Đọc thơ Phạm Hồng Nhật trong thời khắc giao mùa
Vanvn- Hơn một trăm bài thơ lục bát của anh, không có bài nào nhạt. Thơ Phạm Hồng Nhật hấp dẫn bởi sự sâu lắng chiêm nghiệm theo kiểu lục bát cổ điển.
Chiều nay, ngày cuối cùng của năm dương lịch, mọi việc đời thường đã xong xuôi, tôi thảnh thơi giở tập “Phạm Hồng Nhật, con người và tác phẩm” ra đọc lại.

Tuy không đề là tuyển tập, nhưng thực chất đây là một tập hợp gần đầy đủ các tác phẩm trong đời thơ 50 năm của Phạm Hồng Nhật, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 8 năm 2020, dày gần 700 trang, kể cả những bài bạn bè viết về thơ anh (khoảng 180 trang).
Tôi có thói quen, cầm bất kỳ tập thơ nào, thường giở mấy trang ngẫu nhiên, đọc trước vài ba bài để lấy ấn tượng ban đầu. Hay thì đọc tiếp, dở thì thôi. Mở lần đầu tiên, trúng bài thơ “Cuối năm” của Phạm Hồng Nhật:“Đã thưa ngọn gió cuối đông/ Đã nghe cựa quậy lộc trong lá cành/ Trời từ rét nhẹ sang hanh/ Pha thêm chút nắng mỏng manh đầu mùa?…” Những câu thơ viết về thời khắc giao mùa tinh tế quá.
Ừ nhỉ, ngoài kia trời đất sắp chuyển mùa. Chả còn bao lâu nữa là Tết Nguyên đán. Mùa xuân đang đến với những bước chân mơ hồ phía xa xăm. Bâng khuâng, tôi nhìn tờ lịch trên tường. Chỉ còn một tờ cuối cùng. Tờ giấy bé nhỏ mỏng manh ấy là một ngày của đời người, một lát cắt của thời gian vô biên trong vũ trụ. Bỗng chợt nhớ tới bài thơ “Tờ lịch” tuyệt hay mà Phạm Hồng Nhật viết cách nay đã 10 năm (2012): “Ánh ngày vừa khuất lũy tre/ Buông lơi tờ lịch rơi về hôm qua/ Thâm chiều nổi gió cấp ba/ Bàn chân run rẩy bước ra cạn ngày/ Mỏng tang tờ lịch trên tay/ Bao nhiêu nhỏ lẻ lấp đầy khoảng không/ Lật sang tờ lịch ngày hồng/ Nghe thời gian rỗng từ trong gió lùa/ Bạc đầu lại nhớ ngày xưa/ Tuổi xanh nghĩ đến tóc vừa hoa râm …Bao nhiêu tờ lịch trong năm/ Biết bao tờ lịch nằm trong tro tàn”. Bài thơ như một chiêm nghiệm mang tính triết học. Thời gian trôi đi mà anh không thể níu giữ, tiếc nuối thời trai trẻ mà chẳng thể làm gì. Đó là sự nghiệt ngã của thời gian, của quy luật cuộc đời.
Cả hai bài thơ tôi mở ngẫu nhiên (Cuối năm) và nhớ ngẫu hứng (Tờ lịch) đều là thơ Lục bát hay của Phạm Hồng Nhật. Ấn tượng ấy dẫn dắt tôi làm một việc tỷ mẩn, đếm tập thơ của anh thấy có đến hơn một trăm bài Lục bát. Một con số đáng nể.
Hơn một trăm bài thơ Lục bát của anh, không có bài nào nhạt. Thơ Phạm Hồng Nhật hấp dẫn bởi sự sâu lắng chiêm nghiệm theo kiểu Lục bát cổ điển. Ngay từ thuở ban đầu mới cầm bút, những vần thơ Lục bát của anh đã rất có hồn, nhuần nhuyễn, làm chủ được cách sử dụng vần điệu, sử dụng hình ảnh. Viết về vẻ đẹp của những người công nhân khai thác than dưới hầm sâu, thơ anh mượt mà, không hề lên gân, không hô khẩu hiệu, có những phát hiện thú vị, giàu chất thơ, tràn đầy tình yêu cuộc sống: “Đang đi ở dưới độ sâu/ Mà ngoài kia biển ngang đầu lạ chưa/ Một dòng gió thổi bốn mùa / Nước rơi ngỡ tưởng mưa vừa qua đây/ Dọc đường không một tán cây/ Cho nên bóng nắng chẳng hay biết gì/ Choàng tay ôm lấy bạn bè/ Tiếng cười vang giữa bốn bề than ra” (Tình yêu ấy).
Khi đứng tuổi, thơ Lục bát của Phạm Hồng Nhật chuyển giọng trầm buồn, sâu lắng. Duy nhất một lần tôi thấy anh có một câu lục bát lẻ, hài hước, tạo ra một nụ cười tủm tỉm: “Sông Thương nước chảy đôi dòng/ Tình yêu mà lại hai lòng thì toi” (Thơ hai câu). Những bài Lục bát hay của anh thường là những bài buồn thao thiết. Ngồi uống rượu “Một mình, một quán, một ly”, anh rưng rưng buồn đến mức “Bao nhiêu rượu uống cũng thành nhạt môi”, bởi người bạn thân đã từ bỏ anh, từ bỏ cõi đời này: “Đời buồn bạn đã bỏ đi/ Tuổi trời trả lại, ngày về thì không/ Sương rơi vỡ mặt gương trong/ Mà cồn, mà nổi, mà giông bão người” (Nhớ bạn), khiến ta muốn khóc theo. Những câu thơ buồn day dứt của anh làm ta không thể quên: “Nâng ly tay chạm tay mình/ Lạnh lưng thì góp cho thành mùa đông”, “Bến xưa hoang vắng đâu còn/ Trăng nghiêng lệch cả những con mắt buồn”, “Gặp nhau thì đã hẹn rồi/ Yêu nhau thì đã yêu người đã yêu/ Dù là lấy sớm làm chiều/ Lọc trời gạn nắng sưởi nhiều mốc rêu” (Tôi còn một cuộc đợi đây). Phạm Hồng Nhật buồn không chỉ khi làm thơ Lục bát, đa số các bài thơ tự do của anh nửa sau cuộc đời cũng là thơ buồn.
Hình như Phạm Hồng Nhật không chạy theo phong trào đổi mới, cách tân thơ Lục bát. Phạm Hồng Nhật vẫn chung thủy với lối thơ Lục bát cổ điển mà anh viết từ thủa đầu đời. Điều cốt lõi của thơ anh là đổi mới trong tâm hồn, trong cách cảm, cách nghĩ, chứ không phải ở hình thức thơ…
***
Thơ Phạm Hồng Nhật thời trai trẻ, hòa cùng dàn đồng ca hừng hực khí thế ca ngợi “những con người mới” với tinh thần lao động hăng say, chiến đấu dũng cảm. Thơ anh có đủ các thành phần: Anh thợ gầm sửa chữa ô tô, anh thợ gò, cô thợ tiện, cô thợ hàn, cô công nhân chỉ đường cho xe đổ đất, anh công nhân trong hầm lò khai thác than, anh địa chất đi tìm vỉa quặng, những người công nhân vừa sản xuất vừa trực chiến bắn máy bay Mỹ…
Thơ anh được các nhà thơ Hoàng Trung Thông, Nguyễn Xuân Sanh khen ngợi. Chính những lời khen ấy khiến cả thế hệ các anh mê mải chạy theo đề tài, thơ có hình ảnh con người nhưng thiếu những số phận con người, chỉ thấy con người như những hình mẫu khô cứng, những con người công thức mà không thấy những vui buồn đích thực của họ. Nhà thơ Trần Nhuận Minh cùng thế hệ, cùng sinh hoạt trong môi trường thơ vùng mỏ với Phạm Hồng Nhật, khi làm Tuyển tập của mình, đã dũng cảm loại bỏ 166 bài thơ và 2 trường ca viết trước công cuộc đổi mới 1986. Phủ nhận sáng tác của mình trước 1986, Trần Nhuận Minh nói: “không có nghĩa là đoạn tuyệt với quá khứ, mà là đoạn tuyệt với một kiểu tư duy của tôi trong quá khứ. Đó là lối thơ minh họa” (Trần Nhuận Minh – Đối thoại văn chương).
Một may mắn trong đời Phạm Hồng Nhật là năm 1987 anh được cử đi nước ngoài với cương vị Bí thư Đảng ủy vùng, kiêm Trưởng vùng, quản lý các đảng viên và đội ngũ công nhân hợp tác lao động ở cả hai tỉnh Zaparozhe – Dnepropetrovsk (miền đông Ucraina). Ở một chân trời mới, môi trường mới, thoát khỏi từ trường thơ đang ngự trị trong tâm thức người làm thơ trong nước. Sau mấy chục năm, trở về nước, cách cảm cách nghĩ của anh cũng khác. Những bài thơ của Phạm Hồng Nhật gần đây càng có nhiều bài thơ hay.
Có rất nhiều quan niệm thế nào là thơ hay, nhưng theo tôi, quan niệm của nhà thơ Trần Đăng Khoa “Thơ hay là thơ giản dị, xúc động và ám ảnh” thật ngắn gọn và phổ quát. Những bài thơ nửa đời sau của Phạm Hồng Nhật có đủ cả ba yếu tố này. Điều làm tôi xúc động và ám ảnh là những vần thơ anh viết về những phận người.
Ta bắt gặp trong thơ Phạm Hồng Nhật những phận người vì đói nghèo mà phải lìa bỏ quê hương, tìm đến miền đất hứa phía trời Tây mong đổi đời, tưởng sung sướng, nhưng cuối cùng vẫn phải vất vả lặn lội kiếm sống, đổ mồ hôi sôi nước mắt trong tuyết lạnh, thậm chí có lúc nguy hiểm đến tính mạng: “Thân cò, phận hạc cánh chuồn/ Ở nơi xa xứ ngõ mòn ngày qua/ Thương cho số phận người ta/ Quay vào thì lụy, bước ra đời tàn… Tiếng tây ấp úng nửa vời/ Tiếng ta chẳng lọt tai người một câu/ Ra ngoài mới biết bể dâu/ Lạc đàn bay mỏi tìm đâu đất lành/ Xứ người vận hội mong manh/ Bao nhiêu ước vọng cũng thành khói sương”. Cũng như bao đồng hương người Việt, cả tôi, cả vợ chồng nhà thơ Phạm Hồng Nhật đã từng phơi mặt trong gió tuyết để mưu sinh: “Dẫu chưa đến nỗi cùng đường/ Nhìn ai trên tuyết mà thương cả mình” (Phận người xa xứ).
May mắn hơn bao người, cuối cùng gia đình anh có cuộc sống đủ đầy khi trở về quê hương. Từ đây, anh có điều kiện đi khắp mọi miền đất nước, thấy quê hương sau mấy chục năm có nhiều đổi mới, nhưng đằng sau những khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, những biệt thự xa hoa lộng lẫy, những đại gia bụng phệ vung tay chém gió, vẫn còn rất nhiều cảnh đời đói nghèo cơ cực, anh không thể không ngậm ngùi đau xót. Anh thương người chị lặn lội mò sò để nuôi thân, nuôi hai con thất nghiệp, bất kể ngày nắng, ngày mưa, đêm khuya giá lạnh: “Chị mò đáy biển, mò ngã ba sông/ Mò mặt trời lặn, mò mặt trăng rơi…Rét run vỏ sò/ Ớn lạnh nước sông, ồn ào mặt biển/ Răng va vào lưỡi…” (Chị tôi mò sò); thương những người đàn bà vùng biển Quảng Bình phải làm những công việc nặng nhọc của đàn ông, vác những tảng nước đá lạnh “Dáng nghiêng vẹo mong đồng tiền có được”.
Ở quê hương, người ta đã tàn phá môi trường sống, đẩy các chị vào cảnh phải mưu sinh bằng cách vác nước đá thuê: “Miền duyên hải ngửa mặt ngập bùn lầy/ Cây lúa chết, ngô khoai mòn mỏi đợi/ Đàn mòng biển một đi không trở lại/ Người đàn bà vác buốt giá trên vai” (Người đàn bà vác đá ướp cá tươi). Nhìn những đứa trẻ lang thang ngủ trong cảnh màn trời chiếu đất bên bờ biển, Phạm Hồng Nhật day dứt: “Sẽ về đâu? Hỡi giấc ngủ không màn/ Túi xách rỗng, ống quần táp túa/ Vai dặt dẹo gánh bao điều phải nhớ/ Với con đường giông bão đuổi sau lưng”, và kết luận một cách đau xót: “Cả thế giới này là của các em/ Riêng áo cơm là các em không thể” (Giấc ngủ của trẻ lang thang). Còn đây là những đứa trẻ thành phố quê anh không nhà không cửa: “Em nhỏ đánh giày ngủ gầm cầu ẩm mốc/ Mặc gió lùa run rẩy ánh sao khuya”; những người bán hàng rong trong đêm lạnh khiến lòng anh xa xót: “Ai co ro bán bánh tiếng dài/ Chó nhà sủa bóng hình mờ ngõ nhỏ” (Trước ngọn đèn).
Ám ảnh nhất là phận người sau cuộc chiến tranh. Phạm Hồng Nhật từ nước ngoài về Hải Phòng tìm bạn, thì “Nhà đã trả, bạn về quê chờ chết”. Người lính bạn anh xưa vốn “giỏi viết văn, siêu toán cực khôi hài”, từ mặt trận trở về “Những hôm trở trời ngực đau như xé/ Vết thương xưa rỉ máu – sống như thừa/ Nửa đời còn lại dãi nắng dầm mưa”, thất nghiệp, không bằng cấp, không người đỡ đầu, không tiền chạy việc, “Bán hết ruộng vườn mới có được cái tên/ Chức to nhất là phu xe bốc gạch…Mẹ già yếu, ba con nheo nhóc bám/ Vợ ở mặt trận về nhiễm chất độc da cam” (Hải Phòng đêm lạnh)
Từ chuyện người lính sống sót trở về sau cuộc chiến, anh tiếp tục viết nhiều bài thơ về nỗi đau của những người mẹ, người vợ, nạn nhân của chiến tranh. Đây là người mẹ có ba đứa con chết trận: “Nhận về tấm Bảng ghi công/ Tong teo đầu bạc lưng còng sớm khuya”, bà mẹ đau xót đến mức “lẩn thẩn” ngồi “chia phần” cho các con, nhưng không biết đứa con của mình “thịt xương vùi lấp ở phương trời nào” (Mẹ liệt sĩ). Đây là những người phụ nữ mòn mỏi ở hậu phương: “Thiếu phụ hóa đá bồng con/ Bao người con gái chết mòn chờ mong/ Người đi nườm nượp núi sông/ Người về lẻ tẻ trống không bến bờ”.
Mấy chục năm sau cuộc chiến, họ vẫn chờ đợi, không tin chồng con mình đã chết: “Đau thương gậm nát những ngày bình yên/ Nhiều người dở tỉnh dở điên/ Chết lâu rồi vẫn gọi tên, tìm người” (Về chiến trường xưa). Nhưng thiệt thòi nhất, đau xót nhất là những người bỏ mình nơi chiến trận, khi về với đất không còn được đầy đủ hình hài do cha mẹ sinh ra. “Anh tôi chết chẳng được chôn/ Bom rơi đạn phá vẫn còn vết đây/ Hồn thiêng nhập tháng giêng gày/ Cỏ xơ xác cỏ lòng cay đắng lòng…Tượng đài cho cuộc chiến tranh/ Anh tôi nắm đất không hình không xương”. Những câu thơ ấy trong bài “Tìm anh” là những câu hay nhất của anh viết về sự mất mát trong chiến tranh.
Phạm Hồng Nhật từng tuyên bố, thơ “Phải kiếm tìm cái gì là bản thể/ Những tản văn ngồn ngộn của kiếp người” (Tự sự). Chính vì trong lòng luôn đau đáu về những kiếp người, phận người, nên dẫu đi du lịch những danh lam thắng cảnh, anh không chỉ say mê thưởng thức cảnh đẹp như những du khách thông thường. Trong khi mọi người thích thú với tài nghệ của cô gái “Múa ô bằng chân ở quảng trường Thiên An Môn” thì Phạm Hồng Nhật lại nghĩ “Mười ô múa trên chân/ Gánh đời sao nặng thế”, anh tưởng tượng bao nhiêu nguy hiểm “vỡ xương vai hay buốt lạnh sống lưng” có thể xảy ra đối với cô gái đang làm công việc mạo hiểm để mưu sinh. Đến với Vạn Lý Trường Thành, thiên hạ đệ nhất hùng quan, Phạm Hồng Nhật lại chỉ nghĩ đến chuyện “bao nhiêu nghìn cây số/ bấy trăm nghìn xác phơi”. Vạn Lý Trường Thành là chứng tích của sức dân, chứng tích của tội ác, của lòng tham vua chúa. Đứng ở Vạn Lý Trường Thành mà lòng anh tê tái “Cảm thương những oan hồn/ Chịu buốt giá hơn hai mươi thế kỷ” (Thiên hạ đệ nhất hùng quan).
Những câu thơ đau đáu phận người của Phạm Hồng Nhật đọc lên ngỡ như trong đó có nước mắt, như tâm hồn đang nhỏ máu của chính người trong cuộc. Không thể tìm thấy dấu vết của những gì giả tạo của người đứng bên ngoài, bên trên nhìn xuống những cuộc đời, những thân phận khổ đau. Đọc thơ Phạm Hồng Nhật, tôi bất chợt nhớ tới những lời tâm tình gan ruột của nhà thơ Vương Trọng: “Thơ không phải là thứ sinh ra cho người đời chơi chữ, mà cốt để chuyển tải nỗi lòng. Bài thơ hay nhiều khi không còn thấy thơ đâu, mà chỉ thấy cuộc đời, tâm trạng và số phận” (dẫn theo Nguyễn Hòa, An Ninh Thế giới cuối tháng, số 22 tháng 6 năm 2003)
***
Tháng 12 năm 1991, Liên Xô giải thể, nhiều nhà máy phải đóng cửa, Phạm Hồng Nhật cũng như hàng trăm ngàn công nhân người Việt thất nghiệp, ở lại tiếp tục tìm đường mưu sinh. Anh từ Zaparozhe (Ucraina) lên Matxcơva (LB Nga) tiếp tục sự nghiệp “cứu nước cứu nhà”. Đến năm 1994, tôi và gia đình anh lại cùng sống chung trong một ký túc xá của người Việt gọi là Ốp Xokol (Chim Ưng), trò chuyện với nhau thường ngày, thấy anh nói chuyện thơ còn say hơn nói chuyện làm kinh tế (tuy nhiên, thơ anh làm được lại rất ít).
Không biết trong khối tài sản là những căn hộ đắt tiền của anh hiện nay ở Sài Gòn và Hà Nội, có công anh làm ra là bao nhiêu trong mấy năm “hợp tác lao động” ở Ucraina, chứ hồi ở cùng Matxcơva, tôi thấy chủ yếu là do công sức của chị Vân vợ anh tạo dựng. Lên Matxcơva, năm 1992, anh đón vợ và các con từ trong nước sang. Lấy vợ muộn nên ở tuổi anh, vào những năm 90, các con anh vẫn còn học cấp 1. Anh được vợ phân công hàng ngày đưa hai con đến trường, dọn dẹp nhà cửa, lo chuyện cơm nước. Mặc dù mới sang, tiếng Nga còn lớ ngớ, đường sá chưa thạo, nhưng chị Vân nhanh nhẹn, tháo vát, giành lấy chuyện lo hàng hóa, đi chợ bán quần áo hàng ngày. Tôi thường đùa, phải phong chị là anh hùng lao động. Ở người phụ nữ nhỏ nhắn ấy có ý chí làm giàu và sức chịu đựng phi thường.
Một năm có 365 ngày, thì chị làm việc quần quật có đến 350 ngày, bất kể trời mưa hay trời nắng, tuyết lạnh âm 15 – 20 độ, chị vẫn không nghỉ chợ. Chị buộc phải nghỉ khi ngày Tết của Nga, chợ đóng cửa vì người Nga ngồi ở nhà uống rượu, không ai đi mua hàng. Những ngày nghỉ chợ, chị sốt ruột như ngồi trên đống lửa, vì tuy chợ nghỉ, vẫn phải trả tiền thuê chỗ cho cả tháng. Còn anh nhàn rỗi, có hôm lập công với vợ bằng cách đem xoong nồi ra chùi bóng loáng. Chị vừa đi chợ về, anh đem chiếc chảo mới đánh buổi chiều ra khoe, làm chị kêu giời kêu đất: “Ông làm hỏng chiếc chảo tôi mới mua rồi”. Hóa ra đó là chiếc chảo chống dính, anh thấy đen, mang nùi sắt ra cọ cho hết lớp đen cả trên lẫn dưới, có biết đâu lớp đen trong lòng chảo là lớp chống dính.
Kể lại chuyện Phạm Hồng Nhật ở Matxcơva, tôi muốn nói cách lý giải của bạn bè về chuyện Phạm Hồng Nhật hơn hai chục năm vắng mặt trên văn đàn trong nước chưa chắc đã đúng. Có người bảo những năm ở nước ngoài Phạm Hồng Nhật mải lo chuyện mưu sinh nên làm được thơ rất ít, chỉ đến khi về nước an nhàn thảnh thơi, bạn bè thúc giục, anh mới bắt đầu quay trở lại với thơ ca, chỉ trong khoảng chục năm đã in ra được mấy tập thơ. Tôi lại nghĩ, Thơ là thứ trời cho, nó không phụ thuộc anh giàu sang hay nghèo khổ, nhàn rỗi thảnh thơi hay tất bật lo toan kiếm sống. Nghiệp làm thơ oái ăm là vậy.
Cứ như thể mỗi bài thơ là một món quà Chúa Trời ban tặng. Vì thế tôi đồng cảm với tâm trạng của Phạm Hồng Nhật khi anh tâm sự: “Lúc vui không viết được/ Bao thần thái ra mồm/ Còn đến lúc đã buồn/ Thơ trượt đà đuối sức/ Cuộc đời thì rất thực/ Thơ đượm màu mộng mơ/ Như bát cơm manh áo/ Mây trời nhiều nhường kia…Thà cứ sâu dưới đất/ Thà bay bổng lên trời/ Lơ lửng khoảng không ấy/ Đích thực là thơ tôi” (Thơ tôi). Phạm Hồng Nhật quan niệm thơ là sự phản ánh những cảm xúc, những biến chuyển trong tâm hồn mình. Thơ cũng là một phương tiện để anh “Mượn câu thơ để bơ vơ”, để giải tỏa nỗi lòng, là chỗ dựa để bớt cô đơn, mà thơ cũng là nghiệp, là món nợ phải trả, nó đeo đẳng mình suốt đời: “Đã vay thì phải trả/ Nợ thơ day dứt sao/ Không vay vẫn phải trả/ Có lẽ đến bạc đầu…” (Đã vay). “Thơ chưa tới đầu thời đã bạc/ Cứ mỏi mòn trông ngóng một điều chi” (Trước ngọn đèn).
Đã là nghiệp rồi, thì quãng đời gần hai chục năm ở Ucraina và Nga, anh ít làm thơ, thì bây giờ anh phải trả món nợ thơ ấy cho cuộc đời bằng những tập thơ sau ngày về nước. Liên tiếp là những tập thơ được xuất bản: “Dư âm ngày trở về”, “Thung lũng tình yêu”, “Hương thơm mời gọi”, “Trước ngọn đèn”, “Hải Phòng đêm lạnh”, “Sau cơn mưa cuối cùng mùa hạ”, “Đàn bò lạc vào thành phố”. Tôi đùa với Phạm Hồng Nhật, nói anh đang làm thơ “giả bữa”
***
Chưa thấy nhà thơ nào lấy địa danh làm tiêu đề cho các bài thơ nhiều như Phạm Hồng Nhật. Sau ngày trở lại quê hương (2004), Phạm Hồng Nhật đi nhiều, viết nhiều, những địa danh suốt chiều dài đất nước theo mỗi bước chân được nhắc đến trong thơ anh. Tên xã, tên huyện, tên thành phố, tên làng, tên suối, tên sông, tên núi,… ngân lên trong thơ anh đầy gợi cảm. Có tên bài dài như một câu thơ, có tên bài chỉ ngắn độc một, hai chữ. Xin chọn một số bài và sắp xếp theo độ dài của các đầu đề: “Tiếng gọi đò trên bến Hà Châu, Một lần với Nha Trang, Hắc Hải chiều hè, Nhê va đêm trắng, Lục bát Hải Phòng, Tháng Ba về Trới, Mã Pì Lèng, Chiều Lạng Giang, Lũng Cú, Đồng Văn, Chợ Yên, Trà Cổ, Qua Vinh, Mũi Né, Phan Thiết, Sài Gòn, Neo, Chũ…”.
Cách đặt tên các bài thơ của anh đã chi phối hướng đi, mạch phát triển của bài thơ. Đến một vùng đất lạ, hoặc nhớ về một vùng đất cũ, bao giờ tác giả cũng miêu tả đặc điểm, hoặc kể những kỷ niệm về con người của vùng đất ấy. Anh rất giỏi về tả cảnh. Mỗi bài thơ như một bức họa về cảnh thiên nhiên. Đây là cánh rừng nguyên thủy ở Hồng Gai trước khi dựng nhà máy sơ tán tránh bom đạn Mỹ: “Lòng rừng vắng in dày vết chân nai/ Cây cổ thụ bạc phơ màu rêu gió/ Gà rừng gáy – gõ bình minh mở cửa/ Xanh bốn mùa tiếng thú trong sương”, vì thế, “Nhà máy trong rừng như cá trong biển cả/ Nên quân thù có mắt cũng như không” (Nhà máy trong rừng). Đây là cảnh ở trời Tây: “Nhà cao, cao mái nhấp nhô/ Điện dăng sôi cả mặt hồ đêm đêm” (Mỗi ngày). Đây là cảnh phố núi Đà Lạt: “Nhà liền nhà, rừng kề bên/ Phố dài lơ đãng bỏ quên cả chiều/ Núi dăng thành lũy phủ rêu/ Mong manh tháp cổ bao nhiêu năm rồi (Trở về Đà Lạt).
Đây là vịnh Hạ Long “Những cánh buồm nâu lách mình qua muôn đảo/ Nghìn đảo nhấp nhô như bè bạn hẹn hò/ Cây trăm năm găm rễ vào vách đá/ Cao ngang tầm gang tay nhỏ của ta” (Hạ Long). Tả thiên nhiên thật tinh tế, tả cảnh sinh hoạt đời thường cũng rất sinh động. Anh nhớ về cảnh đời trong ngõ nhỏ Nam Đồng, Hà Nội ngày xưa: “Quần áo đua tranh phơi lối đi/ Mốc rêu ô kính bám bụi chiều/ Tong tong nước rỏ vô tư quá/ Cuối đường con nghiện dáng liêu xiêu” (Ngõ nhỏ vòng vèo). Trở lại thăm Hải Phòng, đi qua phố của những người lao động, anh thấy “Lốm đốm đèn dầu một dãy lán nghèo/ Thủng thẳng rít thuốc lào nhả khói/ Bên cột đèn bàn tay ai chới với/ Hè phố về đêm run rẩy cả mẹt hàng” (Hải Phòng đêm lạnh)… Tất cả những câu thơ, những đoạn thơ tả cảnh, chỉ là phương tiện, làm đà dẫn dắt tới sự bộc lộ tâm hồn nhà thơ. Những dịp tết Thanh minh, trở về ngôi làng nghèo Hòa Quang – Cát Hải nơi gốc gác cha mẹ sinh ra để thắp hương tiên tổ, anh lại thấy buồn thêm bởi “Mỗi năm về làng lại thấy vắng thưa/ Những người thân anh em chú bác/ Đêm ngày vỗ bốn bề sóng nước/ Cứ mài mòn mảnh làng nhỏ cô đơn” và thầm khấn nguyện “Dù mai này biển vùi dập như điên/ Cát cũng hết làng không còn nữa/ Thì với tôi làng vẫn là một nửa/ Nửa cuộc đời sống chết ở bên nhau” (Quê nghèo).
Tuy nhiên, không phải lúc nào thơ anh cũng bộc lộ tâm trạng buồn. Có lúc tâm hồn anh thơ thới trước khung cảnh trời mây sông nước. Có những lúc anh ngơ ngẩn trước cảnh tắm tiên của các cô gái giữa núi rừng thơ mộng. Anh miêu tả cảnh tắm tiên cực giỏi: “Chỉ còn rừng và núi thôi/ Thiên nhiên quyến rũ thành nơi tắm trần/ Suối trong đâu đó chỉ còn/ Những khe, những lá/ những hòn cuội hin/ Tay nâng một vốc nước lên/ Thơm tho gió cỏ vị miền hoang sơ/ Ối giời ơi! Chẳng thể ngờ/ Đàn cá ngúng nguẩy rỉa bờ vai thon/ Ôi! Buồn quá cá vê tròn/ Cả nơi dành để nuôi con chiều chồng…” và anh đã phả hồn vào cỏ cây hoa lá và muôn vật, dường như chúng cũng ngơ ngẩn rồi rạo rực trước cảnh tắm tiên ấy: “Kìa chim sao chẳng theo đàn/ Bướm hồng mắt ngọc ngó ngàng gì đây/ Lấc ca lấc cấc hàng cây/ Cứ ngả ngớn cứ giơ tay như vờn…” (Tắm tiên Sơn Động). Phạm Hồng Nhật cũng giỏi miêu tả tâm lý nhân vật, mà “Gái góa” là một bài thơ tiêu biểu: “Ba năm rượu ủ đang nồng/ Mắt lung linh cả ở trong then cài… Rét gì cái rét trời ơi/ Mình em cứ việc đi vơi về đầy/ Khăn ngang ngực lẳng lơ cài/ Nửa trong rừng rực, nửa ngoài bão giông/ Chẳng son phấn má vẫn hồng/ Ngon như mận chín giữa đồng. Trớ trêu/ Xe đi nghiêng đổ cả chiều/ Vút qua, đứng tuổi cũng liều đuổi theo/ Rập rờn váy ngắn áo đeo/ Nửa sáng níu giữ ngửa chiều bung ra…”
***
Thơ Phạm Hồng Nhật nhắc nhiều đến những dòng sông, những con đò, những bến phà, những làng quê, những con sóng vỗ…, bởi những nơi ấy là quê cha đất tổ (Cát Hải – Hải Phòng), là nơi anh trải qua những năm tháng tuổi thơ (Bắc Giang), nơi tuổi trẻ hào hùng, sôi nổi cống hiến (Hồng Gai – Quảng Ninh)…, chứa biết bao kỷ niệm, đặc biệt là kỷ niệm về những cuộc tình. Hóa ra chàng trai Phạm Hồng Nhật ngày xưa cũng rất đa tình và khá đào hoa. Thơ tình anh nhiều lắm. Đây là bài thơ anh nhớ về Đầm Hà (Quảng Ninh) có “Người con gái đẹp mười sáu tuổi/ Vượt dốc đèo đến Nà Pá tìm tôi” (Nhớ Đầm Hà).
Có lần tìm về một làng quê ở Mê Linh “Nào có ai ngờ hôm gặp lại/ Người quen xinh đẹp bán hoa tươi/ Tình cô thôn nữ ngày xưa ấy/ Sưởi ấm chân mây đỏ ráng trời”, trái tim anh bỗng rộn ràng “Ước hóa chú ve vừa dạo nhạc/ Cất vang tiếng hát buổi chợ trưa” (Chợ Yên). Khi người đàn ông đã từng trải, tràn đầy mạnh mẽ, chấp nhận với mọi duyên nợ đa chiều, thì thơ tình của anh càng mãnh liệt: “Biển dưới này thắt ruột ngóng trông lên/ Từng giây phút lo em đi vất vả/ Nắng dữ dội trong mênh mông là gió/ Đất đỏ Cao Nguyên mù mịt chặng đường dài/ Anh đang chờ em đây, kể cả đến ngày mai/ Ngày kia nữa… Anh vẫn chờ em đến/ Nếu số phận cho anh không lỡ hẹn/ Suốt đời chờ em đang ở đâu em? (Em đang về nơi đâu).
Ấn tượng nhất là những bài thơ anh viết về Sông Thương và sông Cầu. Đó là những dòng sông, tuổi thơ anh gắn bó và lớn lên chứa biết bao kỷ niệm thủa đầu đời, mối tình chớm nở rồi xa cách, đau đáu mong ngày gặp lại: “Đói cơm rách áo đi biền biệt/ Mơ ước mai về sông Thương xưa/ Nơi ấy có tuổi thơ và em gái/ Cả hai dòng trong đục của đời tôi” (Sông Thương). Cũng chính dòng sông Thương ấy chứng kiến một mối tình nữa muộn mằn, một cô giáo dạy toán nhỏ nhắn xinh xắn đã trở thành người bạn đời của anh. Và những bài thơ tình anh dành cho chị là những bài thơ hay nhất.
Nhưng người bạn đời ấy (chị Vân) vừa rời bỏ anh đi vào cõi vĩnh hằng khi chưa tròn tuổi 60, khiến trong anh dòng sông Thương nước chảy đôi dòng lại hóa thành dòng sông chia âm dương đôi ngả “Em đi thật rồi… thiên thu cách biệt/ Tê buốt cuối đông, hóa đá con thuyền/ Buồm uể oải gặp gió mùa đi bộ/ Hoa cỏ may độc thoại bến sông Thương/ Bảng lảng hoàng hôn, hoang vu thảng thốt/ Nước cắt ruột chia hai dòng… Thương lắm/ Lặng lẽ cô đơn, lặng lẽ chơi vơi./ Trăng khuyết đầu hôm, ánh sáng nền trời/ Sương tháng Chạp thấm sâu vào da thịt/ Ngọt bùi ư?Ở đây buốn muốn chết/ Một dòng sông hoang dại sắp tràn về” (Sông Thương ngày em đi). Viếng người vợ dưới mộ, anh đau xót và bất lực: “Gió se sắt, cỏ rối bời/ Nén nhang đỏ lửa rụng rơi trăng ngà/ Dưới ba tấc đất quá xa/ Trời cao muôn trượng vẫn là trời thôi” (Thương nhớ).
Người còn ở lại trên dương thế sống trong trạng thái vật vờ, khắc khoải: “Ngày thì gà gật, đêm đã tới/ Nằm giường lại nhớ lúc gần nhau/ Bao nhiêu nồng ấm không còn nữa/ Gục mặt tìm hơi dưới gối nhàu” (Ngày thì ngủ gật). Tất cả tình yêu chỉ còn trong ký ức, hiện tại chỉ còn nỗi cô đơn, tiếc nuối. Giờ đây trở về bến cũ, nơi hẹn gặp ngày xưa, chỉ còn lại mình anh: “Tôi hẹn đón tôi ngày xưa ấy/ Nay về tôi chỉ tiễn đưa tôi” (Bến cũ). Thơ như tiếng nấc nghẹn, như tiếng xào xạc của rừng cây hoang vắng, như dòng sông buồn mênh mang sóng vỗ với con thuyền cô đơn ngơ ngác…
Đã lâu lắm tôi mới được đọc tập thơ dày gần 500 trang một mạch mà không buồn chán. Suốt những ngày cuối năm Tân Sửu sang năm mới Nhâm Dần, những vần thơ của Phạm Hồng Nhật cứ ám ảnh, khiến tôi phải trăn trở, thôi thúc mình cầm bút viết những dòng cảm nhận về thơ của anh. Sự vắng bóng nhiều năm trên thi đàn của Phạm Hồng Nhật khiến độc giả tưởng anh đã giã từ sự nghiệp, thậm chí gần như không còn trong bộ nhớ của nhiều người. Nhưng điều đó chưa hẳn là không tốt.
Sự trở lại của anh với những tập thơ liên tiếp trình làng trong mười năm qua, tập nào cũng chững chạc khiến mọi người ngỡ ngàng: Một Phạm Hồng Nhật mới mẻ, sâu sắc trong cách nhìn cuộc sống, một hồn thơ trữ tình đầy chất nhân văn, một Phạm Hồng Nhật với những vần thơ nhuần nhuyễn mượt mà như dòng chảy tự nhiên, cứ nhẹ nhàng mà thấm sâu vào lòng người. Anh là người đi sớm về muộn. Có tên tuổi từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước, là thành viên sáng lập Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ninh từ năm 1969, một thời bị lãng quên, rồi trở lại với những bước đi chậm rãi, ung dung trong sự chào mừng của bạn bè và độc giả. Năm 2019, anh chính thức trở thành Hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam một cách xứng đáng.
Cám ơn Phạm Hồng Nhật đã tặng tập thơ và đem lại cho tôi những cảm xúc tốt đẹp, để tôi có một bài viết mở đầu cho một năm mới tốt lành.
CHÂU HỒNG THỦY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét