Thứ Ba, 15 tháng 7, 2025

TRUYỆN NGẮN của NGÔ NGUYỄN

 

TRUYỆN NGẮN của NGÔ NGUYỄN


      hoa_sung_1

NGƯỜI ĐÀN BÀ HỌC LÀM THƠ

                 NGÔ NGUYỄN
Tại câu lạc bộ thơ Ánh Dương, người ta thường
nhắc đến Tuyết Vân như một người đàn bà vừa sang
trọng vừa nồng nàn. Ở tuổi năm mươi, chị vẫn giữ
được nét xuân mặn mà, cái dáng đi uyển chuyển và
ánh mắt lúc nào cũng ướt như một khổ thơ chưa viết
xong. Chồng mất sớm, con trai duy nhất du học và
định cư ở nước ngoài, gửi về đủ đầy vật chất. Tuyết
Vân không thiếu gì, chỉ thiếu một điều - sự rung động
con tim. Và chị tìm nó qua những vần thơ.
Mỗi tuần một buổi, chị lái chiếc xe ô tô riêng đến
câu lạc bộ. Chị học làm thơ, sống với thơ, sửa từng
nhịp điệu, từng câu chữ như gọt giũa chính tâm hồn
mình.


Rồi một ngày, định mệnh gọi tên. Câu lạc bộ tổ
chức một buổi giao lưu thơ ca và mời nhà thơ Quang
Hoa – người từng đoạt nhiều giải thưởng quốc gia –
đến nói chuyện. Ông cao lớn, tóc muối tiêu, giọng
trầm ấm và đôi mắt như xuyên thấu được những lớp
mặt nạ xã hội. Khi ông đọc bài thơ “Mùa yêu sau tuổi
năm mươi”, cả hội trường lặng đi. Ánh mắt Tuyết
Vân cũng không thể rời khỏi ông.
Kết thúc buổi giao lưu, ông đến bắt tay chị và nói:
- Bài thơ “Mùa cỏ phơi sương” của chị rất hay. Tôi
nghĩ chị xứng đáng được đứng trong Hội nhà văn.
Lời khen như ngọn gió thổi bùng lên ngọn lửa vốn
âm ỉ trong tim người đàn bà cô độc. Họ bắt đầu hẹn
gặp bên ngoài – cà phê cuối tuần, dạo quanh hồ Gươm

buổi chiều. Chị cảm thấy trái tim mình đập rộn ràng
trở lại, như hồi mới biết yêu.
Quang Hoa là người từng trải, từng yêu, từng đau,
và giờ đây cũng cô đơn như chị. Hai tâm hồn từng
nhiều lần va vấp đời, giờ tìm thấy sự đồng điệu dịu
dàng trong nhau. Nhưng tình yêu đến muộn thường
mang theo nhiều đắn đo. Chị băn khoăn: “Liệu ở tuổi
này, người đàn bà có còn được quyền yêu như một cô
gái hai mươi?”
Một lần bên chị ông cười: - Em làm thơ để tìm gì?
Tình yêu vẫn là câu thơ cuối cùng mà thơ ca hướng
đến. Rồi vào một buổi chiều thu, khi lá bắt đầu
chuyển màu và gió bắt đầu se lạnh, ông nắm tay chị
nói:
- Chúng ta đừng chỉ làm thơ nữa, mà hãy sống như
một bài thơ thật sự.
Lời nói như mồi nửa châm ngòi cho trái tim ngột
ngạt, kìm nén bao năm nay nổ tung. Chị im lặng,
nhưng nước mắt lặng lẽ rơi. Một khao khát yêu lại
bùng cháy trong tâm.
Người đàn bà ấy đã học làm thơ. Rồi nhờ thơ, chị
học lại cách yêu. Còn ông – nhà thơ từng đi khắp đó
đây – lại tìm thấy mái ấm nơi trái tim người phụ nữ có
đôi mắt buồn và những vần thơ chưa viết hết.
Tình yêu thầm lặng giữa Tuyết Vân và Quang Hoa
dần nảy nở như mầm cây gặp mưa đầu mùa. Một
ngày, ông rủ chị đi một chuyến thực tế dài ngày để
"tìm chất liệu thơ", nhưng thực chất là một chuyến đi
chơi đầy lãng mạn mà ông gọi đùa là “tuần trăng mật

muộn”. Ông nói: “Trong chuyến đi này, anh sẽ giúp
em chỉnh sửa lại toàn bộ bản thảo. Nếu thuận lợi, đủ
hai tập, em có thể làm đơn gia nhập Hội nhà văn. Với
chất thơ của em, lại có người đỡ đầu, chỉ là chuyện
sớm muộn thôi”.
Nghe ông nói Tuyết Vân mừng rung tim. Vào Hội
nhà văn – với chị – là một vinh quang chói lọi. Một
danh phận, một địa vị, một niềm tự hào có thể nở mặt
với bạn bè, nhất là với đứa con trai đang làm kỹ sư ở
Canada. Bao năm sống lặng lẽ, giờ đây vừa có tình
yêu, vừa có danh vọng – chị cảm thấy mình như hồi
sinh.
Vậy là đôi tình nhân bước vào một cuộc hành trình
xuyên Việt. Họ đi từ miền núi phía Bắc cho đến biển
miền Trung, rồi xuôi về phương Nam. Ở mỗi tỉnh, họ
dừng chân tại những nhà nghỉ nhỏ nép dưới bóng cây,
nơi chỉ có tiếng ve sầu và gió thổi qua tán lá. Ban
ngày, họ đi dạo, ngắm cảnh, chụp ảnh, ghi chép. Còn
chị thì luôn có ông bên cạnh, kiên nhẫn góp ý từng
câu thơ, ý thơ. Ban đêm, họ nương tựa vào nhau như
những kẻ đã từ lâu không còn được ôm ấp, vuốt ve.
Không còn là thứ tình yêu bồng bột, mà là sự hòa
quyện giữa hai tâm hồn từng trải. Họ làm tình như thể
bù đắp những tháng năm trống vắng, như hai kẻ đi
qua nửa đời người mới chạm được vào sự dịu dàng
đích thực. Chị ngỡ ngàng nhận ra mình vẫn có thể rạo
rực, khát khao, cháy bỏng như thuở mới hai mươi.
Còn ông, với chất nghệ sĩ lãng tử, lại biết cách nâng
niu làm cho người đàn bà thấy mình là duy nhất.

Trong căn phòng vắng của nhà nghỉ miền biển, chị
từng nói khẽ vào tai ông: “Em không ngờ tuổi năm
mươi lại có thể hạnh phúc đến vậy”.
Ông cười, vuốt tóc chị như dỗ dành một đứa trẻ:”Vì
em đã học thơ. Mà thơ thì không bao giờ có tuổi”.
Từ Bắc chí Nam, họ quấn quýt như hình với bóng,
như cặp đuôi sam không thể rời nhau. Mỗi tỉnh thành
đi qua là một lần tim họ rung lên, không chỉ vì cảnh
đẹp mê hồn, mà còn bởi sự ngọt ngào đang dần nở rộ
giữa hai kẻ tưởng đã đi qua mùa xuân cuộc đời.
Những ngọn đèo trùng điệp, những bãi biển dài cát
trắng, những làng quê yên bình và cả ánh hoàng hôn
đỏ rực trên cánh đồng lúa chín... tất cả như được vẽ
riêng cho họ.
Lúc này, cả hai mới thật sự thấy hết vẻ đẹp của đất
nước, sự thanh bình và thơ mộng của thiên nhiên, và
cả những nét dung dị, nghĩa tình trong con người Việt
Nam. Tuyết Vân thấy mình trẻ lại, không chỉ vì đang
yêu mà vì đang sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, được
tự do, được là chính mình.
Với Quang Hoa – chuyến đi này vượt xa mọi tưởng
tượng. Một nhà thơ vốn quen cảnh túng thiếu, lần đầu
được sống như một ông hoàng: ăn uống không phải
nghĩ, quần áo giày dép đều là hàng hiệu, những món
quà bất ngờ từ người đàn bà hào phóng cứ thay nhau
xuất hiện. Nàng không tiếc gì, miễn sao ông ở bên
làm thơ cùng nàng, và quan trọng hơn giúp nàng thực
hiện ước mơ vào Hội nhà văn.
Ông quen sống tằn tiện, giờ được yêu chiều tới mức

đâm ra đê mê. Ở bên người đàn bà ấy, ông vừa có ân
ái, vừa có tiền. Một thứ thỏa mãn xác thịt, một thứ
thỏa mãn đời sống vật chất. Và trên hết là sự ngưỡng
mộ, điều mà ông không bao giờ có được ở người vợ
suốt ngày chỉ biết cằn nhằn chuyện tiền bạc.
Thế là lão nhà thơ bắt đầu “giăng lưới”. Một buổi
chiều, khi cả hai đang ngồi trong một quán cà phê ven
biển, ông ghé sát tai chị thì thầm:
- Muốn vào Hội, không chỉ cần thơ hay đâu em ạ…
Phải có đường dây, có quan hệ. Mà chuyện đó, anh lo
được. Chỉ có điều…
- Chỉ có điều gì, anh cứ nói – Tuyết Vân sốt sắng.
- Phải có tiền, khá nhiều. Khoảng tiền tỷ trở lên…
để bôi trơn, để “giao lưu”, để in ấn, truyền thông, rồi
tổ chức hội thảo ra mắt...
Chị im lặng một lúc. Số tiền đó không phải là nhỏ,
nhưng chị đã đi quá nửa con đường. Cái danh, cái hào
quang của một nhà thơ “chính thức” vẫn luôn là ước
mơ cháy bỏng trong chị. Bao năm sống như một chiếc
bóng sau lưng người chồng quá cố, bao năm bị gọi là
“quá phụ”, “bà già chơi thơ”, giờ chị không thể bỏ
cuộc giữa chừng. Chị khẽ gật đầu:
- Em tin anh. Miễn sao em được đứng trong giới,
được công nhận, em chấp nhận tất cả. Tiền không
thành vấn đề.
Quang Hoa cười, cái cười nửa kín đáo nửa mãn
nguyện. Chuyến đi này, với ông, chẳng khác gì một
canh bạc lớn mà ông đang nắm trong tay tất cả con
chủ bài: thơ, tình và tiền.

Trở về sau hành trình “thơ mộng” xuyên Việt,
Quang Hoa không chậm trễ. Lão lập tức lo chuyện in
ấn – hai tập thơ của Tuyết Vân được dàn trang, biên
tập, thiết kế bìa công phu và đưa đến nhà in ngay
trong tháng. Lão chỉ đạo mọi khâu như thể đó là tác
phẩm tâm huyết đời mình. Tập thơ được in đẹp, giấy
trắng tinh, bìa cứng ánh kim, cả tranh minh họa. Phía
sau mỗi tập thơ là những lời giới thiệu bay bổng, ký
tên Quang Hoa – Nhà thơ của nhân dân, thành viên
Ban chấp hành Hội nhà văn.
Tối đến, như một lịch trình bí mật mà quen thuộc,
lão vẫn nhắn nàng đến khách sạn, khi thì lấy cớ
“chỉnh lại vài câu thơ”, lúc thì đơn giản là “mình nhớ
nhau”. Những đêm ấy, không chỉ thơ được chỉnh, mà
thân thể cũng được “chắp cánh”, thỏa mãn sinh lý cho
cả hai. Đó là những đêm nồng nàn mà nàng chưa từng
có ở tuổi xuân thì – một thứ men say vừa ngọt vừa
gợn đắng.
Khi hai tập thơ ra đời trọn vẹn, Tuyết Vân tổ chức
ngay một buổi ra mắt sách hoành tráng tại trung tâm
văn hóa lớn nhất thành phố. Băng rôn giăng đỏ rực.
Dưới sân là hàng trăm ghế nỉ đỏ. Trên bàn khách mời,
các nhà văn, nhà thơ có tiếng – người từng quen nàng
sơ sài, người chẳng biết nàng là ai – đều có mặt. Có
thơ, có diễn văn, có hoa, có người dẫn chương trình lả
lướt gọi chị là “nữ sĩ”.
Những bài tham luận được trình bày công phu – có
bài dài tới chục trang, phân tích cấu trúc thơ tự do kết

hợp truyền thống, có bài so sánh thơ Tuyết Vân với
Xuân Quỳnh hậu hiện đại. Hội trường ngập tràn lời
khen, lời tâng bốc, có kẻ còn nói thơ nàng là “giọng
thơ nữ đầy nhân văn, có khả năng kế thừa truyền
thống và bứt phá vào không gian hậu hiện đại”.
Khách mời ai nấy đều hồ hởi – thơ thì khen lấy
khen để, tiệc thì linh đình, phong bì nặng trĩu như lời
cảm ơn không cần nói. Nhiều người hôm đó chẳng
nhớ nổi mình đọc bài thơ nào, chỉ nhớ bữa tiệc có
rượu vang Pháp và một phong bì đầy nghĩa tình.
Vài tháng sau, với sự giới thiệu tận tình của Quang
Hoa, với hồ sơ in ấn chuẩn chỉ, với “một vài sự chuẩn
bị tế nhị phía sau hậu trường”, Tuyết Vân chính thức
được kết nạp vào Hội nhà văn.
Danh hiệu ấy – tấm thẻ hội viên in hình hoa sen đỏ
– khiến chị rưng rưng. Giờ đây chị có thể đường
hoàng ngẩng mặt khi đứng giữa đám bạn già hay bên
mâm cỗ cưới của họ hàng. Không còn chỉ là “một góa
phụ giàu”, chị là “nhà văn Tuyết Vân”. Chị tưởng như
vừa leo lên đỉnh cao của đời mình.
Tuyết Vân đã từng tin rằng: chỉ cần có tên trong
Hội nhà văn, chỉ cần được gọi là “nhà thơ”, mọi thứ sẽ
đổi khác – sẽ là ánh mắt ngưỡng mộ, là vòng tròn
nghệ sĩ bao quanh, là những cái bắt tay trầm trồ.
Nhưng thực tế không vận hành như một giấc mộng.
Cái danh “hội viên mới” chỉ khiến người ta nhìn chị
bằng một nụ cười nhếch mép.
Tại các buổi giao lưu thơ văn, chị hăm hở mang thơ
mình ra đọc – giọng đọc đầy ngạo nghễ, cố làm ra vẻ

truyền cảm, nhưng càng đọc, khán phòng càng lặng đi
một cách lạnh lẽo. Không ai vỗ tay, không ai bình
luận. Chị ngồi xuống, tim gõ loạn trong lồng ngực,
mắt ráo hoảnh vì những ánh nhìn xoáy vào mình –
không phải vì ngưỡng mộ, mà là soi xét, châm biếm.
Người ta bắt đầu xì xào: “Thơ thế mà cũng được
vào hội?”, “Chắc nhờ ‘vốn tự có’ mới leo lên nổi!”,
“Lại thêm một bà thơ tài mỏng, tiền dày!”
Tiếng cười sau lưng chị nhỏ thôi nhưng sắc lẹm. Có
người không ngại liếc xéo khi chị ngồi vào bàn: “Chị
đọc nữa à? Hay để phần cho mấy người có nghề…”
Từ chỗ là tâm điểm ngưỡng mộ trong buổi ra mắt
sách, chị trở thành cái bóng lạc lõng trong thế giới
nghệ sĩ thực thụ. Người ta không mời chị đọc thơ nữa.
Một số thì ngại, số khác thì thẳng thừng: “Lần trước
chị đọc hơi... dở, để lần sau nhé.”
Chị bắt đầu hiểu: tiền có thể mua một bữa tiệc sang,
có thể in ra hàng trăm cuốn thơ đóng bìa cứng, có thể
ép mọi người đến dự lễ ra mắt. Nhưng tiền không thể
ép người ta rung động. Không thể mua được tài năng.
Không thể mua được sự kính trọng thật sự. Và danh
hiệu "nhà văn" khi không đi kèm thực lực – chỉ khiến
chị giống như một con ruồi muỗi, bám gấu quần
người ta để ngoi lên.
Chị từng ảo tưởng mình đã đứng trên đỉnh cao.
Nhưng giờ chị mới biết: cái đỉnh ấy là ngọn đồi cát
mỏng, bước lên một bước thì trượt xuống hai. Càng
cố đứng lại càng thấy mình trơ trọi, yếu ớt, xấu hổ.
Có đêm chị ngồi một mình trong căn biệt thự trống

trải, mở lại hai tập thơ của mình, cố gắng tìm lấy một
câu hay – một câu khiến chị tin là mình xứng đáng.
Nhưng không có. Những con chữ như vô hồn, lạc
lõng, mỏng nhẹ đến tội nghiệp.
Rượu vang đỏ sóng sánh trong ly, chị đưa lên môi,
khẽ nhắm mắt. Không hiểu sao, trong khoảnh khắc ấy,
chị lại thấy nhớ chồng mình – người đàn ông đã lặng
lẽ làm lụng cả đời, chẳng bao giờ biết làm thơ, nhưng
chưa từng khiến chị phải gồng lên để được nhìn nhận.
Cuộc đời có những cú rẽ bất ngờ như một nhát dao
sắc lạnh cắt vào giấc mộng phù hoa. Ngày con trai
Tuyết Vân trở về từ châu Âu, chị đang mải mê trong
hành trình tận hưởng thứ tình yêu mà chị tưởng là
đỉnh cao của đời mình – bên nhà thơ Quang Hoa,
trong một khách sạn hạng sang, nơi chỉ có nệm trắng
và những đêm mặn nồng không tuổi tác.
Chị không hay biết, đứa con trai chị tự hào bấy lâu,
thay vì về nhà ngay, lại theo bạn đến nghỉ chân tại
khách sạn lớn giữa trung tâm thành phố – khách sạn
nơi chị đang ân ái. Trớ trêu thay, từ trong xe, cậu nhìn
thấy một bóng lưng quen quen, người đàn ông tóc
muối tiêu nắm eo một phụ nữ ăn vận sang trọng, bước
vào khách sạn với ánh mắt toan tính và cái nhếch môi
khả nghi. Cậu ngờ ngợ… cho đến khi họ quay mặt lại.
Không thể tin vào mắt mình. Người phụ nữ đó là
mẹ cậu. Người đàn ông kia – không ai khác – là nhà
thơ Quang Hoa, người từng ký tặng thơ cho mẹ, người
từng được mẹ nhắc tên với sự ngưỡng mộ say sưa.
Sự bẽ bàng biến thành lửa giận. Từ một đứa con trai

hiếu thảo, thương mẹ mất chồng sớm, cậu thấy như
mình bị phản bội bởi chính người sinh ra mình.
Cậu lặng lẽ dò hỏi nhân viên lễ tân. Không khó để
biết được số phòng. Cũng không khó để xin được thay
nhân viên phục vụ bữa ăn tối – khách VIP thường
được chiều chuộng, và nụ cười khéo léo của cậu trai
trẻ khiến mọi người tin rằng cậu là người quen của
khách.
Và rồi, trong khoảnh khắc ấy, cánh cửa phòng bật
mở. Một khay thức ăn trên tay. Một ánh nhìn sắc lạnh.
Và chiếc máy ảnh trong túi áo khẽ bấm – "tách!"
Hình ảnh trần truồng của hai kẻ đang ôm ấp giữa
drap trắng lặng lẽ nằm gọn trong khung hình. Không
che đậy. Không ngụy biện. Không thể chối cãi.
Cậu không bước vào. Cậu không làm ầm lên. Cậu
chỉ khẽ quay đi, môi mím chặt như đang nuốt vào
trong tất cả cơn giận và nỗi nhục. Bởi cậu biết, vạch
trần thì dễ, nhưng đau đớn nhất vẫn là mẹ mình. Và sự
thật kia… không thể để cha ruột – người đàn ông đã
khuất biết?
Một ngày, trong căn nhà rộng thênh thang, con trai
Tuyết Vân ngồi đối diện với mẹ. Không còn ánh mắt
yêu thương dịu dàng của người con đi xa trở về, mà
thay vào đó là cái nhìn đầy nghiêm nghị và đớn đau.
Cậu không nói nhiều, chỉ đưa cho mẹ xem những
tấm ảnh.
Tuyết Vân chết lặng. Không phải vì sợ bị lật tẩy,
mà vì nỗi xấu hổ không sao biện minh được với chính
đứa con trai mà chị yêu thương nhất. Bao nhiêu lý do

muốn bật thốt lên đều bị nghẹn lại nơi cổ họng.
Cậu nhìn thẳng vào mắt mẹ, giọng khẽ nhưng từng
chữ rắn như thép:
– Mẹ có thể lừa dối con, có thể mua danh, có thể
mù quáng… Nhưng mẹ không thể tiếp tục sống như
vậy nữa. Từ giờ, mẹ chấm dứt với lão Quang Hoa.
Con đã yêu cầu ông ta về nhà, và ông ấy sẽ không bao
giờ được bén mảng đến gần mẹ nữa.
Tuyết Vân nghẹn ngào không nói nên lời.
Còn Quang Hoa – kẻ tưởng đã nắm trọn thiên
đường trong tay – giờ ngồi thẫn thờ trong căn phòng
đơn độc. Lão không hiểu vì sao mọi thứ sụp đổ nhanh
như vậy, cho đến khi thấy vợ lặng lẽ chờ sẵn ở cửa
với ánh mắt lạnh băng và một câu nói sắc hơn dao:
– Từ giờ, tôi biết anh ở đâu, làm gì, với ai. Điện
thoại của anh đã có định vị. Nếu anh dám phản bội
một lần nữa, thì người tiếp theo cầm những tấm ảnh
kia… sẽ là toàn bộ ban chấp hành hội nhà văn.
Lão cứng họng.
Lúc này, Quang Hoa mới hiểu, người đàn bà từng
dịu dàng bên mình kia không còn là một người tình
cuồng si háo danh. Giờ đây cô chỉ còn là một thân xác
tan hoang, một trái tim vỡ vụn. Danh phận đã có
nhưng không ai thừa nhận. Thơ cô vẫn là thứ nhạt
nhẽo mà mỗi lần đọc, người ta rủ rỉ giễu cợt.
Giờ đây, đến cả hy vọng nhỏ nhoi nhất – một người
đàn ông nương tựa – cũng bị con trai tước đi không
thương tiếc.
Cô như một con cáo vừa bị lột lông, cụp đuôi, rúc

vào góc tối của đời mình. Còn lại… chỉ là cát bụi.
Những ngày sau đó, Tuyết Vân không ra khỏi nhà.
Chị tránh những cuộc điện thoại, những tin nhắn,
những lời hỏi thăm vốn trước đây làm chị hãnh diện.
Hội nhà văn không khai trừ chị, cũng không cần phải
làm vậy. Sự im lặng khinh miệt của những người cầm
bút đủ sức khiến một kẻ giả danh cảm thấy mình thừa
thãi như một chiếc bóng dật dờ sau tấm màn nhung.
Chị lặng lẽ thu dọn phòng làm thơ, cất hai tập sách
mà lẽ ra phải là đỉnh cao tự hào – nay chỉ là minh
chứng cay đắng cho một cuộc đánh đổi nhầm chỗ.
Rồi một sáng, khi mở ngăn kéo tìm giấy, chị vô tình
thấy lại bức thư tay con trai gửi từ bên kia đại dương
ngày xưa. Nét chữ cậu còn non, câu cú ngây thơ: ”Mẹ
ơi, con học văn kém, nhưng con thích thơ mẹ. Mẹ viết
về bố đi, về mùa đông đi, về con cũng được… con đọc
thấy nhớ nhà lắm.
Chị bật khóc.Không phải vì nỗi ê chề hôm nay, mà
vì chị nhận ra: những dòng thơ chân thật nhất, đáng
viết nhất… chị đã từng có. Chị không cần cái “danh”
rỗng kia để trở thành nhà thơ. Chị chỉ cần trở lại với
chính mình – người đàn bà biết nhớ, biết đau, biết yêu
và biết viết bằng trái tim.
Buổi chiều hôm ấy, chị ra quán cà phê nhỏ cuối
phố, nơi câu lạc bộ thơ Ánh Dương vẫn tụ họp mỗi
thứ bảy. Vẫn là những khuôn mặt cũ, ngạc nhiên khi
thấy chị xuất hiện, nhưng không ai nói gì. Chị lặng lẽ
ngồi xuống, xin phép đọc một bài mới.
Không phải thơ tình nồng cháy, không phải những

vần mượt mà kiểu cách. Chị đọc về một người đàn bà
tuổi năm mươi, từng mơ một giấc mộng hoa mà tỉnh
dậy chỉ còn nước mắt. Giọng chị run run, nhưng chân
thật.
Lần đầu tiên, không ai vỗ tay sau khi chị đọc xong.
Nhưng một bác già tóc bạc gật gù bảo: “Giờ thì chị
bắt đầu làm thơ thật rồi đấy”.
Chị mỉm cười. Không phải nụ cười đắc thắng, mà là
nụ cười bình yên – của người vừa gỡ bỏ một lớp mặt
nạ nặng trĩu để quay lại làm chính mình.
Từ đó, chị sống khác. Không chạy theo hội hè,
không mong người ngợi ca. Chị lặng lẽ sống trong
ngôi nhà nhỏ với khu vườn đầy hoa. Mỗi sớm mai, chị
lại mang thơ ra đọc cho cây cối nghe, cho chính tâm
hồn mình nghe. Không cần ai tung hô. Chị đã từng
học làm thơ. Giờ chị học làm người.
Ngô Nguyễn
(Mời nghe đọc truyện “Người đàn bà học làm thơ” theo đường
dẫn:
https://www.facebook.com/nguyen.ngo.1650332/videos/48198
9331640278


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét