Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017

Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt

 Đây là chủ đề sinh hoạt thường kì, tháng 2 năm 2017 của Hội Nhà Văn Hà Nội. Diễn giả  GS TS Trần Xuân Hoài ( Bút danh Trần Gia Ninh). Tác giả là nhà khoa học tự nhiên, nhưng quan tâm đến vấn đề mà chính người Trung Quốc đặt ra : "Vì sao đã thống trị Việt Nam hơn ngàn năm mà cuối cùng Trung Quốc không thể đồng hóa Việt Nam?". Tác giả căn cứ các văn bản bằng tiếng Trung Quốc, cố gắng tóm tắt những gì mà sử sách ghi lại, góp  một phần giải đáp câu hỏi đó. Nội dung buổi nói chuyện đã được diễn giả công bố trên tạp chí Tia Sáng số 17, ngày 5 tháng 9 năm 2016.
Sau trình bày của diễn giả là phần thảo luận, phản biện, đặt câu hỏi. Vũ Nho có bình luận rằng chính trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi đã giải đáp câu hỏi trên:
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Một nước văn hiến, có nền văn hóa, văn minh phát triển, có phong tục riêng, cương vực riêng, có tiếng nói riêng ( dù phải dùng chữ Hán, nhưng tìm cách chế ra chữ Nôm để ghi tiếng nói của mình), tuy có những điểm lễ tết giống Trung Hoa ( Tết nguyên đán, Tết Trung thu,  Hàn thực...) song Việt Nam vẫn là Việt Nam.
Vũ Nho cũng nói thêm rằng Nguyễn Trãi không hề lầm khi viết " Từ Triệu Đinh lí Trần bao đời gây nền độc lập. Cùng Hán Đường, Tống Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương...". Triệu ở đây chính là Triệu Đà, người đánh bại Thục Phán. Diễn ca lịch sử nước nhà, cụ Hồ cũng nói đến Triệu Đà như là người khai sinh quốc gia độc lập ( Tôi từng xem ở bảo tàng Pác Bó). Triệu Đà lấy vợ người Thái Bình, hiện vẫn còn đền thờ ông. Mặt khác Đại Việt Sử kí toàn thư cũng ghi kỉ Triệu Đà, coi ông là người chống Hán. Chỉ vì lí do này khác ( không thuyết phục), chúng ta cố tình né tránh sự thật lịch sử.
Nhà Nghiên cứu Lại Nguyên Ân nhờ diễn giả tra cứu hộ xem Keo, từ để gọi người Kinh xuất phát từ đâu, có liên quan đến Lịch sử như thế nào. Bốc đồng lên, anh lại Nguyên Ân nói rằng chính những người dân không biết chữ, không thể nói, viết chữ Hán mới là người bảo tồn tiếng Việt, chống Hán hóa. Mọi người cười khi diễn giả hỏi lại rằng Nguyễn Du tinh thông chữ Hán, sao lại viết Kiều bằng chữ Nôm? Nguyễn Du có ý thức chống Hán hóa hay không? Còn hai ba ý kiến trao đổi sau ý kiến dài của nhà văn Trần Đình Hiến. Một buổi sinh hoạt lí thú, cởi mở.

                                        Nhà văn Phạm Xuân Nguyên giới thiệu diễn giả
                                          Diễn giả trình bày
                                              Người nghe

                                            Trình chiếu
                                        Bình luận
                                    Bình luận về họ Trần từ Phúc Kiến sang

                                         Bình luận của nhà thơ Trương Trung Phát
                           Dịch giả "Báu vật của đời" ( Nguyên văn Vú to mông nở - Phong nhũ phì đồn), nhà văn Trần Đình Hiến bình luận

2 nhận xét:

  1. Cảm ơn nhà văn Vũ Nho đã có bài tường thuật rất xúc tich và những ý kiến tâm huyết của chính nv Vũ Nho. Cần phải hiểu rõ lịch sử để cho hiện tại và tương lai. Muốn vậy cần phải sòng phẳng với sự thật Lịch sử, mà chuyện Triều Đình Nam Việt kéo dài gần trăm năm , chống lại nhà Hán, là một ví dụ. Hoàn toàn ủng hộ ý kiến của nv Vũ Nho

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn sự đồng cảm và chia sẻ của anh. Tôi luôn nghĩ rằng chúng ta cần có thái độ công bằng và sòng phẳng với Lịch sử và mọi thứ!

      Xóa