Thơ Phan Hoàng những ám ảnh cuồng phong, bão lũ
Vanvn- Sinh ra và trưởng thành giữa lòng khúc ruột miền Trung, cũng như bao người con của dải đất gánh chịu nhiều bão tố, phong ba, Phan Hoàng, từ tuổi thơ đã đối mặt cùng bão lũ và chiến tranh. Từ cái gốc địa văn hóa cùng yếu tố lịch sử ấy, ngay trong những ngày tàn phá dữ dội của cơn Bão số 3 (Yagi), không hiểu sao bên cạnh cái hơi gió Tuy Hòa âm vọng trong thơ các nhà thơ vùng đất ấy, tôi cứ nghĩ đến những cuồng phong và bão lũ trong thơ Phan Hoàng.

1. “Quê nhà ngập chìm thác lũ” và “cơn bão ký tự mới”
Rời đất Phú trời Yên bước vào giảng đường Đại học ở Sài Gòn và cầm bút từ bấy đến nay, bên cạnh những tác phẩm thuộc nhiều thể loại, Phan Hoàng đã trình làng ba tập thơ (Tượng tình – 1995, Hộp đen báo bão – 2002, Chất vấn thói quen – 2012) và hai trường ca (Bước gió truyền kỳ – 2022 , Gió hợp hôn đất nước – sắp in); Phan Hoàng đã làm nên một diện mạo thơ khá mới mẻ, nhiều thành tựu và được ghi nhận qua các giải thưởng danh giá cả trong nước và quốc tế.
Sức ám ảnh gốc của yếu tố địa văn hóa thể hiện dày đặc trên các trang thơ, chính bản thân Phan Hoàng cũng đã xác quyết: “Tôi rất khâm phục hai nhà thơ lớn Trần Mai Ninh và Hữu Loan khi không sinh ra ở Phú Yên nhưng thẩm thấu được môi trường thiên nhiên lẫn bề dày văn hoá đất này để viết nên những tác phẩm bất hủ….Vì vậy, từ trong vô thức lẫn ý thức tôi muốn chắt chiu, gợi hứng, khơi lại một phần nguồn mạch thơ quan trọng này” (PH trả lời phỏng vấn trên vanvn.vn, 21.6.2021). Chính vì thế, những ngày viết báo, làm thơ trên đất Sài Gòn, anh vẫn đau đáu xót thương khi quê nhà bị bão lụt tàn phá hàng năm: tôi mộng du phố xá Sài Gòn/ nào biết quê nhà ngập chìm thác lũ/ hàng trăm người làm mồi nước dữ/ hàng vạn người chới với giữa mông mênh/ sự sống thu mình trên bè chuối chông chênh/ gia tài một màu trắng xoá/ căng mây làm nhà/ chiếu chăn là mưa là gió/ lúa mộng cầm hơi chống chọi thuỷ thần (Gởi Phú Yên). Những câu thơ kể một cách thật thà và đầy ám gợi viết về lũ lụt ở quê của gã “mộng du phố xá”, tỏ rõ cái khí chất miền Trung đã như là bản thể.
Ở trường ca “Bước gió truyền kỳ”, những câu chuyện truyền kỳ về gió đã thổi suốt hành trình hình thành, mở cõi của dân tộc Việt. Sức ám ảnh của gió, một yếu tố địa văn hóa nổi trội của vùng đất Phú Yên trong trường ca này đã được nhiều nhà nghiên cứu bàn đến. Ngoài phần Mở đầu và Vĩ thanh, trường ca gồm 3 chương chính với những câu thơ phóng túng, tự nhiên như gió, đặc biệt là những “bước gió” lặng vào bên trong của chiều dài lịch sử hào hùng: Gió vẫn miệt mài cõng hương qua núi đồi một thời trận mạc/ gió nói gì với những chiếc bóng lang thang chưa yên nghỉ mộ phần?.
Ở đây, gió thật sự đã trở thành một biểu tượng đa nghĩa lúc cụ thể, lúc khái quát; lúc vi vu, lúc trầm hùng; lúc thét gào, lúc im lặng; khi bi ca, lúc tráng ca;… gợi lên cả một chiều dài lịch sử hào hùng, nghe trong gió cả hồn thiêng sông núi vọng về: gió Hát Giang/ gió Bạch Đằng/ gió Như Nguyệt/ gió và gió…/ gió Diên Hồng/ gió Chương Dương/ gió Hàm Tử/ gió Chi Lăng/ gió Đống Đa/ gió Rạch Gầm/ gió và gió…/ gió La Ngà/ gió Đông Khê/ gió An Khê/ gió Mộc Hoá/ gió Điện Biên/ gió và gió…/ gió Trường Sơn/ gió Hoàng Sa/ gió Sài Gòn/ gió Tây Ninh/ gió Lạng Sơn/ gió Trường Sa (Bước gió truyền kỳ). Nếu có dịp đọc lại “Bước gió truyền kỳ” rồi kết hợp cảm thụ cùng trường ca “Gió hợp hôn đất nước” sắp in của Phan Hoàng, ta sẽ có những cảm nhận rõ hơn, sâu hơn về những ám ảnh của yếu tố địa văn hóa trong những dòng thơ tưởng chừng yên lặng ấy.
Bên cạnh ám ảnh của điều kiện địa lý, tự nhiên, những ám ảnh của chiến tranh, chia cắt cũng hằn sâu trong ký ức tuổi thơ:
Những con đường loang lổ hố đen đao phủ
sông suối lềnh bềnh ngầu đỏ máu tươi
biển thét gào lớp lớp sóng trào chia lìa tình mẫu tử (Mẹ gánh ước mơ).
Những ám ảnh của yếu tố lịch sử ấy cũng đã được chính Phan Hoàng thú nhận: “Tôi vốn sinh ra vào thời chiến. Mẹ tôi, gia đình tôi là nạn nhân của chiến tranh. Tỉnh Phú Yên quê tôi là một trong những chiến trường ác liệt… Lính chết nhiều mà người thân gia đình lính chết càng nhiều. Nỗi ám ảnh ấy đeo tôi dai dẳng” (PH trả lời phỏng vấn trên vanvn.vn, 21.6.2021). Và vì thế, thơ Phan Hoàng cứ vảng vất đan xen các yếu tố địa lý, lịch sử, văn hóa vào nhau: Khi lịch sử gồng mình trước những cơn bão lớn/ Mọi con đường đất nước đều thẳng hướng biên cương (Bước gió truyền kỳ).
Đặc biệt là nó ám ảnh cả trong thơ và những quan niệm về thơ của chính Phan Hoàng, tạo nên một thi pháp riêng biệt với “cơn bão ký tự mới”: cơn bão đưa ta vào thượng tầng khí quyển/ say điệu luân vũ thiên nga/ lá rừng hoá than trở về xanh cành lộc mới/ đá bí mật mở dần pho ký tự núi lửa (Cơn bão ký tự mới).

2. “Cay đắng như cơn lũ quét, lãnh hải ập trận cuồng phong”
2.1. Nếu có điều kiện làm phép thống kê, ta dễ nhận ra tần suất xuất hiện dày đặc những cuồng phong, bão lũ với nhiều trường nghĩa khác nhau trong thơ Phan Hoàng. Tiếng gió giòn ngọt như môi người thiếu nữ miền biển bất chợt hoảng loạn, kinh hoàng khi mặt trời thốt nhiên đổi hướng mọc, không phải mọc ở đằng đông mà hồ như mọc từ hướng tây, rồi hướng bắc “cay đắng như cơn lũ quét” mặc dù là mặt trời ngay trong ngôi nhà thân thuộc của mình: Trong ngôi nhà quanh năm ngập tràn tiếng gió/ giòn ngọt như môi ngư nữ đương thì/ cay đắng như cơn lũ quét/ có lúc tưởng chừng mặt trời/ mọc/ từ hướng tây/ đôi khi/ ngỡ/ từ hướng bắc (Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc).
Dường như tất cả những nghĩ suy, cảm nhận về lẽ sống nhân sinh, về tình đời, tình người đều được Phan Hoàng nghiệm ra từ những cơn bão tố: Ở giữa áp thấp và bão tố/ tôi nghe thì thầm/ tiếng giữa hấp hối và cái chết (Tiếng thì thầm). Nó thốc mạnh từng cơn vào từng mái nhà, từng số phận, đến cả một vùng ảnh hưởng, cả một dân tộc và lan đến khắp loài người trên toàn thế giới. Từ bão tố, cuồng phong trút xuống, Phan Hoàng đã nói lên được những điều mà con người đã tiên liệu, nhưng lại chính do con người tạo nên hệ quả. Thông tin về những vụ triệt phá rừng của lâm tặc, lâm tặc trả thù kiểm lâm, rồi lở núi, sập đèo… xuất hiện hằng ngày trên các bản tin đi vào thơ Phan Hoàng như những lời cảnh tỉnh:
Ở đâu đó có cánh rừng già đang hấp hối
ở đâu đó có người kiểm lâm mới bị trả thù
ở đâu đó có ngọn núi trọc xói mòn vừa ngã sập
ở đâu đó có cơn lũ quét thất thanh tiếng thú tiếng người (Bình nguyên bay).
Xưa Sơn Tinh đánh thắng Thủy Tinh trong một trận chiến kinh hoàng vì một công chúa mỹ nhân. Sơn Tinh là biểu tượng của sức mạnh một dân tộc chuyên đắp đê chống lũ. Sơn Tinh biết cùng toàn dân tựa vào sức mạnh của núi rừng ngăn đường cuồng phong, bão lũ Thủy Tinh. Nhưng cháu con Sơn Tinh bây giờ lại không rút ra bài học ấy, triệt hạ núi rừng để Thủy Tinh chớp thời cơ, làm cuộc “trả thù xưa” càng ngày càng dữ dội bằng chính tài “hô mưa hoán gió” của mình. Nên không chỉ có núi rừng hứng chịu mà đồng bằng, phố xá cũng chịu chung số phận trong những cuộc trả thù: Thuỷ Tinh chưa quên người đẹp ngàn xưa/ bất ngờ xua quân đánh chiếm/ cá bay rùa phi phố cổ/ giường tủ hoá thuyền bè/ trang phục nguyên thuỷ (Bình nguyên bay). Vì đâu ư? Vì chính sự căm thù, phẫn uất của từng “mắt gỗ” trong những ngôi nhà sang trọng với nội thất tốn tiêu cả một cánh rừng nguyên sinh qua hàng triệu năm tạo nên từng sớ gỗ:
Những vân gỗ quí
trong ngôi nhà sang trọng
như những con mắt lửa giấu kín hờn căm
chờ ngày phát hoả (Mắt gỗ).
Bài học nhãn tiền về sự trả thù của tự nhiên đối với loài người khắp nơi trên toàn thế giới đang diễn ra từng ngày, từng giờ; bây giờ, cũng đã hiển hiện nhãn tiền trước mắt chúng ta: Khí hậu biến đổi từng ngày/ trái đất nóng dần lên từng ngày/ gió thốc mạnh từng ngày/ nước dâng cao từng ngày/ rừng cháy lan từng ngày (Em nóng dần lên).
2.2. Từ những ám ảnh cuồng phong, bão lũ của tự nhiên do yếu tố địa văn hóa, thơ Phan Hoàng cũng chất chứa cuồng phong về lịch sử, chiến tranh. Đó là cơn cuồng phong tanh tưởi khi lần đầu tiên ngoại xâm phương Tây ập đến với những tín hiệu khẩn cấp, báo động những nguy cơ, tất cả đều thảng thốt khi những dân ấp dân lân đưa tay không, chống chọi với từng cơn áp thấp: Những con đom đóm vừa bay vừa phát tín hiệu khẩn cấp/ những con sóng vừa chồm lên vừa báo động nguy cơ/ những con gió từ phía đông vừa ào về vừa thảng thốt/ lãnh hải ập trận cuồng phong/ ngư dân tay không chống chọi từng cơn áp thấp (Cần Giờ bất lực).
Rồi những bàn chân tóe máu tươi trên bước đường chạy giặc, bom đạn Mỹ nổ tung trời, đất trời bầm dập, đồng làng mồ mả tan hoang như một cơn bão vừa mới cuốn qua: Bàn chân trần rễ tre toé máu/ thúng gióng gió đánh hụt hơi/ mẹ đặt con ngồi dưới hố bom khét bầm thân đất/ ngoái cổ ngóng về đồng làng tan hoang mồ mả ông bà (Mẹ gánh ước mơ). Đến những ngày biển Đông nổi cuồng phong vì ngoại xâm phương Bắc. Kẻ thù cũ, mưu toan mới với giàn khoan, tàu chiến nghênh ngang. Bão nhân tạo còn khủng khiếp hơn cả cuồng phong thiên tạo giữa biển trời: Ngoài Biển Đông lại nổi cuồng phong/ Trung Quốc lập thành phố Tam Sa trên chính quần đảo Hoàng Sa/ Đưa giàn khoan tàu chiến nghênh ngang thềm lục địa/ Đài Loan tập trận, xây bến cảng đảo Ba Bình của Trường Sa máu thịt (Gió hợp hôn đất nước, trích theo leminhquoc.vn).
Đó là những trận cuồng phong của những tên hải tặc tham tàn, ỷ thế mạnh ngang nhiên xéo dày lên những dân tộc nhỏ cùng chung cuộc mưu sinh bao đời nay trên vùng biển thuộc chủ quyền mình. Ta có cảm giác ám ảnh của những ngọn gió ngoại bang, những trận cuồng phong bom đạn cứ thường trực trong hồn thơ Phan Hoàng để xâu chuỗi giữa lòng mình mọi cuộc chiến dân tộc đã đi qua:
Không ngừng chống chọi những trận cuồng phong
những tên hải tặc khổng lồ tham vặt (Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc).
Và đến cả nói chuyện thời bình, thơ Phan Hoàng vẫn chưa nguôi bão tố khi cuộc đời những người dân nghèo vẫn còn quá tối tăm trước cơn bão giá cả leo thang, trước những tình đời, tình người trắng đen lẫn lộn:
Người nghèo chết đứng trước cơn bão giá leo thang tối tăm đen đúa mỗi bữa ăn/ Trắng và đen và đen và trắng (Cái chết đen & vũ khúc trắng). Chính vì vậy, Phan Hoàng đã nhận ra “Cơn bão thiên nhiên không lo bằng cơn bão lòng người”: Tổ quốc bay về đâu trong cơn lốc tham nhũng lạm quyền ăn chia nhóm lợi ích?/ Núi sông trôi về đâu trong cơn lũ tài nguyên bị bán thô bán rẻ cạn kiệt tương lai?/ Các vị đầy tớ biết chăng khinh thường mạng sống, trí tuệ và sức mạnh nhân/ dân là tội ác? (Cơn bão thiên nhiên không lo bằng cơn bão lòng người).
2.3. Cũng như đặc trưng gốc của điều kiện địa lý tự nhiên miền Trung: sẵn sàng đón bão, chống bão và sống chung cùng bão tố cuồng phong; thơ Phan Hoàng dữ dội khí chất miền Trung, trằn mình quằn quại, nhưng hoàn toàn không bi quan, bế tắc mà sẵn sàng vượt qua bão tố, hướng tới những mơ ước tương lai với tất cả những niềm hy vọng: nụ cười gieo vào lòng mẹ hạt giống hy vọng/ đồng làng bình yên gặt những mùa sau… (Mẹ gánh ước mơ).
Sau những cơn bão lũ, rừng suối tan hoang, những dòng sông ngập tràn nước mắt, mặt trời vẫn lên, niềm tin vẫn đến như một tất nhiên: trải qua những dòng sông ngập tràn nước mắt/ những cánh rừng cháy trọc xương khô/ mặt trời vẫn không ngừng mọc lên/ trong ngôi nhà tư duy thân thuộc của mình/ ngôi nhà quanh năm ngập tràn tiếng sóng đong đầy tiếng gió (Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc). Cuộc đời vẫn thầm thì những cơn chuyển dạ và những sinh nở mới ngay cả khi sấm chớp, mưa giăng: Ở giữa sấm chớp và mưa giăng/ tôi nghe thì thầm/ tiếng giữa chuyển dạ và sinh nở (Tiếng thì thầm). Hoa hồng sẽ nở, trái chín vẫn thơm nồng vì ai cũng vững tin “có một mùa sinh thực đang hồi sinh” sau bão:
thịt da trái chín thơm nồng
có một nụ hồng nở sau cơn bão
có một mùa sinh thực đang hồi xuân (Nụ hồng sau cơn bão).

3. Thơ – một “hộp đen báo bão”
Không chỉ thấy cuồng phong, bão lũ nổi lên trong những nội dung trữ tình trước hiện thực, sức ám ảnh của gốc địa văn hóa này còn chi phối rất lớn trong những quan niệm thơ của Phan Hoàng. Ở “Hộp đen báo bão”, Phan Hoàng quan niệm thơ là những cơn ngẫu hứng tự do, chẳng biết thơ tìm mình hay mình tìm thơ, nó cứ “chênh vênh giấc mơ” giữa sống và chết: tôi tìm đến thơ hay thơ tìm đến tôi?/ tôi tìm đến em hay em tìm đến tôi?/ tôi nào hay biết/ thơ và em và tôi/ và tất cả/ ngẫu hứng tự do đất trời/ chênh vênh giấc mơ giữa sự sống và cái chết. Sứ mệnh của thơ là tiếng thét gào tự nội tâm phẫn uất, quyết chiến không khoan nhượng, tạo nên những “cơn địa chấn chung thân”, những “cơn bão tử hình” với cái xấu, cái ác, cái ma mảnh: thơ gào thét trong tôi/ cơn địa chấn chung thân những trái tim đen/ cơn bão tử hình những cái lưỡi điện tử.
Thơ là ngọn đèn thắp lên ước mơ, khát vọng của con người, đặc biệt là những số phận khổ đau, bé mọn: thơ thắp sáng tôi/ ngọn nến ước mơ cô bé nghèo tật nguyền thất học/ ngọn đuốc khát khao ông lão mù đơn côi hành khất. Thơ phải biết đánh thức những giá trị truyền thống tốt đẹp để khơi dậy nhân nghĩa trên đời: thơ đánh thức tôi/ tiếng động chân cò lặn lội đêm mưa/ hạt giống ban mai nảy mầm mắt mẹ. Thơ đồng hành cùng nhà thơ trên con tàu bất an có hộp đen lưu giữ những giấc mơ chênh vênh trong tiềm thức, chênh vênh giữa cái thiện và cái ác, giữa thực và mộng, giữa hiện hữu và hư vô, giữa tương lai và quá khứ, hòa bình và chiến tranh, văn minh và hủy diệt: thơ đồng hành với tôi/ như hộp đen ký ức đa tình/ hộp đen con tàu bất an/ lưu giữ những giấc mơ chênh vênh tiềm thức/ những giấc mơ chênh vênh/ như con người vốn chênh vênh/ giữa thiên thần và ác quỉ/ thực và mộng/ hiện hữu và hư vô/…/ giữa tương lai và quá khứ/ hòa bình và chiến tranh/ văn minh và hủy diệt (Hộp đen báo bão). Nhà thơ phải luôn luôn có ý thức tự mình đổi mới, sáng tạo, âm thầm nhưng dữ dội, là “cơn hồng thủy im lặng” nhằm tẩy xóa cho sạch những thói quen hài lòng cùng thành tựu của tư duy thơ “già nua” trước đó:
cưỡi cơn hồng thuỷ lặng im
tẩy xoá nếp nhăn tư duy già nua
hằn sâu gương mặt rỗ nhàu trái đất
rỗ nhàu đúc khuôn thần đồng sáng tạo
Những lúc bay trên đỉnh thăng hoa (Văn bản dở dang).
Không chỉ thay đổi tư duy thơ mà kể cả đối với khoái cảm thẩm mỹ thơ cũng phải cưỡi cơn hồng thủy mạnh mẽ nhưng âm thầm nhằm đánh đắm những “kỹ năng dục vọng” được trang phục bằng những mỹ từ mục ruỗng, dâng tràn lên những đợt sóng tín hiệu mới từ bụi vàng ký ức: Cơn hồng thuỷ khoái cảm âm thầm nổi lên/ kỹ năng dục vọng trang phục mỹ từ mục ruỗng bị đánh đắm/ từng đợt sóng tín hiệu bụi vàng ký ức dâng tràn.
Thơ ngày nay phải “đổi mới toàn diện” bằng cách “bùng lên nhiều cơn hồng thủy”, trào dâng tột đỉnh những tín hiệu khoái cảm mới; cuốn phăng đi những kho văn bản ấu trĩ, già nua, hư danh, giả dối đã từng “khủng bố dòng chảy tự do”, “ám sát” ý tưởng mới, “đe dọa” những tác phẩm có ý hướng hiện đại “rực hương thiếu nữ căng tràn” trên nền truyền thống của những “cánh rừng nguyên sinh” đầy gỗ quý: Làm sao bùng lên nhiều cơn hồng thuỷ/ dâng sóng tín hiệu đỉnh khoái/ cuốn phăng những kho văn bản mộng mị ngủ muộn/ những kho văn bản ấu trĩ già cỗi/ những kho văn bản hư danh giả dối/ khủng bố dòng chảy tự do ngôn từ/ ám sát khát khao chồi xanh ý tưởng/ đe doạ cánh rừng nguyên sinh rực hương thiếu nữ căng tràn văn bản nhựa sống tương lai (Văn bản dở dang). Phan Hoàng cũng lưu ý, với thi ca, nghệ thuật không có ai “mãi là số một trên thế gian này” cho dù đó là “những đỉnh mây thăng hoa” hay “những vực sâu bão tố”, cho dù đó có thể là những “ánh hào quang đám đông” hay “nỗi cô đơn lẻ bóng”:
có những đỉnh mây thăng hoa
có những vực sâu bão tố
có ánh hào quang đám đông
có nỗi cô đơn lẻ bóng
không ai mãi mãi là số một trên thế gian này
(Khi bạn bỏ ruộng mong gặp thần đồng).
Quyết liệt đổi mới thơ ca, nhưng Phan Hoàng cũng tỉnh táo cảnh tỉnh những kẻ nhân danh đổi mới, tạo nên những “cơn bão ký tự mới” “nhốn nháo”, giả dối, “vô hồn” – “những ký tự thiếu tư duy số phận”: Vật vờ như ngọn gió vô hình/ trong thế giới ảo/ lớp lớp ký tự vô hồn/ nhà nhà nhốn nháo/ những ký tự thiếu tư duy số phận (Cơn bão ký tự mới). Cách tân mãi là bản chất của thơ ca. Thơ ở thời đại nào cũng chỉ là thơ, nhưng thơ không phải là những giá trị “nhất thành bất biến”. Thơ trong thời đại hội nhập, cần đổi mới mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để cơn bão ký tự mới nổi mạnh dần lên, mở ra bạt ngàn tín hiệu: cơn bão nổi mạnh dần lên/ thế giới ký tự mới mở ra/ mỗi hơi thở nồng nàn bạt ngàn tín hiệu/ Em cứ ngon giấc hồ nghi giữa mùa hoa cúc/ cơn bão nối những ký tự nồng nàn cất tiếng thuỷ tinh (Cơn bão ký tự mới). Chính vì vậy, với Phan Hoàng, thơ là một “hộp đen báo bão”:
hộp đen ký ức tiên tri
hộp đen ký ức đa tình
nơi ẩn náu con tàu lao đao lận đận
nơi báo bão đại dương số phận
mỗi dòng thơ âm ba dòng định mệnh
(Hộp đen báo bão).
Cũng đúng Trung thu năm Rồng cách đây 12 năm (Nhâm Thìn – 2012), khi Bão số 7 ập vào miền Trung quê anh, Phan Hoàng đã viết: Trung thu năm rồng/ vào những rạng đông ầm ào mưa gió/…/- Vì sao trung thu năm nay tiếng chuông nghe khác lạ/ Có phải tiền nhân lo cơn bão số 7 gieo tai hoạ duyên hải miền Trung? (Cơn bão thiên nhiên không lo bằng cơn bão lòng người). Và năm nay (Giáp Thìn – 2024), đúng vòng quay chu kỳ 12 con giáp, bão số 3 lại ập vào miền Bắc nước ta gây nên bao tang thương, thảm khốc. Đọc thơ Phan Hoàng trong những ngày này, ta tưởng chừng như cuồng phong, bão lũ vẫn đang còn “lại Nồm” sau bão làm tái tê tấc lòng của những người con Việt.
Quảng Ngãi, cuối Thu 2024
MAI BÁ ẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét