Thành Ngữ Điển Tích 115 :
TRONG, TRỌNG, TRỔ, TRỘM, TRỞ, TRÚ.
Trong Dưa Dưới Mận
ĐỖ CHIÊU ĐỨC
TRONG DƯA DƯỚI MẬN chữ Nho là QUA ĐIỀN LÝ HẠ 瓜田李下 có nghĩa là "Trong ruộng trồng dưa và dưới cành cây mận". Điển tích nầy có xuất xứ từ bài thơ "Quân Tử Hành 君子行" của Tào Thực 曹植 (con của Tào Tháo) thời Kiến An đời Hán với bốn câu thơ mở đầu như sau :
君子防未然, Quân tử phòng vị nhiên,
不處嫌疑間, Bất xứ hiềm nghi gian,
瓜田不納履, Qua điền bất nạp lý,
李下不正冠。 Lý hạ bất chính quan.
Có nghĩa :
- Người quân tử phải luôn phòng bị chuyện chưa xảy ra,
- Không nên để ở vào chỗ (cái thế) dễ bị nghi ngờ, như...
- Khi đi ngang qua ruộng dưa thì không cúi mình xuống mang lại giày,
Sửa lại giày khi đi ngang qua ruộng dưa, người ta sẽ tưởng rằng mình muốn hái trộm dưa; Còn đưa tay lên chỉnh lại mũ cho ngay dưới cành mận, thiên hạ sẽ nghi ngờ rằng mình muốn hái trộm mận. Nên câu thành ngữ QUA ĐIỀN LÝ HẠ 瓜田李下 khuyên ta nên chú ý đừng làm những chuyện dễ gây nên ngờ vực hiểu lầm của bàng dân thiên hạ :
Quân tử phải biết đề phòng,
Đừng để ở thế muôn lòng sinh nghi.
Ruộng dưa không sửa giày đi,
Đừng chỉnh mũ mão dưới cây lý đào !
Trong "Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca" của Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái có câu :
Tuyên Phi học thói buông mành,
TRONG DƯA DƯỚI MẬN nhân tình đều nghi.
Trong truyện thơ Nôm "Quan Âm Thị Kính" thì nói là SỬA DÉP VƯỜN DƯA :
Ngán thay SỬA DÉP VƯỜN DƯA,
Dẫu ngay cho mấy vẫn ngờ rằng gian !
Còn trong nhóm bài thơ "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện thì nói là SỬA MŨ DƯỚI ĐÀO :
Khi nay SỬA MŨ DƯỚI ĐÀO,
Cớ chi lễ cấm phép nào chẳng kiêng.
TRỌNG DO 仲由(542-480 Trước Công Nguyên)tự là Tử Lộ 子路, Qúy Lộ 季路. Người đất Biện nước Lổ thời Xuân Thu. Ông là một trong Thất Thập Nhị Hiền (72 người tài giỏi) trong số hơn ba ngàn học trò của Đức khổng Phu Tử. Lúc nhỏ nhà nghèo phải đi cày mướn để kiếm sống, tính tình trung hậu cương trực, có sức mạnh và giỏi võ, lại rất có hiếu. Ông nổi tiếng với việc vác gạo lặn lội đường xa cả trăm dặm đem về để muôi mẹ, nên được Quách Cư Kính đời Nguyên liệt vào một trong "Nhị Thập Tứ Hiếu"(24 người con có hiếu của ngày xưa).
Tác phẩm nhóm thơ Nôm dịch từ "Nhị Thập Tứ Hiếu" của Lý Văn Phức được trích giảng trong môn Cổ văn của chương trình lớp Đệ Thất (lớp 6 hiện nay) ở miền Nam trước 1975. Trong bài "Tài Tử Đa Cùng Phú" của Chu Thần Cao Bá Quát cũng có nhắc đến TRỌNG DO (TỬ LỘ) với hai câu :
Áo TRỌNG DO bạc phếch,
giãi xuân thu cho đượm sắc cần lao;
Cơm Phiếu Mẫu hẩm sì,
đòi tuế nguyệt phải ngậm mùi tân khổ.
Trong bài ca 6 câu Vọng cổ "Đội Gạo Đường Xa" của soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà đã nói về lòng hiếu thảo của Thầy Tử Lộ qua giọng hát của danh ca Hữu Phước một nghệ sĩ tài hoa của giới Cải Lương Nam Bộ khoảng thập niên 60 của Thế kỷ trước. Xin Bấm vào link dưới đây để nghe hát.
|
TRỔ VÁCH chữ Nho là TẠC BÍCH 鑿壁 là đục, khoét một cái lổ trên vách. Điển tích nầy có xuất xứ từ《Tây Kinh Tạp Ký 西京雜記》Quyển hai 卷二 như sau :
KHUÔNG HÀNH 匡衡, tự là Trĩ Khuê, người đất Đông Hải huyện Quận Thừa, là một học giả nổi tiếng đời Tây Hán, làm quan đến chức Thừa Tướng. Ông xuất thân là con nhà nông nghèo khổ, gia cảnh bần hàn, phải đi làm công để đổi lấy sách học. Ông lại nổi tiếng và để đời với việc xin ông hàng xóm cho khoét một cái lổ trên vách (gọi là TẠC BÍCH 鑿壁 là TRỔ VÁCH) lúc đêm về để nhờ vào ánh đèn sáng xuyên qua lổ hổng đó mà đọc sách học hành.
Trong "Tứ Thời Khúc Vịnh" của Hoàng Sĩ Khải, một danh sĩ đời nhà Mạc có câu :
Giá Tôn Khang, hé song đọc sách,
Lọ nhặt huỳnh, TRỔ VÁCH làm chi ?
Còn trong bài "Hàn Nho Phong Vị Phú" của cụ Nguyễn Công Trứ thì có câu :
Cần nghiệp Nho khi TẠC BÍCH TỤ HUỲNH,
thuở trước chàng Khuông chàng Vũ.
TẠC BÍCH là KHUÔNG HÀNH ta đã biết rồi; Sẵn nói luôn TỤ HUỲNH và Chàng VŨ. CHÀNG VŨ tức là XA DẬN 車胤, tự là VŨ TỬ 武子. Theo Tấn Thư quyển 83 Xa Dận Truyện. Ông người đất Nam Bình, từ nhỏ đã hiếu học, nhưng nhà nghèo, ban ngày phải đi làm lụng kiếm sống, ban đêm không có tiền mua dầu thắp đèn để học. Nhân những tháng mùa hè có nhiều đom đóm, ông bèn đuổi bắt tập hợp chúng lại gói trong vải mỏng để lấy ánh sáng (gọi là TỤ HUỲNH 聚螢) mà đọc sách, sau cũng trở thành một văn học gia nổi tiếng đời Tấn.
Nói chung, TẠC BÍCH TỤ HUỲNH 鑿壁聚螢 hay CHÀNG KHUÔNG CHÀNG VŨ gì đều chỉ những người nghèo mà hiếu học.
TẠC BÍCH TỤ HUỲNH 鑿壁聚螢
TRỘM HƯƠNG chữ Nho là THÂU HƯƠNG 偷香 trong thành ngữ THIẾT NGỌC THÂU HƯƠNG 竊玉偷香 là : Ăn cắp ngọc, ăn trộm hương. Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ trai gái yêu đương vụng trộm với nhau trước khi thành hôn. Theo tích sau đây : Theo Tấn Thư, Giả Sung Truyện 晉書·賈充傳 có ghi lại...
Hàn Thọ 韓壽 là môn khách của quyền thần Giả Sung 賈充 dưới đời Tây Tấn. Giả Sung có con gái là Giả Ngọ 賈午 thầm yêu Hàn Thọ. Hai người cùng tư thông với nhau, Giả Ngọ lại lấy trộm hương liệu mà Tấn Võ Đế ban tặng cho Giả Sung tặng cho Hàn Thọ. Sau khi phát hiện vì muốn tránh tiếng xấu nên Giả Sung đành phải gả con gái Giả Ngọ cho Hàn Thọ.
Vì tích trên mà người đời sau gọi trai gái có tình ý và tư thông với nhau là Thâu Hương Thiết Ngọc hay THIẾT NGỌC THÂU HƯƠNG 竊玉偷香, như trong truyện Nôm khuyết danh Trinh Thử có câu :
Dám nào THIẾT NGỌC THÂU HƯƠNG,
Chỉ trong danh tiết, lánh đường tìm hoa.
Còn trong "Truyện Tây Sương" thơ Nôm khuyết danh thì có câu :
Tiểu thư tuổi trẻ tính cương,
Biết điều trao phấn TRỘM HƯƠNG là gì ?
TRỞ GÓT GIÀY hay CHÂN HÀI TRỞ GÓT là Trở gót giày ra phía trước, chỉ đi giày ngược. Vì vội vàng trong lúc quá vui mừng hay quá bất ngờ mà mang ngược giày. Theo tích sau đây :
Khi Hán Hiến Đế vời đô về tây, Vương Xán cũng theo về Tràng An. Tả Trung Lang Tướng Thái Ung thấy Vương Xán đến, vội vàng đến đổi mang ngược giày ra đón vào. Quan khách thấy Vương Xán chỉ là thằng bé con 15, 16 tuổi, thân hình lại nhỏ thó, đều lấy làm ngạc nhiên hết sức. Thái Ung bèn giải thích rằng : "Đây là cháu của vương công, tài hoa xuất chúng phi phàm, ta không sao sánh bằng được ".
Vì tích trên mà hình thành thành ngữ ĐẢO TỶ TƯƠNG NGHINH 倒屣相迎 là Đi ngược giày để mà nghinh đón, thường dùng để chỉ sự vui mừng hoặc kính trọng đối với ai đó. Trong truyện thơ Nôm khuyết danh "Nữ Tú Tài" có câu :
Vội vàng bèn TRỞ GÓT GIÀY,
Mời rằng nương tử vào ngay trong phòng.
Cũng trong truyện thơ Nôm "Nữ Tú Tài", khi Đỗ Tử Trung trông thấy Tuấn Khanh (Phi Nga) thì tỏ ra mừng rỡ vội vàng :
Tử Trung thoắt thấy ngọc nhan,
CHÂN HÀI TRỞ GÓT, miệng khoan khoan chào !
TRỞ GÓT còn có nghĩa là Quay lại hay Quay về... đâu đó ! Như trong Truyện Kiều, sau khi tế mộ Đạm Tiên thì chị em Thúy kiều trở về nhà :
Kiều từ TRỞ GÓT trướng hoa,
Mặt trời gác núi chiêng đà thu không.
Hay khi Đạm Tiên từ giả Thúy Kiều ra về sau khi đã báo mộng :
Thềm hoa khách đã TRỞ HÀI,
Người còn cầm lại một hai tự tình.
Hay như khi tiễn Kim Trọng đi Liêu Dương hộ tang cho chú, thì Thúy Kiều đã :
Tần ngần DẠO GÓT lầu trang,
Một đoàn mừng thọ ngoại hương mới về.
TRÚ CẨM 晝錦 TRÚ là Ban ngày, CẨM là Gấm; Nên TRÚ CẨM là : "Gấm ban ngày ?" "Mặc áo gấm ban ngày" thì mọi người đều thấy, trái với "Mặc áo gấm ban đêm" thì không ai thấy cả. Có mặc cũng như không ! Theo "Sử Ký" của Tư Mã Thiên đời Hán, chương Hạng Vũ Bản Kỷ 漢·司馬遷《史記·項羽本紀》như sau :
Cuối đời Tần, Hạng Vũ xua binh đánh chiếm thành đô Hàm Dương, giết vua Tần là Tử Anh, nổi lưa đốt A Phòng Cung của vua Tần, lửa cháy đến ba tháng mới tắt. Tiếng tăm của Hạng Vũ lừng lẫy đất Quan Trung, ông gom góp hết bạc vàng châu báu lấy được trong cung nhà Tần định tiến về phía đông. Nhưng mưu sĩ Hàn Sinh khuyên ông rằng :"Xứ Quan Trung nầy đất đai mầu mỡ, địa thế hiễm yếu, có dãy Hào sơn và Hàm Cốc Quan làm bình phong che chắn, bốn bên đều có thể phòng thủ; Có thể dựng nên nghiệp bá. Xin ngài hãy ổn định ở nơi nầy, không nên dời về đông".
Hạng Vũ thấy cung điện nhà Tần bị mình thiêu đốt đến điêu tàn đổ nát, nhếch nhác khắp nơi, nên không muốn làm vua ở đây. Điều quan trọng hơn nữa Hạng Vũ là người nước Sở, nên sau khi công thành danh toại lòng cứ muốn dời về quê nhà ở hướng đông để diệu võ dương oai với phụ lão đất Giang Đông. Bèn phản bác Hàn Sinh rằng :"Con người sau khi đại phú đại qúy mà không trở về cố hương, thì cũng như người mặc lụa là gấm vóc mà đi trong đêm tối vậy, có ai trông thấy được sự vẽ vang đẹp đẽ nầy đâu?!"
Hàn Sinh ra ngoài than với tả hữu rằng :"Ta nghe nói người nước Sở giống như là loài khỉ vượn vậy; dù có cho mặc áo đội mão, cũng không thay đổi được bản tính, khó mà làm nên việc lớn được !". Câu nói nầy đã mang đến họa sát thân, Hạng Vũ nghe nói bèn cho quăng Hàn Sinh vào chảo dầu sôi cho hả giận. Rồi trở về Bành Thành lên ngôi tự xưng là Tây Sở Bá Vương. Rốt cuộc rồi cũng bị bại về tay của Lưu Bang và phải rút kiếm tự sát ở bến Ô Giang.
Do tích trên đã hình thành một thành ngữ Y CẨM DẠ HÀNH 衣錦夜行 là "Mặc áo gấm đi đêm" để chỉ làm việc gì đó không ai biết đến hoặc không có tác dụng gì cả, trái với TRÚ CẨM 晝錦 là GẤM NGÀY thường dùng để khoe khoang sự giàu sang vẻ vang của người thành đạt. Trong "Hoa Tiên Truyện" của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu :
Vẻ vang rở rở GẤM NGÀY,
Ai ai chẳng muốn bạn bầy với tiên ?
Còn trong thơ Nôm "Truyện Tây Sương" thì sử dụng thẳng từ TRÚ CẨM để chỉ Trương Sinh (Quân Thụy) khi đã thi đậu :
Giờ còn đợi lĩnh thánh ân,
Rồi đây TRÚ CẨM thời xuân còn dài
Hẹn bài viết tới !
Thành ngữ Điển tích 116 :
TRÚC, TRUYỆN, TRƯƠNG, TRƯỜNG, TRƯỚNG.
杜紹德
Đỗ Chiêu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét