Thứ Năm, 28 tháng 7, 2022

CỤC ĐẤT CỤC VÀNG

Truyện ngắn Nguyễn Bàng

CỤC ĐẤT, CỤC VÀNG

nguyn_bng_2

*

Chị Hòa đang cho mấy con gà ăn thì thằng Sơn, con chị đi học về. Khác hẳn mọi ngày, hôm nay vừa cất túi sách xong, thằng bé nhao ngay về góc chuồng gà, hớn hở khoe với mẹ:

- Tối nay sinh nhật con cô giáo đấy, mẹ ạ!

- Ai bảo con thế? – Chị Hòa vừa nghe con vừa rũ gói cơm nguội cho sạch.

- Cô giáo con bảo thế mà! – Thằng Sơn vẫn hồn nhiên đáp, - Cô bảo từ đầu giờ học và khi sắp tan, cô còn nhắc lại :”Tối nay, sinh nhật em Vũ Cương con cô. Các em bảo bố mẹ cho đến nhà cô vui với em nhé !” Cô còn cho cả lớp ghi số nhà của cô vào vở nháp kia mà ! Mẹ cho con đi mẹ nhé !

Chị Hòa chưa biết tră lời con ra sao, chỉ ậm ừ bảo:

- Đi tắm nhanh lên rồi vào ăn cơm kẻo tối đấy!

Thằng Sơn tưởng mẹ đã bằng lòng. Nó nhảy phốc chân thỏ đi tìm quần áo tắm, mồm hát toáng lên ; “Mẹ của em ở trường là cô giáo mến thương...” Người mẹ thấy con tươi vui nhanh nhẹn , sung sướng như nở từng khúc ruột. Nhưng nhớ tới lời xin của con, chị bỗng băn khoăn tự hỏi: “Có cho con đi không nhỉ ?”

Chị Hòa là lao công quét rác đường phố. Chồng chị làm thợ xây  cho một chủ thầu tư nhân, mỗi khi có công trình , người ta mới gọi đi làm nên thu nhập thất thường. Hiện anh đang theo đội thợ về một huyện cách xa thành phố ba chục cây số nên ăn ở ngay tại lán. Gia đình chị tuy sống trong một căn hộ nhỏ bé ở một ngõ cụt ven sông nhưng lại thuộc địa bàn của phường  Một, cừa ngõ lớn nhất của thành phố hiện vẫn còn y  nguyên cả một khu phố Tây cũ với những con đường rợp bóng mát và những tòa nhà kiến trúc theo kiểu châu Âu rất đẹp từ đầu thế kỷ trước. Nhờ sự may mắn ngẫu nhiên đó, gần  mười năm nay, chị được quét rác ở mấy con đường vào loại sạch đẹp nhất thành phố, loáng thoáng một ít nhà dân còn toàn là cơ quan hành chính; trong khi các bạn của chị phải quét dọn ỏ những phố dân cư đầy ngõ ngách tối tăm chật hẹp hay những phố chợ tồi tàn, vừa buông chổi ra đã lại ngập tràn rác rưởi bẩn thỉu.

Nhưng có lẽ may mắn nhất là, theo hộ khẩu, thằng Sơn con chị đã được học trọn vẹn ba năm ở một trường Mẫu Giáo to đẹp nhất thành phố, giờ lại nghiễm nhiên vào lớp Một của một trường Tiêu Học cũng to lớn và danh giá nhất thành phố. Ngôi trường này do người Pháp xây dựng gần một trăm năm trước để dành riêng cho con em người Tây đi học. Thời Tây, trường mang tên một tên quan năm thực dân. Sau chiến thắng Điện Bien Phủ, khi lính pháp cuốn khỏi thành phố, nó được đổi sang hai tiếng “Điên Biên”.

Hôm đầu tiên đưa con vào lớp, về đến đầu ngõ chị Hòa gặp cô Mai, tốt nghiệp Đại học sư phạm đã hai năm chưa xin được chỗ dạy, phải phụ việc cho quán Rượu mực buổi tối trên lề con đường lớn mới mở xuống sân bay để kiếm sống và có tiền thuốc thang cho bà mẹ quanh năm đau yếu và nuôi thằng em đang học Đại học trên Hà Nội.

- Con được học ở trường Quốc tử giám sướng nhỉ? – Cô Mai tươi cười hỏi chuyện nhưng chị Hòa chả hiểu cô nói gì, chị thật thà hỏi lại:

- Sao lại là trường Quốc tử giám, hả cô?

- Quốc Tử Giám là trường ngày xưa, ban đầu chỉ dành riêng cho con vua và hoàng tộc. Về sau mở rộng thu nhận cả con cái nhà dân thường có sức học xuất sắc. Trường Điện Biên chẳng phải là Quốc Tử Giám của thành phố mình hay sao ? Con cháu các ông to bà lớn đều học ở đây cả. Con chị mà không đúng địa bàn thì đến hết kiếp cũng chẳng được đặt chân vào đấy, Những đứa trẻ trái tuyến, ở phường hay quận khác, muốn vào học trường này, bố mẹ chúng phải tốn nhiều công của lắm. Người thì nhờ thân quen, người thì tìm “cò học”. Ngoài tiền tự nguyện ký vào “Sổ vàng xây dựng” được trên cho phép là hai triệu, tiền quà cáp biếu xén người quen hay cho ‘cò’ còn tốn kém thêm gấp bội. Ấy vậy mà khối người đã bị người quen hứa hão hay bị ‘cò’ nó lừa mất tiền mà con không được vào học.

Nghe Cô Mai giảng giải, chị Hòa nửa tin nửa ngờ nhưng trong lòng lại thầm sung sướng vì mình chẳng phải bận tâm và mất mát một đồng nào cho con mình vào lớp Một.

- Thế thằng cu học lớp nào? – Cô Mai lại vồn vã hỏi.

- Lớp cô Hà Ly, em ạ! – Chị Hòa đáp.

- À! Cô Hồ Ly

Thấy cô Mai nhếch mép cười nhắc lại, chị Hòa tưởng mình nhớ sai tên cô giáo, vội hỏi:

- Sao, cô ấy họ Hồ à?

- Không! Nhưng để em nói cho mà nghe. Nó học xong trung học cùng với em đấy. Lười và dốt có đuôi nhưng được cái xinh gái nên khối thằng ở trường bị nó hút hồn. Nhưng nó đâu thèm để ý đến lũ chíp hôi ấy mà nhằm vào ông Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, đã một lần bỏ vợ và hơn nó hơn hai chục tuổi. Hết Trung học, nó không dám thi vào Đại học, ở nhà học may cắt thời trang. Thế mà chẳng hiểu sao nó lại cùng vào học trường Sư phạm như em nhưng học khoa cấp Một. Trong khi em phải học bốn năm thì nó chỉ học hai năm, vèo cái tốt nghiệp, về thẳng trường Điện Biên ròi cùng làm đám cưới với ông Chánh văn phòng ngay sau ngày khai giảng năm học đó,

Thấy chị Hòa im lặng nghe, cô Mai hạ thấp giọng:

- Em thấy nhiều người có con học nó kêu ca lắm. Coi khinh con nhà nghèo như rác, xách nhiễu con nhà giàu đủ điều nên có kẻ ác mồm gọi nó là cô Hồ Ly, Hồ Ly tinh ấy mà!

- Thế à! – Chị Hòa ừ hữ cho qua chuyện. Chị không tin như vậy và nghĩ, cô Mai  đang phận hẩm hiu nên cay ca thế thôi.

Sau đó khoảng ba tuần, quét xong ca rác chiều, chợt nhớ ra tối nay là Tết Trung thu, chị vội đi mua cho thằng Sơn một chiếc bánh nướng hình con cá, một quả bưởi  và một chiếc đèn ông sao đẻ nó góp phần phá cỗ  với trẻ con trong ngõ. Chị chắc mẩm thằng bé sẽ vui sướng lắm. Ai ngờ nó như không nhìn thấy mấy thứ mẹ đem về mà lại cuống quít hỏi:

- Thế mẹ không mua gì Tết trung thu  cô giáo con à?

Tưởng con ngây thơ hỏi, chị Hòa cười xuề xòa, đáp:

- Trung thu là Tết của Thiếu nhi, ai lại đi tết cô giáo!

- Mẹ sai rồi! – Thằng Sơn cãi lại – Chiều nay, lớp con chúng nó rối rít khoe nhau đã được bố mẹ cho đi Tết Trung thu cô giáo. Toàn bánh nướng, bánh dẻo Kinh Đô, Thanh Lịch , Như Ý.

Chị Hòa ngớ ngưởi ra, không biết phân bua với con như thế nào. Từ tuổi Thiếu nhi đén nay đã ngoài ba mươi , chị chưa hề được biết mùi vị của bánh nướng bánh dẻo ở những cửa hàng nổi tiếng như con chị vừa nói. Có chăng là thấy những cái hộp đựng bánh bằng giấy bóng lộn màu sắc chữ và hình ảnh người ta vứt ra ngoài đường chị đã quét nhặt rồi gom lại để bán giấy vụn kiếm thêm những đồng tiền lẻ. Đêm Trung thu ấy, thằng Sơn không vui mà mẹ nó cũng buồn. Hôm nay nó lại đòi đi dự sinh nhật con cô giáo, có nên bắt nó buồn thêm một lần nữa

- Mẹ ơi! Con tắm xong rồi. Ăn cơm xong mẹ cho con đi nhé!

Tiếng thằng Sơn cắt đứt dong băn khoăn của chị Hòa. Thấy con háo hức như sắp được đi xem hội, người mẹ tặc lưỡi trả lời:

- Ừ, thì đi!

Cơm xong, chị Hòa mặc cho con bộ quần áo đồng phục mới giặt sạch sẽ. Bản thân chị cũng trút bộ quần áo xanh môi trường và thay bằng bộ quần áo tươm tất chỉ những dịp lễ Tết chị mới mặc. Thằng Sơn nhanh nhảu mở cuốn vở nháp ra cho mẹ xem địa chỉ nhà cô giáo. Thì ra nhà cô xây theo kiểu biệt thự Hàn quốc mới cách đây ba năm ở mặt tiền một con phố đẹp nhất phường. Sáu bảy năm trước, chị Hòa đã được phân công quét rác ở khu vực có con phố ấy. Mặt bằng chỗ tòa biệt thự bấy giờ còn là một dãy khu nhà trệt mái lợp fibrô xi măng dùng làm nhà trẻ của khối Dân chính, Sau hơn một năm không được phân công quét ở đó, một lần có việc đi qua, chị đã phải đứng lại  ngây người nhìn tòa biệt thự thay thế cho dãy nhà trẻ cứ như một phép lạ trong cổ tích. Bỗng dưng chị  tháy sợ phải đến tòa biệt thự đó. Nhưng đã chót hứa với đứa con rồi còn biết làm sao được.

Ra khỏi ngõ, chị Hòa đưa con rẽ vào một quầy hàng mua một gói kẹo Hải Hà. Nghe đâu nó là hàng Việt Nam chất lượng cao nổi tiếng. Ròi chị đưa nó tới quán hoa hỏi xem mứng sinh nhật trẻ con thì mua hoa loại gì? Cô bán hàng cười tươi như hoa, liến thoắng giới thiệu hàng chục mốt khác nhau, có mốt giá tới ba trăm nghìn khiến chị Hòa lạnh cả người. Cuối cùng chị bâm bụng mua một lẵng nhỏ mười hai đóa hồng vàng giá sáu chục. Cô bán hoa bảo, đó là 12 bà mụ với bàn tay vàng đỡ đầu cho đứa trẻ.

Gói kẹo với lẵng hoa vị chi là bẩy chục nghìn, hơn hai ngày lương của mình. Hơi tốn nhưng chắc sẽ đẹp mặt hai mẹ con! Thằng Sơn, con mình đã bao giờ được tổ chức sinh nhật đâu. Mõi năm đến ngày sinh của nó, mình chỉ dắt nó đi chơi vườn hoa Kim Đồng rồi cho nó ăn bát chè cốm hay cái kem ốc quế hoặc chiếc bánh bao nóng chưa đến năm nghìn bạc! Nghĩ thế chị Hòa phấn chấn kéo tay con rảo bước.

Nhưng vừa đến đầu phố nhà cô Hà Ly, chân chị Hòa bỗng khựng lai. Trước mắt chị, một vùng sáng lung linh trùm lên tòa biệt thự kiểu Hàn Quốc ở giữa phố làm mờ nhạt cả ánh đèn cao áp hai bên đường. Loang loáng những chiếc xe máy bóng nhoáng những nước sơn xanh, vàng, trắng, đỏ chở những đứa trẻ bằng tuổi thằng sơn từ hai đầu phố lao vào vùng sáng đó. Thi thoảng  lại thêm một chiếc ô tô mới cáu sang trọng.

Chợt bừng lên tiếng nhạc và lời ca vui tươi bằng tiếng nước ngoài từ một dàn âm thanh cõ lớn, thằng Sơn reo cuống lên:

- Bài hát “Hép pi bớc đê” chúc mừng sinh nhật đấy! Nhanh lên mẹ ơi !

Rồi nó dứt ra khỏi tay mẹ, như con ngựa non tế lên phía trước, chị Hòa lập cập đôi dép nhựa vội lao theo, túm lấy con:

- Chờ mẹ đã!

 Không ngờ hai mẹ con đã đứng bên cổng tòa biệt thự. Hai cánh cổng sắt với cao rộng với những họa tiết rất đẹp và lạ mắt đã được mở hêt cỡ dưới mấy chùm đèn sáng như ban ngày vừa như mở lòng đón khách vừa như cố ý phơi ra vẻ tưng bừng náo nhiệt của cái phòng khách rộng đang nêm chặt người nhìn ra ngoài cổng. Mà họ mới đẹp và sang trọng lám sao ? Những bộ com lê đát tiền, những chiếc váy áo đủ màu. Vải xù xì, lụa óng ả, nhung tơ mềm mại. Tất cả đều như cố phơi hết ra mọi vẻ thanh lịch, mặn mà, duyên dáng và gợi cảm của khách với chủ nhân và của khách với khách. Quà của họ đem đến xếp đầy trên hai chiếc bàn to ở hai góc phòng. Những con thú nhồi bông đủ loại, đủ màu sắc. Những đồ chơi điện tử hiện đại. Những hộp bánh óng ánh nước sơn  và cả những chiếc phong bì toàn màu hồng. Tất cả như làm tôn lên hình ảnh hai nhân vật trung tâm ở chính giữa phòng. Đó là hai mẹ con cô giáo Hà Ly. Thằng bé con cô, ba tuđi đứng trên một chiếc đôn giả da hổ, trong bộ sa tanh trắng muốt bó chen lưng, cổ cài nơ nhung đỏ đang thích thú nhìn ba ngon nến lung linh xanh, đỏ, vàng cắm trên một chiếc bánh ga tô to như một cái mâm ba tầng. Quây quanh nó, có tới ba chục đứa trẻ lớn hơn nó vài tuổi, vừa trai vừa gái, quần bò váy tầng đẹp như tiên đồng, ngọc nữ. Đó là học sinh lớp Một của cô giáo. Bọn này chắc đã đến nhà nhiều lần nên có vẻ rất thân vời thằng bé. Còn cô giáo Hà ly, váy ngán, áo tay dài có dây kéo cổ viền ren màu xanh ngọc bật lên vẻ đẹp đài các, đang đi lại tiếp khách từ bàn này sang bàn khác, Giúp việc tiếp nước  và mời bánh kẹo là hai cô gái trẻ đồng phục trong hai bộ quần áo dài  dân tộc.

Nhìn cảnh tượng đó, chị Hoà thấy chân mình run lên như bị cóng rét. Chị kéo giật tay con lại:

- Đi về thôi, con!

- Ơ! Sao lại về! – Thằng Sơn co người lại kêu lên – Con không về đâu!

- Đừng nói to, con ! Chị Hòa lúng túng xòe bàn tay ngăn miệng con lại, Vùa lúc đó, từ trong phía tòa biệt thự vang lên tiếng đồng ca của bầy trẻ nhỏ làm thằng Sơn như phát cuồng, gạt phắt tay mẹ ra:

- Các bạn lớp con đang hát đấy. Vào nhanh lên, mẹ!

Thấy mẹ bất động, nó tỏ ra quyết liệt:

- Mẹ không vào thì con vào một mình đây!

Rồi nó giật phắt gói kẹo và cái lẵng hoa trong tay mẹ và như con sóc nhỏ biến thoắt ngay vào trong cổng tòa biệt thự. Không ngăn nổi con , nhưng không thể bỏ mặc nó đẻ về nhà, chị Hòa đành  ngồi thụp xuống bên gốc cây vỉa hè mặc cho hai dòng nước mắt tủi phận và lo lắng tràn lan trên hai gò má

Khi không còn nước mắt để khóc, chị Hòa mớinhận ra lời ca tiếng nhạc trong tòa biệt thự đã ngừng im, nhường lại cho những tiếng chào chia tay hoan hỷ. Rồi tiếng ô tô, tiếng xe máy sôi lên trong những ánh đèn pha rực sáng. Chừng mười phút sau, đoạn đường phố mới được trả lại yên tĩnh. Nhưng sao chưa thấy thằng Sơn ra nhỉ? Chị Hòa thầm hỏi rồi đứng dậy và hốt hoảng thấy con mình như đang bị ma đuổi, chạy lao ra khỏi hai cánh cổng sất. Người mẹ run rẩy và lo lắng hỏi:

- Sao thế con?

- Ai bảo mẹ mua gói kẹo này? – Thằng Sơn tức tưởi vứt toẹt gói kẹo Hải Hà còn nguyên bao xuống vỉa hè.

- Mẹ chả hiểu ra làm sao cả. Con phải nói cho mẹ biết chuyện gì đã xảy ra chứ?

Thằng Sơn đưa tay quệt ngang mũi, xụt xịt:

- Con vào nhà cô giáo, nhưng thấy mọi người đang ăn những miếng bánh gatô cát từ cái bánh ba tầng nên con không dám bước lên phòng khách mà đứng ở một góc sân. Chờ lúc mọi người ra về hết, con mới đem gói hoa và gói kẹo lên chào cô giáo. Cô đang mải thu nhặt những chiếc phong bì nên chỉ liếc qua con và bảo người giúp việc: ”Xem còn bánh ga tô, cho thằng bé kia một miếng”. Con đâu có thèm ăn, con chỉ muốn tặng quà mừng sinh nhật  em bé.

Con đem gói kẹo và lẵng hoa lại gần nó và nói: “Anh chúc mừng sinh nhật em”. Thằng bé dửng dưng nhìn lẵng hoa chỉ giơ tay đón gói kẹo, nhưng vừa nhìn thoáng qua, nó vứt toẹt ngay vào sọt rác: “Ứ phải sô cô la!”. Cô giáo Ly thấy thế bảo cô giúp việc: “Nhặt gói kẹo trả thằng bé và bảo nó về đi

Chị Hòa nghẹn ngào lau mũi cho con:

- Mẹ đã bảo nhưng con có nghe đâu. Thôi đi về!

Trẻ con mau nhớ mau quên. Đêm ấy, thằng Sơn vẫn ngủ ngon trong lòng mẹ nhưng chị Hòa thì không tài nào chợp được mắt. Qua ánh trăng suông dọi vào song cửa gỗ đã long lở nước sơn xanh, chị thấy chập chờn hiện lên hình ảnh trên chiếc đôn giả da hổ, một đứa bé trai ba tuổi trong bộ sa tanh trắng muốt bó chẽn lưng, cổ cài cái nơ đỏ đang thích thú nhìn ba ngon nến lung linh xanh, đỏ, vàng cắm trên một chiếc bánh ga tô như một cái mâm đồng. Quây quanh nó có tới trên ba chục trẻ lớn hơn nó ba tuổi, vừa trai vừa gái quần bò váy tầng đẹp như tiên đồng ngọc nữ. Chúng đúng là những cục vàng còn con mình có khác gì một cục đất. Chị chạnh lòng nghĩ thế và không biết làm sao cho đôi mắt khỏi nhòe nhoẹt dưới ánh trăng.

Qua đêm thì hết mộng. Sáng hôm sau vừa quét rác, người mẹ vừa cầu mong cho đứa con mình sẽ lại như con chim nhỏ hồn nhiên đến trường đến lớp. Nhưng buổi chiều hôm ấy, đi học về, mặt thằng bé nom buồn rười rượi, mẹ hỏi mãi nó mới mở miệng:

- Trước giò vào học, các bạn lớp con hớn hở cùng nhau kể lại buổi sinh nhật con cô giáo. Chúng khoe nhau bố mẹ chúng đã mua tặng con cô giáo những gì. Dồ chơi, bánh kẹo, áo quần toàn đồ nhập ngoại của Mỹ, Nhật, Hàn quốc... Thằng Hiên ngồi cạnh con hỏi: ”Hôm qua, mày không đi sinh nhât con cô giáo à?”. Thấy con không trả lời, nó cười: “Tao biết rồi, nhà mày đếch có tiền chứ gì!” Tối qua, con thấy thằng Hiên trong bộ quần áo bò màu xanh rêu sáng loáng khuy đồng.

Chị Hòa giật mình nghĩ: ”May mà chưa đứa nào nhìn thấy con mình trong bộ quần áo đồng phục đã dây mực với lẵng hoa hồng “mười hai bà mụ vàng” nhỏ xíu và gói kẹo nội rẻ tiền nêu thấy thì không biết hôm nay chúng sẽ làm tình làm tội thằng bé đến đâu. Lại còn chuyện thằng bé con cô giáo ném gói kẹo vào sọt rác nữa!

Thằng Sơn lại ấm ức kể tiếp:

-  Con buồn nhất là đến tiết Toán, con giơ tay cả chục lần mà cô giáo không gọi con lần nào. Cô toàn gọi những đứa hôm qua đã hát hò quấn quít bên con cô thôi!

Chị Hòa có nuốt tiếng thở dài, động viên con:

- Con cứ hăng hái giơ tay, thế nào cô cũng gọi con mà!

Người mẹ thật lòng khuyên con như thế và thầm mong con mình sẽ được như thế. Nhưng hôm sau đi học về, thằng Sơn vứt phịch ba lô sách vở lên bàn, phụng phiu:

- Con không đi học nữa đâu!

- Sao thế con? – Chị Hòa lo lắng hỏi.

- Chả có đứa nào chơi với con cả. Thằng Hiên ngồi cạnh huých vào vai con bảo: “Mẹ mày quét rác nên người mày hôi lắm, tao đếch thèm chơi với mày!” Rồi nó lấy bút chì vạch lên bàn học và ghế băng cấm con lấn sang chỗ nó. Con thưa cô thì cô lại mắng con mất trật tự khi cô đang giảng bài.

Chị Hòa xót xa như bị muối xát vào lòng. Sau ca quét rác chiều, chị vơ vẩn tìm đến con đường xuống sân bay, ghé vào quán Rượu mực cô Mai giúp việc. Cô Mai vừa căng lều, trải chiếu, bày khay xong.

- Hôm lâu cô bảo chị, con học trường Quốc tử giám sướng nhỉ. Nhưng có sướng gì, đâu cô?

- Sao lại thế? – Cô Mai ngạc nhiên hỏi.

- Mình nghèo, con mình như cục đất học lẫn với con người ta như những cục vàng, tủi nhục lắm!

Rồi nước mắt ngắn, nước mắt dài chị kể lể mọi chuyện mới xảy ra với thằng Sơn khiến cô Mai cũng chạnh lòng nghĩ đến thân phận mình:

- Cây khô xuống nước cũng khô, em có hơn gì cảnh hai mẹ con chị. Đã hai năm ra trường, em vẫn không xin được một chỗ dạy. Chỉ chìa ra mảnh bằng, không nói ở nội thành, kể cả mấy huyện xa nhà vài chục cây số, người ta đều lắc đầu từ chối.

- Chị tưởng em làm ở  chỗ này thu nhập khá chứ?

- Cũng được ông chủ cho dăm bẩy chục mỗi tối nhưng khổ tâm lắm chị ạ. Khách bia rượu mực về đêm toàn bọn choai choai đã kém tiền lại dở ông dở thằng. Vài đứa một chiếu ngồi lỳ đến đêm khuya với hai con mực nướng và vài lít rượu. Có tí hơi men, chúng bốc giời không văn tự, rồi buông những lời tục tĩu, trêu ghẹo cả em nữa. Có đêm, đến độ sương sương, hai chiếu rượu cửa hai quán  kề nhau lời qua tiếng lại, không bên nào chịu bên nào, dẫn đến đánh nhau chảy máu, vỡ đầu. Em buồn lắm, nhưng vì kế sinh nhai, đành im lặng cho qua.

Thấy chị Hòa im lặng, cúi nhìn xuống đất, cô Mai hỏi:

- Thế chị định thế nào? Em cũng mong nó mỗi ngày đến trường là một niềm vui, ai ngờ nó lại không được công tâm trong quan hệ ứng xử. Thời buổi này, người ta chỉ có thể chia đều tiền bạc, chứ khó chia đều tình cảm lắm. Hay là chị gặp cô giáo nó, nói thật với cô ấy về nỗi niềm của thằng bé, may ra cô ấy thông hiểu phần nào chứ cứ để nó mặc cảm vì bị coi là con vịt con xấu xí trong đàn thiên nga như thế, làm sao nó có thể học cho tốt được.

- Chẳng ăn nhằm gì đâu em ạ! – Chị Hòa buồn bã đáp – Thân phận cục đất như con mình, ai người ta thèm quan tâm.

Cô Mai ngẫm nghĩ rồi nói:

- Hay là xin cho nó chuyển trường!

- Thế là thế nào hả em?

- Bây giờ, nhiều kẻ giàu sang đã chán khoe của mà chuyển sang mốt khoe con. Vì thế, họ như thiêu thân chạy cho con vào trường điểm tạo nên một cuộc chạy đua tàn khốc trong giáo dục. Muốn con học ở trường có cái mỹ từ “Trường điểm” ấy thì phụ huynh học sinh phải chấp nhận bị ‘hành” Không kể bị một số thầy cô giáo ‘’hành” như kiểu sinh nhật con cô Hà Ly hôm rồi mà còn bị nhà trường “hành” công khai bởi những quy định khắt khe khó tin như đồng phục áo quần  cặp sách và giày dép công phu, cầu kỳ màu sắc đến kiểu cách mà chị đã phải nộp tiền cho thằng Sơn. Rồi chị sẽ phải đóng góp những khoản thu hết sức phi lý nữa như tiền học tiếng Anh, tiền lắp điều hòa, mua máy tính, máy chiếu và bàn ghế mới để nâng cấp trang bị phòng học... Liệu chị có bơi được trong môi trường chạy theo thành tích đó không? Nếu không thì sao? Con chị sẽ bị liệt vào loại: “Con sâu bỏ rầu nồi canh” của lớp. Vì vậy, em nói là nên xin cho thằng Sơn chuyển sang trường khác, một trường...không điểm!

- Nghĩa là thôi học trường Điên Biên?

- Đúng thế!

- Nhưng chị có biết trường nào với trường nào đâu mà xin? Em giúp chị việc đó được không?

Cô Mai khẽ gật đầu

- Em có con bạn dạy ở trường Tiểu học Hạ Giang bên kia cầu. Trường này mới có khoảng chục năm nay, được xếp vào “tôp” dưới của quận vì nhỏ bé và cơ sở vật chất còn nghèo nàn thiếu thốn nhiều thứ lắm.  Dân ở đó vẫn quen mồm gọi là trường “Bãi Rác” vì trường xây trên bãi rác cũ từ thời Pháp. Con bạn em nó bảo, lần đầu tiên quen nhau, người yêu nó hỏi :”Em dạy trường nào?”, nó ngượng ngập trả lời “trường Hạ Giang”. Vừa nghe xong, người yêu nó buột miệng: “À, trường Bãi Rác!” Nó bật khóc rồi suốt buổi thằng kia hỏi gì nó cũng câm như hến. Sau thằng kia hiểu ra, xin lỗi nó mãi nó mới chịu cho làm lành. Nhưng được cái, mọi người công tác ở trường ấy đều ý thức được phận mình nên từ ông bảo vệ, bác lao công đén chị em giáo viên và hiệu trưởng, không ai bảo ai đều thực sự tôn trọng lẫn nhau, đói xử tử tể và thân thiết với nhau, cùng nhau  tay xây dựng trường. Bọn trẻ trường này cũng biết là dân Bãi Rác nghèo nàn nên bảo nhau chăm học và rất ngoan. Máy năm nay, thầy trò cùng phụ huynh học sinh đã tự nâng cấp nhà trường như trồng cây xanh, lập thư viện, tổ chức các hoạt động văn nghệ , thể thao, các hình thức vui chơi  sinh hoạt câu lạc bộ...tất cả đều hướng đến việc nâng cao chất lượng  dạy và học. Nhờ thế, trường đã có học sinh đạt giải nhất  nhì trong các kỳ thi học sinh giỏi của quận. Con bạn em bảo, trường không có dạy thêm tràn lan và mọi khoản thu chi rất minh bạch. Vì thế em nghĩ, chuyển thằng Sơn sang đó học sẽ tốt cho nó và đỡ gánh nặng kinh tế cho nhà chị!

- Nếu thế, cô xin cho cháu về đấy học thì còn gì bằng!

- Em chỉ ngại nó phải qua cầu lại xa hơn cây số đấy!

- Thì chị sẽ đưa đón cháu cho đến khi nào nó cứng cáp tự đi học được!

- Vậy để em nhờ con bạn em xin cho cháu.

Chị Hòa mừng quá, toan nói lời cảm ơn thì thấy cô Mai khẽ thở dài:

- Chị ạ! Là cục đất nhưng đừng để mình thành đất thải!

*                  *

*

Mấy ngày nay, những bà nội trợ không thấy cô quét rác quen thuộc rung chuông vào giờ đổ râc cuối chiều. Có người tò mò hỏi bác quét rác già thay thế thì được biết, chị Hòa đã xin đổi đi nơi khác để làm ca trưa và tối.

- Tưởng làm ca chiều tốt hơn ca tối chứ nhỉ?

- Vâng đúng thế!- bác lao công già trả lời – Nhưng làm ca chiều thì không thể đưa đón con đi học được. Chả hiểu sao đang học ở cái trường to đẹp nhất thành phố lại đùng đùng xin chuyển sang cái trường bé tí tẹo ở tít bãi rác cũ bên kia cầu. Vậy mà nó có vẻ vui lắm, bảo thằng bé sang đấy được cô giáo và lũ trẻ cùng lớp rất yêu thương, chăm chỉ và hoạt bát hẳn lên.

Cũng tối hôm ấy, trong một chiếu rượu mực trên vỉa hè đường xuống sân bay, một người khách trẻ hỏi ông chủ quán:

-  Sao không thấy cô Mai phụ việc cho bác?

-  Cô ấy ra huyện đảo dạy học rồi! – Ông già vừa quạt than nướng mực vừa trả lời – Tốt nghiệp Đai học sư phạm đã hai năm, giờ mới thành cô giáo đấy!

- Thảo nào cô ấy nói năng rất văn hóa. Giờ chỉ tội phải đi xa quá!

Không thấy ông chủ quán trả lời, người khách trẻ dốc cạn chén rượu rồi hướng mắt về phía đảo xa mịt mùng trong đêm tối.

*

NGUYỄN BÀNG

Địa chỉ: 61B, ngõ 311, đường Đằng Hải,

quận Hải An, thành phố Hải Phòng.

Email: bnguyen37@gmail.com

.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét