Thứ Tư, 26 tháng 4, 2017

MẤY THU HOẠCH KHI ĐỌC “NGHIÊN CỨU CÂU CHUYỆN VƯƠNG THÚY KIỀU” CỦA TRẦN ÍCH NGUYÊN





MẤY THU HOẠCH KHI ĐỌC “NGHIÊN CỨU CÂU CHUYỆN VƯƠNG THÚY KIỀU” CỦA TRẦN ÍCH NGUYÊN

Bản dịch Phạm Tú Châu, nxb Lao Động, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2004.

                                                Vũ Nho

Từ câu chuyện “Qua đèo Ngang” của bà Huyện Thanh Quan, qua  bác Nguyễn Khôi và Đoàn Phú, Vũ Nho liên hệ với nhà biên khảo Lại Quảng Nam. Thư từ trao đổi, bác Lại Quảng Nam mách Vũ Nho nên đọc cuốn “Nghiên cứu câu chuyện Vương Thúy Kiều”, đồng thời chỉ cho chỗ lấy tài liệu là ở nhà thơ Nguyễn Khôi.  Cám ơn các bác  Nguyễn Khôi,  Lại Quảng Nam, Đoàn Phú!


Cuốn sách của Trần Ích Nguyên cung cấp những thông tin có ích sau đây:

1.     Truyện sớm  nhất về Vương Thúy Kiều là truyện “Vương Kiều Nhi truyện” của Từ Học Mô ( 1522 -1593) dài gần 800 chữ được đưa vào quyển 15 sách Từ thị hải ngung tập khắc lần đầu năm thứ 5 niên hiệu Vạn Lịch ( 1577), sau này được nhiều sách chép lại. Từ Học Mô nghe truyền thuyết dân gian do ông già họ Hoa kể. Ngoài ra, còn có truyền thuyết dân gian về Lý Thúy Kiều được Đới Sĩ Lâm đời Minh ghi. Nội dung có khác với truyện của Từ Học Mô ( trang 23).

2.     Cuối đời Minh, đầu đời Thanh, các tiểu thuyết dựa theo tư liệu lịch sử Từ hải bản mạt của Mao Khôn, dựa vào truyện của Từ Học Mô ra đời gồm:

-         Vương Kiều Nhi truyện của Dư Hoài (1616-1693) có trong Ngu sơ tân chí của Trương Triều sưu tập.

-          Truyện Hồ Tổng chế xảo dụng Hoa Đệ Khanh, Vương Thúy Kiều tử báo Từ Minh Sơn của Lục Nhân Long.

-         Truyện Hồ Thiếu bảo bình nụy chiến công của Chu Thanh Tuyền.

-         Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (1636 -1708).

Các hý khúc gồm:

-          Thu Hổ Khâu của Vương Long

-         Hổ phách chủy của Diệp Trí Phỉ

-          Song Thúy viên của Hạ Bỉnh Hoành

-         Lưỡng hương hoàn  khuyết danh

3.     Kim Trọng và A Kiều, văn học dân gian sưu tầm ở Quảng Tây

Bản sưu tầm lần đầu của Lý Hướng Dương 1984

 Tác giả Trần Ích Nguyên sưu tầm lần 2 năm 1999

Ba người Trung Quốc gốc Việt là Nguyễn Văn Long, Tô Duy Quang và Bùi Vĩnh Bân kể. Họ là  con cháu người Việt sang Trung Quốc từ 4, 500 năm trước sống ở ba đảo Vạn Vĩ, Vu Đầu và Sơn Tâm thuộc huyện tự trị các dân tộc Phòng Thành.   Những người này đã  nhớ Truyện Kiều của Nguyễn Du trong các khúc hát  đối đáp cáp đình. Nội dung truyện “Nguyễn A Kiều và Bùi Kim Trọng” có khác với Truyện Kiều. Bản sưu tầm 1984  Vũ Nho tóm tắt như sau:


          Một nhà tài chủ họ Nguyễn sinh được hai cô gái A Kiều và A Vân xinh đẹp nổi tiếng.  Ông không cho con ra khỏi nhà sợ sinh chuyện. Tiết thanh minh, 2 cô vật nài cho đi chơi. Hai cô dừng trước mộ Đàm Tiên. Cô chị thương cảm người nằm dưới mộ, cô em thì cười chị. Bùi Kim Trọng,  công tử con nhà giàu  cũng đi chơi, thấy Thúy Kiều như bị cảm, có ý định giúp đưa về nhà. Kiều từ chối. Kim Trọng sau đó tương tư, quanh quẩn gần nhà Kiều. Chàng biết Kiều bị ốm nặng sau lần đi chơi, bèn mạo xưng là thầy thuốc. Ông bố thấy Kim Trọng chưa có râu, không tin vào y thuật, nhưng cũng cho vào. Thì ra Kiều tương tư, trông thấy chàng đã bớt ốm vài phần. Kim Trọng được mời ở lại chữa bệnh. Ngày nào Kim Trọng cũng gần gũi, nên Kiều khỏi hẳn.

Kim Trọng về nhà, bị cha tra vấn, Kim Trọng nói dối là ở  chơi nhà một người bạn. Ông bố nhốt vào thư phòng bắt đọc sách.

          Ngày mười tháng sáu, mọi người đua nhau đến cáp đình tế lễ tổ tông. Kim Trọng đến chủ ý gặp A Kiều, nhưng đông  người quá, không gặp. Thất vọng, Kim Trọng ra về, đến gốc đa, nhặt được chiếc cặp tóc bằng vàng. Biết là của A Kiều, Kim Trọng đi tìm và hát: “Kim đối kim, kiệu đối kiệu/ Vô tâm rơi kim trên đất này/ Có lòng tìm Kim hãy hỏi anh/ Được cặp chớ khóa tơ tình lại”. Kiều hát đáp lại : “Kim đối kim, kiệu đối kiệu/ Rơi kim đã lâu sốt ruột nhiều/ Gần đây tơ tình khó khóa nổi/ Không ra người, quỷ cũng không ra”. Hai người  gặp nhau, Kim Trọng trả cặp, kèm đôi khuyên đeo tai làm vật đính ước. A Kiều cũng tặng lại chiếc nhẫn. Hai người thề non hẹn biển có cây đa làm chứng.

          Kim Trọng về nhà nói với cha về chuyện cầu hôn A Kiều, bị cha mắng cho một trận và ra lệnh “nếu Kim Trọng không học đỗ trạng nguyên thì không cho cưới vợ” và đuổi về thư phòng. Kim Trọng  giận cha, nhưng mẹ khuyên giải, nên quyết chí học hành. Trước khi đi thi, Kim Trọng sai một đứa hầu nhỏ đem thư cho A Kiều hẹn chờ chàng đỗ đạt sẽ  về cưới nàng.

          Một gã lái buôn nghe nói nhà họ Nguyễn có hai gái đẹp bèn mượn cớ xin nghỉ trọ. Thấy Kiều, gã mê mẩn, xin cầu hôn. Nhưng cha nàng không tin lái buôn gian trá, ở nhà đã có vợ con, quanh năm đi xa nên từ chối thẳng thừng. Gã lái buôn mua chuộc quan phủ, vu cho nhà Kiều lấy mấy chục súc tơ lụa. Quan phủ ăn tiền, sai lục soát, tra khảo. A Kiều không đành nhìn cảnh đó, bằng lòng bán mình cho gã lái buôn để chuộc cha. A Kiều dặn lại A Vân chuyện đính ước và trao khuyên tai cho Vân. Gã lái buôn có Kiều nhưng nàng chỉ khóc lóc, không ăn uống. Sợ mất cả người lẫn của, gã lái buôn bán  Kiều cho gia đình nhà quan làm nàng hầu. Hai cha con nhà quan đều mê Kiều. Tuy là hầu của bố, nhưng khi bố vắng, con trai lại đến trêu ghẹo. Kiều mách phu nhân và con dâu, nhưng cả hai chửi mắng, đánh đập Kiều. Kiều định tự tử. Quan ông biết chuyện mắng con trai và con dâu. cả nhà cãi lộn. Mẹ chồng, nàng dâu vào hùa bán Kiều cho bọn lầu xanh.

          Mụ chủ lầu xanh  xây cho Kiều lầu hoa, có người hầu hạ, lại dạy lễ tiết, ca hát, chưa tới nửa năm cầm kì thi họa, sáo nhị đàn hát thứ nào Kiều cũng thạo. Một hôm mụ bắt Kiều tiếp một lão già bụng phệ. Kiều né tránh. Mụ chủ rót rượu cho Kiều uống rồi giục đi nghỉ. Đó là  rượu thuốc mê. Trưa hôm sau Kiểu mới tỉnh, thấy mụ chủ thay áo cho lão già, biết là mình đã thất thân, Kiều bèn gọi tên Kim Trọng rồi đâm đầu vào cột tự tử. Nhưng Kiều không chết. Mụ chủ quát mắng và nói “ món nợ” chưa trả xong thì chưa thể chết. A Kiều đành phải sống tiếp khách với biệt hiệu “ Mỹ nhân băng giá”. Kiều gặp Từ Hải, một thượng tướng quân, bỏ nghề võ theo nghề buôn. Từ Hải biết chuyện của Kiều, muốn chuộc nàng ra và giúp báo thù. Từ Hải hẹn Kiều chờ. Nhưng sau Kiều nghe tin Từ Hải  đã chết vì “ giẫm chân nhảy lên ngã xuống đất” khi hối hận bỏ  nghề võ theo buôn bán, trao trả hết binh quyền. Tan mộng làm lại cuộc đời, Kiều trốn đến một ngôi chùa đi tu. Nhưng sư sãi ở chùa không chịu nổi sắc đẹp của Kiều, vị trưởng lão coi chùa đành mời Kiều đi nơi khác. Khi kiều ra khỏi chùa bị mụ chủ lầu xanh bắt lại.

          Kim Trọng đỗ trạng. Nhà vua cho làm Phò mã. Kim Trọng lạy tạ và nói rõ nguyên do. Vua khen ngợi phú quý không phụ tình xưa. Kim Trọng về nhà nhưng không thấy A Kiều. Một mặt cho người đi tìm A Kiều, mặt khác cho đón bố mẹ và A Vân về một ngôi nhà mới. Kim Trọng xử lại vụ án oan của họ Nguyễn, trừng trị tên lái buôn hại người. Không tìm được Kiều, Kim Trọng cưới A Vân làm vợ.

           Từ khi chia tay Kiều đã 15  năm, Một hôm Kim Trọng đến ngôi chùa bên sông Tiền Đường, thấy một phụ nữ tọa thiền trên chiếu. Nhìn kĩ, chàng kêu to: - A Kiều! Cả hai  “ bốn mắt nhìn nhau, lệ rơi ngàn giọt”. Thì ra mụ chủ thấy A Kiều buồn phiền, nhan sắc suy giảm, đem bán nàng cho nhà chứa hạng xoàng. Kiều trốn khỏi nhà chứa, nhảy xuống sông tự tử, may được nhà chài vớt lên, đưa đến chùa để nàng đi tu.

          Kim Trọng đón Kiều về gặp lại cả nhà.

Kim Trọng nài  Kiều cùng với Vân họp thành một nhà. A Kiều im lặng hồi lâu, mãi sau mới than rằng :

-         Mười lăm năm  mưa mưa gió gió, trăng đã khuyết mà hoa đã tàn rồi.

Kim Trọng nghe xong, nặng tình vô hạn nói :

-          Trăng khuyết rồi trăng lại tròn, hoa tàn rồi hoa lại nở!
Bản sưu tầm của Lý Hướng Dương kết thúc bằng hai câu đối đáp trên.


4.     Ảnh hưởng của Kim Vân Kiều truyện ở nước ngoài rõ rệt hơn ở Trung Quốc.

Đối với Nhật Bản

-         Năm thứ 18 niên hiệu Càn Long ( 1754), truyện đưa sang Nhật Bản.

-         Năm 1763, Tây Điền Duy Tắc dịch và xuất bản lấy tên là “Tú tượng thông tục Kim Kiều truyện” gồm 5 quyển.

-          Khúc Đình Mã Cầm ( 1767 -1848) cải biên thành tiểu thuyết Nhật có tên “ Phong tục kim ngư truyện”.

-         Các tác phẩm khác của Nhật như Giải cấu vật ngữ, Phục cừu kì đàm an tích chiểu, Anh Cơ toàn truyện thự thảo chỉ, Tiêu chú viên chi tuyết, Triêu nhan nhật kí cũng rõ ràng chịu ảnh hưởng KVKt. “ Như thế KVKt quả thực đã có tác dụng thúc đẩy văn học giai đoạn sau thời Giang Hộ Nhật Bản phát triển” ( lời  Đổng  Văn Thành ) ( trang 27).


Đối với Việt Nam

-         Nguyễn Du đã dựa vào KVKt để viết Truyện Kiều gồm 3254 câu 22.398 chữ.

-         Lưu ý quan trọng là Phạm Quỳnh đã từng chủ trương Nguyễn Du tham khảo “Truyện Vương Thúy Kiều” của Dư Hoài mà sách “Ngu sơ tân chí” chép. Học giả Trung Quốc - Tưởng Tinh Dực cho rằng Truyện Kiều còn chịu ảnh hưởng của hý khúc “Song Thúy viên” của Hạ Bỉnh Hoành. Ông Trần  Ích Nguyên cho rằng cần trao đổi thêm về 2 thuyết này.

-         “ Nguyễn Du được nhân dân Việt Nam coi là nhà văn vĩ đại nhất của họ, có thể sánh ngang với Puskin của nước Nga, Ban dắc của nước Pháp, Khuất Nguyên hoặc Tào Tuyết Cần của Trung Quốc” ( tr 28).

-         Một phát hiện thú vị là ở Việt Nam, đã có bản dịch thơ Nguyễn Du ra thành tiểu thuyết chữ Hán “Kim Vân Kiều lục” và 6 bản dịch ra thơ chữ Hán hoàn chỉnh. Sáu bản dịch thành thơ chữ Hán là :

            + Vương Kim diễn tự truyện của Nguyễn Kiên kí hiệu AB.234 ở Thư viện Viện nghiên cứu hán Nôm. Sách do Lê Doãn Khôi chép tay năm 1915.

     +  Bản Thúy Kiều quốc âm dịch xuất Hán tự của Lê Mạnh Điềm. Thư viện Viện nc Hán Nôm, kí hiệu VHv.2864, 128 trang, 29 x18,5 cm.

     + Bản  Kim Vân Kiều Hán tự lục bát ca của Lê Dụ ( 1946). Thư viện Viện nc Hán Nôm, kí hiệu A.3213, 240 trang, 28,5 x 14 cm.

     +  Việt Nam âm Kim Vân Kiều ca khúc dịch thành Hán tự cổ thi của Từ Nguyên Mạc ( Tuần phủ Lạng Sơn). Thư viện Viện nc Hán Nôm, kí hiệu A.3205, 208 trang, 22 x 17 cm. ( 1906)

    + Kim Vân Kiều truyện bình giảng của Lý Văn Hùng ( Dịch giả Hoa kiều ở Chợ Lớn). 300 trang, Công Ti ấn loát Gia Hoa ở Chợ lớn, in năm 1955.

Năm bản dịch ra thơ chữ Hán nói trên đều có thời gian thành sách sớm hơn 1958 là năm ông Hoàng Dật Cầu Trung Quốc hoàn thành bản dịch của mình” ( trang 118).

    + Hán dịch Kim Vân Kiều âm thi tập của Trương Cam Vũ, một thầy thuốc đông y Hoa Kiều dịch 1961.

Như vậy GS Trần Ích Nguyên đã khảo sát khá kĩ lưỡng kho sách Hán Nôm của Việt Nam liên quan đến Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ngoài các thống kê trên, ông còn nghiên cứu Thơ, từ ca phú liên quan đến Truyện Kiều, Các tác phẩm phỏng theo và viết nối, Tiểu thuyết hí khúc liên quan đến Truyện Kiều.

Điều đáng chú ý nhất là ông đã khảo sát 3 cuốn “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân hiện có ở Thư viện Viện nghiên cứu Hán Nôm.

-         Sách kí hiệu  A953 : 464 trang, 30x22 cm

-         Sách kí hiệu VHv. 1396/1-2 : 410 trang 30x22cm

-         Sách kí hiệu VHv. 281/1-2 : 324 trang 30x22cm

Sau khi tra kĩ nguyên bản, GS Trần phát hiện bản VHv. 1396 chính là bản do Thái Bình Nguyễn Đức Ngột sao lại năm 1957 theo bản in chữ to của Nhà xuất bản nhân dân văn học Bắc Kinh.

Một phát hiện quan trọng khác là bản A.953 chép tay trước chính văn hồi thứ nhất có một khúc từ Nguyệt nhi cao. Bản sao này ghi “Thanh Tâm Tài Tử biên thứ”. Phải chăng Tô Nam Nguyễn Đình Diệm đã dựa vào bản chính hoặc bản sao này, nên mới dịch là “Thanh Tâm Tài Tử”, trong khi hầu hết các bản dịch là “ Thanh Tâm Tài Nhân”.

Nhìn chung, GS Trần Ích Nguyên là nhà nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng, khách quan. Ông đã trực tiếp về Quảng Tây để sưu tầm truyện dân gian Nguyễn A Kiều và Bùi Kim Trọng. Ông còn giới thiệu  tiểu thuyết gia Cao Dương ở Đài Loan đã viết Thảo mãng anh hùng dựa trên những tư liệu nào về Vương Thúy Kiều. Chính ông đã nghiên cứu kĩ  tài liệu Hán Nôm của Việt Nam và cung cấp tư liệu, cũng như những nhận xét giá trị. Thái độ khách quan, khoa học của ông thể hiện rõ khi ông phê phán nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành với hai kết luận võ đoán, hẹp hòi :  - “ Nhìn tổng thể, tôi cảm thấy Truyện Kiều của Nguyễn Du bất kể về nội dung hay về nghệ thuật đều chưa vượt qua  trình độ của Truyện Kiều Trung Quốc - bản gốc mà nó mô phỏng”. – “ Tóm lại, tuy Nguyễn Du tách biệt khỏi những chi tiết được miêu tả trong tiểu thuyết nguyên tác không nhiều, nhưng tuyệt đại đa số đều không đạt được mức tư tưởng nghệ thuật của nguyên tác” ( trang 136). Tuy vậy, GS Trần cũng không cho là Đổng Văn Thành hẹp hòi, chủ quan. Ông có nêu nguyên nhân khác biệt  giữa Đổng Văn Thành với Trần Quang Huy ( học giả Đài Loan du học ở Việt Nam) là do ngoài yếu tố dân tộc chủ nghĩa, liên quan đến mức độ tinh xác của bản dịch Truyện Kiều ra Hán văn  lí tưởng.

          PGS TS Phạm Tú Châu, người dịch cuốn sách này đã viết  rằng  với  tinh thần  hoài  nghi khoa học , kính  yêu nghề  nghiệp , tinh thần  trượng  nghĩa “Trần Ích Nguyên đã cắm một cái mốc chính xác và vững chắc để những ai đi sau chỉ cần bước tiếp từ mốc này”. Đó là một đánh giá rất cao về tác giả và cuốn sách.

                                  25 tháng 4 năm 2017




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét