Thứ Năm, 28 tháng 9, 2023

CÔ GÁI TẬT NGUYỀN HÁT RU CON

 CÔ GÁI TẬT NGUYỀN HÁT RU CON 

                                                        Tặng T.H

Bành Phương Lan

 banh_phuong_lan

 

“À ru hời… ơ hời ru…

Mẹ thương con có hay chăng

Thương từ khi thai nghén trong lòng…”*

 

Tiếng hát vút lên, nghẹn khán phòng

Cô gái tật nguyền ngồi trên sân khấu

Ru những đứa con không bao giờ được sinh ra

Em hát bằng trái tim đàn bà,

bằng khát khao cả một đời con gái

 

Nước mắt chảy vào trong… tim tôi thắt lại

Cô gái cao chưa bằng cô bé lên mười hát ầu ơ…

Lời ru đan vào những đứa trẻ trong mơ

Đan vào đôi mắt em ngập tràn hạnh phúc

 

Đan vào những con tim đang đau nhức

Em cứ ru… và lũ trẻ lớn dần lên…

Có tiếng sụt sịt cố nén ở phía trên

Cả khán phòng im phăng phắc

 

Người lính già ngồi bên lặng lẽ lau nước mắt

Không ai nỡ phá tan hạnh phúc mong manh

Lời em ru cứa thêm vào nỗi đau chiến tranh…

 

À ru hời… ơ hời ru…

Tiếng hát vượt ra ngoài không gian

                  nâng những chú bồ câu bay lên…

 

             *Lời bài hát “Mẹ yêu con” - Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý

 

Lời bình của Vũ Nho

 

Tiếng hát ru con cất lên khi cô gái hát bài ca nổi tiếng mà mọi người đều biết. Mọi người lặng đi, khán phòng nghẹn lại không phải chỉ vì giọng hát hay, xúc động. mà vì đó là giọng hát của một cô bé – bà mẹ tật nguyền. Cô bé đã là thiếu nữ mà nhỏ bé, “cao chưa bằng cô bé lên mười”. Em là di chứng của chiến tranh, của chất độc màu da cam từ bố hay từ mẹ, hoặc cả hai từng nhiễm. May là em vẫn đủ hình hài một người bình thường, nhưng hoàn toàn không bình thường bởi em không có khả năng làm mẹ, em là cô bé tật nguyền. Bài hát ru nổi tiếng của nhạc sĩ không để ru những đứa bé được chào đời trong tình yêu thương của cha mẹ, gia đình. Bài hát ru “những đứa con không bao giờ được sinh ra”, ru bằng”trái tim đàn bà”, ru bằng “khát khao cả một đời con gái”! Chính vì thế mà làm cho tất cả khán phòng xúc động, lặng đi, nghẹn ngào, đau xót. Những con tim “thắt lại”, “đau nhức”. Và những tiếng “sụt sịt” cố nén làm cho khán phòng “im phăng phắc”. Người viết đã đặc biệt chú ý đến người lính già cạnh mình “lặng lẽ lau nước mắt”. Giọng hát ru của cô bé tật nguyền vút lên, sắc lẹm, “cứa thêm vào nỗi đau chiến tranh”…

          Tiếng hát ru đó làm cho khán phòng như nghẹt thở, nghẹn lại. Nỗi đau và niềm hạnh phúc mong manh cùng đồng hiện. Và dù đau khổ, nhưng không tuyệt vọng, vì cô bé đang hát chứ không đang khóc, cô đang ru những đứa trẻ trong mơ, đang hướng đến hạnh phúc trong mơ!

          Tiếng ru của cô vượt ra ngoài khán phòng nâng cánh những  chú bồ câu tượng trưng cho hòa bình!

          Một bài thơ hay viết về “hậu chiến tranh”, viết bằng sự cảm thông, nhạy cảm của trái tim phụ nữ! Một bài thơ hay!

 

                                     Hà Nội, 3 tháng 9 năm 2023

unnamedmn

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét