THĂM CHIẾN TRƯỜNG XƯA
ĐẠI TÁ NHÀ VĂN NGUYỄN VĂN HỒNG
Ngoài nghĩa trang tỉnh Bình Dương và Nghĩa trang Tây Ninh nói chung, Đồi 82 nói riêng, phần nhiều liệt sỹ thuộc quân đoàn 3 và MT479 về hội tụ tại đây, hầu như đơn vị nào cũng có. Đoàn CCB bước vào nghĩa trang, khuôn mặt ai cũng suy tư, miệng mím chặt, nhiều người chớp mắt, nhất là các phu nhân. Hàng hàng, lớp lớp những ngôi mộ cùng một khuôn mẫu, có tên và không tên, “đội ngũ chỉnh tề” như đang chuẩn bị “diễu binh về cõi vĩnh hằng”, những người đã viết nên trang sử bằng máu của quân đội ta trong cuộc chiến tranh biên giới tây nam và làm nhiệm vụ quốc tế, Họ đã hoàn thành nhiệm vụ và thanh thản về nơi yên nghỉ cuối cùng. Dưới cái nắng bỏng rát, Đoàn CCB, mỗi người một nắm nhang đi cắm lên mộ các Anh hùng, liệt sỹ. Đại tá Nguyễn Xuân Hà thay mặt Đoàn đọc bài viếng hương hồn các liệt sỹ đã được chuẩn bị từ tối hôm trước, với lời văn và giọng đọc làm nhiều người không cầm được nước mắt...
Nhân dịp viếng nghĩa trang liệt sỹ lần này,
trên đường đi, ngồi trong xe anh chị em trong Đoàn được nghe câu chuyện đi tìm
đứa em trai hy sinh tại chiến trường của thiếu tướng Nguyễn Tiến Ngùng đã được
đưa vào một trong những nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Tây Ninh, câu chuyện có yếu tố
tâm linh ly kỳ, cảm động vừa tình cảm anh em ruột thịt, vừa nghĩa tình đồng
chí, đồng đội. Chuyến xe tiếp tục hành trình đưa Đoàn đến thủ đô Ph’nom Pênh.
Ừ! Đã trên 45 năm rồi đấy nhỉ. Nhiều người
trong Đoàn, đây là lần đầu tiên trở lại chiến trường xưa. So với lịch sử đã “Ba
lần gắn bó với đất nước chùa tháp” (Tên cuốn hồi ức của cố thiếu tướng Phùng
Đình Ấm) chưa phải là dài lắm, nhưng với một đời người, nhiều anh ra đi, lúc tuổi
20 nay tóc đã điểm bạc, nhiều người trong số họ không được may mắn chứng kiến sự
thay đổi, vươn lên thật kỳ diệu từ con số “ 0 “ sau cuộc chính biến ngày 07 –
01 – 1979 của đất nước này. Ngày ấy, tôi ở Mặt trận Đông bắc, trên một hướng
chiến dịch tổng tiến công vào sào huyệt kẻ thù ở thủ đô Ph’nom Pênh.
Sông Niết Lương, một trong chín “con rồng” lấp
loáng phía trước. Từ hàng thế kỷ, để đến Nam Vang phải đi bằng phà, nay là chiếc
cầu bê tông hiện đại, người xe qua lại tấp nập dưới ánh nắng chói chang của
vùng nhiệt đới. Trên đường, mọi người bàn tán xôn xao. Càng đi sâu vào nội địa
Campuchia, nhất là khi qua cầu đến thủ đô, ai cũng trầm ngâm như đang tập trung
suy nghĩ một điều gì đó thật vĩ đại của một quốc gia đang tràn đầy sức sống để
vươn lên. Thực lòng, tôi cũng rất mừng, sự hy sinh của chúng ta cho nước láng
giềng thật đau đớn nhưng không uổng chút nào. Thủ đô Ph’nom Pênh đã hiện ra trước
mặt, xe chúng tôi bị hút vào đất nước chùa tháp, như chiếc thuyền hòa vào dòng
chảy của người và xe đang cuồn cuộn đổ ra đại dương.
Đi trên chiếc cầu
bê tông bắc qua sông Mê kon, lòng rạo rực trước sự vĩ đại của con người là
không giới hạn. Cũng trên dòng sông này, cuộc tổng tiến công trên hướng chủ yếu
giải phóng Ph’nom Pênh, cả sư đoàn 341 vượt qua dưới làn đạn pháo của địch,
cũng chẳng cần phải nói đến mức độ ác liệt của cuộc vượt sông khi bên kia, trên
bờ là địch, máu chảy đầu rơi là không thể tránh khỏi. Qua cầu, tôi hỏi người dẫn
đường: “Trước đây có chiếc cầu mang tên “Cầu Sài Gòn giữa thủ đô Ph’nom Pênh,
nay ở đâu?!”. Tôi được trả lời: “Thì xe chúng ta đang chạy trên cầu đó!”.
Ngay buổi chiều hôm đó, Đoàn đến thăm có
tính xã giao, như là một thủ tục trình diện Đại Sứ Quán Việt Nam tại Campuchia.
Vào đây chúng tôi có cảm giác như về nhà mình ở Việt Nam vậy. Nhớ lại lần sang
thăm năm 2005, lúc đồng chí Lại Xuân Chiến đang là Tham Tán Công Sứ Đại Sứ Quán,
tôi nói với Nguyễn Xuân Hà: “Lần trước mình vào đây, nhìn cái cổng chẳng ai
nghĩ đây là Đại Sứ Quán của một quốc gia ở nước ngoài!”. Hà cho biết: “Đây là vị
trí mới!”. Thì ra là thế.
Đoàn được Đại sứ
Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tại Vương quốc
Campuchia Nguyễn Minh Vũ tiếp và thông báo một số tình hình Campuchia
và quan hệ
Việt Nam – Campuchia.
Đến đây, kết thúc ngày đầu tiên trong cuộc
hành trình. Chúng tôi nhận phòng khách sạn đẳng cấp “5 sao”. Thật choáng ngợp, tầng
dưới cùng như một mê cung mỗi lần đi qua những sòng bài casino để lên các tầng
trên. Tôi nghĩ đâu dễ gì được vào một khách sạn như vậy nếu không đi theo đường
ngoại giao, cả đoàn ở lại đây ba đêm phải là tiền tỷ. Thế mới biết công tác đối
ngoại của Ban Chấp Hành (BCH) Hội Hữu Nghị Việt Nam – Campuchia và vị thế của Hội
CCB MT479 khu vực Hà Nội đối với chuyến đi này quan trọng đến nhường nào, hiếm
có một Đoàn CCB Việt Nam được ưu ái thư thế nếu không thuộc diện khách mời của
quân đội và nhà nước Campuchia.
Ngày 28-3: Là
một ngày bận rộn, hoạt động hết công suất với nhiều sự kiện đặc biệt diễn ra tại
thủ đô Ph’nom Pênh:
Hội cựu chiến binh quân tình nguyện MT479 khu vực Hà Nội dâng
hương tại tượng đài hữu nghị Campuchia- Việt Nam ngày 28-3-2025
Trước khi vào yết kiến Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng
(BQP), Đoàn đến viếng “đài tưởng niệm” ở trung tâm thủ đô. Đi giữa đội quân nhạc
hoành tráng vào thắp nhang dưới tượng đài, lòng bồi hồi xúc động. “Bốn mươi
trái tim” của bốn mươi thành viên Đoàn thổn thức như đang thầm thì với các anh
hùng liệt sỹ: chúng tôi đã đến với các anh, thay mặt cho hàng vạn cựu chiến
binh trong cả nước, cầu mong các anh thanh thản ở cõi vĩnh hằng. Chúng tôi sẽ
tiếp tục làm hết sức mình vì sự nghiệp của các anh để lại (!)…
Tiếp đó, Đoàn vào thăm Bộ trưởng BQP. Đại
tướng Bộ trưởng Tea Seiha đi vắng, tiếp Đoàn chúng tôi là ngài Đại tướng Quốc vụ
khanh Bộ Quốc Phòng Campuchia Cheang Am cùng với cán bộ cao cấp cơ quan BQP. Tại
đây tôi được gặp lại đại tướng Tổng cục trưởng Tổng cục dịch vụ quốc phòng thuộc
Tổng Cục Chính Trị Mia Sa Won. Những năm sư đoàn 309 chúng tôi chiến đấu tại
Pailin, Ông là chính ủy sư đoàn 196 (1981 – 1985). Đại tướng với tôi nói chuyện
nhiều về sư đoàn 196 chiến đấu bên cạnh sư đoàn 309. Tôi còn nhớ và nói với Đại
tướng: người sư trưởng đầu tiên của sư đoàn 196 là Nhất Huôn. Sau khi Nhất Huôn
lên Phó tổng tham mưu trưởng quân đội cách mạng Campuchia thì Côi Bun Tha, một
người được sư đoàn 309 chúng tôi giúp đỡ trưởng thành, lên thay. Khi Côi Bun
Tha lên Bộ trưởng BQP thì tỉnh trưởng tỉnh Bát Tam Băng Keo Kim Giang thay Côi
Bun Tha, và cứ thế, cuối cùng Keo Kim Giang là Tổng tư lệnh các LLVT Hoàng Gia
Campuchia. Lúc tham quan bảo tàng Hun xen, tôi nhận ra hình ảnh Đại tướng Keo
Kim Giang và nhiều tướng lĩnh khác trưng bày tại bảo tàng ở thủ đô Ph’nom Pênh.
Nếu như lần này tôi được gặp Đại tướng thì có nhiều chuyện để hàn huyên với
Ông, bởi thời kỳ Ông làm tỉnh trưởng tỉnh Bát Tam Băng, giữa hai chúng tôi có
nhiều kỷ niệm. Tiếc rằng lần này Đại tướng Keo Kim Giang không thấy xuất hiện.
Buổi gặp mặt thực sự là cuộc hội ngộ của những
người bạn chiến đấu, tuy Đoàn chúng tôi chỉ là Hội CCB MT479, nhưng cũng có thể
nói đây là cuộc gặp mặt mang biểu tượng về tình hữu nghị giữa hai quân đội Việt
Nam – Campuchia/ Campuchia – Việt Nam.
Đại
tướng, Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Campuchia Cheang Am khẳng định, nhân
dân và Quân đội Hoàng gia Campuchia không bao giờ quên công ơn trời biển
của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chiều 28-3, Đoàn
được Phó chủ tịch Đảng Nhân Dân Campuchia (CPP), Chủ tịch Hội hữu nghị
Campuchia – Việt Nam, bà Men Som On đón tiếp. Đến 16 giờ Đại tướng Kun Kim Phó
chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội CCB Campuchia tiếp thân mật tại trụ sở. Một điều
làm cho chúng tôi vô cùng cảm động là sự chân thành không chỉ ở BQP mà Bà Mensomon
và Đại tướng Kun Kim đều cùng một quan điểm nhất quán về sự hy sinh to lớn của
quân tình nguyện Việt Nam là không gì có thể bù đắp được. Chúng tôi thật sự cảm
phục những người đứng đầu nhà nước và quân đội Hoàng Gia Campuchia vừa có tâm,
vừa đúng tầm. Bà Men Som On đã nói đến lịch
sử của Đảng Cộng Sản Đông Dương, tiền thân của Đảng CPP và Đảng Cộng Sản Việt
Nam ngày nay. Từ thủ tướng Hun Xen, nay là chủ tịch thượng viện, đến đội ngũ cấp
tướng và sỹ quan cao cấp của quân đội và cơ quan tối cao của nhà nước đều phát
biểu đại thể là “Quân đội và nhân dân Việt Nam đã sinh ra đất nước Campuchia lần
thứ hai. Nếu không có ngày 07 tháng 01 năm 1979 thì không có Campuchia như ngày
hôm nay. Chúng tôi mãi mãi ghi nhớ, không bao giờ quên và có trách nhiệm truyền
thụ lại cho các lớp mai sau (!)…”
Phó
chủ tịch Đảng CPP, bà Mensomon trân trọng tấm lòng cao cả và chia sẻ nỗi
niềm với những người mẹ, người vợ Quân tình nguyện Việt Nam đã hy
sinh để bảo vệ trọn vẹn thành quả cách mạng của Campuchia. Bà nhắc
lại sự kiện lịch sử năm 1951, Đảng Cộng sản Đông Dương tách ra thành
ba đảng riêng biệt; Campuchia thành lập đảng riêng, mang tên Đảng Nhân
dân Cách mạng Khmer
Ngay từ khi được thông báo về kế hoạch gặp mặt
các vị lãnh đạo Đảng, quân đội và nhà nước Campuchia, thấy có buổi gặp Đại tướng
Kun Kim, trong tôi lóe lên một ý định sẽ trao tặng đại tướng tấm hình đã được
phóng to 30 x 40cm, hình ảnh tôi chụp chung với Đại tướng cách nay trên 20 năm.
Hay lắm! Đây là điều rất thú vị không những với cá nhân tôi mà còn mang ý nghĩa
đặc biệt đối với Đoàn trong chuyến đi này. Bởi Đại tướng đang là Phó chủ tịch
kiêm tổng thư ký Hội CCB Campuchia, một tổ chức rất gần gủi và đồng cảm với
chúng ta. Ông đang rất cần những tư liệu về MT479 và có ý muốn gần gủi hơn với
Hội CCB chúng ta. Đúng ý muốn của tôi rồi, vì vậy sau khi trưởng Đoàn, trung tướng
Lê Minh Cược và Phó trưởng Đoàn, đại tá Nguyễn Xuân Hà trao tặng quà lưu niện,
tôi được thực hiện ý nguyện của mình, ngoài tấm hình chụp chung với Đại tướng
Kun Kim, tôi còn tặng Ông cuốn hồi ức “Cuộc
Chiến Tranh Bắt Buộc” đã được dịch sang tiếng Anh và phát hành trên toàn cầu,
trong cuốn sách ấy có nhiều điều tôi biết Đại tướng đang rất cần.
Đại
tá Nguyễn Văn Hồng, nguyên Phó Tư lệnh – Tham mưu trưởng Quân đoàn 4,
nguyên Sư đoàn trưởng 309 Mặt trận 479, tặng Đại tướng Kun Kim tấm ảnh
chụp hai người cách đây 20 năm 2 tháng 9 ngày, khi ông đang là Phó Tổng
Tư lệnh Quân đội Hoàng gia Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của
Thủ tướng Hun Sen. Đại tướng Kon Kim ngắm nhìn tấm ảnh với vẻ xúc
động bồi hồi. Ông hứa sẽ sang thăm Việt Nam và ký kết văn bản về
Chương trình phối hợp hoạt động với Hội Hữu nghị Việt Nam – Campuchia
Cựu quân tình nguyện Mặt trận 479.
Trao tặng Đại tướng tấm hình, tôi ngước
lên nhìn Ông:
-Trong cuối những năm 80 của thế kỷ 20, tôi
làm chuyên gia (Thơ chầm miên ca) cho sư trưởng sư đoàn 179 quân khu 4. Trong một
lần trở lại thăm chiến trường xưa, tôi có vinh dự được chụp chung với Đại tướng
tấm hình này lúc Đại tướng đang là Phó tổng tư lệnh các LLVT Hoàng Gia Campuchia
và là Chủ tịch Hội đồng cố vấn của thủ tướng Hun xen. Tôi đã nâng niu, trân trọng
và giữ gìn tấm hình này 20 năm, 2 tháng, 9 ngày. Nay tôi xin trao lại Đại tướng
và rất mong Đại tướng cũng nâng niu, trân trọng và giữ gìn 20 năm, 2 tháng, 9
ngày tiếp theo. Tôi kính chúc Đại tướng và gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc
mối quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia / Campuchia – Việt Nam tiếp tục được
củng cố và phát triển! – Nói xong câu ấy, tôi như người nông dân vừa cày xong một
thửa ruộng, lòng cảm thấy lâng lâng…
Sực nhớ đến món quà là cuốn sách, tôi nói
tiếp: “Những yêu cầu của Đại tướng về tư liệu của MT479 thì trong cuốn sách này
có nhiều nội dung sẽ đáp ứng một phần mong muốn của Đại tướng!”. Ông cầm món
quà vui mừng nói lên mối quan hệ gần gủi giữa Hội CCB Campuchia với Hội CCB
MT479 Khu vực Hà Nội và mong muốn có dip sẽ sang thăm ký kết chương trình hoạt
động giữa hai Hội.
Ngày 29-3:
Sáng
29-3, đúng vào ngày thứ 5 của cuộc hành trình thăm lại chiến trường xưa, Đoàn
chúng tôi tham quan “Bảo tàng Hun Xen” tại thủ đô Ph’nom Pênh. Tòa nhà không lớn
lắm, chỉ có một tầng tọa lạc trong một khuôn viên rộng lớn. Không biết diện
tích bao nhiêu, nhưng điều đó không quan trọng, bởi bảo tàng của một nguyên thủ
quốc gia như Hun xen thì muốn rộng bao nhiêu chả được. Cái quan trọng là các hiện
vật bên trong. Đoàn chúng tôi đi bộ dưới cái nắng gay gắt, có người phải chạy bộ
gần cả trăm mét qua cái sân rộng, lát gạch đá granit vào tiền rảnh. Tôi với mấy
người bám theo người quản lý bảo tàng để hỏi đủ điều. Trước hết là pho tượng giữa
sân, cạnh lối đi, là một người lính. Hình như người người quản lý hiểu được những
băn khoăn của chúng tôi về pho tượng nên cho biết: đó là biểu tượng của người
lính bên kia buông súng, về hòa hợp dân tộc Campuchia. Một ý tưởng hay, tôi
nghĩ vậy.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Việt
Nam không là ngoại lệ. Ở Nga, các đời tổng thống đều được dựng tượng, dù có người
có sai lầm về đường lối làm sụp đổ hệ thống XHCN, đó là sự tôn trọng về lịch sử.
Ở ta cũng có nhà bảo tàng của nhiều vị tiền bối. Với bảo tàng Hun Xen ở
Campuchia, tôi cho rằng rất cần. Hun xen là một nguyên thủ quốc gia, đã có công
lớn khi thoát khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt để đi tìm đường cứu nước. Như một
nhà báo quốc tế đã nói: đây là cơ hội vàng (!), tôi nghĩ bảo tàng này không những
đối với Hun xen mà còn rất cần đối với Việt Nam. Không hề sai, trong chuyến đi
lần này, một số vị lãnh đạo đảng, nhà nước và quân đội Hoàng gia Campuchia đã
nói rằng “Chúng ta giúp đỡ nhau !”. Toàn bộ hành trình tìm đường cứu nước của
thủ tướng Hun xen đã được phác họa một cách khá đầy đủ bằng hình ảnh, bằng hiện
vật. Nơi đây còn trưng bày chiếc xe con 4 chỗ ngồi, màu trắng, là chiếc xe được
Việt Nam tặng sau khi Hun xen chạy sang Việt Nam yêu cầu giúp đỡ.
Một
địa chỉ khác không thể không đến đối với Đoàn trong chuyến đi này – Nhà tù Tuol
Sleng. Nhà tù của chế độ diệt chủng Pôn Pốt hầu như cả thế giới đều biết qua hệ
thống truyền thông đại chúng và nhiều du khách quốc tế đến chứng kiến trực tiếp
khi du lịch đến Campuchia nên tôi không nêu lên những tư liệu rùng rợn về cái
chết của hàng triệu nạn nhân tại nhà tù này. Tôi quan tâm đến hai nhân chứng,
được quân tình nguyện Việt Nam cứu sống trong hai hình ảnh dưới đây:
-Một
là người đàn ông nay đã 94 tuổi trông vẫn khỏe mạnh, đang ngồi bán sách gần cửa
trong khuôn viên nhà tù. Ông là nhân vật của cuốn sách do một tác giả nước
ngoài viết và xuất bản.
-Hai
là người đàn ông được in lên bìa của một cuốn sách khác, người này đang chỉ
mình, một trong hai đứa trẻ được bộ đội Việt Nam bế ra khỏi nhà tù tháng 10 năm
1979. Hiện người này cũng đang ngồi bán sách như ông già 94 tuổi trong ảnh
trên.
Đại
tá Nhà văn Nguyễn Văn Hồng và nhân vật của cuốn sách do một tác giả nước
ngoài viết và xuất bản tại Nhà tù Tuol Sleng .(Ảnh chụp ngày 29-3-2025)
Người này
là một trong hai đứa trẻ in trên bìa sách, được bộ đội Việt Nam bế ra khỏi
nhà tù tháng 10 năm 1979. Hiện người này cũng đang ngồi bán sách tại Nhà tù
Tuol Sleng.
Tôi muốn hỏi hai “nhân chứng sống” nhiều
điều mà không biết tiếng Campuchia, nhưng chỉ nhìn qua các hình ảnh trong nhà
tù chúng ta cũng có thể hiểu ra tất cả, nên tôi đã mua cho ông già một cuốn
sách.
Ngày 30-3:
Đoàn rời thủ đô Ph’nom Pênh đến tỉnh Bát Tam Băng lòng tràn đầy cảm xúc và lưu
luyến. Cung đường này khá dài, trên 300km, những địa điểm cần đến trong ngày
này là qua thành phố Bát Tam Băng (trước đây là một trong ba thành phố lớn của
đất nước Campuchia: Ph’nom Pênh, Xiêm Riệp và Bát Tam Băng), lên Pailin – Com
Riêng – Cao mê lai – Pôi Pét – Si Sô Phôn.
Thấm mệt là khó tránh khỏi nhất là chị em và
những người lớn tuổi như tôi, nên Đoàn có sáng kiến là khuyến khích kể chuyện
hoặc ca hát. Đại tá Lê Cường, nguyên là Phó cục trưởng cục tuyên huấn Tổng Cục Chính
Trị (TCCT), nguyên cán bộ chính trị sư đoàn 302 là một cây văn nghệ cừ khôi,
nhiều người trong Đoàn còn gọi anh là “Tổng thống hề”, ý nói về vị tổng thống
nước Ukraina trước đây là một diễn viên hài. Ban tổ chức của Đoàn, đứng đầu là
đại tá Nguyễn Xuân Hà, từ đầu đã có sự phân công một số thành viên đảm nhiệm một
số công việc: Mai Xuân Tôn phụ trách về hậu cần, thực sự là một vị trí vô cùng
cần thiết, như việc lo cơm áo gạo tiền cho bộ đội trong chiến đấu, Xuân Tôn tất
bật với công việc đến nỗi phải ăn cháo mấy bữa, mọi người đều gửi gắm tất cả
tình cảm quý mến vào anh. Đại tá Bùi Tiến Dũng là tác giả của bản kế hoạch và
cùng với Văn Khắc Hòa điều hành các hoạt động, gọi là “đối nội”, Đại tá Trần
Minh Tiến làm “phó nháy” chụp hình, quay camera. Đại tá Lê Cường “phụ trách”
văn nghệ. Suốt quá trình, anh này đã tỏ ra là một cựu cán bộ tuyên huấn xuất sắc,
đặc biệt là có một trí nhớ tuyệt vời, những thiên trường ca bất hủ, những câu
chuyện hài từ thời cổ kim, đông tây, Cường có thể kể hay đọc thơ hàng tiếng đồng
hồ không quên một từ, trong đó có bài thuyết minh cho bộ phim “Cây tre Việt
Nam” của Thép Mới từ những năm 60 của thế kỷ 20, học sinh phải học thuộc lòng.
Tôi rất thích và tôi vẫn nhớ nhiều đoạn bài “Cây tre Việt Nam” nhưng không nhớ
hết cả bài này như Lê Cường. Đặc biệt, Cường có lối kể hấp dẫn khiến ai cũng bị
cuốn hút vào câu chuyện, thấy nhiều người nhắm mắt, gật gù không biết họ đang
ngủ hay lắng tai nghe: lúc rỉ rả, khi thầm thì, hoặc đang im lặng một lúc rồi đột
nhiên hét lên với giọng cười “man dại như một tay đang cuồng say”. Hành trình
đường dài có một tay như Lê Cường thì đường đi như ngắn lại, mà thật sự không đủ
thời gian cho Lê Cường “trỗ hết tài”. Một điều tôi thầm nghĩ là sự chỉ đạo của
các anh thật là tỷ mỷ và toàn diện từ việc phân công như trên, kể cả ai bưng bê
cái khay đựng quà tặng, ai được thay mặt Đoàn phát biểu, trả lời phỏng vấn, ai
được là người giới thiệu với bạn về thành phần của Đoàn, cả những từ ngữ dùng
trong giao tiếp v.v… cũng được đặt ra. Tôi không có năng khiếu kể chuyện mặc dù
có cả “một kho truyện tiếu lâm” hoặc kể không được hấp dẫn, nhưng thường thay mặt
Đoàn nói về ý nghĩa và lịch sử của những trận đánh, những chiến dịch mà nhiều
người trong Đoàn muốn biết. Những khi trực tiếp đối ngoại với cán bộ quân khu,
tỉnh, huyện hoặc nhà hàng, khách sạn thì người thay mặt cho Đoàn là trung tướng
Lê Minh Cược và đại tá Nguyễn Xuân Hà. Một
chuyến đi thành công mức nào thì những điều như đã nói ở trên mang tính quyết định,
không đơn giản chút nào.
Xe lướt nhanh trên đường số 5 qua địa phận các
tỉnh Công Pông Ch’năng, Puasat hướng tới
thành phố Bát Tam Băng, dọc đường hầu như không còn để lại dấu tích của những
trận đánh đẫm máu, những chiếc xe tăng cháy rụi nằm rải rác hai bên đường, những
cỗ pháo chúc nòng xuống đất, những cây cầu chênh vêng bắc tạm nối hai bờ, và những
khu nhà tang hoang…, tất cả sau hơn 45 năm đã không thể nhận ra. Đặc biệt là hệ
thống giao thông, một sự thay đổi quá nhanh so với thời gian.
Không dừng lại ở thành phố Bát Tam Băng, xe rẽ
phía tây, qua đường tàu hỏa theo quốc lộ 10 lên Pailin. Nhìn sang phía trái, những
ngôi chùa, ngọn tháp giát vàng óng ánh dưới ánh nắng chói chang, đây là xã Lâm
Chầm Pâu – Ba Núi. Cái địa danh “Ba Núi” do bộ đội ta đặt, bởi vùng này có ba
ngọn núi nổi lên như những hòn đảo giữa biển khơi. Phía sau những ngôi chùa
nguy nga tráng lệ kia có cái hang sâu, nơi những người dân vô tội bị lính Pôn Pốt
hành quyết rồi ném xuống. Tháng 3 năm 1979, chúng tôi lên đây, dưới hang sâu chất
đầy xác người. Từ dưới đường nhìn lên, tôi có cảm giác những oan hồn đang lấp
ló sau những mái ngói, dưới những khối đá lim lìm mà thấy rờn rợn. Năm 2012, hưởng
ứng cuộc thi, chủ đề “Kỷ niệm sâu sắc Việt Nam – Campuchia”, tôi viết về cái
hang chứa xác người này và đoạt giải thưởng của TCCT.
Qua khỏi cua chữ “V” lên Pailin là “đoạn đường
máu lửa”. Trong 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế đã có biết bao nhiêu chiếc xe vận tải,
xe tăng-thiết giáp bị phá hủy và hàng trăm cán bộ chiến sỹ quân tình nguyện
thương vong vì mìn, vì bị phục kích trên đoạn đường chưa đầy chục km này. Giờ
đây, xe chúng ta bon bon trên đường nhựa phẳng lì, giữa những khu dân cư đông
đúc, những vườn cây ăn trái, trẻ em tung tăng đến trường, xe cộ ngược xuôi.
Qúa trưa, Đoàn đã có mặt tại thị trấn “Kim
cương” của Pailin thời máu lửa, (“Pailin thời máu lửa” là tên của cuốn tiểu
thuyết, tôi đã đoạt giải thưởng văn học Sông Mê kon năm 2021 và cũng đã được dịch
sang tiếng Anh, phát hành trên toàn cầu). Chắc chắn nhiều người trong Đoàn
không thể hình dung hết cái thị trấn của mìn bẩy, của chết chóc đủ mọi lý do,
như liệt sỹ Trần Duy Chiến, một chiến sỹ của trung đoàn 812 đã viết trong cuốn
nhật ký “Mỗi bước chân đi, gập gềnh cái bẩy
/ Mìn nổ vang rền thịt nát xương bay”. Những khu phố xây kiểu tây, tàu đổ
nát năm xưa, nay là những khu biệt thự, nhà cao tầng mọc lên giữa một vùng rừng
núi trông đến là thơ mộng. Phía nam liền kề thành phố là khu chùa, mái ngói và
những ngọn tháp chọc trời giát vàng óng ánh được xây dựng từ dưới chân một quả
đồi lên đến đỉnh. Nếu ta lên đó, chỉ một phần ba ngọn đồi thôi là có thể quan
sát được toàn cảnh thành phố Pailin. Để tạo thế phòng giữ thị trấn này, trong
những năm làm nhiệm vụ chiến đấu ở đây, trung đoàn 812 thuộc sư đoàn 309 đã xây
dựng lô cốt bằng bê tông và đưa súng ĐKZ75 lên đó, biến nó như một pháo đài.
Thành phố Pailin nằm giữa cái rốn của hệ thống
giao thông: phía bắc có đường 58 từ Sơ rê an tiếc chạy xuống, phía đông là đường
số 10 từ thành phố Bát Tam Băng lên, phía tây là đường từ Thái Lan qua. Tất cả
ba trục đường hội tụ tại Pailin, với lợi thế về địa hình, về đất đai thổ nhưỡng,
về nguồn khoáng sản kim cương, đá quý, lâm thổ sản và nhất là có đường qua biên
giới Thái Lan, nên ngày xưa, hiện nay và tương lai sẽ là một thành phố thương mại
và du lịch của nhà nước Campuchia. Ở bên cái “Cầu Sập” những người lính tình
nguyện đã xây nên cái tượng đài nho nhỏ, là địa chỉ tâm linh tại thành phố này
để mỗi khi anh em CCB hay khách thập phương đến thắp nhang. Đoàn chúng tôi dừng
lại, mỗi người cầm một nén nhang kính cẩn nghiêng mình trước vong linh những
người lính đã chiến đấu bảo vệ Pailin và hy sinh tại đây.
Hội Hữu Nghị Việt Nam – Campuchia cựu quân tình nguyện MT479 khu vực Hà Nội thắp hương tại tượng
đài quân tình nguyện Việt Nam gần chiếc “cầu sập” tại thành phố Pailin.
Theo kế hoạch cũ thì lẽ ra Đoàn phải quay lại
thành phố Bát Tam Băng để theo đường số 5 lên Pôi Pét, Cao mê lai, nhưng được
người dẫn đường cho biết đường từ Pailin lên Cao mê lai chạy dọc biên giới rất
tốt. Đây là một tin vui phù hợp với nguyện vọng của tôi và số anh em sư 309 đi
trong Đoàn lần này. Trên tuyến biên giới Campuchia – Thái Lan là chiến trường
quen thuộc và ác liệt nhất. Tôi muốn dịp này, khám phá con đường này qua các địa
danh: Com Riêng – Ô Đa – Sơ Đa – Cao mê lai ra ngả ba con Voi (Đầm Rây) rồi đến
cửa khẩu Pôi Pét – Si Sô Phôn. Trục đường được trải nhựa này hình như theo đường
phát quang năm xưa trong kế hoạch “K5” (Kế hoạch xây dựng tuyến phòng thủ biên
giới năm 1984-1985). Những trận đánh vào căn cứ địch dọc sát biên giới, những
nơi chúng tôi vượt suối vào sâu trong nội địa Thái Lan hàng chuc km để tìm căn
cứ lính Pôn Pốt, nay là những khu dân cư, những vườn cây trái rộng mênh mông.
Được biết hàng nông sản của người dân Campuchia ở đây đưa qua biên giới Thái
Lan sẽ thu mua hết, đây cũng là một lợi thế. Trước hết con đường này, các khu
dân cư này sẽ là mô hình “ Kinh tế kết hợp quốc phòng” . Tuy trục đường hơi xa
biên giới, nhưng với con mắt “nhà nghề”, tôi đã thuộc lòng tấm bản đồ quân sự
vùng này nên có thể hình dung được địa hình mà xe chạy qua để lên Cao mê lai.
Căn cứ Cao mê lai, nơi đặt văn phòng Trung ương ba phái phản động Campuchia nay
là khu dân tư đông đúc, có chợ, có các cửa hàng, có đường chạy lên suối Kh’long
sai cũng là đường biên giới, có cầu và cửa khẩu qua Thái lan. Nhớ lại những lần
đánh chiếm mục tiêu này, nay nhìn trên thực địa thì là một vùng rộng lớn không
phải như cái căn cứ dọc biên giới năm xưa. Tôi có mang theo tấm hình chụp chiếc
cầu gỗ có mấy anh lính gác để đối chiếu, nhưng thời gian đã về chiều, nhìn áng
mây hồng đã chuyển về hướng tây, đang từ từ lặn xuống sau dãy núi xa xa nên
Đoàn phải rút ngắn thời gian để về Si Sô Phôn trước khi hoàng hôn buông xuống.
Tối hôm đó, Đoàn ngủ lại Si Sô Phôn, thủ phủ của tỉnh Bần Tia Mien Chey trước sự
đón tiếp chân tình của những người anh em ở đây.
Ngày 31-3:
Tỉnh
Bần Tia Mien Chey, theo lời giới thiệu của ông chủ tịch, tỉnh có hai thành phố
và bảy huyện. Si Sô Phôn là một trong hai thành phố của tỉnh. Dưới nó là bảy
huyện gồm: Sawaichech, Thơ Ma Puốc, Malai, Mông Col Bô Rây, Och’ron, Pre Nepre
và Poi Pết. Bần Tia Mienchey được thành lập từ năm 1988, bao gồm một phần tỉnh
Xiêm Riệp phía đông sáp nhập với một phần tỉnh Bát Tam Băng phía tây, phía Đông
bắc giáp tỉnh Ôt đô mien chey. Thủ phủ tỉnh Bần Tia Mien Chey là thành phố Si Sô Phôn, đầu mối của những đường
giao thông quan trọng: đường 5 nối với tỉnh Bát Tam Băng, đường 6 (nay là đường
57) nối với tỉnh Xiêm Riệp, đường lên cửa khẩu Poi Pét và một đường lên
Sawaichech giáp tỉnh Ôđomienchey. Còn nhớ, mỗi lần lên họp ở BTL MT479, cán bộ
sư đoàn 309 và Đoàn 7704 đến Si Sô Phôn được một phần hai cung đường, ăn trưa tại
đây. Nơi đây thường đặt Sở chỉ huy tiền phương Mặt trận 479 trong các chiến dịch.
Ngồi tại phòng khách, tôi chỉ tay lên ngọn đồi phía bắc nói với một thành viên
trong Đoàn: “Đó là trạm thông tin liên lạc của Mặt trận, trên đỉnh có cột antel
tiếp sóng cố định, không cứ là phục vụ các chiến dịch, nên cũng có lần bị địch
tập kích. Ở sườn phía đông có sân bay trực thăng, mỗi lần có sự kiện gì trên hướng
này, thủ tướng Hun xen thường đáp trực thăng MI8 xuống đây!”. Một điều chúng ta
đáng mừng, người trong cuộc không nên mặc cảm khi ông chủ tịch cho biết số lượng
người Việt Nam ở đây khá đông phần nhiều là anh em bộ đội sau ngày rút quân họ ở
lại lập nghiệp và đã thành lập Hội Việt Kiều của tỉnh. Tối 31-3 Đoàn lưu lại ở
đây, có nhiều anh em đến thăm. Tôi cho rằng: dù là lý do gì khiến anh em ở lại,
song giờ đây họ là những chiếc cầu nối tình cảm giữa nhân dân hai nước, là chỗ
dựa tin cậy mỗi khi có đoàn CCB nào trở lại thăm chiến trường xưa. Trong số họ,
phần nhiều đã có một gia đình hai ba thế hệ, có người đã đã là doanh nhân thành
đạt, như gia đình cháu Phi Run, con trai của một trợ lý trinh sát thuộc Đoàn
7704 Bát Tam Băng mà chính tôi đã tìm được người “gieo mầm”, tạo điều kiện cho
bố con sau gần 30 năm được gặp lại. Một
người khác có tên là Khu quê tỉnh Hải Dương của Việt Nam cũng có vợ, con kinh tế
khá giả. Một cựu quân nhân nữa thuộc quân khu 9 cũng có vợ và gần một tá con
cháu. Ba cậu này đã lái xe đi theo Đoàn cho đến chặng đường cuối cùng, khi Đoàn
ra cửa khẩu về nước họ mới quay lại. Thật nghĩa tình của những người Việt xa
quê hương ở đây. Phần sau, tôi sẽ nêu lên một trường hợp rất đặt biệt về một
gia đình chồng Việt, vợ Cam tại Xiêm Riệp.
Ngày 01-4:
An
long veng – Xiêm Riệp là địa bàn hoạt động của Sư đoàn 302 quân tình nguyện Việt
Nam thuộc MT479 và Sư đoàn 286 bộ đội Campuchia thuộc quân khu 4. Cũng cần nói
thêm, trong những năm từ sau ngày MT479 được thành lập, quân khu 4 chỉ có hai tỉnh
là Xiêm Riệp và Bát Tam Băng, từ năm 1988 được chia tách thành 4 tỉnh. Lực lượng
vũ trang cách mạng Campuchia thuộc quân khu 4 có 4 sư đoàn và các đơn vị binh
chủng: sư đoàn 6 cùng trung đoàn 96 thuộc sư đoàn 309 trấn giữ vùng Nam Cao mê
lai – Nam Sấp, sư đoàn 196 cùng trung đoàn 812 cũng thuộc sư 309 tại đường 10 –
Pailin, sư đoàn 179 cùng sư đoàn 5 quân tình nguyện đảm nhiệm bảo vệ Si Sô Phôn
và tuyến biên giới Đăng Kum – Pôi Pét trên hướng chủ yếu của Mặt trận. Trên địa
bàn tỉnh Xiêm Riệp, sư đoàn 302 sát cánh với sư đoàn 286 quân khu 4. Bên cạnh
BTL MT479 còn có Đoàn chuyên gia quân sự khu vực 4 và hai Đoàn chuyên gia quân
sự 7704 ở tỉnh Bát Tam Băng, 7705 tỉnh Xiêm Riệp.
Từ Si Sô Phôn, thủ phủ tỉnh Bần Tia Mienchey
Đoàn chúng tôi xuyên qua Ốt đômienchey đến các căn cứ địch trước đây ở An long
veng. Được biết, sau cuộc tổng tiến công của xe tăng và bộ binh ta, quét sạch
căn cứ An long veng, tư lệnh chiến dịch đã cắm Sư đoàn 302 trấn giữ nhiều mục
tiêu quan trọng. Những cái tên Ăm Pin, Sầm Rông, Kralanh, Chông Can, Cu len
(Núi Hồng), Đăng Rếch… là những địa danh quen thuộc mà quyết liệt đối với Sư
đoàn 302 trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế. Tôi đã từng có những đánh giá,
nhận định về tình hình mọi mặt: địch, ta, địa hình, thời tiết và cho rằng,
trong bốn sư đoàn thuộc MT479 thì Sư đoàn 309 là nơi khó khăn, ác liệt nhất so
với sư 5, 317 và 302, nên phần đầu bài viết này tôi có làm một phép tính so
sánh số hy sinh của hai sư đoàn để tìm ra nguyên nhân của sự chênh lệch về số
anh em hy sinh, rõ ràng ngoài yếu tố về địa hình, thời tiết, đối tượng tác chiến
phải nói đến năng lực chỉ huy của cán bộ và kỷ năng chiến đấu của binh sỹ trước
âm mưu và thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù. Những khó khăn ở địa bàn thuộc sư 302
chẳng khác mấy sư 309. Nếu chỉ là hai yếu tố trên thì phần khó khăn nhiều hơn vẫn
là sư 309.
Trước khi đặt chân lên An long veng, Đoàn
thắp nhang tại miếu thờ các liệt sỹ ở tỉnh Ốt đômienchey. Dãy Đăng Rếch như một
con rắn khổng lồ, che chắn phần lớn đất nước chùa tháp hướng bắc và Tây bắc. Tư
lệnh quân khu 4 cho biết, phía trước dãy Đăng Rếch là các quốc gia Lào và Thái
Lan, nên dãy Đăng Rếch có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng. Xe chúng tôi
được xe cảnh sát và hiến binh dẫn đường dọc theo dãy núi này, đi đến đâu, đứng ở
vị trí nào ở tỉnh Xiêm Riệp cũng có thể thấy dãy Đăng Rếch như cái bờ đê chắn
ngang trước mặt. Có điều, lẽ ra dưới chân dãy núi này phải là một con sông hay
một dòng suốt nước chảy thì thật tuyệt vời cho sư đoàn 302 trong những năm
tháng chiến đấu tại đây. Ngồi trên xe, tôi đã cố quan sát để thấy được một con suối. Với đặc điểm về cấu
tạo địa hình ở đây nói riêng, trên đất nước Campuchia nói chung như một cái chảo
khổng lồ. Mùa mưa qua đi thì dãy Đăng Rếch cây cối cũng khô héo trơ lại toàn đá
vôi nên tuy dưới chân núi có con suối nhưng lúc chúng tôi qua đây cũng chỉ còn
lại những vũng nước nhỏ.Tại tỉnh Xiêm Riệp mọi người trong Đoàn nghe nói ở vùng
An long veng này còn tồn tại căn nhà của Tổng Tham Mưu Trưởng Tà Mok và mộ trùm
phát xít Pôn Pốt, hai tên tội phạm của bộ máy diệt chủng. Đoàn chúng tôi đang
trên đường đến hai địa điểm này.
Trước tiên là nhà của Tà Mok. Tôi nói đùa với
một thành viên trong Đoàn: “Ở Việt Nam có nhà của vua Mèo tôi đã đến, hôm nay
chúng ta đến nhà của Tà Mok!”. Trong lần trở lại chiến trường xưa 2005, thủ tướng
Hun xen cho biết: Sau khi quân tình nguyện rút về nước, những tên trùm tội phạm
xin về trình diện, thủ tướng đều đồng ý và ra điều kiện cho họ. Riêng Tà Mok, thủ tướng nói: “Tôi không đồng
ý vì Y quá gian ác!” và sau đó bị quản thúc và chết tại Ph’nom Pênh.
Căn nhà một trệt một lầu, gọi là một gác thì
đúng hơn bởi nó đã xuống cấp nghiêm trọng do thời gian và “không có hơi người”
từ khi chủ nó đã chết. Bước chân vào tầng trệt hay khi theo cầu thang đi bộ lên
lầu một, không chú ý sẽ bị vấp ngã do gạch nền bị bong tróc từng mảng. Trước mặt
là cái hồ nước rộng mênh mông, trước đây trồng sen. Đất nước Campuchia ở đâu
người ta cũng trồng sen để lấy hạt, hạt sen là một nguồn thức ăn bổ dưỡng,
nhưng dưới chế độ Pôn Pốt, người dân chẳng dám đụng vào không những sen mà tất
cả, chúng gọi là “tài sản XHCN”. Trên tầng gác còn trưng bày một số hiện vât,
chủ yếu là tranh ảnh chụp những hoạt động của Tà Mok và giới chóp bu. Chẳng có
gì đáng phải quan tâm để có thể thu thập làm tư liệu. Tôi sốt ruột muốn đến xem
mộ Pôn Pốt ngay bởi sử sách nói nhiều về hắn nhưng đến nay không những tôi mà rất
nhiều người chưa biết mộ của trùm phát xít được chôn ở đâu.
Chiếc xe cảnh sát đi trước, tiếp đến là xe của
hiến binh, xe Đoàn chúng tôi đi sau, tất cả theo con đường trải nhựa vắt qua
dãy Đăng Rếch lên đỉnh. Tôi đi xe riêng của hai người lính tình nguyện đã có
gia đình ở Bát Tam Băng, lên gần hết cái dốc thì chiếc xe hộ tống phía sau hỏng
máy. Nằm chờ gần cả tiếng đồng hồ đến nỗi chiếc xe của Đoàn vượt lên lúc nào tôi
không biết, đến khi họ trở lại thì, ôi thôi tôi chưa đến được mục tiêu rất quan
trọng trong chuyến đi này là mộ Pôn Pốt. Xe chở tôi vội vàng phóng lên, gần đến
cửa khẩu Ôsamach Campuchia – Thái Lan, một lối rẽ bên phải cho một làn xe bằng
bê tông, một tấm biển màu xanh cũng bên phải lối rẽ đập vào mắt, tôi không biết
chữ Campuchia, nhưng có người nói là “khu hỏa táng Pôn Pốt”.
“Nhà ngươi đấy ư!”. Một khung sắt lợp mấy tấm
tôn để che mưa, che nắng rộng chừng 20 mét vuông, cao khoảng 2,5 đến 3 mét trùm
lên ngôi mộ nằm im lìm trong một vườn hoang tối tăm dưới những tán cây cao bao
phủ. Phía dưới khung sắt còn có mấy mảnh tôn đã rét rỉ, mục nát, lợp lên mộ
hình mái nhà, thấp lè tè chẳng khác cái lều chăn vịt, nếu ta dùng ngón tay trỏ
chọc vào có thể xuyên thủng tấm tôn một cách dễ dàng.
Nơi hỏa
táng và vùi lấp hài cốt tên trùm Khmer đỏ Polpot.
Xung
quanh là hàng cọc bê tông bao quanh ngôi mộ được liên kết với nhau bằng ba cây sắt phi 8 cũng đã rét rỉ. Tôi hít không
khí vào đầy lồng ngực để lấy can đảm bước đến, tay vừa chạm thanh sắt, như một
luồng điện, người nổi gai rồi một cảm giác thật khó tả thành lời nhanh chóng lan
ra khắp cơ thể. Mộ Pôn Pốt được đắp lớp đất đã bạc màu, bị thời gian và mưa nắng
bào mòn, lở lói chỗ cao nhất trên ngôi mộ cũng chỉ còn khoảng 20cm, gần như bằng
phẳng với xung quanh. Một người đàn bà từ cái vườn gần đó bước đến, không hiểu
có phải bà ở đây để trông coi mộ Pôn Pốt, và nếu vậy thì ai giao cho bà công việc
này. Tôi thầm nghĩ: có thể bà là người có liên quan họ hàng với gia đình tên
trùm phát xít “Rodolfo Hitle của thế kỷ 20” này, chắc chắn chính quyền ở đây
không bao giờ quan tâm đến việc này giao cho bà…
Sau khi tôi đăng tải hình ảnh này, trên mạng
xuất hiện một số hình màu chụp Pôn Pốt lúc bị bệnh và khi thiêu xác. Những hình
ảnh này chưa được kiểm chứng nhưng tôi cho rằng có thể tin được.
Mất hết một buổi sáng nhưng chúng tôi rất toại
nguyện bởi một trong những mục đích quan trọng đã đạt được. Buổi chiều tư lệnh
quân khu 4 tiếp đoàn.
Đại
tướng Tư lệnh Quân khu 4 So Ray tiếp đoàn cựu quân tình nguyện MT479 khu vực Hà Nội.
Đoàn CCB quân tình nguyện MT479 khu vực Hà
Nội đến thăm BTL quân khu 4 vào buổi chiều. Riêng tôi, đây là lần thứ 2, lần đầu
tiên năm 2005 đi trong đoàn CCB thuộc MT479 và 779 theo lời mời của thủ tướng
Hun xen, ngày ấy Đoàn cũng 40 người. Nhưng lần này, Đoàn Hà Nội có sự chuẩn bị
kỹ hơn bởi có mang theo những món quà lưu niệm để tặng bạn. Không riêng gì đối
với tư lệnh và cơ quan quân khu 4 mà đến đâu Đoàn cũng mang theo quà, giá trị vật
chất không lớn, chủ yếu tượng trưng về mặt tinh thần là cái dĩa in hình logo của
Hội CCB Mặt trận 479 khu vực Hà Nội và cái huy hiệu cùng logo. Trưởng Đoàn,
trung tướng Lê Minh Cược và Phó Đoàn, đại tá Nguyễn Xuân Hà lại thay nhau lên
giới thiệu và phát biểu như là một công thức đã lập trình sẵn. Thực tình, tôi rất
ngán cái mục này, còn các anh chắc cũng vậy thôi, nhưng đây là trách nhiệm, mà
phải nói rằng các anh là những người vừa có tâm và quan trọng là có tầm, phát
biểu với những người đứng đầu của một nhà nước không phải chuyện đùa. Trong các
cuộc tiếp xúc, tôi cảm nhận trưởng Đoàn Lê Minh Cược có những ý kiến khá là chặt
chẽ và sâu sắc mang tính thời sự, đúng tầm một cán bộ chính trị cấp quân khu.
Tư lệnh quân khu 4 cho biết: Trong thời
gian qua, quân khu đã quy tập được 3.029 bộ hài cốt bộ đội Việt Nam, riêng trên
địa bàn quân khu 5 có 531 liệt sỹ.
Ngày 02-4:
Thăm bảo tàng Sở chỉ huy MT479: Đến Xiêm Riệp
lần này, chúng tôi thăm lại Sở chỉ huy, trái tim của Mặt trận 479, trung tâm
phát ra những mệnh lệnh, chỉ thị của tư lệnh và cơ quan chỉ huy chiến dịch trong
suốt 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế. Mọi chủ trương từ cấp chiến lược của Đảng,
nhà nước, BQP và quân khu 7 của ta theo hệ thống thông tin như mạng nhện, được
hút vào đây thông qua tư lệnh quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia (MT719 ở
thủ đô Ph’nom Pênh).
Tháng Tư năm 1979, MT 479 được thành lập,
phiên hiệu 479 có nghĩa là thành lập vào tháng 4 năm 1979. Tại thành phố Hồ Chí
Minh có BLL MT479, hàng năm, cứ đến ngày 14 – 4 lại nhóm họp và tổ chức gặp mặt.
Người tư lệnh đầu tiên của MT479 là Đại tá Bùi Thanh Vân (tự Út Liêm), kế tiếp
là thiếu tướng Lê Thanh, Hồ Quang Hóa, Đỗ Quang Hưng…, trung tướng Khiếu Anh
Lân là đời tư lệnh cuối cùng. Chúng tôi đi một vòng từ nhà tư lệnh đến nhà làm
việc của các Cục và nhà ăn. Mỗi một căn nhà cấp 4, xây bằng gạch, quét vôi,
phía sau là chiếc hầm tránh pháo, đắp nổi bằng đá với xi măng, cao khoảng 1m50.
Trong nhà tư lệnh và các Phó tư lệnh trưng lên tường các hình ảnh chụp các hoạt
động của các cơ quan và các đơn vị, có bàn làm việc, trên bàn tư lệnh có chiếc
điện thoại cũ, chiếc radio và một số văn bản được chú thích là “tài liệu mật”.
Trong phòng ngủ nghỉ treo một bộ quân phục có gắn sẵn quân hàm, cấp hiệu của
các thành viên BTL. Hiện có đủ hình ảnh của tư lệnh và các Phó tư lệnh qua các
thời kỳ. Tôi giả đóng vai tư lệnh, ngồi vào bàn, cầm cây viết như đang chuẩn bị
ký rồi đi xem hết các hình ảnh, bất ngờ khi nhìn thấy tấm hình có mình ở trong
đó, một niềm vui nho nhỏ khi được lưu lại trong bảo tàng này.
Cổng
vào khu bảo tàng SCH MT479 tại Xiêm Riệp.
Mỗi
nhà cấp 4 tại bảo tàng MT479, phía sau có một hầm tránh pháo đắp nổi bằng đá và
xi măng, cao khoảng 1m50.
Buổi trưa có cuộc hẹn của một người đặc biệt:
đó là đại úy-bác sỹ đang làm việc tại quân khu 4, Nguyễn Thị Mai, kết quả của một
mối tình giữa một người lính quân tình nguyện với một phụ nữ Campuchia. Thật
tình cờ và hy hữu khi người cha của cô bác sỹ là đồng hương Hà Tĩnh với tôi.
Câu chuyện tình của gia đình này có thể viết được một cuốn tiểu thuyết hấp dẫn,
tôi thầm nghĩ. Bác sỹ Mai, được bố đưa về Việt Nam học. Chắc chắn, những năm
tháng ngồi trên ghế nhà trường, không ai nhận ra một cô gái mang hai dòng máu nếu
bố Xuân và họ hàng nhà cô không nói ra điều này. Sau khi tốt nghiệp cô bác sỹ
trở lại Campuchia và làm việc trong cơ quan quân khu 4. Mai là con gái thứ hai
trong gia đình bố Xuân, trên và sau Mai đều là con trai. Ông Xuân đã có cháu
ngoại, rất ngoan và thông minh. Bố con Mai và các thành viên trong gia đình đều
thành đạt hầu như trên tất cả các phương diện.
Đoàn chúng tôi được bố con Mai tiếp tại nhà
hàng và được tặng quà là đặc sản Campuchia do chính bàn tay họ làm ra.
Chia
tay bố con Mai và các cháu, lòng tràn đầy lưu luyến và cảm xúc về một gia đình
được sinh ra và lớn lên trong cuộc hồi sinh kỳ diệu của đất nước chùa tháp.
Ngày 03-4:
Chặng
cuối cùng cũng là ngày cuối cùng của chuyến trở lại thăm chiến trường xưa, lãnh
đạo tỉnh Ta-Bông Khơ mun chờ Đoàn từ sáng. Đón tiếp niềm nở chân tình là nét đẹp
không những ở tỉnh Ta-Bông Khơ mun trưa hôm ấy đối với Đoàn chúng tôi mà hầu như
ở khắp đất nước nhà Phật. Đoàn chúng tôi lúc sang, qua cửa khẩu Mộc Bài,
đi một vòng hết các tỉnh thuộc quân khu 4 – Mặt trận 479 năm xưa. Nay về nước
qua cửa khẩu Samat. Mỗi thành viên trong đoàn đều mang theo nhiều cảm xúc của
chuyến đi. Biết nói gì hơn, xin cảm ơn quân và dân Campuchia anh em, trực tiếp
là các tướng lĩnh và sỹ quan cao cấp thuộc quân khu 4, của các vị lãnh đạo Đảng
và nhà nước Campuchia đã dành cho Đoàn CCB MT479 Khu vực Hà Nội sự đón tiếp trọng thị, những tình cảm đặc biệt
sâu sắc, nghĩa tình, thủy chung. Xin chúc mối tình hữu nghị truyền thống Việt
Nam – Campuchia / Campuchia – Việt Nam tiếp tục được cũng cố và phát triển tốt
đẹp.
Chia tay hoàng hôn:
Chiều tối 03-4, Đoàn về đến Sài Gòn đúng vào
lúc hoàng hôn đã buông xuống, tập họp tại khách sạn Mường Thanh, mở tiệc chiêu
đãi để cảm ơn sự giúp đỡ chí tình chí nghĩa của BTL và cơ quan quân khu 7 đồng
thời chia tay nhau trước khi ra sân bay
TSN về Hà Nội, kết thúc trọn vẹn chuyến trở lại thăm chiến trường xưa. /.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét