GHI Ở THÀNH
CỔ QUẢNG TRỊ
Nguyễn Thị Việt Nga
Những gương
mặt sạm đen khói súng
Hiện lên
trong nắng ảo mờ
Những ánh
mắt bao năm còn khắc khoải
“Có câu này
chúng tôi muốn hỏi nhà thơ”
Đất mênh
mông, cỏ run mềm từng sợi
Những non
tơ từ máu đỏ mà xanh
Mây Thành
cổ từ thịt xương mà trắng
Nước Thạch
Hãn từ cay đắng mà lành
Những ánh
mắt bao năm còn khắc khoải
“Có câu này
chúng tôi muốn hỏi nhà thơ”
Vâng, câu hỏi. Tôi chờ nghe câu hỏi
“Con người
đã tìm ra cách gì để sống với nhau chưa?”
Lời bình của Nguyễn Thị Lan
Bài thơ “Ghi ở Thành cổ Quảng
Trị” của tác giả Nguyễn Thị Việt Nga nằm trong tập thơ “Ra ngõ ngóng mây” (NXB
Văn học, 2012). Có thể đây chưa phải là bài hay nhất của tập thơ, nhưng nó khá
tiêu biểu cho giọng thơ của tác giả ở tập thơ này.
“Ghi ở Thành cổ Quảng Trị” như
một biên bản ghi lại những điều mắt thấy, tai nghe (trong tâm tưởng) của người
làm thơ ở Thành cổ Quảng Trị.
Bắt đầu là khổ một:
Bài thơ gây “sốc” cho độc giả -
“cú sốc thẩm mỹ” ngay từ những câu thơ đầu tiên:
“Những
gương mặt sạm đen khói súng
Hiện lên
trong nắng ảo mờ”
Vong hồn những người lính đã hy
sinh ở Thành cổ Quảng Trị “hiện lên trong
nắng ảo mờ” với khuôn mặt “sạm đen
khói súng”. Họ như vừa bước ra từ chiến trường khói lửa. Trong cõi yên nghỉ
vĩnh hằng ấy, cái gì đã khiến các vong hồn phải hiện lên gấp gáp giữa thanh
thiên bạch nhật? Hai câu thơ đầu dự báo một cái gì không yên.
Hai câu thơ tiếp theo đã trả lời câu
hỏi ấy:
“Những ánh
mắt bao năm còn khắc khoải
Có câu này
chúng tôi muốn hỏi nhà thơ”
Nhà thơ đã “nhìn thấy” ánh mắt “khắc khoải” và “nghe thấy” câu hỏi khẩn
thiết của vong linh những người lính.
Bài thơ đã có bốn câu thơ mở đầu
xứng đáng. Nó đi thẳng vào đề. Người xưa gọi là “mở cửa thấy núi”. Nó tạo nên
độ căng trữ tình của toàn bộ thi phẩm.
Khổ thơ thứ hai:
“Đất mênh
mông cỏ run mềm từng sợi
Những non
tơ từ máu đỏ mà xanh
Mây thành
cổ từ thịt xương mà trắng
Nước Thạch
Hãn từ cay đắng mà lành”
Mạch thơ chuyển sang ý khác. Bốn
câu thơ là một phác thảo về Thành cổ Quảng Trị, một không gian yên bình với
đất, trời và nước. Đất thì “mênh mông”
với cỏ “non tơ” “run mềm từng sợi”. (Tác giả đã chọn được một chi tiết tiêu biểu.
Những ai đã từng đến Thành cổ Quảng Trị sẽ không khỏi ngạc nhiên, ngay giữa
những ngày hè khô khát của gió Lào, thật kỳ lạ cỏ dưới chân Thành cổ vẫn xanh
mơn mởn giữa bốn bề. Người ta nói đó là biểu tượng, là anh linh của những người
đã khuất).
Vâng! Đất thì với cỏ xanh, trời
thì mây trắng và nước sông Thạch Hãn thì mát “lành”.
Nhưng thiên nhiên an lành đó của
ngày hôm nay tương phản dữ dội với hiện thực khốc liệt của ngày hôm qua. Nhà
thơ khẳng định (và cũng là nhắc nhở những người sống): màu xanh non tơ của cỏ ở
nơi đây có từ “máu đỏ”, mây trắng
nhởn nhơ bay trên Thành cổ có từ “thịt
xương” của những người đã ngã xuống và nước sông Thạch Hãn mát lành hôm nay
có từ những “cay đắng” của ngày hôm
qua.
Tưởng như ý thơ của khổ thơ thứ
hai chẳng có mối liên hệ gì, chẳng “dính" gì với ý thơ của khổ đầu. Nhưng
thực ra nó là hệ quả của nhau. Những người lính đã hy sinh cả tuổi thanh xuân,
cả tính mạng của mình để cho mảnh đất này mãi mãi bình yên, để cho người khác
được sống. Chính vì vậy, họ có đủ quyền, đủ tư cách để hỏi những người đang
sống. Và câu hỏi của họ chắc phải quan trọng lắm, lớn lao lắm.
Khổ thơ thứ ba:
Những ánh
mắt bao năm còn khắc khoải
“Có câu này
chúng tôi muốn hỏi nhà thơ”
Vâng, câu hỏi. Tôi chờ nghe câu hỏi
“Con người
đã tìm ra cách gì để sống với nhau chưa?”
Ngôn ngữ thơ vốn cô đọng. Có thể
diễn giải câu hỏi đó là: con người đã tìm ra cách để sống với nhau cho tốt đẹp,
cho tử tế, cho nhân văn chưa, hay còn vô cảm, còn hằn học, thù ghét nhau, còn
“ăn thịt” nhau (Lời Lỗ Tấn)
Đây là một câu hỏi vượt ra ngoài
khuôn giới một câu hỏi bình thường, nó mang ý nghĩa thế sự, nhân sinh. Câu hỏi
đó gieo vào lòng người đọc bao liên tưởng, suy nghĩ.
Hơn nữa, người hỏi lại là người
đã đem cả sinh mạng của mình để mang lại sự sống cho người được hỏi, vì vậy câu
hỏi đó càng bao hàm nhiều ý nghĩa:
1. Nó là niềm trăn trở trước quan
hệ ngày càng có chiều hướng xấu đi giữa người với người. Qua câu hỏi đó, quan
hệ con người hiện lên đau đớn, xót xa, mệt mỏi. Hỏi mà như khẳng định, như
trách cứ rằng người sống chưa tìm được cách sống tốt với nhau.
2. Nó còn là một lời cảnh báo, nó
ngầm báo một nguy cơ tha hoá. Câu hỏi là một sự thức tỉnh lương tâm. Và đó
chính là sự kiêu hãnh của thơ.
3. Về phía người làm thơ: Câu hỏi
đó chỉ có được khi nhà thơ là người đã có kinh nghiệm sống, từng trải nghiệm
trong quan hệ với con người. Nó cho thấy sự trăn trở và chút nỗi niềm cay đắng
thất vọng trước tình người, nỗi đau nhân sinh và nỗi buồn của người viết. Nó là
tiếng kêu hối thúc của chính tác giả... Nhưng cả hai lần hỏi vẫn khó có một câu
trả lời.
Câu trả lời vẫn để ngỏ.
Bài thơ đóng lại bằng câu hỏi đó.
Giọng điệu của thơ là buồn sâu
lắng, chất chứa suy tư. Nó có cái gì thảng thốt và đắng đót. Đây là một đặc
trưng biểu cảm rất riêng của tập thơ “Ra ngõ ngóng mây” của Việt Nga, đặc biệt
ở bài “Ghi ở Thành cổ Quảng Trị”.
Bài thơ cô đúc, chặt chẽ, cấu tứ
kiệm lời. Tác giả tỏ ra khá làm chủ câu chữ của mình. Hơi thơ chắc khoẻ đi
thẳng vào lòng người đọc. Thi phẩm hàm súc về tư tưởng. Đây là cách nói mới
giầu nội hàm tư tưởng hơn là cách nói cũ nghiêng về bộc lộ cảm xúc của người
viết. Để bài thơ giàu nội hàm tư tưởng, hình tượng trong bài thơ mang kích
thước lớn lao từ thiên nhiên đến con người. Thiên nhiên thì mang tầm vóc vũ trụ
với trời mây,mặt đất, sông nước. Con người thì với những hy sinh lớn lao và cả
những trăn trở, mong ước cao cả.
Bài thơ viết về Thành cổ Quảng
Trị, lấy nơi nghĩa trang chung của hàng vạn người lính làm bối cảnh, nhưng thi
phẩm vẫn xôn xao những điều chẳng bao giờ yên ả. Nó day dứt người đọc. Nó mở
một câu hỏi lớn về phía người đọc. Nó lay động người đọc ở những cảm xúc lớn
lao. Và đó chính là thành công của bài thơ “Ghi ở Thành cổ Quảng Trị” của tác
giả Nguyễn Thị Việt Nga.
Hải Dương, mùa Xuân 2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét