Mạn đàm:
NHÀ VĂN THỜI KỸ THUẬT SỐ
Tác giả: Nguyễn Đình Gấm
Thời đại kỹ thuật số sinh ra thế hệ kỹ thuật số
Thời kỹ thuật số là cách nói tắt, nói môn na của thời đại tin học, là thời
đại mới, thời đại hậu công nghiệp, thời đại của văn minh trí tuệ và nền kinh tế
tri thức mà cơ sở của nó là sự phát triển của công nghệ thông tin, của mạng
internet (It), của trí tuệ nhân tạo (AI) từ cuối thế kỷ 20, nhất là những thập
niên đầu thế kỷ 21 hiện nay.
It và kỹ thuật số là cuộc cách mạng tạo ra bước chuyển từ xã hội công
nghiệp sang xã hội thông tin, theo đó làm biến đổi tâm lý con người, thay đổi
cả hệ thống nhu cầu và phương thức thoả mãn nhu cầu của con người. Trong
xã hội thông tin, cá nhân được thoả mãn nhu cầu rất phong phú đa dạng như
giao lưu, trao đổi thông tin, mua bán, ký kết hợp đồng, kinh doanh trên mạng,
dạy học, học tập, sáng tác, vui chơi, giải trí ...Khi kết nối mạng, vào mạng thì
người ta có thể “có mặt” ở bất cứ đâu, “đến” mọi nơi trên thế giới, trải
nghiệm, tận hưởng và có nhiều cơ hội để thể hiện mình.Chỉ với cú nhắp chuột
vào một trang Web, ta có tất cả thông tin về các lĩnh vực, ta có thể “du lịch
trên khắp thế giới”, có thể chia sẻ sự hiểu biết và tham gia bình luận theo chủ
đề. Do vậy, “lên mạng”, “lướt phây”, “lướt Web” đã trở thành thói quen của
nhiều người như cơm ăn, nước uống vậy. Theo các nhà kinh tế học dự báo,
thế kỷ 21 này doanh số kinh doanh trên mạng sẽ lên tới khoảng 10.000 tỷ đô
la / 1 năm, chiếm hơn 20 % các dạng thức kinh doanh khác. Hiện nay, trên thế
giới có hàng tỷ người tham gia vào mạng It do vậy đã hình thành một thế hệ
mới - thế hệ kỹ thuật số. Nhà văn cũng không ngoại lệ, họ trở thành đội ngũ
người viết thời kỹ thuật số. Chân dung nhà văn thời kỹ thuật số không chỉ ở
vẻ bề ngoài dễ thấy: có cặp số, điện thoại thông minh, láp tốp luôn kè kè bên
người mà cái chính là những phẩm chất nhân cách, định hướng giá trị, thói
quen, phong cách sáng tác đã mang đặc trưng của thời đại công nghệ thông
tin, của thời kỹ thuật số hiện nay.
Do sự phát triển của kỹ thuật số, đặc biệt là mạng It khuyến khích đưa
các nhu cầu về lĩnh hội và truyền thụ (học tập từ xa, dạy học từ xa, sáng tạo
nội dung…) tới tận nhà, do vậy đang tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực
sáng tác văn học nghệ thuật từ nội dung, phương pháp sáng tác của nhà văn
đến việc quảng bá sản phẩm tới công chúng, cũng như những thay đổi trong
nhân cách sáng tạo của nhà văn.
Thời kỹ thuật số nội dung tác phẩm văn học của nhà văn thay đổi
Có thể nói thời đại kỹ thuật số đã mang lại cho nhà văn nhiều ưu thế
mà các cây bút lớn của những thế kỷ trước như Ban Jắc, Léptôn xtôi, Đích
ken…hay như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, cả đến như lứa nhà văn
Nguyễn Khải, Hồ Phương… của Việt Nam cũng không thể có được.
Đó là sự phong phú về các chủ đề văn học cũng như nội dung tác phẩm
do sự tích hợp kho tàng tri thức rất phong phú, đa dạng, nhiều chiều mà xã hội
thông tin, nền kinh tế tri thức mang lại. Với việc sử dụng các phần mềm, lấy
tài liệu từ It, từ các thư viện điện tử… một nhà văn trẻ cũng có được nguồn
thông tin, kiến thức khổng lồ về bất kỳ lĩnh vực nào đó của khoa học tự nhiên,
khoa học xã hội, khoa học nhân văn, về lịch sử văn học, về các tác phẩm văn
học đông, tây, kim cổ…Ví dụ bạn muốn có sự hiểu biết về tác giả, tác phẩm
văn học cận đại của Pháp, là có thể có ngay hàng trăm tác phẩm văn học,
cũng như hàng chục tác giả tiêu biểu với vô số tài liệu từ nhiều nguồn như
sách, các chuyên khảo, các luận văn, luận án, bài báo, bài tạp chí…có liên
quan. Ngày trước, nhà văn thường nghèo, như Nam Cao, Nguyễn Công
Hoan…dù rất muốn đọc sách cũng chẳng có mà đọc. Ngày nay, nhà văn chỉ
tội không có sức mà đọc, hoặc lười đọc mà thôi. Một nhà văn chỉ cần học hết
phổ thông trung học có năng khiếu, thông qua tự học vẫn có thể có trình độ
học vấn “tương đương” bậc đại học và sau đại học cũng như sự “uyên bác” về
lịch sử văn học nếu có khả năng tự học và tiếp thu trên mạng. Do đọc nhiều,
du lịch trên mạng, nhà văn trẻ có thể trải nghiệm nhiều số phận, cuộc đời,
nhiều kiểu loại tính cách của nhiều quốc gia, dân tộc chứ không chỉ đóng
khung trong sự hiểu biết về nền văn học trong nước với những nhân vật, câu
chuyện quen thuộc hoặc qua các đợt thâm nhập thực tế mới có được.Nhà văn
thời nay có điều kiện để so sánh, tổng hợp, phân loại những tài liệu, thông tin
có được để mà xây dựng, hình thành ý tưởng sáng tác, xây dựng cốt truyện và
nhân vật theo ý định của riêng mình. Tuy nhiên, chính từ thực tế này cần đề
phòng do có quá nhiều thông tin, thậm chí là “nhiễu tin”, “ loạn tin”, “lụt tin”
như hiện nay; mặt khác kiến thức thu lượm được lại quá dễ dàng thông qua
các thao tác lấy tư liệu từ mạng It, từ các phần mềm, từ các thẻ điện tử mà nội
dung của tác phẩm có thể trở thành nồi “lẩu thập cẩm”, do cái gì cũng biết, cái
gì cũng đưa vào làm cho tác phẩm nặng nề mất đi cá tính, không còn cái
riêng, mặc dù có mùi vị hậu hiện đại, hội nhập quốc tế nhưng phong vị riêng
của nhà văn thì nhạt nhòa, không để lại dấu ấn. Hiện nay, có thực tế là không
ít những sáng tác đưa lên mạng xã hội, những Blog văn học mặc dù mang
đậm dấu ấn cá nhân, nhưng phần lớn là những “đứa con để non, chín ép” bởi
tính tư tưởng nghèo nàn, nặng chạy theo cảm xúc mới lạ, làm chiêu trò chiều
theo thị hiếu công chúng một cách dễ dãi do vậy giá trị nghệ thuật chưa cao.
Trong xã hội thông tin, cuộc sống thời kỹ thuật số gấp gáp, nhiều áp lực làm
cho nhà văn thời nay thiếu đi “sự cô đơn”, sự tĩnh lặng rất cần cho sáng tạo.
Nhà văn nếu không có trách nhiệm và tâm huyết với nghề, thì những tác
phẩm sản xuất ra vội vã, chưa chín muồi, đứa con tinh thần không còn cá tính,
bởi vì sự máy móc, sự lý trí lạnh lùng đã làm mất đi sự thăng hoa sáng tạo,
vốn là điều cốt tử để cho ra những tác phẩm để đời có giá trị nghệ thuật.
Phương pháp, bút pháp sáng tác của nhà văn thay đổi
Nhà văn thời kỹ thuật số có ưu thế vượt trội so với người viết thời đại
nông nghiệp cổ truyền lạc hậu là tận dụng ưu việt của công nghệ thông tin, It
làm cho phương pháp, bút pháp được thử nghiệm và thay đổi nhanh chóng.
Nhà văn thời nay viết nhanh, viết khoẻ hơn rất nhiều trong một thời gian ngắn
có thể hoàn thành tác phẩm bởi việc viết “bằng máy tính”, thay bằng giấy, bút
mực cho nên có thể “tẩy”, “xoá”, hoặc là “cắt”, “dán”…; thậm chí còn dùng
cả trí tuệ nhan tạo (AI) nữa để lựa chọn những nội dung khác nhau, hoặc là
thử nghiệm nhiều kiểu nhân vật, thay đổi kết cấu tác phẩm một cách dễ dàng.
Tuy nhiên, nếu lạm dụng thì tác phẩm dễ xa rời mục đích ban đầu, dễ bị “pha
loãng”, lu mờ ý tưởng sáng tạo chủ đạo, dễ bị “cốt truyện và nhân vật thao
túng dẫn dắt”, hoặc chạy theo làm vừa lòng sở thích và nhu cầu có tính chất
hiếu kỳ, giải trí của người đọc.
Thiên chức của nhà văn là sáng tạo ra tác phẩm văn học, những bài
thơ, trường ca, truyện ngắn, tiểu thuyết…là những sản phẩm độc đáo, không
lặp lại, mang dấu ấn riêng của tác giả. Tác phẩm văn học không thể sản xuất
hàng loạt, không thể tuân thủ một qui trình công nghệ máy móc được, do vậy
nhà văn thời kỹ thuật số cũng cần cảnh giác với những sáng tác kiểu chương
trình hoá theo công thức abc, hay từ a đến z, hoặc bắt chước, nhại theo một
kiểu cách một tác phẩm hay tác giả, mà ở đó sự tưởng tượng sáng tạo cụt
cánh, trái tim nhà văn ngủ yên thay vào đó là “lập trình của tư duy”, theo đó
nhà văn vô hình chung đã bắt chước lập trình máy tính mà lô gíc hình thức
thống trị trong quá trình sáng tạo. Đó là chưa nói thời kỹ thuật số dễ tạo cơ
hội cho những nhà văn lười biếng, vô trách nhiệm, không có lòng tự trọng đạo
văn, đạo tác phẩm, nhái văn… đã tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin để
làm việc này. Đây đang là vấn đề nổi cộm trên thế giới và văn đàn nước ta
trong những năm gần đây.
Thời kỹ thuật số, nhà văn viết dễ hơn và cũng khó hơn, viết nhanh viết
nhiều hơn, dễ nổi tiếng bởi nghệ thuật “đánh bóng” tác phẩm, “lăng xê” tác
giả, dùng nhiều chiêu trò PR bản thân để nhanh chóng có “thương hiệu” bằng
sử dụng công cụ truyền thông hiện đại. Nhà văn nhanh có nhiều người biết
đến hơn bởi việc đẻ ra “sòn sòn” nhiều tác phẩm được in với số lượng lớn,
song nhà văn thời nay cũng khó khăn hơn trong việc tạo một vị thế đích thực
xứng đáng trên văn đàn, rất khó trong việc tạo ra một chân dung tác giả cũng
như một tác phẩm có giá trị thực sự chinh phục người đọc, một phong cách
thực sự có ấn tượng được nhiều người thừa nhận, chứ không phải của mấy
nhà phê bình cánh hẩu mang lại. Chung qui lại, dù thời kỹ thuật số, nhà văn
vẫn phải có một tài năng sáng tạo đích thực, uy tín thực sự mới chinh phục
được con tim, khối óc của độc giả và công chúng.
Thế giới quan và lối sống nhà văn thay đổi
Thời kỹ thuật số đã làm thay đổi quan niệm về thời gian, về Tổ quốc,
quê hương, gia đình...và làm xuất hiện những giá trị mới. Chẳng hạn, khái
niệm làm việc “tám giờ vàng ngọc” từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều đã bị phá
vỡ. Xã hội hiện đại với nhịp sống mới, con người có thể làm việc và sinh hoạt
bất cứ lúc nào trong 24 giờ/ ngày đêm. Thời khoá biểu là kế hoạch mềm
không phải chi phối bởi giờ giấc mà bởi yêu cầu công việc và năng lực cá
nhân. Trong thế giới phẳng, cuộc sống thời kỹ thuật số, con người không bị
giới hạn bởi các biên giới, quốc tịch, mà con người luôn “di cư”, di chuyển do
nhu cầu của công việc. Nhà văn ngày nay sáng ở Hà Nội, trưa đã bay vào
thành phố Hồ Chí Minh công tác cách xa hơn một ngàn cây số, tối lại có mặt
ở Đà Nẵng. Nhà văn thời nay có điều kiện không chỉ làm việc, công tác ở một
đơn vị, không chỉ ở một nước mà có thể tham gia sáng tác, dịch thuật, nghiên
cứu và quảng bá tác phẩm với nhiều nơi, tham gia dự nhiều giải thưởng văn
học trong nước, khu vực và thế giới; cộng tác xuất bản phẩm với nhiều nhà
xuất bản của nhiều quốc gia khác nhau làm cho sự hiểu biết, trình độ, năng
lực và lối sống sẽ có sự biến đổi và phát triển mang dấu ấn đặc điểm nhân
cách nhà văn toàn cầu, nhà văn thời kỳ thế giới phẳng.
Tuy nhiên, cùng với mặt tích cực và nhiều lợi ích mang lại cho cuộc
sống của nhà văn thì It và công nghệ thông tin cũng có mặt trái, tiêu cực ảnh
hưởng đến nhà văn cần phải lưu tâm. Chính thế giới quan, thói quen và lối
sống người viết thay đổi trong thời kỹ thuật số, trong điều kiện của nền kinh
tế tri thức và trí tuệ nhân tạo đang lên ngôi. Do ảnh hưởng của xã hội thông
tin, mặt trái của kinh tế thị trường, của trí tuệ nhân tạo mà những người viết
văn (nhất là các nhà văn trẻ) dễ hình thành lối sống vô cảm, xói mòn tính
nhân văn; dễ lệch lạc về lý tưởng thẩm mỹ; dễ đua đòi, chạy theo “tren”, thích
hưởng thụ, dễ bị các yếu tố bản năng (như sex, bạo lực...) chi phối trong sáng
tác; dễ sống ảo mà mất đi sự lãng mạn cần thiết do ảnh hưởng của các chò
trơi, videoclip ngắn, Blog, phim ảnh, âm nhạc thương mại. Có lẽ, đây là điều
mà mỗi nhà văn cần tự ý thức, là điều mà công tác xây dựng đội ngũ của Hội
nhà văn cần quan tâm; đó là vấn đề nhân sinh quan và định hướng thẩm mỹ
cho người viết. Hiện nay ở nước ta đang gia tăng các tội phạm giết người, tệ
nạn ma tuý, mại dâm, lừa đảo trên mạng v.v đã phản ánh mặt trái, “quả đắng”
mà thời đại kỹ thuật số mang lại. Nhà văn thời nay cần phát huy ưu thế phát
triển thần kỳ của It và trí tuệ nhân tạo bằng cái đầu sáng suốt, tỉnh táo, trái tim
nhân hậu và tính kỷ luật cao. Thiết nghĩ, trong thời đại kỹ thuật số càng phải
đề cao và coi trọng tính nhân văn, coi trọng các giá trị chân, thiện, mỹ; sống
và làm việc theo pháp luật. Nhà văn cần có lý tưởng nghề nghiệp, đề cao lòng
tự trọng và trách nhiệm của người cầm bút để hạn chế tới mức thấp nhất
những hậu quả, mặt trái của It và kỹ thuật số, để sao cho có nhiều “trái ngọt”,
nhiều tác phẩm văn học có giá trị để đời trong sự nghiệp của mình.
Hà Nội ngày 20 tháng 4 năm 2025
N Đ G
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét