Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2020

Thầy Khổng Tử với trò Tăng Sâm ( Tăng Tử)

Thầy  Khổng Tử với  trò Tăng Sâm ( Tăng Tử)



Nguồn NET : Bùi Văn Mười sưu tầm


Chuyện kể rằng:
Thầy Tăng Sâm bừa cỏ ruộng dưa lỡ tay làm đứt mất ít rễ. Cha là Tăng Tích giận, cầm gậy đánh vào lưng. Tăng Sâm đau quá, ngã gục xuống, điếng đi một lúc mới hồi lại.
Khi về nhà, liền đến thưa với cha rằng:
- Lúc nãy con có tội để đến nỗi cha phải đánh, làm đau tay cha, thực là con lỗi đạo.
Nói xong lùi xuống, vừa gẩy đàn vừa hát, có ý để cha nghe tiếng, biết cho rằng mình không còn đau đớn gì nữa.
Khổng Tử nghe thấy chuyện ấy, bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào.
Tăng Sâm tự nghĩ mình vô tội, mượn bạn lại hỏi vì cớ gì mà ngài giận.
Khổng Tử nói: “Ngày trước ông Thuấn phụng sự cha là Cổ Tẩu, lúc cha sai khiến gì, ở luôn bên cạnh; lúc cha giận dữ muốn giết thì lánh xa; cha đánh bằng roi vọt thì cam chịu; đánh bằng gậy gộc thì chạy trốn. Thế cho nên ông Cổ Tẩu không mang tiếng bất từ. Nay Sâm thờ cha liều mình để chiều cơn giận đến nỗi ngất đi. Giá lỡ cha đánh quá tay mà chết mất thì có phải là làm cho cha mắc tội không? Tội bất hiếu còn gì to hơn nữa!”.
Tăng Sâm nghe lại chuyện, biết là có lỗi đến tạ tội Khổng Tử.
Thuyết Uyển*
Năm sau, Tăng Sâm bừa cỏ ruộng lúa, dù cẩn trong hết mức nhưng cũng làm đứt 1 cái rễ con. Cha là Tăng Tích lại giận, cầm gậy đánh. Tăng Sâm nhớ lời Thầy Khổng dạy, bèn quay lưng bỏ chạy. Cha giận quá, mắng thầm: "Những lần trước nó đứng cho mình khệnh (2) vào lưng, lần này chẳng biết nó nghe lời thằng nào mà lại bỏ chạy, càng giận, rượt theo đánh. Nhưng tuổi già sức yếu nên vấp phải ngạch cửa, ngã té, vập đầu xuống đất, chảy máu trán dầm dề, phải chữa trị cả tháng mới bớt (3).
Khổng Tử nghe chuyện này, lại bảo học trò cấm cửa không cho Tăng Sâm vào học.
Tăng Sâm quì mọp trước cửa, khóc và thưa rằng:
- Năm trước Thầy dạy: khi Cha cầm gậy đánh thì con phải học theo Vua Ngu Thuấn mà bỏ chạy. Nay, Cha lại cầm gậy đánh, con vội bỏ chạy, nào dè (4) Cha rượt theo vấp té chảy máu trán. Đứng lại cho Cha khệnh thì lỡ Cha sẩy tay đánh chết, Cha sẽ mang tiếng bất từ với đời. Còn chạy đi thì Cha vấp té chảy máu trán. Đứng lại cũng bất hiếu mà chạy đi cũng mang tiếng bất hiếu, con biết làm sao!
Thầy Khổng nghe nói, giật mình nhớ lại:
- "Chết cha mình rồi, năm trước mình bảo nó chạy đi thật, lâu quá mình quên mất (5), nào ngờ Tăng Tích còn hung dữ hơn Cổ Tẩu, rượt theo cho đến nỗi vấp té. Biết nói với nó sao đây!". Thầy bí, trán rịn mồ hôi, mặt dần tái xanh tái xám!
Thầy Nhan Hồi (6) là đệ tử giỏi nhất của Khổng Tử đang đứng hầu bên cạnh, biết Thầy mình bí rị nên vội vàng giải nguy, đi nhanh ra cửa, đến gần Tăng Sâm, kề tai nói nhỏ:
- "Thầy mình chưa nói gì là để Tăng đệ tự nghĩ ra rằng (tự thân vận động là chính, không ỷ lại vào Thầy): đệ đứng lại cũng dở mà bỏ chạy cũng dở, vậy đệ phải đi chà lui (7), Cha rượt tới 1 bước thì đệ lui lại 1 bước, luôn giữ khỏang cách vừa tầm, luôn giương mắt lom lom dòm chừng Cha, khi Cha vấp ngạch cửa chúi mũi tới trước, thì kịp thời giơ hai tay đỡ lấy, ôm chặt Cha vào lòng, khóc rống lên rằng: năm trước con vừa đi bừa ruộng dưa về tới đầu hè, Cha nghe con làm đứt ít rễ dưa, Cha từ trong nhà cầm gậy, nhảy qua ngạch cửa hết sức khí thế, phang (8) gậy vào lưng con đau điếng; mà nay Cha không nhảy qua khỏi cái ngạch cửa thấp tè, đến nỗi phải vấp nó súyt té! Con thương Cha nay đã già yếu, đuối sức rất nhiều, thương quá Cha ơi! Và đệ giả bộ (9) khóc rống thêm vài hồi một cách thương cảm. Cha đệ sẽ xúc động, quăng gậy, ôm chặt đệ vào lòng và cùng khóc với đệ".
Khổng Tử thóat bí, mừng quá, nói vọng ra: "Lời của Nhan Hồi rất hợp ý ta", giống như trong truyện Tàu, mỗi lần quan tham mưu tâu với vua (hay thủ trưởng) thì vua thường phán rằng: "Lời nhà ngươi rất hợp ý trẫm" để chứng tỏ mình cũng thông tuệ, mặc dù trong đầu "trẫm" trống rổng, chẳng có một chút trí tuệ nào cả!
Tăng Sâm tỉnh ngộ, vái vọng vào Khổng Tử và la lên: "Đã hiểu rồi, đã hiểu rồi (10). Phải đi chà lui, chà lui, chà lui..."

Từ đó, trong làng của Khổng Tử đang mở trường dạy 72 đệ tử (thất thập nhị hiền), mọi người khi bị cha cầm gậy rượt đánh đều chạy chà lui khắp xóm, trông rất ngộ!
Cái cách "chà lui hiếu kính" này được lan truyền ra khắp thiên hạ, biến dạng thành "chà lui kính bậc trưởng thượng", đến nay đã hơn 2.500 năm mà nhiều nơi vẫn giữ truyền thống này: Thần dân, quan chức, tướng lĩnh khi gặp bậc trưởng thượng, yết kiến nhà vua, tổng thống..., lúc ra về phải đi chà lui ra khỏi cửa hoặc một đọan rất xa, bước né qua một bên rồi mới dám quay lưng lại!
Bùi Văn Mười.

CHÚ THÍCH:

1/Tăng Tử (曾子), tên thật là Tăng Sâm (曾参) (505 TCN - 435 TCN), tự Tử Dư, người Nam Vũ thành, nướcLỗ (nay là huyện Bình Ấp, tỉnh Sơn Đông), là học trò xuất sắc của Khổng Tử; Tăng Sâm nhỏ hơn Khổng Tử 46 tuổi. Ông là một người chí hiếu với cha mẹ, người đời sau liệt ông vào một trong "Nhị thập tứ hiếu" (hai mươi tư tấm gương hiếu thảo) vì truyền thuyết mẹ ông khi cắn ngón tay mà ông động lòng. Tăng Tử kế thừa và phát triển thêm tư tưởng của Khổng Tử, tư tưởng của Tăng Tử đề cao chữ Hiếu, Tín. Ông thường nói: "mỗi ngày ta xét thân ta ba việc: - Nhận làm thay người ta việc gì, ta có thực tâm làm không? - Cùng với bè bạn giao ước điều gì, ta có thất tín không? - Thầy dạy ta những gì, ta có nghiên cứu học tập không?"[1] Ông làm ra sách Đại học gồm 10 thiên và là một trong Tứ thư củaNho gia. Học trò của Tăng Sâm là Khổng Cấp, cùngNhan Hồi, Mạnh Tử và chính ông là Tứ phối của Nho gia, cũng là đại biểu xuất sắc của phái Nho gia. Khổng Cấp (hay Tử Tư) làm ra sách Trung Dung trong Tứ thư (cùng với Luận Ngữ, Đại Học, Mạnh Tử).
Có lần bà mẹ đánh ông, ông khóc nức nở. Ngạc nhiên bà mẹ dừng roi và hỏi: Sao từ trước đến nay ta đánh chẳng bao giờ con khóc mà hôm nay con lại khóc?
Thưa mẹ- mấy lần trước con đau nên biết mẹ còn khỏe nay con không thấy đau nữa nên thương mẹ đã già yếu. Ông thật là người con chí hiếu!
(trích Wikipedia)

2/ Khệnh : đánh mạnh
3/ Bớt : lành bệnh, khỏi bệnh
4/ Nào dè : nào ngờ
5/ Các Thầy hay quên lắm, thuyết giảng nhiều việc mâu thuẫn nhau.
Hồi 30 tuổi nói thế này, 70 tuổi lại nói khác vì sau nhiều năm suy tư sẽ chín chắn hơn, hiểu biết hơn, tất thấy chỗ sai hồi trẻ, nhưng các Thầy quên hoặc giả vờ quên, chưa có Thầy nào từ Đông sang Tây nói rằng: "Hồi trước Thầy nói sai rồi, xin lỗi các trò, nay Thầy nói lại như thế này..."

6/ NHAN HỒI : Tự Tử Uyên, Đệ tử truyện và Gia ngữ đều viết : " Người nước Lỗ, một đai cơm, một bầu nước, nhưng không thay đổi sự vui thích (Thiên Ung dã, sách Luận Ngữ), học một biết mười (thiên Công dã, sách Luận Ngữ), học một biết mười (thiên Công dã Tràng), ham học, không giận dỗi vô lý, không bị lầm lỗi hai lần (thiên Ung dã) cho nên Khổng Tử khen : Ta thấy nó tiến mà không hề thấy nó dừng lại (thiên Tử Hản), các bạn đồng môn nhiều người tôn sùng, như Tử Cống đã nói : " Tứ nầy đâu dám mong như Hồi " (thiên Tiên Tiến), nhưng ông không may chết sớm, cho nên Khổng Tử khóc rất cảm động : " Trời hại ta, trời hại ta ". Tình cảm đau xót tràn ngập ngoài thái độ và ngôn ngữ, vì Nhan Uyên là một đệ tử rất đắc ý của Khổng Tử, cho nên trong thiên Tiên Tiến đã sắp ông là người có nhiều đức hạnh hơn hết.
Về tuổi của Nhan Uyên, trong Đệ tử truyện và Gia ngữ đều viết nhỏ hơn Khổng Tử 30 tuổi.
Đệ tử truyện lại có viết : " Nhan Hồi 29 tuổi, tóc đều bạc, chết sớm ". Gia ngữ cũng viết : " Nhan Tử 29 tuổi mà tóc bạc, mới 32 tuổi mà chết sớm ".
(Trích Wikipedia)

7/ Đi chà lui : đi giật lùi
8/ Phang : dùng vật rắn chắc giơ cao lên rồi lấy sức đập thật mạnh.
9/ Giả bộ : giả vờ
10/ Giống như nhà bác học Archimède đã la lên "Eureka, eureka" (Tìm ra rồi, tìm ra rồi):
Vị vua của xứ Syracuse lệnh làm một chiếc vương miện bằng vàng nguyên chất. Khi vương miện làm xong và đưa đến, vua nghi ngờ rằng có thể pha lẫn bạc, bèn hỏi Acsimet cách nào nhận biết đó có đúng là vàng nguyên chất không ?
Acsimet suy nghĩ rất lâu và chưa tìm đáp án khi ngày trả lời vua đến gần.
Bỗng một hôm, khi đang tắm ở một nhà tắm công cộng, Acsimet bỗng nhận thấy rằng mực nước dâng cao lên khi ông nhảy vào nước. Và bất ngờ ông phát hiện ra một phương pháp giải quyết bài toán về chiếc vương miện. Phương pháp đó chính là nguyên lý về sức đẩy Acsimet mang tên ông, nó có thể sử dụng để xác định trọng lượng các vật thể, từ đó suy ra chất liệu làm nên vật thể đó, như xác định chiếc vương mịên của vua có phải vàng nguyên chất hay không.
Nhưng điều làm cho mọi người cười ra nước mắt là: Acsimet quá phấn khởi, vội vàng nhảy ra khỏi bể tắm và vừa chạy trần truồng như nhộng trước mắt nhiều người, vừa hét tướng lên: "Eureka! Eureka!" ( tức đã tìm ra rồi!)
(Trích Vietnamnt 16-2-2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét