Chủ Nhật, 3 tháng 12, 2023

THẾ GIỚI TRUYỆN NGẮN Y BAN

 


THẾ GIỚI TRUYỆN NGẮN Y BAN

(PHÙNG GIA THẾ)
Y Ban là một trong số các cây bút nữ xuất sắc nhất trong văn học Việt Nam đương đại. Đến nay, chị đã in hơn mười tập truyện ngắn, bốn tiểu thuyết, hai truyện vừa, một tập thơ. Y Ban từng giành nhiều giải thưởng văn học (trong đó có những giải cao nhất) tại các cuộc thi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Báo Văn nghệ, Nhà xuất bản Hà Nội, Nhà xuất bản Giáo dục…
Trong các thành tựu văn học của Y Ban, truyện ngắn thể hiện đầy đủ bản sắc, cũng là nơi kết đọng rõ nhất tài năng văn chương của chị. Ấn tượng đầu tiên khi đọc truyện ngắn Y Ban là tính hấp dẫn. Vì sao như vậy? Là bởi trước hết truyện Y Ban đầy ắp sự kiện (bao gồm cả sự kiện xã hội và sự kiện tâm tư). Thứ hai là nó đặt ra những vấn đề quan trọng về thân phận con người (đặc biệt là người phụ nữ). Thứ ba là đậm chất nhân văn. Và cuối cùng là một nghệ thuật kể chuyện cuốn hút, tự nhiên, đầy ma lực.
Truyện ngắn Y Ban đa dạng về đề tài, song chủ yếu xoay quanh hai câu chuyện tâm thức: chuyện về phụ nữ - người nữ và chuyện nông thôn. Sự phân chia này dĩ nhiên chỉ mang tính tương đối. Trên thực tế, các câu chuyện thường xen cài, xoắn vặn, không tách rời nhau. Ở đây, như đã nói, không phải đề tài, mà sự dồn nén, chiều sâu của vấn đề, sự kiện khiến truyện ngắn Y Ban trở nên riêng khác, tạo thành một “dấu ấn Y Ban” trong đời sống văn chương Việt Nam đương đại (1).
Trước hết là những câu chuyện về phụ nữ. Có lẽ, bản ngã, tinh lực Y Ban kết đọng tập trung ở những truyện này. Viết về phụ nữ, truyện ngắn Y Ban kết hợp nhuần nhuyễn giữa quan sát, nghiền ngẫm với đồng điệu, hóa thân. Nó vừa là Y Ban, vừa là chuyện đàn bà muôn thuở. Ở mảng truyện này, Y Ban tập trung diễn giải những uẩn ức đàn bà, sự vây hãm, những khát khao, và nhiều hơn, là những khổ đau bất hạnh, ở các chiều kích khác nhau.
Khác với một Y Ban các-na-van hóa trong đời thường, Y Ban trong truyện ngắn là một cái tôi khác của nhà văn. Sẽ không cường điệu khi nói rằng, viết về người phụ nữ, ngòi bút Y Ban luôn đẩy đến tận cùng những khổ đau. Ở đây không phải những khổ mệnh lớn lao, mà là những khổ đau rất đàn bà. Trước tiên, là những nỗi đau truyền kiếp. Viết về chủ đề này, Y Ban không rên xiết cảm thương, mà dồn nén cảm xúc. Câu chuyện được nội tâm hóa, nữ tính hóa, được diễn giải bằng trải nghiệm và đồng cảm. Ở đây, ta bắt gặp trong một Y Ban cá tính, sắc sảo, lọc lõi, có một Y Ban tinh tế, mẫn cảm, yếu mềm.
“Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” là một truyện ngắn đặc sắc. Mở đầu truyện, nghịch cảnh được mở ra: việc phá thai của cô gái trẻ và cảnh ngộ vô sinh của những người đàn bà đứng tuổi. Điều trớ trêu là, khi bắt đầu làm mẹ, cũng là lúc cô phải hủy hoại thiên chức sinh thành thiêng liêng của giống loài mình. Cô đơn độc, yếu ớt, mong manh trước sự vây bủa nghiệt ngã của dư luận, bác sĩ phá thai, sự dè bỉu của những người xung quanh, của cả mẹ mình… “Sướng chưa? Ai đã dạy mày như thế”, lời đay nghiến của bà mẹ xát muối vào lòng cô. Sau những vật vã đau đớn, cuối cùng, cái thai trong bụng cũng được xổ ra. “Tội lỗi của con. Tình yêu của con... Nó đã chết”. Qua biến cố, cô gái dần hiểu ra, bất hạnh của đàn bà dường như là một nỗi đau truyền kiếp. “Mẹ ơi, từ bấy đến nay hai mẹ con ta cùng mang nỗi đau”…
Trên bình diện tự sự, “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ” dường như quá dài cho một truyện ngắn. Ở đây, Y Ban không chỉ tiếp cận, mà diễn giải sự kiện. Cách kể từ ngôi thứ nhất (cô gái - người trần thuật xưng “con”, hình thức bức thư) với điểm nhìn bên trong, nhân vật tự trải nỗi đau tạo hiệu quả thẩm mỹ đặc biệt, khơi gợi xót thương, liên tục bóp nghẹt trái tim người đọc. Trong vai nhân vật, cô gái được đặt trong trạng thái đầy mặc cảm tội lỗi, dằn vặt. Trong vai người kể chuyện, cô vẫn đủ thời gian và sự bình tĩnh để cật vấn cuộc đời. “Mẹ Âu Cơ sinh được năm mươi người con trai, năm mươi người con gái. Con trai của mẹ thì thành anh hùng, thi sĩ, con gái của mẹ thì trở thành những người mẹ. Đất nước anh hùng, ngoại xâm, thiên tai liên miên, nên mẹ quan tâm đến những anh hùng, thi sĩ. Mẹ đã không chú ý đến những cô gái vốn dịu dàng, nhu mì, không mấy đòi hỏi mẹ. Nhưng bây giờ thì con đòi hỏi. Mẹ ơi, mẹ hãy quan tâm đến chúng con, đến nỗi đau của những cô gái, những bà mẹ. Mẹ kính yêu ơi! Xin hãy tha thứ cho con”(2).
Ngoài câu chuyện thân phận, vấn đề giới tính, giáo dục giới tính… cũng được nhà văn đề cập. Hóa ra, có một thời, những chuyện quan trọng như thế đã được nhìn nhận rất thiếu văn minh. Điều đáng chú ý là, thời điểm Y Ban viết truyện ngắn này (1989) cách nay khá xa. Giờ đây, đọc lại “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, thấy cái nhìn nhân văn của tác giả vẫn còn nguyên giá trị, dầu câu chuyện nhận thức giới tính trong xã hội đã thay đổi rất nhiều.
Trong cái nhìn Y Ban, kiếp đàn bà là kiếp khổ đau. Có điều, mỗi khổ đau lại chẳng giống nhau. Khác với “Bức thư gửi mẹ Âu Cơ”, “I am đàn bà” của Y Ban được kể từ ngôi ba, nhưng nội dung tự sự cốt lõi vẫn là chuyện đàn bà muôn thuở. “Thị”, người phụ nữ nông thôn chân chất, tốt bụng, vì nghèo khó, phải phiêu dạt sang Đài Loan làm thuê với bao cơ cực đắng cay. Tình huống ở đây là, trong vị thế một người giúp việc xa lạ, “thị” đã gắn nối tình người với ông chủ - người thực vật. Với bản năng che chở tự nhiên, không so đo, toan tính, “thị” chăm sóc người thực vật như một người chị, một người mẹ, sưởi ấm những cảm giác, cảm xúc vốn đã tê liệt từ lâu của anh ta. Điều kỳ diệu là, sự từ tâm, lòng tốt như một thiên tính đàn bà đã khiến người đàn ông dần có cảm giác của một người bình thường. “I am đàn bà” hấp dẫn và gây tranh cãi ở chỗ, nó không chỉ diễn tả nỗi đau, mà còn trực tiếp đối diện với cái cô đơn đàn bà. Cảm xúc bản năng bột phát tự nhiên, lần “tiếp xúc” với ông chủ như một người đàn bà khiến thị bị kết tội “quấy rối tình dục”, phải vướng vòng lao lý. Nhưng thị không xem việc chứng minh mình vô tội quan trọng bằng việc giữ được tiền cho chồng con. “Thị chỉ muốn về với chồng với con. Thị chỉ muốn đừng trừ tiền công lao động mà thị tích cóp được”. Toàn bộ những uẩn ức nội tâm dồn nén bấy lâu được bật ra bằng một câu nói, đúng hơn là một tiếng kêu đầy bất lực: “I am đàn bà”: “Thị chỉ muốn thiên hạ hiểu cho được những nỗi thống khổ của những người đàn bà nghèo phải rời bỏ quê hương đi làm ăn (…) Thị chỉ muốn thiên hạ nhận ra sự tốt đẹp của đàn bà để tha thứ lỗi lầm cho họ (…) Thị muốn nói thật to trước tòa một câu nói mà mọi người đều có thể hiểu. Thị cố nhớ lại cái câu tiếng Anh cô giáo đã dạy cho thị trước khi ra nước ngoài: I am: Tôi là. I am: Tôi là. I am đàn bà”(3).
“I am đàn bà” không lên gân, đi rất sâu vào nội tâm nhân vật. Tác giả giỏi bắt mạch tâm trạng, tiến trình hóa nội tâm, xen cài một cách tự nhiên những buồn vui chuyện làng, chuyện nước. “I am đàn bà” còn cho thấy, có những bệnh y học bó tay, nhưng tình yêu thương của người phụ nữ lại có thể chữa lành. “I am đàn bà” khiến bạn đọc không khỏi hụt hẫng, xót xa khi nghĩ về thân phận người phụ nữ nông thôn thời hiện đại.
Tương hợp với câu chuyện tâm thức của mình, Y Ban thường sáng tạo hình tượng người kể chuyện tỏ ra nhạy cảm đặc biệt với chủ đề “lời rằng bạc mệnh”. Đa phần trong số họ là phụ nữ. Cũng bởi vậy, truyện ngắn Y Ban thường có xu hướng nữ tính hóa tự nhiên.
“Con gái mang cuộc đời mẹ” được kể từ tâm thức người con, nhưng nỗi đau sâu kín lại ẩn náu bên trong người mẹ. Trong lớp vỏ cay nghiệt với con gái của mình, là tình yêu thẳm sâu dành cho cô và những mặc cảm lầm lỗi khôn khuây. Truyện có nhiều bè bối phức tạp, song cốt lõi vẫn là sự ám chỉ thân phận đàn bà, gắn với cam phận, nhẫn nại, đau khổ, hi sinh. Chỉ đến khi mẹ chết, cô gái mới thấu lòng bà và cháy bùng lên khát khao hóa giải nỗi đau truyền kiếp - cái nỗi đau khiến cô từng phải thốt lên xót xa “Con thề rằng con không bao giờ sinh con gái để rồi nó lại khổ như con”.
Trong ý nghĩa song trùng (đối tượng nữ và cái nhìn nữ về thân phận), có thể xem “Mẹ không thể xin lỗi con” là một truyện ngắn tiêu biểu của Y Ban về tâm thức mẹ và nỗi đau trực hệ. Người kể chuyện xưng “tôi” - trung tâm câu chuyện trong đây là một phụ nữ đã có gia đình. Truyện xoay quanh ba cặp song thoại, tuy khác nhau về cảnh huống, nhưng lặp lại đáng ngạc nhiên về kết cục: nỗi đau riêng có của đàn bà. Nếu “con gái tôi - tôi” là một đối thoại về cách sống giữa “tôi” - người mẹ và con gái (mẹ chỉ cần sống hèn để bình yên, trong khi con gái muốn dũng cảm, mạnh mẽ, hi sinh) thì “mẹ tôi - tôi” lại khai thác câu chuyện ở một chiều kích khác. Phản kháng của người mẹ trong đây, hóa ra, chỉ là một đề kháng sớm, bởi “tôi” (người mẹ) cũng từng là kẻ đa mang, đa cảm, nhân ái từ tâm, nhưng “mẹ của mẹ” đã bất đắc dĩ phải dạy con như thế. Vì mang về một bé gái bị mẹ bỏ rơi, bà phải nhận bao lời cay nghiệt từ mẹ của mình. Đến cặp song thoại thứ ba “bà ngoại tôi - mẹ tôi” thì cấu trúc xếp chồng đã chạm tới một ẩn dụ: “nỗi bất hạnh di truyền” của đàn bà. Bà ngoại, vì thương con, sợ các con bị bỏ đói nên phải “canh gác” cho ông ngoại (người nuôi cả nhà) hủ hóa ngay tại nhà mình.
Nếu “Con gái mang cuộc đời mẹ” là câu chuyện người phụ nữ kể chuyện nỗi đau của giới mình thì “Có thể có và có thể không” vừa bao quát một một bức tranh xã hội rộng lớn vừa lắng đọng nỗi niềm thế sự nhân tâm. Truyện mở đầu bằng một cái chết, kết thúc bằng một cuộc ra đi. Phú có vợ là bác sĩ. Vợ anh như một biểu trưng cho người phụ nữ phải chịu trăm mối ràng buộc không đâu nhưng oan nghiệt, từ vô hình đến hữu hình. Trách nhiệm, bổn phận, những trói buộc của tín điều, quan niệm, nỗi ám ảnh về những dây nhợ vô hình (mỗi năm 11 cái giỗ lớn nhỏ, 23 cái rằm, một cái Tết…) khiến chị hoàn toàn suy kiệt. “Gia đình ở trong một xã hội mà những mĩ từ cứ chảy tràn trên trầm tích dối trá lộng lẫy huy hoàng trường kỳ lưu cữu này? Liệu có còn tình yêu và niềm tin nữa hay không?”(4). Khi mọi mong cầu hóa giải (chùa chiền, hình nhân thế mạng…) dường như đều bất lực, người phụ nữ đã chấp nhận từ bỏ tất cả để ra đi. Thêm một lần, câu chuyện gia đình, tình yêu được xới lật. Hạnh phúc, phải chăng là cái hiện hữu, nhưng cũng rất mơ hồ, thoáng có, thoáng không, mong manh vô định. “Có thể có và có thể không” không quá chú trọng vào một cá nhân người nữ, mà qua câu chuyện thế nhân để khái quát về phụ nữ, về những điều họ phải gánh chịu, dày vò.
Như đã nói, viết về phụ nữ, Y Ban soi chiếu họ từ nhiều cạnh khía khác nhau. Tuy xuất hiện rất ít, nhưng người đàn bà trong “Xích lô” phải mang nỗi khổ đau câm lặng, sống cảnh một thân hai phận: vừa làm vợ người cha (do mang ơn ông ta “nhặt” về), vừa làm vợ người con (vì người con nghèo cũng cần có vợ). Người bố không biết trong hai đứa trẻ, đứa nào là con, đứa nào là cháu. Truyện xót xa nghẹn đắng.
Khác với cấu trúc tự sự trong “Chín khúc hát ru”, “Ơi những chú ngựa bất kham”, dưới hình thức tâm tình qua một bức thư, tuy không khơi sâu một số phận cụ thể, song lại chạm tới những cung bậc khác nhau của nỗi đau, những xúc cảm mềm yếu nhất và sự bao dung mang tên “mẹ”. Trải bao biến cố và chiêm nghiệm, người mẹ trước sau chỉ mong con mình sống lương thiện, chăm lao động, luôn nhớ gia đình là nơi để quay về. Phúc đức tại mẫu là vậy, phải thế chăng.
Đọc các truyện ngắn có nhân vật nữ chính của Y Ban, thấy gia đình trở thành một chủ đề xuyên suốt. Người phụ nữ sống vì gia đình, làm việc, hi sinh vì gia đình, vì chồng con. Nhưng cũng chính vì gia đình, mà họ phải chịu những éo le khuất khúc, cực nhọc khổ đau.
Một điều đáng chú ý là, viết về người nữ, Y Ban không dừng ở thân phận, mà tập trung mô tả những khát khao, dường như luôn tràn viền khỏi những khuôn mẫu, và đa phần là những ưu uẩn bất hạnh. Không phải ngẫu nhiên, truyện ngắn Y Ban xuất hiện khá nhiều những người đàn bà lãng mạn, hầu hết là những người có học thức, địa vị và thành đạt. Khác với những người phụ nữ nông thôn, người nữ trong đây ý thức rõ về tình yêu và giới hạn, bởi thế, họ tham vọng hơn, nhưng cũng chênh vênh hụt hẫng hơn. “Bồ công anh nở bên hồ nước trong” là một thí dụ. Từ điểm nhìn thuần toàn bên trong, truyện ngắn thể hiện một sự bền bỉ trong diễn giải tâm trạng, với rất nhiều trực giác, mơ hồ. Người kể chuyện xưng “tôi” là một phiên dịch, điểm nhìn kể chuyện sau đó được dịch chuyển sang hình hài người đàn bà mang tên Thảo Mộc (tự xưng “Ta là một con ma”). Cảm xúc từ đây được xen cài giữa “tôi” và Thảo Mộc. Dưới tứ truyện “trong mỗi người phụ nữ đều có một nàng Kiều”, câu chuyện tuy không lời thoại, nhưng tính đối thoại lại rất cao. “Bồ công anh nở bên hồ nước trong” thể hiện những quan sát tinh tế về người nữ: ẩn mật bên trong, những vùng đau, những nụ hôn và khát vọng tình yêu mãnh liệt...
Nếu “Bồ công anh nở bên hồ nước trong” là những cảm xúc lãng mạn mơ hồ, những rạn vỡ mong manh thì “Gà ấp bóng” lại là chuyện đổ vỡ của một người phụ nữ đã có gia đình, phải trả giá cho những phiêu dạt viển vông, nhiều khi rất ấm ớ, ẩm ương của mình. Truyện được kể ở ngôi thứ nhất - người nữ tự kể chuyện mình. Sau cuộc tình mộng tưởng ngắn ngủi với người đàn ông ngoại quốc, người đàn bà nhận ra cảnh huống “gà ấp bóng” trớ trêu. Ở đây, lối chuyện lồng trong truyện, đối thoại (tại phiên tòa), sự phơi mở nội tâm của người trong cuộc, các truyện xen… khiến “Gà ấp bóng” trở nên hấp dẫn và thấm thía. “Phụ nữ chúng tôi có những giai đoạn chẳng khác nào con gà ấp bóng kia. Còn lại là một tình yêu đích thực”(5).
Quan sát một chút, có thể nhận ra, trong truyện ngắn Y Ban, nhân vật nữ thường xuyên bị giằng xé giữa thực tại (gia đình) nhàm tẻ và những cuộc phiêu lưu (tình ái) đầy khao khát. Họ vừa vùng vẫy vượt thoát để kiếm tìm hạnh phúc vừa lo sợ đứt gẫy sợi dây gia đình mong manh.
Nếu trong “Gà ấp bóng”, người phụ nữ ngoại tình trong tâm tưởng, thì trong “Em vẫn gọi tên anh là nước Nga”, người đàn bà đã ra khỏi lằn ranh thực tại để đến với một người đàn ông khác. “Nàng”, người phụ nữ khao khát tình yêu, mơ mộng, nhưng cuộc đời lại “không bao giờ ban cho người đàn bà mơ mộng những điều người đó muốn”. Một người chồng cục cằn, bị tai nạn, trở thành một phế nhân, một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, song tất cả những thứ đó không hẳn là cái cớ để người phụ nữ ngoại tình, mà có lẽ xuất phát nhiều hơn từ khao khát mơ hồ còn vương sót từ tuổi thanh xuân. Sau mối tình lãng mạn, chênh vênh, người phụ nữ trở về chấp nhận thực tại chua chát đắng cay.
Có thể xem “Mỗi người đàn ông chỉ của riêng một người đàn bà” là những mảnh vỡ tâm trạng của “nàng” - nhân vật trung tâm, trên chuyến xe hồi tưởng. Một mối tình quá vãng, đẹp đẽ, mong manh. Nàng là người mơ mộng, khát khao sự nổi tiếng. Cuộc đời nàng được lập trình: lấy chồng, sinh con, không hạnh phúc, ly thân, cuối cùng, sau những phiêu dạt chông chênh, tình yêu và hạnh phúc vẫn mãi khước từ.
Nếu nhân vật nữ trong “Người đàn bà đứng trước gương” là một người đàn bà thành đạt, mang bi kịch hôn nhân không thể cứu vãn (cũng chẳng thể đứng mãi trước gương để tự dối lừa mình), thì trong “Người đàn bà có ma lực”, Y Ban lại xoáy sâu vào câu chuyện một người đàn bà từng trải, khát khao đi tìm cái hoàn hảo, cuối cùng thất bại. Tương hợp với chủ đề này, “Đôi găng tay màu da nâu” có thể xem là một ẩn dụ về những ước mong phù phiếm của nhân vật nữ và điều nhận lại là sự cô đơn.
Như đã nói, truyện ngắn Y Ban không chỉ đầy ắp sự kiện, mà còn giàu chiêm nghiệm. Không phải ngẫu nhiên, nhân vật nữ của Y Ban thường đắm chìm trong hồi tưởng. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói, truyện ngắn Y Ban đã thể hiện sinh động các thể loại đàn bà khi yêu. Trong số họ, ai cũng có lý do để thay đổi, thậm chí là theo chiều hướng xấu đi, nhưng đa phần là khát vọng tình yêu, sự chia sẻ hơn là hưởng thụ hay tình dục. Y Ban quan niệm, đàn bà đáng được hưởng hạnh phúc, song hạnh phúc thường mong manh, và rất nhiều khi, hạnh phúc hay bất hạnh là do chính họ tạo ra.
Có thể khẳng định, trong truyện ngắn, thân phận đàn bà là câu chuyện Y Ban chăm chú nhất. Tuy nhiên, khác với những truyện mang tính “hiện thực”, “Chợ rằm dưới gốc dâu cổ thụ” lại đậm màu sắc huyền ảo. Truyện mở ra bằng nỗi buồn người mẹ, khép lại bằng nỗi đau con gái. Cuộc tình xuyên không âm dương của Lụa phảng phất buồn thương, ma mị, đậm chất nhân văn, khơi gợi sâu xa vào cõi nhân sinh miên viễn.
Trong mảng truyện về phụ nữ của Y Ban, “Jô” là một truyện ngắn đặc sắc. Cuộc sống của con khỉ cái tên Jô, cũng như bà chủ, được xem như một ám dụ về số phận đàn bà. Jô được cứu, rồi bị nhốt trong lồng làm trò vui. Cũng như bà chủ, nó chỉ được là mình mỗi khi ông chủ - kẻ cầm quyền đi vắng. Cảm giác bị trói buộc, bị bỏ rơi, bị tước đoạt (đứa con) khiến nó nhận ra bản chất vô cảm, nhẫn tâm của kẻ cầm quyền. Nhưng nó thuộc về giống cái “nhẫn nại, hi sinh, yêu thương, căm ghét”. Jô cuối cùng cũng thể hiện sự phản kháng bằng cách tấn công ông chủ. Kết truyện, nó bị bỏ rơi và chấp nhận cái chết đến với mình.
Đọc truyện ngắn Y Ban, thấy đa phần các nhân vật nữ đều là những người phụ nữ già dặn, đứng tuổi, hoặc đã có gia đình, tất thảy đều thua cuộc. Từ bản chất nhân hậu từ tâm, họ dạy lại con mình phải biết chấp nhận, phải hèn mọn đi để thích ứng với cuộc đời bạc bẽo. Trên thực tế, đàn bà cần và xứng đáng với một đời sống tốt hơn, nhưng đàn bà trong văn Y Ban thì dường như không thể.
Trong hành trình sáng tác của mình, Y Ban viết không nhiều về nông thôn song đó là những truyện ngắn rất hay. Đọc Y Ban, dễ nhận ra, có một nông thôn của những ký ức đẹp đẽ, xa xăm trong miền nhớ và một nông thôn đương đại đổ vỡ, bất an. “Cẩm cù” là câu chuyện về những năm sơ tán. Truyện như một khảo cổ học về đời sống, số phận người Việt một thời chưa xa: đói khổ triền miên, chiến tranh, li tán. Chuyện ăn rau bà đẻ, chuyện ông bố bán máu để nuôi con, chuyện vệ sinh và lịch sử hố xí Việt... Tất cả thảy đều là những ký ức buồn (và đẹp) về một thời khốn khó lao lung, được nhắc lại với bao khổ đau thương nhớ. Nếu “Cẩm cù” trữ tình hóa mạch tự sự trên nền cảnh sinh hoạt xã hội thì “Vùng sáng ký ức” là câu chuyện biên niên được tái hiện qua những gương mặt, những ký ức thân quen: bà nội, cỗ hậu sự của bà nội, ma làng Đức Hậu, ngày rằm xá tội vong nhân, kiếp người, cầu vồng và ông ba mươi, lễ cắt tiền duyên, cái chết... Nếu “Cẩm cù”, “Vùng sáng ký ức” cho thấy nông thôn khốn khó một thời thì “Quê nội” kết nối giữa quá khứ man mác buồn thương, hoài niệm với thực tại đổ nát điêu tàn. Đạo lý dần băng hoại. Những ngày tháng đẹp nhanh chóng qua đi. Cái đẹp kết đọng trong tầng sâu văn hóa dần bị con người phá hủy. Người ta đập bệ thờ. Ngôi chùa thiêng đổ nát. Kết truyện, việc đặt bức tượng nhỏ lên bệ như một niềm hi vọng níu giữ và phục sinh những giá trị tốt đẹp mong manh.
Đọc Y Ban, có thể nhận ra, trong các truyện nông thôn của mình, nhà văn rất chú ý quan sát tập tục và chuyện nhân sinh đắp đổi. Mỗi câu chuyện là một lời cảnh báo về những tha hóa của con người và sự tàn phá nông thôn trong quá trình đô thị hóa. “Con yêu tinh” là một thí dụ điển hình. Từ làng sang phố là bước tiến văn minh nhưng là bước lùi về nhân cách và văn hóa. Ở đó, người dân quê bị bần cùng hóa và tự tha hóa chính mình.
Không giản đơn để chia truyện Y Ban thành truyện phụ nữ và nông thôn, nhưng có lẽ đây là hai câu chuyện tâm thức ấn tượng nhất của chị. Ở đó, nó đan cài nhiều chiều các chuyện thế sự nhân tâm, và không bao giờ là những câu chuyện nhạt. Như đã nói, sức hấp dẫn trong truyện ngắn Y Ban, cùng với cái nhìn, cách đặt vấn đề, lựa chọn chi tiết, là một nghệ thuật kể chuyện tự nhiên, đầy ma lực. Ngoài việc dồn nén cốt truyện, Y Ban có cách kể cực kỳ đa dạng, trong đó tiêu điểm là các sắc thái xã hội - thẩm mỹ khác nhau của điểm nhìn nhân vật. Năng lực hóa thân và nội tâm hóa (nhân vật nữ) khiến truyện ngắn Y Ban luôn day dứt, chạm sâu vào trái tim bạn đọc. Không phải ngẫu nhiên, đọc Y Ban, thường có cảm giác vừa phẫn nộ, vừa cay đắng, hụt hẫng, xót xa…
Nhìn lại chặng đường sáng tác hơn 30 năm của Y Ban, có thể nhận ra, trong không gian sáng tạo đa dạng, truyện ngắn là thể loại thành công nhất của chị. Ở đây, sự cô đúc của cốt truyện, tình cảm nhân văn sâu sắc, đặc biệt cách đặt vấn đề, sự diễn giải đầy xúc cảm về phụ nữ và sự lão luyện trong trần thuật đã làm nên bản sắc ngòi bút Y Ban. Y Ban từng đạt rất nhiều giải thưởng, song có lẽ phần thưởng lớn nhất của chị là sự yêu mến của độc giả trong suốt những năm qua. Sẽ không cường điệu khi nói rằng, một số truyện ngắn của Y Ban đạt đến sự mẫu mực./.
(Tạp chí Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, tháng 11/2023)
Chú thích:
(1) Các trích dẫn trong bài này lấy từ tuyển tập Truyện ngắn Y Ban (ấn bản đặc biệt kỷ niệm chặng đường 35 năm viết văn của Y Ban), Nxb. Hội Nhà văn, 2020.
(2) Truyện ngắn Y Ban, sách trên, tr.30.
(3) Truyện ngắn Y Ban, sách trên, tr.142.
(4) Truyện ngắn Y Ban, sách trên, tr.79.
(5) Truyện ngắn Y Ban, sách trên, tr.120.
Tất cả cảm xúc:
Hải Anh Hà và Phạm Khắc Mã
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét