NGƯỜI THƠ NƯƠNG BÓNG MẸ CHA
Đọc Bóng mẹ và Bóng cha của Hoàng Cẩm Nga, nhà xuất
bản Hội Nhà Văn, 2019
Vũ Nho
Dễ nhận thấy tác
giả là người rất yêu quý mẹ. Có đến 9 bài thơ viết về mẹ với những kỉ niệm vui
buồn của cuộc sống đầy vất vả, lo toan và hi sinh của người mẹ. Không phải vô cớ
mà tác giả lấy tên cả tập thơ là “Bóng mẹ”. Bóng mẹ luôn trùm yêu thương lên tâm
hồn người con gái hiếu thảo với mẹ cha cả khi thức lẫn khi đã chìm vào giấc ngủ:
Bóng mẹ phủ trùm những giấc mơ
( Bóng mẹ)
Người mẹ ấy với những
kỉ niệm nhớ đời luôn hiện diện trong trái tim, khối óc của người con. Tất cả những
gì quen thuộc đều khôn nguôi nhắc về người mẹ :
Đôi quang gánh nhắc con về quê cũ
Áo tơi lá bảo con ngày mai mẹ ra đồng
Những rảnh mạ tung tăng ngồi chồm hỗm
Chờ mẹ về sau mộ cuối chiều đông
(
Bóng mẹ)
Mọi vật quen thuộc nhớ mẹ, ngươi phụ nữ tảo tần. Con mắt nhớ
nhung của người con đã hình dung ra niềm thương nhớ ấy:
Giàn trầu không nhớ mẹ bỗng dưng khô héo
Cây ổi sau nhà nhớ mẹ không muốn trổ
bông
Con cá cờ dưới ao nhớ mẹ uể oải ngày
đông
Đàn gà con nhớ mẹ không buồn nhặt tấm
( Ngày mai giỗ đầu mẹ).
Nỗi nhớ trùm lên không gian từ trên cao, xuống mặt đất và xuống
dưới ao.
Sự mất mát quá lớn khiến cho người con hụt hẫng. Những giấc
mơ không thành trong giấc ngủ đẫm nước mắt của người con:
Hằng đêm con vẫn khóc
Mong gặp mẹ trong mơ
Ngày mai giỗ đầu mẹ
Còn đâu mẹ bây giờ
(
Ngày mai giỗ đầu mẹ)
Không còn mẹ, người con ao ước gửi
một chùm hoa sấu với tấm lòng về nơi xa xăm mong được an ủi, được nhẹ lòng với kỉ niệm cạo cháy đáy nồi bén “Mẹ bảo nước sấu cạo sẽ vừa”:
Mẹ về chín suối xa xăm quá
Có sấu nở vàng tháng Tư không
Con gửi chùm hoa về nơi mẹ
Gửi cả tình con một tấm lòng
( Gửi mẹ chùm hoa sấu tháng Tư)
Người ta bảo thời gian là thứ thuốc
nhiệm màu xoa dịu những nỗi đau. Nhưng hình như thời gian không có tác dụng đối
với người con trong những bài thơ về mẹ:
Hai tám năm trời như còn hơi ấm
Mẹ đừng tất bật nữa được không?
Hai tám năm rồi một trăm năm
Con mãi mãi mong về bên mẹ
( Hai tám năm xa mẹ)
Cũng trong năm là tập thơ “Bóng cha “ của tác giả. Tập thơ
này vẻn vẹn có 18 bài thì đã có 10 bài viết về người cha. Trong kho tàng ca dao
và cả thơ hiện đại nữa, số lượng câu, bài viết về mẹ bao giờ cũng nhiều hơn áp
đảo số lượng viết về cha. Phải chăng do mẹ mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày? Rồi
mẹ còn bú mớm cho đến khi người con trưởng thành? Và mẹ bao giờ cũng là người bảo
bọc, chở che, vỗ về. nhất là khi người
con còn nhỏ bé?
Với tác giả Cẩm Nga thì mẹ và cha
đều có vị trí ngang nhau trong tình cảm. Những kỉ niệm về mẹ thường chi tiết, cụ
thể về những vật quanh nhà như quang gánh, áo tơi, cây ổi, đàn gà; thì kỉ niệm về cha có vẻ như ảo hơn, mờ hơn với
những vật thể lớn như Ba Vì, Suối Hai, Ao Vua, Hồ Tây, Đập Ghém.
Hình ảnh người cha vừa hùng vĩ, lớn lao lại vừa bình dị gần gũi thân thương :
Cha nâng vầng trăng vớt từ bùn lên
Áo rách mặn đậm hương cốm mới
( Ngày bên
cha)
Người cha vất vả một nắng hai sương được hiện lại thật sinh
động trong nỗi nhớ thương của con ngày giỗ:
Cha
cõng ngày vào đêm, đổ nắng sớm vào bình minh bổi hổi. Cha kéo mưa ngập bùn lầy
lội ra khỏi chỗ con ngồi. Đá ong chơi vơi in dấu chân cha mòn theo năm tháng…
(Trong
ngày giỗ cha)
Tôi cứ liên tưởng về
người cha này với ông bố trong thơ của Trần Đăng Khoa “ Bố em đi cày về/ Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa” ( Mưa).
Trong tập thơ
“ Bóng mẹ”, ngoài thơ viết về mẹ, tác
giả dành một số bài về quê hương Sơn Tây, còn lại là những bài viết về mình. Tập
“Bóng cha”, ngoài thơ viết về cha,
tác giả chỉ viết về những tình cảm riêng tư của mình.
Theo ý chúng
tôi, viết về Mẹ, viết về Cha, cũng chính là để bộc lộ tấm lòng, bộc lộ tâm hồn mình một
cách vừa gián tiếp vừa trực tiếp, nhưng vẫn nghiêng về gián tiếp. Viết về bản
thân mới là sự thể hiện trực tiếp con
người tác giả.
Có thể nói rằng người viết đã có một tiến bộ vượt bực khi nói
về cái tôi, nói về người đàn bà hồi xuân, người đàn bà không tuổi. Ơ tập thơ “Bóng mẹ” những bài viết ngắn thường
thành công với từ ngữ nhìn chung là chuẩn mực ( vì vẫn có chỗ sạn), vần luật chặt
chẽ. Tập “ Bóng cha” tác giả lại chú trọng nhiều đến thơ văn xuôi. Các bài đều
có độ dài, nhưng đọc khá cuốn hút và cách thể hiện khá nhuần nhị. Đặc biệt là
những dấu vết của sự trùng lặp, non lép ở tập trước hầu như không còn bóng
dáng.
Đây là khổ
thơ văn xuôi mà sự thành công chính là bởi
thái độ chân thành:
“ Em – người đàn bà bước
qua tuổi bốn bảy như ánh nắng chiều hôm, như cánh chim biển cả, chẳng toan tính
đa đoan vật vã. Sợ trái tim mình nhạt mờ sau tất cả những cô đơn sau chiều bảng
lảng sương buồn. Em bất lực với chính mình khi chạy đua với thời gian trước sự
tàn phai sắc đẹp. Có những ngày em bỗng thấy hoang mang sau những lo toan cơm
áo, được người đời khoác lên vai hai mỹ từ \
“ tần tảo” trên thân
xác già nua, khát thèm những đón đưa yêu chiều chẳng thể nào buông bỏ…
Em – người đàn bà trước ngưỡng cửa của
tuổi năm mươi sợ nói về những nỗi được thua, lặng lẽ một mình rơi lệ, khi nghĩ
mình là cánh hoa sắp tàn khao khát được đưa hương!...”
(Trước hoàng
hôn hồi xuân)
Mỗi người dù là trẻ hay già đều có thể có đóng góp nho nhỏ
như nhà thơ Thanh Hải viết : “Ta làm con
chim hót/ Ta làm một cành hoa/ Ta nhập vào hòa ca/ Một nốt trầm xao xuyến/ Một
mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc”
( Mùa xuân nho nhỏ).
Hoàng Cẩm Nga
mới ở ngưỡng cửa của tuổi năm mươi, như một bông hoa mãn khai. Nếu khao khát
đưa hương thì vẫn có thể góp một làn hương lạ vào rừng hương thơ ca đất nước!
Việc ấy tác giả đã bắt đầu và đã có thành công!
Hà Nội,
mùa Thu năm 2019
Bì in trên Báo VĂN NGHỆ của Hội Nhà văn Việt Nam, số 46, ngày 16 tháng 11 năm 2019 với nhan đề Bóng mẹ, bóng cha. Đây là bản đầy đủ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét