Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2025

THIÊN THU HUYẾT LỆ

 

THIÊN THU HUYẾT LỆ -  THÊM MỘT CỐ GẮNG GIẢI MÃ VỤ KÌ ÁN DÂM ĐÀM

Đọc “Thiên thu huyết lệ”, tiểu thuyết Lịch sử của Nguyễn Trọng Tân, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022

                                         Vũ Nho



Vụ án Thái sư hóa hổ là một kì án trong Lịch sử Việt Nam. Người bị kết tội hóa hổ  âm mưu giết vua là vị trạng nguyên khai khoa, đang giữ chức Thái sư đầu triều Lê Văn Thịnh. Một vụ án kinh thiên động địa! Cứ vào tội danh âm mưu giết vua, Thái sư đáng bị kết tội “chu di cửu tộc”. Nhưng thực tế thì sao? Một loạt các câu hỏi đặt ra mà chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

            -Là người tài cao học rộng, hiểu sâu sắc lễ nghĩa Nho giáo, làm sao lại có chuyện âm mưu giết vua?

            - Giết vua thì Lê Văn Thịnh có thể ngồi nổi lên cái ngai vàng đó không?

            -Giết vua mà không bị khép tội chết, chị bị “an trí” lên Thao Giang, chưa đầy một năm thì tha?

            -Giết vua mà gia tộc không ai bị liên lụy? Không hề có bè đảng a tòng? Không tàng trữ vũ khí?

            Những câu hỏi ngàn năm còn treo đó! ( Tựa -  trang 12)

             Với tấm lòng của một kẻ hậu sinh kính ngưỡng bậc đại khoa đầu tiên, người thiên tài mệnh bạc, dù cho “sử liệu về bậc vĩ nhân này quá it ỏi và không ít sai lạc”, Nguyễn Trọng Tân đã miệt mài làm việc trong 5 tháng liên tục. Từ khởi viết 01 tháng 01 năm 2022 đến ngày hoàn thành 31 tháng 5 năm 2022. Và cuốn Thiên thu huyết lệ dày 512 trang khổ 14,5 x 20,5 cm với 41 chương sách đã góp phần giải đáp các câu hỏi nêu trên!

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2025

Về chất thơ siêu thực và hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Quang Thiều

 

Về chất thơ siêu thực và hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Quang Thiều

Vanvn– Ngày 15.02.2025, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã tổ chức ra mắt tập trường ca Lò mổ và trưng bày bộ tranh Nguyện cầu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với sự tham dự của nhiều nhà thơ, nhà văn. Trong một lần nói chuyện với nhau về thi ca đương đại, tôi ví Nguyễn Quang Thiều như một con lạc- đà-thơ lực lưỡng, đang cõng một cơn khát thơ trên lưng, đi qua bóng đêm của một cơn khát lớn hơn có tên là sa-mạc-thơ. Anh vui vẻ cười lớn và đồng ý.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ tại sự kiện ra mắt tập trường ca Lò mổ và trưng bày bộ tranh Nguyện cầu ngày 15.02.2025. Ảnh NXB HNV

THƠ NGUYỄN THẾ KIÊN

THƠ NGUYỄN THẾ KIÊN 

Có thể là hình ảnh đen trắng về 1 người và đang cười

CHUYỆN VỚI CHÚ CÁ RÔ ĐỒNG
Này leo lẻo tuổi thơ ta
Tơ hồng ngõ đất mùa xa còn vàng
Trưa hè mói động ao làng
Bầy rô răm dấu bùn mang lá vườn.
Ta đi đầu biển cuối nguồn
Bóng ao quê giữ trong mườn mượt xanh
Biết thời thế, biết mong manh
Biết hồ ao đã hoá thành thổ cư...
Câu quê giữa phố mịt mù
Giật lên cả chuỗi mùa thu năm nào
Đó đồng đơm thuở xôn xao
Lững lờ mây trắng thả vào trời riêng.
Cô đơn làng giữa một miền
Chỉ còn tên gọi trong biền biệt qua
Tay xâu lại tháng ngày xa
Rô đồng ơi, ở đâu là tha hương?

TRONG NHỮNG VAI ĐỜI...

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2025

THÚY VÂN TRONG CÁCH NHÌN SO SÁNH

 THÚY VÂN

                           Vũ Nho

chn_dung_vn_comle

Nhân vật Thúy Vân là người em sinh đôi của Thúy Kiều. Bởi thế nên cả trong Kim Vân Kiều (KVK) và trong Truyện Kiều (TK), hai cô Thúy Kiều và Thúy Vân đều được coi là con đầu lòng. Dĩ nhiên, Thúy Kiều sinh trước nên được coi là chị. Thúy Vân chắc sinh sau, được gọi là em.

Đầu lòng hai ả tố nga

Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.

Trong khi so sánh đoạn mở đầu giữa Kim Vân Kiều với Truyện Kiều, chúng tôi đã nêu lên 9 điểm khác biệt giữa Nguyễn Du và Thanh Tâm Tài Tử (xin xem mục 1 của phần thứ 2). Chín điểm đó, chủ yếu liên quan đến nhân vật Thúy Kiều và Thúy Vân. Ở đây chúng tôi chỉ nhấn mạnh thêm rằng Nguyễn Du đã tả Thúy Vân khá kĩ lưỡng với các chi tiết dễ hình dung, và điểm quan trọng là nhà thơ Việt Nam đã miêu tả có tính chất dự báo số phận của hai người đẹp "mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười". Nhưng Thúy Vân sẽ có cuộc đời êm ả, suôn sẻ bởi vì sắc đẹp của Vân được thiên nhiên tự nguyện "thua, nhường" ; còn Kiều sẽ long đong, vất vả, đau khổ vì sắc đẹp của nàng gây ra sự đố kị, "ghen, hờn" của thiên nhiên.

Trong so sánh Kim Vân Kiều với Truyện Kiều đoạn Kim Trọng gặp hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, (xin xem mục 2 của phần thứ 2) chúng tôi cũng chỉ ra 14 điều khác biệt. Nhưng đối với Thúy Vân thì chỉ có 2 điều liên quan. Đó là Thúy Vân của Nguyễn Du cùng với Thúy Kiều tự động tránh Kim Trọng, không đợi em trai nhắc nhở:

Chàng Vương quen mặt ra chào

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa.

Và điều nữa là Thúy Vân không bàn tán về chàng Kim với chị gái. Vân muốn chị lấy quách chàng Kim rồi "kéo cả em vào", rồi còn trách chị "chằng đầu buộc chân, kiếm lời rào đón mãi mãi". Nguyễn Du bỏ các chi tiết này, làm cho hình ảnh Thúy Kiều, và nhất là Thúy Vân đẹp hơn, nền nã và tế nhị hơn.

Thứ Hai, 24 tháng 2, 2025

PHIẾM ĐÀM VỀ CÔ EM THÚY VÂN



  PHIẾM ĐÀM VỀ CÔ EM THÚY VÂN

VƯƠNG TRỌNG

“Cô em” là gọi một cách dân dã, pha chút suồng sã cho có vẻ thân mật, chứ sự thực nàng sống cùng thời với cụ tổ chín đời của Đại thi hào Nguyễn Du, xấp xỉ với cụ tổ mười lăm đời của người viết bài này. Nhưng nàng vẫn trẻ, mở đầu Truyện Kiều đi chơi hội đạp thanh thì mới tuổi “cặp kê”, tức khoảng mười lăm, mười sáu tuổi; cuối Truyện Kiều, trong buổi đoàn viên thì cộng thêm 15 năm nữa, tức là mới ngoài ba mươi, nếu sống thời nay ở nước ta thì đang tuổi sinh hoạt Đoàn!

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2025

KỶ NIỆM GẶP GỠ ĐẦU XUÂN 2025

 


KỶ NIỆM GẶP GỠ ĐẦU XUÂN 2025

Nhà văn Nguyễn Thị Phi Yến

Bút danh : Thu Lâm

Trong buổi khai xuân đầu năm Ất Tỵ của một trong những Câu lạc bộ thơ văn có tiếng giữa lòng Thủ đô. Một niềm vui bất ngờ đến với tôi khi được bắt tay một nhà văn gạo cội mà tôi ngưỡng mộ từ lâu – Đó là PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện.

Thật đáng kinh ngạc – Khác hẳn với quan niệm về những người cao tuổi đã ở ngưỡng “Bát thập”, PGS.TS Ngọc Thiện vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát tinh tường với phong thái tự tin uyên bác. Ông tặng chúng tôi mỗi người một bức ảnh chụp vị Thần Rắn (“Linh vật được lấy làm biểu tượng cho năm Ất Tỵ), đằng sau “vị Thần” là tượng ba ông “Tam Đa” “Phúc – Lộc – Thọ” tươi cười đón Xuân.

Với sự hiểu biết sâu rộng, uyên bác của mình, ông giải thích cho chúng tôi như một món quà tặng tinh thần…” Biểu tượng Con Rắn chứa đựng giá trị tinh thần độc đáo, góp phần tạo nên sắc màu đặc trưng cho tâm linh Đông Phương, nói lên thông điệp sâu sắc về biểu tượng cho sức mạnh, cho sự tái sinh kiếp luân hồi. Rắn còn là thể hiện sự liên kết giữa con người và thiên nhiên, như dòng chảy năng lượng vươn tới đỉnh cao của sự thịnh vượng. Vì vậy mà phía sau “Thần Rắn” có ba vị thần : “Phúc” biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở, đông con nhiều cháu – “Lộc” biểu tượng cho sự may mắn phát tài lộc – “Thọ”. Biểu tượng cho sự trường thọ “Bách niên giai lão” của con người

Năm “Rắn” nói chuyện rắn với một con người uyên bác như PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện thật thú vị. Ông đã mang đến một không khí an nhiên với món quà tặng độc đáo, không phải là một phong bao “Lì xì với sắc đỏ rực rỡ như thông lệ - mà chỉ là một bức ảnh tượng đồng Linh Xà “Thần Rắn” – Ước muốn mang lại may mắn cho mọi người. Cầm món quà chúc Tết giản dị trong tay riêng tôi có mt tâm trạng nhẹ nhõm, sảng khoái vô cùng. Xin cảm tạ PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện.

TS. TRẦN ĐĂNG THAO ĐÙA VŨ NHO

 



TRẦN ĐĂNG THAO CÙ VŨ NHO

“Đệ nhất văn tài chính Vũ Nho

 Hơn trăm đầu sách oách một kho

 Nhìn ngang sách cụ đầy ba giá

 Ngó dọc thơ ông nhỉnh nửa vò

 Vui dạo Âu Nga buồn tới Úc

 Bình thơ mấy thím cũng xôm trò...”.

             T.Đ.T.

GỬI NGHÈ VŨ

“Á - Âu tích hợp tác nhân duyên

 Đại địa văn chương ngũ thập niên

 Bằng hữu tương giao văn mạch sảng

 Tài cao tâm thiện thế nhân hiền"

(Dịch nghĩa:

Trong con người bác gồm hai mặt Á - Âu tích hợp lại

 Bác tung tẩy trên cánh đồng văn chương 50 năm nay

 Bè bạn quây quần mạch văn hào sảng

 Tài cao lòng thiện đáng gọi là người hiền của đời).

                T.Đ.T.



Thứ Năm, 20 tháng 2, 2025

NHÀ VĂN VŨ BÌNH LỤC...

 

Nhà văn Vũ Bình Lục: “Phận người, phận chữ... vốn đa đoan!”

Võ Hà  10/12/2024 07:45

Trong số 30 đầu sách của Vũ Bình Lục có 14 công trình biên khảo, lý luận phê bình văn học, văn hóa và lịch sử, được gọi chung là “giải mã” văn học Trung đại.

Theo thống kê, nhà văn Vũ Bình Lục đã có hơn 10.000 trang “giải mã” kho báu văn chương của dân tộc. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hiếm hoi trong lĩnh vực này và mới đây ông vừa được trao tặng Giải thưởng Đào Tấn cho những đóng góp bền bỉ, giá trị của mình.

vu-binh-luc.jpg
Nhà văn Vũ Bình Lục.

“Phận người, phận chữ... vốn đa đoan!”

“Số mình vất vả!” - nhà văn Vũ Bình Lục bộc bạch ngắn gọn mà tâm trạng về cuộc đời mình. Ông từng tự thuật trong bài thơ nhan đề “Phận chữ phận người”: “Gấp trang giáo án đợi hè sang/ Chữ gửi người đi, tưởng được nhàn/ Ai biết trông cây còn phải đợi/ Phận người, phận chữ... vốn đa đoan!”.

Thứ Tư, 19 tháng 2, 2025

Thơ Phan Hoàng những ám ảnh cuồng phong, bão lũ

 

Thơ Phan Hoàng những ám ảnh cuồng phong, bão lũ

Vanvn- Sinh ra và trưởng thành giữa lòng khúc ruột miền Trung, cũng như bao người con của dải đất gánh chịu nhiều bão tố, phong ba, Phan Hoàng, từ tuổi thơ đã đối mặt cùng bão lũ và chiến tranh. Từ cái gốc địa văn hóa cùng yếu tố lịch sử ấy, ngay trong những ngày tàn phá dữ dội của cơn Bão số 3 (Yagi), không hiểu sao bên cạnh cái hơi gió Tuy Hòa âm vọng trong thơ các nhà thơ vùng đất ấy, tôi cứ nghĩ đến những cuồng phong và bão lũ trong thơ Phan Hoàng.

Nhà lý luận phê bình Mai Bá Ấn – tác giả bài viết 

1. “Quê nhà ngập chìm thác lũ” và “cơn bão ký tự mới”

Rời đất Phú trời Yên bước vào giảng đường Đại học ở Sài Gòn và cầm bút từ bấy đến nay, bên cạnh những tác phẩm thuộc nhiều thể loại, Phan Hoàng đã trình làng ba tập thơ (Tượng tình – 1995, Hộp đen báo bão – 2002, Chất vấn thói quen – 2012) và hai trường ca (Bước gió truyền kỳ – 2022 , Gió hợp hôn đất nước – sắp in); Phan Hoàng đã làm nên một diện mạo thơ khá mới mẻ, nhiều thành tựu và được ghi nhận qua các giải thưởng danh giá cả trong nước và quốc tế.

Thứ Ba, 18 tháng 2, 2025

VÕ HÀ VIẾT VỀ VŨ NHO TRÊN BÁO HÀ NỘI MỚI

 PGS.TS Vũ Nho:

Vẫn tung tẩy trên “cánh đồng” văn chương

Võ Hà  17/02/2025 - 13:21

PGS.TS Vũ Nho không chỉ được biết đến với vai trò một nhà giáo tận tâm, mà còn là một nhà văn, nhà phê bình văn học và dịch giả uy tín.

Với hơn 100 đầu sách đã xuất bản, ông để lại dấu ấn sâu sắc trong lĩnh vực nghiên cứu, phê bình và sáng tác văn học. Là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội, ông luôn thể hiện một tinh thần lao động miệt mài, không ngừng khám phá và đóng góp cho sự phát triển của văn học nước nhà. Những trang viết của ông không chỉ mang giá trị học thuật mà còn chứa đựng tình yêu sâu sắc đối với con người và cuộc sống.

vu-nho.jpg
PGS.TS Vũ Nho.

1. Suýt soát tuổi 80 nhưng trong những cuộc gặp gỡ, PGS.TS Vũ Nho vẫn vui miệng gọi “cậu”, xưng “tớ” với lớp trẻ, những người chỉ đáng tuổi con cháu ông. Nụ cười hóm hỉnh, dễ mến, cách nói chuyện khoan hòa khiến người đối diện cảm thấy vững tâm, và cứ hễ chạm đến những vấn đề văn chương tâm đắc, ông lại nói một cách say sưa, cuốn hút, với nhiều chi tiết mang tính phát hiện, thậm chí phản biện những luận đề “khuôn vàng thước ngọc” của các nhà nghiên cứu tầm cỡ. Sinh trưởng trên mảnh đất Gia Viễn (Ninh Bình), học cấp ba ở Nho Quan, vùng đất có tên gọi từ triều Nguyễn, năm Tự Ðức thứ 15 (năm 1862), với ý nghĩa là vùng đất nho nhã, văn hiến nên ngay từ thuở thiếu thời, ông đã thấm nhuần một cốt cách hiền hòa, nhã nhặn nhưng cũng vô cùng kiên định.

Trời cho PGS.TS Vũ Nho một chất giọng trầm ấm, lôi cuốn, một tư duy lập luận vừa khoa học vừa rất đời. Đó có thể là kết quả của những năm tháng ông là sinh viên xuất sắc khóa đầu tiên, rồi được giữ lại giảng dạy tại ngôi trường Đại học Sư phạm Việt Bắc những năm 70 của thế kỷ trước. Niềm say mê kiếm tìm ẩn ngữ và vẻ đẹp văn chương nhen nhóm và bừng dậy trong Vũ Nho từ thời sinh viên. Những tác phẩm đầu tay đăng trên tạp chí Văn nghệ Việt Bắc và sau đó càng trở nên chín muồi khi ông trở thành giảng viên trẻ của một trong những ngôi trường Đại học Sư phạm đầu tiên của miền Bắc. Có lần, ông kể cho tôi một kỷ niệm thời mới tốt nghiệp, đứng trên bục giảng của ngôi trường này. Đó là khi ông bắt gặp câu ca: “Con dao vàng rọc lá trầu vàng/ Mắt anh, anh liếc, mắt nàng, nàng đưa”. Đứng trước một áng ca dao “tình” đến ngỡ ngàng, người thầy giáo trẻ đã đi đến tận cùng ngữ nghĩa của dân gian và tình đời, để rồi mỗi ngày một “lún sâu” vào con đường bình giải, đi tìm vẻ đẹp văn chương.

nho-1.jpg

Năm 1979 (31 tuổi), PGS.TS Vũ Nho xuất bản cuốn sách đầu tiên, là cuốn sách chuyển ngữ từ tiếng Nga có nhan đề “Luống cày của Vít-ca”. Thế rồi liên tục hơn 40 năm qua, ông miệt mài vừa dịch thuật văn học thiếu nhi, vừa viết nghiên cứu, phê bình, sáng tác, viết sách tham khảo cho giáo viên và học sinh với số đầu sách in riêng xấp xỉ 30 cuốn, còn sách in chung thì không đếm xuể. Trong phê bình, PGS.TS Vũ Nho thể hiện sự am tường và tinh tế. Ông có phong cách bình thơ tài hoa, độc đáo. Các ấn phẩm phê bình đặc sắc của ông có thể kể đến cuốn “Thơ chọn và lời bình”, “Trần Đăng Khoa: Thần đồng thơ ca”, “Đi giữa miền thơ”, “33 gương mặt thơ nữ”, “Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều”, “Hồ Xuân Hương - Đời và thơ trên những tư liệu mới”... Khi viết sách cho giáo viên, học sinh, ông đề cao tính chính xác nhưng không bỏ qua các phát hiện mới, những nội dung sáng tạo, mang tính kích hoạt tưởng tượng, thể hiện qua các ấn phẩm: “Những gợi ý về nội dung, phương pháp dạy văn cấp 2”, “Nghệ thuật đọc diễn cảm”, “Vận dụng dạy học nêu vấn đề trong giảng văn trường THCS”, “Thơ và dạy học thơ”, “Dạy học văn ở trường phổ thông”... Sáng tác của Vũ Nho khắc họa rõ cảm xúc tâm hồn nhiều rung động, đôn hậu và dung dị. Năm 2007, ông in chung với các nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn, Trần Đăng Thao tập thơ “Tam ca”. Vũ Nho đã có những câu thơ vụt hiện, nhiều suy ngẫm như “Biển xanh/ và/ Mắt em xanh/ Biển xa ngái/ còn/ Mắt em gần quá/ Anh rất sợ một mình nơi biển cả/ Nhưng/ lại ước/ Một mình trong mắt em!" ("Biển xanh"). “Gặp lại” vùng cao, ông ngẫu hứng thành thơ: “Ăn mèn mén, uống rượu ngô, đi xe cót/ Đêm đá cao xanh lồng lộng sao trời/ Xin hãy tặng cho nhau quẩy tấu/ Để mai gùi Mèo Vạc về xuôi" ("Mèo Vạc").

2. Viết về gia tài văn chương của PGS.TS Vũ Nho, nhà thơ Trần Đăng Thao có thơ vui: “Đệ nhất văn tài chính Vũ Nho/ Hơn trăm đầu sách oách một kho/ Nhìn ngang sách cụ đầy ba giá/ Ngó dọc thơ ông nhỉnh nửa vò/ Vui dạo Âu Nga buồn tới Úc/ Bình thơ mấy thím cũng xôm trò...”.

Học tập, công tác ở nhiều vùng đất như Tây Bắc, Liên Xô (cũ) và rồi về công tác ở Viện Nghiên cứu Giáo dục, gắn bó với Hà Nội, thế nhưng có lẽ trong tâm khảm của PGS.TS Vũ Nho luôn khắc ghi về nơi "chôn nhau cắt rốn". Trang cá nhân được ông đặt tên “Vũ Nho Ninh Bình” gửi tới lời mời “Đây là quán tha hồ muôn khách đến” luôn cập nhật các hoạt động, thông tin, bài viết của bản thân và các bạn văn. Nhà thơ, TS Trần Đăng Thao, người đồng hương với PGS.TS Vũ Nho, vốn rất thông hiểu chữ Hán vẫn thường gọi vui ông là “nghè Vũ”. Cũng những ngày Nguyên tiêu cách đây 6 năm, Trần Đăng Thao công bố bài thơ vui “Gửi nghè Vũ” với những câu nói lên cốt cách của người bạn vong niên: “Á - Âu tích hợp tác nhân duyên/ Đại địa văn chương ngũ thập niên/ Bằng hữu tương giao văn mạch sảng/ Tài cao tâm thiện thế nhân hiền" (Dịch nghĩa: Trong con người bác gồm hai mặt Á - Âu tích hợp lại/ Bác tung tẩy trên cánh đồng văn chương 50 năm nay/ Bè bạn quây quần mạch văn hào sảng/ Tài cao lòng thiện đáng gọi là người hiền của đời).

Năm 2019, PGS.TS Vũ Nho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Hà Nội văn chương từ một góc nhìn” viết về vùng đất ông đã gắn bó hơn 30 năm qua. Ở đó, ông dựng lại chân dung của các văn nhân Hà Nội từ thời trung đại đến hiện đại và đương thời nhằm làm nổi bật lên bức tranh văn chương của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

nho-2.jpg

3. Những năm qua, dường như tuổi tác “không thành vấn đề” với PGS.TS Vũ Nho. Ông vẫn có mặt ở các sự kiện văn học, các chuyên đề văn chương, viết phê bình tiểu luận và đều đều ra sách. Đặc biệt trong các ấn phẩm mới gần đây, ông thể hiện sự đào sâu, tìm tòi về những đề tài, tác giả, nhân vật văn chương nổi tiếng như “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, "Hồ Xuân Hương đời và thơ trên những tư liệu mới"... Chưa hết, thông qua ngòi bút sắc sảo, chí lý và cũng đầy thẳng thắn, nhà văn tuổi Mậu Tý còn tham gia phản biện những vấn đề đời sống, xã hội, văn hóa, giáo dục. Ở ông, luôn tràn trề tinh thần trách nhiệm và tiếng nói của người cầm bút, của một nhà giáo, công dân không khoanh tay im lặng ngoảnh mặt trước thực trạng văn chương và cuộc sống. Cương quyết và cũng đầy trách nhiệm là vậy nhưng cũng rất đỗi nhẹ nhàng, gần gũi, PGS.TS Vũ Nho không nề hà bất cứ một vấn đề văn chương gai góc nào. Ông nói và viết bằng hiểu biết lịch sử, văn hóa và hơn cả là sự trải đời, trải nghiệm cuộc sống qua các thời kỳ. “Chạm” đến một vấn đề quan tâm, đôi mắt ông bừng sáng, tinh tường, giọng nói của ông trở nên linh hoạt, sôi nổi, nói bằng hết, bằng cạn đến tầng sâu, cội rễ. Ở tuổi 80, từ ngôi nhà ở phố Phan Đình Giót, ngay bên cạnh Học viện Giáo dục, ngày ngày ông vẫn giữ nếp đi bộ, đọc sách, viết văn, đi đây đi đó, tung tẩy trên “cánh đồng” văn chương...

PGS.TS, nhà phê bình văn học Vũ Nho (sinh năm 1948) là sinh viên khoa Ngữ văn (khóa đầu tiên 1966 - 1970) của Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc. Học tập tốt, say mê sáng tác và nghiên cứu văn học, tốt nghiệp Vũ Nho được giữ lại trường công tác, rồi được cử sang Liên Xô đào tạo nghiên cứu sinh. Trở về, với học vị Tiến sĩ, ông tiếp tục làm cán bộ giảng dạy ở khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc, sau đó về Bộ Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo chuyên môn ở Vụ Giáo dục Trung học, làm chuyên viên ngành Giáo dục, được phong hàm Phó Giáo sư năm 1991, rồi chuyển về công tác ở Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đến lúc nghỉ hưu.

PGS.TS Vũ Nho là hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm “Bình thơ” của ông đã được Hội đồng Lý luận Phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tặng giải C năm 2015...

Đọc thơ Phạm Hồng Nhật trong thời khắc giao mùa

 

Đọc thơ Phạm Hồng Nhật trong thời khắc giao mùa

Vanvn- Hơn một trăm bài thơ lục bát của anh, không có bài nào nhạt. Thơ Phạm Hồng Nhật hấp dẫn bởi sự sâu lắng chiêm nghiệm theo kiểu lục bát cổ điển. 

Chiều nay, ngày cuối cùng của năm dương lịch, mọi việc đời thường đã xong xuôi, tôi thảnh thơi giở tập “Phạm Hồng Nhật, con người và tác phẩm” ra đọc lại.

Nhà thơ Phạm Hồng Nhật

Tuy không đề là tuyển tập, nhưng thực chất đây là một tập hợp gần đầy đủ các tác phẩm trong đời thơ 50 năm của Phạm Hồng Nhật, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 8 năm 2020, dày gần 700 trang, kể cả những bài bạn bè viết về thơ anh (khoảng 180 trang).

Tôi có thói quen, cầm bất kỳ tập thơ nào, thường giở mấy trang ngẫu nhiên, đọc trước vài ba bài để lấy ấn tượng ban đầu. Hay thì đọc tiếp, dở thì thôi. Mở lần đầu tiên, trúng bài thơ “Cuối năm” của Phạm Hồng Nhật:“Đã thưa ngọn gió cuối đông/ Đã nghe cựa quậy lộc trong lá cành/ Trời từ rét nhẹ sang hanh/ Pha thêm chút nắng mỏng manh đầu mùa?…” Những câu thơ viết về thời khắc giao mùa tinh tế quá.

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2025

CHÙM "TÌNH"

 Chùm “TÌNH”

PHẠM CÔNG TRỨ

pham_cong_tru 

Tình yêu, thứ tình cảm bí ẩn nhất, là đặc sản của tâm hồn chỉ có ở con người, là món quà vô giá mà Thượng đế hào phóng ban tặng cho nhân thế.

William Shakespeare, văn hào đã có nhiều câu văn được xếp vào hàng danh ngôn của mọi thời, đã viết “Tình yêu là đốm lửa của cuộc sống, là sự thăng hoa của tình bạn, là sự hợp nhất của tâm hồn. Nếu nói cảm tình của nhân loại có thể phân biệt đẳng cấp, tình yêu luôn thuộc về một cấp cao nhất”. Yêu khắp muôn loài và chúng sinh là tình yêu tôn giáo, là siêu tình yêu, chỉ dành cho các đấng bậc phật chúa, thánh thần. Chữ tình, theo nghĩa hẹp, là tình trai gái, là “chàng và nàng” ngày trước, “anh và em” hôm nay.

Tình yêu thì do Thượng đế ban phát chứ nụ hôn, anh em sinh đôi của tình yêu, thì là phát minh của chính con người, được xem ngang với phát minh ra lửa thuở hồng hoang. Tuy nhiên, nếu hỏi nụ hôn đầu tiên bắt đầu từ bao giờ, ở đâu, ai phát minh ra nó, thì sẽ không có câu trả lời xác thực, kể cả gõ google. Chỉ biết là con người biết  “khóa môi” nhau rất sớm, đâu đó như ở thời Lưỡng Hà cổ đại, thuộc vùng Trung Cận đông thì phải. “Nụ hôn là con dấu trên khế ước tình yêu”, cũng Shakespeare, vừa thực dụng vừa văn hoa bảo thế. Tuy hai chữ “khế ước” ở đây có hơi hướng giao kèo dân sự, song đó là chuyện của hôn nhân và gia đình sau này, còn nụ hôn là thuần túy của chữ “Tình” viết hoa, có nhung có tuyết.

Là một từ gốc Hán, chữ “Tình” () gồm bộ tâm đứng và chữ thanh ghép với nhau, có nghĩa là tình khởi đi từ tâm của mỗi con người với ý là rõ ràng, trong sáng. Ngoài ra, chữ “ái” () có nghĩa là yêu, gồm bộ tâm (con tim) và chữ thụ (chịu đựng). Diễn nôm ra, thì tình yêu hay tình ái chẳng những là trong sáng, là hiến dâng cho nhau mà còn bao hàm cả sự chấp nhận, chịu đựng nhau, hy sinh cho nhau, một cách tự nguyện. Như vậy, nhận diện chữ “tình” cần được chia đều cho cả hai phía cho và nhận, hạnh phúc và khổ đau mới là thuận lẽ, mới hạn chế được “nào ngờ”, “biết vậy”, “giá như”, nếu có trong và hậu hôn nhân sau này. “Hôn nhân, điền thổ, vạn cổ chi thù”, cổ nhân đã cảnh giác lũ cháu con mới lớn thừa nhiệt huyết, mà thiếu trải nghiệm khi lao vào trời tình, bể ái bằng một câu thành ngữ truyền đời như thế. Phía trời Tây, văn hào J.W. Goethe thì tỏ ra uyên bác khi lý giải rằng “Tình yêu là lý tưởng, hôn nhân là thực tế, sự nhầm lẫn giữa thực tế và lý tưởng bao giờ cũng dẫn đến hậu quả tai hại”.

Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2025

CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA



 CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA

Truyện ngắn của Nguyễn Đình Gấm

-Khù khờ thế mà vớ món sộp.
-Mèo già vớ được cá rán.
-Lão ta đã mua con Dream mới toanh cho thằng con trai lại vừa khánh
thành ngôi nhà đúc 2 tầng…
Cánh đi bãi về đang bàn tán lao xao. Người ta đồn rằng lão Huân bắt
được một hộp vàng, một bó đô la to đùng trong khi bới rác. Thằng Phán nói
giăng giăng.
-Hôm nọ khi uống rượu, lúc phê lão ta mới phun ra tháng trước vớ
được một bó đô la xanh mới cứng, to bằng cái gối, có lẽ phải dùng ba đời
không hết. Lão ta đổi đời rồi, lão Huân là triệu phú rồi.
Thế là, không ai bảo ai dân làng đều nhất tề gọi lão Huân là triệu phú
bãi rác.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2025

MÙA XUÂN NGHĨ VỀ MÀU XANH

 MÙA XUÂN NGHĨ VỀ MÀU XANH

Tản văn của Phạm Ngọc Tâm Dung

 tm_dung

Có một ngày xuân, tôi leo lên đỉnh núi cao, thì gặp cơn mưa bóng mây lất phất. Phóng tầm mắt quan sát nơi điệp trùng, nhấp nhô của những dãy núi kế bên: trên là mây, dưới là núi, bên trong tầng tầng, lớp lớp thảm thực vật. Nhìn sâu xuống là những lối mòn quanh co men theo bờ con suối...Trong mưa giăng, tất cả sắc màu đều hòa tan trong màu xanh đẫm nước. Màn mưa, màn sương, bỗng rùng mình biến thành dòng xanh, chảy vào mắt, ngấm vào trái tim tôi, thành ra một thứ màu xanh trong sáng; xanh một cách tinh khôi, riêng của núi rừng!
Rồi chỉ trong một thoáng, nắng lại bừng lên, nắng tựa hồ như người thợ khéo tay, từ xứ sở nhà giời, điểm trang vẻ kiêu sa, tạo nét mềm mại, nét mộng mơ cho các ngọn núi hùng dũng chọc trời. Trong lòng ta, dâng trào vô vàn cảm xúc về màu xanh đại diện cho tự do, hòa bình và khơi dậy trong ta tình yêu cuộc sống...
Tôi lặng lẽ đi sâu trong con đường dẫn vào vạt rừng nguyên sinh. Xòe tay cho những cành cây tựa những cánh tay thân thiện, cho những lá cây đủ các loại hình thù, có cả những chiếc lá hình trái tim, tạo cho riêng mình bao nhiêu là đam mê, cùng bao nhiêu điều tâm sự...

Thứ Năm, 13 tháng 2, 2025

CON TÀU ĐẤT NƯỚC

 CON TÀU ĐẤT NƯỚC

              NGUYỄN THỊ HOÀNG HÒA


Đất nước tôi nhỏ bé con tàu

 Chở máu xương ngược về quá khứ

 Máu thay mực chép dòng lịch sử

Dân tộc anh hùng bất khuất kiên trung.

Đất nước tôi xanh những cánh rừng

Than lấp lánh vàng trong ruột đất

 Triệu triệu tấn ngày đêm xuôi ngược

Than đi rồi chồi biếc bật lên

Đất nước con tàu rẽ sóng êm

Mũi khoan lặn hút sâu đáy mỏ

Dầu tuôn chảy tầng tầng sóng vỗ

 Tôm cá đan dày trên mặt biển Đông

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2025

THƠ THU SANG



TÌNH HẠ

 

Gió mắc điều gì trong tiếng ve

Mà xôn xao suốt cả đêm hè

Phượng giấu điều chi sau chồi biếc

Để mấy tháng trời mắt đỏ hoe