Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

VŨ NHO TRẢ LỜI NGUYÊN AN

 


TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA NGUYÊN AN

Đã có nhiều người nói về cám hứng lao động sáng tạo của mình.  Với tư cách nhà văn, ông có thể nói thêm về cảm hứng viết của ông được không? Ví dụ như trong những ngày ông viết cuốn “Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca “ ( Theo tôi đây là một  cuốn sách nghiên cứu công phu về một tác giả đặc biệt được đông đảo bạn bè trong và ngoài giới văn nghệ, trong và ngoài nước ta, quý mến, thích đọc…).


 

Vũ Nho:

        Cám ơn câu hỏi của Nguyên An. Tôi cũng đã đọc nhiều nhà văn nói về cảm hứng trong lao động sáng tạo. Họ cho biết   người viết say, viết cứ như nhập đồng, viết đầy cảm hứng. Có  bài  thơ  được viết xong trong mấy tiếng hoặc trong một đêm. Có truyện ngắn trong một vài ngày. Có khi cả một cuốn sách dày trong khoảng trên dưới một chục ngày. Đó là cảm hứng của người sáng tác.

          Thật ra, tôi là một nhà giáo chứ không phải người sáng tác thuần túy, dù rằng tôi có làm thơ, viết truyện. Bởi vậy mà cảm hứng có lẽ không mãnh liệt như người sáng tác chuyên. Mặt khác, cảm hứng viết  một cuốn sách, lại là sách có tính chất nghiên cứu, phê bình thì chắc chắn là có. Song nó không ào ạt, mà thiên về lặng lẽ, bền bỉ, duy trì trong khoảng thời gian dài. Về cuốn sách “Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca”, thì thoạt kì thủy là tôi bình các bài thơ hay của Trần Đăng Khoa. Năm 1993 tôi viết lời bình cho bài thơ “ Sao không về vàng ơi” và in vào cuốn “ Thơ chọn và lời bình”, Nhà xuất bản Văn học, 1993. Tôi nhớ có đem tặng Trần Đăng Khoa. Khoa đọc, rất khen bài bình.  Viết lời bình lại được chính tác giả khen ( tất nhiên tôi hiểu Trần Đăng Khoa cũng có phần ưu ái, động viên) thì quả thật không gì vui hơn.  Rồi tôi phỏng vấn Trần Đăng Khoa về bài thơ Mưa, bình bài “Hạt gạo làng ta”. Thế rồi một dịp may vô cùng đã đến. Năm 1998 tôi được Hội nhà văn Hà Nội cho đi trại viết Nha Trang 20 ngày do nhà văn Vũ Bão làm Trại trưởng. Hai chục ngày quý báu đó, tôi tập trung bình nhưng bài thơ hay nhất của Trần Đăng Khoa. Các bài  Đánh thức trầu ( viết ngày 23/12/1998), Trần Đăng Khoa với Thúy Giang ( 24/12/1998),  Trong sương sớm (27/12/1998), Trăng sáng sân nhà em (27/12/19 98), Đồng quê ( 28/12/1998).

Rồi nhờ cái đà và sự hưng phấn của đợt đi trại viết, tôi viết tiếp các bài bình thơ của Trần Đăng Khoa, sau đó viết 2 tiểu luận quan trọng gồm “Thơ Trần Đăng Khoa” (với các mục nhỏ : 1. Một thần đồng thi ca; 2. Hành trình của một kiểu xưng hô; 3. Một thế giới riêng kì diệu;  4. Hồn nhiên mà siêu việt; 5. Linh hồn của thơ – tình cảm; Thay lời kết) và tiểu luận thứ hai “Trần Đăng Khoa với thơ ca dân gian”. Một chú bé mới học tiểu học, sức đọc chưa nhiều, như vậy chắc chắn những hiểu biết về thơ  ca và cả thể loại nữa sẽ chủ yếu từ nguồn văn học dân gian. Tôi chứng minh điều đó.  Suốt năm 1999 và một hai tháng đầu năm 2000, tôi tập trung tìm các bài viết của các tác giả : Tố Hữu, Xuân Diệu, N. Niculin, Phạm Hổ, Vân Thanh, Lại Nguyên Ân- Trần Đình Sử,  Phạm Khải, Lê Hữu Tỉnh, Lê Thường, Nguyễn Bùi Vợi, Vũ Duy Thông, Nguyễn Trọng Hoàn, Nguyễn Minh Hùng, Tuấn Vũ, và của chính Trần Đăng Khoa đưa vào phần phụ lục. Cuốn sách dày 216 trang được làm trong hơn 2 năm.

          Như vậy cảm hứng không ào ạt mà thầm lặng kéo dài trong hơn hai năm trời. Tất nhiên trong 2 năm đó tôi còn làm những việc do cơ quan phân công. Và làm những việc viết lách khác.

          Nhân nói về cảm hứng thì có lẽ cảm hứng mạnh mẽ, tập trung cao độ, làm việc hiệu quả nhất trong một thời gian ngắn đó là khi tôi viết cuốn chuyên khảo “ Từ Kim Vân Kiều đến Truyện Kiều – so sánh và bình luận”, nhà xuất bản Hội nhà văn  in năm  2016,  dày 392 trang khổ 14,5 x 20,5. Nhà xuất bản Thanh Niên tái bản  có bổ sung năm  2019. Khởi thủy từ việc viết một bài báo in trên báo Quân Đội Nhân Dân cuối tuần, ngày 15 tháng 11 năm 2015 nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Rồi tôi đã viết một mạch đối chiếu so sánh 11 đoạn trích và  bảy lần nhớ nhà của Kiều. Rồi so sánh 11 nhân vật của Thanh Tâm Tài nhân so với Nguyễn Du. Rồi so sánh 3 vấn đề Tiền bạc, Số phận phụ nữTriết lí. Rồi viết phần Khái lược sáng tạo của Nguyễn Du trong Truyện  Kiều. Rồi tập hợp 10 bài đã viết trước đây về Truyện Kiều do làm công tác chỉ đạo chuyên môn ở Vụ Giáo dục Trung học. Có thể nói là  trong khoảng 2 tháng ròng rã tôi viết ( bằng vi tính, gõ mổ cò sáu ngón  nhưng cũng nhanh gần bằng chuyên nghiệp) xong một cuốn sách dày. Quả thật là tôi có cảm giác viết như lên đồng suốt cả 2 buổi sáng và chiều.

          Một cuốn cũng viết rất say mê là cuốn “Văn hóa dân tộc thời hội nhập” viết chung với TS. Vũ Thị Thanh Nhã. Viết trong khi  tự  cách li  chống Covid theo chỉ đạo của Thành phố Hà Nội. Từ tháng 4 năm 2020 đến  tháng 9 thì xong. Tháng 11  năm 2020  đã có sách in ở Nhà xuất bản Thanh Niên, dày 328 trang. Tất nhiên, một số  bài trong sách này đã được viết từ trước chỉ việc coppy dán vào.

          Các cuốn sách dày khác thì tôi làm dần dần rồi sau tập hợp lại, không có  cảm hứng gì thật đặc biệt để kể.

                                                        Hà Nội, 30 tháng 5 năm 2021

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét