Biết ơn người gieo… ‘chữ thơm’!
Vanvn– Nhà thơ Bảo Ngọc đã thay lời con trẻ ở vùng cao viết lên những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp của thầy cô và những hy sinh thầm lặng ấy với lòng biết ơn sâu sắc qua bài thơ “Cô giáo về bản”.
Cô giáo về bản
Bản em trên đồi cao
Suối bò men dốc núi
Gió bên thung rì rào
Hát gọi mùa cơm mới
Một ngày hoa ban nở
Nhuộm tím cả đồi nương
Cô giáo em về bản
Mang theo gùi chữ thơm
Tay cô mềm như mạ
Gieo chữ qua cổng trời
Bản làng vui mở hội
Nghe xôn xao gió cười
Lớp học lưng chừng núi
Chữ lẩn vào chân mây
Bốn mùa cô gieo chữ
Em gặt bao điều hay.
BẢO NGỌC
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Quả nhiên là vậy, bởi vì đối tượng và sản phẩm của dạy học là con người, là yếu tố quyết định đến sự tồn vong hay hưng thịnh của một xã hội, một đất nước.
Vậy nhưng, vinh quang luôn đi cùng thử thách, đó là lý do mà trong xã hội ngày nay nhiều người không dám chọn nghề dạy học. Tuy nhiên, vẫn có những con người dám đương đầu với mọi chông gai, dám hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người, đặc biệt là nơi miền sơn cước xa xôi, biết bao người tần tảo ngày đêm để mang ánh sáng tri thức của nhân loại đến với các em.
Nhà thơ Bảo Ngọc đã thay lời con trẻ ở vùng cao viết lên những vần thơ ca ngợi vẻ đẹp của thầy cô và những hy sinh thầm lặng ấy với lòng biết ơn sâu sắc qua bài thơ “Cô giáo về bản”.
Mở đầu bài thơ, chị viết:
“Bản em trên đồi cao
Suối bò men dốc núi”
Chỉ với hai câu thơ 5 chữ mà hiện lên bức tranh về những bản làng ở vùng rẻo cao thật cheo leo, gập ghềnh, hiểm trở. Bởi lẽ, nước trong dòng suối vốn chảy từ cao xuống thấp là thuận theo quy luật vật lí của tự nhiên, đáng lẽ phải ồ ạt chảy vậy mà ở đây nó phải “bò men” từng chút chậm chạp, phải luồn lách qua từng khe hở của đất đá, cát sỏi để đổ về sông và tìm ra biển lớn.
Người viết tỏ rõ sự sáng tạo, nhuần nhuyễn khi kết hợp nghĩa của 2 động từ “bò” và “men” vào một ngữ cảnh để miêu tả địa hình ở một miền sơn cước, từ đó gợi cho người đọc hình dung về những khó khăn, vất vả mà mỗi con người sinh sống, làm việc ở nơi đây phải vượt qua lớn đến thể nào. Vậy nhưng, đó không phải là dụng ý bài thơ mà là một điểm tựa để ngòi bút tung hứng vẽ nên ánh sáng lấp lánh bừng lên giữa núi đồi vốn phủ đầy sương khói.
Đó là hình ảnh:
“Cô giáo em về bản
Mang theo gùi chữ thơm”.
Phép ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được sử dụng làm nâng tầm giá trị của con chữ lên cấp độ cao nhất. Người ta thường cảm nhận con chữ bằng thị giác là chữ đẹp hay xấu, cẩn thận hay không vậy mà nhà thơ cảm nhận con chữ bằng khứu giác và mô tả bằng một tính từ đặc biệt: “thơm”.
Đó là thứ mùi hương quyến rũ mà ai ai cũng thích và có sức lan tỏa rất rộng, rất xa. Nó cũng gợi lên bức chân dung về trí tuệ, nhân cách và phẩm giá cao đẹp của người đi gieo chữ để em gặt hái được biết bao điều hay, điều mới lạ. Giá trị mà cô mang đến cho em không chỉ là tri thức, là kĩ năng mà còn là nghị lực sống, là hạt giống tâm hồn sáng trong như ngọc.
Sự thú vị của câu thơ còn nằm ở vật dụng mà người viết đưa vào. Đó là chiếc “gùi” – một vật dụng quen thuộc với trẻ em vùng cao khi ngày ngày mẹ cõng trên lưng để lên rẫy, lên nương trồng khoai, trỉa bắp nuôi em khôn lớn.
Vậy là chúng ta đã rõ, hành trang cô giáo mang theo giống như hành trang của mẹ, tấm lòng cô cũng như lòng mẹ bởi luôn luôn dành những gì tốt đẹp nhất cho con. Điều ấy được khẳng định ngay khi bước vào khổ 2 trong khung cảnh “Một ngày hoa ban nở/ nhuộm tím cả đồi nương” được các em cảm nhận qua không khí vui tươi, rực rỡ của cây rừng.
Nét đặc sắc và thú vị của bài thơ tiếp tục phát huy ở khổ thứ ba khi người viết sử dụng phép so sánh:
“Tay cô mềm như mạ
Gieo chữ qua cổng trời”
Bởi xưa nay, người ta thường ví “mềm như lụa” nhưng ở đây tác giả sử dụng hình ảnh cây mạ để so sánh với bàn tay cô, một sự lựa chọn không gì có thể tinh tế và độc đáo hơn. Bởi cây mạ là loài cây cho quê em những hạt thóc vàng, bát cơm thơm dẻo, nuôi sống con người thì con chữ từ bàn tay cô cũng thế.
Mẹ bốn mùa dãi nắng dầm mưa gieo hạt cho em no ấm còn cô lại bốn mùa miệt mài “gieo chữ” cho em “gặt” bao điều hay để làm hành trang, làm phương tiện mà vững vàng bước đến tương lai tươi đẹp sau này. Đó là sự sáng tạo trong nghệ thuật sử dụng động từ mà trước nay thơ ca chưa hề có.
Có thể nói “Cô giáo về bản” là một bài thơ hay về ý nghĩa, đẹp về tâm hồn và rộn ràng về nhạc điệu. Người đọc dễ dàng cảm nhận được không khí vui tươi, háo hức của các em nhỏ vùng cao trong hành trình học chữ và hình ảnh những người thầy có tấm lòng nhiệt huyết, bao dung, dành cả thanh xuân tươi đẹp thậm chí là cả cuộc đời mình để mang ánh sáng của nền văn minh nhân loại về thắp trên những bản làng nơi rẻo cao cách trở. Họ thực sự là tấm gương sáng ngời về nhân cách và trí tuệ mà mỗi một chúng ta nên học tập, noi theo.
LÊ THỊ XUÂN/ GD&TĐ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét