Thứ Ba, 31 tháng 10, 2017

Lỡ




Lỡ

Tôi đắm hồn tôi nơi bến vắng
Lướt khướt trăng vàng rớt đáy sông
Thầm thĩ với người từng vun mộng
Trăng kia bến cũ có thay dòng?
Mỗi độ chiều tàn, đêm rủ xuống
Môi kề môi ấy có lạ không?
.
Và đã khi nào mỏi mòn trông
Héo hắt than hoa lạc cuối dòng?
Có còn đứng đợi chờ trăng xuống
Mơ dạo cùng ai cõi phiêu bồng...?
.
Tôi biết, nhưng thôi, chỉ rầu lòng
Ái tình cố níu cũng bằng không
Lòng người còn thẳm hơn sông rộng
Chỉ lỡ nhịp chèo đã qua sông.
*.
Hà Nội, chiều mưa 19.08.2016
ĐẶNG XUÂN XUYẾN


Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

THAM GIA CHẤM THẠC SĨ cho khoa Văn, ĐHSP Hà Nội

Sáng ngày thứ Bảy và chiều Chủ nhật cuối tháng 10, Vũ Nho tham gia Hội đồng chấm thạc sĩ cho khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội với tư cách là phản biện 1 và Ủy viên Hội đồng. Bốn học viên là Phạn Hà My ( PGS TS Phạm Thị Thu Hương hướng dẫn), Nguyễn Khắc Tú ( PGS TS Bùi Minh Đức hướng dẫn), Vũ Thị Loan ( PGS TS Nguyễn Viết Chữ hướng dẫn), Đinh Thị Hồng ( PGS TS Nguyễn Thị Thanh Hương hướng dẫn). Nói chung, nhưng đóng góp của VN là thiết thực và chắc cũng làm cho mọi người thú vị. Bản thân cũng học được nhiều điều qua các luận văn của học viên.
Đưa lên mấy hình ảnh.

                                  Các học viên tham dự

                                  Phạm Hà My trình bày kết quả nghiên cứu

                               Nguyễn Khắc Tú trình bày
                                                     GS TS Nguyễn Thanh Hùng, Chủ tịch Hội đồng phát biểu

CHÙA của Vũ Từ Trang với lời bình





CHÙA
                             Vũ Từ Trang
Thuở trước phá chùa, nay người xây chùa
Chỉ có Phật vẫn từ bi tịnh độ
sư sãi Chùa xưa tuổi cao, áo nâu sồng chân đất
trồng huệ trồng lan cho làng xóm tịnh quang
nay sư trẻ nói tiếng Anh như hát
Cà sa sa tanh, phóng vèo xe cúp
hoa loa kèn nở cùng hoa bưởi hoa ngâu.

Tuổi thơ tôi từng bám váy mẹ ra thăm cửa Phật
tôi không dám nhìn lên tam tòa, mà cúi mặt soi vào địa ngục
quỷ ác dạy tôi phải sống hiền lành
tôi lớn lên giữa bao điều bất trắc
Chùa quê đổi khác
đâu rồi sư già tựa ổi và na
ào một đám gió lạ, tóc vàng váy ngắn,
                                        i-phôn ầm ào rốc ráp

chúng cầu chi trong Chùa?

      ( Thơ Vũ Từ Trang-Tập ‘Cây chuyển mùa”-xb HNV-2016).


                        CHÙA-BIẾN CẢI VUI BUỒN
                                                   Trần Trung
  Thơ Vũ Từ Trang là thế : hay hoài niệm trong thương nhớ bao điều. Từ quê hương bản quán, đến tình bạn, tình đời; cho tới nhân tình thế thái... Đọc thơ anh, đến tập thứ sáu, mang tên “Cây chuyển mùa” (XB HNV,2016), hình như càng rõ ra thêm chân dung tinh thần của Trang qua tập thơ này. Nhà thơ buồn vui trước những biến động, đổi thay một cách quyết liệt. Chẳng phải chỉ từ sự hiện hữu của những  gì nhìn thấy. Mà, dường như có cả trong thế giới tâm linh-nơi cửa Chùa, cửa Phật cũng chấn động; chấn động từ chuyện phá đi, rồi xây lại: “Thủa trước phá Chùa, nay người xây lại”! Đem cái động của thực tại (xây) để hướng về một thời ấu trĩ, thời phê phán mê tín dị đoan: Chùa chiền, miếu mạo...trong tâm linh của ông bà ta, dưới thời này, bị phá bỏ, chối từ thẳng thừng. Tuy thế, nhà thơ vẫn nhận ra sự bao dung, độ lượng của Trời-Phật “chỉ có phật vẫn từ bi tịnh độ”. Nhận ra tấm lòng từ bi của Phật, cũng là cái cách nhà thơ hôm nay, nhận ra chính lòng mình-nhân ái, bao dung.


Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

XÓA DẤU THỜI GIAN





XÓA DẤU THỜI GIAN



Tặng tác giả TÌNH ĐỜI*



ĐƯỜNG VĂN



Tiếng thơ nhũn nhặn, dịu dàng,

chân thành, đôn hậu mà chan chứa tình!



Tiếc không gửi sớm cho mình?

Mới quen, chưa tỏ tâm tình bạn văn!



Cơ chi xóa dấu thời gian?

TÌNH ĐỜI trĩu nặng, Thơ càng diết da!



Khiêm cung, nương bóng bách già,

Cỏ xanh rừng thẳm bao la cuối trời!*



Tưởng ngàn cánh hạc khơi vơi,

hóa làn mây trắng thảnh thơi tự tình!





  • Tập thơ của Vương Lan Vân; NXB lao động, 2016;
  •  Ý thơ LV, (bìa 4)

                                                                                

                                                                                   Trèm, Thụy Phương, thu muộn,

hạ tuần tháng 10/2017. ĐV


                          Tác giả Đường Văn

Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2017

NHỮNG KÍ ỨC MƯỢT XANH





NHỮNG DÒNG KÍ ỨC MƯỢT XANH

                                      Vũ Nho

        Người khác thế nào, tôi không biết. Nhưng với cá nhân tôi, kí ức tháng Mười luôn là những dòng kí ức tươi rói, mượt xanh. Có bạn sẽ hỏi có phải đó là tôi muốn ngụ ý Cách mạng tháng Mười? Không! Khi cuộc Cách mạng long trời lở đất ấy xảy ra, tôi chưa có mặt trên cõi đời này. Tháng Mười ấy là tháng Mười năm 1980, khi tôi  ngồi trên máy bay cất cánh từ sân bay Nội Bài, sang Liên xô để học nghiên cứu sinh. Chàng trai Tạ Vũ khi xưa lên miền Tây bằng tàu hỏa mà thấy mình và bạn biến thành con tàu…bay trên đường ray:

          Ba chiếc vé tàu cựa mình trong túi ngực

          đêm nay, ba con tàu phụt khói, sải cánh trên đường ray…

Tôi không có cảm giác mình biến thành cánh chim, hay thành máy bay. Nhưng khi bay vút lên bầu trời tháng mười trong veo, tôi đã ứa nước mắt vì… trong đầu  là hình ảnh cha tôi đứng bên con đê sông Hoàng Long mênh mang nước lụt, trong nắng chiều vàng gắt, lặng lẽ nhìn hút theo bóng người con trai ra Hà Nội để sang tận Liên xô xa xôi theo đuổi chuyện học hành.

          Những năm tám mươi, hẳn mọi người còn nhớ. Chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất. Nhưng năm 1979  lại có chiến tranh chống xâm lược trên biên giới phía Bắc. Lương thực luôn là một nỗi lo của nhà nước và của mỗi người. Cơm mậu dịch ở Hà Nội thu 225 gam tem, được nửa chiếc bánh mì nhỏ và miệng bát cơm. Tâm lí đói khiến chúng tôi, những người đi làm nghiên cứu sinh  năm ấy đã thủ sẵn mỗi tên một, hai chiếc bánh mì. Chúng tôi bay  qua Bom bay của Ấn Độ, nghỉ một ít phút rồi bay tiếp một mạch đến Matxcơva. Trên tàu bay được ăn rất ngon. Xuống Mát, dù chỉ ăn bánh mì thường của bạn và món cátlet ( thịt băm viên, trộn bột mì rán), nhưng chúng tôi thấy vô cùng ngon, cứ như là đại tiệc. Bởi nếu bạn đã từng đói triền miên, từng có phiếu nhưng không mua nổi mấy lạng thịt cung cấp vì cửa hàng không có đủ thịt bán thì sẽ hiểu được cảm giác sung sướng của chúng tôi khi đó.

          Tôi, Cao Gia Nức ( môn Sinh), Nguyễn Việt Hải ( môn Toán), Nguyễn Văn Khải (môn Vật Lí) được phân công về Lenigrat ( Bây giờ lấy lại tên cũ là Sanh Peterburg). Sau khi nộp giấy tờ, chúng tôi được nhà trường bố trí ở tạm trong khách sạn. Tiền rup rủng rỉnh. Cả bọn mua bánh mì, giò, gà, táo, bia về…Quả thật  từ xứ sở đói khát ngày ấy, chúng tôi thấy mình may mắn như được sống ở thiên đường…

          Với tôi, được sang Liên xô, được sống và học tập ở thành phố mang tên Lê Nin, thành phố từng là kinh đô thời Pie Đại Đế, thành phố từng vượt qua sự phong tỏa của Đức quốc xã trong chiến tranh thế giới thứ hai,  là một sự may mắn.  Thêm một sự may mắn nữa là bộ môn tôi học, các giáo sư, Tiến sĩ là những người giỏi nhất Liên bang. Sách của tổ bộ môn là giáo trình chính thức cho tất cả các trường Sư phạm của Liên bang xô viết.
 Ảnh đăng trong bài báo. Đoàn nhà văn Việt Nam thăm Chủ tịch Hội nhà văn Nga. Trái qua, hàng đứng Oleg Bavykin, Trưởng ban đối ngoại, Hoàng Minh Tường, Chủ tịch Hội nhà văn Nga, GS TS Ganhichev, nhà văn Lê Văn Thảo, Vũ Nho. Hàng ngồi, Y Ban, Nguyễn Thị Kim Hiền

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

Một số hình ảnh buổi tọa đàm, ra mắt sách MIỀN SÁNG TỐI của Dương Thanh Biểu

Sáng thứ Sáu, ngày 27 tháng 10, tại Khách sạn Điện Lực, 30 Lí Thái Tổ, Hà Nội có buổi ra mắt sách và tọa đàm tiểu thuyết MIỀN SÁNG TỐI của TS Dương Thanh Biểu. Nhiều cán bộ của Viện kiểm sát ND tối cao, nhà văn, nhà báo, bạn bè và người thân của tác giả tham dự. Điều hành buổi tọa đàm có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Chu Lai, và tác giả. Các nhà văn, nhà quản lí, nhà báo Bùi Việt Thắng, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Thế Kỉ ( gửi bài), Chu Lai, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Minh Đức, Nguyễn Uyển, Đinh Xuân Dũng, Hạ Bá Đoàn, Dương Văn Đảm,... đã đọc tham luận hoặc phát biểu. Các ý kiến đánh giá cao thành công của cuốn sách ở cốt truyện, tư tưởng và văn phong.
Vũ Nho gặp các bạn văn Phạm Đình Ân, Đăng Bẩy, Tạ Duy Anh, Bùi Việt Thắng, Lê Hoài Nam, Nguyên An, Cao Ngọc Thắng, Trần Kim Anh,...
Mấy hình ảnh ghi lại.

                                        Một góc hội trường

                                                Chủ trì buổi tọa đàm

                                 Nhà văn Bùi Việt Thắng mở đầu

                                Ông Bùi Mạnh Cường, Phó Viện trưởng VKS nhân dân tối cao phát biểu

                                      Nhà văn Chu Lai hùng biện

Thứ Năm, 26 tháng 10, 2017

THU LẠNH





THU LẠNH
.
Người đã đi rồi, đi quá xa
Bỏ ta ở lại với quê nhà
Hôm nay về lại thăm làng Đá
Ngơ ngẩn chiều tà ta với ta…
.
Giếng nước còn trong, bậc đã rêu
Chênh chao chiều vọng tiếng cu gù
Tháng chín thôi mà... sao đã lạnh
Thu vàng vồi vội rải nắng hanh.
.
Ừ, trách gì đâu, chỉ nhớ thôi
Người đi thì cũng đã đi rồi
Nào ai biết được duyên mà đợi
Mây tím lưng trời, thôi, cũng thôi.
*
Hà Nội, chiều 20 tháng 10.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.