Thứ Tư, 1 tháng 6, 2022

THĂM “NGƯỜI GIÀU NHẤT THẾ GIAN”

 


THĂM “NGƯỜI GIÀU NHẤT THẾ GIAN”

                  PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho

            Tôi không biết kinh doanh buôn bán, cũng chẳng phải là người thuộc giới đại gia. Ấy thế mà được một người tự xưng là “Giàu nhất thế gian” mời tới thăm. Người ấy nhiều người biết.  Người ấy đã in nhiều tập thơ, bây giờ in 101 bài thơ tình trong tập thơ thứ 12  có tên “Sám hối”.  Xin nói ngay  tên  vị nhà giàu ấy. Đó là vị hoàng đế tự phong “Vua Mộng Ái Nhân”.

          Chúng ta đều biết rằng khi chế độ phong kiến kết thúc, cũng là lúc các vị Vua chấm dứt vai trò. Cũng còn một số nước quân chủ lập hiến có Vua, nhưng đó chỉ là biểu tượng tượng trưng. Vua không tham gia chính trường. Nhưng  lại có một loại Vua không ngai mới ngày nay. Ấy là những người làm chủ một lĩnh vực nguyên liệu nào đấy: Vua Dầu hỏa, Vua Sắt thép, Vua Xi măng, Vua Khí đốt,… Thậm chí có cả các Vua khác như Vua  “phá lưới” dành cho người cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất trong một giải đấu,…

          Vua Mộng là danh hiệu của thi sĩ Ái Nhân tự phong. Bởi vì  thi nhân này thấy mình mơ mộng quá nhiều. Cũng may là chưa có luật cấm tự phong, tự xưng, nhất là những việc ấy không có hại gì cho đời sống xã hội.

           Việc “lên ngôi” này cũng giản dị thôi.   Chỉ ngắn gọn mấy câu thơ và một vị thần dân được biết:

          Thế gian đẹp vô ngần miên man hoa nở

          Em – Thiên thần

          Ta – Hoàng đế mộng mơ

                   (Giàu nhất thế gian)

Một chỗ khác, người thơ thú nhận   mình  không phải là “nhà” thơ thường thường  mà là “Biệt thự “ (to hơn nhà và đắt giá gấp nhiều lần) Thơ, và tự phong  Vua Mộng  là phong trong khi chếnh choáng:

          “Anh là nhà thơ có phải?”

          Ta cười “Biệt thự  - từ lâu”

          Cơn say phong mình Vua Mộng

          Rượu tràn ngơ ngất canh thâu

                   (Ngạo thi)

Cũng trong bài thơ  ấy, thi sĩ hồn nhiên khoe:

           Ta làm thơ yêu nhiều lắm

          Đầy  nhà chất đống tình mơ

Và hồn nhiên tự hào:

          Ngươì đời khoe nhau tiền bạc

          Ta khoe Thơ nửa bầu trời

          Ngân hàng không cầm cố được

           Giang hồ cõi mộng rong chơi

Tôi tin sự ngạo nghễ ấy là có thật. Và cũng rất tin một sự thật này:

          Giời đày xuống cõi mộng mơ

          Hồn như mắc cạn vào thơ mỗi ngày

                             (Mắc cạn)

Cái cười nhạo này không phải là không có nhiều phần trăm sự thật, khi mà thời trước, thi sĩ Tản Đà kêu  đã kêu “Văn chương hạ giới rẻ như bèo”:

          Anh về bán một thùng thơ

          Sắm xe, tậu đất…rồi chờ em sang

          Gió mưa dâu bể phũ phàng

          Thơ đau ế chỏng, đò sang sông rồi

                             (Hình như)

Tôi gặp “người giàu nhất”, gặp “ Vua Mộng”, đồng thời cũng gặp người phó thường dân “cuộc người chìm nổi long đong/ Áo cơm tần tảo trĩu cong phận mình” (Kiếp đa đoan).

        Với Vua Mộng thì bạn tha hồ  lãng du, tha hồ phiêu bồng, tha hồ mộng mị   mơ tiên, chuốc mơ, mơ hồ, lãng đãng, tương tư nụ cười, ước xanh (tên các bài thơ)… Còn với EM:

           Say sưa chuốc chén la đà

          Uống môi mắt, uống ngọc ngà em xinh

                            (Đuốc tim)

Còn khi  gặp  phó thường dân, “ thảo dân” thì đối mặt với những “Dối gian”, “Nợ phù vân”, “Cái tôi”, “Kiếp đa đoan”, “Mắc cạn”,  “Thương cùng”,…

          Thương những bé thơ nghèo lang bạt

          Ghét lũ quan tham nhũng hút máu người

          Căm lũ Lí Thông lịch lãm giả cười

                             (Tâm thơ)

Đối mặt với sự thật trần trụi:

          Giấc mưu sinh cơm áo bộn bề

          Tảo tần chợ đời ê chề gian dối

                    (Sám hối trước vọng phu)

Và bị đánh cắp:

          Niềm tin kẻ cắp nẫng rồi

          Bao nhiêu thiếu đói ngậm ngùi lương dân

                                      (Liêm sỉ)

 

       Tập thơ có 2 bài có tên “Sám hối” . Một là “Sám hối”, hai là “Sám hối trước Vọng phu”. “Sám hối” lấy làm nhan đề của tập    sám hối trước “Em – Người Đàn Bà Thơ quyến rũ”. Vì sao người giàu nhất thế gian, Vua Mộng lại sám hối? Anh sám hối những gì? Sám hối ra sao? Xin mời các bạn  yêu thơ xem và tự tìm lấy câu  trả lời thích hợp.

                                                                  Hà Nội, 16 tháng Ba, năm 2022

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét