Thứ Hai, 24 tháng 6, 2013

Đọc HỒN TRÈM của Đường Văn







                                   
Đọc “Hồn Trèm”
của Đường Văn

(BẠT)
HOÀNG DÂN

Người già thường sống bằng hồi ức. Bởi hào quang hồi ức bao giờ cũng lung linh vẻ đẹp chân thành, da diết. Tôi thường nói vui với các bạn già: “Trẻ con bây giờ không có tuổi thơ!”. Đó là cái tuổi thơ gắn bó với luỹ tre làng, ao làng, giếng làng, đường làng, cổng làng, cánh đồng, dòng sông… Không có tuổi thơ ấy, tâm hồn con trẻ sẽ nghèo đi biết bao? Và sau này, khi đến tuổi xế chiều như chúng ta bây giờ, kí ức của chúng liệu còn lại những gì? Nói thế nghe có vẻ hoài cổ, cực đoan; nhưng thử ngẫm kĩ mà xem, xưa nay những làng quê ở đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam từng được “đóng đinh” vào kí ức người Việt ta với những biểu tượng điển hình như: luỹ tre, cây đa, bến nước, sân đình… Đó là những biểu tượng đã từng được tạo dựng và tôn vinh cả ngàn năm. Nhưng chỉ cần vài năm là  xoá  sổ “sạch bách” (chữ dùng của Đường Văn) thì có đau xót không? Và nỗi đau xót vì sự “tông hổng” (chữ trong câu “Tông hổng như cổng làng Trèm!”) ấy liệu có trở thành một khuyết tật trong tâm hồn của trẻ em làng Trèm hôm nay, nói riêng, trẻ em đồng bằng Bắc Bộ nói chung, hay không?
Tôi đồng ý với nhà văn Nguyễn Hiếu: “Giọng tản văn, nhìn chung, bao giờ cũng hơi buồn; vì nó là thể loại bộc lộ rõ nhất cái chủ quan, cảm xúc của người viết về con người và cuộc sống”. Viết về những cái đẹp từng là niềm tự hào một thời tính bằng trăm năm, thế mà đã bị “bức tử” một cách thô bạo chỉ trong vài năm; sao có thể vui cho được?!
Sau khi đọc tập “Thập ngũ Trèm hương”, ấn tượng của tôi về làng Trèm trong hồi ức của Đường Văn, thật sâu sắc.
Có ấn tượng ấy bởi; thứ nhất, Đường Văn tỏ ra là một trong những “thổ công làng”. Tác giả đã cung cấp cho người đọc những hiểu biết khá đầy đủ, tỉ mỉ về một vùng quê; thứ hai, quê tôi (làng Cầu Bây, xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm cũ) cũng có nhiều “hiện vật” (đình, chùa, cổng, ao, cánh đồng…) và “sự cố” (nạn đập phá hồi CCRĐ) tương đồng nên có sự đồng cảm đặc biệt.
Người viết đã có những thành công nhất định khi dựng lại chân dung tâm hồn của làng Trèm một thuở, do đó cái tên chung của tập tản văn: “Hồn Trèm” dường như hàm chứa một tình cảm yêu quí, tự hào và cả tiếc nuối, xót xa đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Trong tập tản văn này, tôi thích nhất bài “Hỡi ơi! Cổng làng Trèm!...”
 Đây là một bài viết có sự khảo cứu, so sánh, đối chiếu khá kĩ lưỡng; lại được lồng trong một mạch cảm xúc xuyên suốt là nỗi nhớ tiếc, nỗi buồn, thậm chí là nỗi đau, nỗi tủi về một cái cổng làng đã “chết” một cách oan khiên, tức tưởi, mà chưa biết đến kiếp nào cái cổng ấy mới có cơ hội “đầu thai” trở lại?!
Đọc kĩ 2 “trường đoạn”; một, từ: “Và cũng không phải, chỉ riêng cổng làng Trèm tôi bị nhất loạt san bằng…” đến “…thì cho đến nay tôi vẫn chưa khảo cứu được xuất hiện tự bao giờ!?” và hai, từ: “Đầu những năm 60 thế kỉ trước, tất cả những cổng làng, cổng xóm, cổng ngõ lớn, nhỏ ấy của làng Trèm tôi đều bị phá, bị dỡ, bị san thành đất bằng, sạch bách!...” đến “… nỗi bức xúc chính đáng đòi được giải toả càng sớm càng hay…”
tự nhiên tôi cũng thấy buồn, một nỗi buồn vu vơ nhưng vô cùng thấm thía! Bởi tôi cũng từng có 15 năm tuổi thơ gắn bó với một làng Cầu Bây na ná như vậy. Nay, sau nửa thế kỉ, nó chỉ còn đường bê tông và nhà ống! Không cổng làng! Chùa làng xây lại, đình làng làm mới hoàn toàn…
Tuy nhiên, tôi lại chưa thật chia sẻ với ước mơ cháy bỏng của người viết, khi ông bật lên tiếng kêu thảng thốt:
 Ới ơi cổng làng! Cổng làng quê thân yêu của tôi phải bao nhiêu tháng năm nữa mới lại từ trong hồi ức thẳm buồn trở thành hiện thực để sánh vai cùng những chiếc cổng làng bạn ven đê?”.
Hoài Thanh từng nói, đại ý: “Đã là xác chết, cho dù có là xác chết của một người đẹp thì cũng đành đem… chôn đi thôi!”.
Cái cổng làng đã chết thì hãy để nó chết!
Thà nhớ về một cái cổng làng lung linh trong hồi ức qua những lời kể, những trang văn còn hơn là thấy một cái cổng làng… một tuổi! Biết đâu nó lại chẳng giống như cái “lò gạch” (thành nhà Mạc sau khi trùng tu) ở Lạng Sơn, cái tường kệch cỡm ở thành cổ Sơn Tây, cái tháp trơ trẽn, lố bịch ở Mỹ Sơn, cái Ô Quan Chưởng trát xi măng đen sì, ngôi chùa ốp lát hào nhoáng với đèn điện sáng choang…?! Những cái đẹp đích thực vốn dị ứng với tiền! Muốn phục dựng thì phải có dự án, mà có dự án là có tiền! Có tiền là có ăn chia! Với những kẻ “xài dự án” thì “hồn quê” phỏng có nghĩa lí gì?! Gần đây nhất là vụ đại gia Trầm Bê bỏ tiền ra làm hai ngôi chùa ở tỉnh Sóc Trăng, rồi treo ảnh gia đình mình ở ngay chính điện, khắc bia tên tuổi mình chềnh ềnh cắm ở cổng lớn… thì thử hỏi con nhang phật tử bốn phương sẽ vào chùa để… dâng hương ai?!
Tôi thích bài “Hỡi ơi! Cổng làng Trèm!...”, nhưng thực ra khi có vài lời cảm nhận về bài này, tôi đã ngầm ghi nhận cả tập tản văn theo tinh thần “Qua giọt nước thấy biển cả!”. Tất nhiên, mức độ thành công ở mỗi bài viết là khác nhau. Điều đó tuỳ thuộc vào sự thẩm bình của mỗi người đọc, nhất là những người đọc vốn là những “thổ công” làng Trèm.
Chẳng hạn, với tôi, ở các bài Đình Trèm, Chùa Trèm, Ao Trèm, Đường Trèm, Đồng Trèm, Dốc Trèm, Cây Trèm, Bể trèm, Cầu Trèm… đều có những đoạn hấp dẫn không chỉ vì lạ mà còn phảng phất ý vị trữ tình hoài niệm man mác buồn, nhớ, tiếc; một trong những phẩm chất đặc trưng làm nên hồn cốt của thể loại tản văn; mà càng viết hình như càng rõ, đậm hơn. Nhưng tôi vẫn muốn tác giả tăng thêm chất tùy bút, pha thêm một chút Liêu trai hư ảo vào những câu chuyện làng quê của anh, thì người đọc hôm nay sẽ thú vị hơn nhiều!
Bài Dốc Trèm được nhất ở đoạn gợi nhớ bến phà Trèm, một trọng điểm giao thông quân sự, dân sự vùng tây bắc Hà Nội thời chiến tranh chống Mỹ.
Bài Cây Trèm, Cầu Trèm, Bể Trèm, Nhà Trèm: khi đối thoại giữa hai người bạn, khi trích những bức thư với bạn Việt kiều, làm thay đổi hình thức biểu hiện của tản văn, khiến người đọc hứng thú. Có thể sáng tạo thêm những cách biểu hiện khác, mới mẻ nữa của tản văn: Phỏng vấn, điều tra báo chí… chẳng hạn…
Tuy nhiên, một vài đoạn dẫn vào đề hơi dài dòng, chưa thật phù hợp với chủ đề, cần được cân nhắc, chọn lọc kỹ nữa.
          Bài Bể Trèm gợi tôi nhớ, tiếc, bể về cái bể nước 400 gánh nhà tôi (đã bị thằng con ông anh cả phá bỏ năm 2005 để xây nhà mới!). Đọc tản văn này, thấy bể Trèm, Từ Liêm cũng giống như bể Thạch Bàn, Gia lâm mà chưa thấy nét riêng của bể Trèm ở đâu!? Tất nhiên nhìn rõ và viết ra được điều này quả thật rất khó! Bởi lẽ, bể Trèm cũng chỉ là một trong những cái bể chứa nước mưa phổ biến và gắn bó lâu dài với đời sống của cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ.
          Nhà Trèm viết kĩ, nhưng gần với khảo cứu hơn là tản văn. Cũng không sao! Một tập hợp bài viết cũng nên và cần thay đổi giọng điệu để tránh nhàm chán. Vấn đề là phải hấp dẫn, bổ ích. Tôi thích 3 đoạn:
          1/ Số phận bi thảm ngôi nhà ngói cổ 7 gian của cụ Đồ Si. Đây là "chân dung" một thời tủi nhục.
          2/ Những ngôi nhà cấp 4 tự nung vôi, tự đóng gạch trong đói khát, tả tơi, rời rụng thật hồn nhiên mà sao ngậm ngùi, đau xót?
          3/ Những ngôi nhà cao đẹp 3 - 4 - 5 - 6 tầng lại có vẻ "đẹp" trọc phú, cũng thật hồn nhiên!
Giọng buồn nhớ nghiêm trang trong Hồn Trèm khá rõ; nhưng còn thiếu vắng giọng vui, hóm; một đặc sắc khác của giọng điệu tản văn. Thiếu cái tươi tắn, trẻ trung, nghịch ngợm mà thông minh, duyên dáng khi kể – tả – bình luận, hồi cố hay tri tân . Sự mônôtôn (đơn giọng) này làm cho không ít đoạn, bài trong tập trở nên khô khan, đơn điệu, hóa thành dở dở ương ương giữa khảo cứu khoa học và tản văn – tùy cảm nghệ thuật. Ấy là vì một số bài có cơ nghiêng nặng sang khảo cứu mà chiềng nhẹ phía tùy bút – tản văn.
Đó là những cảm nhận của tôi về giọng điệu Hồn Trèm và cũng là mong muốn của người đọc tản văn hiện đại, chân thành đổi trao để tác giả nghĩ ngợi thêm.
Bài Tiếng Trèm (Đặc sản Phương âm, phương ngữ Trèm), ngược lại, với đặc thù riêng của nó, tuy viết đã tỉ mỉ; nhưng vấn đề vẫn chưa được khảo cứu đến nơi đến chốn một cách công phu, bài bản, để rút ra những kết luận sâu sắc, thuyết phục.
Bài Bình ngắn…, có lẽ nên đưa vào 1 tập sách khác cho chủ đề cuốn Hồn Trèm tập trung hơn.
Bài thơ mở đầu Thênh thênh… Hồn Trèm, với dụng ý Thay lời Tựa, nhưng liệu đã đảm đương được vai trò quan trọng này chưa? hay chỉ làm kềnh càng kết cấu sách, trùng lặp với lời Tự bạch đã khá đủ đầy ở trên? Có lẽ nên đặt nó, với bài thơ Tháp Hàm Long Tự vào phần Phụ lục cùng các tác phẩm thơ của tác giả và của những người khác…, sẽ hợp lý hơn chăng?!

Nhìn tổng thể, sau khi đọc Hồn Trèm, với tư cách bạn bè, xin chúc mừng Đường Văn!
Bởi không phải con dân nào, thành viên làng - xã nào cũng có tâm huyết và trình độ để viết được về quê hương mình thành một tập tản văn có lớp lang, dày dặn như tập tản văn này! Ít ra, nó cũng là nguồn tư liệu quí báu cho con cháu mai sau còn được “chiêm bái” những cái đẹp có thể đã “tuyệt chủng” trong không gian thời gian, nhưng bất tử trong những lời kể và những trang tản văn… Hồn Trèm!

Thạch Bàn,
chiều thứ bảy, 4 - 25 - 5.2013
Hoàng Dân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét