CHÚNG TÔI LÀ THỢ MỎ QUANG HANH
NGUYỄN HÒA BÌNH
“Để nâng cao hệ số an toàn song song với việc nâng cao năng suất lao động cho từng người thợ trên mỗi công đoạn khai thác, tuyển chọn than, công ty chúng tôi luôn hết sức chú trọng đến việc đổi mới thiết bị, áp dụng các quy trình công nghệ khai thác tiên tiến và hiện đại nhất của thế giới đưa vào ứng dụng tại các mỏ của Quang Hanh” – câu trả lời nhẹ nhàng mà cởi mở, chân tình mà sâu sắc, khi anh Dương Sơn Bài – Phó giám đốc công ty than Quang Hanh (thuộc Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam) thay mặt lãnh đạo đơn vị trả lời câu hỏi của mấy anh em nhà văn chúng tôi xoay quanh chuyện: trong cái khó chung của ngành than, Quang Hanh đã làm gì để không chỉ tồn tại mà còn từng bước vượt lên; chính là điều khiến tôi đã nghĩ khác những gì tôi từng hình dung về ngành than, về người thợ mỏ hôm nay.
Thú thực, tôi đã về Quảng Ninh nhiều lần và thậm chí cũng đã viết đôi ba bài về những vùng đất đặc biệt cùng câu chuyện của người Quảng Ninh ở Bình Liêu, Quan Lạn. Đến nỗi, khi viết về Vĩnh Thực, tôi còn liều mạng sửa cả câu ngạn ngữ “Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Tiên Yên, tiền Ba Chẽ, ghẹ Vân Đồn...” thành “Lợn Móng Cái, gái Đầm Hà, gà Vĩnh Thực...”, khiến mấy anh em ở cái hòn đảo giữa trời ấy cứ tin rằng rồi câu chuyện tôi nói về thứ đặc sản không thể chê vào đâu được của Vĩnh Thực, một ngày không xa nữa sẽ làm nên thương hiệu cho hòn đảo nơi tiền tiêu tổ quốc này.
Cũng bởi thế, trong câu chuyện trao đổi không lấy gì làm nhiều nhặn lắm, tôi cố gắng để ý đến từng chi tiết khi anh Bài cứ dặn đi dặn lại các cán bộ phụ trách từng bộ phận chuyên môn phải thực hiện nghiêm và đủ các quy trình khi vào hầm lò – nơi mà mấy anh em nhà văn chúng tôi đề nghị bằng được anh cũng như Ban giám đốc công ty cố gắng tạo điều kiện để chúng tôi được hiểu rõ và đúng nhất cái khó khăn, vất vả nhưng đầy tự hào của những người thợ mỏ Quảng Ninh.
Và, cũng để rồi, khi lịch trình chuyến “cưỡi ngựa xem hoa” của mấy anh em nhà văn chúng tôi được khớp lại, tôi thở phào trong vui mừng và cảm động, biết rằng mình đã may mắn sẽ được thêm một lần nhớ về Quảng Ninh từ một tâm thế khác.
Và, cũng để rồi, biết rằng hôm sau sẽ là một ngày khá vất vả với một anh làm báo như tôi, khi mà lịch trình làm việc hầu như kín đặc, vậy mà đêm ấy tôi còn trò chuyện với nhà thơ Vũ Bình Lục tới gần 1 giờ sáng mới chợp mắt, để 5 giờ đã sửa soạn xong chờ anh em bên công ty đưa xuống Trung tâm Mỏ Ngã Hai.
Con đường từ trung tâm thành phố Cẩm Phả, nơi đặt trụ sở chính của Công ty, vào đến khu nhà trung tâm của Mỏ Ngã Hai cũng chừng 14-15km, nhưng lại có dăm cây chạy trên trục chính từ Cẩm Phả về Hạ Long, nên cái không khí phố phường xem chừng lấn át cả không gian đồi núi. Chỉ đến khi, xe rẽ vào lối lên mỏ, tôi mới cảm được cái bao la đến hùng vĩ, cái thơ mộng đến xao lòng của một phần đồi núi Quảng Ninh, nơi ở dưới tầng sâu cả hàng trăm mét trong lòng những trái núi vẫn xanh mướt màu cây kia, là hơn 40.000 mét của cả một hệ thống các đường lò mở vỉa, lò xuyên vỉa, lò dọc vỉa, rồi lò thượng đổ về các lò chợ - nơi những tấn than từng ngày chảy tràn trên băng tải.
40 cây số đường mặt đất, dẫu chỉ là mở ở vùng đồng bằng nơi mà địa chất chưa lấy gì làm phức tạp, chắc đã không hề đơn giản chút nào. Vậy mà, để mang về cho tổ quốc những hòn than lấp lánh ánh vầng dương, 40 cây số đường lò ấy, sao không thể gọi là kỳ tích?
Xe đưa chúng tôi vào đến khu nhà trung tâm, cũng là lúc kíp thợ đào lò vừa tan ca ba, đang chuẩn bị lên xe về nhà. Nhìn những thanh niên trai tráng ăn diện như đi trảy hội, tôi bất giác quay sang phía Mai Quang Dương – anh Phó chánh Văn phòng Công ty, người được Ban giám đốc giao nhiệm vụ đưa đoàn chúng tôi xuống thực địa, mà hỏi:
- Hôm nay công ty tổ chức cho anh em đi đâu mà xe đón, xe đưa vui vẻ thế?
Nghe câu hỏi có vẻ hơi “ngố” của tôi, cả Dương và Vũ Minh Hải (Trưởng đài truyền thanh mỏ) đều phá lên cười:
- Anh ơi! Không có ai đi hội hè gì đâu. Đấy là anh em thợ lò mới ở dưới mỏ lên đấy. Tan ca rồi, họ tắm giặt xong, giờ xe đưa họ về nhà anh ạ – Dương đáp lời.
- Sao đi làm gì mà diện như đi hội ấy? – Tôi lại gặng hỏi thêm.
- Thanh niên mỏ toàn thế đấy. Đố ai biết họ đi làm lúc nào, rồi làm việc thế nào. Vào việc thì khác, xong rồi thì đúng là anh nào cũng bảnh bao lắm. Anh thấy lạ quá phải không? – Hải quay sang đùa tôi.
Tôi cười, bởi tôi biết mình đã “khám phá” ra một chi tiết lạ về hình ảnh người thợ mỏ trước và sau giờ làm việc. Vì thế, lúc ngồi ở phòng điều khiển, tôi đã dò hỏi Bùi Mạnh Toàn, anh chàng phó trưởng phòng nom cao to đẹp trai như diễn viên, rằng: “Vì sao anh, rồi anh Vũ Văn Duật (cũng là Phó phòng) làm ở mỏ ít cũng hơn chục năm (nhiều như anh Duật tới 31 năm) với nhiều vị trí công tác khác nhau, trong đó có cả chục năm là thợ đào lò, vậy mà tôi chẳng nhận thấy ở các anh một chút gì dấu vết của thợ hầm lò”.
Toàn đã bảo vui rằng:
- Bác không biết thôi. Số em là số phải chuyển dịch. Em mới về đây đấy. Đang phụ trách một kíp thợ đào lò dưới mỏ, cách đây mấy tháng tham dự giải Bóng đá của đơn vị, em chẳng may gãy chân, thế là không được đi đào lò nữa. Em chuyển về làm trên này cũng mới thôi. Ở đây, ai cũng hầu như trải qua đủ các loại công việc bác ạ. Phòng điều khiển mà.
Hỏi chuyện anh Duật, chuyện Toàn rồi, tôi quay sang đề nghị Nguyễn Khắc Cường (cán bộ của phòng) giới thiệu sơ qua về sơ đồ của mỏ. Để rồi, tôi lại thêm một lần phải suy nghĩ mà cảm phục những người thợ mỏ nơi đây. Bởi, khu Mỏ Ngã Hai là vùng tài nguyên khá phân tán, nên anh em trong nghề cứ hay đùa rằng: Có miếng dồi, miếng tiết, thậm chí là miếng nạc nào, bao nhiêu anh đi trước họ chọn hết cả rồi. Quang Hanh còn lại mấy khúc xương, nên có năm 12 lần phải chuyển vị trí các lò chợ cũng chả oan gì.
Mỏ ở đây có độ âm so với mặt nước biển là -175m, nhưng do mặt bằng đơn vị nằm trên cao độ +30m, nên xuống tới Sân ga hầm Trạm là 205m có dư. Lại gặp Phó giám đốc công ty – Vũ Hòa Hội trong bộ đồ thợ hầm lò vừa trẻ trung, vừa rắn rỏi khi anh đang chuẩn bị vào ca, tôi cũng được biết thêm rằng: Năm nay, Quang Hanh phải đào xong 19.450m đường lò khoanh vùng để chuẩn bị cho việc khai thông, mở vỉa và khoanh vùng các lò chợ. Hơn nữa, nhờ đầu tư cơ giới hóa đồng bộ, trong đó có những thiết bị như giàn khấu tự hành – một loại thiết bị mới nhất, hiện đại nhất trong công nghệ khai thác than hiện nay; nên không chỉ nâng cao hệ số an toàn mà năng suất lao động cũng tăng lên đáng kể.
Bất giác, tôi lại nhớ đến câu chuyện mà Phó giám đốc Dương Sơn Bài đã khoe với chúng tôi rằng: nhờ có vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho ngành than cả chục năm nay, nên không chỉ anh mà nhiều cán bộ, công nhân của ngành, trong đó có công ty than Quang Hanh đã được sang học tập, chuyển giao công nghệ tiên tiến nhất mà người Nhật đang ứng dụng tại khu mỏ Thái Bình Dương nằm sâu trong lòng biển; đồng thời, đơn vị anh còn nhận được sự trợ giúp tận tình của cán bộ, công nhân kỹ thuật đến từ Nhật Bản. Thế mới biết rằng, nếu tìm được bạn tốt, chúng ta sẽ nhận được những giá trị tốt đúng theo nhiều nghĩa.
Không hỏi thêm về những con số, chỉ tiêu kế hoạch 1,5 triệu tấn/năm mà công ty vừa nhận khi phải điều chỉnh giảm sản lượng khai thác trong năm nay, chúng tôi xuống phòng thay đồ theo đúng quy trình làm việc của công ty.
Hơn 60 tuổi đời, chinh chiến đủ cả, thế mà nhận từ tay cô nhân viên quản kho bộ đồ bảo hộ của người thợ mỏ, tôi cũng xúc động không ngờ. Cầm trên tay bộ quần áo còn thơm mùi nắng núi, mềm và sạch như gió biển Quảng Ninh, tôi như muốn giữ mãi cái chút hương đầu tiên của mỏ, cái mùi hương mà ngay cả khứu giác hay vị giác dù có kém cũng dễ dàng mà cảm được ngay. Nhưng, còn cảm động hơn khi Hải (Trưởng đài Truyền thanh mỏ) ngồi hẳn xuống nền nhà mà quấn cho tôi đôi xà cạp (thay tất) theo đúng cách của thợ lò, rồi xỏ bằng được đôi ủng vào chân tôi, bắt tôi phải đứng dậy đi thử.
Mọi việc chuẩn bị đã cơ bản hòm hòm, chúng tôi lên xe đến khu vực giếng +30m. Theo sự chỉ đạo của Ban giám đốc, không chỉ có anh Vũ Văn Duật (Phó phòng Điều khiển), mà thêm cả Nguyễn Đình Thanh (chuyên viên phòng Kỹ thuật công nghệ) cùng với Lương Xuân Tân (trưởng phòng An toàn) đón và đưa chúng tôi xuống hầm lò. Lúc gặp Thanh, tôi cứ nghĩ anh đang học việc, bởi nom dáng anh có vẻ thư sinh quá. Về chuyện này, cũng do tôi luôn nghĩ rằng: dân hầm lò ít ra nom cũng phải hầm hố một chút.
Lại nói tiếp chuyện xuống lò. Trước khi xuống giếng lò, Tân, Thanh rồi anh Duật mỗi người giúp một nhà văn đội mũ bảo hiểm, mắc đèn soi đường, buộc đai đeo hộp chống ngạt; sau đó, Tân giới thiệu sơ qua với chúng tôi về hầm lò, về những quy định cần thiết khi đi trong hầm, rồi phương pháp sử dụng đèn chiếu sáng, thiết bị chống ngạt khi chẳng may gặp sự cố. Anh còn dặn cả cách bước chân nào để ngồi lên trên chiếc ghế tời vô cực MDK, mà cánh thợ lò cứ đùa là tời khỉ hay tời ngựa (bởi người thợ ngồi trên chiếc ghế của tời này nom giống như tư thế đang cưỡi ngựa hay khỉ đang đu dây). Tân còn cẩn thận dặn thêm: cứ xuống sâu 100m là nhiệt độ tăng lên 1 độ C, nên xuống tới đúng vị trí Sân ga hầm Trạm, nhiệt độ sẽ tăng thêm 1,75 độ C nữa. Vì thế, nếu có thấy hơi nóng một chút, các bác yên tâm là không có chuyện gì xảy ra đâu.
Cứ tưởng Tân dặn thế, vào đến cửa giếng là vô tư mà lao xuống. Ai ngờ, chuẩn bị bước chân vào đường chờ của vòng tời, đến ngay cả Tân, cả anh Duật, rồi Thanh đều bị ách lại bởi một nhân viên an toàn. Anh nhân viên kiểm tra từ đầu đến chân xem có ai mang theo điện thoại, bật lửa, thuốc lá, máy ảnh, rồi cả những vật dễ gây ra ma sát. Thậm chí, nghe nhà thơ Mai Nam Thắng nói đùa: “Chú mang theo cái vỏ bao thuốc thôi” thế là anh nhân viên lộn hết mọi túi áo, túi quần của Thắng, thậm chí còn bắt anh tụt cả giầy ra để kiểm tra. Kể cả khi tôi nói: “Các chú đùa cho vui thôi. Nhà thơ nhiều khi hay tếu thế đấy”; vậy mà, đến lượt tôi, anh nhân viên vẫn kiểm tra như chưa hề nghe thấy chuyện gì.
Ngồi trên cái ghế tời, hai chân gác lên giá đỡ, hai tay ôm lấy chiếc cọc ghế, tôi cứ nghiêng đầu sang trái, lại lắc đầu sang phải để đưa chiếc đèn trên trán soi quanh cái lò giếng. Rồi, tôi đếm từng chiếc xà treo để ước chừng chặng đường chúng tôi xuống lò dài khoảng bao nhiêu. Đường hầm rộng chừng hơn 6m, mà cao cũng đến 4m. Bên tay phải theo hướng xuống giếng là lối dành cho hệ thống tời vô cực với hai dãy ghế dành cho người thợ lên-xuống được mắc cách nhau cũng cỡ 10m/ghế. Phía tay trái hầm lò là hệ thống băng tải dùng để đưa than trong hầm lên bộ phận sàng tuyển. Tôi đếm từng chiếc vì chống hình vòm bằng thép, được đánh dấu bởi các xà treo đã đánh số từ 1 xuống, nên ước chừng với 11 đến 12 thanh vòm kia, khoảng cách của mỗi ô xà cũng cỡ cộng trừ 10m.
Cứ mải đếm từng ô xà, rồi vui vẻ mà hỏi thăm một vài anh em thợ đi ngược từ dưới giếng lò lên, tôi cũng đếm được mấy chiếc “cúp tránh”, để hiểu hơn cái chức năng, nhiệm vụ của từng thứ trong giếng lò, hiểu hơn câu khẩu hiệu “an toàn là tất cả” mà mỗi người thợ ở đây phải biết: vì sao nhà thiết kế sinh ra cái “cúp tránh” (như một ngách hầm trong quá trình đào giếng, phục vụ cho việc vận chuyển thiết bị xuống lò).
Đến ô xà 98, tất cả đoàn chúng tôi cùng dừng chân tại Sân ga hầm Trạm, nơi bắt đầu cuộc hành trình thật sự đến với mỗi đường lò. Đặt chân vào đường lò, nơi mà độ sâu chính xác tính từ vị trí cửa giếng +30m xuống là 205m, tôi thấy hình như mọi thứ được gọi là “tác động của độ sâu trong lòng đất” ở đây, không tạo nên bất kỳ một cảm giác nào. Hơn nữa, ở vào cái tuổi lục thập của tôi, lại mắc thêm tý bệnh cao huyết áp, ấy vậy mà cứ phăm phăm lao theo anh em, để đôi lúc lọt vào con đường – nơi đúng cửa thông gió, tôi có cảm giác như mình đang đi bộ trong đêm, giữa con đường tải lương ngày tôi đang chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên những năm 1973.
Rồi, tôi đã theo Tân và mấy anh em, có lúc bám sát vào vách lò, có lúc lại căng mắt ra mà lựa từng bước để bàn chân đặt đúng cái phần bê tông của những thanh tà vẹt đã ngập thủm trong nước, mà đến với khu Quang lật (nơi các xe goòng chở than vừa khai thác, đổ xuống các hầm chứa phía dưới), hay khu hầm Bơm, hầm Trạm Biến áp, hầm Y tế... Thỉnh thoảng, tôi phải dừng lại để lau cặp kính bị dính hơi nước được phun ra từ mấy đường ống, chắc vừa để làm mát, vừa để xua đi lớp bụi vốn thoát ra từ phía mấy chiếc máy xúc đang ngoạm từng vốc than đổ lên mấy chiếc goòng, hay từ chính mỗi chiếc goòng – nom giống như chiếc quang lật, đang đổ than xuống hầm chứa.
Vào hầm lò, tôi lại thêm một lần thú vị khi được Thanh chỉ cho biết rằng: ai đội mũ màu đỏ là thợ Gió; mũ màu xanh là thợ Cơ điện; mũ vàng là Quản đốc, Cán bộ phòng, ban, chuyên gia, khách thì đội mũ màu Trắng; còn, học sinh thực tập, những công nhân vi phạm chế độ an toàn, đội mũ màu Đen. Nên khi gặp những Bùi Văn Hoàng (Phó quản đốc Phân xưởng Thông gió), rồi Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Thanh Luân, Nguyễn Đức Hùng (cán bộ, công nhân Phân xưởng Cơ điện), hay Đinh Văn Thắng (y sĩ trực tại hầm Y tế) ... tôi vừa nhận ra ngay rằng họ làm công việc gì trong hầm lò; nhưng cũng hiểu thêm chuyện những con người ở mọi vùng quê từ Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An... sao lại gắn bó với đất mỏ, coi đây là quê hương thứ hai của mình như thế. Với họ, có người đã lăn lộn trong công việc của anh thợ mỏ tới gần 30 năm (như Nguyễn Đức Hùng), còn ít cũng 7-8 năm cả, để biết rằng họ và gia đình họ đã sống trong niềm vui của những người lao động chân chính, nên vì sao họ đã coi mảnh đất Cẩm Phả và cái nghề thợ mỏ này là nghiệp phúc của đời mình.
Nhưng, có lẽ câu chuyện bất ngờ và ấn tượng hơn cả với tôi, chính là cuộc gặp tình cờ giữa hai anh em ruột Lương Xuân Tân và Lương Xuân Tiến, ngay trong man mác hương lò. Tân được Ban giám đốc giao nhiệm vụ đưa chúng tôi xuống thăm hầm lò, còn Tiến lại đang ca trực để điều hành, giám sát hoạt động vận tải trong hầm (anh là Phó quản đốc Phân xưởng Vận tải). Lúc gặp Tiến, hỏi thăm anh làm ở bộ phận nào, rồi quê quán ở đâu, tôi đã ồ lên khi nghe Tiến nói: Em quê Thanh Tân, Thái Bình đấy; để rồi tôi đế ngay: Chú ở thôn Tử Tế à? Quê chú phải đọc đầy đủ là thôn Tử Tế, xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, Thái Bình mới đúng. Sau này tôi biết thêm rằng, ông cụ thân sinh ra các anh người thôn 6, Thanh Tân, nhưng ông đi bộ đội nên lại đóng quân mãi tận Quảng Nam. Đúng là “cái duyên ông trời se, cái que ông trời buộc”, nên sau một lần ra công tác tại Quảng Ninh, ông gặp bà (cũng là người Thái Bình, đang làm việc tại một đơn vị địa chất ở đây). Họ quen nhau, nên duyên vợ chồng, rồi sinh hạ được hai cậu con trai. Bây giờ, ông bà đang ở cả bên Hạ Long, còn Tân và Tiến thì đã coi Quảng Ninh chính là quê hương của mình.
Riêng với Tân, tôi còn ấn tượng hơn khi anh kể cho tôi nghe câu chuyện về nguồn gốc từ Song loan, mà bây giờ thợ mỏ đặt tên cho chiếc xe chở họ vào vào vị trí làm việc của mình trong hầm lò. Anh bảo tôi: “Lúc nãy đi cùng anh, em thấy anh vẫn đi khá ổn, dẫu đoạn ấy anh em mình cứ bì bõm mà lội nước. Lúc ấy, em định bảo anh quàng tay sang vai em để anh em mình cùng đi trên đường ray, giống như cánh thợ lò ngày xưa vẫn đi ấy. Như thế, lúc nào cũng cân bằng anh ạ. Chính từ cách đi này, người thợ lò đã sản sinh ra từ Song loan đấy. Bây giờ, thợ mỏ không phải đi bộ đến chỗ làm việc nữa, nhưng chiếc xe chở họ đi, chúng em vẫn gọi là Song loan”. Nghe Tân nói, tôi chợt nhận ra cái ý rất đẹp mà lại đúng với ngữ nghĩa của từ này, khi mà chữ Loan theo nghĩa Hán -Việt, vốn được coi là sinh đôi (Tự điển Hán – Việt của Thiều Chửu – NXB Văn hóa thông tin – 2012, tr126).
Lúc chia tay anh em trong hầm lò, bất chợt nhìn thấy chiếc điện thoại để bàn được móc gọn gàng trên tấm bê tông kẹp giữa hai chiếc vì chống hình vòm bằng thép, cùng cả một danh mục các số điện thoại cần liên lạc, tôi đã được anh Duật giải thích rằng: Bây giờ, không chỉ hệ thống thông tin liên lạc, mà các hệ thống đo gió, đo khí, xác định diễn biến bất thường của hầm lò được nối trực tiếp với phòng Điều khiển, nên hầu như mọi diễn biến trong hầm đều được xử lý kịp thời. Để tôi thêm một lần nữa hiểu rằng: Hôm nay, tại sao ngày càng có thêm nhiều bạn trẻ cố gắng theo bằng được nghiệp thợ lò.
Lên khỏi Giếng +30 đã quá trưa, lại với cái tuổi toàn ưa “nhĩ thuận”, xem ra mấy anh nhà văn, nhà thơ cũng muốn nghỉ một chút rồi. Bởi thế, thấy người cũng chẳng có gì là “vướng bụi than”, nhà thơ Mai Nam Thắng cứ nhất quyết không chịu đi tắm. Nhưng, ở đây quy trình là phải thực hiện nghiêm, vì thế mấy anh cán bộ đi cùng đã bảo với Thắng rằng: Anh mà không đi tắm, là không được đi ăn cơm đâu. Tôi thì cứ tưởng anh em đùa, hóa ra đúng thế thật. Nên, cuối cùng, Thắng cũng vui vẻ mà thực hiện đúng quy định này.
Cả trưa ấy, tôi đã theo Vũ Minh Hải đi thăm phân xưởng Đời sống, nơi có tới 4 Nhà ăn cùng Tổ sản xuất Bánh giữa ca, để chứng kiến Quản đốc Phan Nhật Thành, rồi các cô gái: Đỗ Thị Phương, Đặng Minh Vượng, Đoàn Thị Khổ, Nguyễn Thị Hằng...những thiếu nữ quê ở Thái Bình có, Hải Dương có, Nam Định có, mà Đông Triều- Quảng Ninh cũng có, đã tìm về đây mà làm việc, mà gây dựng cho mình một tổ ấm trong bi bô lời con trẻ. Hỏi chuyện Quản đốc Thành, tôi biết thêm một chuyện rằng: Bữa ăn chính cũng như xuất ăn giữa ca của thợ mỏ ở đây đều do Công ty tài trợ. Như vậy, nếu người thợ lò đi làm đủ 22 công/tháng, thì 22 ngày ấy họ cũng chỉ được ăn cơm một bữa ở nhà; và, tính riêng tiền ăn do công ty chu cấp, họ đã được tới 1,6 triệu đồng/người/tháng.
Buổi chiều ấy, Hải còn tạo cơ hội cho chúng tôi được có mặt trong giờ nhận ca của Tổ sản xuất số 3, Phân xưởng Khai thác Than 2. Nhìn những người thợ đào lò trong trang phục bảo hộ truyền thống ngồi ngay ngắn trên từng hàng ghế chờ điểm danh trước lúc nhận việc, tôi cứ cảm giác họ thực sự như những người lính lúc lên đường làm nhiệm vụ. Tôi đã lặng đi khi nghe Phan Thanh Liêm- Phó Quản đốc trực ca (người Tiền Hải Thái Bình) lần lượt đọc to tên từng anh em trong tổ. Những Trần Văn Khoát, Bùi Xuân Vinh, Nguyễn Như Hiếu, rồi Nguyễn Đức Lẫy, Vũ Thanh Dũng, Vũ Văn Việt...cứ sau một cái tên được xướng to lên, là một câu trả lời khẳng khái: có tôi. Để rồi, tìm đến họ, tôi càng như hiểu hơn khi biết họ đều quê Hải Dương, Thái Bình..., thậm chí có người như Việt- quê mãi tận Tuyên Quang cũng đầu quân làm lính hầm lò. Lúc gặp Việt, anh còn kín đáo nói với tôi rằng: “Cháu đi làm ở đây, lương chính cũng được mười mấy triệu. Vừa đỡ đần được gia đình, lại vừa có cơ hội mà tích lũy để lo chuyện lấy vợ”. Hình như, cái chế độ đãi ngộ đối với người thợ hầm lò cùng những đổi mới trong công nghệ khai thác than, đã tạo nên sức hút đối với lớp trẻ hôm nay khi họ biết đâu là chân giá trị của sức lao động, của trách nhiệm xã hội mà không ít người đã cố tình quên lãng.
Nói đến chuyện này, tôi lại nhớ đến bữa cơm gia đình mà Hoàng Văn Ước (Phó Quản đốc Phân xưởng Khai thác than 2), cùng Hà Văn Phô (Phó Quản đốc Phân xưởng Khai thác than 5) mời mấy anh em nhà văn chúng tôi, tại căn hộ tập thể các anh được cấp. Ước quê Ninh Bình, còn Phô quê Thái Bình và đều vào nghề thợ lò trên dưới 20 năm. Vợ con ở quê, nên cả hai anh được công ty bố trí cho ở chung một căn hộ tại tầng 2 Khu tập thể Công nhân mỏ Km số 9. Mỗi anh một phòng rộng chừng 15m2, còn lại là khoảng 40m dành cho phòng khách, nhà bếp, công trình phụ. Ngày đi lảm thì 2 bữa trong lò, còn 1 bữa thì thích ăn gì cứ ra chợ là đủ hết. Những ngày nghỉ, tếch về thăm vợ, thăm con. Một năm, cả nhà đôi ba lần ra Quảng Ninh mà thăm thú, như thế sao gọi là cực khổ.
Tôi cũng đã gặp Nguyễn Văn Xuân (quê Nam Định), để được anh kể chuyện rất thật rằng: “Em mới làm thợ lò được 5 năm. Mọi người cứ kêu nghề này vất vả mà nguy hiểm. Đúng là, họ chả biết gì thật. Quê em, khối anh đi lái xe thuê, còn nguy hiểm gấp vạn lần nghề này. Suốt ngày phơi mặt ra đường, mà tiền mang về cho gia đình có được bao nhiêu. Em đi làm ở đây, nơi ở đã có Khu tập thể của công ty rồi, còn thu nhập lại ổn nữa”. Tôi khẽ hỏi Xuân: “Thế chú đã mang về cho bố mẹ được bao nhiêu rồi?”. Xuân cười: “Cũng đủ cho bố mẹ em làm được cái nhà tử tế, anh ạ. Giờ, em chỉ tích lũy để cố kiếm lấy miếng đất ở đây, rồi tìm một cô vợ thôi”.
Tôi cũng đã đến Nhà máy Sàng tuyển Than Lép Mỹ, gặp Nguyễn Thị Bình (công nhân vận hành) khi cô đang ngồi trước màn hình máy tính mà vận hành, điều khiển cả một dây chuyền sàng tuyển than khá hiện đại. Bình bảo: Em người gốc Hưng yên. Còn, nhà em người Thái Nguyên. Rồi cô lại khoe tiếp rằng: Bây giờ, bọn em chuyển khẩu về hết Quảng Ninh rồi.
Không ai chọn được nơi sinh, nhưng nơi sống thì ai cũng đủ quyền lựa chọn. Tôi tin lời cha tôi đã dạy chúng tôi ngày nào, giờ vẫn luôn đúng với mọi trường hợp.
Thêm nữa, hình như, với tôi, làm việc gì đôi khi cũng còn do duyên nghiệp. Với hầu hết những người thợ mỏ tôi đã may mắn mà tình cờ gặp được họ, nhiều người trong số ấy không chỉ ở cùng làng, cùng xã, cùng huyện, mà họ còn là anh em họ hàng, thậm chí là những người ruột thịt của nhau. Nguyễn Thế Đông (công nhân quan trắc thông gió, quê Hải Dương), cũng có bố làm cùng công ty. Rồi Đào Quang Thanh (Phó Quản đốc Phân xưởng Sàng tuyển, quê Hải Dương), có bố mẹ ra làm mỏ từ những năm 1958. Nhà 5 anh em thì có tới 4 người, cộng thêm 3 dâu, rể cùng theo nghề thợ mỏ.
Tôi lại bất giác nhớ đến mấy câu trong bài hát truyền thống của công nhân mỏ Quang Hanh mà tôi tình cờ được nghe những người thợ Tổ sản xuất số 3, Phân xưởng Khai thác Than 2, đã hát vang trước lúc vào ca: “Nào cùng hát lên, hát lên chào một mùa than mới. Công ty than Quang Hanh đã lớn lên vượt qua gian khó, với truyền thống bất khuất thợ mỏ, ta đi lên...”; để càng thêm hiểu rõ hơn, vì sao những người thợ mỏ ở đây luôn tự tin mà nói rằng: Chúng tôi là thợ mở Quang Hanh!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét