KHI GIÁO SƯ ...CƯỜI
Nhà thơ Hải Đường
Cách đây tròn một thập niên, nhà nghiên cứu văn học Trần Thị Trâm đã cho in cuốn sách Văn học dân gian trong xã hội hiện đại. Cuốn sách được chào đón nhiệt liệt, được bạn đọc, nhất là các nhà nghiên cứu giảng dạy tìm đọc, vì đề tài rất thú vị. Dân gian là chuyện lâu đời. Văn học dân gian xuất hiện từ những ngày đầu của xã hội loài người, khi mà chữ viết còn chưa ra đời. Việc những câu chuyện được truyền miệng dần trở nên phổ biến và được nhiều người truyền tai nhau. Dần dần khi chữ viết xuất hiện nhiều tác phẩm bắt đầu được văn bản hóa. Vậy nên bàn về dân gian trong thời hiện đại thì đúng là hoàn cảnh có vấn đề. Cái thế mạnh của ngôn ngữ dân gian, như tác giả đã viết: “Đây là thứ ngôn ngữ nói nghệ thuật, đặc sắc, hàm súc, ngắn gọn, sinh động; là cách diễn đạt tối ưu: thông tuệ, minh triết nhưng đại chúng, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người”.
Cuộc sống hiện đại như dòng chảy liên tục của một con sông. Tư duy và con người cũng như thế, nó liên tục phát triển, gạn lọc, bồi lắng phù sa. Trong cuộc sống hiện đại, gần đây ta hay nói “xã hội số”, “nền kinh tế số” thì ngôn ngữ cũng mang ký hiệu “số” như thế. Chỉ cần bước chân ra đường ta có thể gặp vô số câu chuyện, tiếng nói khác lạ và ấn tượng, nghe một lần rồi nhớ, rồi truyền tai nhau, đến nỗi tác giả đầu tiên của câu nói hình tượng cũng quên luôn đó là “phát minh” của mình. Chẳng hạn, những thành ngữ mới : “chơi đến đáy, làm đến đỉnh”, “nói quyết liệt, làm tê liệt”, “nói như quả núi, làm như hòn cuội”, “trả ơn thế hệ”, “tài năng không bằng tài trợ”, v.v.. Những khái quát mới thú vị làm sao! Nó có thể thay thế cho những văn bản dài dòng, nhạt thếch, như có người nói: bệnh chán nản, vô cảm dễ bị lây theo đường ... nghị quyết.
Sau một thập niên, nhà văn Trần Thị Trâm đã tiếp tục làm người dạo chơi một cách khẩn trương, tĩnh nhưng mà rất động, tưởng như nhàn tản mà vất vả. Chị lắng nghe tiếng nói của dân quê, của trí thức gom lại, tổng kết, cô đúc, khái quát thành chương, thành hồi, với những bài học bước đầu được đề xuất. Tôi thấy đó là điều đáng trân trọng, vì tác giả đã đóng góp công sức vào việc tìm hiểu, tiếp cận ngôn ngữ tiếng Việt trong thời kỳ mới, nhận thấy sự giao thoa các vùng miền, sự ảnh hưởng các ngôn ngữ trong khu vực và trên thế giới, trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, tiếp xúc và tiếp biến văn hóa. Từ cách tiếp cận, phân tích, tìm ra quy luật hình thành và phát triển ngôn ngữ dân gian mà góp phần làm giàu, làm đẹp ngôn ngữ dân tộc.
Là người làm báo, tôi rất tâm đắc với phần viết về “Văn học dân gian hóa thân vào các tác phẩm báo chí” (trang 152). Tác giả đã quy tụ trong bốn nhận xét hết sức thuyết phục. Đó là, trong các tác phẩm báo chí hiện nay, văn học dân gian thường xuyên được sử dụng một cách hết sức tự nhiên, nhuần nhuyễn và phát huy tác dụng. Đó là, chất liệu văn học dân gian là “bột” để gột nên “hồ” nhiều tác phẩm báo chí, khiến cho nó trở nên đời sống hóa, bớt khô cứng, áp đặt. Đó là, việc sử dụng các phương thức văn học dân gian cũng như một vườn hoa đa màu đa sắc, có thể đậm đà hương, có thể thanh tao hương. Và cuối cùng là, hiệu quả thẩm mĩ của văn học dân gian trong tác phẩm báo chí.
Bám sát bốn vấn đề nêu trên, những nhà nghiên cứu báo chí, văn học và các nhà báo có thể khai triển thành một công trình nghiên cứu dầy dặn, rất độc lạ - độc lạ vì nó đang phát triển, đang được tỉa tót, vỗ về, để tác phẩm báo chí, văn học thật sự là tiếng nói của người dân, thấm đẫm hơi thở cuộc sống “thời 4.0”. Điều này Trần Thị Trâm đã lý giải trong phần “Hiệu quả thẩm mĩ”: “Góc nhìn nhân văn cho phép nhà báo có cách tiếp cận cuộc sống trong chiều sâu văn hóa, sẽ mang đến cho người làm báo những phẩm chất nghề nghiệp quan trọng. Đó là năng khiếu quan sát, là khả năng phát hiện và thể hiện vấn đề” [Tr. 203].
Tôi rất chú ý cách đánh giá của PGS.TS Trần Thị Trâm về xu hướng vận động của văn học dân gian trong hiện tại và tương lai. Chị cho rằng, văn học dân gian sau năm 1986, nói cách khác là văn học của thời kỳ Đổi mới, cần phải được tiếp tục nghiên cứu một cách toàn diện, thấu đáo và phải trở thành một công trình lớn của các nhà khoa học. Xã hội nào văn học đấy, không thể có thứ ngôn ngữ từ Thạch Sanh, Thánh Gióng “lạc” vào thời Internet đã tới từng chân tre ở thôn quê chúng ta. Đúng là, vấn đề lớn phải có một đầu tư lớn, quy mô lớn, xứng với tầm vóc, vị thế của văn học dân gian đương đại. Biết đâu đấy từ một câu nói bình thường, dân giã lại gợi lên cho chúng ta một tổng kết sâu sắc về một nghề nghiệp, một giai tầng xã hội trong một hoàn cảnh, một thời kỳ có nhiều biến động, như thời kỳ hai năm Covid-19 hoành hành làm đảo lộn biết bao vấn đề trong đời sống kinh tế-xã hội, văn hóa đất nước. Thí dụ, từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, cả nước có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, hoặc chuyển sang khu vực tư (hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức). Thật là một “làn sóng” công chức bỏ việc, thôi việc. Văn học dân gian đã có cách nói như thế nào về câu chuyện bất bình thường (có người lại cho rằng rất bình thường) này? Trong một bộ phim chiếu trên VTV3 trong tháng 7-2023, bộ phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, nhân vật Lưu - một cửu vạn ở chợ Long Biên - nói rằng: “Đúng là... hết nước chấm”. Đúng là chả biết nói thế nào hay hơn nữa. Thật!
Bây giờ tôi xin nói thêm một khía cạnh về tiếng cười trong cuốn sách này.
Cười là một nghệ thuật, là biểu hiện của trí tuệ và tâm hồn. Khi vui người ta cười, khi buồn cũng có thể cười - cười cho những trớ trêu của cuộc đời, số phận. Có cái cười đúng chỗ và cái cười không đúng chỗ. Không đúng thì nó trở nên “dị hóa” với tiếng cười. Nhưng đó là những người ưa triết lý nói vậy. Còn bình thường thì, cười cũng giống như chuyện đói ăn, khát uống vậy thôi.
Tiếng cười trong thơ trào phúng đã được bàn đến nhiều. Nhưng tiếng cười trong văn học dân gian thì chưa mấy ai bàn và bàn một cách thấu đáo. Cho nên khi PGS. TS Trần Thị Trâm công bố cuốn sách VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM SAU 1986 thì thật là một bất ngờ thú vị.
Cái hay của việc sưu tầm biên soạn, lý giải và phân tích hoàn cảnh, hiện tượng ra đời của thành ngữ, tục ngữ, truyện cười, rồi ca dao, là tác giả đã công phu tìm kiếm, sắp xếp một cách hệ thống, tôn trọng tính “nguyên bản” qua các dị bản, chọn lọc ra những tác phẩm liên quan đến một chuyên môn hẹp là folklore. Còn nóng hôi hổi là ca dao thời Covid-19. Mời bạn đọc cùng cười, to nhỏ tùy thích, sau một ngày căng thẳng, một đêm trắng cùng World cup-2022:
Cuối cùng tất cả chúng ta
Đều lên nóc tủ ngắm gà khỏa thân.
Làm trai cho đáng nên trai
Mồm thơm mùi rượu tay khai mùi...cồn.
Thanh tra, thanh mẹ, thanh gì
Hễ thấy phong bì là lại thanh kiu.
Ai xui em mặc áo phông
Để sau lần vải như không có gì.
Chân dài là của đại gia
Vừa to vừa ngắn mới là vợ anh.
Mỗi ngày một cuộc giao ban
Lại bàn những chuyện đã bàn hôm qua.
Tôi chỉ xin dẫn sáu cặp đôi lục bát trong số 500 câu. Và đây chỉ là cách chọn bất chợt theo kiểu bắt cá giống trong chậu. Nghĩa là còn nhiều câu nóng hôi hổi vừa thổi vừa đọc. Tha hồ cười. Cười lúc đọc, lúc ăn cơm, khi mơ ngủ, nghĩa là đọc sách này là bạn đã được tặng “mười thang thuốc bổ”,thuốc đã hoàn tán, thậm chí đã ngấm vào lục phủ ngũ tạng. Đọc sách ngang với uống thuốc bổ, chuyện này hình như còn hiếm.
Cuốn sách chuyên luận, sưu tầm, tuyển chọn dày 442 trang. Ngoài những trang cười là những trang nghĩ. Nhưng mà nghĩ một cách nhẩn nha, thú vị. Nó không làm ta ù tai hoa mắt vì những khái niệm, những tập hợp từ bóng nhoáng, điệu đàng, tra khắp các loại từ điển Tây- Ta đều không thấy. Thế đúng là sách công cụ vừa cần thiết vừa... đáng yêu. Nhà văn Trần Thị Trâm chỉ mong muốn có một đóng góp nho nhỏ: “Trên cơ sở phân tích, lý giải đặc điểm phát triển của văn học dân gian Việt Nam đương đại, chuyên luận xác định vị trí, vai trò và những đóng góp của văn học dân gian trong công cuộc xây dựng nền văn hóa mới hôm nay”.
Vâng chỉ có hai trang- “trang cười” và “trang nghĩ”- mà mở ra nhiều trang mới, tùy thuộc vào cách đọc, cách cảm, cách nghĩ của mỗi người.
Chỉ mong sao cuốn sách sớm đến tay và có nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc.
Thời buổi hơi thở văn hóa đọc có phần ì ạch như người leo dốc thì tiếng cười xem ra lại nhẹ nhõm, vang xa, đất trời như cứ rộng mãi ra. Thật đúng là:
“Đất trời ta rộng mênh mang
Đã qua Yên Bái lại càng Lao Cai”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét