Thứ Sáu, 26 tháng 9, 2014

ĐỔI LỜI THƯA LẠI VỚI PHÓ GIÁO SƯ VŨ NHO



Vunhonb: Trên Blog này, tôi có viết bài góp lời với hai nhà thơ Mai Văn Hoan và Vương Trọng. Nhà thơ Mai Văn Hoan có ghé trang và có bài trao đổi lại. Xin trân trọng giới thiệu với mọi người và cám ơn nhà thơ Mai Văn Hoan!

             ĐỔI LỜI THƯA LẠI VỚI  PHÓ GIÁO SƯ VŨ NHO
                       
         Trong bài Trao đổi với nhà thơ Vương Trọng về chuyện Thúy Kiều nhớ ai, tôi mong muốn: “Giá có thêm một vài người cùng tham gia bàn luận, trao đổi thì hay biết mấy. Vì phải qua trao đổi, bàn luận mới sáng tỏ vấn đề, mới giúp độc giả hiểu đúng, hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn về kiệt tác Truyện Kiều. Và tôi thật không ngờ lần này lại được Phó giáo sư - một người mà tôi hết sức nể phúc về sức viết -  cùng tham gia trao đổi. Tôi rất cảm động khi được biết Phó giáo sư “theo dõi sát cuộc trao đổi giữa hai nhà thơ về cách hiểu một đoạn trích Truyện Kiều”. Tôi cảm ơn Phó giáo sư đã có lời động viên: “Tôi quý trọng sự tìm tòi của nhà thơ Mai Văn Hoan…”.
         Sau đây là đôi lời tôi xin thưa lại với Phó giáo sư.
         - Phó giáo sư viết: “Trong bài trả lời nhà thơ Vương Trọng, (Tạp chí Thơ số 6 năm 2014), tác giả vẫn khẳng định phát hiện của mình: “ Cụ Đào Duy Anh viết “ Sau khi Thúc Sinh về thăm quê, Thúy Kiều ở lại Lâm Tri một mình, nàng cũng nhớ cha mẹ trước rồi mới nhớ đến tình nhân” là hơi sơ suất” – Bây giờ hình như nhà thơ không tự tin lắm chăng nên mới thay “nhầm lẫn” bằng “hơi sơ suất”. Ở bài trao đổi với nhà thơ Vương Trọng tôi đã trình bày khá rõ vì sao tôi nói cụ Đào Duy Anh “hơi sơ suất” khi viết “… cũng nhớ cha mẹ trước rồi mới nhớ đến tình nhân”. Bởi trong 3 lần nhớ trước đó thì có đến 2 lần Kiều nhớ tình nhân trước nhớ cha mẹ. Chắc điều này Phó giáo sư cũng đã biết nên cho phép tôi không trích dẫn ở đây. Tôi nói cụ Đào “hơi sơ suất” là với ý ấy, còn cái việc cụ Đào Duy Anh “có sự nhầm lẫn” thì tôi đã chứng minh ở bài trước rồi,  thưa Phó giáo sư!

          - Phó giáo sư viết: “Thật ra thì  Nguyễn Du không cho ta biết nỗi nhớ này của Kiều bắt đầu từ lúc nào. Có thể ngay sau lúc “ người lên ngựa kẻ chia bào”. Nhưng vì sau đoạn nói nỗi nhớ, Nguyễn Du tả Thúy Kiều  đang thắp hương thì bọn tay chân nhà Hoạn Thư ra tay. Như thế  nên có thể suy đoán là ngày hẹn trở  về cận kề mà chưa thấy Thúc Sinh quay lại. Nhưng dù  có cho là nàng Kiều nhớ vào thời điểm ấy đi nữa, thế thì có gì là “ hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng” như nhà thơ Mai Văn Hoan tưởng tượng ra?”. Thú thực là tôi không hiểu vì sao Phó giáo sư lại đưa giả thiết nỗi nhớ ở đoạn này của Kiều “có thể ngay sau lúc “ người lên ngựa kẻ chia bào”? Hay là Phó giáo sư quên mất cái đoạn tiếp ngay sau buổi chia tay hôm ấy: Người về… Kẻ đi… . Rất may là Phó giáo sư kịp nhận ra giả thiết đó không có cơ sở nên đã thừa nhận: “Nhưng vì sau đoạn nói nỗi nhớ, Nguyễn Du tả Thúy Kiều đang thắp hương thì bọn tay chân nhà Hoạn Thư ra tay. Như thế  nên có thể suy đoán là ngày hẹn trở  về cận kề mà chưa thấy Thúc Sinh quay lại”. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi Phó giáo sư khẳng định: “Nhưng dù  có cho là nàng Kiều nhớ vào thời điểm ấy đi nữa, thế thì có gì là “ hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng” như nhà thơ Mai Văn Hoan tưởng tượng ra?”. Thưa Phó giáo sư! Chính Nguyễn Du trực tiếp diễn tả tâm trạng đầy lo lắng, đầy băn khoăn của Kiều lúc đó bằng những câu hỏi liên tiếp, riết róng chứ tôi đâu “tưởng tượng”. Nếu Phó giáo sư rơi vào hoàn cảnh như Kiều, không biết Phó giáo sư có nóng lòng không? Có sốt ruột không? Có lo lắng không?
          - Phó giáo sư viết: “Bảo rằng Kiều nhớ Thúc Sinh thì giải thích thế nào về câu thơ: Tóc thề đã chấm ngang vai/Nào lời non nước, nào lời sắt son? Nhà thơ Mai Văn Hoan vì mải mê chứng minh theo ý mình đã quên rằng, Kiều chỉ thề bồi với Kim Trọng, nói lời sắt son với chàng Kim khi lần đầu hẹn ước: Tiên thề cùng thảo một trương/ Tóc mây một món dao vàng chia hai. Bất cứ ai  đọc Kiều một cách bình thường cũng có thể nói rằng câu thơ này Nguyễn Du tả Kiều nhớ về Kim Trọng, chứ không nhớ Thúc Sinh, vì  Kiều và Thúc hai người không có thề thốt gì cả”. Riêng điều này thì tôi thông cảm với Phó giáo sư, đôi khi tuổi già làm chúng ta (trong đó có tôi) mắc chứng bệnh hay quên. Tôi xin nhắc lại để giáo sư nhớ là: Thúc Sinh với nàng Kiều cũng đã từng Chỉ non thề biển nặng gieo đến lời. Chứ đâu phải như Phó giáo sư nói “Kiều và Thúc Sinh không có thề thốt gì cả”.
          - Phó giáo sư viết: “…Không hiểu vì sao nhà thơ Mai Văn Hoan lại cố ý hiểu “ bóng dâu đã xế ngang đầu” là chỉ thời gian quá giờ Ngọ. Cứ cho là có cây dâu thật đi nữa thì bóng nó đã “xế”, lại “ngang đầu” thì phải là chiều khá sâu rồi chứ đâu phải quá Ngọ?... Rõ ràng, thi liệu văn học cổ chỉ cho phép hiểu “bóng dâu” là chỉ tuổi tác của cha mẹ, chứ chưa có trường hợp nào chỉ tuổi tác của một cô gái, lại là cô gái trẻ như nàng Kiều”. Xin thưa: khoảng cách giữa Chiều khá sâubóng xế ngang đầu xa nhau lắm! Phó giáo sư khẳng định “thi liệu văn học cổ chỉ cho phép hiểu “bóng dâu” là chỉ tuổi tác của cha mẹ”. Nếu các nhà thơ xưa nay cứ nhất nhất tuân thủ như điều Phó giáo sư khẳng định thì thơ ca sẽ nghèo đi biết mấy! Bao nhiêu cách nói ước lệ đến tay các nhà thơ chân tài như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, Tản Đà… đã được biến hóa khôn lường. Bởi vậy, việc Nguyễn Du dùng “bóng dâu” để định lượng tuổi đời của một người cảm thấy mình đang bước qua bên kia dốc cuộc đời (chứ không hẳn phải nhất nhất là cha mẹ) thì có gì là không thể!?
       - Phó giáo sư viết:  “Một sai lầm khác của Mai Văn Hoan là anh không hiểu (hay cố tình không hiểu) câu thơ Biết đâu ấm lạnh, biết đâu ngọt bùi Ấm lạnh  ngọt bùi ở đây không thể hiểu là “sự yên thân” của nàng Kiều như Mai Văn Hoan nghĩ. Ấm lạnh trong Truyện Kiều chỉ có thể được hiểu nghĩa như một cách nói “ quạt nồng ấp lạnh” (Mùa hạ nóng thì quạt cho mát, mùa đông lạnh thì ấp cho ấm)”. Văn chương vốn đa nghĩa, tôi lựa chọn cách hiểu vừa hợp với hoàn cảnh vừa hợp tâm trạng của Kiều lúc này hơn. Nếu hiểu như Phó giáo sư thì hóa ra Nguyễn Dụ chỉ lặp lại cách nói trước. Tài năng văn chương cỡ Nguyễn Du rất ít khi lặp lại nếu như sự lặp lại đó không đưa đến điều gì mới mẻ.
       - Phó giáo sư viết: “…  Thật ra thì do nhiều yếu tố (ước lệ và cả việc gieo vần) cho nên Nguyễn Du viết  bóng dâu tà tà  bóng dâu đã xế ngang đầu. Chúng ta nhớ lại đoạn Nguyễn Du tả Kiều gặp Kim Trọng :Tà tà bóng ngả về tây (câu 51), Một vùng cỏ áy bóng tà ( câu 97), Bóng chiều đã ngả, dặm về còn xa ( câu 114), Bóng tà như giục cơn buồn ( câu 167), Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha ( câu 170). Cứ câu nệ như Mai Văn Hoan thì thấy cụ Nguyễn Du làm thời gian xáo trộn hết cả!”. Theo Phó giáo sư thì “do nhiều yếu tố (ước lệ và cả việc gieo vần) cho nên Nguyễn Du viết  bóng dâu tà tà  bóng dâu đã xế ngang đầu”, tôi nghĩ điều đó Phó giáo sư nói về ai chứ nói về một thiên tài như Nguyễn Du e rằng không phù hợp cho lắm. Nói như vậy là vô tình Phó giáo sư đã hạ thấp tài năng thi ca của Nguyễn Du. Tôi xin phép Phó giáo sư thử định lượng thời gian (tất nhiên là chỉ tương đối) trong 5 câu thơ mà Phó giáo sư trích dẫn ở trên để xem cụ Nguyễn Du có “làm thời gian xáo trộn hết cả” như Phó giáo sư nói không. Vào tiết thanh minh thì Tà tà bóng ngả về tây là vào khoảng 4 giờ chiều, bóng mặt trời đang “tà tà”). Một vùng cỏ áy bóng tà là vào khoảng gần 5 giờ chiều, bóng mặt trời đã “tà” chứ không “tà tà” nữa. Lúc này mặt trời sắp lặn, hắt ráng vàng lên khắp đồng cỏ. Từ “tà tà” đến “tà” là sự dịch chuyển của mặt trời, của thời gian. “Bóng chiều” ở câu 114, “Bóng tà” ở câu 167 và “bóng chiều” ở câu 170 cũng đều xác định thời điểm mặt trời sắp lặn nhưng nghiêng về diễn tả tâm trạng nhiều hơn. Điều này, một lần nữa cho chúng ta thấy cụ Nguyễn Du rất kĩ trong việc lựa chọn từ ngữ.

          Tôi hết sức trân trọng sự “góp lời” của  Phó giáo sư. Nhưng tôi cũng xin  khẳng định lại một lần nữa rằng: Nhà văn, nhà thơ vận dụng hết sức sáng tạo, linh hoạt vốn sống, vốn kiến thức mà họ tích lũy được. Rập khuôn một cách máy móc là điều tối kị trong sáng tác cũng như trong tiếp nhận văn chương.

                                                                         Huế, 20 - 9 - 2014
                                                                           Mai Văn Hoan




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét