Triệu Lam Châu bình thơ CHU THỊ LINH QUANG
chu thi linh quang
0433831483
0979058375
Chu Thị Linh Quang
Hội nhà văn Hà Nội
MỘT BUỔI SÁNG CUỐI THU
Tôi ngồi lặng trong mùa thu xa vắng
Không nghe hơi thu phả nhẹ làn khói mỏng lên má
Không nghe gió thầm thì nỗi khao khát khó nói lên lời
Không nghe con đường phía trước lặng lẽ trở mình từ chối những bước chân vô tâm,
Không nghe tiếng giọt sương gõ nhịp tí tách đều đều nhẫn nại,
Không nghe tiếng em nhón chân đi lướt qua thảm cỏ xanh mềm,
Không nghe thấy tiếng sóng lòng tôi đang vỗ nhẹ, vỗ rất khẽ,
Không nghe tiếng thở dài của mẹ khi đi chợ về,
Không nghe tiếng vĩ cầm từ ô cửa sổ phía bên kia đường run rẩy vọng lại...
Không nghe tiếng ru con từ cuối làng nghẹn ngào ...
Không nghe tiếng hồ sen đang tàn mà hương còn vương vấn ...
Không nghe thấy gì
ngoài tiếng sột soạt của tờ giấy ly hôn
đang thấp thỏm chờ tôi ký đại lên một chữ.
Em đứng đó, nhưng tôi biết em đã ra đi từ lúc nhón chân lướt qua miếng cỏ xanh mởn mỡ màng
Tôi đứng đó, nhưng em biết tôi đã băng qua sa mạc đang phi ngựa đến vùng đất mới
Cái thằng- tôi ngửa cổ cười sằng sặc
và bóp nát những gì tôi đã không nghe được từ âm thanh cuối thu vào một buổi sáng
Cái con- em ấn chiếc bút bi vào tay tôi
Tôi vung bút ký đại vào buổi sáng cuối thu ấy một chữ: Yes!
15/9/2012
Nhà thơ Triệu Lam Châu
ĐÔI DIỀU CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ
“MỘT BUỔI SÁNG CUỐI THU” CỦA CHU THỊ LINH QUANG
Đêm 23 tháng 9 năm 2012 như thường lệ, tôi vào Trang blog Vũ Nho Ninh Bình, thì gặp ngay bài thơ “Một buổi sáng cuối thu” của nhà thơ Chu Thị Linh Quang. Ngay lần đọc lần đầu tiên, tôi thấy bài thơ này đã gây cho tôi một ấn tượng đặc biệt. Bài thơ đã động đến một vấn đề điển hình trong xã hội ta hiện nay, không kém phần nhức nhối. Đó là vấn đề ly hôn, vấn đề tan rã hạnh phúc gia đình. Theo quan niệm của các nhà triết học và chính trị, gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng xã hội. Vậy tan rã hạnh phúc gia đình, có nghĩa là tan rã tế bào xã hội. Đau đớn lắm chứ.
Theo quan sát của người viết bài này, thời bao cấp kinh tế khó khăn vô cùng, vậy mà tỷ lệ ly hôn của các đôi vợ chồng trẻ ít hơn nhiều so với ngày hôm nay, thời kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Bài thơ “Một buổi sáng cuối thu” của Chu Thị Linh Quang đã vẽ lên một tâm trạng giằng xé hết sức căng thẳng và nghiệt ngã của những người trong cuộc (anh – em) ly hôn vào một thời khắc quyết định trọng đại nhất của hạnh phúc gia đình, tiếp tục tồn tại hay chấm dứt.
Rõ ràng ai cũng vậy thôi, trước khi đi đến quyết định ly hôn, cả hai người vợ và chồng đều phải suy nghĩ và cân nhắc rất nhiều trong một thời gian dài. Trong quá trình cân nhắc ấy, sẽ hiện lên trong tâm tưởng của hai người những ký ức vui buồn, những bất đồng trong lối sống, trong suy nghĩ (mà hồi trẻ mới yêu nhau chưa bao giờ bộc lộ), những ràng buộc tình cảm họ hàng cha mẹ, con cái, rồi cả những danh dự của gia đình trong con mắt của bạn bè hàng xóm, anh em trong cơ quan…những ràng buộc về kinh tế…. Tất thảy là một mớ rối rắm và phức tạp vô cùng…Trong quá trình suy ngẫm, tuỳ thuộc vào những thời điểm tâm trạng khác nhau, rồi cả những tác động khác nhau từ bên ngoài (lời khuyên giải của bạn bè, người thân, nhất là lời cảnh tỉnh của con cái…) – mà lúc này thì ý nghĩ này nổi lên thắng thế, lúc khác thì ý nghĩ kia thắng thế. Nghĩa là rất chao đảo mông lung, nói chung là rất đau khổ về mặt tinh thần. Nhiều người không vượt nổi ngưỡng đau khổ này, nên đã có những hành động tiêu cực hoặc rồ dại liều lĩnh đáng tiếc. Trong thời gian dài suy ngẫm, đắn đo – nếu đức tính hy sinh, nhường nhịn, ý thức trách nhiệm nổi lên thắng thế - thì quyết định không ly hôn nữa; còn nếu cái tôi cá nhân ích kỷ (mà cái này nó giàu ma lực khổng lồ lắm cơ) nổi lên thắng thế - thì không ngần ngại gì nữa, cần phải ly hôn thôi.
Dẫu xã hội Việt Nam thời hiện đại chấp nhận tự do hôn nhân, nhưng tập quán phương đông truyền thống khó chấp nhận những cặp vợ chồng trẻ bỏ nhau như cơm bữa.
Đoạn đầu của bài thơ, là liệt kê những kỷ niệm tinh tế về mùa thu theo cảm quan của tác giả. Đọc lần đầu, tôi cứ tưởng đây là bài thơ nói lên cảm xúc thông thường về mùa thu mà thôi. Suốt cả 11 câu đầu lại toàn những từ “Không nghe… không nghe…” đặt ở đầu câu… như có vẻ lơ đãng rời rạc…làm cho người đọc như cũng bàng quan theo mạch thơ. Thế rồi đến câu
Không nghe thấy gì
ngoài tiếng sột soạt của tờ giấy ly hôn
đang thấp thỏm chờ tôi ký đại lên một chữ.
Người đọc là tôi như giật mình bừng tỉnh. Đúng rồi, vào giờ phút nghiệt ngã trọng đại như vậy – giờ phút phải đặt bút chấp nhận hay không chấp nhận sự
đổ vỡ gia đình – thì còn tâm trạng nào mà nghe thấy những nét tinh tế của những mùa thu đã qua cơ chứ?
Tôi đặc biệt tâm đắc hai từ “ký đại” của nhà thơ Chu Thị linh Quang dùng trong trường hợp này. Ký đại, thể hiện một tâm trạng không làm chủ được mình nữa, không kịp suy nghĩ, đắn đo gì thêm nữa… thôi thì ký đi cho xong vậy… một sự buông xuôi trong chốc lát – mà cái chốc lát ấy lại rất hệ trọng, vì nó quyết định cuộc hôn nhân tiếp tục tồn tại hay tan vỡ mãi mãi.
Chúng ta thường thấy trong cuộc sống: Khi khai lý lịch, khi viết cam đoan, khi làm hợp đồng làm ăn kinh tế hay tuyên bố chính trị của các nguyên thủ quốc gia…các đương sự đều hiểu rõ mọi vấn đề mình sẽ ký và trong lúc ký tên thì tâm trí hết sức sáng suốt và bình tĩnh vô cùng.
Từ thực tế như vậy, nên tôi thấy hai chữ “Ký đại” trong bài thơ này tác giả dùng rất đắc đạo. Nếu cả bài thơ như là một cái kim xâu chỉ để may áo, thì một chữ “đại” ở đây chính là điểm chót sắc của mũi kim xâu niềm cảm xúc, để may một niềm thơ gợi cảm trong lòng độc giả rồi đó. Nếu bài thơ như một cái cột duy nhất nâng đỡ toà nhà của cảm xúc (kiểu như chùa Một cột) – thì chữ “đại” kia chính là điểm nhọn nhất của cái cột nhọn cắm sâu vào đất vậy. Nếu hình dung bài thơ như một đội hình đàn sếu bay trên trời cao theo hình chữ V, thì chữ “đại” ấy như là điểm nhọn của mỏ con chim đầu đàn bay tiên phong lao về phía trước, để dẫn cả đôi hình bay theo mải miết. Hay nói cách khác, hai chữ “ký đại” và đặc biệt là chữ “đại” trong bài thơ này, đã lĩnh hội một nồng độ cảm xúc thật đậm đặc như phát sáng trong lòng nhiều bạn đọc, trong đó có Triệu Lam Châu rồi. Chúng ta cứ thử bỏ chữ “ đại” đi trong trường hợp này mà xem – bài thơ sẽ nhẹ bổng đi hàng mấy lần cơ đấy.
Hoan nghênh nhà thơ Chu Thị linh Quang của chúng ta đã có một câu thơ tuyệt vời Không nghe thấy gì - ngoài tiếng sột soạt của tờ giấy ly hôn-
đang thấp thỏm chờ tôi ký đại lên một chữ… Xin bạn đọc lưu ý: Câu thơ này không phải là một đơn vị độc lập. Do vậy phải đặt nó trong tổng thể của bài thơ, mới thấy hay.
Bài thơ tập trung phản ánh tâm trạng chao đảo, bồng bềnh, không phải là mình ấy ( trước lúc ký đại ) của nhân vật người chồng trong cuộc ly hôn kia. Và rõ ràng người chủ động đưa tờ đơn xin ly hôn trong bài thơ này – chính là người vợ. Chính điều này cũng lại phản ánh một khía cạnh mới của xã hội ta hiện nay: Người phụ nữ giờ đây đã bình đẳng với nam giới hơn xưa nhiều lắm. Họ có cá tính, mạnh mẽ và quyết đoán hơn các bà, các mẹ và các chị của họ thời trước – nhất là trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.
Song thực tế xưa nay chúng ta vẫn thấy: Sau khi ly hôn, người đàn ông nhiều khi còn lấy được những cô vợ trẻ xinh đẹp hơn rất nhiều so với người vợ cũ của mình. Người phụ nữ sau khi ly dị chồng, thật khó lấy được một ngưòi đàn ông hơn chồng cũ. Bởi vì vẻ đẹp hình thức bên ngoài của người đã từng có chồng, thường không thể bằng những cô gái xinh chưa chồng. Do những lý do trên, mà thực tế người đàn ông thường chủ động làm đơn xin ly hôn.
Trong lúc chuẩn bị ký đại vào tờ ly hôn do người vợ đưa lại, anh chồng cảm thấy lờ mờ rằng:
Em đứng đó, nhưng tôi biết em đã ra đi từ lúc nhón chân lướt qua miếng cỏ xanh mởn mỡ màng
Tôi đứng đó, nhưng em biết tôi đã băng qua sa mạc đang phi ngựa đến vùng đất mới
Vậy là thể xác của em còn đứng đó, nhưng hồn em thì ra đi từ lúc nhón chân lướt qua miếng cỏ xanh mởn mỡ màng kia rồi. Hồn em đã từ bỏ cuộc hôn nhân này mất rồi. Rồi người chồng cũng lờ mờ nhận thấy ý nghĩ của người vợ rằng: Anh đứng đó, nhưng em biết anh đã băng qua sa mạc đang phi ngựa đến vùng đất mới.
Đúng là người vợ nghĩ vậy, nhưng cô đã nghĩ sai mất rồi. Thực ra anh đang mất cả hồn bởi tờ giấy ly hôn đang sột soạt kia kìa. Anh đâu có nghĩ đơn giản như cô?
Thế rồi sự giằng xé bao nỗi niềm trong tâm trạng của người chồng đạt tới đỉnh điểm, với khổ thơ sau đây:
Cái thằng- tôi ngửa cổ cười sằng sặc
và bóp nát những gì tôi đã không nghe được từ âm thanh cuối thu vào một buổi sáng
Cái con- em ấn chiếc bút bi vào tay tôi
Người chồng dẫu trong trạng thái như không làm chủ được mình trong lúc chuẩn bị ký đại vào tờ ly hôn, nhưng vào thời khắc phải ký – thì anh cũng cảm nhận được vậy là đổ vỡ hoàn toàn rồi. Bỗng nhiên anh ngửa cổ cười sằng sặc. Đây là một tiếng cười đau khổ thật sự, nhưng lại như một phản ứng tự nhiên của tâm trạng kiểu như xã giao, một tiếng cười tự vệ để lòng mình khỏi phải khổ đau thêm nữa, một tiếng cười như tự trấn an lòng mình “không sao đâu”. Nhưng đến nước này, thì còn biết làm thế nào nữa hả trời?
Hiện lên trong bài thơ này là một người chồng có tâm trong sáng và timh tế trong cuộc sống tình cảm đối với con người cũng như đối với thiên nhiên. Trong ký ức cuộc sống đã qua của hai vợ chồng, họ đã từng có chung những dịp cùng:
… ngồi lặng trong mùa thu xa vắng
… nghe hơi thu phả nhẹ làn khói mỏng lên má
… nghe gió thầm thì nỗi khao khát khó nói lên lời
… nghe con đường phía trước lặng lẽ trở mình từ chối những bước chân vô tâm,
….nghe tiếng giọt sương gõ nhịp tí tách đều đều nhẫn nại,
….nghe tiếng em nhón chân đi lướt qua thảm cỏ xanh mềm,
…. nghe thấy tiếng sóng lòng tôi đang vỗ nhẹ, vỗ rất khẽ,
…. nghe tiếng thở dài của mẹ khi đi chợ về,
….nghe tiếng vĩ cầm từ ô cửa sổ phía bên kia đường run rẩy vọng lại...
….. nghe tiếng ru con từ cuối làng nghẹn ngào ...
…. nghe tiếng hồ sen đang tàn mà hương còn vương vấn ...
Đó là những giá trị tinh thần rất đẹp đẽ và cao quý, đã từng ăn sâu trong tiềm thức của hai người. Rồi mai kia chúng sẽ trở nên thiêng liêng, vì đấy là kỷ niệm về một thời say đắm vô cùng. Chúng đã thành máu thịt rồi. Dẫu lúc sắp ký đại vào tờ giấy ly hôn, anh không nghe những điều trên, nhưng chúng đã sống trong tiềm thức bấy lâu nay, chúng là một phần trữ lượng tình cảm của hai người những ngày đẹp đẽ đã qua kia đấy. Chính cái trữ lượng tình cảm thiêng liêng ấy đã làm cho anh chao đảo và không muốn ký chút nào. Đúng như thế. Rõ ràng đúng như vậy. Cái tâm sáng của anh mách bảo thế!
Trong thực tế, tâm trạng của con người luôn vận động và biến đổi như đồ thị hình sin, lúc vồng lên lúc hạ xuống. Có những lúc ta chính là ta, nhưng đôi khi cũng có lúc ta không phải là ta đâu! Tôi muốn nói lúc ta chính là ta – đây là ta thực sự, ta vĩnh hằng, ta bản chính duy nhất. Còn những lúc ta không phải là ta – đó là ta bản sao mất rồi, là ta phẩy ( nếu ta là X, thì ta phẩy sẽ là X’ đó). Tương tự như thế, có người và người phẩy nữa cơ.
Do đó Cái thằng- tôi ngửa cổ cười sằng sặc
và bóp nát những gì tôi đã không nghe được từ âm thanh cuối thu vào một buổi sáng – chính là tôi bản sao, tôi phẩy, chứ đâu phải tôi thật sự và duy nhất bản chính đâu!
Và Cái con- em ấn chiếc bút bi vào tay tôi kia nữa, cũng là em bản sao, em phẩy, hoàn toàn không phải em thật sự và duy nhất bản chính đâu!
Tinh thần chung của bài thơ, tác giả ngầm gửi gắm là không ký. Việc ký có diễn ra chăng nữa, cũng chỉ là những người phẩy ký với nhau thôi, mà cũng chỉ là ký đại thôi đấy!
Và lạ lùng thay, người chồng ký vào tờ giấy ly hôn đâu phải tên mình, mà anh ký chữ: Yes.
Chữ này vừa có nghĩa là “vâng”, vừa có nghĩa là “có”. Đây là kết thúc mở của bài thơ – nghĩa là có nhiều cách hiểu tuỳ theo cảm nhận của người đọc. Riêng tôi, Triệu Lam Châu lại muốn hiểu rằng: Vâng, tôi xin khẳng định rằng chúng ta đã từng có những kỷ niệm đẹp như thế và buổi sáng thu nay, dẫu thế nào đi nữa, cũng sẽ trở thành một dấu ấn không bao giờ phai đâu, em nhé!
Đây là một bài thơ văn xuôi, không vần, nhưng nội dung rất hiện đại và rất hay của nhà thơ Chu Thị Linh Quang. Xin cảm ơn nhà thơ và chúng ta chờ mong chị có nhiều tác phẩm hay hơn nữa trong tương lai.
Tuy Hoà, đêm 6 tháng 10 năm 2012
trieulamchau@gmail.com
ĐT: 0983 825502
Đã đăng trên vu nho ninh binh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét