là kinh đô của nền văn chương thế giới. Bắt đầu là chùm thơ in trên báo “Nhân đạo” năm 1968, do nhà thơ nhà báo Mađơlen Riphô dịch, giới thiệu và sau đó là tập thơ “Tiếng hát kế tục”, mà tôi có tới 35 bài. Cũng năm đó, hãng Truyền hình pháp đã làm một cuốn phim tài liệu dài 30 phút về tôi. Bộ phim mang tên “Thế giới nhỏ của Khoa” (Le petit monde de Khoa) do đạo diễn GERARD GUILLAUME trực tiếp viết kịch bản và lời bình. Bộ phim này đã được phát trên các kênh truyền hình Pháp và Châu Âu theo lời giới thiệu của nhà thơ Xuân Diệu, vào thời điểm giao thừa ngày 1-1-1969. Sau 40 năm, cuốn phim tài liệu đó mới xuất hiện trên kênh truyền hình Đài Tiếng nói Việt Nam VOV và thành một hiện tượng có sức ám ảnh rất mạnh đối với khán giả, đặc biệt là những người dân ở quê tôi. Nhiều người xem đã khóc vì bất ngờ gặp lại người thân của mình. Hầu hết các nhân vật của phim đã chết. Trong đó, có nhiều liệt sĩ mà bây giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Bộ phim đã hóa thành một viện bảo tàng, lưu giữ những vẻ đẹp sống động của con người và cảnh sắc một làng quê Bắc bộ, mà giờ đây không còn nữa.
Từ diễn đàn này, cho phép tôi được cám ơn Đạo diễn Giê ra guy ôm, nhà thơ Frangxoa Cozơ, nhà thơ, nhà báo Mađơlen Rifô, nhà thơ Clôt đơ Pari, nhà thơ Michelle Sullivan ...và nhiều nhà thơ khác, đã đưa thơ tôi đến với bạn đọc Pháp. Tôi cũng cám ơn họa sĩ Đô mi ni cơ Đơ mit xcô gần đây cũng đã biến thơ tôi thành những bức tranh góp mặt trong triển lãm nghệ thuật ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Thủ đô Paris

TẾU LÂM GABROVO 1





TẾU LÂM GABROVO 1

Ngày còn nằm trên bàn làm việc ở 194 Trần Quang Khải, mình đã có bản tiếu lâm GABROVO bằng tiếng Nga có tranh minh họa. Ngày ấy mới xuất hiện máy photocopy.  Chính- anh bạn đồng hương Ninh Bình đã tận tình chụp cho cả quyển sách. Thời gian đó đang bận dịch Chào các em cho tạp chí Nghiên cứu Giáo dục. Rồi sau vì bận bịu, cũng không đi kiếm nhà xuất bản nào để hợp đồng. Nhưng cứ thi thoảng dịch vài truyện thư giãn. Bây giờ có Blog, nhân tiện đánh máy lại và đưa lên cho mọi người đọc chơi.


Nhập đề
Người Gabrovo phát minh ra quần hẹp, váy ngắn, tàu lượn, đồng tiền lẻ bé xíu nhất, chế độ tiết kiệm nhiên liệu và điện năng…

Thiên hạ kể về người Gabrovo rằng

Một lần bảy người Gabrovo ăn canh bằng một cái thìa. Khi tên trộm mà họ tìm kiếm đã lâu đi sát qua họ nhưng không ai  phát hiện ra, vì mắt ai cũng dán vào cái thìa đó.
*
Khi muốn ăn bữa trưa rẻ, người ta mua củ cải. như thế có hai cái lợi: anh vừa có món khai vị để ăn, mà trong nhà lại thoang thoảng mùi trầm.
*
Cha đạo Minhiu ăn toàn thức ăn chay đến ruồi cũng ngán.
*
Khi phải đi Sipca tham quan, họ thuê giày du lịch để không làm mòn giày của mình.
*
Người ta dùng bát đĩa toàn bằng gỗ, vì rằng bát đĩa sứ chóng vỡ, chưa được ba bốn năm đã phải đi mua bát đĩa mới.
*
Người ta ăn cá muối để uống nhiều nước, và bằng cách đó đỡ tốn thức ăn.
*
Người ta mua vé ở rạp xem chiếu bóng ở hàng trên cùng- loại vé rẻ nhất- Khi rạp tắt đèn để chiếu phim, họ lén chuyển xuống hàng sau.
*
Phụ nữa Gabrovo luôn tích trong nhà những tay áo cũ của nông dân có thêu hình. Chị ta xỏ vào tay trước khi đứng bên cửa sổ giũ chăn , đệm: để cho hàng xóm nghĩ rằng nhà ấy có hầu phòng.
*
Mua củi đột lò họ mua toàn thanh nhiều mấu để được sưởi ấm hai lần: thoạt đầu là toát mồ hôi bổ nó ra, sau đó là khi nó cháy.
*
Sauk hi mua cho vợ một hộp phấn trang điểm, họ luôn thêm vào một ít bột trắng để dùng được lâu.
*
Họ cắt đuôi mèo cụt đi vì khi mùa đông, những con mèo đuôi cụt vào nhà hoặc ra sân thì cửa đóng nhaanh, mở nhan, đỡ tốn hơi ấm.

( còn tiếp)

KHO TÀNG GABROVO QUÝ GIÁ







KHO TÀNG GABROVO QUÝ GIÁ

Trên hành tinh nhiều lầm lạc của chúng ta nhiều nền văn minh đã bị hủy diệt. Nguyên nhân của nó, như các nhà Lịch sử khẳng định – đó là chiến tranh! Còn nguyên nhân của chiến tranh, như các nhà Triết học khẳng định – là thiếu sự…nhất trí. Không phải sự nhất trí của triều đại duy nhất, không phải sự nhất trí ý kiến duy nhất, mà…sự nhất trí biện chứng của những mặt đối lập lớn lao nhất : cảm giác mức độ và cảm giác trào lộng.

          Kinh nghiệm lịch sử của Gabrovo được ghi niên đại chỉ từ năm 1527!Nhân dân thành phố này quyết tâm không để cho số phận của thành Tờ-roa hay Kar-pha-ghen xảy ra với thành phố của họ. Như những người nắm được cảm giác mức độ và hết sức chắt chiu, họ quý trọng hòa bình, vì rằng chiến tranh – không phải chuyện đùa và tốn kém tiền của. Như những người giàu năng lực hài hước, họ bình tĩnh chế nhạo chính mình vì chuyện đó, họ chẳng tốn kém một chinh. Vì còn chưa có bảng giá cho đùa cợt và biểu thuế chuyên môn…

          Những người Gabrovo không phải là Kô-lôm-bô hay Ma-gien-lăng, vì răng sự thám hiểm là công việc mạo hiểm. Trong số họ cũng không có Ê-đi-sơn hay Mac-cơn, vì công việc thí nghiệm là việc tốn kém; không có các ông Van-gốc cũng như Pi-cát-sô vì cái mới trong nghệ thuật không phải lập tức được đánh giá thỏa đáng. Những người Gabrovo là những người khám phá, những nhà phát minh và những người cách tân trong lĩnh vực Tư tưởng! Cụ thể hơn – lĩnh vực khoa học kinh tế. Mặc dù họ là những người vô thần ( theo các kiến giải kinh tế tài chính), nhưng điều đó không cản trở họ hăng hái tuyệt vời áp dụng kinh nghiệm của Jesu –Critst đã nuôi hàng ngàn người bằng hai con cá.

          Nhiều điều phồn thịnh ở Bu-ga-ri, nhưng Gabrovo công nghiệp phồn thịnh hơn cả. Không phải là theo ý Chúa, mà là nhờ tính tháo vát và nhanh nhẹn của người dân khiêm tốn thích đùa và cười của thành phố.

          Và bạn, người khách du, sau khi tới thành phố cười này bằng xe hỏa, bạn có thể gặp ở đây những con người với các thói xấu khác nhau, nhưng không bao giờ gặp những kẻ chơi trội, những người cuồng, những kẻ kiêu kì và đua đòi.

          Gabrovo nổi tiếng với những tấm vải  tuyệt vời của mình. Tuy nhiên, nó không đủ mặc cho cả hành tinh rách rưới của chúng ta. Công nghiệp đóng giày của Gbrovo có thể đạt đến quy mô chưa từng có. Tuy nhiên không đủ giày cho tất cả. Nhưng những chuyện hài hước của Gabrovo thì có thể làm cả nhân loại buồn cười.

          Nhìn chung, tiếng cười trong mọi thời đại đã và sẽ là đơn vị tiền tệ ổn định nhất. Chẳng thể nào lên đường được nếu thiếu nó.

                                                Rađôi Ralin

                                                 Vũ Nho dịch                

Từ cuốn “ Tiếu lâm Gabrovo, nhà xuất bản Người nghệ sĩ Bungari, Xoophia, 1983.