Thứ Tư, 9 tháng 6, 2021

TRÒ CHUYỆN VỚI TÁC GIẢ LỤC HƯỜNG VỀ TIỂU THUYẾT “NGUYÊN KHÍ NGÀN ĐỜI”

 


TRÒ CHUYỆN VỚI TÁC GIẢ LỤC HƯỜNG VỀ TIỂU THUYẾT “NGUYÊN KHÍ NGÀN ĐỜI” Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2021

 v_nho__lc_hng

Vũ Nho thực hiện phỏng vấn

      Vũ Nho ( V.N.) :

  • Xin tác giả cho biết vì sao lại chọn viết về triều đại nhà Mạc? Trong triều đại đó, lại không chọn những nhân vật quan trọng nhất như Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh, hoặc Mạc Kính Điển, mà lại chọn Lễ Bộ thượng thư Tả Thị lang Phạm Thọ Khảo, một nhân vật chỉ làm quan 10 năm và chắc chắn có ít tư liệu từ chính sử hay dã sử?

 

Lục Hường  ( L.H.):  - Từ khi vào học THPT tôi đã dành nhiều sự quan tâm tới lịch sử, đặc biệt là các triều đại phong kiến Việt Nam. Tôi đã nhiều lần thắc mắc, tìm tòi để tìm ra những quy luật tưởng như vô cùng đơn giản với sự thịnh vượng hay suy vong của một Vương triều. Dần dần, tôi càng tìm hiểu, càng thấy có nhiều điều chính sử đề cập theo một mô típ, nhưng những câu chuyện dã sử thì khác. Đó vẫn là một phần của lịch sử, thậm chí đó còn là góc nhìn khách quan hơn rất nhiều so với những phân tích, suy luận trong chính sử, thế nhưng không phải ai cũng công nhận dã sử. Tôi dành sự quan tâm của mình tới Triều đại Nhà Mạc, một triều đại có nhiều kỳ thi, một triều đại tôn trọng vai trò của phụ nữ. Bao nhiêu kỳ thi được tổ chức từ thời Vua Mạc Đăng Dung, đến cả Vua Mạc Mậu Hợp, được coi là thời kỳ kết thúc sự thịnh vượng của Triều Mạc, thì cũng tổ chức rất nhiều khoa thi. Quan trọng hơn, nữ tiến sĩ đầu tiên và duy nhất cũng được triều Mạc công nhận. Trong rất nhiều những câu chuyện tôi đã tìm hiểu, các nước khác cùng thời, nữ có chí lớn thì thường phải giả nam để đi thi, nhưng cũng không mấy ai đỗ đạt tới Tiến sĩ. Còn triều Mạc thì khác, một triều đại tôn trọng nữ giới, một triều đại chú trọng tới giá trị của học thức, trí tuệ và đặt người dân ở vị trí trung tâm, đó luôn là triều đại thịnh vượng muôn đời ít nhất là trong tâm trí của riêng bản thân tôi.

Việc chọn Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo – Lễ Bộ thượng thư Tả thị lang là nguyên mẫu để xây dựng “Nguyên khí ngàn đời” với tôi là một chữ duyên mà sẽ thật khó để giải thích hết, nhưng điều đầu tiên khiến tôi bất ngờ, khi đọc được những tài liệu ít ỏi, Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo được Vua ban cho 6 chữ vàng “Dực vận khai bình đại liêu”. Thắc mắc trong tôi là vì sao một Lễ Bộ thượng thư Tả thị lang của thời kỳ Triều Mạc đang suy vong lại được trao 6 chữ là Công thần khai quốc, trong khi tài liệu về Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo không nhiều. Xoay quanh nhưng thắc mắc đó, xoay quanh những điều tôi may mắn nhận được, tôi đã viết “Nguyên khí ngàn đời” bằng tất cả sự trân trọng, ngưỡng mộ của mình dành tới cho tiền nhân, dù đó là Vua hay là quan thì đó đều là những người đã hi sinh cả cuộc đời giữ gìn nguyên khí của quốc gia, khiến cho đất nước trường tồn.

 

 V.N.: - Tác giả đã tham khảo những tài liệu Lịch sử nào về nhân vật Phạm Thọ Khảo và Mạc Mậu Hợp, Bùi Văn Khuê (Bùi tướng quân)?

L.H. : - Vào tháng 2 âm lịch năm 2020 tôi về Từ đường thờ Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo để xin phép được viết cuốn sách, tôi nhận được một tài liệu về Cụ Tiến sĩ được Viện nghiên cứu Hán Nôm dịch, cơ bản như sau

Bấy giờ nhà Mạc cũng mở khoa thi Hội, vua [Mạc Mậu Hợp] mới định cách thức:

Đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh, gọi là Trạng nguyên;

Đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh, gọi là Bảng nhãn; 

Đỗ đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ đệ tam danh, gọi là Thám hoa;

Đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, gọi là Hoàng giáp (khoa này nhà Mạc lấy đỗ 3 Hoàng giáp)

Đỗ đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, gọi là Tiến sĩ (khoa này nhà Mạc lấy đỗ 12 Tiến sĩ)

Khi ấy, ở trang La Xá, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng (tục gọi là Doanh Bối), đạo Hải Dương (tên cũ là Hồng Châu) có ông họ Phạm, tên húy là Thọ Khảo, đã dự thi Hương và trúng Hương cống, nghe thấy chiếu của vua gửi các đạo châu huyện trong nước, mới về triệu dự thi Hội và đỗ Tiến sĩ, lúc 29 tuổi. Ngay hôm đó, ông bái tạ vua, lĩnh áo mũ vinh quy trở về quê, vui mừng mổ bò lợn, bái tạ thiên địa, cùng bách tần sông núi, khao vọng phụ lão trong trang khu, mời khắp thân hào các châu cùng đến dự ăn uống.

Hôm sau, thấy sứ trong triều phụng mệnh mang chiếu thư đến triệu ông về kinh đô hội nghị cùng các tướng trong triều. Hôm ấy ông bảo các vị phụ lão rằng: “Tôi từ nay được vinh hiển, hôm nay vui triệu tôi về triều nhậm chức, anh hùng sinh trong thời chiến, đông chinh tây thảo, bốn biển là nhà, sao sông tỏ lòng chân thành với tình nội ngoại, với nghĩa xóm làng? Tôi có năm thoi vàng giao cho phụ lão và nhân dân mua ruộng đất để cung ứng vào việc tiệc lệ”. 

Sau đó ông cùng gia thần xa giá về kinh đô để hội nghị. bấy giờ vua phong cho ông làm Lễ bộ Thượng thư, Tả thị lang Đại phu. Ông nhận quan tước, từ đó thấm nhuần ân trạch của vua, hưởng lộc dồi dào của triều đình, do nhờ có duyên mà được như thế.

Bấy giờ ông nhậm chức trong kinh đô, vừa được mười năm, đương vào ngày 15 tháng 11, mùa đông, bỗng thấy ông không bệnh nhưng tự nhiên qua đời. Các gia thần hoảng hốt, liền làm biểu tâu sự việc lên triều. Vua chuẩn cho đặt mộ tế ở ngoài kinh đô, sai sứ mang sắc, phong thần hiệu cho ông:

  • Phong Phạm Thọ Khảo làm quan đến chức Lễ bộ Thương thư, Tả thị lang Đại phu.
  • Tặng phong là: “Dực Vận Khai Bình Đại Liêu”
  • Chuẩn ban sắc phong cho họ Phạm cùng các trang khu từng xin làm thần tử của ông trước đây trở về lập miếu phụng thờ. Tốt đẹp thay!

Ngày tốt tháng 1 niên hiệu Hồng Phúc năm thứ nhất (1572)

Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, bề tôi là Nguyễn Bính phụng mệnh soạn bản chính.

Ngày tốt tháng 8 niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 6 (1740)

Nội các bộ Lại tuân mệnh sao lại sao bản chính.

Đó là những gì tôi có được, còn các thông tin sau này, tôi may mắn biết được thông qua những giấc mơ của mình, về cả Vương gia, về Bùi tướng quân hay tất cả các nhân vật đã xuất hiện trong “Nguyên khí ngàn đời” và khi viết sau, tôi tìm hiểu lại thì mọi thông tin đều trùng khớp, đó cũng là điều khiến tôi rất bất ngờ.

 

 

V.N.: - Bằng mối cơ duyên nào mà tác giả có được những bức thư của Phạm Thọ Quang gửi từ chiến trường? Cuộc tìm mộ liệt sĩ Phạm Thọ Quang và tìm mộ cụ Phạm Thọ Khảo có hư cấu thêm nhiều không?  Các nhân vật liên quan đến việc tìm mộ như Phan Thị Bích Hằng, cô Hòa vì sao không “hư cấu” mà để tên thật?

L.H. : - Giống như những thông tin tôi đọc được ở Tạp chí họ Phạm Hải Dương về quá trình đi tìm mộ Cụ Tiến sĩ của những hậu duệ, tôi đã có mối lương duyên để biết hành trình tìm mộ Liệt sĩ Phạm Thọ Quang đã giúp cho toàn bộ hành trình sau này được thuận lợi. Ban đầu khi nhận được những bức thư của Liệt sĩ Phạm Thọ Quang, tôi đã rất xúc động, tôi đã mong muốn viết cuốn sách với tên gọi “Nguồn cội” bắt đầu từ chính hành trình đưa liệt sĩ Phạm Thọ Quang về với quê hương. Nhưng về sau khi tôi xin phép tại Từ đường thờ Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo, tôi dần dần định hình để hoàn thành “Nguyên khí ngàn đời” ngay cái tên “Nguyên khí ngàn đời” tôi đã được biết đến trước khi bắt tay viết chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết.

Trong “Nguyên khí ngàn đời” có thực, có hư ảo, và mọi điều hư thực hòa quyện với nhau, nhưng những gì ở hiện tại đều chính xác, từ những người như anh Phạm Thọ Quang, chị Hoàng Oanh, những người đã hi sinh vì nền độc lập trong kháng chiến chống Mỹ. Đến những hậu duệ của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo: Anh Bảy, Anh Thái, anh Sơn và rất nhiều con cháu cũng đều là tên thật. Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng là người tìm mộ liệt sĩ Phạm Thọ Quang, còn cô Hòa là người đầu tiên gọi hồn Cụ Tiến sĩ để xin ý kiến về việc tìm mộ Cụ về. Tôi nghĩ rằng “Nguyên khí ngàn đời” nếu như ngẫm thật sâu sắc thì đó không có bất cứ một nhân vật nào hư cấu, tất cả đều là một phần trong hành trình của Cụ Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo dù ở quá khứ, hiện tại hay tương lai. Đó là những điều Cụ Tiến sĩ chỉ dạy cho tôi về lòng biết ơn, về hành trình trả nghĩa bằng chính trí tuệ và tâm hồn mình.

 

V.N.: - Tôi  đọc trên mạng, tác giả nói có một giấc mơ gặp gỡ cụ Phạm Thọ Khảo, sau đó viết một mạch 7 ngày xong cuốn sách này?  Tác giả có thể nói rõ hơn nguyên cớ nào dẫn đến giấc mơ hay hoàn toàn là một sự ngẫu nhiên? Việc viết cuốn sách này diễn ra như thế nào?

L.H. :  - Ngày rằm tháng 7 năm 2020 tôi cùng với Hậu duệ đời thứ 19 của Cụ Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo về Vương Triều Mạc để xin phép các vị vua Triều Mạc cho viết “Nguyên khí ngàn đời”, hôm đó tôi đã đứng rất lâu trước ban thờ Vua Mạc Phúc Nguyên và vua Mạc Mậu Hợp và tôi đã cầm sổ để viết những đoạn đầu tiên trong cuốn sách. Có nhiều những điều liên quan tới tâm linh hay một miền ký ức nào đó mà chính khoa học cũng khó giải thích, nhưng sau ngày rằm tháng 7, tôi bắt đầu có những giấc mơ. Ban đầu tôi và Hậu duệ đời thứ 19 của Cụ Tiến sĩ (Anh Phạm Văn Sơn) bàn bạc, tôi sẽ kể lại những giấc mơ đó để anh Phạm Văn Sơn ghi âm lại, rồi tôi nghe lại và viết. Nhưng về sau khi các giấc mơ đến liên tục, tôi đã nghĩ rằng tôi không thể mất thời gian kể lại, rồi lại nghe lại, vì thế tôi đánh máy luôn. Toàn bộ quá trình này của tôi đều được anh Phạm Văn Sơn ghi lại, bởi tôi chỉ ngồi đúng một vị trí để hoàn thành việc này. Có những ngày tôi đánh máy tới 7 chương, có những thời điểm tinh thần tôi vẫn hoàn toàn bình thường nhưng thật khó để điều khiển tay của mình, vì đánh máy quá nhiều và quá nhanh. Nhiều người nói rằng tôi viết cuốn tiểu thuyết này với tốc độ như thế, đó là tốc độ của người đánh máy chứ không phải tốc độ của người tư duy. Nếu để nói chính xác thời gian viết, tôi viết trong 9 ngày vì có hơn 1 ngày tôi gặp phải biến cố ảnh hưởng tinh thần, và lúc đó đầu óc hoàn toàn trống rỗng, cả ngày tôi không viết thêm được một chữ nào.

Trong những giấc mơ của mình, tôi có nhìn thấy nhận được hai chữ “Minh Tâm” từ Vương triều Mạc, nên tôi chỉ có suy nghĩ rằng, mình phải làm sao khách quan nhất viết lại giấc mơ, còn chưa chau chuốt về ngôn từ, nhưng khi hoàn thành thì bản thân tôi đọc đi đọc lại nhưng cũng không có nhiều sự điều chỉnh.

Tôi nghĩ rằng “Nguyên khí ngàn đời” là cuốn sách tôi may mắn được để tên là tác giả, vì có nhiều những thông điệp, tôi đọc đi đọc lại vẫn không hiểu vì sao mình lại viết được như thế.

 luc_huong

 

V.N.: -  Vì sao tác giả lại chọn cách để cho nhân vật xưng “ta” và kể lại tất cả các biến cố trong 29 chương sách? Việc để cho nhân vật có khả năng “dịch chuyển” trong không gian cùng thời và không gian tương lai bằng những giấc mơ là tác giả tự nghĩ ra hay thâm khảo một tác giả nào khác?

L.H. :  - Quá trình tôi viết “Nguyên khí ngàn đời” hoàn toàn tôn trọng những điều tôi nghe được và thấy trong giấc mơ của mình, cách xưng hô, những biến cố, khả năng “dịch chuyển” của Tiến sĩ Phạm Thọ Khảo, đó hoàn toàn là những gì tôi kể lại trong giấc mơ của mình, vì bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ tôi sẽ viết tiểu thuyết

V.N.: - Điều mà tác giả mong muốn nhất khi viết cuốn sách là gì? Nếu phải tự đánh giá về hiệu quả thì tác giả có hài lòng với những gì đã viết? Điều gì khiến cho tác giả hài lòng nhất?

L.H. :  - Ban đầu khi cuốn sách được hoàn thành, tôi rất lo, tôi lo vì không biết mọi người sẽ đón nhận như thế nào, bởi những gì tôi tìm hiểu, những gì tôi được biết thì tiền nhân đã có quá nhiều hành động phi thường, hi sinh vì dân, vì nước, trung thành với một Vương triều dù biết Vương triều đó đang trên đà suy vong. Những phẩm chất sáng ngời của bao con người chỉ đặt hành động vì Đất nước lên trên tất cả, khiến cho tôi lo rằng, liệu thế hệ hôm nay có hiểu, có cảm, có học được những gì mà bậc tiền nhân đã gửi gắm. Nhưng những phản hồi của những nhà sử học, những nhà văn đầu tiên đọc bản thảo, cả những Giáo sư khiến tôi cảm thấy yên tâm để thực hiện mong muốn của tiền nhân là công bố “Nguyên khí ngàn đời”

Với tôi “Nguyên khí ngàn đời” là một viên ngọc vô giá tôi nhận được, tôi yêu từng dấu phẩy, từng dấu chấm, từng câu, từng từ trong cuốn sách, với rất nhiều mối duyên với trang bìa của họa sĩ Ngô Xuân Khôi, số trang 440 đúng với năm kỷ niệm ngày mất của Cụ Tiến sĩ, 440 năm để Cụ và Công chúa gặp lại nhau sau những hi sinh, chờ đợi. Điều tôi hài lòng nhất chính là “Nguyên khí ngàn đời” vẽ một bức tranh về triều Mạc lúc suy vong, nhưng ở đó có tình yêu, có trí tuệ, có sự sáng ngời. Mọi thứ tranh đấu, những bê bối của vương triều đều bị che lấp bởi ánh sáng của niềm tin, của sự bình an và của tình yêu trí tuệ, một tình yêu mang lại sức mạnh để đưa mỗi con người đi qua chính vùng tăm tối của mình, để chỉ nhìn thấy tâm an, trí vững. Mọi người đều nghĩ rằng cái kết của tiểu thuyết hơi buồn nhưng đó là sự thật, sự hi sinh của những con người, nhưng họ hi sinh vì những điều cao đẹp hơn để gặp lại nhau trong tương lai, sau rất nhiều thử thách. Giống như trồng một cái cây, thì cây trong “Nguyên khí ngàn đời” luôn vững bền vượt qua mọi giông bão bằng chính sự bình an và tình yêu tuyệt vời.

Điều tôi hài lòng nhất ở “Nguyên khí ngàn đời” chính là ẩn sau những câu từ tưởng như bình dị lại có nhiều bài học sâu sắc. Tôi như độc giả đầu tiên của “Nguyên khí ngàn đời” để mỗi lần đọc lại tôi phát hiện thêm nhiều tầng nghĩa ở từng câu từ, tôi luôn cảm tạ ơn nghĩa, trí tuệ của bậc tiền nhân đã gửi cho tôi được đại diện chuyển thư từ quá khứ tới hiện tại với thật nhiều thông điệp.

V.N. : - Tác giả có viết trên trang bìa gấp “Cuốn sách này chỉ là bắt đầu một hành trình được gửi tới từ quá khứ, tất cả chúng ta sẽ cùng viết tiếp cuốn sách ở hiện tại”. Tất nhiên, bạn đọc đọc và suy nghĩ về cuốn sách cũng là sự “viết tiếp”! Nhưng phải chăng tác giả cũng đã chuẩn bị và có ý định viết một cuốn sách khác tiếp nối?

L.H. : - “Nguyên khí ngàn đời” đúng như những gì viết trong cuốn sách, đó chỉ là khởi đầu, trong tương lai tôi sẽ viết tiếp những cuốn nối bản của “Nguyên khí ngàn đời” và tiếp tục mong muốn được đủ “duyên” để chuyển thông điệp từ tiền nhân tới hậu thế.

 

V.N. : - Xin cám ơn  về cuộc trò chuyện cởi mở!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét