BU RA TI NO LÁU LỈNH
Gian nhi Rodari ( Ytalia)
Vũ Nho dịch từ tiếng Nga
Ngày xửa ngày xưa có một
chú bé… Pinokio Buratino. Không, đây không phải là chú bé của nhà văn Ytalia
Caclo Conlodi, và cũng không phải là chú bé trong truyện của Alecxay Tolstoi,
mà là một chú bé hoàn toàn khác. Thật thế, chú ta cũng bằng gỗ, nhưng dẫu sao vẫn
khác. Không phải bác Caclo làm ra chú ta. Chú ta tự làm ra mình.
Chú Buratino này, cũng như người gỗ nổi tiếng trong truyện
cổ tích, rất thích nói dối. Mỗi lần chú nói sai sự thật, mũi chú dài ra trông
thấy. Nhưng dẫu sao, đây vẫn là Buratino hoàn toàn khác. Hơn nữa, khi mũi chú mọc
dài ra, chú không sợ, không khóc, không gọi người giúp. Chú tự cầm dao, cầm cưa
cắt đoạn mũi thừa. Chú vốn bằng gỗ, đúng không nào, bởi vậy chú chẳng đau gì.
Chà, chú nói dối tương đối thường xuyên, thậm chí có lẽ rất
thường xuyên, nên chẳng bao lâu trong nhà chú tích được rất nhiều những mẩu gỗ
vụn, những đoạn mũi của chú.
-
Thế thì hay lắm – Chú quyết định – Có lẽ
đủ để đóng đồ gỗ. Ta sẽ tự mình làm lấy, chẳng mất tiền trả công cho thợ.
Nói sao, làm vậy.
Buratino làm việc ra trò và đóng được giường, bàn, tủ, ghế tựa, giá sách, ghế
dài và sau cùng, khi bắt tay vào làm chiếc bàn nhỏ để đặt máy thu hình thì bỗng
chú phát hiện ra rằng vật liệu không đủ.
-
Không sao – chú quyết định- Chỉ cần nói
dối một chút xíu thôi.
Chú chạy ra phố tìm gặp
một người nào đó để nói dối. Và chú gặp một bác nông dân.
-
Chào bác – Buratino nói – Thế ra bác
không biết là bác gặp may lớn à?
-
Tôi ấy ư? Chuyện gì vậy?
-
Bác còn chưa biết ư? ! Bác trúng giải xổ
số một trăm triệu! Người ta vừa loan báo tin đó trên đài.
-
Không có lẽ!
-
Sao lại không có lẽ…Bác, xin lỗi tên bác
là gì ạ?
-
Robecto Bidolunghi.
-
Bác thấy chưa! Người ta gọi tên bác trên
đài - Robecto Bidolunghi. Nhưng bác làm
nghề gì?
Vũ Nho
-
À, tôi là nông dân, tôi cày ruộng.
-
Chà thế thì không còn một mảy may nghi ngờ gì
nữa rồi! Chính bác trúng giải một trăm triệu! Xin chúc mừng!...
-
Cám ơn, cám ơn…
Ông
Bidolunghi cuống quýt vì cái tin đó và hồi hộp rẽ vào quán cà phê để uống nước.
Và chỉ ở đây, ông mới nhớ ra rằng cả đời ông chưa hề mua vé xổ số. Nghĩa là có
một sự nhầm lẫn nào đó.
Trong khi ấy thì Buratino quay về nhà.
Chú rất hài lòng về chuyện bịa của mình
vì mũi chú dài ra vừa vặn để làm chân cho chiếc bàn con. Chú cưa lấy một đoạn cần
thiết, dùng giấy ráp đánh bóng, đóng vào, thế là xong xuôi! Chiếc bàn con thật
là tuyệt. Muốn mua một chiếc như thế phải bỏ ra tròn hai chục ngàn “lia”, không
hơn không kém! Một món tiền dành dụm kha khá đấy.
Sau khi hoàn thành việc sắm sửa đồ đạc,
Buratino quyết định bắt tay vào buôn bán.
-
Ta sẽ bán vật liệu xây dựng và sẽ làm
giàu.
Và
qủa thật, chú bịa đặt đủ mọi loại chuyện hoang đường và nói dối tất cả mọi người
đến nỗi chẳng mấy chốc chú mua được một nhà kho khổng lồ để chứa vật liệu bằng
gỗ, thuê một trăm công nhân làm việc và hai người kế toán để ghi chép sổ sách.
Chú mua bốn ô tô và hai ô tô ray. Ô tô ray không phải để đi dạo mà để chuyên chở
những mẩu vụn của mũi chú đem xuất khẩu ra nước ngoài, sang Pháp, sang Xcotlen.
Chú luôn luôn nói dối, nói dối càng
ngày càng nhiều hơn. Mũi chú không bao giờ biết mệt, cứ dài ra. Buratino trở
nên mỗi ngày một giàu to. Bây giờ trong xưởng của chú có ba ngàn năm trăm công
nhân và bốn trăm hai chục kế toán ghi chép sổ sách.
Tiêc thay, vì nói dối không ngừng nên
trí tưởng tượng của Buratino cạn đi. Bây giờ muốn nói một điều bịa đặt gì đó hoặc không đúng sự thật,
chú đành phải nghe lỏm xem người ta nói dối như thế nào, rồi chú lặp lại những
điều bịa đặt của họ, cả những điều người lớn nói, lẫn những chuyện trẻ con nghĩ
ra. Nhưng thường chỉ là những điều sai sự
thật nhỏ nhặt nên mũi chú chỉ dài ra độ vài xăng ti mét.
Buratino quyết định kiếm một người gà
hộ. Người cộng tác suốt ngày ngồi trong phòng nghĩ ra những chuyên bịa đặt rồi
ghi chép vào giấy chuyển cho ông chủ.
-
Xin hãy nói rằng vòm nhà thờ thánh Pie
do ông vẽ chứ không phải là Mikenlangielo.
-
Hãy nói rằng thành phố Philimpopon xây dựng
trên những bánh xe và có thể di chuyển được.
-
Hãy nói rằng một lần nào đó, ông đã ở
trên Bắc Cực, ông khoan một lỗ xuyên qua trái đất và chui ra ở Nam Cực.
Người
gà hộ tìm ra những chuyện bịa đặt không phải là xoàng, nhưng đến chiều, vì làm
việc căng thẳng ông ta đau đầu dữ dội.
-
Hãy nói rằng Núi Trắng là bà thím của
ông.
-
Rằng voi ngủ không nằm, cũng không đứng,
mà trồng cây chuối bằng vòi.
-
…Rằng sông Pô chán chảy ra biển
Adriatich đã đổ vào Ấn Độ Dương…
Bây
giờ, sau khi đã trở thành người cực kì giàu có, Buratino không tự cưa mũi mình
nữa mà dùng những tay thợ mộc lành nghề đi găng tay trắng, dùng cưa bằng vàng.
Họ được ông chủ trả cho hai lần tiền. Một lần bằng chính công việc đã làm, rồi
còn trả thêm một lần nữa để họ không lộ ra với ai về cái mũi lạ lùng của ông chủ.
Hơn nữa, nếu như ngày làm việc đặc biệt kết quả, Buratino còn thết họ một cốc
nước khoáng.
Cách
kết thúc thứ nhất
Buratino
giàu không phải từng ngày mà là từng giờ. Nhưng đừng nên nghĩ rằng chú trở nên
tham lam keo kiệt. Chứng cớ là người gà hộ, thỉnh thoảng lại được chú tặng quà,
ví dụ như một cái kẹo bạc hà, quả lê, hoặc con tem Xênêgan…
Dan
cư thành phố rất tự hào về Buratino muốn bầu chú làm Thị trưởng. Nhưng chú
không đồng ý vì không muốn gánh lấy một trọng trách lớn lao như thế.
-
Nhưng ông có thể làm được rất nhiều điều
cho thành phố chúng ta! – Họ nói với chú.
-
Làm thì tôi sẽ làm. Tôi sẽ xây dựng nhà
trẻ, nếu như, tất nhiên, nó mang tên
tôi. Tôi sẽ đặt ghế trong công viên thành phố để những công nhân già có thể nghỉ
ngơi khi nhọc mệt.
-
Hoan hô ông Buratino! Hoan hô ông
Buratino!
-
Mọi người vui sướng đến mức quyết định
xây dựng tượng Buratino bằng đá hoa cương. Và họ đã dựng xong. Tượng Buratino bằng
đá hoa cương cao ba mét, còn bên cạnh là một cậu bé nghèo khổ cao chín mươi
nhăm xăng ti mét đang nhận đồng “xonđo” của Buratino ban cho. Chung quanh tượng,
các dàn nhạc biểu diễn, pháo hoa sáng rực trời. Hôm đó là một ngày hội.
Cách
kết thúc thứ hai
Buratino giàu không phải
từng ngày mà là từng giờ. Và càng giàu có bao nhiêu, càng trở nên tham lam keo
kiệt bấy nhiêu. Người gà hộ làm việc
ngày đêm nghĩ ra những điều bịa đặt mới,
từ lâu đã yêu cầu ông chủ trả thêm tiền cho mình, nhưng Buratino lần nào cũng
tìm cớ thoái thác.
-
Cái chuyện trả thêm tiền là do ông bịa đặt
ra. Hôm qua ông đưa chuyện bịa đặt cho tôi, lấy bốn “xondo”, mà mũi tôi dài ra
chỉ có độ mười hai mi li mét. Với mẩu gỗ như vậy, có làm tăm cũng không được.
-
Tôi có gia đình – người gà hộ giải thích
– Khoai tây thì đắt đỏ.
-
Nhưng bánh mì lại rẻ hơn. Tại sao ông
không mua bánh mì thay cho khoai tây?
Kết cục là người gà hộ
căm tức chủ mình và nghĩ cách trả thù.
-
Tôi sẽ cho ông chủ biết tay! – Ông ta đe
dọa trong khi ghi ra giấy những điều bịa đặt mới.
Và thế là một hôm, ông
ta đã viết lên một tờ giấy : “Tác giả của Những
cuộc phiêu lưu của Pinokio là Caclo Colondi, còn tác giả của Chiếc chìa khóa vàng là Alecxay
Tolstoi”.
Tờ giấy này nằm lẫn giữa
các tờ giấy ghi những chuyện bịa đặt khác. Và Buratino, cả đời chẳng đọc một
quyển sách nào, cho rằng đó cũng là chuyện bịa như mọi chuyện bịa khác của người
gà hộ, nên chú ghi nhớ để nói dối một người nào đó.
Thế là xảy ra chuyện lần đầu tiên trong đời, do hoàn toàn
không biết, Buratino đã nói thật. Và chú vừa nói xong, tất cả những vật liệu bằng
gỗ do chú nói dối mà có bỗng hóa thành bụi và mùn cưa, sự giàu có của chú biến
mất tựa cơn gió thoảng. Buratino trở nên nghèo và sống trong ngôi nhà hoàn toàn cũ nát. Chẳng có lấy một chiếc ghế,
thậm chí đến chiếc khăn mùi xoa để lau nước mắt cũng không.
Cách kết thúc thứ ba
Buratino giàu không phải từng ngày mà là từng giờ. Và tất
nhiên, cậu sẽ trở thành người giàu nhất thế giới nếu như không có một người
khôn ngoan láu lỉnh, hiểu biết rất nhiều xuất hiện ở vùng đó. Anh này còn biết
rằng tất cả sự giàu có của Buratino sẽ tan ra mấy khói vào cái ngày mà Buratino
buộc phải nói thật.
-
Thưa ông Buratino, - anh ta nói – Ông
hãy coi chừng, đừng có vô tình nói dù là một sự thật nhỏ bé nhất, nếu không,
ngày vui sẽ kết thúc. Ông hiểu chứ? Thế thì tốt. Nhân tiện hỏi ông, đây có phải
là biệt thự của ông không?
-
Khô…ông – Buratino đáp.
-
Thế thì hay lắm, tôi sẽ dọn đến ở đây.
Tôi rất thích nó!
-
Còn những kho tàng này cũng không phải của ông
chứ?
-
Khô…ông! Buratino cực chẳng đã phải đáp thế để
không nói sự thật.
-
Tuyệt! Nghĩa là chúng sẽ thành của tôi…
Cứ như thế, anh ta chiếm
hết của Buratino ô tô ray, máy thu hình, chiếc cưa bằng vàng…Buratino ngày càng
rầu rĩ ủ rũ, nhưng thà chịu cho người ta cắt lưỡi mình đi còn hơn nói ra sự thật.
-
Nhân tiện, - anh chàng khôn ngoan láu lỉnh
hỏi tiếp – Đây là cái mũi của ông phải không?
Đến đây thì Buratino nổi
khùng :
-
Tất nhiên là của tôi! Và anh đừng hòng
chiếm được nó! Mũi của tôi, kẻ nào đụng đến
nó sẽ khốn khổ với tôi!
-
Đây chính là một sự thật! – Người kia mỉm
cười.
Và ngay giây phút đó, tất
cả sự giàu có của Buratino biến thành mùn cưa, tan ra thành bụi. Một cơn gió mạnh
ào đến làm tiêu tan tất cả, thậm chí cuốn đi cả con người bí ẩn kia. Và
Buratino còn trơ lại một mình với hai bàn tay trắng, đến cả một cái kẹo bạc hà
chống ho cũng không có.
Cách kết thúc mà tác giả
thích
Cách kết thúc đầu tiên
không ra sao cả vì không có lẽ nào một con người như Buratino, sau tất cả những
chuyện lừa dối ấy, không vì lí do gì lại trở thành một người tốt bụng như thế.
Và tôi cũng không biết chọn cách kết thúc nào – cách thứ hai hay cách thứ ba.
Cách thứ hai thú vị hơn, còn cách thứ ba xoàng hơn.
Báo Văn Nghệ, Tết Quý Hợi, 1983
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét