Thứ Ba, 1 tháng 7, 2025

KHÔNG CHỈ CÓ BA NGƯỜI...

 

KHÔNG CHỈ CÓ BA NGƯỜI…

Tiểu thuyết “Ba người cùng làng” của Hữu Đạt, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2024

                       Nho

NHÀ VĂN VŨ NHO


      Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà văn Hữu Đạt là một người “đặc biệt”. Nói như vậy vì anh là người được đào tạo thành nhà nghiên cứu.  Anh đã rất thành công trong lĩnh vực ngôn ngữ học với nhiều công trình được đồng nghiệp, bạn bè và sinh viên đánh giá cao. Nhưng không chỉ có thế. Tư duy nghiên cứu không hề ảnh hưởng đến tư duy sáng tác, dù rằng đây là hai kiểu tư duy rất khác biệt mà thường thì ít người có được cả hai.  ( chỉ hiếm hoi có GS Hà Minh Đức, GS.TS. Nguyễn Thanh Hùng, GS.TS.  Lê Văn Lân ( Mã Giang Lân) và PGS.TS. Phạm Quang Long). Hữu Đạt đặc biệt vì trong lãnh vực nghiên cứu, anh là người thành công. Nhưng lĩnh vực sáng tác, anh cũng có nhiều thành tựu nổi bật. Không nhiều nhà nghiên cứu lại có gia tài văn xuôi gồm kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết phong phú như một nhà văn chuyên viết văn xuôi.  Anh viết cả ca kịch, kịch nói, truyện, rồi kịch bản phìm truyền hình, cuốn chân dung nổi tiếng các giáo sư khoa Văn trường Đại học Tổng hợp “Văn khoa chân dung kí’. Anh còn có hai tập thơ, một tập trường ca. Anh đã có 9 tiểu thuyết từ “Ngọn lửa tình yêu” (1987) đến “Cổng trường thời mở cửa” ((2006). “Ba người cùng làng” là cuốn tiểu thuyết thứ mười của anh. Sẽ là thiếu sót nếu không kể đến cuốn sách “Kì bí đi tìm y lí phương đông” liên quan đến lĩnh vực Y học. Một sức làm việc đáng kính nể,

            Với tiểu thuyết “Ba người cùng làng”, nhà văn viết về ba nhân vật chính của làng Lông Bông là Trưởng phòng Nguyễn Văn Diện, Tiến sỹ Phan Kì Nhân và tướng Đổng, chồng của Đoàn Thị Mây. Nhưng đấy là ba nhân vật chính thôi. Cô Mây, người kể lại câu chuyện ba người là người thứ tư. Điều thú vị là ba chàng Diện, Đổng, Kì Nhân đều từng thầm yêu Mây, nhưng Mây chọn Đổng. Dẫu chỉ nói về ba người cùng làng Lông Bông, nhưng câu chuyện lại phản ánh hình ảnh cuộc sống thu nhỏ của xã hội thời hiện tại. Ở đây có những nhân vật lẫy lừng, Bộ trưởng Võ Hồng Vương thành củi vào lò, nhà doanh nghiệp Võ kiếng (Phan Ân Võ) khét tiếng từng tuyên bố với Chủ tịch tỉnh “Này, ông có thích ngồi đây hay muốn tôi bứng đi chỗ khác”. Chủ tịch tỉnh phải cắp cặp đến tận nhà xin lỗi. Có Chủ tịch xã Nguyễn Văn Vạn. Có nhà thơ lừng danh Phan Chí Cao được chủ tịch xã và dân xếp trên cả giáo sư, Tiến sĩ. Lí do là “Giáo sư, Tiến sĩ thì ở huyện này, nhiều xã cũng có. Nhưng nhà thơ…vâng nhà thơ…thưa bà con cả huyện này chỉ có một. một nhà thơ Phan Chí cao là duy nhất” (tr.231).

            Qua ba nhân vật Diện, Đổng, Kì Nhân, người đọc biết được tình trạng chạy dự án, tình trạng học thành Tiến sĩ thật và “tiến sĩ vãng lai”, tình trạng mua bán luận văn thạc sĩ, Tiến sĩ; trình trạng khổ sở của bệnh nhân và người nhà khi bệnh viện quá tải; tình trạng  thầy thuốc “Nhoằng một cái thành bác sĩ, tiến sĩ” nhưng người ta bị tật ở chân phải lại đi cưa chân trái” (tr.104);  con trai thầy Phạm Thịnh bị sốt xuất huyết nặng nhưng cả Xanh Pôn lẫn Việt Đức không tìm ra bệnh, suýt nguy đến tính mạng;  rồi tình trạng gia đình bị cuốn vào trào lưu xã hội, mỗi người một việc, một giờ ăn uống nên chẳng còn “ bữa ăn truyền thống” nữa. Như lời nhân vật Mây, người kể chuyện: “bây giờ cuộc sống no đủ hơn nhiều, nhưng không khí ấm áp trong gia đình dường như lại trở thành món hàng đắt giá đến nỗi tôi có cảm giác dùng bao nhiêu tiền cũng khó mua được nó” (tr. 214). Ba nhân vật cùng trong cái làng nhỏ bé nhưng cùng với ba người đó là “bao nhiêu số phận, bao nhiêu kiếp người” từ hồi Cải cách ruộng đất đến thời đổi mới bây giờ.

            Người làng đầu tiên được nói đến là Diện. Trưởng phòng Giáo vụ một trường Đại học lớn Nguyễn Văn Diện. Anh sống hiền lành, lương thiện. Vợ chồng anh từng là hình mẫu khiến bạn bè mơ ước. Ngay cả cô Mây, người kể chuyện cũng thú nhận: “Đó là cuộc hôn nhân đã một thời làm cho tôi ngưỡng mộ, vì nó là biểu tượng của sự xây đắp cuộc đời giữa một người lính trở về sau chiến tranh và một cô sinh viên xinh đẹp” (tr. 82). Do Nga được cử đi làm chuyên gia ở Cam pu chia, nhờ chu trình buôn bán quay vòng của Nga mà kinh tế nhà Diện khá nhất trong những người bạn. Mây, người kể chuyện đã đánh giá chân thành: “Đối với tôi, những năm tháng này cuộc sống của vợ chồng Diện như một mẫu hình của hạnh phúc, còn hai người, giống như một cặp đôi hoàn hảo”. Thế nhưng, … không ngờ cái mẫu hình hạnh phúc ấy lại tan vỡ, cặp đôi “hoàn hảo” lại biến thành cọc cạch khi Nga nhất quyết bỏ Diện, vì anh không đáp ứng được nhu cầu tình dục… Diện đứt gánh. Nhưng may mắn lấy được cô sinh viên bán quán cà phê trẻ đẹp. Lại sinh được hai con trai để nối dõi tông đường. Nhưng, lại một bất ngờ nữa hóa ra cuộc tình đó là một cuộc lừa đảo. Mai Ngọc lấy Diện, nhưng vẫn thậm thụt đi lại với người tình cũ. Hai đứa con trai có với Diện hóa ra không phải con anh. Việc xét nghiệm AND đã rành rành không còn gì nghi ngờ. Không những thế, Diện còn bị cô Mai Ngọc kiện ngược, đòi chia tài sản làm 4 phần, Diện chỉ được một. Sau tòa xử chia đôi, Diện không đủ tiền trả Mai Ngọc nên chịu nhận 4 tỉ và rời ngôi nhà anh một đời tích cóp. Vì anh hiền lành quá, vì anh tin người quá nên thua cô vợ gian ngoan. Kết cục anh sẽ về quê ở với người mẹ già sống cô đơn không nỡ ra thành phố.

            Người làng thứ hai được kể đến là Tiến sĩ Phan Kì Nhân. Cuộc đời nhân vật này cũng li kì khác thường. Võ kiếng, người cùng làng nói về Kì Nhân: “cái thằng cha Phan Kì Nhân nó học hành kiểu gì mà hôm trước khoe với tôi mới bảo vệ luận án Tiến sĩ. Ông còn nhớ chứ, thời cùng học với bọn mình, hắn học dốt nhất, lần nào bị gọi lên bảng, miệng cũng ú ớ như ngậm hột thị. Khi hết phổ thông, thi mấy kì mới vào được cái ngành Đại học văn chương nhờ thêm điểm con liệt sĩ và thành tích bắn máy bay Mỹ […] Không biết hắn “chạy” kiểu nào, bây giờ lại làm xong tiến sĩ rồi. Thật quých quá” (tr.56). Với Võ kiếng, tiến sĩ Phan Kì Nhân “có dấu hiệu “cheng cheng”. Còn Đổng, chồng Mây thì nhận xét “ Thời phổ thông, gã ì ạch như rùa, thi hai ba lần đều trượt đại học, nhưng rồi cuối cùng vẫn thành sinh viên. Học ở khoa văn chương, năm nào cũng phải thi lại. Ấy thế mà, sau lại chiếm được cái bằng tiến sĩ. Gã ấy thì biết gì về triết học mà lại có bằng tiến sĩ triết học!” (tr. 188). Chính Phan Kì Nhân cũng thú nhận việc “mua” chương tổng quan cho luận án của mình: “Thuê viết cả cục thì mình không có tiền. Nhưng cái chương quan trọng thì nói thật, cũng phải chi ra đôi chục, vì đó là chương tổng quan và lí luận. Đây là chương khó nhất, đòi hỏi phải có khả năng tư duy khái quát cùng với thời gian để đọc các tài liệu. Mà mình thì các bạn biết đấy, làm biên tập, suốt ngày đã đọc toét mắt ra, còn đâu thời gian đọc các công trình phục vụ luận án? Cũng may, dạo đó, công sá còn rẻ chứ không như bây giờ” (tr.123).      Dân làng thì chả coi luận án tiến sĩ của Phan Kì Nhân là gì “Cái học vị Tiến sĩ bây giờ khó tin lắm, chẳng biết hư thực ra sao. Trên các báo mạng, người ta đưa đầy các tin về mua bán bằng cấp, luận án, luận văn, Chẳng biết chú Phan Kì Nhân có viết luận án hay lại đi mua ở chợ? Mà nghe nói, đó là tiến sĩ về nghiên cứu Lịch sử Đảng mới lạ! Lịch sử Đảng thì rõ ràng, chẻ hoe ra đấy, có gì mà phải nghiên với chả cứu?” (tr.46 -47).

Gia đình Diện – Nga đổ vỡ vì Diện không đủ sức khỏe phục vụ nhu cầu của Nga. Còn gia đình Phan Kì Nhân đổ vỡ vì vợ cả dâm đãng cho anh mọc sừng. Thúy Giang, người vợ thứ hai thì không đủ sức phục vụ nhu cầu tình dục rất lớn của chồng, không chịu nổi tính gia trưởng, lỗ mãng và ghen tuông của anh. Cô Lam, cháu ông bạn cờ thì lấy Phan Kì Nhân để có chỗ trú thân. Ban đầu Phan Kì Nhân hãnh diện vì vợ trẻ. Nhưng khi anh bị con trai vợ cả đánh gẫy chân, phải nằm viện thì nói về ba người vợ của mình với giọng yếm thế: “Toàn là lừa đảo, lừa đảo hết ông ạ. Tôi bất hạnh lắm. Tôi bất hạnh chỉ vì tôi ngu. Hết sức ngu ông ạ” (tr. 217).

            Một điều kì lạ là bản thân cũng phải thuê viết một chương của luân án Tiến sĩ. Thế mà sau đó Phan Kì Nhân lại đi viết thuê luận án cho người khác. Anh không cho rằng điều đó không những trái với đạo đức người làm khoa học mà còn vi phạm pháp luật nữa. Mồm thì nói đạo đức của người Đảng viên, nhưng tay thì viết thuê luận án. Bị bạn học là Đổng phê phán quyết liệt, nhưng Kì Nhân “luôn một mực cho rằng, trong thời buổi quan tham đầy rẫy như bây giờ thì việc anh viết thuê luận án vẫn là thứ lao động chính đáng” (tr. 239). Một “tiến sĩ vãng lai” như Phan Kì Nhân, lại viết thuê đến “hàng chục luận án tiến sĩ” như lời ca ngợi của Chủ tịch xã Nguyễn Văn Vạn cho thấy trình độ các tiến sĩ, nhất là các quan chức không có thì giờ học hành,

            Người thứ ba là Đào Văn Đổng, chồng của Mây. Cả hai vợ chồng nhà này đã trải qua hoàn cảnh khó khăn trong đời sống. Cuốn thuốc lá hì hụi nhưng không thành công. Bán bia “sinh tố” thì được một lần, lần sau trục trặc, giở khóc dở cười vì không trả lại được hàng bị người dùng tẩy chay. Lỗ nặng! Đổng may mắn quen được Võ kiếng. Nhờ anh bạn người làng hỗ trợ, vợ chồng Đổng chạy được Dự án. Nhờ tài khéo léo của Mây nên Giám đốc Bùi Công Chất chọn Đổng (mới là thạc sĩ) chứ không chọn TS. Trần Mạnh Tiến kế vị. Đổng cùng Mây qua Diện để liên hệ với các thầy luyện thi, chấm thi. Thế là Thảo, con gái họ đủ điểm vào Đại học. Hai người trả công cho Diện bằng phong bì và trả công cho thầy tương đương một xe máy đắt tiền. Mây cùng Đổng, với sự giúp đỡ của Đại tá Lê Văn Núi, Phan Ân Võ (Võ kiếng) và vị Thứ trưởng còn “chạy” qua 32 cửa để Đổng được lên tướng, dù hồ sơ của anh quá tuổi một ngày. Hai người bạn đều khen vợ chồng Đổng Mây là hạnh phúc nhất. Họ đâu biết “Có biết bao cuộc cãi vã giận hờn giữa tôi và Đổng mà đơn li dị đã được kí xong, xếp vào tủ cao đến hàng mét” (tr. 165). Mây đau xót vì Đổng có con riêng mà cái Thảo đã về tận nơi để điều tra. Nhưng Mây không đủ sức để dứt bỏ Đổng. Mây cũng không làm ầm lên vì chuyện Đổng có con riêng. Cô biết rằng nếu tổ chức điều tra ra, Đổng sẽ bị khai trừ khỏi Đảng, đồng nghĩa với mất hết chức tước và quyền lợi. Ấy là chưa kể Mây sẽ li hôn. Con cái đứa ở với cha thì không mẹ, đứa ở với mẹ thì không có bố. Thế nên trong con mắt mọi người, gia đình Đổng Mây vẫn là một gia đình thành đạt, hạnh phúc!

            Như thế là ba người cùng làng, ba anh xếp vào hàng ngũ trí thức thì gia đình đều có vấn đề. Diện, Kì Nhân thì tan vỡ, còn Đổng thì không vỡ, nhưng cũng chỉ là hạnh phúc yên ấm bề ngoài,

            Đây là tiểu thuyết thứ mười của nhà văn Hữu Đạt. Anh đã có kinh nghiệm viết các tiểu thuyết trước. Cuốn sách không dài, nhưng đặt vấn đề cảnh báo nhiều chuyện của xã hội: Việc làm dự án, việc học hành thi cử của lớp trẻ, việc chạy chức, chạy quyền, việc đào tạo tiến sĩ chính ngạch và “tiến sĩ vãng lai”, việc tan vỡ của các gia đình, việc khổ sở của bệnh nhân, việc hội làng, hội đồng môn, đồng hương,

            Điều quan trọng nhất của một tiểu thuyết là dựng được các nhân vật có tính cách và số phận hấp dẫn.  Cùng với điều đó là cách dẫn chuyện uyển chuyển, cuốn hút người đọc. Tuy là tất cả đều do một nhân vật (cô Mây, vợ Đổng) kể lại, nhưng tác giả xử lí rất linh hoạt. Có kể, có tả, có đối thoại, có phân tích tâm lí, … bởi vậy mà đọc rất vào. Việc chỉ kể qua nhân vật xưng tôi này, có một nhà văn khác cũng rất thành công là Nguyễn Phúc Lộc Thành trong tiểu thuyết 4 tập gần 2000 trang “Cõi nhân gian”.

            Xin chúc mừng thành công của nhà nghiên cứu, nhà văn Hữu Đạt.

                                           Hà Nội, 13 tháng 3 năm 2025

           

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét