ĐÁM CƯỚI MẸ & LỜI BÌNH
TÁC GIẢ BÀNH PHƯƠNG LAN
ĐÁM CƯỚI MẸ
Mới hôm nào đám cưới cha
Nay giờ tới lượt mẹ là cô dâu
Nhớ lời mẹ, chẳng khóc đâu
Làm sao nước mắt theo nhau cứ về
Mẹ như nửa tỉnh, nửa mê
Ngoài kia xe đón mẹ về nhà ai
Mẹ cười, nước mắt vắn dài
Chân đi, mắt vẫn tìm hoài… con yêu
Từ mai lủi thủi sớm chiều
Tuổi thơ không mẹ, cánh diều đứt dây
Tìm hơi ấm mẹ đâu đây?
Mẹ về bên ấy biết ngày nào sang…
Thêm lần bước xuống đò ngang
Bồng theo cả tiếng ru sang nhà người
Mẹ đi tìm lại nụ cười
Con về nhặt tiếng à… ơi của bà…
Bành Phương Lan
Lời bình bài thơ Đám cưới mẹ của NGUYỄN VĂN THÍCH
Ở đời, ai cũng có cha, có mẹ. Cha mẹ là những gì ấm áp, thân thương, dịu dàng và cao đẹp
nhất. Tình yêu thương cha mẹ dành cho con không thể đong đếm, nó bao la như trời đất, dài
rộng như biển sông, không ngòi bút nào có thể tả hết. Cha mẹ luôn đồng hành, che chở, chăm
sóc, lo lắng cho con suốt cả cuộc đời.
Đọc bài thơ “Đám cưới mẹ” của tác giả Bành Phương Lan in trong tậpTrường Xuân số 11 Nhà
xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2016 khiến ta không khỏi nghẹn ngào. Bài thơ là nỗi lòng của
một đứa trẻ (tôi tạm gọi như vậy) bởi “con” theo nghĩa đơn thuần là trẻ, trước một sự việc hy
hữu chỉ xảy ra khi hạnh phúc gia đình tan vỡ!
Mới hôm nào đám cưới cha
Nay giờ đến lượt mẹ là cô dâu
Thường thì, khi đã làm cha, làm mẹ, nghĩa là đã một lần làm chú rể, cô dâu. (tôi không đề cập
đến trường hợp ngoại lệ.), thì lần thứ hai làm chức năng này sẽ là một bất hạnh, bất hạnh ấy
dẫn đến sự chia ly, đổ vỡ của một gia đình mà đứa con chịu thiệt thòi, đau khổ nhất
Nhớ lời mẹ chẳng khóc đâu
Mà sao nước mắt theo nhau cứ về
Ngày cưới là một ngày vui. Đứa trẻ khóc “nước mắt theo nhau cứ về” trước một ngày vui của
mẹ là điều khó gặp trong cuộc sống đời thường. Ở trường hợp trớ trêu này khóc lại là cần thiết.
Hai tâm trạng gặp nhau trong một thời khắc để rồi cái đã qua sẽ quên đi, cái mới đến sẽ phải
gánh chịu trong cả một chặng dài về sau
Mẹ như nửa tỉnh, nửa mê
Ngoài kia xe đón mẹ về nhà ai
Mẹ cười nước mắt vắn dài
Chân đi mắt vẫn tìm hoài…con yêu là tâm trạng của người mẹ trước giờ lên “xe hoa”! cái tâm
trạng chưa hẳn đã thoát ra từ nội tâm mà chỉ bằng cảm nhận của một đứa con. Hai từ “nhà ai”
tuy tác giả không đặt dấu (?) nhưng sao nó chua chát tàn nhẫn đến như vậy. Nhà ai nghĩa là xa
lạ. Chồng của mẹ mà là người xa lạ với đứa con thì chao ôi! tình mẫu tử chỉ còn là công thức,
là cái vỏ để đánh lừa con mắt thiên hạ mà thôi. Lần thứ hai cái chua chát ấy lại xuất hiện ở khổ
kết bằng một từ cũng mang tính xa lạ
Bồng theo cả tiếng ru sang nhà người
Tôi cho rằng chữ “người “ ở đây là người dưng! Với con, lời ru của mẹ là thiêng liêng nhất, nó
hiền dịu như ánh trăng, réo rắt như tiếng đàn, ngọt ngào như dòng sữa. Vậy mà từ đám cưới
này mẹ đã mang đi, còn gì nữa đây ở lại khi cả lời ru lẫn tình thương của mẹ chẳng còn!
Từ mai lủi thủi sớm chiều
Tuổi thơ không mẹ, cánh diều đứt dây
Tìm hơi ấm mẹ đâu đây?
Mẹ về bên ấy, biết ngày nào sang
Khổ thơ này ám ảnh tôi nhiều nhất. Trong các quan hệ tình cảm thì tình mẹ con mang đậm tính
ruột thịt hơn cả. Phương ngôn có câu
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
Với cha, công còn có thể đong đếm, với mẹ, nghĩa chỉ cảm nhận được bằng mọi giác quan.
Cả bài thơ chỉ một lần duy nhất tác giả nhắc đến chữ “cha”.”Mới ngày nào đám cưới cha” Tuy
vậy người ta vẫn nhận thấy nguyên nhân của sự chia ly lại bắt đầu từ đấy. Nếu không có đám
cưới cha thì chắc gì có đám cưới mẹ?
Mặc dù không được tác giả đề cập nhưng tôi nghĩ không gian bài thơ diễn ra ở bên ngoại. Như
vậy khi một người phụ nữ đã mang con về nhà mẹ đẻ thì gia đình ấy đã tan nát từ trước đó lâu
rồi. Nguyên nhân của sự đổ vỡ từ đâu cũng không được tác giả nhắc đến. Vì thế mà người đọc
có thể có suy nghĩ nhiều chiều. Cho dù ở chiều nào đi nữa thì cả cha và mẹ trong bài thơ
này đều rất đáng trách! Điều sâu xa mà tác giả gửi gắm lời trách lại hình thành từ một đứa con,
một thế hệ kế tiếp. Đây là điều đáng để suy ngẫm mà liên tưởng đến một điều lớn lao hơn
Một cặp vợ chồng có được một đứa con đã có những suy nghĩ rất người lớn hẳn cặp vợ chồng
ấy phải có cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc, nghĩa là họ đã có được những tháng ngày ân ái, sẻ
chia “Chỉ có cha mẹ là yêu con vô điều kiện”, câu nói rất hay ấy tôi nghe được từ đâu đó là
một minh chứng rõ nét nhất cho quan hệ tình cảm giữa cha mẹ và con cái. Gia đình hạnh phúc
là một gia đình mọi người biết quan tâm, chăm sóc lẫn nhau để trong nhà luôn tràn ngập tiếng
cười. Nhưng cuộc sống đâu chỉ toàn màu hồng!, Con đường đi đến hạnh phúc còn nhiều chông
gai, cám dỗ chỉ cần một chút sa ngã, để cái ‘tôi” lấn át, là những gì đã gây dựng được sẽ tan
như bong bóng xà phòng.
Sự tương phản giữa mẹ và con dược tác giả đặt vào hai câu kết
Mẹ đi tìm lại nụ cười
Con về nhặt tiếng à…ơi của bà…
Tôi cho là đỉnh điểm của bài thơ. Nếu những câu thơ trước đó dù có xa sót, chua chát vẫn chỉ
nằm trong khuôn khổ tình cảm mẹ con, thì đây quan điểm đã được thể hiện rõ ràng. Đầu tiên
là khoảng cách; “Mẹ đi”, Con về” là trạng thái quay lưng vào nhau, đã đẩy hai con người càng
ngày càng xa cách, sau nữa là tình cảm
Mẹ: - tìm lại nụ cười
Con: - nhặt tiếng à ơi của bà
Nếu cái cười ở khổ thứ hai có kèm theo nước mắt, thì cái cười ở đây lại ẩn chứa những điều
như bằng lòng, mãn nguyện Là mẹ, ai mà chẳng thương con, nhưng số phận đã đẩy đưa người
mẹ trong bài thơ của Bành Phương Lan đến chỗ phải lựa chọn giữa hai con đường. Một là ở lại
nuôi con để người đời ghi nhận những chịu đựng và phẩm hạnh cao quý. Một là tìm bến neo
đậu. Cuộc đời còn rất dài, dứt ruột đi bước nữa, hẳn trong tâm can người mẹ, trong ngày vui
nhất, sóng gió cũng ập về. Đọc bài thơ, người khắt khe thì trách móc, người cởi mở thì cảm
thông, cả hai cách nhìn đều có những giá trị nhân văn của nó.
Gia đình là cái gốc. Muốn có mọi điều thì gia đình phải bền vững. Vì thế, người mẹ lại lần nữa
tạo dựng một gia đình là điều chúng ta có thể cảm thông.
Cám ơn tác giả Bành Phương Lan đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh cho ai đó vì một chút sai
sót làm mất đi một gia đình để lại hậu quả cho những đứa trẻ thơ vô tội phải gánh chịu.
Nguyễn Văn Thích
Hội Văn Học Nghệ Thuật Hưng Yên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét