Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2021

Bình bai thơ: “Vòng quay” của Phạm Đình Ân

 


Bình bai thơ: “Vòng quay” của  Phạm Đình Ân

                   VÒNG QUAY

Bước qua nhanh nhanh

chầm chậm bước tới.

Thân thuộc

lạ xa

Sáng sáng hai dòng người ngược chiều đi bộ thể dục

 

sương hồ lãng đãng

hành lý mỗi người một xúc cảm.

 

Lại giáp mặt

chỉ tấc gang

mà hụt tầm không níu kéo được

Nhanh nhanh bước tới

bước qua chầm chậm.

 

Gặp nhau

không gặp

trong vòng quay bất tận quanh hồ.

5-7-2003

(Rút trong tập “Vòng quay” Thơ Phạm Đình Ân-nxb Hội Nhà văn-2013)

 

LỜI BÌNH CỦA THANH ỨNG

               Phạm Đình Ân là nhà thơ có một vị trí rất đáng chú ý trong Văn học Việt Nam hiện đại. Ông có những tập thơ viết cho thiếu nhi được các bạn đọc nhỏ tuổi yêu thích và là tác giả của một số tập sách nghiên cứu phục vụ cho việc dạy và học văn trong nhà trường. Tuy nhiên, người ta vẫn chú ý đến ông ở những tập thơ trữ tình mà ông đã cho ra đời đều đặn từ những năm 2000 cho đến nay. Ấn tượng hơn cả là tập “Vòng quay” vừa xuất bản năm 2013. Tiếp nối tình cảm đậm đà, dung dị  mang nặng chất suy tư  giầu trí tuệ của thơ ông từ trước, “Vòng quay”  là sự chưng cất cô đọng , nâng lên tầm  khái quát mang ý nghĩa triết luận sâu sắc  về  nhân sinh,  về thời cuộc với ngôn ngữ thơ tinh lọc, giầu biểu cảm.

“Vòng quay” là một bài thơ có những phẩm chất  như thế.   Mở đầu bài thơ là những động tác đi bộ: “Bước qua nhanh nhanh / chầm chậm bước tới”. Qua những động tác đó,  ta biết được thực trạng sức khỏe của người đi bộ: người thì “nhanh nhanh”, người  thì “chầm chậm”. Quan hệ của họ cũng thật đa dạng: “Thân thuộc / lạ xa”. Người ta vẫn gặp trong quan hệ thường ngày ở nơi cư trú, hay ở nơi công sở hoặc đi bộ gặp nhau nhiều lần mà thành quen. Có người gặp nhau lần đầu mà đã như người “thân thuộc”, lại có người gặp nhau nhiều đấy mà vẫn cảm thấy “lạ xa”. Có gì cách bức hiện trên khuôn mặt, ánh mắt hoặc cái nhìn khoảng cách. Tất cả như “sương hồ lãng đãng”, trừu tượng và mơ hồ, ngỡ là đối lập nhưng lại có chung một sự đồng nhất. Bằng cảm quan nhậy bén, nhà thơ đã nắm bắt dược cái hồn của cuộc đi bộ: Đi đấy nhưng không nghĩ đến chuyện đi mà là những chuyện khác của mình. Cùng những bước tưởng là giống nhau nhưng lại có muôn điều riêng khác. Cuộc đi này tưởng là không có hành lý mang theo nhưng “Hành lý mang theo mỗi người một xúc cảm”. Tính cá biệt của con người trong cuộc đi chung đó càng rõ. Nó thể hiện  ở trên gương mặt, trong dáng người và cả bước đi với những cảm xúc riêng của từng người. Có người thảnh thơi hoàn toàn tập trung vào tập luyện, có người vừa đi vừa nghĩ bao điều lo toan của gia đình, công việc…Sự khác nhau khiến dòng người đi gần nhau, giáp mặt nhau “mà hụt tầm không kéo níu được”. Hai chữ  “hụt tầm” rất hay: vừa nói được khoảng cách, vừa diễn tả được tâm trạng người trong cuộc. Họ muốn gặp nhau, chia sẻ, bộc bạch nhưng do yêu cầu của cuộc sống, do những “ xúc cảm” riêng của từng người mà không có được sự trao đổi tâm tình. Tiếng gọi của nghĩa vụ, của chức trách và cả cuả những mưu cầu sinh kế đã không cho họ có điều kiện dừng lại, gặp gỡ, hỏi chuyện…Hai dòng thơ,  từ ngữ có thay đổi  tí chút song ý thơ đã đổi khác: Hai dòng trên “Bước qua nhanh nhanh / chầm chậm bước tới”; hai dòng dưới “Nhanh nhanh bước tới / bước qua chầm chậm”, hai từ láy “nhanh nhanh”, “chầm chậm” đổi chỗ làm cho nhịp đi thêm  gấp gáp như có gì thôi thúc phia sau, đón gọi ở phía trước. Bài thơ như một cuốn phim mà nhân vật là số đông người sáng sáng đi bộ thể dục quanh hồ, có cận cảnh, có nhịp quay chậm, có đoạn lướt qua, không miêu tả kỹ nhân vật nào song người đọc vẫn nhận diện được những gương mặt, dáng đi và cả nội tâm con người trong từng bước đi của họ. Đó là cuộc vận động không ngừng nghỉ của những số phận người trong cuộc đời này.

             Cuối bài thơ thơ là đoạn toàn cảnh: “Gặp nhau / không gặp / trong vòng quay bất tận quanh hồ”. Chỉ giản đơn thế thôi mà nhà thơ Phạm Đình Ân  đã đem đến cho người đọc một bài thơ thú vị không ngờ: Đây là “vòng quay” của con người và đời sống, không chỉ là ngược hay xuôi chiều kim đồng hồ, không chỉ mỏng manh, trói hẹp như đèn cù mà nó thật đa dạng và nhiều cung bậc. Tuy nhiên, dẫu nhanh, dẫu chậm, dẫu thân thuộc, dẫu lạ xa dù “vòng quay” có “bất tận” , dù “sương hồ lãng đãng” thì bước chân của con người vẫn ở quanh mặt hồ. Đó như một quy luật không thể gì khác được. Thơ Phạm Đình Ân nói về những điều bình thường nhưng lại chứa đựng nhiều ý tứ sâu xa, nhiều ý bài nâng lên thành triết luận.  Chắc chắn bài thơ này còn có những lan tỏa và “xúc cảm” riêng ở trong mỗi người đọc.

                                                                        

                                                                               Thanh Ứng

 

Địa chỉ: Nhà số 8, ngõ 10 khu Hà Trì 5

Phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội

7583.jpg_wh860

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét