TRAO ĐỔI VỚI NHÀ THƠ NGUYỄN
VƯỢNG
VỀ NGÔN NGỮ TRONG THI
CA
Nguyễn Xuân Dương
*
Mỗi nhà thơ thường có một trường ngôn ngữ cho thế
giới thi ca của mình. Nếu ta cứ muốn đi đến tận cùng của nó thì quả là một điều
không tưởng vì ngôn ngữ trong thi ca thường rất phi lí vì thế ta cứ phải gắng
tìm cách tiếp cận để thấu hiểu và đôi khi phải mặc nhiên công nhận nó.
Tôi xin lấy ví dụ trong bài VỘI VÀNG nhà thơ Xuân
Diệu đã viết:
“Tôi muốn tắt nắng
đi
Cho màu đừng nhạt
mất
Tôi muốn buộc gió
lại
Cho hương đừng bay
đi”
Nếu cứ chất vấn đến tận cùng thì xin hỏi nhà thơ Nguyễn
Vượng có ai tắt được nắng và có ai buộc được gió không. Đó là điều không thể vì
đó chỉ là khát vọng của thi nhân không muốn vạn vật trôi đi bởi vì thời gian
của đời người là hữu hạn.
Nhà thơ Nguyễn Vượng có thắc mắc hai từ THẦM THĨ
tôi đã dùng trong bài bình luận cho bài thơ HƯƠNG QUÊ của nhà thơ Đặng Xuân
Xuyến.
HƯƠNG QUÊ
Hương cốm nhà bên
duyềnh sang nhà hàng xóm
Cô bé thậm thò vắt
ngang dải yếm
Níu bờ sông
Ơi ời “ra ngõ mà
trông”
Vi vút gió đồng...
Ngẩn ngơ
giấc mơ
Níu đôi bờ bằng dải
yếm
Chuốt tóc mềm làm
gối chăn êm
Áo tứ thân trải lá
lót nằm
Gom gió lại để
chiều bớt rộng...
Thẩn thơ
Tiếng mơ thầm thĩ
“Người ơi...
Người ơi...”
Dan díu lời thề
Ngõ quê líu quíu.
*.
Hà Nội, chiều 31.08.2017
ĐẶNG XUÂN XUYẾN
Xin được thưa rằng đó là hai từ tôi sử dụng lại
của nhà thơ Giang Nam trong bài thơ TIẾNG NÓI VIỆT NAM:
"Đây tiếng nói
Việt Nam! Đây Hà Nội"
Xa muôn trùng vẫn
thầm thĩ bên tai!
Rút lại cách ngăn,
đẩy lùi bóng tối
Thắp niềm tin cháy
sáng giữa tim người”
Với văn cảnh của khổ thơ và toàn bài thơ nếu nhà
thơ Giang Nam dùng hai từ THẦM THÌ thì không thể chấp nhận vì đài tiếng nói
Việt Nam thì không thể thầm thì (thầm thì như trộm
chia của). Mặt khác vì thời đó ở Miền Nam không thể nghe Đài tiếng nói Việt Nam
tự do mà phải nghe lén nên âm thanh rất nhỏ vì thế chữ thầm thĩ nói được cái
gần gũi ấm áp của tiếng nói Việt Nam.
Giang Nam thừa kế hai từ này của ai thì tôi không
biết, còn theo nhà thơ Vượng Nguyễn nó đã có trong bài MÙA XUÂN CHÍN của Hàn
Mạc Tử “Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc”
Với văn cảnh câu thơ này thì hai từ THẦM THĨ mà tôi kế thừa đã rất đắc địa phải
không nhà thơ Vượng Nguyễn. Tôi đã bình giảng bài thơ TIẾNG NÓI VIỆT NAM khi
dạy môn văn bổ túc văn hóa từ những năm đầu của thập kỷ 60 thế kỷ trước và hai
từ đó đã ám ảnh tôi cho đến bây giờ. Đây không phải là lần đầu tiên tôi dùng
hai từ này mà đã nhiều lần sử dụng nó khi có nhu cầu. Đôi khi tôi thường ghép
hai cụm từ với nhau “Thầm thĩ thầm thì”
Tôi dùng hai từ này khi cần phải nói đến sự trao gửi những lời yêu thương của
hai người yêu nhau gần giống với câu thơ tôi trích ở trên của Hàn Mạc Tử, hoặc
là sự gửi gắm của nhà thơ với người đọc. Nhưng theo nhà thơ Nguyễn Vượng thì
hiện nay không ai dùng vì có lẽ ông chưa đọc bài thơ của nhà thơ Giang Nam. Với
tôi hai từ đó có một âm hưởng khác, một cung bậc cảm xúc khác với hai từ THẦM
THÌ vẫn thường dùng. Xin trích dẫn đoạn văn bình luận có hai từ thầm thĩ của
tôi: “Chỉ là một tiếng mơ thầm thĩ, gian
díu một lời thề trong cái ngõ quê líu qúiu. Cái ngõ quê rất đặc trưng của nhà
thơ Đặng Xuân Xuyến.”
Cũng khi bình luận về từ DUYỀNH (Chắc nhà thơ
Đặng Xuân Xuyến viết sai đáng ra phải là DUỀNH mới đúng). Nhà thơ Nguyễn Vượng thì
đã tra từ điển từ này chỉ một vụng nước như trong câu Kiều “Buồn trông gió cuốn mặt duềnh” Vâng đó
không hề sai. Nhưng tôi nghĩ trong câu thơ này của Đặng Xuân Xuyến
“Hương cốm
nhà bên duyềnh sang nhà hàng xóm”
Theo tôi từ DUỀNH ở đây lại muốn gửi gắm về một
động từ “duềnh lên”, thuộc về sự lan
tỏa của mùi hương cốm. Mà mùi hương cốm ở đây còn được trợ lực bằng sức mạnh
của tình yêu mà người con gái nhà bên muốn gửi sang cho chàng trai. Tôi nghĩ
chữ DUỀNH phải hiểu theo nghĩa đó và nó đã trở thành một từ đắt giá của Đặng
Xuân Xuyến. Các nhà thơ thường sáng tạo ra những từ theo trí tưởng tượng của họ
mà thông thường cổ nhân vẫn gọi “Ý tại
ngôn ngoại”
Tôi lấy một ví dụ rất mới mà thực ra tôi cũng
chưa thể tiếp cận để nắm bắt cho hết những gì mà nhà thơ Dung Thị Vân muốn gửi
gắm trong bài thơ TA NÓI ĐỂ MÀ CHI để cùng trao đổi thêm:
“Cảm ơn người
Bên đây bờ vĩnh tận
Những tàn phai
Ta chưa kịp cựa
mình”
Rõ ràng cụm từ: BÊN ĐÂY BỜ VĨNH TẬN là một cụm từ
sáng tạo của nhà thơ Dung Thị Vân. Hiểu thế nào về cụm từ đó chỉ có nhà thơ mới
lí giải một cách cặn kẽ. Nhưng đôi khi sự lí giải ấy chắc gì đã được người đọc
chấp nhận. Với tôi tôi nghĩ đây thuộc về một giới hạn vô cùng của không gian và
không chỉ là không gian mà còn là giới hạn của của cảm xúc. Qua đó hình như nhà
thơ đã muốn bày tỏ về sự tận cùng vĩnh cửu của những tàn phai. Ta cứ phải mặc
nhiên công nhận nó và ta cảm nhận sự mông mênh của thi ca. Ta thấy những câu
thơ như thế chiếm đoạt được cảm xúc của con tim mà không hiểu được vì sao lại
như thế. Nó rất hay, nhưng hay ở chỗ nào thì ta cũng không thể lý giải.
Thi ca luôn tồn tại những phạm trù của sự phi lí
và nhiều khi ta cứ phải mặc nhiên công nhận một cách mơ hồ về ý tưởng, về khát
vọng của tác giả. Xin đăng toàn bộ bài thơ của Dung Thị Vân để các bạn có thể
trao đổi về nghệ thuật ngôn ngữ của bài thơ này:
TA NÓI ĐỂ MÀ CHI
Xin cảm ơn
Lời bạc của tình
nhân
Cảm ơn người đã cho
ta
Những bài thơ bọc
bằng suối lệ
Cảm ơn người
Bên đây bờ vĩnh tận
Những tàn phai
Ta chưa kịp cựa
mình
Tình nhân ơi
- có những điều
Viễn miền câm lặng
Có những dối gian
trầy xước chẳng nên lời.
*.
DUNG THỊ VÂN
Xin được đăng một lời bình luận dưới bài thơ này:
“Hay tuyệt, ngắn gọn nhưng chuyển tải
điều xót xa sâu khuất góc tâm hồn” đây là bình luận tương đối nhất, còn thì
là “Hay lắm, hay tuyệt” ...
Qua đây tôi mong muốn nhà thơ Nguyễn Vượng, Thuy
Do, Dung Thị Vân và đặc biệt là nhà thơ Đặng Xuân Xuyến tác giả bài HƯƠNG QUÊ
mà tôi đã bình luận cách đây một năm cùng tất cả những ai quan tâm đến sự bí ẩn
của ngôn ngữ thi ca cùng trao đổi. Đặc biệt các nhà thơ đã sáng tạo ra những
cụm từ cho thế giới thi ca của mình. Các bạn có thể đưa ra những ví dụ và giải
thích cho độc giả hiểu thêm về ý tưởng của các bạn.
Rất mong nhận được những ý kiến trao đổi của các
bạn!
*
Bắc Ninh, ngày 06.11.2019
NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Địa chỉ: Nhà số 7 Đường Thành Cổ,
Phường Vệ An - Thành phố Bắc Ninh
Điện thoại: 037.224.23.92
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét