Thứ Tư, 23 tháng 6, 2021

MỘT TRÁI TIM NẶNG NGHĨA TÌNH NGƯỜI

 


Một trái tim nặng nghĩa tình người

                 TS. BÙI NHƯ HẢI

Hoàng Tấn Trung là một người tài năng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, ở lĩnh vực nào cũng gặt hái được những thành công nhất định, được đông đảo công chúng trong và ngoài nước biết đến, quan tâm và yêu mến. Hoàng Tấn Trung không chỉ là một nhà ngoại giao tài giỏi của tỉnh Quảng Trị, mà còn là một nhà thơ và nhà thư pháp có tên tuổi. Đúng như lời Tự bạch: “Tôi không bao giờ đánh bóng mình. Thơ và thư pháp đối với tôi cốt để luyện tâm và tải đạo”. Thật đúng như thế, Hoàng Tấn Trung đến với thơ và thư pháp không phải nhằm mục đích tự đánh bóng chính mình, thích khoe khoang, nổi tiếng, mà đó chính là sự đam mê, có sẵn trong máu thịt và tâm hồn, vì thế sáng tác thơ và viết thư pháp cốt để chỉ luyện tâm và tải đạo.

Về thư pháp, Hoàng Tấn Trung bén duyên cũng không sớm mà cũng không muộn, trong vòng hơn hai mươi năm trở lại đây, tuy sở thích này có từ khi đang còn là học sinh. Nhân dịp Xuân Quý Tỵ năm 2012, đài truyền hình Quảng Trị có làm một chương trình với chủ đề Thư pháp Hoàng Tấn Trung. Trong cuộc phỏng vấn, phóng viên có đặt ra câu hỏi về Quá trình đến với thư pháp? Nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung đã kể về quá trình đến với thư pháp như sau: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã thích những nét chữ đẹp, tôi đã từng mượn vở của những người bạn cùng lớp để mang về nhà bắt chước viết theo. Vì vậy, chữ của tôi ngày một đẹp hơn, được thầy cô khen ngợi. Nhờ chữ đẹp cộng với chút năng khiếu văn chương, nên những bài văn của tôi thường được điểm cao. Sau này lớn lên, mỗi khi gặp trên sách báo hoặc thấy người lớn viết kiểu chữ fantizi (fantaisie) là tôi rất thích, vì cảm thấy trong nét chữ ấy có sự phóng khoáng, bay bỗng, có hồn và hấp dẫn hơn. Tôi lại người rất thích yêu thơ, thích những câu danh ngôn, những lời hay ý đẹp của các bậc thánh hiền và tôi thường học thuộc lòng. Đầu năm 2000, lần đầu tiên tôi sang học ở Sesoul, Hàn Quốc tôi đã đi xem ở Cung Văn hóa truyền thống của Hàn Quốc. Tôi rất say mê ngắm nhìn những bức thư pháp chữ Triều Tiên và cả chữ Hán. Mặc dù không hiểu nội dung nhưng tôi vẫn cảm thấy có cái gì đó nó phiêu bạt, phóng đãng, hấp dẫn và tôi đã lấy làm thích thú. Rồi mùa hè năm 2000, lần đầu tiên festival Huế tổ chức, tôi đến với không gian thư pháp Huế và say mê với những bức thư pháp của Nguyệt Đình, Minh Đức Triều Tâm Ảnh, Phước Thành,... và đứng chờ đến lượt có được một bức thư pháp về nhà treo, nhưng chờ mãi đến xế chiều vẫn không thể nào có được vì người xin chữ quá đông. Đường về Quảng Trị rất xa, ngồi trên xe tôi vừa nghĩ hay là mình cứ tự “mày mò” tập viết, tự tìm cách khai phá con đường để đi! Rồi tự nhủ: “Thư pháp có gì ghê gớm đâu? Chỉ vài cây bút lông, vài tờ giấy với lọ mực xạ là viết được. Một yếu tố làm cho tôi tin tưởng và mạnh dạn hơn đó là, chữ viết thường ngày của tôi xem ra cũng khá đẹp”.  Thế là, ngày hôm sau tôi ra hiệu sách mua hai bút lông, một lọ mực xạ đem về mày mò tập viết. Mỗi buổi tối tôi chong đèn luyện bút. Những bức thư pháp đầu tiên tuy nét bút còn vụng về nhưng tôi vẫn cảm thấy chúng đẹp và “rất có hồn”, sau đó tôi mạnh dạn đem tặng những người bạn thân. Trong số họ, có người khen, có người chê, có người động viên, thế là tôi vững tin vào khả năng của mình và quyết tâm hơn. Cứ ngày ngày, đêm đêm đọc sách, tìm hiểu các bậc đàn anh đi trước và rèn luyện từng con chữ. Cho đến ngày hôm nay tôi vẫn còn rèn luyện: luyện cả bút và luyện cả tâm nữa”. Qua lời kể về quá trình đến với thư pháp, bạn đọc càng nể phục hơn về sự kiên trì, sức bề bỉ của Hoàng Tấn Trung trong việc rèn chữ, luyện tâm như thế nào. Để có được sự thành công về lĩnh vực thư pháp, trở thành một nhà thư pháp đúng nghĩa, đích thực, Hoàng Tấn Trung đã tập luyện nét chữ và luyện tâm đầy khổ ải, rất kiên trì và bền bỉ suốt gần hai mươi năm ròng rã. Tính đến thời điểm này, ngoài tham gia các lễ hội truyền thống lớn trong và ngoài tỉnh, Hoàng Tấn Trung có hàng chục cuộc triển lãm thư pháp riêng, có hàng trăm bức thư pháp đến tay người yêu thích, đam mê. Đặc biệt, Hoàng Tấn Trung đã tạo dựng được một không gian thư pháp riêng tại tư gia của mình khá đồ sộ. Hằng ngày có rất nhiều bạn bè thân hữu, văn nghệ sĩ và cả những người yêu mến thư pháp khắp mọi nơi đều tìm về không gian thư pháp tại tư gia của nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung để chiêm ngưỡng, để xin chữ về treo trong nhà hoặc để tặng. Những bức thư pháp của Hoàng Tấn Trung đều viết từ những lời hay, ý đẹp của những bậc thánh hiền, những nhà tư tưởng lớn và những câu thơ của các nhà thơ từ cổ chí kim mang ý nghĩa tích cực, tác động biện chứng đến nhân sinh quan và thế giới quan của con người. Vì không thuộc phạm vi của bài viết nên tôi sơ lược để bạn đọc biết thêm vài nét về nghệ thuật thư pháp Hoàng Tấn Trung, vì thế nội dung thư pháp tôi sẽ bàn đến vào dịp khác trong một bài viết về nghệ thuật thư pháp của Hoàng Tấn Trung sâu và rộng hơn.

Trở lại địa hạt thi ca, Hoàng Tấn Trung được rất nhiều bạn đọc biết đến, yêu mến qua một số bài thơ in rải rác trên các tạp chí Trung ương và địa phương. Tôi rất yêu quý, cảm phục Hoàng Tấn Trung về tính cách và phong thái của một con người trung nghĩa, đôn hậu, ân cần và nhiệt tình, sôi nổi. Vận vào câu thơ “Người thơ phong vận như thơ ấy” trong bài thơ Xuân đầu tiên của Hàn Mặc Tử, tôi nhận thấy rất đúng với trường hợp của Hoàng Tấn Trung. Người thơ - chính là tác giả. Mỗi tác giả có cuộc đời riêng, có quan niệm về cuộc đời và nghệ thuật riêng. Khi sáng tác thơ, người thơ - đi vào thơ sẽ trở thành chủ thể của nhân vật trữ tình, và lúc này, thơ trở thành phương tiện để người thơ bộc bạch tâm sự nỗi niềm, tình cảm sâu kín nhất của mình. Hay nói một cách nôm na, con người nhà thơ như thế nào thì thơ của họ như thế ấy. Đọc Thơ Hoàng Tấn Trung, bạn đọc sẽ thấy một giọng thơ khảng khái, hào sảng, nhưng cũng rất chân thành, nồng nhiệt, đắm đuối. Hoàng Tấn Trung là một người chân chất, chân thành, vì thế không bao giờ dấu được mình trong từng con chữ viết ra từ những vần thơ đằm thắm, thao thiết:

Thơ ta mắc nợ mắt huyền

Theo em đi khắp bao miền cỏ hoa

Thơ ta lãng đãng la đà

Để em làm dáng kiêu sa giữa đời,

 

Thơ ta líu giọng ngọng lời

Để em mắc nợ một trời yêu thương

Thơ ta làm kẻ ăn mày

Hành khất trên sóng mắt đầy liêu trai.

(Mắc nợ)

Tính cách ấy, con người ấy cũng đã được nhà thơ Hoàng Tấn Trung thể hiện, tỏ bày trong bài thơ Những tập thơ bạn bè gửi tặng qua hai câu thơ:

Thơ là tấm lòng, niềm thương, nỗi nhớ

Là nỗi buồn sâu kín tâm tư

Hai bài thơ Những tập thơ bạn bè gửi tặng Mắc nợ chính là những lời tâm sự, tỏ bầy rất chân thành, từ tận tâm can của Hoàng Tấn Trung đối với thơ ca, cuộc sống và cuộc đời. Hoàng Tấn Trung là một người rất dễ gần gũi, luôn tôn trọng và yêu mến bạn bè, đồng văn. Là một cán bộ công vụ hành chính, làm Trưởng phòng Kinh tế Đối ngoại, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị, phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh Quảng Trị, nhưng vẫn luôn chan hòa, không bon chen, không tranh giành và không quảng bá ầm ĩ,... Mọi thứ đều coi như bình thường, của công việc thường ngày, nên Hoàng Tấn Trung đã làm chủ được chính mình trong cuộc sống và luôn thảnh thơi, an nhiên trong đời sống thường ngày:

Vừa đủ Hạnh Phúc mà thôi

Để cho lòng bạn thảnh thơi ngọt ngào

Vừa đủ Vật Chất tinh thần

Để cho cuộc sống thêm phần an vui

(Vừa đủ)

Hoàng Tấn Trung cũng là một người giàu nghĩa tình, đôn hậu, nên tâm hồn rất dễ rung động, non tơ, vì thế bất kỳ việc gì, cảnh nào cũng gợi lên một niềm cảm xúc đong đầy yêu thương và sâu lắng. Sự đong đầy yêu thương, trước hết được thể hiện qua những vần thơ viết về mảnh đất làng quê - nơi ký thác và lưu giữ vững bền nhất những ký ức của tuổi thơ và là nơi Hoàng Tấn Trung trưởng thành, rồi ra đi mang một khát vọng hăm hở của một đấng nam nhi và cuối cùng lại quay về trong nỗi niềm đồng vọng luyến thương. Hoàng Tấn Trung có những bài thơ khá hay về làng quê Câu Nhi thuộc xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị - nơi nhà thơ một thời in dấu tuổi thơ của mình. Sự tinh tường của Hoàng Tấn Trung khi viết về quê hương được thể hiện trong việc dựng cảnh và dựng người, tạo nên sự gợi cảm, mang được hồn vía, cốt cách của một làng quê vốn rất giàu truyền thống văn hóa:

Làng trong tôi là con chuồn chồn ớt

Đậu rào tre chỏng đít lên trời

Con dế mèn nỉ non vệ cỏ

Lũ trẻ làng rình bắt về chơi

                                         (Làng trong tôi)

Làng quê ấy, quanh năm gió cát khô khốc, rát bỏng, với những cơn mưa dầm dề, lũ lụt kinh hoàng và con người nơi đây cũng thật là khổ ải, cơ cực:

Cơn ác mộng tràn về sau mấy ngày mưa tần tả

Làng xóm ngập chìm trong biển nước mênh mông

Ôi cơn lũ kinh hoàng - trận hồng thuỷ miền Trung

Những trận hồng thủy đã cuốn trôi theo “bao cơm áo, mồ hôi, nước mắt”, để lại bao cảnh đau thương, tang tóc cho người dân quê của người thơ. Cơn đại hồng thủy đã trở thành bi khúc của lòng người luôn xoáy, trở khiến người đọc càng thêm vô cùng xốn xang, quặn thắt:

Có những bà mẹ già nước mắt lưng tròng

Môi bầm tím, đôi tay run cầm cập

Có những em thơ mất cha mất mẹ

Đầu trần chân đất áo mong manh

Có người thiếu phụ bị mất con

Khóc mãi, hình như lệ chẳng còn

Có những em thơ trở về nhà cũ

Tìm chi trên đống gạch vụn bên thềm?

(Cơn lũ quê tôi)

Sinh ra và lớn lên ở một mảnh đất thuần nông, bốn mùa nắng gió, nên Hoàng Tấn Trung rất thấu hiểu và thấm thía được đời sống khổ cực, nhọc nhằn, vất vả của người nông dân. Hình ảnh người dân quê một nắng hai sương đã đi vào kí ức của Hoàng Tấn Trung, vì thế mỗi khi nhắc đến họ là trái tim lại thổn thức, rung động và cảm kính, quý thương. Những bài thơ viết về đời sống của người nông dân nơi chốn quê, là những vần thơ rất chân thực, sâu lắng, khiến bạn đọc luôn ngợi nghĩ, cảm kích và khơi gợi nơi thế giới nội tâm về lẽ đời, tình người, nhân thế:

Làng trong tôi là ngày công hợp tác

Mấy lạng lúa de không đủ ấm long

Con trâu gầy run run trong gió

Thương dân mình áo rách long đong

(Làng trong tôi)

Những câu chuyện, những sự vật, sự việc trong đời sống hằng ngày của người dân quê nơi đây tưởng chừng như đơn sơ, vụn vặt, chẳng đáng gì nhưng khi đi vào thơ Hoàng Tấn Trung lại có một sức hút đến lạ thường, khiến những ai vì miếng cơm manh áo, mà phải rời xa chốn quê của mình, thì vẫn luôn nhớ, luôn khát khao cháy bỏng, muốn trở về quê hương bản quán của mình. Cái hay không chỉ ở vẻ đẹp, mà còn ở cái cốt lõi tâm trạng bên trong của con chữ nữa. Bức tranh làng quê trong thơ Nguyễn Khuyến được miêu tả một cách cụ thể, chi tiết. Trong thơ Đoàn Văn Cừ bức tranh làng quê lại không có sự miêu tả tỉ mỉ những cảnh, những người. Còn bức tranh làng quê trong thơ Hoàng Tấn Trung tuy chỉ là những nét chấm phá về con người và cảnh vật đơn sơ, mộc mạc nhưng vẫn gợi lên được một bức tranh toàn cảnh về một làng quê thanh bình, yên ả và nên thơ.

Một kỷ niệm đẹp, mãi không bao giờ quên, luôn đi vào ký ức của Hoàng Tấn Trung, đó là những năm tháng rời xa quê, để đi vào công tác ở tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Những năm tháng sống nơi đây, Hoàng Tấn Trung không bao giờ nguôi nhớ về quê hương, luôn thầm mơ một ngày sẽ trở lại chốn quê, để cùng sinh sống với người thân, với xóm làng và cống hiến trí tuệ, sức lực của mình cho quê hương của mình. Nỗi nhớ quê vì thế luôn đau đáu, thường trực trong trái tim của người thơ:

Làng trong tôi là tháng năm xa cách

Về thăm quê tay bắt mặt mừng

Hạnh phúc reo trong từng ánh mắt

Cội nguồn ơi lòng cứ rưng rưng

(Làng trong tôi)

Hoàng Tấn Trung còn nhớ đến quay quắt những cái tết ở quê, mỗi khi cùng mẹ gói bánh chưng, bánh tày và nấu bánh bên bếp lửa củi đỏ rực dưới mái nhà lều tranh. Người thơ nhớ đến cảnh tiết trời mồng một Tết, mưa bay bay nhẹ nhẹ, gió đưa lay phất phơ đã cùng mẹ dắt tay về quê ngoại thăm tết:

Thuở nào tóc mẹ còn xanh

Chiều ba mươi tết bánh chưng, bánh tày

Sáng mồng một mẹ dắt tay

Đường về quê ngoại bay bay mưa hồng

(Con về quê ngoại)

Làng Ưu Điềm, Phong Điền, Thừa Thiên Huế - làng quê thứ hai của Hoàng Tấn Trung. Đó là làng quê của mẹ, của ngoại một thời thơ ấu đã từng gắn bó, từng sống. Những hình ảnh bờ tre, giếng nước, sân đình, con đường cỏ mọc bời bời, cánh cò trắng, mưa hồng bay bay, con cá lẹp,… đã đi vào ký ức của người thơ và đã trở thành một trong những hình ảnh đẹp, có ý nghĩa trong thơ Hoàng Tấn Trung:

Đường đi cỏ mọc bời bời

Cánh cò trắng muốt chân trời tuổi thơ

Bông mưng rụng đỏ mặt hồ

Nhớ con cá lẹp ngày xưa mẹ dành

(Con về quê ngoại)

Hoàng Tấn Trung là người có trái tim nồng cháy với quê hương và có một tâm hồn đa cảm, nhạy cảm, tinh tế, thì mới vẽ nên một bức tranh làng quê về cảnh sắc bốn mùa, về cuộc sống của người dân rất chân thực, đầy dặn và dung dị. Đó là một làng quê của tình người, tình thủy chung son sắt, nồng đượm. Làng quê - nơi chôn nhau cắt rốn mãi là nơi nương náu, là chốn tìm về, là sự đùm bọc và tái tạo nên một sức sống cho mỗi con người những khi đi - về hai nẻo yêu thương.

Hình ảnh người thân được Hoàng Tấn Trung chưng cất để thành thơ rất đậm tình, giản dị và đáng yêu, khiến độc giả cũng mặn xót trong lòng khi đọc những bài thơ về đề tài này. Đất nước yêu thương, Ơn,… là những bài thơ được Hoàng Tấn Trung sáng tác dành dâng tặng đấng sinh thành của mình. Người ta thường ví rằng: Cha là trời, còn Mẹ là đất. Quả đúng như vậy, mẹ sinh ra, nuôi nấng và yêu thương, còn cha là người bảo ban, dạy giỗ, chỉ đường, dẫn lối cho con nên người. Cha mẹ dầm sương dãi nắng, ướt đẫm mồ hôi để hầu mong cho con được thành tài, yên phần sung sướng, nên chúng ta phải biết ơn, biết kính trọng và hiếu thảo với cha mẹ:

Thương mẹ nghèo thân cò lặn lội

Thương cha gầy đốn củi đầu truông

(Đất nước yêu thương)

Lời thơ rất đỗi chân thực, giàu tình nặng nghĩa, nhưng đằng sau của con chữ là cả một vóc dáng, hình hài của cha mẹ trong nỗi vất vả, gian nan. Đây chính là sự thương cảm của một người con hiếu thảo - nhà thơ Hoàng Tấn Trung đang kể về cha mẹ, luôn ghi tạc “Ơn cha, ơn mẹ sinh thành”. Bà ngoại chính là dáng vóc của quê xưa. Ngoại không chỉ là hiện thân của những nhọc nhằn, vất vả, mà còn ở sự gần gũi và thương yêu nữa. Viết về bà ngoại mình, Hoàng Tấn Trung đã dành vẹn nguyên tình cảm kính yêu, với những ngôn từ đầy trân trọng, đầy xúc động về một thời thơ ấu ở bên ngoại:

Con về quê ngoại mẹ ơi!

Thăm ông bà ngoại tận nơi ngoại nằm

Thấu hiểu những lo toan đã khắc sâu thời gian trên khuôn mặt của ngoại, Hoàng Tấn Trung đã bày tỏ lòng biết ơn vô cùng:

 

     Ngoại ôm con cháu vào lòng

     Ngoại rằng, gắng học ngoan, chăm ngoại mừng

     Con nghe lời ngoại rưng rưng

     Từ trong hương khói mông lung hiện về

(Con về quê ngoại)

Tình yêu quê hương, đất nước và tình yêu ông bà, mẹ cha, người thân,… chính là hai thứ tình cảm thiêng liêng nhất, ngọt ngào nhất, làm nảy sinh mọi tình cảm ở đời. Vì thế, nếu chúng ta thiếu vắng hai thứ tình cảm này, thì đồng nghĩa với sự thiếu vắng mọi thứ tình cảm ở trên cõi đời này. Cùng với tình cảm gia đình, tình bạn là một thứ tình cảm gần gũi, thân thương nhất cũng được Hoàng Tấn Trung ưu ái viết nên những bài thơ nồng ấm, nghĩa tình. Gã làm thơ ấy bạn tôi, Học trò cụ Tú Xương,... là những bài thơ Hoàng Tấn Trung viết dành tặng những người bạn cùng chất sống như mình:  

Gã làm thơ ấy bạn tôi

Còn in sương khói một thời lang thang

(Gã làm thơ ấy bạn tôi)

Những người bạn đồng nghiệp, đồng văn,… là những người bạn tri âm, đồng điệu với nhà thơ, vì thế người thơ sống rất chân thành, quý mến. Khi nói về người bạn chí cốt của mình, Hoàng Tấn Trung cũng trào phúng như ai:

 

Có thằng bạn làm nghề gõ đầu trẻ

Đa đoan cuộc đời, nặng nợ văn chương

Cả gan đòi bắt tay cụ Tú Xương

Ăn nói bông đùa như chàng Tú Mỡ

(Học trò cụ Tú Xương)

Thơ Hoàng Tấn Trung không những đậm chất trữ tình, sâu lắng, mà còn có tính thời sự - một khía cạnh nổi cộm, gây xôn xao dự luận trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay. Những vấn đề ấy được Hoàng Tấn Trung chưng cất, chuyển tải những trăn trở, suy nghĩ với nghĩa đầy đủ và biện chứng của nó qua hình thức biểu đạt bằng thơ. Những bài thơ sáng tác về đề tài này, chính là tiếng nói đầy trách nhiệm, đầy trăn trở và thao thức về nhân tình thế thái, về phận người, phận đời của nhà thơ. Bài thơ Vịnh tiến sĩ giấy thời nay thực sự đã đánh thức độc giả trước một hiện thực của xã hội Việt Nam hiện nay:

Tiến sĩ như ông ớn lắm rồi

Mảnh bằng thì thật học thì chơi

Cô hàng chuyên bán luận văn rởm

Thầy tiến phải mua kiến thức tồi

Sĩ khí chẳng cần, cần danh hảo

Bạc vàng quyết đấm, đấm ăn xôi

Những nghịch cảnh của nhà thơ, của người tài cũng được Hoàng Tấn Trung đề cập đến trong thơ của mình. Với các nhà thơ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ,… độc giả công nhận đó là những tài năng lớn, những nhân cách lớn, những đại thi hào của dân tộc. Ở các nhà thơ này đều có một điểm chung, đó là nghệ sĩ. Nhưng Hoàng Tấn Trung, còn nhìn thấy ở các nhà thơ này có cả những nghịch cảnh của số phận đầy bi kịch nữa. Một Nguyễn Du rơi vào đau khổ, bi kịch do hoàn cảnh mang lại:

Trải bao gió bụi mịt mù

Thân Kiều lệ chảy, Tố Như xé lòng

Đời còn vương nợ trần gian

Thì còn đau đáu nỗi oan cuộc đời

(Viếng mộ cụ Nguyễn Du)

Một Nguyễn Công Trứ trên bước đường sự nghiệp đầy thăng trầm, long đong, lận đận:

Ái quốc trung quân một lòng một dạ

Khi làm lính thú, khi làm tướng công

Khi thất sủng trở về làm một thứ dân

Dẫu rơi vào nghịch cảnh éo le, bi kịch nhưng họ vẫn giữ được tinh thần lạc quan, “hào hoa phong nhã”, “thơ một túi, rượu một bầu” và quyết giữ “tấm lòng son muôn đời” (Đọc chí nam nhi giữa làng Uy Viễn). Hoàng Tấn Trung sáng tác thơ không phải chỉ để ngâm ngợi cho khỏa khuây, mà còn để giải bày bao nỗi niềm chất chứa trắc ẩn, bao ưu tư trĩu nặng về nhân thế, về cuộc đời và về chính mình.

Thơ Hoàng Tấn Trung có khả năng đặt ra những vấn đề lớn, có tính thời sự, có sức lay động trong lòng bạn đọc, như bài thơ Những lá thư trong lòng Thành Cổ là một minh chứng điển hình. Không một ai trong chúng ta, khi nhắc đến Thành Cổ Quảng Trị lại không khỏi tự hào, xúc động. Bởi nơi đây, có hàng chục nghìn người lính đã nằm xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Những người lính ra đi, đã để lại những bức thư, những dòng nhật ký đầy xúc động, chân thật về một thế hệ đã sống cho lý tưởng cách mạng, đã cống hiến tuổi xuân của mình để đất nước, nhân dân được hòa bình, ấm no, hạnh phúc:

Những lá thư mang tình thương vời vợi

Hẹn ngày về tan khói lửa chiến chinh

Niềm hạnh phúc cầm tay nhau ngày cưới

Những lá thư của người lính từ chiến trường gửi về hậu phương cho người yêu, người vợ trẻ mang nặng lời thề sắt son, thủy chung. Nhưng như một lời tiên tri dự cảm, những người lính vì độc lập, tự do đã mãi mãi không trở về với người yêu, với vợ, với con và quê hương bản quán của mình:

Có lá thư như lời tiên tri dự cảm

Cháy bỏng yêu thương của người lính không về

Vì độc lập - tự do son sắt lời thề

Họ nằm xuống trên chiến trường Thành Cổ

Đúng như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: “Những người chết đi không hề mong được phong anh hùng và được thấy hoa tươi dâng trước mộ. Không, không, không! Họ chết cho một lẽ duy nhất là khát vọng sống. Là đằng sau họ, cuộc sống sẽ được thiết kế trở lại trên ấm no, công bằng mà thôi”.

Một điều hiển nhiên, Hoàng Tấn Trung không phải là một “nhà thơ tình”, nhưng trong sự nghiệp sáng tác cũng đã viết khá nhiều thơ về tình yêu. Trong số đó, có một số bài thơ hay từ hình ảnh, cấu tứ, lấy chất liệu từ hiện thực của người thơ và cũng có lúc từ hư cấu, nhưng lại mang tính nhân loại phổ quát và không hề cũ, vì nó gắn liền với những chi tiết rất chân thật, giàu cảm xúc và tràn ngập hương vị tình yêu như Có em sống giữa cuộc đời, Tình yêu gửi cuộc đời cát bụi, Người dâng, Tên em vầng trăng khuyết, Tình yêu không có tuổi, Tình lỡ,... Thơ tình Hoàng Tấn Trung, được khơi dậy từ những tháng năm của một thời hoa mộng, rồi kéo dài ra trên mọi nẻo đường tình yêu, và cho đến khi “mùa xuân chín” vẫn chưa chịu lùi bước:

Bởi đam mê nên quá nửa đời người

Vẫn thấy mình hồn nhiên như con trẻ

Em biết đấy, tình yêu không có tuổi

Nên tôi làm ngọn gió... lang thang

Chúng ta hãy thử đối chiếu với phạm trù thời gian, thì nó không hề đối lập một chút nào, nhưng ngược lại nó luôn rọi soi để làm giàu thêm vị mặn ngọt của tình yêu, và càng vun đắp thêm cho người thơ vì dám thổ lộ sự bồng bột, khờ dại tình yêu của mình đối với người mình yêu:

Tôi vụng về đi gõ cửa trái tim

Bỗng vụng dại như ngày xưa vụng dại

Hai nửa vầng trăng để lòng thêm tê tái

Biết nói sao hoa nguyệt quý nở rồi

                             (Tình yêu không có tuổi)

Chính sự khờ dại, bồng bột đó, nên có lúc Hoàng Tấn Trung đã để “một đời bụi bặm gió mưa”, để trái tim của mình “lạc lối” trước một ánh mắt, nụ cười của một cô gái kiều diễm, thướt tha:

Một đời bụi bặm gió mưa

Trái tim lạc lối lạ chưa giữa đường

Em nhìn chi để tơ vương

Cây si thả sợi rễ buồn xuống ao!

                                         (Trái tim lạc lối)

Nhưng cuối cùng, người thơ cũng đã nhận ra “Em đã đi quá nửa cuộc tình duyên”. Dẫu là thế, nhưng dù ở “cõi xa xăm” ấy, thì “trái tim lạc lối” của người thơ vẫn khấn nguyện trời cao để hầu mong tình xưa được nối lại, được hạnh phúc đong đầy:

Tôi chắp tay khấn trời cao vời vợi

Xin đốt lò nhen lại mối tình xưa

                                         (Yêu người yêu cũ)

Tình yêu trong thơ Hoàng Tấn Trung mang âm điệu buồn, nhiều uẩn khúc, lắm đa đoan, đa sự. Nhưng đó không phải là một điệu buồn bi thảm, yếm thế và bế tắc, mà đó là một nỗi buồn đẹp, một nỗi buồn mang cả khát khao cháy bỏng và đầy thao thức của một tình yêu có chân thật.

Ngôn ngữ, giọng điệu trong thơ Hoàng Tấn Trung rất mộc mạc, như cá tính bền chắc của nhà thơ. Cái hay của thơ Hoàng Tấn Trung ở những hình ảnh, sự sống mang ý nghĩa nhân bản, sâu sắc, nên khiến thơ có một sức nặng, lay động:

Những lá thư trong lòng Thành Cổ

Dòng chữ rưng rưng mang nặng lời thề

Sau cuộc chiến tranh người lính không về

Trang giấy mỏng làm chứng nhân lịch sử

(Những lá thư trong lòng Thành Cổ)

Những vấn đề của đời sống xã hội và con người cũng được anh đặt ra có sức khái quát rất lớn:

Mỗi khi ê a bài học vỡ lòng

Thấy thương hơn đất nước mình mênh mông

Bao thế hệ, biết bao người nằm xuống

Cho hôm nay toàn vẹn núi sông

(Đất nước yêu thương)

Và đằng sau những vần thơ ấy, lại luôn chứa đựng những tư tưởng lớn, mang tính tích cực, thấp thoáng một nụ cười hiền triết:

Viết thư pháp là để luyện tâm

Luyện thêm ý chí - đức chuyên cần

Ung dung tự tại - rèn phong thái

Phượng múa rồng bay - chữ có thần

(Tự bạch về thư pháp)

Ngôn ngữ, giọng điệu trong thơ Hoàng Tấn Trung không mới, không hiện đại nhưng lại giàu hình ảnh, vì thế bạn đọc muốn nắm bắt được giá trị của những tín hiệu thẩm mỹ ấy trong thơ, thì phải là một chủ thể đồng sáng tạo mới thấu hiểu được ẩn ý của nhà thơ trong bài thơ. Nếu chỉ ra một nét mới mang tính tiêu biểu trong thơ Hoàng Tấn Trung, tôi thiết cũng hơi khó, vì thơ anh vốn dĩ thuần túy, truyền thống. Nhưng thời gian gần đây, anh đã cố gắng thể hiện tâm trạng của mình qua một loại thơ, mỗi bài ba câu (tạm gọi là thơ Haiku). Vết thương lòng, Chim lạc và mặt trống đồng, Non Mai sông Hãn, Vườn xanh,... là những bài thơ khá hay, chuyển tải được những cảm xúc nhẹ nhàng nhưng lại tinh tế và sâu sắc, nên đã khơi gợi được trong lòng bạn đọc những suy ngẫm, triết lý về cuộc đời, con người và chính mình. Dẫu rằng, chưa gặt hái được nhiều thành công ở thể thơ này, nhưng bạn đọc cũng đã ghi nhận được ở sự chịu khó, cố gắng tìm tòi, thử nghiệm của anh.

Thơ Hoàng Tấn Trung được viết ra từ một trái tim giàu yêu thương của một con người sống rất chân tình, mộc mạc và giản dị. Chính điều đó, thơ Hoàng Tấn Trung đã đánh thức và nâng dậy biết bao tâm hồn cao đẹp, hướng về suối nguồn của tình thương và lẽ phải. Tôi mạn phép nhà thơ Hoàng Tấn Trung, vì đã ví thơ của anh như một bông hoa cúc chi. Một loại hoa tuy nhỏ bé, không thơm ngát hương, nhưng nó lại có một sắc màu riêng, một hương vị riêng và một đời sống riêng biệt, không lẫn với các loại hoa khác trong một vườn hoa đầy lung linh, đa sắc màu.

Tính đến thời điểm này, Hoàng Tấn Trung đã có hàng trăm bài thơ đăng báo, tạp chí, nhưng vẫn tiếp tục lặng lẽ gặt hái trên cánh đồng ruộng chữ, và những con chữ trong thơ vẫn lặng lẽ khiêm nhường như chính con người của anh vậy. Chỉ trong vài trang giấy, thì khó có thể nắm bắt và nói hết những cái hay, cái đẹp trong thơ của Hoàng Tấn Trung. Vì vậy, tôi viết đôi điều cảm nhận này chỉ hầu mong góp một phần giới thiệu những ai chưa biết đến nhà thơ và thơ của Hoàng Tấn Trung, thì hãy tìm đọc để khám khá thơ theo cách nghĩ, cách cảm của riêng mình.

                                                Hải Thiện, ngày 16/04/2010

unnamed

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét