50 NĂM KHOA NGỮ VĂN ĐHSP VIỆT BẮC
Ghi chép của Vũ Nho
Thế là đã tròn nửa thế kỉ cho một trường,
một khoa và một lứa đầu tiên học ở ngôi trường thân yêu đó. Trường Đại học Sư
Phạm Việt Bắc ruột thịt. Trường đã được
phong Đơn vị anh hùng. Nhưng với chúng tôi, những người con của khoa Ngữ văn, của
trường thì dẫu không có danh hiệu đó, chúng tôi vẫn tự hào, yêu thương, gắn bó với trường, với khoa. Vì đó
là tuổi trẻ của chúng tôi, là buồn vui của chúng tôi, là biết bao kỉ niệm của
thầy trò, bạn bè mà khi càng cao tuổi, khi càng khá hơn về đời sống vật chất,
người ta càng thấm thía và yêu quý, nâng
niu. Với riêng tôi, không chỉ khoác áo sinh viên, tôi còn là cán bộ giảng dạy từ
năm 1970 đến khi sang Nga, lại về dạy khóa 17 và 18 cho đến tháng 10 năm 1986 mới
rời khoa. Tính từ năm 1966 vào trường, tôi cũng có đến 20 năm gắn bó với khoa Văn
Việt Bắc.
Năm kỉ niệm trang trọng này khoa Ngữ văn có một cố gắng rất
lớn. Đó là đưa xe về Hà Nội đón các thầy đã cộng tác với khoa, đã từng giảng dạy
ở khoa, đã trực tiếp là cán bộ giảng dạy
của khoa trong danh sách cán bộ cơ hữu. Tôi được thấy GS, nhà giáo nhân dân
Nguyễn Đình Chú, GS Đoàn Thiện Thuật, GS Đinh Văn Đức, GS Phong Lê và nhiều thầy
cô khác của Viện Văn học, Trường Đại học Tổng hợp, Trường ĐHSP Hà Nội trong buổi Lễ kỉ niệm.
Xe của khoa đón
ở hai địa điểm là Đại học KHXH và nhân văn, ĐHSP Hà Nội . Một chiếc xe rộng rãi,
đủ chỗ. Xe càng rộng bởi vì một số thầy cô đi xe riêng. GS TS Nguyễn Minh Thuyết,
vợ chồng GS TS Lộc Phương Thủy, cô Bùi Thị Huân,… Xe chúng tôi có GS TS Trần Văn
Bính, TS Nguyễn Văn Chính, PGS TS Trần Thế Phiệt, cô Phương Lan ( cổ văn), cô Thục Hiền ( tiếng Nga), thầy Nguyễn Hữu Lục ( tiếng Nga),
thầy Nguyễn Đức Liễn, và Vũ Nho. TS Nguyễn Kiên Thọ, vốn là sinh viên khoa 20 đã
rất chu đáo phụ trách xe đi đến nơi, về đúng chốn.
Trên xe thật
nhiều chuyện rôm rả. Có những cán bộ của khoa nhưng lần này mới gặp lần đầu, hoặc đã
nhiều năm xa cách nên chẳng nhận ra. Câu chuyện trên xe toàn là những chuyện kỉ
niệm. Anh Nguyễn Đức Liễn, cựu sinh viên khóa 4, người gắn bó với khoa lâu năm
kể chuyện khoa Văn lập bãi chiếu phim, đi mua cam Bắc Quang Hà Giang , có giấy ưu
tiên đặc biệt, không vào được đồi cam, phải thay bằng lá dong, về Thái Nguyên bị ế. Những chuyện cười ra nước mắt về các thầy
khoa Văn làm kinh tế…
Chẳng mấy chốc
xe đã đến Thái Nguyên. Mọi người ghé qua nhà của TS Nguyễn Thị Vượng, vốn là
sinh viên khóa 7. Ở đó các vị đại biểu đi xe khác đã lên trước. Thạc sĩ Đặng Quyết Tiến, Phó chủ nhiệm khoa và Thạc sĩ
Lê Kim Hà đã ở đó đón đoàn. Sau khi uống nước, nghỉ ngơi, xe đưa các thầy cô đến
nhà hàng món Việt.
Mọi người dùng
bữa và thưởng thức món “mất điện” mấy lần trong bữa ăn. Với tinh thần lạc quan
vui vẻ, điều đó không ảnh hưởng mấy. Vả lại, mùa Thu vãn rồi, Thái Nguyên cũng
không quá nóng. Dùng bữa trưa xong, xe đưa chúng tôi về hai khách sạn là
Victory và Quang Đạt nhận phòng nghỉ.
Hai giờ, xe đón
chúng tôi vào khoa. Sau khi ghé văn phòng khoa ở tầng 6, mọi người lên tầng 9
có hội trường để gặp gỡ các thế hệ giảng
viên. Các thầy Hoàng Nhân, Cù Đình Tú, Vi Hồng, đã mất trước đây. Lần kỉ niệm
45 năm vẫn còn các thầy Phạm Luận, Vũ Châu Quán, Lâm Đình Tiến, Đinh Văn Định,
Mai Xuân Hải, Lương Duy Thứ. Nhưng lần này thì các thầy đã về miền vĩnh hằng bạt
ngàn mây trắng.
Các thầy khác là Trần Quang Vinh, Cao Xuân Thử, Ngô Ngọc Châu, Phan Thanh Lương,
Đoàn Hồng, Hà Ngọc Xuân,… cũng không về khoa vì điều kiện sức khỏe. Năm mươi năm
đúng là một thời gian dài để các thế hệ trẻ trưởng thành và các thế hệ cao tuổi
dần dần thưa vắng. Dẫu sao thì cũng còn rất nhiều thầy, nhiều bạn trong dịp năm
mươi năm này. Sau giới thiệu của Phó khoa Đặng Quyết Tiên, phát biểu ngắn gọn của
Trưởng khoa , PGS TS Đào Thủy Nguyên; có phát biểu cảm tưởng của GS TS Vũ Anh
Tuấn ( khóa 3), GS TS Lộc Phương Thủy( khóa 1), PGS TS Trần Thế Phiệt ( Khóa 5,
nguyên Chủ nhiệm khoa). Điều đặc biệt là GS TS Trần Văn Bính, người đầu tiên đến
trường, người thầy của nhiều thế hệ thầy phát biểu. Thầy đọc bài thơ khá dài, đầy
cảm xúc và tự hào về những năm tháng không thể nào quên. Gặp gỡ trong buổi này
còn có thầy Hoàng Xuân, từng là Phó chủ nhiệm khoa, Phó hiệu trưởng nhà trường,
TS Hoàng Văn An, nguyên Chủ nhiệm khoa, TS Hoàng Hữu Bội ( khóa 5), PGS TS Phạm
Mạnh Hùng, đương kim Thứ trưởng Giáo dục, nhà giáo Hoàng Hựu, Thạc sĩ Lương Bèn,
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Bình, TS Ngô Văn Đức, PGS TS Phạm Phương Thái, TS Nguyễn
Thị Vượng, Trần Hữu Lợi, Hoàng Công Đình,…các
thầy cô tổ ngoại ngữ là Phương Lan, Hữu Lục, Nông Minh Chung,…Không thể nhớ hết
tên các giảng viên của khoa.
Sau khi nhận
quà của khoa, các thầy cô về với các khối
lớp của các khóa. Vũ Nho được các bạn khóa 6 khoá 10, các bạn khoá 7 mời, nhưng vì còn muốn đi thắp hương cho hai
thầy cùng tổ văn học Trung đại và Dân gian là thầy Phạm Luận và Vi Hồng, vì vậy
mà ngẫu nhiên lại đi xe và đến với khóa 20.
Theo TS Nguyễn
Kiên Thọ, khóa 20 là khóa mà có nhiều anh chị em tham gia đội tuyển thi học
sinh giỏi của các tỉnh, được tuyển thẳng, nên sau này có rất nhiều sinh viên thành
đạt. Chung vui với khóa này có Vũ Nho,
PGS TS Trần Thế Phiệt, PGS TS Trần Việt Trung, nhà giáo nhà thơ Nguyễn Long, nhà
giáo Nguyễn Đức Liễn, nhà giáo Đỗ Bình ( tiếng Nga).
Các bạn khóa
20 tổ chức rất bài bản. Có hai người dẫn chương trình. Các thầy cô được mời phát
biểu. Một video clip về hoạt động của khóa với những tấm ảnh đen trắng đã nhòa
mờ với thời gian. Tốp ca nữ biểu diễn bài hát ngày xưa. PGS TS Trần Thế Phiệt hát
đơn ca, hát tốp ca với nhóm nữ. PGS.TS Trần Thị Việt Trung cũng “khoe giọng vàng”
trong một bài dân ca quan họ Bắc Ninh. Thầy Chủ nhiệm Nguyễn Đức Liễn phát biểu
đánh giá khóa 1 và khóa 20 là thành đạt nhất, dù anh tài khóa nào cũng có. Cựu
sinh viên khóa 20 đọc thơ tặng thầy chủ nhiệm. Nhà thơ Nguyễn Thị Bảy được yêu
cầu đọc thơ, nhưng chắc có lí do nên chưa đọc. TS Nguyễn Kiên Thọ đọc thơ, một
bạn là Hùng cũng đọc thơ. Vũ Nho có phát biểu ngắn gọn kể lại kỉ niệm là Trưởng
ban giám khảo cuộc thi thơ của Liên chi đoàn. Các bạn Thúy Quỳnh, Cao Thị Hồng,
Nguyễn Thị Bảy, Nguyễn Kiên Thọ ( khóa 20), Ngô Thanh Hằng ( khóa 17) được giải,
sau đều thành nhà thơ, nhà báo. Và cũng khoe rằng trong tuyển tập “33 gương mặt
thơ nữ” của nhà xuất bản Hội Nhà Văn, có
hai gương mặt của khoa Văn Thái Nguyên là Việt Trung ( Vân Trung) và Thúy Quỳnh. Kết thúc phát biểu ngăn, Vũ Nho nhận xét rằng
khóa 20 mặc áo cơn lốc màu da cam. Hãy làm cơn lốc đem đến niềm vui, hạnh phúc
cho những người thân, những đồng nghiệp và những người thuộc cấp, những học
sinh của mình.
Bạn Thanh,
người Đại Từ phải có sự “hi sinh” không tiếp tục cuộc vui để đưa tôi và PGS TS
Trần Thế Phiệt đến thắp hương cho hai thầy Vi Hồng và Phạm Luận. Thắp hương
xong, tôi về nhà TS Ngô Văn Thư, anh Phiệt về khách sạn. Lúc này bạn Ngân Nhiệm
đã về nhà. Bạn Lê Văn Đức cũng về Vĩnh Phúc. Thanh Bình đi chơi. Chỉ có anh Hoàng
Nguyệt ở nhà Ngô văn Thư. Hơn 40 năm không gặp nên hai người chẳng ai nhận ra
ai. Nhưng họ tên thì vẫn nhớ. Anh Nguyệt còn cao hứng đọc bài thơ kể các “anh tài”
khóa một là Lộc Phương Thủy, Vũ Nho, Lê Văn Đức và Đặng Tương Như.
Rời nhà Ngô Văn
Thư về khách sạn, Vũ Nho còn trò chuyện với anh Phiệt cho đến hơn một giờ mới
ngủ.
Sáng sớm ngày
30, thầy Chính đã gõ cửa nhắc đi ăn sáng. Vũ Nho và anh Trần Thế Phiệt lên tầng
10 của khách sạn để ăn tự chọn nhưng chẳng có ai. Thì ra khoa đặt 7h30 mới ăn nên
nhà hàng chưa mở cửa. Đúng lúc đó thì bạn Dương Thu Trang, sinh viên khóa 37, học
viên thạc sĩ khóa 22 do Vũ Nho hướng dẫn mời hai thầy đi ăn sáng. Thì đi cho
vui. Ăn sáng xong, uống cà phê, chụp ảnh rồi về khoa. Trang còn cẩn thận tặng
quà 20 tháng 11 cho tôi.
Không khí kỉ
niệm thật rộn ràng, trang trọng. Các bạn khóa 50 vẫy cờ. Tôi cùng anh Phiệt,
anh Lợi vào Hội trường. Chào các bạn khóa 50! Thật là tươi trẻ và tràn đầy sức
sống!
Hội trường đặc
kín. Như lệ thường, có văn nghệ chào mừng, có diễn văn của Chủ nhiệm khoa, có
phát biểu của Hiệu trưởng chào mừng, phát biểu của GS TS Nguyễn Minh Thuyết, đại
diện cho các thế hệ nhà giáo, phát biểu của đại diện sinh viên. Quan trọng nhất
là tri ân các thế hệ các nhà giáo. Đầu tiên là các thế hệ lãnh đạo khoa, tiếp đến
là các thầy cô có mặt từ đầu và các thầy cô của Đại học Tổng hợp, Viện văn học,
rồi đến các thầy cô từ năm 1970 đến nay, cuối cùng là nữ cán bộ trẻ của khoa.
Tôi gặp hầu hết thầy cô, bạn cũ, anh Lý Duy Hiển, Lương Bèn, anh Trần Ngọc Chùy,... chị Lan Thanh khóa 4, anh Hoàng Việt Quân khóa 3, nhà văn Ma Trường Nguyên. Anh Quân tặng tôi cuốn sách mới " Nhớ người đi xa" và bài viết " Vũ Nho mang theo Thác Bà". Nhà văn Ma Trường Nguyên tặng cuốn tiểu thuyết " Ông ké thượng cấp".
Tôi gặp hầu hết thầy cô, bạn cũ, anh Lý Duy Hiển, Lương Bèn, anh Trần Ngọc Chùy,... chị Lan Thanh khóa 4, anh Hoàng Việt Quân khóa 3, nhà văn Ma Trường Nguyên. Anh Quân tặng tôi cuốn sách mới " Nhớ người đi xa" và bài viết " Vũ Nho mang theo Thác Bà". Nhà văn Ma Trường Nguyên tặng cuốn tiểu thuyết " Ông ké thượng cấp".
Kết thúc phần nghi lễ, các đại biểu cùng nhau ăn tiệc
đứng và tiếp tục chụp ảnh, chuyện trò.
Rồi chúng tôi
lại lên xe của khoa đưa về Hà Nội. Tạm biệt Thái Nguyên, tạm biệt mái nhà khoa
Văn thân thương, ấm áp. Hẹn gặp lại khi kỉ niệm 55 năm và trong các dịp giao lưu
khác.
Hà
Nội, 31 tháng 10 năm 2016
YÊU NHỚ MIỀN KÍ ỨC!
Trả lờiXóaGió mang lạnh luồn vào rét, thấy nhớ điếng người cái rét năm xưa trên đất Thái... những kỉ niệm cứ ùa về....rạo rực và cồn cào...
Mùa lạnh năm ấy, năm 1999, Văn 34B tổ chức đi Hồ Núi Cốc... lóc cóc những chiếc xe đạp đủ loại lên đường.... vừa đi, vừa hát vang.... những bài chế hót hòn họt... kiểu gì các bạn Nguyễn Hương, Mộc Tê, Minh Đoàn, Yên Yên vẫn nhớ.... có mà đến 70-80 tuổi vẫn nhớ ...
Mùa lạnh năm ấy lớp mình cũng tổ chức sinh nhật lớp... ôi chao, 53 hộp quà cho 53 thành viên...
Mùa lạnh vi vút gió trên tầng 5 dãy kí túc, nơi trú ngụ của các nàng Văn... 501, 502,503, 504, 505, 512...như mới đây thôi, lúc nào dãy tầng cũng rộn rã tiếng cười nói... rét chui trong chăn, nhờ nhau đi mua cơm, húp chung âu mì tôm trần...rồi xôn xoan lục tục cả bọn đi ăn ốc khao, để có đứa tinh ranh vừa ăn vừa thả vỏ vào đĩa..rồi có đứa ăn phải rú lên kêu u Quyên sao ốc...k lõi....để cả bọn rúc rích cười và đấm nhau thùm thụp..
Mùa lạnh còn đứng trên tầng 5 lộng gió nhìn xuống, những ngọn đèn nhỏ bên những chiếc thủng nhỏ, tạo quầng sáng ngư ngọn đèn mẹ con chị Tý thắp trong Hai đứa trẻ...xa xa, bên đê Nông Lâm là tiếng còi tàu theo gió vang xa... để ch các nàng Văn tha hồ thả mộng...và cũng để bắt sóng đài FM, Nguyen To Quyen nhể...
Mùa lạnh, đi thư viện, mượn sách về, trùm chăn đọc... có những tiếng khóc sịt soạt... hỏi thăm nhau, thì biết" tớ thương Lâm Đại Ngọc quá"... ôi giời, tưởng gì...
Mùa lạnh, cũng là mùa Lễ kỉ niệm ngày Nhà giáo... thôi thì hoa tươi bao nhiêu xô, chậu chẳng chứa hết... qua 501 là kiểu gì cũng bị bọn 503, 504 dùng dây chặn lại....
Mùa lạnh, chim Công Thùy Dương đi thi Nữ sinh sư phạm thanh lịch... cả khu KTX rộn ràng đi cổ vũ, gào thét khản cả tiếng...và vỡ òa khi bạn "rinh" vương miện về...
Tiếng thét này, là một "vũ khí" lợi hại của Khoa. Chả thế mà, cả khoa mới đủ một đội bóng Nam mà thắng cả khoa Thể chất..chỉ vì tất cả nữ xếp hình chữ V, chỉ thẳng vào chân cầu thủ Thể chất gào: Ra ngoài, ra ngoài.... chả hiểu các anh chàng ấy có bị lơ tơ mơ k mà ra ngoài thật.... he he...cả khoa ăn mừng ở khu H2, có anh chị còn làm mô hình chiếc cúp giơ cao...lên nữa...năm đó,Khoa Văn bội thu. Vừa Nhất Nghiệp vụ sư phạm, nhất Văn nghệ lại nhất Bóng đá nữa... vui phải nói là " Thôi rồi"... ai dám bảo, khoa Văn là Vờ rồi Ăn...!
Còn bao kí ức vui buồn trong mạch kỉ niệm, không thể nói hết bằng lời...chỉ có điều, hôm qua, gặp lại các bạn, thấy yêu nhớ vô cùng.. chúng mình đã cũng nhau vui cười, tâm sự, ôm ghì, cười vang..... như trở lại nẻo hồn mình để yêu thương và thân quý
Với tớ, còn là nguồn động lực để bước tới ngày mai....
Cám ơn bạn đã đăng vào đây kí ức của khóa 34. Như thế là khóa 1 chúng tôi cách các bạn 34 mùa rét Thái Nguyên! Mấy năm nay tôi có tham gia đào tạo thạc sĩ cho khoa. Có bạn khóa 37 đã đi học và đã bảo vệ thành công. Tôi nghĩ khóa 34 của các bạn cũng có nhiều người thành đạt! Chúc các bạn giữ mãi kỉ niệm đẹp của một thời ở khoa!
Trả lờiXóaĐọc rồi nao nao nhớ mái trường xưa
Trả lờiXóa